Mưa qua miền ký ức
Mưa!
Không ai có thể kéo nổi chị ra khỏi sự im lặng khó hiểu khi ngoài trời mưa đang rơi tầm tã. Mưa như nhấn chìm, lôi cuốn chị đến một bến bờ dào dạt riêng mình. Thực mà hư ảo, xa thẳm mà gần. Gió tạt mạnh. Vô số hạt mưa đột ngột dừng chuyến lang thang vô định và quật vào chỗ chị ngồi. “Nhích vô trong chút đi không thôi ướt lạnh hết rồi kìa!”. Tiếng ai đó ân cần nhắc nhở. Chị khép mắt lại. Hình như có tiếng gió ù ù thổi qua rừng đại ngàn. Hình như có mùi khói của cánh đồng cỏ tranh bị đốt dở dang đang bay lên từ mặt đất ẩm. Hình như có đôi môi ai đó đang lướt trên gương mặt đẫm nước mưa của chị và tiếng hai trái tim thơ trẻ nhảy nhót như ngọn lửa bập bùng, nóng rực.

Mưa dai dẳng! Những người trú mưa bồn chồn nhìn người đàn bà ngồi im lặng bên ly cà phê lạnh ngắt, mái tóc và hàng mi ẩm ướt và toàn thân dường như đã hóa đá. Chị hé mắt nhìn lại họ, cái nhìn điềm tĩnh, bướng bỉnh không thể có được ở kẻ thất tình như họ chờ đợi khiến họ len lén ngó lơ.
Một đôi nam nữ cười ríu rít chạy vào trú mưa. “Nàng” chừng mười sáu, “chàng” chừng mười bảy. Giọng cô bé nũng nịu: “Tui” đã nói trời sẽ mưa to mà “trò” hổng tin. Bây giờ ôm một đống tài liệu phôtô đứng đây trong khi cả lớp chờ, tụi nó chửi thấy thương cho coi”. Cậu bé nhẹ nhàng: “Xin lỗi nãy chừ rồi mà. Tại thấy đêm qua trời đầy sao, nghĩ bữa nay nắng chứ bộ!”. Cậu nói như van nhưng mắt hướng ra ngoài mưa không dám nhìn bạn đang run khe khẽ trong chiếc áo dài trắng ướt dính vào da thịt.
- Tụi con nít bây giờ ghê lắm, chưa mở mắt đã bồ bịch - Một bà sồn sồn người chất đầy nữ trang như gông-cùm-màu-vàng trề môi phán quyết.
- Đọc báo thấy đám con gái vị thành niên phá thai ngày càng tăng, gớm thiệt nghe! – Một ả gái già ốm quắt queo nhọn mỏ phụ họa.
- Úi, nói chi tới bọn trẻ con thiếu giáo dục, mấy bà trí thức tầm nhìn trên ngọn cây chỉ thấy đàn ông thành đạt là vừa mắt kìa! Đồ vô đạo đức! Đàn ông thành đạt “thương thêm” cho vui, thỏa mãn rồi lại về tận tụy “hiến thân” cho vợ! Tụi mình là “bắp cải” thiệt, chớ chồng tụi mình đâu có dại gì bỏ để chạy theo “hoa hồng” phải không? Mất ghế là cái chắc!” – Một bà ra vẻ vợ cán bộ nghiến răng dè bỉu, cặp mắt lộ sát khí như chó sói đi đêm.
Chị thở hắt ra và nhìn vào ly cà phê của mình. Cái thứ nước đen sóng sánh ấy chợt giống hệt lòng giếng sâu lấp loáng bóng nắng, bóng đôi mái đầu thơ trẻ...
* * *
Anh học cùng trường, trên cô một lớp và chung con phố nhỏ - nơi nhìn lên thấy núi, nhìn xuống thấy biển và nhìn thẳng thì... thấy nhau. Mẹ nói “thằng bé ngoan”, cô chẳng bận tâm. Nhưng khi con nhỏ xảnh xẹ chân đi chữ bát, ngực căng nứt áo khen “Nó đẹp trai quá chừng!” thì cô kéo đứa bạn thân nấp sau cây phượng trong giờ ra chơi để nhìn anh cho kỹ. Ừ coi hắn hay hay nhỉ! Cô reo thầm. Chỉ thế thôi, không gì hơn. Cô “thương” mẹ anh cơ. Mặt bà đẹp, dáng bà cao lớn, phúc hậu. Bà hay sang nhà chuyện trò với mẹ và cho cô nhiều quà bánh. Khi mẹ vắng nhà, bà sang hỏi cô: “Mày ăn cơm với gì hả con?” và lườm nguýt khi lục thấy món ăn muôn thuở lúc vắng mẹ của cô là thịt bò kho gừng teo ngắt sát đáy nồi. Bà đem sang chả lụa, trứng gà… Nhìn cô ăn ngon lành, bà cười mủm mỉm.
Năm cô mười sáu, mẹ anh sang nhà nói với mẹ cô: “Con tôi thương con bà, chị em mình kết sui gia nhé!”. Mẹ cười: “Nhưng hai đứa nó bé thế kia cưới xin gì vội. Để vài năm nữa. Biết đâu đến lúc ấy con bà thương đứa khác thì sao? Ràng buộc tụi nó sớm dù chỉ bằng lời hứa của người lớn cũng tội nghiệp”. Cô nghe mẹ kể lại thì khoái chí lắm. “A, hắn thương mình! Lạ nhỉ!”. “Lạ” vì lớp của anh có nhiều chị xinh lắm, sao lại ngó xuống lớp dưới và chọn đúng con bé gầy tong, mặt nghiêm như nữ tu là mình. Cô sẽ quên ngay chuyện “vui vui” ấy nếu con bé xảnh xẹ kia không đến gặp cô nói thẳng bằng cái giọng ấm ức: “Mẹ tao giàu hơn mẹ mày nhá. Nó mà lấy tao thì mẹ tao cho bao nhiêu là của nả”. Cô tức đến nghẹn ngào, ngoài việc vênh mặt ra vẻ cao ngạo thì chẳng còn biết đối đáp làm sao. Kiểu ăn nói sỗ sàng cô không quen.
Năm sau cả nhà anh chuyển vào miền Nam. Bán đảo này đất chật, chuyện làm ăn ngày mỗi khó. Đó là một cuộc di dân lớn thu hút cả ngàn người ở bán đảo, cuốn anh và một số bạn bè của cô đến nơi cô chỉ nhìn thấy địa danh trên bản đồ. Anh đến chào từ biệt. Hai đứa đứng bên giếng nước. Anh cười, chiếc răng khểnh rất duyên: “Ở lại học giỏi nghe”. “Ừ”. “Mình sẽ về thăm. Mất hai ngày ngồi xe đò chứ mấy”. “Ừ”. “Mình sẽ nhớ hoài đôi mắt của bạn. Có lẽ nó giống như cửa sổ linh hồn ở thiên đàng! Mình thích mái tóc của bạn nữa. Bạn giấu làn gió trong tóc à? Lúc nào nó cũng bay được nhỉ!”. “Ừ”. Cô đỏ mặt chẳng nói được một câu tử tế. Hai đứa lặng yên cùng nhìn… xuống giếng. Mái tóc dài của cô bay vướng vào mặt anh và mặt nước giếng thăm thẳm kia in rõ hai gương mặt thơ ngây, bối rối. Đúng lúc cô cảm thấy anh thân thiết với mình thì anh đi. Con đường cô đi học về thiếu một đôi mắt nhìn theo sao mà buồn. Nhưng trái tim mười bảy của cô chưa hề thức giấc! Cô ít khi nghĩ đến anh trừ lúc nhìn xuống giếng và chợt nhớ ra mặt nước đen thẳm kia chỉ còn in bóng một người thôi…
Cô không bao giờ tưởng tượng sẽ có một ngày mình xa bán đảo. Cô đã quen nhìn ngắm những áng mây bềnh bồng kéo về ngủ trên rặng núi sau nhà vào mỗi buổi chiều; đã yêu thương bãi biển rộn ràng tàu đánh cá, nơi những chàng ngư phủ đen nhẻm như pho tượng đồng trong Bảo tàng Chăm thường cười thân thiện và ném từ ghe cá cho cô những con tôm sú nâu bóng ngon lành.
Cô thương những buổi chiều tiếng chuông nhà thờ và chuông chùa không hẹn mà cất lên cùng một lúc, len lỏi qua rặng phi lao, vuốt theo triền núi và đổ òa ra biển như lời chúc bình an cho dân làng chài… Thế mà cô đi! Đất Sài Gòn cái gì cũng lạ lẫm với con bé mười tám tuổi vừa chui ra từ sách vở. Chưa hòa nhập được với thành phố lớn nhất phương Nam tuy sau ngày giải phóng có bớt phồn hoa nhưng vẫn còn lắm điều phù phiếm thì mẹ cô tình cờ gặp lại mẹ anh. Trong chớp mắt cô bị lôi tuột về một nơi xa lạ khác! Nơi ruộng rẫy xen lẫn với đất rừng miền Đông. Nơi người ta đi ngủ lúc bảy giờ tối và thức dậy lúc ba giờ sáng để đi bộ mươi, mười lăm cây số đường rừng đến nơi có ruộng rẫy của mình hoặc đẩy rừng lùi xa hơn lấy đất canh tác, lấy củi, tre lồ ô…
Buổi tối đầu tiên gặp lại sau hai năm xa cách, anh nướng cho cô trái bắp. Bắp nếp, trái đèo bé tí, thưa hạt như răng bà lão. Anh cười: “Bọn heo rừng phá quá. Mấy công bắp vừa trổ cờ đẹp thế mà chúng về ủi sạch. Tụi nó chỉ chừa mấy trái chào mừng em thôi đấy”. Nét thư sinh của anh một phần tan đi trong nắng mưa khắc nghiệt của hai năm lập nghiệp nơi đất rừng. “Dân bán đảo về đây nhiều lắm nghe. Em có nhớ…”, anh kể ra tên người này người nọ tràng giang. Ừ, đông nhỉ! Chẳng như ở Sài Gòn đi mỏi chân không gặp một gương mặt quen biết. Ánh lửa bập bùng, tiếng lửa reo vui và gương mặt anh rất hiền làm cô thấy lòng thật thanh thản. Hôm sau mẹ đi mua đất.
Hôm sau nữa anh dẫn cô đến mảnh đất ấy. Dọc đường thấy cô rúm lại trước những con sâu cuốn chiếu đỏ tươi to bằng ngón út, anh cười nghiêm nghị: “Đất nhà em con này vô số. Nó không cắn đâu mà sợ. Rắn, vắt, bù mắt… mới cần bận tâm”. Anh đốt cỏ tranh, dạy cô làm cỏ. Bữa cơm chiều ngày ấy cô phải cố hết sức mới không làm rớt chén cơm. Anh nhìn hai bàn tay phồng giộp của cô nhưng chẳng nói gì.
Mẹ nói: “Tao đã đồng ý gả mày cho nó!”. Cô thở dài. Có lẽ trời định thế. Anh đi thẳng vào cuộc đời cô mà không tốn nhiều lời. Như cái mốc “vài năm nữa” ngày xưa mẹ nói đã đến và chuyện hai đứa thành vợ chồng là chuyện hẳn nhiên. Cô lủi thủi theo anh đi từ rẫy này sang rẫy khác, làm xong rẫy mình thì đi làm mướn rẫy người, chặt mía, mót lúa. Cô mơ hồ thấy đám con gái xứ này nhìn cô hằn học, ghét bỏ. Nghe đâu lẽ ra anh đã cưới cô gái nào đó gần nhà nếu cô không quỷ tha ma bắt lọt về đây. Hình như cô gái lấy vạt áo dài che mặt khóc bỏ về trong buổi sáng chủ nhật nhà thờ rao tên anh và cô lần đầu tiên chính là cô ấy. Thế là hai lần tiếp đó hễ vị linh mục đọc đến tên hai đứa là cô giật mình run rẩy và chỉ khi bắt gặp ánh mắt bình tĩnh của anh cô mới từ từ bình tâm, từ từ tin rằng mình sắp lấy chồng. Cô mười tám, anh hai mươi. Nhưng tuổi anh như cộng thêm mỗi ngày còn tuổi cô hao hụt mỗi ngày!
Có lần anh phải nắm chặt tay cô băng qua mặt một đám con gái mắt đang tròn xoe lên dò xét. Anh thì thào: “Đừng sợ, họ nói gì mặc họ”. Thế mà cô vẫn tan nát cả lòng. Trong nhà anh, người cô sợ nhất là bà nội. Bà vừa làm việc nhà vừa lẩm bẩm bài kinh Ave Maria và bỗng quát lên the thé: “Con gái quỷ Satan đâu rồi! Thằng Giuđa bán Chúa đâu rồi! Ôi, ông thánh Phêrô ơi đừng mở cửa thiên đàng cho bọn quân dữ này!”. Trời ạ! Hai giọt nước mắt cô luôn mấp mé, đầu nhức buốt một câu hỏi: “Tôi đang ở đâu thế này?!”.
Tia chớp vẽ nhanh một đường ngoằn ngoèo sáng rực trên nền trời. Tiếng sấm chát chúa xé toạc đám mây đen nặng trĩu. Ly tách trên bàn chị run bần bật. Đám người trú mưa nhấp nhổm rú lên sợ hãi. Hai cô cậu học trò quên ý tứ dạt cả vào nhau rồi vội tách ra, mắt cụp xuống bẽn lẽn. Đôi mắt ưng ửng đỏ của chị âu yếm nhìn vào khoảng không.
... Một buổi chiều mưa tầm tã, sấm sét vang trời thế này cô đã quẳng vội con dao làm cỏ tranh nhào vào bờ chuối trồng trên ranh đất. Anh nhìn cô sững sờ và kéo cô vào lòng, hôn lên gương mặt tái nhợt ướt sũng. Trong những trang tiểu thuyết diễm tình tất cả những cô gái lần đầu tiên được hôn hoặc bị hôn đều khóc. Cứ như nếu không khóc thì sẽ không phải là... lần đầu tiên! Cô thơ ngây nhủ thầm “khóc đi nào!”.
Đứa con gái nổi tiếng “mít ướt” như cô chẳng rơi được một giọt nước mắt làm duyên. Trong lòng cô đang rộn lên một điều mới mẻ: “Hình như là tình yêu”. Thứ tình cảm cô chưa hề nhận ra trước đó. Cô úp mặt vào ngực áo anh, bên tai nghe tiếng gió ù ù thổi qua rừng đại ngàn, mùi khói của cánh đồng cỏ tranh bị đốt dở dang bay lên từ mặt đất ẩm. Trong khoảnh khắc cô thấy thương những con đường dẻo quánh bùn đất, lóc nhóc bầy sâu cuốn chiếu; thương bầy gà rừng sặc sỡ ngơ ngác gọi nhau; thương cả đám con gái đứa nào mắt cũng sắc như dao chặt mía và những người đàn bà vừa đọc kinh làu làu vừa chửi con cháu rát mặt…
Đó là một khoảnh khắc êm đềm! Và chỉ một khoảnh khắc thôi!
Từ cơn mưa ấy đến cơn mưa sau này là thời gian xa xôi dằng dặc. Không cách một dãy Trường Sơn vẫn “hai đầu xa thẳm”. Sao thế nhỉ? Cô không nhớ nổi nữa. Có lẽ mẹ cô đã rót một ly nước đắng, nhiều người xúm nhau thêm tiêu ớt vào, cha anh nêm vào chua chát rồi quăng ly vỡ tan, mẹ anh ngồi bất lực nhìn. Họ làm theo ý họ thích: tự ái, kiêu căng, toan tính bạc tiền… Trong lúc anh chới với thì cô bình tĩnh cúi xuống nuốt nước mắt nhặt từng mảnh vỡ ôm vào lòng và ra đi. Quay lưng là xong. Chẳng ai cần ai nói lời từ biệt! Tình yêu, sức mạnh nghị lực ư? Có thể cô và anh không có đủ! Có thể nó bị thui chột, mỏi mòn, tàn héo từ sự lạnh lùng cố chấp đến cay nghiệt của người lớn và sự bàn ra nhẫn tâm của một ít người ngoài cuộc!
Cô về Sài Gòn chúi đầu vào cuộc mưu sinh. Khi oằn vai gánh nước mướn, khi long đong trên những chuyến tàu hàng chạy chợ, khi ngồi trên giảng đường… Cô vẫn mơ màng vẽ cho mình bức tranh tương lai với đủ gam màu rực rỡ. Trong bức tranh ấy tuyệt nhiên không có anh! Cô không còn là con bé nhát gan, dễ run sợ nữa. Đôi khi trên đường đời người ta ném thẳng vào mặt cô chiếc ly định kiến, đố kỵ, phản bội nhưng cô không còn một lần nào cúi xuống nuốt nước mắt nhặt từng mảnh vỡ. Cô dẫm lên nó mà đi. Lòng cô tan nát và nước mắt tuôn rơi không che giấu nổi… Không thèm che giấu!
Mưa tạnh rồi! Người ta chen nhau rời chỗ trú mưa như đã chen nhau, mắt tóe lửa tìm chỗ trú kín gió. Bên kia đường một đôi trai gái người nước ngoài ôm nhau hôn. Chị nghĩ mình nhìn thấy những hạt nước óng ả trên mái tóc vàng rơm của cô gái. Người lớn và bọn trẻ con bán vé số còn lại trong quán chợt ồn ào hẳn lên. Chị nghĩ mình nghe thấy tiếng chàng trai kia thì thào: “Đừng sợ, họ nói gì mặc họ!”. “Giữa đường giữa sá mà như chốn không người, thật xấu hổ!”. Ả gái già quắt queo lại nhọn mỏ nhưng ánh mắt ả ánh lên sự khao khát đến tội nghiệp. Chị cười mơ màng như nghe được tiếng thở nhẹ và say đắm của đôi tình nhân. Chị nghĩ đến những nụ hôn từng trôi qua trên môi mình - có khi nóng ấm như một giọt rượu, có khi chỉ là điểm rơi của những giọt tuyết vừa tan…
Ly cà phê nguội ngắt, nhiều hơn lúc mới bưng ra vì được thêm phần của những giọt mưa lang thang. Hôm nay là ngày giỗ đầu của anh. Cách biệt bao nhiêu năm, chỉ một lần nghe tiếng anh bồi hồi trong điện thoại: “25 năm qua anh không biết em ở đâu! Tóc em còn để dài không? Đôi mắt em còn “biết nói” không? Cho anh gặp em đi! Dù muộn cũng phải nói với nhau…”. “Không!”. Và anh ra đi. Đột ngột. Không có lời cuối cùng. Chị chia ly cà phê ra làm hai. Cụng với nụ cười có chiếc răng khểnh thơ ngây. Một tia chớp lia qua trời chiều và tiếng sấm từ cõi xa xăm vọng về. Chị uống cạn cho mình và cho anh.
NGUYỄN THỊ KỲ
(SGGP thứ bảy)
(SGGP thứ bảy)