• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

"Tống biệt hành" của Thâm Tâm

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • "Tống biệt hành" của Thâm Tâm

    Tống Biệt Hành

    Thâm Tâm

    Nhà thơ Thâm Tâm tên thật là Nguyễn Tuấn Trình. Ông sinh năm 1917 tại Hải Dương, mất năm 1950. Thơ ông hay nói đến sự ra đi mà TỐNG BIỆT HÀNH là tiêu biểu.


    Đưa người, ta không đưa qua sông
    Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
    Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
    Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong ?

    Đưa người ta chỉ đưa người ấy
    Một giã gia đình một dửng dưng...

    -Li khách! Li khách! Con đường nhỏ
    Chí nhớn chưa về bàn tay không
    Thì không bao giờ nói trở lại!
    Ba năm mẹ già cũng đừng mong!

    Ta biết người buồn chiều hôm trước
    Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
    Một chị, hai chị cũng như sen
    Khuyên nốt em trai dòng lệ sót

    Ta biết người buồn sáng hôm nay:
    Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay
    Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
    Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...

    Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
    Mẹ thà coi như chiếc lá bay
    Chị thà coi như là hạt bụi
    Em thà coi như hơi rượu say...

    (1940)


    Trên thivien.com có đăng 1 dị bản của Tống Biệt Hành

    Tống biệt hành

    Đưa người ta không đưa qua sông
    Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng?
    Bóng chiều không thẫm không vàng vọt
    Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

    Đưa người ta chỉ đưa người ấy
    Môt giã gia đình, môt dửng dưng.
    Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ
    Chí lớn không về, bàn tay không
    Thì không bao giờ nói trở lại
    Ba năm mẹ già cũng đừng mong.

    Ta biết người buồn đêm hôm trước
    Bây giờ muà hạ sen nở nốt
    Môt chị, hai chị cùng như sen
    Khuyên nốt em trai giòng lệ sót

    Ta biết người buồn sáng hôm nay
    Trời chưa vào thu tươi lắm thay
    Em nhỏ thơ ngây đôi mắt ướt
    Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay..

    Người đi? Ừ nhỉ, người đi thật
    Mẹ! thà coi như chiếc lá bay
    Chị! thà coi như là hạt bụi
    Em! thà coi như hơi rượu cay

    Mây thu đầu núi, giá lên trăng
    Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm
    Ly khách ven trời nghe muốn khóc
    Tiếng đời xô động tiếng hồn câm

    THÂM TÂM 1940






    Màu sắc Đường thi trong bài thơ "Tống biệt hành" của Thâm Tâm

    Viết về đề tài rất quen thuộc và có nhiều bài thơ nổi tiếng nhưng vẫn tạo được cho thi phẩm của mình một màu sắc độc đáo, hấp dẫn thì không thể không nói đến nhà thơ Thâm Tâm với bài thơ Tống biệt hành. Đã có rất nhiều người khám phá vẻ đẹp lung linh muôn sắc màu của tác phẩm này. Xin góp thêm cảm nhận về Tống biệt hành nhìn từ góc độ cấu tứ mang màu sắc Đường thi trong việc thể hiện tâm trạng, tinh thần của đấng nam nhi thời đại mới thông qua cuộc tiễn đưa.

    Một trong những đặc điểm của cấu tứ thơ Đường là các nhà thơ không bao giờ nói trực tiếp và nói hết ý mình mà chỉ dựng lên các mối quan hệ để độc giả luận ra ý tác giả.
    Thâm Tâm đã kế thừa cấu tứ thơ Đường làm cho bài thơ đậm đà phong vị Đường thi nhưng lại ngời sáng tinh thần thời đại. Trước hết, tác giả tạo dựng mối quan hệ KHÔNG – CÓ ở bốn câu thơ mở đầu bài thơ để thể hiện tình người trong cuộc chia ly, tiễn biệt: không có sông nhưng có tiếng sóng ở trong lòng, không có bóng chiều nhưng có hoàng hôn trong mắt. Những hình ảnh đối lập đó đã diễn tả nỗi buồn tê tái của người đưa tiễn, ẩn chứa đằng sau đó là tâm trạng của người ra đi. Thâm Tâm đã tạo ra sự hiện diện của những cái không có bằng hàng loạt từ phủ định ("không đưa qua sông", "bóng chiều không thắm, không vàng vọt") nhưng liền sau đó lại đưa ra những câu hỏi tu từ.

    Đưa người, ta không đưa qua sông,
    Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng?
    Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
    Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

    Chính điều đó lại gợi cái có trong liên tưởng người đọc về hình ảnh "dòng sông", "hoàng hôn" đã trờ thành biểu tượng cho những cuộc chia ly. Trong thơ Đường, dường như cuộc tiễn đưa nào cũng không thể thiếu những hình ảnh đó:

    Sổ thanh phong địch ly đình vãn
    Quân hướng Tiêu Tương, ngã hướng Tần.
    (Trịnh Cốc – Hoài thượng biệt hữu nhân)
    (Vài tiếng sáo theo gió vi vút, ở đình ly biệt buổi chiều hôm
    Anh đi tới vùng sông Tiêu, sông Tương, tôi đi tới đất Tần)

    Thỉnh quân thi vấn đông lưu thuỷ
    Biệt ý dữ chi thuỷ đoản trường.
    (Lý Bạch)
    (Xin bạn thử dòng nước chảy về đông
    Xem tình ý biệt ly và dòng nước bên nào ngắn bên nào dài)

    Li tâm bất dị Tây giang thuỷ
    (Hứa Hồn)
    (Tình li biệt chẳng khác gì dòng nước sông)

    Các nhà thơ cổ điển lúc viết thơ "Tống biệt" hay dùng thủ pháp đồng nhất tình cảm và cảnh, còn Thâm Tâm có cách thể hiện riêng: không tả cảnh nhưng lại gợi cảnh. Cái tài của tác giả là tạo nên sự liên tưởng, sự cộng hưởng nối liền cuộc chia ly hiện tại với cảnh cũ người xưa trong lòng độc giả. Chính vì vậy nhà thơ đã thành công khi thể hiện tình cảm muôn thuở của con người: "Bi mạc bi hề sinh biệt ly" (Không gì buồn bằng nỗi buồn chia ly) (Khuất Nguyên). Có lẽ Thâm Tâm đã gặp gỡ Huy Cận trong cách thể hiện này. Khi tác giả Tràng giang viết "Lòng quê dợn dợn vời con nước / Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà" đâu có ý phủ nhận "khói" để khẳng định nỗi nhớ nhà của mình da diết và thường trực hơn Thôi Hiệu:

    Quê hương khuất bóng hoàng hôn
    Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?
    (Thôi Hiệu – Hoàng Hạc lâu)

    Ngược lại Huy Cận đã diễn tả nỗi nhớ quê hương da diết bằng cách cộng thêm nỗi buồn của người xưa.

    Thâm Tâm phát hiện những nét đối lập mà thống nhất để tạo dựng hàng loạt mối quan hệ: bề ngoài – bên trong; con người giả - con người thực; dửng dưng, lạnh lùng - buồn bã, dằn vặt… để khắc hoạ tâm trạng, ý chí, khát vọng của li khách thông qua cảm nhận của người đưa tiễn.
    Người ra đi (li khách) là con người khác thường, bề ngoài có vẻ dửng dưng với tất cả, vượt lên mọi trở lực riêng tư để thực hiện chí lớn.

    Đưa người, ta chỉ đưa người ấy,
    Một giã gia đình, một dửng dưng…

    - Li khách! Li khách! Con đường nhỏ,
    Chí nhớn chưa về bàn tay không,
    Thì không bao giờ nói trở lại!
    Ba năm, mẹ già cũng đừng mong.

    Các từ ngữ "một", "giã", "không bao giờ", "đừng" cực tả cái rắn rỏi dứt khoát tưởng chừng không ai có thể ngăn cản quyết tâm của người ra đi. Người ấy ra đi có vẻ như là không hề vướng bận với một chút tình riêng:

    Mẹ thà coi như chiếc là bay
    Chi thà coi như là hạt bụi
    Em thà coi như hơi rượu say.

    Dáng vẻ cương quyết của li khách, chúng ta đã từng bắt gặp ở tráng sĩ Kinh Kha, ở "Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt" trong Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn. Nhưng đến khổ thơ thứ ba qua sự hồi tưởng của người tiễn thì con người thật bị che đậy ở trên đã được bộc lộ.

    Ta biết người buồn chiều hôm trước:
    (…)
    Ta biết người buồn sáng hôm nay:

    "Ta biết" chứ không phải "ta thấy" tức là người ở lại hiểu được nỗi niềm sâu thẳm trong cõi lòng người ra đi. Nếu như "nước mắt như mưa" giúp ta nhận biết về con người thật ẩn chứa sau dáng vẻ bề ngoài oai nghiêm, hùng dũng của lính thú đời xưa thì ở bài thơ này ta nhận được con người thật li khách qua sự đồng cảm của người ở lại. Đằng sau cốt cách rắn rỏi, dửng dưng của đấng nam nhi ý thức được "Làm trai đứng ở trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông" là cả chiều sâu nội tâm. Đó là những nỗi buồn day dứt, dằn vặt, xót xa của li khách trước tình cảm gia đình thiêng liêng. Ngay sau giọng thơ có vẻ dứt khoát, rắn rỏi và sự lặp đi lặp lại ba chữ "thà coi như" ở ba câu cuối bài thơ là sự xót xa, nghen ngào thầm lặng. Có một sự giằng xé nội tâm trong con người này: một bên là tình cảm, một bên là ý chí, khát vọng. Thâm Tâm đã xây dựng hình tượng nghệ thuật tương phản nhưng nhằm tô đậm sự thống nhất trong hành động, ý chí của li khách. Tạo dựng nên các mối quan hệ, nhà thơ dần dần hé mở cho người đọc nhận ra cái có ẩn chứa trong cái không, cái thực ẩn chứa trong cái hư và cuối cùng là hình ảnh một con người mang dáng dấp trượng phu được nhiều người ngưỡng mộ.

    Thủ pháp gợi - một thủ pháp quen thuộc trong Đường thi đã được nhà thơ vận dụng để thể hiện khát vọng thực hiện chí lớn của li khách. Khi Thâm Tâm cực tả tình cảm tiếc thương, níu kéo của người thân chính là để cực tả ý chí không gì lay chuyển nổi của người ra đi. Tác giả còn tạo ra mối quan hệ tin – không tin để tô đậm thêm ý này. Người ở lại in đây là cuộc đưa tiễn thật nên mới có "sóng ở trong lòng", "hooàng hôn trong mắt" thế mà khi li khách đi rồi vẫn không tin là có thật: "Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!" . Câu thơ diễn tả sự bàng hoàng, ngỡ ngàng của người tiễn vì anh ta cứ tưởng là tình cảm của người thân có thể níu kéo li khách ở lại được. Làm sao có thể đành lòng trước cảnh mẹ già, cảnh chị gái "Khuyên nốt em trai dòng lệ sót" , cảnh em gái "Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay" ?... Điều đó cũng chỉ nhằm khắc hoạ thêm quyết tâm thực hiện một cuộc ra đi tự nguyện đầy lãng mạn với những khát vọng cao cả của li khách.

    Kế thừa nhưng không lặp lại, Thâm Tâm đã tạo nên sức sống diệu kỳ cho Tống biệt hành. Đặc biệt, sự kế thừa, sáng tạo trong cấu tứ thơ Đường giúp cho tác giả thể hiện sâu sắc một cái nhìn đa chiều về "vẻ đẹp con người cao cả trong toàn bộ sự biểu hiện chân thật của nhân tính, đầy tinh thần nhân đạo" (Trần Đình Sử)

    Thạc sĩ Hồ Thuý Ngọc GV. Khoa xã hội nhân văn - CĐSP Hà Tĩnh


    Nguồn: Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ
    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 27-02-2010, 01:46 AM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
    Similar Threads
  • #2

    Đến với bài thơ hay: "Tống biệt hành" của Thâm Tâm



    Đưa người ta không đưa qua sông
    Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
    Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
    Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

    Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
    Một giã gia đình, một dửng dưng...

    Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ,
    Chí lớn chưa về bàn tay không,
    Thì không bao giờ nói trở lại!
    Ba năm mẹ già cũng đừng mong.

    Ta biết người buồn chiều hôm trước
    Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
    Một chị, hai chị cũng như sen
    Khuyên nốt em trai dòng lệ sót (*).

    Ta biết người buồn sáng hôm nay:
    Trời chưa mùa thu, tươi lắm thay,
    Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
    Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...

    Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
    Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
    Chị thà coi như là hạt bụi,
    Em thà coi như hơi rượu say.

    Mây thu đầu núi, gió lên trăng (**)
    Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm.
    Ly khách ven trời nghe muốn khóc,
    Tiếng đời xô động, tiếng hờn căm (***).

    (1941)


    "Tống biệt hành" là bài thơ nổi tiếng và được ưa thích nhất của Thâm Tâm. Có người không ngần ngại liệt nó vào một trong mười bài thơ tiền chiến hay nhất (1). Chục năm nay, "Tống Biệt Hành" cũng được xếp trong tuyển chọn năm mươi bài thơ trữ tình tiêu biểu của mười thế kỷ thơ ca Việt Nam (2).

    Đề tài bài thơ là một trong hằng hà sa số những cuộc ly biệt được đưa vào "Thơ Mới" thời 1930 - 1945. Nhưng có lẽ trong văn học Việt Nam, trước và sau Thâm Tâm, không ai viết về chia ly đầy tính bi hùng, trữ tình và mãnh liệt đến như thế.

    Đưa người, ta không đưa qua sông.

    Từ bao đời nay, con sông, bến nước vẫn là địa điểm của những cuộc tiễn biệt. Chẳng những vì xưa kia, phương tiện giao thông chủ yếu của người dân quê là chiếc thuyền. Con sông còn như một ranh giới, một vành đai bao phủ và che chở mỗi vùng làng mạc. Mỗi người, khi qua sông, cũng là lúc rời bỏ quê hương cùng gia đình và người thân của họ. Chẳng phải là ngẫu nhiên khi dòng sông, con tàu đi vào tiềm thức mỗi người như một biểu tượng của giã biệt, xa cách. Trong thơ ca cũng vậy:

    Anh Khóa ơi,
    Em tiễn anh xuống tận bến tàu...
    ("Anh Khóa", Trần Tuấn Khải)

    Biệt ly,
    Sóng trên dòng sông,
    Ôi còi tàu như xé đôi lòng,
    Và mây trôi, nước trôi, ngày tháng trôi,
    Càng lướt trôi.
    ("Biệt ly", Dzoãn Mẫn)

    Nhưng lần này, tác giả không đưa bạn mình qua sông. Vào những năm cuối của thập kỷ ba mươi, khi Nguyễn Bính viết "Những bóng người trên sân ga", nhiều cuộc đi xa đã khởi đầu trên một bến xe, một sân ga nào đó.

    Tuy thế hình ảnh con đò, bến nước trong văn chương và cuộc đời đã hằn sâu trong tác giả tự bao giờ, khiến anh phải thốt lên:

    Sao có tiếng sóng ở trong lòng?

    Hỏi đấy, nhưng chỉ để bộc lộ nỗi lòng buồn bã pha chút vị ngây ngất của anh. Tiếng sóng ấy chưa đến độ như "tiếng đời xô động, tiếng hờn câm" ở đoạn kết, nhưng đã tựa như tiếng đàn khuấy động những cung bậc bi phẫn giữa người đi và kẻ ở.

    Đã hay rằng "người" buồn đấy, còn "cảnh" ra sao? Buổi chiều ấy, dù "không thắm, không vàng vọt", nhưng "đầy hoàng hôn trong mắt trong", và có thể rất đẹp đấy. Nhưng nó vẫn đượm vẻ gì man mác vô định. Có điều, vào lúc ấy, nào ai còn để ý đến cảnh vật bên ngoài. Họ mải "giã gia đình" và "dửng dưng". Đối với tác giả, chỉ còn người đi là tồn tại, anh chỉ "đưa người ấy", ngoài ra mọi thứ khác nào có nghĩa gì.

    Cuối cùng thì giờ phút chia tay cũng phải đến. Người đi hùng dũng lắm, hăng hái và hăm hở lắm:

    Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ,
    Chí lớn chưa về bàn tay không,
    Thì không bao giờ nói trở lại!

    Anh thề thốt thật ghê! Người đọc không biết anh đi đâu, anh làm gì. Chắc sự nghiệp của anh lớn lắm. Có gì làm ta nhớ lại chàng Kinh Kha vào Tần qua sông Dịch lạnh tê tái, khảng khái làm hớp rượu, rồi bước thẳng không quay đầu lại:

    Phong tiêu tiêu hề, Dịch thủy hàn,
    Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn.
    (Gió hiu hiu chừ, sông Dịch lạnh ghê,
    Tráng sĩ một đi chừ, không bao giờ về.)

    Ta thấy anh đi khí thế thật đấy, nhưng sao cô đơn quá! Đi thì cứ đi, nhưng nào có rõ tương lai:

    Ba năm, mẹ già cũng đừng mong.

    Anh lên gân vậy thôi, chứ thực ra, anh thương mẹ lắm. Và khi đi, nào phải anh không day dứt. Anh còn chị, còn em. Những người chị "như sen" và người em "ngây thơ đôi mắt biếc", đâu muốn anh đi. Hẳn nhà anh nheo nhóc và cực nhọc lắm, anh đi rồi, ai lo?

    Tất nhiên, chí trai bốc đồng, anh tỏ ra quyết tâm lắm. Nhưng dễ thấy đó chỉ là vẻ bề ngoài. Kỳ thực, lòng anh thật mềm yếu. Anh đã buồn, chắc là từ lâu, chứ đâu phải chỉ từ "chiều hôm trước" với "sáng hôm nay".

    Và cảnh sắc bầu trời mùa hạ sang thu ấy thật đẹp. Anh nhất quyết phải từ giã gia đình, bạn bè trong khung cảnh ấy sao? Đích của anh nào có chắc chắn gì? Đâu phải anh không có những day dứt, ràng buộc bịn rịn?

    Nhưng rồi anh vẫn dứt áo ra đi. Đi lúc nào mà người tiễn chẳng hay:

    Người đi! Ừ nhỉ? Người đi thực!

    Như một cơn mơ, lúc bừng tỉnh chẳng còn gì. Anh đã đi, đi thực. Làm người ở lại đắm trong nỗi thẫn thờ. Cuộc đời sao như tỉnh, như mơ! Đành phải chịu!

    Tất cả dẫn đến một cao trào. Nhịp thơ trở nên gấp gáp, rắn rỏi, mãnh liệt, nhưng đượm vẻ chua chát và bi phẫn:

    Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
    Chị thà coi như là hạtbụi
    Em thà coi như hơi rượu say.

    Anh muốn quên lãng đi mọi thứ. Quên đi cho hết nỗi sầu. Như người lữ khách trong "Chiều" của Hồ Dzếnh. Nhưng thử hỏi: có quên được không?

    Mây thu đầu núi, gió lên trăng,
    Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm.

    Thời gian qua đi. Bóng hoàng hôn không còn nữa. Cơn lạnh và bóng tối trùm lên mỗi bước anh đi. Lúc ấy, người lữ khách còn lại một mình. Âm thầm. Lặng lẽ. Cái đích vẫn xa vời. Và nhuệ khí xưa đâu còn nữa. Anh muốn bật khóc, muốn gào lên tức tưởi:

    Ly khách ven trời nghe muốn khóc,
    Tiếng đời xô động, tiếng hờn câm...

    Chẳng biết lúc ấy, anh trách ai? Trách mình, hay trách cuộc đời cay nghiệt?

    *

    Ông Hoài Thanh trong "Vài suy nghĩ về thơ" (3) đã thú nhận khi viết "Thi nhân Việt Nam", ông rất khoái "Tống Biệt Hành". Chẳng những vì "điệu thơ gấp gáp. Lời thơ gắt. Câu thơ rắn rỏi, gân guốc. Không mềm mại, uyển chuyển như phần nhiều thơ bây giờ" (4), mà chủ yếu bài thơ mang phong vị "bâng khuâng khó hiểu của thời đại". (5)

    Không rõ "Tống Biệt Hành" có gì "khó hiểu"? Nhưng rõ ràng khi đọc, tôi thấy thật "bâng khuâng". Vẻ trầm hùng, cổ kính của bài thơ cùng những hình ảnh "mong manh, ghê rợn, như những nhát dao xiết vào tâm hồn, tưởng là rất nhẹ hóa ra lại rất nặng" (6) gây nên một ấn tượng thật mạnh và sâu đến người đọc.

    Ít năm trước đây, nhà thơ Lương Trúc (7), một người bạn của Thâm Tâm, có tiết lộ rằng "Tống Biệt Hành" là bài thơ Thâm Tâm viết tặng ông khi ông đi hoạt động. Tạm cho là như vậy. Ở vào hoàn cảnh bấy giờ (1941), hành động cách mạng của những thanh niên độ tuổi hai mươi như họ, có thể coi là một sự dấn thân đầy mạo hiểm. Nó mang hình ảnh các tráng sĩ thời xưa, vào cuộc chiến "lạnh lùng theo trống dồn" ("Chiến sĩ vô danh", Phạm Duy), với lòng hăng hái thiêng liêng "chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" ("Tây Tiến", Quang Dũng). Và cũng chẳng khác gì mấy hình ảnh thật đẹp và oai hùng của lứa văn nghệ sĩ đầu tham gia kháng chiến, nửa thập kỷ về sau:

    Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội,
    Những phố dài xao xác hơi may,
    Người ra đi đầu không ngoảnh lại,
    Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
    ("Đất nước", Nguyễn Đình Thi)

    ... Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa
    Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng
    Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
    Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
    Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
    Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa
    Mái đầu xanh hẹn mãi tới khi già
    Phơi nắng gió và hoa ngàn cỏ dại
    Theo tiếng gọi của những người Hà Nội
    Trở về
    Trở về chiếm lại quê hương!
    ("Ngày về", Chính Hữu)

    *

    Cuộc đời Thâm Tâm thật ngắn ngủi. Ông viết chưa nhiều (8). Cái chết cướp ông đi ở tuổi 33. Ông đã lao vào cuộc chiến đấu của dân tộc một cách nhiệt thành. Từng là biên tập viên tạp chí "Tiên phong" (1945-1946) rồi thư ký tòa soạn báo "Vệ quốc quân", ở Chiến dịch Biên giới (1950), Thâm Tâm bị sốt rét nặng trong lúc không có thuốc men. Vô phương cứu chữa, ông bị bỏ lại trong một căn nhà sàn tại bản Nà Po cùng một người liên lạc. Anh này là người duy nhất có mặt khi ông qua đời và xin được bà con dân bản một mảnh vải trắng để làm khăn tang (8).

    Cái chết của Thâm Tâm thật bi thảm. Nhưng nó cũng thật đẹp và bi hùng ở khía cạnh một tráng sĩ nơi sa trường. Đẹp và bi hùng như "Tống Biệt Hành" của ông vậy!

    H. Linh



    Chú thích:
    (*) Có bản chép là "dòng lệ xót".
    (**) Có bản chép là "giá lên trăng".
    (***) Khổ cuối bài thơ thường không được biết đến. Theo "Văn hóa Việt Nam tổng hợp 1989-95" (Hà Nội, 1989), trong một bản in "Tiểu thuyết thứ Bảy" (1940) có đoạn này.


    Giới thiệu tham khảo:
    1. Vũ Quần Phương: Thâm Tâm và "Tống Biệt Hành" ("Quân đội Nhân dân", 1990).
    2. "Văn hóa Việt Nam tổng hợp 1989-95" (Hà Nội, 1989).
    3, 4, 5. "Tuyển tập Hoài Thanh", tập 2 (Hà Nội, 1983).
    6. Vũ Cao: "Tản mạn dọc đường văn học" ("Văn nghệ Quân đội" tháng 6-1988).
    7. Tên thật Phạm Quang Hòa, sinh năm 1915. Xin xem thêm bài của Hoàng Tiến: "T.T.Kh. là ai?" ("Nhân dân Chủ nhật" ngày 16-7-1989).
    8. Sinh thời, thơ Thâm Tâm chưa được in thành tập. Mãi đến năm 1988, tập "Thơ Thâm Tâm" sưu tầm một số thi phẩm tiêu biểu của ông mới được ấn hành.
    9. Theo Từ Bích Hoàng: "Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học", tập 1 (Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Hà Nội 1985).

    Nguồn: Nhịp cầu thế giới - Hungary.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

    Comment

    • #3

      Thâm Tâm




      Tác Giả - Tác Phẩm


      Tên thật là Nguyễn Tuấn Trình. Sinh 12-5-1917 tại Hải Dương. Mất ở Cao Bằng năm 1950. Thâm Tâm viết không nhiều, ông mất sớm, cả đời thơ chưa được hai mươi bài. Nhưng nếu chọn mười bài tiêu biểu của thời kỳ Thơ mới, chắc chắn có Tống biệt hành. Trong kháng chiến chống Pháp, khi nền thơ còn nhiều chập chững, bài thơ Chiều mưa đường số năm đã là bài thơ hay, vững vàng về cốt cách lẫn tình cảm.

      Thơ Thâm Tâm mang cốt cách cổ điển, đẫm khí vị bi phẫn giang hồ của một thời đã xa trong lịch sử ở ta hay ở một chân trời khơi gợi những Tần Hán xa vời. Giọng thơ rắn rỏi, tức tưởi. Ông có ba bài viết theo thể hành bộc lộ rõ nhất giọng thơ này Can trường hành, Tống biệt hành, Vọng nhân hành. Hãy xem nhà thơ lãng mạn Việt Nam thời Thơ mới múa bút bên sông Hồng kiểu Kinh Kha múa gươm bên sông Dịch:

      Sông Hồng chẳng phải xưa sông Dịch
      Ta ghét hoài câu "nhất khứ hề"
      Ngoài phố mưa bay: xuân bốc rượu
      Tấc lòng mong mỏi cháy tê tê

      Trong tình cảnh người mất nước, mất luôn tự do của chí làm trai, Thâm Tâm thường trực một ý chí phá bỏ thực tại bằng mộng giang hồ:

      Đất trời rộng quá. Tôi không chịu
      Cắm chặt sông đây một cánh bè,
      Bằng cơn phẫn chí:
      Đau tình không xót bằng đau nghĩa
      Tay gầy cũng ném chén vô tri.

      Khá nhiều lần Thâm Tâm ném chén trong tiệc rượu. Phẫn chí trong cơn say vì đã cố nén một cơn òa khóc trong lúc tỉnh.

      Cuối thu mưa nát lòng dâu bể
      Ngày muộn chuông đau chuyện đá vàng.

      Thân kiếp chơi vơi trong cõi phi thời gian, dĩ vãng không có, hiện tại cũng không mà tương lai thì mịt mù sương khói.

      Hôm qua không có, hôm nay mất
      Ai rú trong trời tám hướng sương

      Những câu thơ bi phẫn của Thâm Tâm hay lắm vì đó là tình cảm chín nhất của hồn ông. Bi phẫn một chủ thể tài tử:

      Múa lưỡi đánh tan ba kẻ sỹ
      Mềm môi nốc cạn một vò men
      Bi phẫn nhiều khách thể xót đau:
      Chim nhạn chim hồng rét mướt bay
      Vuốt cọp chân voi còn lận đận
      Thằng thí cho nhàm sức võ sinh
      Thằng bó văn chương đôi gối hận
      Thằng thư trói buộc, thằng giã quê
      Thằng phấn son nhơ... chửa một về.

      Rồi cả chủ thể lẫn khách thể đều bi phẫn, ấy là Tống biệt hành:

      Người đi, ừ nhỉ người đi thực
      Mẹ thà coi như chiếc lá bay
      Chị thà coi như là hạt bụi
      Em thà coi như hơi rượu say.

      Trong cả nền thơ thời ấy không ai có giọng bi phẫn "chín" như Thâm Tâm, kể cả Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân, hai bạn thơ "áo bào gốc liễu" đồng điệu với ông. Cái "chín" ấy trước hết là ở cái giọng, gồm cả âm lẫn điệu của câu thơ, sau nữa là ở một loạt hình ảnh, hình ảnh thường có tính biểu tượng cao, gợi nhiều liên tưởng lãng mạn, và cuối cùng là ở ngôn ngữ, ngôn ngữ có hơi cổ xưa và nhiều tương phản, cực đoan. Hãy nghe:

      Ngậm lời tráng khí, chim bằng ốm
      Chuyện lúc thương tâm, gái điếm già
      Gió thốc hàng hiên, lười viễn mộng
      Mưa rào mặt cát, gợi ly ca
      Phiếm du mấy chốc đời như mộng
      Ném chén cười cho đã mắt ta

      Nhiều lần Thâm Tâm cười ngạo "cái chí lớn" của mình Chí lớn không đầy một tấc gang. Cười ngạo để giấu nỗi sầu thất bại:

      Say ngùi ta đốt tương tư thảo
      Bóng khói qua mây lại nhớ mình

      Ngay cái mộng ra đi vào năm 1944, thì chí dù đã quyết mà lòng cứ lạnh tê. Ước ao trận gió nổi lên để giũ đi tất cả, nhưng vẫn phải mượn hơi rượu cho khí thế. Khoan nói đến nhận thức chính trị và tình hình thời cuộc, chỉ biết cái tạng cảm xúc của Thâm Tâm là vậy. Nó là cảm xúc lãng mạn. Nó có nguồn gốc từ hiện thực đời sống nhưng khi phát triển nó tựa nhiều lên tưởng tượng, nó cần hư ảo và hoang đường. Đọc loại thơ này đừng sóng nó vào hiện thực sự kiện, đừng lấy sự kiện cụ thể để cắt nghĩa cảm xúc. Làm thế là chặt cánh bay của thơ, hơn thế lại là thơ lãng mạn.

      Phải chăng vì tính chất bi phẫn khao khát đổi thay, khao khát cất cánh ấy mà gặp cách mạng, Thâm Tâm sớm đứng vào hàng ngũ, thơ ông từ lãng mạn chuyển sang cách mạng khá êm thấm. Bài thơ Chiều mưa đường số Năm là một ví dụ. Vẫn một giọng thơ nội tâm đắm đuối, bài thơ mưa nhưng gợi được cảm giác ấm trong lòng người, giọng bi phẫn đã thành giọng yêu thương. Bài thơ viết năm 1946, năm 1950, Thâm Tâm mắc bệnh trên đường đi chiến dịch rồi mất. Người đọc không được thấy hết sự phong phú của hồn thơ ông trong chặng mới. Ở giai đoạn trước, ông nhập cuộc muộn, ở giai đoạn sau, ông lại ra đi quá sớm.

      Ngót hai chục bài thơ cho một đời thơ tài năng như vậy, có một chất cảm xúc lạ, và riêng như vậy, quả chưa phát tiết được bao nhiêu. Phần tiềm lực còn nhiều quá, thật tiếc!

      VŨ QUẦN PHƯƠNG
      Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 27-02-2010, 02:24 AM.
      ----------------------------

      Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

      Comment

      • #4

        Nhớ “Chiều mưa đường số 5” của Thâm Tâm

        Trương Tham

        Chiều mưa đường số 5


        Chiều mưa đồng rạ trắng
        Đất tề sông quạnh vắng
        Ngồi kín dưới nhà gianh
        Nghe gió lùa ắng lặng

        Chiều mưa đường số 5
        Đôi mắt sao đăm đăm
        Chứa cả trời mây nặng
        Miền Việt Bắc xa xăm ?
        Ôi núi rừng thương nhớ
        Rét mướt đã hai năm!

        Chiều mưa ngàn hoa nở
        Hoa phới bay mùa xuân
        Bếp sàn gây ngọn lửa
        Chén trà ngát tình dân

        Chiều mưa lùa các cửa
        Ngày bộ đội hành quân
        Mẹ già không nói nữa
        Nước mắt nhìn rân rân...
        Ôi đâu rồi sơn nhân
        Đâu rồi anh du kích

        Chiều mưa manh áo rách
        Vác súng vượt lên đèo
        Giao thông qua mũi địch
        Đâu rồi “nhình” với “a”
        Tiếng cười reo khúc khích
        Đón chiến sĩ quay về
        Sau trận đi phục kích
        Chiều mưa giã gạo mau
        Chầy tập đoàn thình thịch

        Ôi núi rừng thẳm sâu
        Trung đội cũ về đâu
        Biết chăng chiều mưa mau
        Nơi đây chăn giá ngắt
        Nhớ cái rét ban đầu
        Thắm mối tình Việt Bắc

        (Thâm Tâm)
        Lời bình:

        Chuyện nào rồi cũng kết thúc, nhưng sau khi kết thúc rồi còn gì gửi lại cho những năm tháng tiếp theo, đó mới là điều đáng nói. Gần sáu mươi năm trôi qua mà đọc lại Chiều mưa đường số 5 của Thâm Tâm vẫn thấy ấm áp bồi hồi. Một số tuyển thơ, một số người giới thiệu bài thơ cho rằng bài thơ được sáng tác 1946. Nhưng theo Nguyễn Tuấn Khoa (con trai của nhà thơ) thì bài thơ được viết năm 1948 trong một chuyến công tác vùng địch hậu Liên khu III. Trong bài thơ nhà thơ có viết: Ôi núi rừng thương nhớ / Rét mướt đã hai năm, cũng như nhiều chi tiết khác thì e rằng bài thơ được viết năm 1948 mới đúng.

        Bài thơ phảng phất như thể ngũ ngôn cổ phong mà đặc sệt một không khí của thơ ca kháng Pháp. Từ đất tề sông quạnh vắng đến hình ảnh người du kích với manh áo rách vác súng vượt lên đèo... với tiếng chày tập đoàn giã gạo rập ràng trong chiều mưa nơi rừng núi... Những gì trong những hình ảnh bình dị ấy cứ tỏa lên làm sống dậy không khí của một thời. Đã có bao bài thơ viết về mưa nổi tiếng: Buồn đêm mưa của Huy Cận. Trời mưa ở Huế của Nguyễn Bính ...

        Thâm Tâm có cách viết riêng độc đáo của mình. Hình như khi nào chưa phát hiện được điều gì mới mẻ độc đáo nhà thơ không làm thơ. Cho nên thơ Thâm Tâm để lại không nhiều mà mỗi bài đều gửi lại những suy nghĩ tình cảm, giọng điệu khó quên. Từ một chiều mưa giá lạnh, hoang vắng đến rợn người trên đất tề đã làm thức dậy những ấn tượng về những chiều mưa nơi núi rừng Việt Bắc giữa tâm hồn nhà thơ. Một chiều mưa xuân: Chiều mưa ngàn hoa nở... Một chiều mưa mẹ già tiễn bộ đội hành quân: Chiều mưa lùa các cửa... Rồi Chiều mưa giã gạo mau ... Những chiều mưa có khoảng cách về không gian, thời gian được gọi về kết lại thành một bài thơ hoàn chỉnh giống như những hạt ngọc mến thương kết lại với nhau thành xâu chuỗi. Mỗi chiều mưa là một nỗi nhớ thương về cảnh về người nơi chiến khu kháng chiến. Chiều mưa nào cũng có những phát hiện tinh vi. Trong chiều mưa xuân “ngàn hoa nở”, “hoa phới bay mùa xuân”. Hồn xuân từ ngàn hoa nhẹ nhàng bay lên lan tỏa cả núi rừng chỉ gửi lại chút hương tình nồng ấm nơi chén trà với ngọn lửa vừa “gây” trên bếp sàn. Bà mẹ tiễn bộ đội hành quân “chiều mưa lùa các cửa”, như sự trống vắng ở trong lòng. Rồi trong lặng lẽ hiện lên “nước mắt nhìn rân rân”. Có nỗi nhớ đằm xuống, có nỗi nhớ âm thầm cất lên thành lời: Đâu rồi anh du kích... Đâu rồi “nhình” với “a”... Đơn vị cũ về đâu...

        Mỗi câu hỏi là một ấn tượng, một nỗi mến thương thắm thiết trong lòng. Từng câu hỏi làm hiện lên những con người thân thương mà hình bóng như được tạc vào trong những chiều mưa. Là người du kích Chiều mưa manh áo rách/ Vác súng vượt lên đèo/ Giao thông qua mũi địch, đầy ấn tượng về những gian khổ, mà anh dũng quật cường. Phía sau câu hỏi bật lên tiếng cười trong trẻo đón bộ đội trở về trong chiến thắng. Nhìn thấy mưa rơi xuống trong chiều, nghe tiếng chày giã gạo mau... nhà thơ như dành cả tâm hồn để cảm nhận mến thương cuộc sống. Những chiều mưa được kết lại làm hiện lên bức tranh đời thường trong cuộc sống kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc bấy giờ. Gian khổ, rét mướt, nhưng ấm cúng nặng tình nặng nghĩa. Tất cả đã trở thành ấn tượng mến thương không phai trong tâm hồn nhà thơ. Với Chiều mưa đường số 5 thơ Thâm Tâm đã thực sự bước vào thế giới thơ ca của một thời đại mới: Thơ ca kháng chiến chống Pháp. Cũng như những bài thơ thất ngôn ngũ ngôn nổi tiếng của mình, nhà thơ có lối gieo vần rất riêng góp phần tạo nên giai điệu riêng của thơ Thâm Tâm, nhà thơ thường sử dụng những thanh trắc cao hoặc những thanh trắc không cao không thấp tiếp nối với những phù bình thanh. Cứ như thế nối tiếp trong suốt bài thơ. Rồi bất chợt một thanh trắc thấp như rơi xuống cắm sâu vào cảm giác khó quên. Lối gieo vần ấy khi như đưa vút lên, khi gợi ra cảm giác chơi vơi bồng bềnh, khi thì như giọt sương gieo nặng xuống tâm tư, để lại một dư ba khó tả. Như gặp lại một vầng trăng cũ, mà ánh trăng vẫn rạng rỡ, ấm cúng lạ lùng bởi cái tình, cái nghĩa sâu đậm dành cho cuộc sống con người.

        Chiều mưa đường số 5 là một bài thơ hay của nền thơ kháng chiến chống Pháp. Năm 1940, Thâm Tâm viết Tống biệt hành, tiễn một người bạn quyết tâm giã biệt gia đình ra đi vì chí lớn trong đời... Mấy năm sau nhà thơ lại lên đường đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Không hiểu người bạn của nhà thơ đưa tiễn ngày ấy có trở về hay không? Còn nhà thơ mãi mãi nằm lại trên một nẻo đường kháng chiến. Ông qua đời ở Việt Bắc, mảnh đất mà ông từng ấp yêu thương nhớ những chiều mưa. Nhà thơ đã đi và đã đến.

        Quy Nhơn tháng 8/2006
        Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 27-02-2010, 02:40 AM.
        ----------------------------

        Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

        Comment

        • #5

          Can trường hành

          Thâm Tâm

          Trăm giàn lý đỏ đã lên hoa
          Tâm sự như in cảnh ác tà
          Đạo nghĩa hoài đêm chơi bạn quý
          Thân hình hậu gửi kết duyên ma
          Ngậm lời tráng khí chim bằng ốm
          Chuyện lúc thương tâm, gái điếm già
          Gió thốc hàng hiên, lười viễn mộng
          Mưa rào mặt cát gợi ly ca
          Phiếm du mấy chốc đời như mộng
          Ném chén cười cho đã mắt ta
          Thà với mãng phu ngoài bến nước
          Uống dăm chén rượu quen tay thước
          Cái sống ngang tàng quen bốc men
          Thù với hào hùng chí thiếu niên
          Vỗ vai sang sảng giọng Bình Nguyên
          Chàng là bậc trẻ không biết sợ
          Đôi mắt hồng say sao Hoả lên
          Múa lưỡi đánh tan ba kẻ sĩ
          Mềm môi nốc cạn một vò men
          Mấy lần thù trả thân không chết
          Khắp xóm giang hồ khét họ tên
          Vợ con thí tất cho thiên hạ
          Yêu rất ban ngày, ghét rất đêm
          Thi với người nằm say bóng liễu
          Thi với người chờ mong kẻ rượu
          Lòng thênh thênh nhẹ gió thu sơ
          Nghĩa khí ngàn năm gió chẳng mờ!
          Hay đâu kẻ vũ đất Lương Yên
          Một sớm nghe bùng cơn gió lên,
          Xách gói sang Nam không hẹn lại
          Chỉ hiềm chẳng đụng đến cung tên!
          Ngươi chẳng thấy
          Thao thao Hồng Hà vạn thuở chảy
          Nước mạnh như thác, một con thuyền
          Ta lênh đênh hoài sầu biết mấy!
          Ngươi chẳng thấy
          Lồng lộng Tây hồ xanh như thu
          Giai nhân, danh sĩ đua ngao du
          Cùng ta tri kỷ không ai ở
          Vì đời ta cũng không an cư
          Ngươi chẳng thấy
          Vì đời ta buồn như thế đấy
          Cho nên tri kỷ tếch phương trời
          Chén rượu ngồi suông vắng cả người!

          Hôm nay lại nở hoa lý đỏ
          Trong rượu vân vân... bao vết cũ
          Người chẳng thấy rằng hoa như tím
          Hoa nát lòng ta đau vạn thuở.

          (1944)


          ----------------------------

          Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

          Comment

          • #6

            Vọng nhân hành

            Thâm Tâm


            Thăng Long đất lớn chí tung hoành
            Bàng bạc gương hồ ánh mắt xanh
            Một lứa chung tình từ tứ chiếng
            Hội nhau vầy một tiệc quần anh
            Mày gươm nét mác chữ nhân già
            Hàm bạnh hình đồi, lưng cỗi đa
            Tay yếu đang cùng tay mạnh dắt
            Chưa ngất men trời hả rượu cha
            Rau đất cá sông gào chẳng đủ
            Nổi bùng giữa tiệc trận phong ba
            Rằng: "Đương gió bụi mờ tơi tả
            Thiên hạ phải dùng thơ chúng ta!"
            Thơ ngâm giở giọng, thời chưa thuận
            Tan tiệc quần anh, người nuốt giận
            Chim nhạn, chim hồng rét mướt bay
            Vuốt cọp, chân voi còn lận đận
            Thằng thí cho nhàm sức võ sinh
            Thằng bó văn chương đôi gối hận
            Thằng thư trói buộc, thằng giã quê
            Thằng phấn son nhơ... chửa một về!

            Sông Hồng chẳng phải xưa sông Dịch
            Ta ghét hoài câu "nhất khứ hề"
            Ngoài phố mưa bay: xuân bốc rượu
            Tấc lòng mong mỏi cháy tê tê
            - Ới ơi bạn tác ngoài trôi giạt
            Chẳng đọc thơ ta tất cũng về.

            (1944)
            ----------------------------

            Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

            Comment

            • #7

              Ngậm ngùi cố sự

              Thâm Tâm

              Lảo đảo năm canh lệ mấy hàng

              Ngậm ngùi cố sự bóng lưu quang

              Cuối thu mưa nát lòng dâu bể

              Ngày muộn chuông đau chuyện đá vàng

              Chán ngắt gia tình sầu ngất ngất

              Già teo thân thế hận mang mang

              Thẹn cùng trời đất mòn xuôi ngược

              Chí lớn không đầy một tấc ngang

              ----------------------------

              Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

              Comment

              • #8

                Tráng Ca

                Thâm Tâm

                Sinh ta, cha ném bút rồi
                Rừng nho tàn rụng, cho đời sang xuân
                Nuôi ta, mẹ héo từng năm
                Vắt bầu sữa cạn tê chân máu gầy
                Dạy ta, ba bẩy ông thầy
                Gươm dài sách rộng, biển đầy núi vơi
                Nhà ta cầm đợ tay người,
                Kép bông đâu áo, ngọt bùi đâu cơm?
                Chông gai đổi dại làm khôn
                Ba vòng, mòng sếu liệng tròn lại bay…
                Bông hoa chu giáp vần xoay
                Cánh vàng non nửa đài gầy tả tơi…
                Chữ nhân sáng rực sao trời
                Đường xe mở rộng chân người bước xa…
                Bọn ta một lớp lìa nhà
                Cháo hàng cơm chợ, ngồi ca lúa đồng
                Hây hây tóc óng từng vòng
                Gió nào là gió chẳng mong thổi lùa !
                Trường đình phá bỏ từ xưa
                Đất này sạch khí tiễn đưa cay sè
                Bốn phương tản mát bạn bè
                Nhớ nhau hẹn quả mùa hè gặp nhau
                …Rầm trời chớp giật mưa mau,
                Lửa đèn chấp chới, khói tàu mù u
                Bốn phương đây bạn đó thù
                Hiệu còi xoáy lộng bản đồ năm châu
                - A, cơn thảo muội bắt đầu,
                Tuổi xanh theo gió ngậm câu dặm dài
                Thét roi lượng sức ngựa tài
                Coi trong cuộc rối tìm người chờ mong…
                Trai lận đận, gái long đong
                Chờ mong khắc khoải nản lòng dăm ba:
                Nẻo về gốc mẹ cỗi cha
                Thuyền ai nặng chở món quà đắng cay !
                Từng nơi xống áo trùng tay
                Gió thu thổi bạc một ngày lòng son;
                Từng nơi cơm trấu, áo rơm
                Mưa xuân nhuốm tái mấy cơn mặt vàng
                Vượn kêu ruột buốt trên ngàn
                Nhưng thôi ! Sao việc dã tràng lầm theo?
                Nện cho vang tiếng chuông chiều
                Thù đem sức sớm đánh kêu trống đình
                Thở phù hơi rượu đua tranh
                Quăng tay chén khói tan thành trời mưa
                Dặm dài bến đón bờ đưa
                Thuyền ai buồm lái giúp vùa vào nhau
                Kia kìa lũ trước dòng sau
                Trăm sông rồi cũng chung đầu đại dương

                Thâm Tâm
                1944


                ----------------------------

                Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

                Comment

                • #9

                  Bài Thơ Đầu Tiên Của Thâm Tâm


                  Khi bước vào tuổi thanh niên thì gia đình Thâm Tâm lâm vào cảnh khó khăn. Từ Hải Dương, gia đình chuyển lên Hà Nội sinh sống. Thâm Tâm làm đủ nghề: đóng sách cho nhà in Mai Lĩnh, rồi vẽ cả tranh “Bờ Hồ” bán rất chạy ở cửa các trại lính Tây – mong kiếm thêm thu nhập cho kinh tế gia đình.
                  Dường như sự thúc ép khó khăn của đời sống không ngăn nổi tình cảm mơ mộng, dạt dào của tuổi trẻ. Cùng với khả năng hội họa, Thâm Tâm bắt đầu viết. Bài thơ đầu tiên ông chỉ rụt rè gửi cho tờ Tiểu thuyết ba xu với bút danh Trăm Năm. Đây là một bài thơ tình phảng phất nỗi buồn man mác nhưng cũng báo hiệu nhiều nét tài hoa của một thi sĩ tương lai.
                  Bài thơ đăng xong, một điều bất ngờ đén với tác giả, ông chủ nhiệm Trường Xuân đến nhà tìm ông. Gặp tác giả, ông không thể ngờ một người ít tuổi với vóc dáng thư sinh, nhỏ bé lại có thể viết được những dòng thơ tài hoa ấy.
                  Sau bài thơ được đăng cùng buổi gặp gỡ với ông chủ nhiệm, Thâm Tâm bỏ qua những mặc cảm rụt rè, ông trở nên phấn khích. Từ đây ông mạnh dạn viết, đặc biệt là viết nhiều truyện ngắn thường xuyên cho Tiểu thuyết thứ bảy.
                  Kể lại cho tôi nghe xuất xứ bài thơ đầu tiên Đây cảnh cũ, đâu người xưa của Thâm Tâm, bà Oanh, chị nhà thơ còn nhớ “khi viết bài thơ này cậu ấy viết trên chiếc bàn mọt ở phố Thái Phiên ngày nay”. Cũng nói thêm với bàn đọc, bài thơ này được ghi lại cũng từ lời kể của bà Oanh. Bà vẫn nhớ như in bài thơ từ lần đầu được đọc trên báo:

                  Đây cảnh cũ, đâu người xưa

                  Tình cũ năm qua để hững hờ
                  Hoa dẫu mỉm cười nhưng có ý
                  Phảng buồn mặt phấn nét tương tư
                  Giận thời gian, tiếc ngây thơ
                  Lòng xuân tình cảm bây giờ gửi ai?
                  Trinh xuân mộng cũ đi rồi
                  Cảnh sinh xa vắng ngậm ngùi ly tao
                  Gặp Trinh trong bóng xuân đào
                  Đang khi quãng gió dạt dào chim ca
                  Má hồng, hồng đượm hương hoa
                  Rung rinh đọng giọt phấn nhòa sương rơi
                  Hoa xuân thắm, nụ xuân tươi
                  Quyện hoa hơn hớn, lòng ơi mộng lòng
                  Trinh tay nâng giấc cánh hồng
                  Với vần thơ hái mơ mòng tôi yêu…
                  Cảm nhau từ đấy xuân chiều
                  Cành thơ, lá gió dập dìu ngân nga
                  Tìm Trinh trong nắng tôi ra
                  Lời oanh ríu rít vuốt hoa Trinh cười
                  Nhưng đây nắng liễu buồn ơi !
                  Ba xuân nẩy nét chia phôi chim ngừng….

                  1941

                  Cũng chẳng biết sau bài thơ này Thâm Tâm còn lấy bút danh Trăm Năm nữa không và người còn gái có tên Trinh được nhắc tới là ai?

                  Phương Thảo

                  (Trích từ Tiền Phong, in lại trong Thâm Tâm và T.T.Kh. – SĐD)

                  (trích “Thâm Tâm, cuộc đời ngắn, tiếng thơ dài” Hoài Việt biên soạn. NXB Trẻ 2003)
                  ----------------------------

                  Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

                  Comment

                  • #10

                    Gửi T.T.Kh.

                    Thâm Tâm

                    Các anh hãy chuốc thật say,
                    Cho tôi những cốc rượu đầy rồi im!
                    Giờ hình như quá nửa đêm,
                    Lòng đau đau lại cái tin cuối mùa.
                    Hơi đàn buồn tựa trời mưa,
                    Các anh tắt nốt âm thừa đi thôi!
                    Giờ hình như đã tối rồi,
                    Bánh xem đã nghiến, đã rời rã đi!...

                    Hồn tôi lờ mờ sương khuya,
                    Hờ rung tôi viết bài thơ trả lời.
                    Vâng, tôi vẫn biết có người
                    Một đêm cố tưởng rằng tôi là chồng,
                    Để hôm sau khóc trong lòng.
                    Vâng, tôi vẫn biết cánh đồng thời gian,
                    Hôm qua rụng hết lá vàng,
                    Và tôi lỡ chuyến chiều tàn về không.
                    Tiếng xe trong vết bụi hồng,
                    Nàng đi thuở ấy nhưng trong khói mờ.
                    Tiếng xe trong xác pháo xưa,
                    Nàng đi có mấy bài thơ trở về.
                    Tiếng xe mở lối vu quy,
                    Hay là tiếng cắt nàng chia cuộc đời.
                    Miệng chồng Khánh gắn trên môi,
                    Hình anh mắt Khánh sáng ngời còn mơ.
                    Đàn xưa từ chia đường tơ,
                    Sao tôi không biết hững hờ nàng đan.
                    Kéo dài một chiếc áo lam,
                    Tơ càng đứt mối, nàng càng kéo giay.

                    Nàng còn gỡ mãi trên tay,
                    Thì tơ duyên mới đã thay hẳn mầu.
                    Chung hai thứ tóc đôi đầu,
                    Bao giờ đan nổi những câu ân tình.
                    Khánh ơi, còn hỏi gì anh?
                    Lá rơi đã hết màu xanh màu vàng.
                    Chỉ kêu những tiếng thu tàn,
                    Tình ta đã chết anh càng muốn xa.
                    Chiều tan, chiều tắt, chiều tà,
                    Ngày mai, ngày mốt vẫn là ngày nay.
                    Em quên mất lối chim bay,
                    Và em sẽ chán trông mây trông mờ.
                    Đoàn viên từng phút từng giờ,
                    Sóng yên lặng thế em chờ gì hơn?
                    Từng năm từng đứa con son,
                    Mím môi vá kín vết thương lại lành.
                    Khánh đi còn hỏi gì anh,
                    Ái tình đã vỡ, ái tình lại nguyên.
                    Em về đan nốt tơ duyên,
                    Vào tà áo mới, đừng tìm mối xưa.
                    Bao nhiêu hạt lệ còn thừa,
                    Dành ngày sau khóc những giờ vị vong.
                    Bao nhiêu những cánh hoa lòng,
                    Hãy dâng cho trọn nghĩa chồng hồn cha.
                    Nhắc làm chi chuyện đôi ta,
                    Bản năng anh đã phong ba dập vùi.

                    Hãy vui lên các anh ơi!
                    Nàng đi tôi gọi hồn tôi trở về.
                    Tâm hồn lạnh nhạt đê mê,
                    Tiếng mùa lá chết đã xê dịch chiều.
                    Giờ hình như gió thổi nhiều,
                    Những loài hoa máu đã gieo nốt đời.
                    Tâm hồn nghệ sĩ nổi trôi,
                    Sá chi cái đẹp dưới trời mong manh.
                    Sái chi những truyện tâm tình,
                    Lòng đau đau chứa trong bình rượu cay.


                    ----------------------------

                    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

                    Comment

                    • #11

                      Dang dở

                      Thâm Tâm


                      Khi biết lòng anh như đã chết,
                      Mây thôi hồng mà lá cũng thôi xanh.
                      Màu hoa tươi cũng héo ở trên cành.
                      Và vũ trụ thãy một màu đen tối.

                      Anh cố giữ lòng anh không bối rối,
                      Để mơ màng tưởng nhớ phút giây xưa.
                      Em cùng anh sánh gót dưới bóng dừa,
                      Một đêm trăng sáng trên đường đá đỏ.

                      Em nói những gì? Anh còn nhớ rõ,
                      Nhưng làm sao ? Ai hiểu tại làm sao ?
                      Chim muốn bay, cũng giữ chẳng được nào,
                      Tình đã chết, có mong gì sống lại!

                      Anh không trách chi em điều ngang trái,
                      Anh không buồn số kiếp quá mong manh!
                      Có gì đâu bướm muốn xa cành,
                      Anh cứ tiếc cái gì xưa đã chết.

                      Nhưng anh biết cái gì xưa đã chết,
                      Anh càng buồn càng muốn kết thành thơ,
                      Mộng đang xanh, mộng hóa bơ phờ,
                      Đây bài thơ chót kính dâng tặng bạn.

                      Và thành chúc đời em luôn tươi sáng,
                      Như mộng kiều đầm ấm tuổi xuân xanh,
                      Như hương trinh bát ngát ý dịu lành,
                      Hòa nhạc mới chiều dâng tơ hạnh phúc.

                      Cuộc ly biệt ngờ đâu vừa đúng lúc,
                      Lòng bâng khuâng, bối rối trước khúc quanh,
                      Đi không đành, mà ở cũng không đành,
                      Muôn chim Việt hãy về thành Nam cũ.

                      Chiều nay lạnh, có nhiều sương rơi quá,
                      Nhưng lòng anh đã bình thản lại rồi.
                      Hết đau buồn và cảm thấy sục sôi,
                      Niềm uất hận của một thời lạc lối.

                      Lấy nghệ thuật làm trò hề múa rối,
                      Đem tài hoa cung phụng sóng mắt huyền.
                      Để khẩn cầu xin một nụ cười duyên;
                      Nàng kiều nữ chốn lầu hoa thầm kín.

                      Trong khi đó, thanh niên không bịn rịn.
                      Giã gia đình, trường học để ra đi.
                      Họa xâm lăng đe dọa ở biên thùy,
                      Kêu gọi lính giục lòng trai cứu quốc.

                      Thôi em nhé! từ đây anh cất bước,
                      Em yên lòng vui hưởng cuộc đời vui.
                      Đừng buồn thương, nhớ, tiếc, hoặc ngậm ngùi,
                      Muôn việc thảy đều do nơi số kiếp.
                      ----------------------------

                      Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

                      Comment

                      • #12

                        Màu máu tigon

                        Thâm Tâm

                        Người ta trả lại cánh hoa tàn
                        Thôi thế duyên tình đã dở dang
                        Màu máu tigon đà biến sắc
                        Tim người yêu cũ phủ màu tang

                        K. hỡi, người yêu của tôi ơi
                        Nào ngờ em giết chết một người
                        Dưới mồ đau khổ anh ghi nhớ
                        Hình ảnh em hoài, mãi thế thôi

                        Quên làm sao được thuở ban đầu
                        Một cánh tigon dạ khắc sâu
                        Mỗi cánh hoa xưa màu kỷ niệm
                        Nay còn dư ảnh trái tim đau

                        Anh biết làm sao được hỡi trời
                        Dứt tình sao nổi, nhớ không thôi
                        Thôi, em hãy giữ cành hoa úa
                        Kỷ niệm ngàn năm của cuộc đời.



                        ----------------------------

                        Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

                        Comment

                        Working...
                        X
                        Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom