• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Hàng xóm

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Hàng xóm

    Hàng xóm
    Đỗ Thành

    Lá bay hàng xóm lá bay sang…

    Click image for larger version

Name:	NguoiHangXom.JPG
Views:	38
Size:	10.3 KB
ID:	260724Hồi nhỏ gia đình tôi ở cạnh nhà chú Phỏn. Chú có đứa con gái với bà vợ lớn rồi mới về sống với thím Ba Tẻ. Chú nói : dzợ ngộ chit dzồi, con nít hổng ai nui, thương ngộ nui dùm. Thím Ba nghe vậy nên bằng lòng kết nghĩa vợ chồng với chú. Hai người sống thiệt hạnh phúc, hổng nghe lời to tiếng nhỏ nào xảy ra. Thím Ba lại thương đứa con gái chú Phỏn như con ruột, lo lắng cho nó từng chút một.

    Con nhỏ tàu chính cống, nhưng dưới mắt tụi con nít lối xóm thì con nhỏ vẫn là xẩm lai. Bởi vậy tụi lỏi thường hay chọc con nhỏ bằng câu hát “ xẩm lai mười hai lỗ đít “ làm con nhỏ xẩu mình tổ chảng. Được cái dù bị chọc ghẹo thế nào đi nữa thì con nhỏ cũng không hề cất tiếng chửi bậy, trái lại chỉ biết thút thít khóc. Bọn nít nghe con nhỏ khóc thì vội chảy tản mát, e chú Phỏn ra sẽ túm bắt đập hay chửi tỉu nà ma nị.

    Bọn tôi đứa nào cũng sợ. Thế nhưng mấy lần rình thấy chú Phỏn chạy ra, chẳng hề dòm dáo dác coi đứa nào chọc con chú mà chỉ bắt gặp chú riu ríu dắt con nhỏ về êm ru bà rù. Chỉ có thím Ba Tẻ thường hay ghé nhà này nhà kia năn nỉ mấy bà má răn dạy dùm con cái : tội nghiệp con nhỏ đã bị mất mẹ đau lòng biết mấy, mà còn đặt chiện kêu nó có tới mười hai lỗ đít chi hổng biết. Mấy bà má đâu nắm được thằng nào lí lắc nên chỉ đe nẹt chung chung con mình : mày đừng bắt chước tụi nó nghen. Chớ mấy má đâu biết con nít giỡn hớt cho vui, nào có để lòng để dạ, tâm địa gì đâu nà.

    Con Xín sống ở xóm lớn lần như thổi. Càng lớn nó càng xinh thêm, đi đã có dáng nét hay ho khiến bọn con trai đứa nào cũng hít hà như ăn ớt hiểm. Con nhỏ lại hay e lệ, gặp tụi tôi chưa gì mặt đã đỏ rần, lính qua lính quính, trợt chưn, trợt cẳng. Nói nào ngay tụi tôi lớn cũng ngỏn ngoẻn chớ khác gì đâu, song thấy con Xín mặt la mày lét thì cũng làm gan chọc ghẹo chơi.

    Trong đám, tụi nhóc thường tôn tôi là bậc trưởng thượng nên xúi tôi chọc con nhỏ đã đời. Tôi được bơm nên cũng ra điều bặm trợn. Tôi thường nói với con Xín : mày dzìa nói tía mày ưng tao làm chồng đi, tao hứa sẽ chăm lo cho mày đến nơi đến chốn. Con nhỏ hấm hứ, ngúng nguẩy bỏ đi, bọn nhóc cười rân khen tôi là dân bảnh.

    Xóm tôi chẳng có nghề ngỗng gì làm mà con trai lớn tồng ngồng nhiều vô kể. Nhà đứa nào cũng nghèo nên việc học cốt lấy dăm ba chữ dắt tai rồi nghỉ luôn. Các bà má thường càm ràm : học làm vương làm tướng gì được chớ, lại lo tốn sặc gạch, ở quách nhà cho rồi. Vậy là đứa nào có chút vốn loe ngoe cũng lo kiếm việc đi làm ráo nạo.

    Thời buổi người đông việc khó nên kiếm mướt mồ hôi, sôi con mắt cũng chẳng ra. Mấy nhóc lo xàng ràng ở chợ, ai mướn gì làm nấy. Thằng gánh nước cho mấy hàng bán rau, thằng gánh thịt cho mấy sạp mổ, thằng chất ơ chở nồi, thằng khuân vác, toàn những việc dùng sức mà tiền thì được trả kẹo vô ngần. Mấy bà má thường nhắn nhe : tụi bay lo đâu thân bay còn khỏi tính chiện tao, cốt sao tao khỏi mất công lênh cõng thêm cái miệng của bay là ổn. Cho nên thằng nào cũng như dề lục bình nổi trôi trên con nước, may nhờ rủi chịu, gặp mùa thì trôi lãng đãng ra sông cái, còn thất mùa thì quanh quẩn trong con lạch hẹp teo.

    Chú Phỏn ngày hai bữa vẫn gánh hai cái sọt đi mua ve chai, giấy vụn. Chú cà rề đi miết, có khi tối mới dìa. Con Xín được gởi đi trường, ngặt cái là hổng có lớp dạy tiếng Hoa nên đành phải theo ngành quốc ngữ. Lại thêm thím Ba cũng muốn con nhỏ nhận quê hương bên thím làm gốc chớ không muốn nó lẽo đẽo giữ cái xứ của cha. Con nhỏ học ngọng nga ngọng nghịu, phát âm lơ lớ ì xèo. Học hoài cũng rặt lời chệt.

    Sau này, chú Phỏn lại cấp vốn cho thím Ba mở hàng bán ở chợ. Lúc nào đi học thì thôi, về con Xín cũng ra lo giúp thím coi hàng, bán buôn. Con nhỏ xớn xở mời chào, riu ríu như tiếng chim, người mua vừa chọn hàng vừa chọc, tuy vậy cũng xăng xái mua giúp nên gian hàng thím Ba rất đắt khách.

    Nhận thấy món lợi nên thím Ba để con Xín có mặt dài dài. Chỗ bán hổng cất thành quán nên ngày hai buổi phải bỏ hàng vô bồ dọn ra dọn về. Chú Phỏn lo việc của chú nên công việc này thím Ba với con Xín tự lo. Được mấy bữa, hai mẹ con đều kêu nhức mình, mỏi vai. Bọn con trai hùa vô xin nhận chưn chuyển dọn, chẳng hiểu sao con Xín chỉ nhận dành việc đó cho tôi.

    Lần nghe con Xín tỉ tê, thím Ba hỏi giỡn : bộ mày thương nó sao mà binh chằm chặp, đòi tao để nó gánh bồ. Con nhỏ mắc cỡ muốn chết. Khi tôi đến nhận việc, thím Ba còn chọc tôi : nè mày làm ăn cho khéo nghe, để con Xín coi hổng xong là nó kêu người khác đó. Tôi không nói gì, nhưng con Xín lại cằn nhằn thím : má kỳ, và cái miệng giẩu ra thấy ghét cách gì.

    Mùa mưa tới, ngoài việc gánh dọn hàng đi ra đi về, tôi còn nhận thêm việc che chắn để hàng khỏi bị ướt. Mưa đất này như người tưng tửng, lúc dai lúc khoan, lúc dầm lúc thoáng. Khách khứa vắng vẻ nên con Xín ngồi thu lu vì lạnh. Tôi lăng xăng chạy đáo chạy lui, be be bợ bợ và căng dây để mấy tấm bạt không bị gió lật xáng nước vô hàng họ.

    Con Xín ngồi theo dõi xật xừ. Mưa chi mưa hoài, kéo từ trưa tới xế, lại thêm nước lấp xấp dâng dưới chưn sạp nghe lào xào như lội. Con Xín thở khào khào. Thấy tôi lăng xăng, nó nhắc : mưa lớn mà lục đục chi cho ướt, để đó đi hổng sao đâu, vô ngồi nghỉ chừng tạnh hãy làm tiếp.

    Tôi xẻn lẻn vô, hổng dám ngồi ngang con nhỏ vì dù sao nó cũng là chủ mà. Vậy mà con nhỏ ngọt ngào biểu tôi : anh vô ngồi trong này kẻo bịnh, tui hổng ăn thịt ăn cá gì đâu mà anh sợ. Tôi hổng sợ nó mà ngán cái dáng dễ ghét làm sao của nó cạnh bên. Tôi nói trật chìa : hổng sao, ngồi một lát mưa dứt liền bây giờ. Tôi không dám dùng tiếng xưng hô thân mật, nhưng con Xín lại gầy tôi : anh sao dai nhẳng, tui nhỏ hơn anh tựa như em, sao anh ké né hoài hổng biết.

    Tôi tắc tiếng, con Xín xuôi xuôi rồi bỏ nhỏ : anh đừng chọc tui cái câu khó nghe. Thiệt tình tui rất giận anh, nhưng không hiểu sao hổng ghét anh được. Thấy má cực nhọc ì ạch gánh vác mấy cái bồ, tui năn nỉ để má nhận cho anh làm đó. Tôi lí nhí nói : cám ơn Xín và đồng thời tui cũng xin lỗi. Tui chỉ giỡn thôi, chớ hổng hàm ý gì đâu.

    Xín ngúng nguẩy phê bình tôi : anh giỡn chơi mà đặt điều không có làm tui mắc cỡ muốn chết. Tôi nghe bắt ể mình nên phải hạ giọng mà vuốt em : thì tui xin lỗi rồi, người ta biết lỗi thì cũng nên khoan dung, chớ hổng lẽ so đo hoài sao.

    Con nhỏ nói tưng tửng vậy mà tôi “ thấm “ mới lạ. Chẳng vậy từ đó tôi không hề bao giờ còn chọc nó nữa. Với bạn bè, đứa nào cùng phe với tôi thì được dặn phải bỏ cái tiếng kêu “ xẩm lai “ với con Xín hông thôi tôi nghỉ chơi, còn mấy đứa khác là tôi ục thiệt sự. Có đứa bị tôi đánh sưng mày sưng mỏ mà cóc dám mét với ba má, bởi tôi hăm mét thì tôi phang nữa.

    Chuyện này tôi dấu kín, vậy mà con Xín đi “ học “ lại với thím Ba. Một bữa thím Ba kêu tôi lại vừa khen vừa chọc : mày anh hùng đa, tửng. Mà con Xín nó thương mày đó nha. Nó năn nỉ tao đừng khi nào cho mày nghỉ vì mày siêng hết mình. Rồi thím ghẹo tôi : mày ráng ăn cho bự rồi tao gả con Xín cho.

    Những lời thím nói khiến tôi rụt rè không dám bặm trợn dòm Xín như hồi trước. Loáng thoáng nghe mấy thằng bạn khen hồi này con Xín bự xộn mà tôi hổng dám nhìn để xác nhận. Có thằng ghé tai tôi nhỏ to : con Xín có “ xôi “ tổ chảng, tôi trợn mắt nhìn làm thằng nhỏ hết hồn.

    Trải bao năm, chú Phỏn vẫn sống bền với quê vợ. Nhiều lúc con Xín nghĩ đây mới chính là quê hương bản gốc của nó, chớ còn chỗ nào đó nơi xứ Tàu lạ hươ lạ hoắc nó đâu có biết nà. Tôi láng máng cũng có hồi thấy con Xín quá quen thuộc nên không nghĩ có một ngày đó khác đi.

    Tụi tôi lớn lên thành hàng xóm, lân cận. Thét rồi qua cái tuổi con nít bất ngờ. Năm 75 chộn rộn, chú Phỏn không tính chuyện ra đi. Thấy người ta lăng xăng, chú nói : ngộ hổn ti tâu hết, ngộ ở đây với dzợ, ngộ ti rùi có ai thươn. Ai cũng cười rần, chú lại kể : con nhỏ ló thươn cái thằng tửng, ló lói níu ngộ ti ló ở lạy với thằng tó.

    Tôi nghe mà sượng trân. Rồi người ta bỏ rừng kéo về, xã hội xáo trộn lung tung, chú Phỏn cũng bị bầm trẩy nào tránh khỏi. Ban đầu người ta còn gượng nhẹ, nhưng khi xảy ra uýnh nhau trên biên giới thì gia đình chú rất bị rầy rà.

    Cách ít lâu thì nghe gia đình chú rục rịch tính chuyện. Con Xín chạy qua khóc méc với tôi : ba tui tính đi vì nói ở lại người ta không chịu. Tôi chợt nghe đau xót cõi lòng, mấy lần mở miệng định hỏi mà lại bù trất. Con Xín cũng nhong nhóng lắng nghe và tay mân mê rờ cái vạt áo riết.

    Tôi ú ớ cả người, tính đâu cũng chẳng ra đâu. Con Xín chợt hỏi : vậy chớ anh hổng sợ tui theo tía tui sao. Tôi cay đắng biết mấy, nhìn trừng trừng nó mà nghẹn đầy người. Con Xín lại hỏi : lỡ tui đi rồi anh có nhớ tui hôn. Chèn đéc, hỏi chi mà hỏi ác, nói nhớ thì liệu nó có dám ở lại với tôi mà nói không thì tôi dối lòng thực sự.

    Ngày tháng đó, tôi rối như tơ vò. Vào ra ngây ngô như người bị mất của. Một sáng vừa thức dậy, tôi chợt nghe láng giềng xầm xì : nhà chú Phỏn dông rồi. Tôi ngẩn ngơ hổng nghĩ đó là sự thật. Người ta còn bàn tán : thằng cha ma lanh tổ, góp vàng để đi mà còn lận đem được gia tài theo. Họ xầm xì người Tàu bảo nhau đúc vàng thành thỏi và nhuộm thứ gì đen thui, đem ngờ ngờ xuống thuyền, công an hỏi họ nói : ngộ li, ngộ phải lem than theo lấu chớ tể bụng lói thì xẩy lô cố. Đến khi thuyền ra khỏi hải phận rồi, quân mình biết được mới té ngửa thì quá muộn.

    Tôi hổng tin vàng đâu mà họ đúc thành thỏi ngon ơ như vậy, song rành rành thì con Xín đã bỏ ra đi và không biết chừng nào tôi mới mong gặp lại. Tôi buồn quá chừng, trách trời than đất, giận luôn cả thím Ba. Thím hứa gả con Xín cho tôi mà giờ thím bê nó dông tuốt.

    Tôi bị bỏ rơi một mình, lòng luống ê chề, oán mình oán người, mụ mị như cục đất. Trời ui ui, nghe gió lành lạnh đâu đây, tôi thoáng như mùa thu vừa vội vàng trở lại. Gió thật nhiều, thổi rất nhẹ mà sao vẫn bóc rơi những chiếc lá bay bay. Lá đảo điên, la đà từ trời cao phủ vàng trên khắp lối. Đôi khi, bước chân đi, lá xào xạc rơi cả lên mình, tôi bỡ ngỡ hỏi tờ nào là lá từ bên nhà chú Phỏn và tờ nào là lá của các nơi.

    Tôi tránh con đường dẫn đến nhà Xín vì tôi biết nếu đi vào đó tim tôi sẽ hết sức tê tái. Tôi thầm ăn năn vì nhớ lại lời trêu ghẹo ngày xưa. Làm gì có ai phải mang đến mười hai lỗ đít mà tại sao xẩm lai mới bị chê vì cái lỗi này. Bao lần, tôi nhìn lá rơi lầm thầm : Xín ơi, Xín đừng giận tui nghe.

    Chẳng tiếng ai đáp lại mà sao tim tôi lại nhói đau. Hàng xóm tôi bây giờ hầu như toàn người xa lạ. Những người hồi nao đều đã trôi dạt khắp trời, người về quê, người ra đi, duy chỉ còn mình nhà tôi trụ lại. Bởi vậy cứ phải nhìn cảnh cũ thiếu người xưa mà thêm nỗi chạnh lòng.

    Má tôi có lẽ ngầm biết tâm tư tôi nên nhiều lần ngọt ngào răn dạy : con có buồn cũng chẳng vớt vát được gì, chim đã bay xa, ít khi tìm đường quay lại. Huống chi người phiêu bồng vì hoàn cảnh trớ trêu thì càng khó lắm lắm gặp nhau. Tôi cũng hiểu như thế, nhưng tại sao không thể bình thản, vô tư. Thế nên, có khi miệng lầm bầm một hồi mới nghe lõng bõng tiếng mình than thở : Xín ơi, giờ này em ở đâu…
    Đã chỉnh sửa bởi hoangvu; 25-09-2019, 01:40 PM.
    Sống trên đời

    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom