• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Chiếc Nón Lá Trong Đời Sống Và Văn Hoá Việt Nam

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Chiếc Nón Lá Trong Đời Sống Và Văn Hoá Việt Nam

    Chiếc Nón Lá Trong Đời Sống Và Văn Hoá Việt Nam
    Trần Văn Chi

    “Trời mưa thì mặc trời mưa
    Em không có nón thì chừa em ra”
    (Ca dao)


    Cùng với chiếc áo bà ba, chiếc “nón lá” đã theo chân người phụ nữ miệt quê miệt vườn, cùng với chiếc xuồng ba lá, bồng bềnh theo con nước lớn nước ròng, dầm dãi nắng mưa sớm chiều... Từ lâu chiếc nón lá đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong trang phục của người phụ nữ miền Nam nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung.
    Ngày nay chiếc nón là hình ảnh quen thuộc và gần gũi với mọi người, nhưng có ai biết đâu để có cái nón lá đội đầu che mưa che nắng, và để làm duyên nữa, ngày xưa tổ tiên chúng ta đổ bao tâm sức để nghĩ ra và làm nên?
    oo0oo
    Chiếc nón có lá mặt ở xứ mình từ khi nào thì không ai biết? Nhưng từ xưa cái nón đã xuất hiện trong thơ cổ, không biết tác giả là ai.
    “Dáng tròn vành vạnh vốn không hư,
    Che chở bao la khắp bốn bờ.
    Khi để (đội) tưởng nên dù với tán,
    Khi ra thì nhạt (lạt) nắng cùng mưa.
    Che đầu bao quản lòng tư túi,
    Giúp chúa nào quen nghĩa sớm trưa.
    Vòi vọi ngồi trên ngôi thượng đỉnh,
    Ai ai lớn nhỏ đội ơn nhờ.”
    (Thơ cổ)
    Nón như vậy đã có mặt lâu đời ở nước mình rồi. Nón lá là “Ðồ dùng để đội đầu, hình chóp, tròn, thường lợp bằng lá màu trắng”.
    Từ khi có mặt với chức năng là “cái nón”, thì chiếc nón đã theo chân người nông phu ra đồng, theo người phụ nữ đi sớm về trưa, được bà dùng để quạt đưa cháu vào giấc ngủ, được các bà mẹ vỗ về đội vào đầu và nắm tay dìu con đến trường.
    Nón cùng với người lính thú xông pha ngoài chiến trận, nón theo tài tử giai nhân đi trẩy hội, nón theo cung phi vào cung cấm, nón theo các nàng công chúa, các bà hoàng đi chùa cầu duyên cầu tự.
    Nón cũng được các bà mẹ sụt sùi nước mắt đặt nhẹ lên đầu người con gái thương yêu trước khi lên xe hoa về nhà chồng...
    Chiếc nón còn có mặt trong sách vở thi ca, qua câu hò tiếng hát của người bình dân để ngợi ca tình yêu trai gái... và chiếc nón thực sự trở thành một phần trong đời sống vô cùng đẹp và lãng mạn của người mình.
    Nhiều loại nón ngày xưa, nay không còn được sử dụng và mai một.
    Có loại nón được cách tân cho hạp với thời đại và thị hiếu thẩm mỹ của con người, làm cho chiếc nón vượt lên khỏi chức năng “che mưa che nắng”, trở thành đồ trang sức, làm duyên cho người phụ nữ. Có thể nói không sợ quá lời rằng: không có dân tộc nào có chiếc nón, như chiếc “nón lá” gắn bó, gần gũi với con người như dân tộc Việt Nam mình!
    Nói về tên gọi chiếc nón thì ở nước mình phong phú lắm.
    Theo thông thường, chiếc nón khi ra đời được đặt tên theo vật liệu làm nên nó. Như nón lá, nón rơm, nón đệm, nón lá buông, nón dứa, nón gõ, nón quai thao, nón móp, nón bài thơ... Chiếc nón cũng được đặt tên theo hình dạng, như nón chóp, nón dấu, nón mê, nón mẻ, nón thúng, nón chân tượng giống chân voi...
    -“Tiếc vì nón lá quai mây,
    Nên em chẳng dám trao tay chàng cầm”.
    -“ Ông già ông đội nón còi,
    Ông ve con nít ông Trời dánh ông.”
    (Ca dao)
    Nón cũng còn được đặt tên theo địa phương sản xuất, như nón Nghệ, nón Huế, nón Tây Ninh, nón Tân Hiệp (Mỹ tho)...
    “Chợ Dinh bán áo con trai,
    Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim.”
    (Ca dao Huế)
    Nón chuyên dùng thì có tên như “nón tu lờ” của các nhà sư, “nón ngựa” dùng cỡi ngựa, “nón cụ”, nón quai thao, dành cho cô dâu, “nón dấu” dành cho lính thú đời xưa,...
    (Cùng có nhiệm vụ để “đội chụp trên đầu”, nhưng không làm bằng lá thì gọi là cái mũ. Như mũ nan, mũ ni, mũ bạc, mũ cánh chuồn, mũ cánh tiên, mũ tai bèo, mũ bê rê, mũ cối,...)
    “Ngang lưng thì thắt bao vàng,
    Ðầu đội nón dấu vai mang súng dài.”
    Chiếc nón xuất hiện ở nước mình đầu tiên ra sao? - Không ai biết.
    Bùi Xuân Phái chỉ biết lúc cái nón Bắc xuất hiện ở phố cổ Hà Nội cách đây 500 năm. Nón Bắc bấy giờ sản xuất ở làng quê với cái tên là làng Chuông, Thanh Oai tỉnh Hà Tây. Rồi chiếc nón làng Chuông được đem ra bán cho người Hà Hội. Tại phố cổ Hà Nội, nơi phố phường chật hẹp, người đông đúc, có khoảng 100 con đường nhỏ gọi là Phố, với bao ngõ ngách chằng chịt. Nhà mặt tiền dành buôn bán, hẹp thắp và tối phát triển theo chiều sâu, được ngăn làm nơi ăn ở sanh hoạt gia đình, vừa buôn bán.
    Nón Bắc làng Chuông là mặt hàng đặc trưng ở Bắc lúc bấy giờ, bày bán ở phố Hàng Nón, cùng với phố Hàng Ðiếu, hàng Ðồng, Hàng Ðào, Hàng Buồm, Hàng Giầy, Hàng Chiếu, Hàng Than,... làm nên Hà Nội “băm sáu phố phường”.
    (Hà Nội 36 phố phường nay đã thay đổi. Hàng Ðiếu không còn bán điếu mà bán chè thập cẩm, Hàng Gà bây giờ không bán gà mà bán phở bò; Hàng Than nay bán quần áo; Hàng Giày nay bán khăn. Và Hàng Nón nay không còn bán nón nữa!)
    Nón làng Chuông “mang tánh lịch sử”, ngày nay được người Hà Nội làm sống lại qua/trong các lễ hội, được biết/được nhắc tới như là chiếc nón tiêu biểu cho Hà Hội.
    Tới chiếc cái nón Nghệ, rộng trên 80cm, sâu 10cm, đan bằng những sợi tre chuốt nhỏ, to và nặng, có đôi quai thao dài 1m50 làm bằng 8 sợi tơ, hai đầu có một quả găng... Quai thao xưa nổi tiếng thời thế kỷ 17, được làm ra ở làng Triều Khúc, Thanh Trì, còn gọi là làng Ðơ Thao. Làng Ðơ Thao là làng nghề làm quai nón nổi tiếng ngày xưa, có thờ tượng tổ sư của nghề dệt quai thao, tới nay còn được dân làng tự hào.
    Cái nón từ lúc xuất hiện, đi liền với đôi quai được làm bằng dây, mây, vải,... vừa để giữ chiếc nón, vừa để điểm tô cho người đội thêm duyên, thêm dáng, thêm sang trọng và quí phái theo cái nhìn thẩm mỹ bấy giờ.
    -“Nón em nón bạc quai thao,
    Thì em mới dám trao chàng cầm tay.”
    -“Tròng trành như nón không quai,
    Như thuyền không lái như ai không chồng!”
    (Ca dao)
    Theo bước chân Nam tiến, chiếc nón vào xứ đàng Trong với tên gọi như nón Huế, nón bài thơ, nón Bình Ðịnh...
    Chiếc nón giờ đây có dáng vẻ nhẹ nhàng, mang theo trong nó cái “duyên ngầm” của người con gái Huế đội “nón nghiêng che” lãng mạn.
    Chiếc nón Triều Sơn huyện Hương Trà, nón Gò Găng, nón bài thơ... lồng bên trong bài thơ, hình ảnh cầu Tràng Tiền, chùa Linh Mụ, núi Ngự, sông Hương:
    “Con sông dùng dằng, con sông không chảy,
    Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu.”
    (Câu hò Huế)
    Nón Huế nhìn soi qua ánh nắng mặt trời, trông như là bức tranh thủy mạc, mãi mãi là là cái gì đặc trưng và “rặt Huế” không sao tả hết được!
    -“Chợ Dinh bán áo con trai,
    Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim.”
    -“Nón này là nón u mê,
    Nón này là nón đi về che chung.”
    (Ca dao)
    Chiếc nón càng về sau này càng xa rời “nhiệm vụ che nắng che mưa”, trở thành cái để làm duyên của thiếu nữ và cũng được dùng để bày tỏ tình trai gái, tình nghĩa vợ chồng hay ẩn dụ điều gì đó...
    -“Nón mới gột nước trời mưa,
    Anh ham vợ đẹp thì thưa việc làm.”
    -“Trời mưa thì mặc trời mưa,
    Chồng tôi đi bừa đã có nón che.”
    (Ca dao)
    Vào đến miền Nam, chiếc nón được gọi nôm na là “nón lá buông”. Nón làm bằng lá buông, với tre, chỉ sợi... vật liệu có sẵn và nhiều ở Trảng Bàng Tây Ninh, Tân Hiệp Mỹ Tho... Chiếc nón lá miền Nam kiểu dáng nhẹ nhàng, rẻ tiền, rất ư là đời thường nên thực dụng, nhưng vẫn giữ cái dáng vẻ “duyên” của người con gái miệt vườn, sông nước!
    Nón Tây Ninh, Tân Hiệp từ lâu luôn tìm cách đáp ứng nhu cầu và thị hiếu khách hàng nên sản xuất làm 3 hạng nón: hạng nón thường, nón dày, nón lỡ.
    Việc tổ chức làm nón ở Tây Ninh qui mô, khoa học, sản xuất chia ra ba công đoạn để giảm giá thành, như: làm khung tre, lựa lá và chằm nón.
    Khung nón làm bằng tre, loại tre cật Tây Ninh, khung có hình chóp, kích cỡ bằng chiếc nón. Khung và bộ vành với 16 chiếc vòng lớn nhỏ được chuốt nhỏ nhắn, tròn và khéo, cân xứng, nghệ thuật và nhẹ nhàng.
    Lá buông có nhiều ở địa phương, là nguyên liệu chánh làm nên cái nón. Lá phải chọn lá già, lá mật cật, đem luộc chín, vuốt thẳng, phơi/sấy và ủ khô sao cho lá còn giữ màu trắng tự nhiên vẫn xanh-trắng mịn màng, không bị ngả màu đen hay vàng. Lá phải cán hay vuốt thẳng, sao cho sau khi lợp, sau khi chằm không bị co bị dúm lại.
    Giai đoạn cuối cùng là chằm nón bằng những sợi chỉ trong suốt dọc theo nan tre. Chính giữa hai lớp lá được đặt vào các hoa văn, hoặc câu thơ cắt bằng giấy, có khi là hình cầu Tràng Tiền, núi Ngự, Sông Hương...
    Người thợ nón Tây Ninh mỗi ngày làm ra từ 2 đến 4 cái nón tùy theo hàng. Những chiếc nón ra lò ở đây trông “rất Huế” nhưng không phải Huế, do bàn tay những nghệ nhân Tây Ninh khéo léo, bằng những đường kim mũi chỉ sắc sảo. Ðó là những người thợ nón bước vào nghề từ lúc còn bé 5, 6 tuổi đến già, yêu cái nghề làm nón và cả đời làm nón Huế dầu chưa có một lần bước chân đến Huế! Nên có hai câu hát “Nón rất Huế nhưng đời không phải Huế/Mà chỉ để làm đẹp nón ai nghiêng...”
    ***
    Chiếc nón từ khi có mặt, đã phục vụ cho người thường, cho quan chức, cho cả người chết. Nón còn được làm để dâng cho thần linh trong đình chùa đền miếu miễu... phục vụ cho tín ngưỡng con người.
    Kể sao xiết những chiếc nón của người Việt mình xưa nay. Bởi:
    Còn những chiếc nón xuất hiện nơi thị thành đèn hoa đô hội: ngoài chiếc nón của thầy thông thầy ký mắc tiền đội hờ cho có, còn chiếc nón của bác xích lô, người phu quét đường, người “cu li” bốc vác... dùng để đội, để chắn gió mồi thuốc, để che mặt ngủ trưa hay chờ khách!
    Còn những chiếc nón ra đồng, chiếc nón dùng để múc nước rửa mặt, múc nước uống tạm bên sông, chiếc nón của bà mẹ quê tạm dùng đựng mớ rau tập tàng mới hái được đâu đó để dành nấu canh cho chồng cho con ăn!
    Ðó là những chiếc nón của những mảnh đời tăm tối nhưng đáng trân trọng. Sao không?
    Dầu chiếc nón lá làm ra không dành riêng cho phái nữ, nhưng nói đến cái nón lá xưa nay người mình có thói quen liên tưởng đến người phụ nữ “nón nghiêng che” đầy ấn tượng!
    “Ra đường nghiêng nón cười cười,
    Như hoa mới nở, như người trong tranh”
    (Ca dao)
    Chiếc nón Việt Nam vì vậy là cái gì kỳ diệu và thật sự trở thành một phần trong đời sống văn hóa của chúng ta.
    Sống trên đời

    Similar Threads
  • #2

    Nón lá Huế có gì hay?

    Nón lá Huế có gì hay?







    ĐỖ NAM

    Dưới góc nhìn nghiên cứu khoa học, nón lá Huế đạt một tỉ lệ vàng trong cấu trúc và đạt độ đồng đều một cách đáng kinh ngạc.

    Tình cờ được đọc bản dự thảo “Quy hoạch phát triển bền vững thành phố Huế đến năm 2020” thấy có ý tưởng cực hay: “Huế phải được giải thích. Không có gì ở Huế là bình thường và đều có nguồn gốc sâu xa”. Một đánh giá quá cao về các sản phẩm du lịch của Huế đã được khai thác hay còn dưới dạng tiềm năng. Đồng thời cũng là lời trách nhẹ nhàng nhưng sâu sắc rằng chúng ta chưa coi trọng việc giải thích nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm du lịch của mình. Cách tán đồng hay nhất với nhận định trên là thử giới thiệu, giải thích “nguồn gốc sâu xa” của một mặt hàng lưu niệm đang được ưa chuộng - nón lá Huế với hy vọng có thể giúp nhiều người hiểu thêm những cái hay của nón lá Huế.

    Chúng tôi sẽ không lặp lại những gì đã được đề cập đến trong rất nhiều bài viết về nón lá như các loại hình và nguồn gốc hình thành, chất liệu và sự biến động của kiểu dáng, về hình ảnh nón lá như một món đồ trang sức làm tăng thêm sự duyên dáng của người thiếu nữ, mà muốn nói đến những gì đã và đang làm nên danh tiếng của nón lá Huế: màu sắc, kiểu dáng, trọng lượng, kết cấu và phong cách trang trí của nó.





    Đêm trắng - Ảnh: T.V





    Từ một chồng nón lá được sản xuất ở các địa phương làm nón lá nổi tiếng trong cả nước bất kỳ ai cũng dễ dàng chọn ra được chiếc nón lá Huế nhờ màu sắc của nó.

    Cái đặc sắc không phải vì nón lá Huế có màu trắng sáng nhẹ nhàng mà ở chỗ màu trắng sáng của nón lá Huế là màu của lá nón non tự nhiên được giữ nguyên từ khi nó được khai thác trong rừng sâu, được đưa về sơ chế qua các công đoạn đạp, sấy và ủ, ủi trên lò than và quan trọng nhất là không hề có hoá chất trộn vào. Trong thời đại ở đâu cũng gặp hoá chất, ở đâu cũng buộc phải tiếp xúc với hoá chất, một sản phẩm không sử dụng hoá chất, không dính dáng gì đến hoá chất có phải là tuyệt vời không?

    Có một công ty quảng cáo ở Hà Nội nhận quảng cáo cho một sản phẩm của Huế đã sử dụng ảnh chụp một cô gái đội nón lá rất xinh đẹp, rất duyên dáng, nhưng bị khách hàng trả lại với lý do cô gái kia đang đội nón lá Quảng Bình! Hoá ra là vị khách hàng kia đã nhận ra chiếc nón cô gái đang đội không có kiểu dáng đặc trưng của nón lá Huế.

    Trong toán học, kiến trúc và nghệ thuật tồn tại một tỷ lệ vàng, được diễn đạt một cách đơn giản qua tỷ lệ giữa hai cạnh của một tam giác vuông sao chotỷ lệ giữa tổng độ dài của hai cạnh trên độ dài của cạnh lớn bằng tỷ lệ giữa cạnh lớn trên cạnh nhỏ, và gần đúng bằng 1,618. Thật tình cờ, tỷ lệ các kích thước của nón lá Huế là gần hơn với tỷ lệ vàng so với kích thuớc của nón lá cả của binh lính và dân thường ngày xưa, của nón lá các vùng miền khác trong cả nước ngày nay. Chắc chắn là, những người thợ không hề biết là có một tỷ lệ được gọi là tỷ lệ vàng trong kiến trúc và nghệ thuật, chỉ biết rằng kiểu dáng đặc trưng liên quan đến tỷ lệ giữa chiều cao, bề rộng và độ dốc của nón lá Huế được nhiều đời thợ làm khung chằm nón kiểm nghiệm, gia giảm mới đạt được sự hài hoà, hợp lý ngày nay và trở nên một thứ kiến thức bản địa, riêng có, được giữ gìn và lưu truyền như một thứ gia bảo, cha truyền con nối.





    Biển và nón - Ảnh: DVH





    Cầm chiếc nón lá Huế bất kỳ trên tay, ai cũng dễ dàng nhận ra là nó thanh mảnh và nhẹ. Người xưa đã từng ca ngợi nón lá Huế “mỏng như tờ giấy, nhẹ nhàng như cánh nhạn, đẹp và bền, được nhiều người ưa thích”. Nón lá Huế, dù là nón ba lớp, vẫn nhẹ hơn hẳn so với nón lá Làng Chuông (Hà Nội) và nón lá Gò Găng (Bình Định).

    Khi cân nón lá các vùng miền để so sánh, chúng tôi thấy rằng nón lá Làng Chuông nặng gần gấp đôi nón lá Huế. Nhưng cái đặc sắc nhất của nón lá Huế không nằm ở “cái nhẹ nhàng như cánh nhạn” đã được công nhận từ xưa đó, mà ở độ đồng đều đáng kinh ngạc của nón lá Huế. Cả tỉnh Thừa Thiên Huế có gần mười ngàn người thợ làm nghề chằm nón ở khắp các huyện và thành phố Huế, đa số là không chuyên, chỉ làm nón trong lúc nông nhàn. Thế mà, không ai bảo ai, không ai đặt ra tiêu chuẩn hay ra quy chuẩn kỹ thuật, nhưng trọng lượng của các chiếc nón được lấy ra cân một cách ngẫu nhiên chỉ chênh nhau có 3%. Con số 3% sẽ ấn tượng hơn nhiều nếu biết thêm rằng chiếc nón Gò Găng có trọng lượng lớn nhất so với chiếc nón Gò Găng có trọng lượng nhỏ nhất chênh nhau đến gần 25%!

    Thanh mảnh nhưng bền, thế mới hay, thế mới đáng được ngợi ca. Chúng tôi đã thử làm các thí nghiệm đo độ bền và kết quả không ngoài mong đợi: dù hai lớp hay ba lớp, dù là nón bài thơ hay nón thường, nón lá Huế vẫn có độ bền vững hơn hẳn so với các đối chứng. Độ bền vững của nón lá Huế phụ thuộc vào 2 yếu tố: kết cấu và vật liệu, mà chủ yếu là vật liệu làm vành. Kết cấu hình chóp nón với hệ thống 16 vành làm bằng tre lồ ô, là các đường tròn đồng dạng cách đều nhau trên mặt nón, được liên kết với lá nón theo chiều dọc từ đỉnh chóp xuống bằng những mũi khâu đều như máy đảm bảo cho chiếc nón lá Huế hết sức bền vững.



    Chuông nón - Ảnh: Trương Vững




    Cuối cùng, dù đã được nhiều người nhắc đến, nhưng chúng tôi không thể bỏ qua điểm đặc sắc quan trọng nhất, đặc điểm làm nên tên tuổi và danh tiếng cho nón lá Huế, là những “bài thơ trong chiếc nón”. Người thợ làm nón ghép vào giữa 2 lớp lá mỏng và sáng những tranh cắt giấy là những hình ảnh diễn tả danh lam, thắng cảnh của Huế, những hoa văn tinh tế hay những câu thơ nổi tiếng và họ gọi những chiếc nón ấy là nón bài thơ. Muốn đọc thơ, xem tranh phải đưa nón lên soi trước ánh sáng. Có lẽ vì thế mà vẻ đẹp của nón bài thơ luôn luôn được xem là hình ảnh phản ánh vẻ đẹp kín đáo của người phụ nữ Huế, phải nhìn lâu, nhìn kỹ, phải có sự trợ giúp của ánh sáng mặt trời ở một góc độ thích hợp mới thấy được.

    Không biết tự bao giờ, và ai là người đầu tiên nghĩ ra việc làm nón bài thơ, tức là việc ghép các câu thơ, các bức tranh phong cảnh, các hoa văn cắt giấy vào nón lá Huế để có sản phẩm mới, độc đáo là nón bài thơ. Có lẽ cũng như các tác phẩm nghệ thuật dân gian: tác giả là nhân dân. Tại sao từ những câu thơ “viết” trên chiếc nón lá mà người ta gọi là nón bài thơ?

    Có phải người Huế là người làm ra chiếc nón bài thơ đầu tiên, để sau đó lan ra khắp cả nước? Chỉ biết rằng, theo sử sách, hai vùng làm nón lâu đời là Gò Găng và Làng Chuông đã chịu ảnh hưởng của nón bài thơ xứ Huế để có trở thành những vùng sản xuất nón lá nổi tiếng cho đến tận ngày nay. Có phải một cô gái Huế làm nghề chằm nón muốn gửi gắm những lời yêu đương cho người mình yêu qua những “bài thơ”? Không có cứ liệu làm cơ sở để có câu trả lời chính xác. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, người đầu tiên làm việc đó, và cho đến ngày nay, những người kế tục, là những cô gái, những người phụ nữ có tâm hồn tinh tế và bàn tay tài hoa, tiếp đón ý tưởng đầu tiên đầy sáng tạo và lãng mạn để đẩy nón lá Huế lên một mức cao hơn về mặt nghệ thuật. Người thợ nón lá muốn thổi cái hồn Huế vào trong chiếc nón, và mong muốn cháy bỏng đó của những người thợ gặp môi trường thơ được nuôi dưỡng bởi dòng nước ngọt lành của con sông Hương, để sáng tạo ra chiếc nón bài thơ đầu tiên, để ngày nay nó trở thành vật dụng hàng ngày của người phụ nữ Huế và là quà tặng lưu niệm cho những du khách đến từ phương xa.

    Đ.N
    (SDB – 5-2010)
    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 07-06-2010, 11:30 PM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

    Comment

    Working...
    X
    Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom