Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần
Biển ơi!
Khu resort đã khuất hẳn sau rặng dương. Bỏ lại sau lưng cái không gian ồn ã vì đám bạn cũ, nàng quá ngán ngẩm khi chứng kiến nhiều người hợm mình trong ngày họp lớp. Tắt điện thoại. Giờ chỉ nàng với biển...
Về phố Phan lần này nàng chỉ mong gặp một người. Anh là biển thời thiếu nữ của nàng. Hồn nhiên. Thật thà. Tuềnh toàng. Nàng gọi anh là Biển. Cái tên ấy chỉ nàng biết. Riêng nàng...
Nhưng nàng thất vọng.
Ngoài kia biển xanh nao nao. Có thằng bé nhìn nàng cười cười. Nàng đưa máy ảnh lên.
- Tui đen thui hà, chụp xấu lắm.
- Không sao đâu, con trai mà sợ đen.
Thằng bé lại cười. Nụ cười hiền lành, lẻ loi. Sau lưng nó những con sóng chồm lên hết lớp này đến lớp khác. Bất giác nàng như thấy lại cảnh con bé lúp xúp chạy theo mẹ. Một gánh cá vụn bán cho nhà nghèo lắt lay nuôi hai mẹ con ngày cha không về nữa. Cha nằm lại đâu đó giữa trùng khơi trong mùa biển động. Nàng đâu biết rằng ngày ấy mẹ đau đớn nhường nào. Cha chết một lần. Mẹ chết tới hai lần. Vì mất chồng. Vì lời tiếng thị phi của xóm làng.
Hai mươi tuổi, đọc Mùa tôm của nhà văn Ấn Độ, nàng thẫn thờ. Hình như thế gian này những người đàn bà của biển đều đau khổ như nhau. Tại sao cứ trói chặt họ vào bản án mê tín oan nghiệt rằng vì họ không chung thủy nên khiến chồng chết biển (!?). Vì sao?
Nàng và thằng bé đi song song dọc mép sóng, đến trước tiệm ảnh ngồi đợi. Nàng đưa ly nước dừa.
- Uống đi cháu.
Nó rụt rè ngậm cái ống hút rồi vội vàng rụt tay khi nàng nhét cho mấy tờ bạc.
- Không. Ba tui đánh chết. Ổng dặn không được ăn mày.
Rồi nó ù chạy, chưa kịp lấy mấy tấm ảnh. Nằm dưới rặng dương, nàng nghe hoa nắng đang chờn vờn thân thể. Rưng rưng vì cảm giác bình yên. Trên bãi cát, đám đàn bà đang còng lưng phơi rong mơ. Họ nhẫn nại, cam chịu như mẹ nàng ngày xưa.
Xem lại mấy tấm ảnh, nàng thấy nụ cười của thằng bé rất quen, hình như đã gặp đâu đó. Đôi môi dày thô, thật thà mở hết cỡ làm lộ hàm răng so le với hai chiếc răng cửa thưa nhau một kẽ hở khá rõ. Nụ cười ấy, ánh mắt ấy hồn nhiên, thật thà và đơn độc trên tấm phông trùng dương xanh biếc!
Nàng nhờ con bé bán đậu phộng luộc đưa giùm mấy tấm ảnh cho thằng bé. “Dạ, cháu biết rồi. Thằng Lưới đầu bư. Nhà nó sau đám xương rồng kìa”. Nàng mắc cười khi nghe con bé cùng với đứa bạn vừa đi vừa chơi trò đố nhau: “Con gì dễ sợ nhất?”. “Là con ma”. Nhưng sau đó là thoáng chùng lòng. Lạy trời cho đời cô bé đừng bao giờ va vấp, đừng bao giờ phải sống trong hoang mang, như những người phụ nữ nàng biết.
Về với biển lần này, với nàng gần như là trốn chạy. Nàng muốn tuột ra khỏi cái cổng sắt cầu kỳ của ngôi biệt thự. Nàng sợ những bữa cơm chiều quy củ và nhàm chán ngồi đếm chồng ăn đúng ba chén cơm, húp một chén canh, tráng miệng trái cây và uống đúng ly rưỡi nước lọc. Nàng ngao ngán những - đêm - vợ - chồng chỉ là nghĩa vụ và phải nghe chồng giải thích rằng tuổi ba mươi thì mỗi tuần ba lần “chuyện ấy” là tốt cho sức khỏe.
Biển trưa nay đầy ma lực. Mắt nàng đang bị thôi miên bởi dáng vẻ của một người. Anh ta vác tấm lưới nâu xịt và cũ kỹ lừng lững rẽ sóng. Thằng bé con lẽo đẽo phía sau. Bỗng dưng tim nàng đập rộn rồi co thắt lại, nghẹn thở. Không hiểu sao nàng thấy đau đớn khi nhìn tấm thân trần đen giòn tràn trề sinh lực của người đàn ông xa lạ. Rồi kịp trấn tĩnh vì nhớ đến câu chuyện Chiếc áo hạnh phúc đã đọc từ bé.
Có một vị vua không thấy hạnh phúc giữa cung vàng điện ngọc mới cải trang vi hành. Một ngày kia, khi băng qua cánh đồng trông thấy một người nông phu ung dung cày ruộng. Vì nghĩ người này đang hạnh phúc, nhà vua mới đòi mua lại chiếc áo nhưng anh ta cười xòa rồi trả lời tôi làm gì có áo.
Khát đắng họng, nàng chợt rùng mình. Nếu Hưng là trai biển có lẽ vì nàng mà bỏ mạng?
Ồ, thằng bé băng băng về phía nàng. Lưới đầu bư. Nó đem trả nàng tấm ảnh hai cô cháu chụp chung.
- Ba tui không cho lấy cái này. Bảo đem trả cô Thương.
Nàng trố mắt ngạc nhiên. Nó lại cười.
- Ba nói cô ở Sài Gòn. Tui biết nhà cô. Hồi đi chữa bệnh, ổng dẫn ghé thăm nhưng có ông nào không mở cổng...
Nó lại ù té chạy về phía biển. Lẽo đẽo sau cha nó. Nàng nhớ ra rồi. Nụ cười. Ánh mắt. Hai chiếc răng thưa. Là anh...
Biển ơi!
Truyện ngắn 912 chữ của BÙI DIỆP