• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Những trò chơi dân gian Việt Nam.

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Những trò chơi dân gian Việt Nam.



    Trong cuộc đời của mỗi người chúng ta ai cũng đã từng là một đứa trẻ và đã từng trải qua một tuổi thơ đầy kỉ niệm cùng những trò chơi của trẻ. Những vòng quay của con quay (chơi cù) hay những bước nhảy lò cò của trò chơi ăn quan... tất cả như một bức tranh sinh động của cuộc sống nói chung và văn hóa dân gian nói riêng.

    Trò chơi trẻ em Việt Nam thường bắt nguồn từ những bài đồng dao, một thể loại văn vần độc đáo của dân tộc. Đấy là những bài ca có nhịp điệu đơn giản gieo vần một cách thoải mái, có thể ngắn dài bất kỳ hoặc lặp đi lặp lại không dứt. Trò chơi dân gian có nhiều thể loại phù hợp với các sở thích, cá tính khác nhau của nhiều đối tượng người chơi như sôi nổi, điềm đạm hay trầm tĩnh. Mỗi trò lại có một quy luật riêng, mang những sắc thái khác nhau khiến trẻ em chơi suốt ngày mà không thấy chán.

    Những trò chơi mang tính vận động, tính lí trí, tính mô phỏng và cả tính sáng tạo cho trẻ em. Ngoài ra, qua những hoạt động đó trẻ em phát huy tinh thần đoàn kết, yêu quê hương, tôn trọng kỷ luật và khả năng đối đáp, hướng đến các giá trị nhân văn.

    Chơi chọi gà là một trong những thú chơi được trẻ em thích thú vì không chỉ nó là con vật gần gũi với đời sống của trẻ mà nó còn mang ý nghĩa như một chiến binh khát vọng chiến thắng:

    Con gà cục tác cục ta
    Hay đỗ đầu hè hay chạy rông rông
    Má gà thì đỏ hồng hồng
    Cái mỏ thì nhịn, cái mồng thì tươi
    Cái chân hay đạp hay bơi
    Cái cánh hay vỗ lên trời gió bay”.

    Hay bài đồng dao của trò chơi ô ăn quan:

    “Hàng trầu hàng cau
    Là hàng con gái
    Hàng bánh hàng trái
    Là hàng bà già
    Hàng hương hàng hoa
    Là hàng cúng Phật...”.





    Vì đặc tính của trò chơi rất đơn giản, chỉ là những hòn sỏi được rải trên nền đất và khi chơi phải đếm từng hòn sỏi một nên nó là trò chơi hiền lành, không đòi hỏi nhiều lắm vào trí tuệ, sức lực nhưng lại yêu cầu tính kiên nhẫn nên người chơi chủ yếu là các em gái.




    Rồng rắn lên mây là trò chơi gắn với đồng dao nhằm rèn luyện sự nhanh nhẹn, khéo léo, phát huy tinh thần đoàn kết, tôn trọng kỷ luật và khả năng đối đáp, có liên quan đến nghi thức cầu mưa của cư dân nông nghiệp:

    “Rồng rắn lên mây
    Có cây núc nắc
    Có nhà khiển binh
    Hỏi thăm thầy thuốc
    có nhà hay không...” .

    Đồng dao được cấu trúc theo một lôgic riêng, đôi khi không có nghĩa gì cả, nhưng bằng tư duy liên tưởng, trẻ em vẫn có thể nhập vào câu hát để dẫn đến những kết cục bất ngờ: cái ngược đời, cái phi lý, lại có thể chấp nhận vì đấy là bài hát của trẻ em.



    “Cây mốt, cây mai, lá trai, lá hến, con nhện chăng tơ, quả mơ có hạt...” là bài đồng dao mà các cô bé thường hát để chơi chuyền. Đây là trò chơi chủ yếu dành cho bé gái, dụng cụ là một quả bóng (có thể được thay bằng một hòn đá hoặc quả ổi xanh) và 10 que tre được vót tròn (có thể thay bằng đũa).

    “Cút ca cút kít
    Làm ít ăn nhiều
    Nằm đâu ngủ đấy
    Nó lấy mất cưa
    Lấy gì mà kéo...”

    là bài đồng dao của trò chơi quay (cù) cũng được trẻ em yêu thích. Ta có thể bắt gặp những đứa trẻ túm năm tụm ba, bỏ quên hết nhọc nhằn của cuộc sống, những bài học khó để cuốn theo vòng xoáy của những con quay.

    Từng vòng, từng vòng xoay tít, vui thú với những cú đánh lắc bổ nhào trúng quay của đối phương, cuộc sống của chúng dường như chỉ có vậy. Con quay được tiện hay đẽo bằng gỗ, hình giống quả ổi; tuỳ theo từng địa phương, dân tộc mà con quay có thể có hoặc không có núm (còn gọi là tu) ở phía trên. Bên dưới thân quay có “chân” làm bằng gỗ hoặc bằng đinh hình chóp nón hoặc không có “chân”. Khi chơi, các em quấn dây một vòng quanh tu, sau đó quấn dần xuống thân. Kẹp đầu dây còn lại có nút thắt vào giữa hai ngón tay để giữ dây, sau đó vung tay liệng hoặc bổ quay rơi xuống đất. Lúc này, theo quán tính con quay sẽ quay tít, gần như đứng yên (ngủ), sau đó các em khác ra bổ quay hoặc cứu quay và xác định người thắng cuộc.

    Trò chơi dân gian có nhiều thể loại phù hợp với các sở thích, cá tính khác nhau của nhiều đối tượng người chơi như sôi nổi, điềm đạm hay trầm tĩnh. Mỗi trò lại có một quy luật riêng, mang những sắc thái khác nhau khiến trẻ em chơi suốt ngày mà không thấy chán.

    Rồng rắn lên mây, cướp cờ... là trò chơi nhằm rèn luyện sự nhanh nhẹn, khéo léo, phát huy tinh thần đoàn kết, tôn trọng kỷ luật và khả năng đối đáp.

    Đẩy gậy lại có nhiều nét tương đồng và gần gũi với môn thi đấu vật hay chọi trâu của người lớn.

    Trò kéo co cũng thể hiện tinh thần thượng võ, rèn luyện thể lực và sự nhanh nhẹn, khéo léo.

    Đánh đáo, chơi chuyền, chơi ô ăn quan lại rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo cá nhân, khả năng tính toán, phán đoán chính xác. Từ chỗ ganh đua mang tính chất tượng trưng, dần dần các trò chơi trở thành những cuộc thi tài, thi khéo, các cuộc thi đấu thể thao như bi sắt, nhẩy ngựa, đá cầu...

    Trò chơi dân gian chủ yếu dành cho trẻ em ở các vùng nông thôn nên cái tên cũng giản đơn, nôm na như tên thằng Tí, con Na, thằng Ốc, cái Hến vậy: nào là đánh đáo, đánh quay, nào là đi cà kheo, nổ pháo đất...

    Hơn nữa, các trò chơi dân gian Việt Nam thường giản tiện, không cầu kỳ, tốn kém nên có thể dễ dàng chơi mọi lúc, mọi nơi, dụng cụ dễ kiếm, dễ làm, chủ yếu lấy từ trong tự nhiên, thậm chí chỉ là cái gậy, hòn đá, hòn bi chúng có thể nhặt trong vườn, dưới ruộng là có thể lập được một hội chơi.
    Người chơi thường là những trẻ chăn trâu lê la túm tụm ngoài bãi cỏ, ngoài việc vui đùa, rèn luyện thân thể, còn thể hiện nỗi khát khao chiến thắng tiềm ẩn trong mỗi đứa trẻ.

    PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng: “Cuộc sống đối với trẻ em không thể thiếu những trò chơi. Trò chơi dân gian không đơn thuần là một trò chơi của trẻ con mà nó chứa đựng cả một nền văn hóa dân tộc Việt Nam độc đáo và giàu bản sắc. Trò chơi dân gian không chỉ nâng cánh cho tâm hồn trẻ, giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, sự khéo léo mà còn giúp các em hiểu về tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước. Trẻ em ở một xã hội công nghiệp, chỉ quen với máy móc và không có khoảng trống để chơi cũng là một thiệt thòi. Thiệt thòi hơn khi các em không được làm quen và chơi những trò chơi dân gian của thiếu nhi thuở trước - đang ngày càng bị mai một và quên lãng, không chỉ ở các thành phố mà còn ở cả các vùng nông thôn, nơi mà đang dần bị đô thị hóa mạnh mẽ. Vì thế giúp các em hiểu và tìm về cội nguồn với những trò chơi dân gian là một việc làm cần thiết”.

    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
    Similar Threads
  • #2

    Chơi Ô ăn quan

    ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi CONHAKO View Post


    CHƠI Ô ĂN QUAN

    Ô ăn quan, hay còn gọi tắt là ăn quan là một trò chơi dân gian của trẻ em người Kinh, Việt Nam mà chủ yếu là các bé gái. Đây là trò chơi có tính chất chiến thuật thường dành cho hai người chơi và có thể sử dụng các vật liệu đa dạng, dễ kiếm để chuẩn bị cho trò chơi

    Hiện chưa rõ nguồn gốc cũng như thời điểm bắt đầu nhưng chắc chắn rằng Ô ăn quan đã có ở Việt Nam từ rất lâu đời. Những câu truyện lưu truyền về Mạc Hiển Tích (chưa rõ năm sinh, năm mất), đỗ Trạng nguyên năm 1086 nói rằng ông đã có một tác phẩm bàn về các phép tính trong trò chơi Ô ăn quan và đề cập đến số ẩn (số âm) của ô trống xuất hiện trong khi chơi. Ô ăn quan đã từng phổ biến ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt nam nhưng những năm gần đây chỉ còn được rất ít trẻ em chơi. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có trưng bày, giới thiệu và hướng dẫn trò chơi này.

    Theo các nhà nghiên cứu, ô ăn quan thuộc họ trò chơi mancala, tiếng Ả Rập là manqala hoặc minqala (khi phát âm, trọng âm rơi vào âm tiết đầu ở Syria và âm tiết thứ hai ở Ai Cập) có nguồn gốc từ động từ naqala có nghĩa là di chuyển. Bàn chơi mancala đã hiện diện ở Ai Cập từ thời kỳ Đế chế (khoảng 1580 - 1150 TCN). Tuy nhiên còn một khoảng trống giữa lần xuất hiện này với sự tồn tại của mancala ở Ceylon (Srilanka) những năm đầu Công nguyên và ở Ả Rập trước thời Muhammad. Tuy nhiên có những dấu hiệu để nhận định rằng một số dạng mancala lan truyền từ phía Nam Ả Rập hoặc vùng cực Nam của biển Đỏ qua eo biển Bab El Mandeb sang bờ đối diện thuộc châu Phi rồi từ đó xâm nhập lục địa này. Trong những giai đoạn sau, các tín đồ Hồi giáo đã phổ biến mancala sang những miền đất khác cùng với sự mở rộng của tôn giáo và văn hoá.

    Cách chơi :

    Chuẩn bị



    Bàn chơi Ô ăn quan cho 2 người (2 phe)

    Bàn chơi: bàn chơi Ô ăn quan kẻ trên một mặt bằng tương đối phẳng có kích thước linh hoạt miễn là có thể chia ra đủ số ô cần thiết để chứa quân đồng thời không quá lớn để thuận tiện cho việc di chuyển quân, vì thế có thể được tạo ra trên nền đất, vỉa hè, trên miếng gỗ phẳng.... Bàn chơi được kẻ thành một hình chữ nhật rồi chia hình chữ nhật đó thành mười ô vuông, mỗi bên có năm ô đối xứng nhau. Ở hai cạnh ngắn hơn của hình chữ nhật, kẻ hai ô hình bán nguyệt hoặc hình vòng cung hướng ra phía ngoài. Các ô hình vuông gọi là ô dân còn hai ô hình bán nguyệt hoặc vòng cung gọi là ô quan.

    Quân chơi: gồm hai loại quandân, được làm hoặc thu thập từ nhiều chất liệu có hình thể ổn định, kích thước vừa phải để người chơi có thể cầm, nắm nhiều quân bằng một bàn tay khi chơi và trọng lượng hợp lý để khỏi bị ảnh hưởng của gió. Quan có kích thước lớn hơn dân đáng kể cho dễ phân biệt với nhau. Quân chơi có thể là những viên sỏi, gạch, đá, hạt của một số loại quả... hoặc được sản xuất công nghiệp từ vật liệu cứng mà phổ biến là nhựa. Số lượng quan luôn là 2 còn dân có số lượng tùy theo luật chơi nhưng phổ biến nhất là 50.

    Bố trí quân chơi: quan được đặt trong hai ô hình bán nguyệt hoặc cánh cung, mỗi ô một quân, dân được bố trí vào các ô vuông với số quân đều nhau, mỗi ô 5 dân. Trường hợp không muốn hoặc không thể tìm kiếm được quan phù hợp thì có thể thay quan bằng cách đặt số lượng dân quy đổi vào ô quan.

    Người chơi: thường gồm hai người chơi, mỗi người ngồi ở phía ngoài cạnh dài hơn của hình chữ nhật và những ô vuông bên nào thuộc quyền kiểm soát của người chơi ngồi bên đó.





    Luật chơi



    Bàn chơi ô ăn quan đã sẵn sàng cho khai cuộc



    Bắt đầu một lần rải quân, khi đến quân cuối cùng, những quân trong ô có đường bao lại được lấy lên để rải tiếp



    Sau khi rải tiếp, ô có đường bao quân màu đỏ sẽ bị ăn, ô liền đó lại được lấy lên để tiếp tục rải

    Mục tiêu cần đạt được để giành chiến thắng: người thắng cuộc trong trò chơi này là người mà khi cuộc chơi kết thúc có tổng số dân quy đổi nhiều hơn. Tùy theo luật chơi từng địa phương hoặc thỏa thuận giữa hai người chơi nhưng phổ biến là 1 quan được quy đổi bằng 10 dân hoặc 5 dân.

    Di chuyển quân: từng người chơi khi đến lượt của mình sẽ di chuyển dân theo phương án để có thể ăn được càng nhiều dânquan hơn đối phương càng tốt. Người thực hiện lượt đi đầu tiên thường được xác định bằng cách oẳn tù tì hay thỏa thuận. Khi đến lượt, người chơi sẽ dùng tất cả số quân trong một ô có quân bất kỳ do người đó chọn trong số 5 ô vuông thuộc quyền kiểm soát của mình để lần lượt rải vào các ô, mỗi ô 1 quân, bắt đầu từ ô gần nhất và có thể rải ngược hay xuôi chiều kim đồng hồ tùy ý. Khi rải hết quân cuối cùng, tùy tình huống mà người chơi sẽ phải xử lý tiếp như sau:

    • Nếu liền sau đó là một ô vuông có chứa quân thì tiếp tục dùng tất cả số quân đó để rải tiếp theo chiều đã chọn.

    • Nếu liền sau đó là một ô trống (không phân biệt ô quan hay ô dân) rồi đến một ô có chứa quân thì người chơi sẽ được ăn tất cả số quân trong ô đó. Số quân bị ăn sẽ được loại ra khỏi bàn chơi để người chơi tính điểm khi kết thúc. Nếu liền sau ô có quân đã bị ăn lại là một ô trống rồi đến một ô có quân nữa thì người chơi có quyền ăn tiếp cả quân ở ô này... Do đó trong cuộc chơi có thể có phương án rải quân làm cho người chơi ăn hết toàn bộ số quân trên bàn chơi chỉ trong một lượt đi của mình. Trường hợp liền sau ô đã bị ăn lại là một ô vuông chứa quân thì người chơi lại tiếp tục được dùng số quân đó để rải. Một ô có nhiều dân thường được trẻ em gọi là ô nhà giàu, rất nhiều dân thì gọi là giàu sụ. Người chơi có thể bằng kinh nghiệm hoặc tính toán phương án nhằm nuôi ô nhà giàu rồi mới ăn để được nhiều điểm và có cảm giác thích thú.

    • Nếu liền sau đó là ô quan có chứa quân hoặc 2 ô trống trở lên thì người chơi bị mất lượt và quyền đi tiếp thuộc về đối phương.

    • Trường hợp đến lượt đi nhưng cả 5 ô vuông thuộc quyền kiểm soát của người chơi đều không có dân thì người đó sẽ phải dùng 5 dân đã ăn được của mình để đặt vào mỗi ô 1 dân để có thể thực hiện việc di chuyển quân. Nếu người chơi không đủ 5 dân thì phải vay của đối phương và trả lại khi tính điểm.

    Cuộc chơi sẽ kết thúc khi toàn bộ dânquan ở hai ô quan đã bị ăn hết. Trường hợp hai ô quan đã bị ăn hết nhưng vẫn còn dân thì quân trong những hình vuông phía bên nào coi như thuộc về người chơi bên ấy; tình huống này được gọi là hết quan, tàn dân, thu quân, kéo về hay hết quan, tàn dân, thu quân, bán ruộng. Ô quan có ít dân (có số dân nhỏ hơn 5 phổ biến được coi là ít) gọi là quan non và để cuộc chơi không bị kết thúc sớm cho tăng phần thú vị, luật chơi có thể quy định không được ăn quan non, nếu rơi vào tình huống đó sẽ bị mất lượt.

    Trong cách chơi truyền thống có sử dụng một số bài đồng dao, dưới đây là một bài trong số đó:

    Hàng trầu hàng cau
    Là hàng con gái
    Hàng bánh hàng trái
    Là hàng bà già
    Hàng hương hàng hoa
    Là hàng cúng Phật.


    Ô ăn quan trong văn học, nghệ thuật

    Ô ăn quan thú vị, dễ chơi đã từng là trò chơi hàng ngày của trẻ em Việt Nam. Chỉ với một khoảng sân nho nhỏ và những viên sỏi, gạch, đá là các em nhỏ đã có thể vui chơi. Có thể thấy dấu ấn của Ô ăn quan trong đời sống và văn học, nghệ thuật:

    • Thành ngữ: Một đập ăn quan - hàm ý chỉ những hành động đơn giản nhưng tức thì đạt kết quả to lớn.


    "Gửi người chơi ô ăn quan" của Nguyễn Thị Ngọc Hà

    Thoáng
    Ta qua nhau lặng lẽ
    Theo dòng đời
    Hối hả ngược xuôi
    Lạc nhau mãi trong trò chơi nhân thế
    Biết Người đâu
    Khuất giữa muôn người

    Ngoảnh lại
    Thuở áo cơm còm cõi
    Lỡ tuột trôi khát vọng trên đường
    Người có về
    Cạn niềm vui sót lại
    Dù chỉ là khói sương

    Người có đem bấy nhiêu
    Vàng
    Đá
    Lắng dưới nhục vinh
    Về sân Đình
    Chia ô ăn quan
    Chơi lại

    Chiều nay trên lối quê
    Chỉ còn mình ta
    Khỏa những nắng mưa đã oải
    Bước vào từng ô ấy
    Ô nào …
    Gió cũng tràn qua

    (trong tập Người gánh vô hình, Nxb. HNV-tháng 9/2005.)


    Trích bài thơ "Thời gian trắng" của Xuân Quỳnh:

    Những ô ăn quan, que chuyền, bài hát
    Những đầu trần, chân đất, tóc râu ngô
    Quá khứ em đâu chỉ ngày xưa
    Mà ngay cả hôm nay thành quá khứ...


    Họa sỹ Nguyễn Phan Chánh có bức tranh lụa nổi tiếng Chơi Ô ăn quan (1931).





    Trò chơi tương tự trên thế giới

    Mancala châu Phi



    Một bàn chơi Mancala châu Phi

    Loại trò chơi Mancala phổ biến ở châu Phi và cũng được biết đến ở nhiều nơi khác trên thế giới với những biến thể, tên gọi (theo cách gọi của người phương Tây) khác nhau như Kalah, Oware, Ơmweso, Bao,...[3]Mancala khác Ô ăn quan ở một số điểm chính sau:

    • Bàn chơi thường có 12 ô (hay được khoét thành những lỗ), mỗi người chơi kiểm soát 6 ô gọi là nhà, ngoài ra có thể có 2 ô lớn hơn gọi là kho. Kho có thể chỉ được dùng để chứa hạt giống đã bị người chơi ăn chứ không phải để đặt quân vào trong lượt đi do đó không nhất thiết phải có. Trong một số biến thể, bàn chơi có 24 ô, chia làm 4 hàng 6 ô, mỗi người chơi kiểm soát hai hàng, tổng cộng 12 ô ở phía bên mình.

    • Không có quân tương tự như quan mà chỉ có một loại quân gọi là hạt giống. Số lượng hạt giống ở mỗi ô khi chuẩn bị chơi có thể là 3 hoặc 4.

    • Khi đến lượt, người chơi cũng dùng những quân ở ô bất kỳ thuộc quyền kiểm soát của mình để di chuyển (gieo hạt) nhưng chỉ di chuyển ngược chiều kim đồng hồ chứ không phải theo chiều tuỳ ý.

    • Thể thức ăn quân không phải yêu cầu cách một ô trống mà phụ thuộc số lượng hạt giống ở các ô mà những hạt giống cuối cùng trong lần gieo hạt đặt vào.

    Mancala ở các nước châu Á khác

    Cũng được người phương Tây xếp vào loại Mancala là trò chơi có những tên gọi khác nhau tuỳ từng quốc gia như Congklak, Tchonka, Naranj, Dakon, Sungka. Trò này được chơi ở Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines, miền Nam Thailand, Sri Lanka, Maldives...[4] Nó khác Ô ăn quan ở những điểm chính dưới đây:

    • Bàn chơi có 14 ô, mỗi người chơi kiểm soát 7 ô ở phía bên mình, không có ô như ô quan.

    • Không có quân tương tự như quan mà chỉ có 98 quân khi chuẩn bị đặt ở mỗi ô 7 quân.

    • Khi đến lượt, người chơi cũng dùng những quân ở ô bất kỳ thuộc quyền kiểm soát của mình để rải vào từng ô, mỗi ô 1 quân nhưng chỉ di chuyển theo chiều kim đồng hồ chứ không phải theo chiều tuỳ ý.

    • Thể thức ăn quân: nếu quân cuối cùng trong lượt rải rơi vào ô trống thuộc quyền kiểm soát của mình thì người đi mới có thể ăn được quân. Ô bị ăn là ô đối diện phía đối phương, người chơi được ăn tất cả số quân đang có trong ô đó, đương nhiên nếu là ô trống thì số lượng quân ăn được là 0.

    Cuộc Sống Việt _ Theo vi.wikipedia.org




    ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi Ngocanh.online View Post

    Bác CO-FBI ơi ời .... iem cũng có bài chơi ô ăn quan nè bác hihihi , iem góp vào đây bác nhá. Iem không dám so với các nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà và Xuân Quỳnh đâu , chỉ là một chút hoài niệm ngày thơ bé thôi. Mà khổ thân iem, sau này cái rì cũng dính chữ iêu vào nó mới thành thơ đó bác.

    Chúc bác trông giăng phá cỗ vui nhá. Bánh Trung thu Hàng Đường Hà Nội ngon nhất nhì VN đó bác , nếu bác không chê em gửi phát chuyển nhanh vô liền.

    Iem bổ xung thêm tý luật chơi : Nếu trường hợp một trong hai bên dãy ô bị hết dân (trống cả 5 ô) đến lượt người nào đi người đó sẽ phải rải vào các ô trống đó mỗi ô ít nhất 01 dân trước khi đi lượt của mình. Thủ tục này gọi là rải ranh .



    Ô ĂN QUAN

    Tình yêu.
    Như trò chơi khi còn thơ bé.
    Mười ô và hai quan.
    Ô có gì và quan có gì ta đều biết rõ.
    Hai người chơi.
    Ai biết ai ăn ô và ai ăn quan.
    Ai là người thắng cuộc.
    Ai ăn gian
    Từng quân cờ từng bước đi, toan tính

    Có quan trọng gì.
    Vì suốt đời anh vẫn là người rải ranh....



    HN 10/2006


    ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi CONHAKO View Post
    Nghe nói có người " đã iêu nhiều đến mức chán " roài kia mà !!!

    Yêu nhiều - yêu ít đều ko sao , chỉ mong đừng có : " giờ thì cũng iêu mà iêu iếu xìu " phải ko Ngcanh...

    Bác để dành hình này cho Ngocanh đây.... Trông có giống ko???




    .

    CHƠI Ô ĂN QUAN - Chút lưu lại
    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 26-10-2011, 08:46 PM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

    Comment

    • #3




      CHƠI Ô ĂN QUAN...

      Tiếng Huế gọi trò chơi này là: Ô Làng.
      Tôi khám phá ra bí mật của đại dương khi suy niệm về một giọt sương mai.

      Comment

      • #4

        BỨC THÔNG ĐIỆP CỦA SỎI ĐÁ

        ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi M Mít Đặc View Post



        CHƠI Ô ĂN QUAN...

        Tiếng Huế gọi trò chơi này là: Ô Làng.
        Ô Làng hay Ổ Làng như trong bài này hở Mít :






        1.

        Đi bất cứ nơi đâu, hễ gặp đống sạn là ông nội dừng lại tìm và nhặt những hòn sỏi màu đỏ. Không nhiều, chỉ độ dăm ba viên thôi. Sỏi đỏ mềm, đem về mài ra màu nước làm mực đóng triện lên văn sớ cúng. Lấy một chiếc dĩa nhỏ, cho vào đó ít nước rồi cầm hòn sỏi mà mài. Một lúc sau dĩa tráng một màu son đỏ rất đẹp. Những con triện hình vuông, hình ô van có khắc nét chữ theo mô típ cách điệu kỷ hà của hội hoạ. Dùng ngón tay trỏ chấm vào mực son mới mài rồi thoa lên triện. Màu sỏi đỏ như một dòng máu thiêng liêng in lên tờ giấy văn.

        Mỗi lần ông nội viết văn sớ là tôi ngồi bên mài sỏi. Dáng ông ngồi ngay ngắn, hai tay đặt lên tờ giấy văn màu vàng đã được xếp gấp thành những nếp cỡ ngón tay cái. Ông viết chữ cẩn thận, chỉ cần sai một nét chữ thôi là ông đốt tờ giấy đó và viết lại trên một tờ mới. Mãi ngồi nhìn ông viết, hòn sỏi tay tôi mài đã mòn đi mà chẳng hay, cho đến khi ông viết xong chữ "Cẩn chiêu cáo vu" kết thúc tờ sờ thì cái dĩa đã đỏ ngòm. Mực son nhuốm lấm những ngón tay như muốn gửi gắm cho tuổi thơ tôi một bức thông điệp về nguồn cội.

        2.

        Giữa đống sạn luôn có lẫn những hòn sỏi màu trắng tinh láng mịn, gọi là đá cuội. Thứ cuội này thường nhặt về thả vào bể nuôi cá cảnh. Ngày ở làng, trẻ con chúng tôi xem đá cuội là đá cẩm thạch quý hiếm. Chính vì thế mà đứa nào cũng tìm nhặt những hòn cuội để thi xem của ai trắng hơn.

        Sự ngây ngô ấy không chỉ ở trẻ con, mà ngay cả đến khi trưởng thành đôi mươi vẫn còn. Nhớ dạo ở Huế đi cà phê Vô Thường với Thi. Những hòn cuội trắng đặt bên thềm cửa sổ khiến nàng thích thú. Tôi nói thích thì lấy một hòn về kỷ niệm. Rồi hình như nàng sợ. Tôi cầm một viên nhét vào tay nàng, nàng mừng rỡ như cầm được đá quý!

        Trước ngày bay, tôi đem sang tặng Thi một bức đá có viết câu hát"Đi giữa mọi người để nhớ một người". Nàng cầm khoe với bà chủ trọ. Hồn nhiên như trẻ lên ba. Bây giờ Thi có còn giữ hòn cuội trinh bạch và tảng đá ấy không? Câu hát của Trịnh khắc lên đá chính là một bức thông điệp của tình bạn: vĩnh cửu dài lâu.

        3.

        Ngày nhỏ có chơi trò ổ làng, chính là cái trò Ô ăn quan trong tranh cụ Nguyễn Phan Chánh ấy. Mỗi đứa nhặt hai mươi lăm hòn sỏi nhỏ với một cục đá to; sỏi nhỏ gọi là dân, cục đá to gọi là ổ làng. Sỏi nhỏ cũng được xem là những quan tiền, đứa nào "ăn" được nhiều sỏi thì coi như thắng. Những hòn sỏi ấy biểu hiện cho sự giàu có của tâm hồn trẻ thơ. Và có lẽ cũng chính vì tuổi thơ giàu có nên bất cứ ai lớn lên rồi vẫn cảm thấy mình mắc nợ với nó.

        Những quan tiền bằng sỏi nói với tôi rằng: tiền bạc chỉ là đá mà thôi, tình cảm mới thật như quê! Đó là bức thông điệp vĩ đại về giá trị cuộc đời.


        HOÀNG CÔNG DANH


        * Tạp chí Tài Hoa Trẻ (2.2011)
        Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 15-11-2011, 12:50 AM.
        ----------------------------

        Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

        Comment

        Working...
        X
        Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom