• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Nhật Trường- Trần Thiện Thanh

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Nhật Trường- Trần Thiện Thanh

    Nhật Trường!
    Anh không chết đâu anh!



    Nguyên Trần



    (Ghi lại cảm xúc khi xem DVD Asia 50 Nhật Trường Trần Thiện Thanh )




    Đã từ lâu, rất nhiều người ái mộ Nhật Trường Trần Thiện Thanh trong đó có tôi thường nêu thắc mắc là tại sao các trung tâm băng nhạc tổ chức những chương trình vinh danh những nhạc sĩ nổi tiếng như Lam Phương, Văn Phụng, Hoàng Thi Thơ , Ngô Thụy Miên, Song Ngọc, Từ Công Phụng, Châu Kỳ, Quốc Dũng, Huỳnh Anh…mà chưa có một chương trình nào nói về Nhật Trường một trong những ca nhạc sĩ tài hoa nhất của miền Nam, lắm lúc tôi nghĩ đó là một sự bất công lớn lao cho anh. Cho đến hôm nay cuốn DVD Asia 50 tựa đề “ Nhật Trường Trần Thiện Thanh, tình yêu cuộc đời sự nghiệp . Anh không chết đâu anh” ra đời xóa tan phần nào những băn khoăn ẩn uất của tôi và lẽ dĩ nhiên tôi đã trang trọng đón nhận nó như một kỷ vật có giá trị tinh thần thật lớn lao. Và bây giờ mời các bạn cùng tôi bước vào vườn hoa âm nhạc Nhật Trường để cùng nhớ về quê hương xa xôi một thời chinh chiến.


    Nhắc đến nhạc Trần Thiện Thanh là nhắc đến lính, những chàng trai đã “ xếp bút nghiên theo việc đao cung” hy sinh cả quảng đời thanh xuân, bỏ lại sau lưng những cuộc vui tuổi trẻ cùng gia đình vợ con để dấn thân vào vùng lửa đạn bảo vệ tự do sống còn cho cả miền Nam. Hình như Nhật Trường sinh ra là để đồng cảm và chia xẻ sinh hoạt tâm tình với người lính. Chẳng thế mà nhạc về lính của anh đã chiếm gần phân nửa trong tổng số
    hơn 200 bản nhạc của anh.



    Bản nhạc mở đầu chương trình là bản “ Anh không chết đâu anh” viết về người anh hùng mủ đỏ, Đại Úy Pháo Binh Dù Nguyễn văn Đương khi thấy Việt Cộng tràn ngập căn cứ đã can trường gọi pháo binh trãi thảm cả một vùng đất rộng lớn để tiêu diệt tất cả địch quân và …luôn cả anh đã anh dũng hi sinh vào năm 1971. Bản nhạc được ca sĩ Thanh Lan trình bày với nỗi xúc động nghẹn ngào đến rơi lệ như cô đã từng hát lần đầu tiên cách nay 43 năm. Tôi còn nhớ trong phim kịch “ Anh không chết đâu anh”, Thanh Lan và Nhật Trường đóng nhập vai đến độ người xem cứ tưởng y như là Đại Úy Nguyễn văn Đương và cô sinh viên Trần thị Lệ đang đứng trước mặt.

    Bản nhạc kế tiếp là bản nhạc mà Trần Thiện Thanh sáng tác đầu tiên vào năm 1958 , đó là bản “ Hàn Mạc Tử ” do Thanh Thúy và Y Phụng trình diễn, đó là sự kết hợp ca sĩ cũ mới và cũng là sáng kiến độc đáo của Trung Tâm Asia trong suốt chương trình. Giọng ca Thanh Thúy vẫn còn nức nở liêu trai, Y Phụng dù còn mới mẻ cũng đủ chửng chạc để hát chung với đàn chị. Sau đó, Trúc Mai nữ ca sĩ đã hát bản “ Hàn Mạc Tử” đầu tiên tại Viêt Nam ngày xưa cũng được mời ra sân khấu để kể lại vài kỷ niệm vui buồn với Nhật Trường. Đến đây chắc có người tự hỏi tại sao bản nhạc đầu đời của Trần Thiện Thanh có tên là Hàn Mạc Tử. Tại vì anh thích nhà thơ này? Theo tôi nghĩ là vì Nhật Trường rất nặng tình với tỉnh nhà, anh sinh ra và lớn lên tại Phan Thiết, nơi có Lầu Ông Hoàng trơ vơ nhìn ra biển cả và cũng là nơi an trí nhà thơ tài hoa bạc mệnh vì bệnh nan y. Ngoài ra Phan Thiết cũng chứng kiến mối tình trái ngang tuyệt vọng của Hàn Mạc Tử cùng người đẹp Mộng Cầm và đó là nguồn cảm hứng cho anh viết nên bản nhạc. Trúc Mai nhân dịp này cũng kể một kỉ niệm vui về người ca nhạc sĩ tài hoa , vào năm 1962, Nhật Trường cùng chị và một số nghệ sĩ đáp xe ra Phan Thiết trình diễn. Khi xe tới khu Rừng Lá là nơi mà Việt Cộng thường ra quấy phá về đêm, thì xe dừng lại để anh chị em nghệ sĩ nghỉ giải lao ở các quán bên đường, Nhật Trường hỏi một anh bán nước giải khát rằng có bán AK không? Nhưng vì anh nói nhanh quá (đó là một thói quen) nên người bán hàng tưởng Nhật Trường hỏi Coca bèn trả lời không có. Nhật Trường quay lại nói nhỏ với bạn bè “ Bây giờ không bán chờ tối đem ra bán”.

    Bản nhạc kế tiếp là “ Biển mặn” do Nhật Trường ( hình cảnh cũ) và Đặng Thế Luân trình bày. Tôi mê giọng ca Nhật Trường từ thuở còn là một sinh viên tay trắng mộng đầy, giờ đây nghe lại vẫn còn thấy thích thú nhưng thoáng chút ngậm ngùi tiếc thương vì anh đã bỏ chúng ta mà ra đi về vùng miên viễn. Ca sĩ trẻ Đặng Thế Luân có giọng ngọt ngào truyền cảm dễ thu hút lòng người. Về xuất xứ bản tình ca này, thì Trung Chỉnh kể lại là trong một chuyến bay ra Nha Trang trình diễn, lúc phi cơ bay ngang trời Phan Thiết, Nhật Trường nhìn qua khung kính thấy cả vùng biển trãi dài trên quê nhà với một thoáng xúc động rồi lấy giấy viết nên nguồn cảm hứng bài “ Biển Mặn”.




    Ca sĩ Anh Khoa, đồng hương Phan Thiết với Nhật Trường kể lại những vui buồn của kiếp “ hát chui’’ sau ngày “ Giải phóng” . Anh chị em nghệ sĩ thật lao đao lận đận nhất là Nhật Trường bị cấm hát nên phải “ hát chui” tận thôn làng xa xôi. Như tại Cà Mau, chưa kịp mừng vui có giấy phép “được hát” thì ngay trước khi trình diễn lại bị cấm chỉ. Nhật Trường chua chát nói nhỏ với Anh Khoa “đoàn hát mình là đoàn Sóng Giang”. Các bạn đã biết ý nghĩa tên đoàn hát chưa ? Thưa đó là đoàn Sáng giông.

    Một trong những bản tình ca nổi tiếng nhất của Trần Thiện Thanh với âm điệu nhẹ nhàng lâng lâng và lời ca lãng mạn trữ tình là bản “ Lâu đài tình ái” được trình bày bởi Anh Khoa và người đẹp made in USA Dalena sau một thời gian dài vắng bóng. Với giọng ca trầm ấm ngọt ngào lại thêm những action rất là tự nhiên tình tứ, hai ca sĩ này đã làm tôi sống lại tuổi thanh xuân thơ mộng với những buổi hẹn hò hoa bướm tuyệt vời trên những con đường tình sử có lá me rơi lất phất trên suối tóc mượt mà, trên áo trắng trinh nguyên của người yêu học trò. Ai trong chúng ta mà không ít nhất một lần đắm mình trong những ước mơ xây lâu đài tình ái với người trong mộng. Và chàng nhạc sĩ tài hoa đã thay chúng ta mà nói lên niềm mơ ước đó.
    Lâu đài tình ái trong hoang tưởng !
    Anh chỉ xây riêng để đón em

    Đến đây thì MC Nam Lộc nhắc lại làng tân nhạc ngày xưa có 4 nam ca sĩ hàng đầu mà người ta thường gọi là tứ trụ. Đó là Duy Khánh, Hùng Cường, Chế Linh và Nhật Trường. Nữ ca sĩ Mai Lệ Huyền còn mao tôn cương thêm là 3 trong nhóm tứ trụ này đều thích màu xanh cho nên Duy Khánh hát với Thanh Thúy, Chế Linh đi đôi với Thanh Tuyền, Nhật Trường rất ăn ý với Thanh Lan, chỉ riêng Hùng Cường thì chắc là thích hoa mai nên hát chung với Mai Lệ Huyền thì…hết ý luôn.

    Tiếp đến là slide show một vài hình ảnh của Nhật Trường với người vợ đầu đời, Bà Trần thị Liên ( mẹ của Trần Thiện Thanh Toàn). Bà Liên đã nhắc lại chuyện tình của bà và chàng ca nhạc sĩ tài hoa rất nên thơ lãng mạn và Nhật Trường đã viết nhiều bản nhạc cho mối tình đầu của mình. Điều làm cho khán giả xúc động là trãi qua bao vật đổi sao dời và mặc dù hai người đã chia tay nhau nhưng bà Liên vẫn nhắc đến người chồng cũ với tất cả tấm lòng. Và hơn thế nữa bà cũng đã đặt bàn thờ Nhật Trường ngay giữa nhà tại Bảo Lộc. Thiết tưởng đó là một điều minh chứng rằng anh là con người dễ mến trong bất cứ hoàn cảnh nào.

    Bản nhạc lính hay và vui nhộn nhất của Trần Thiện Thanh chắc là bản “ Tình thư của lính” được trình bày bởi giọng ca dễ thương Trish và sự góp phần sống động của Asia 4. Dùng balô làm bàn để viết thư cho người yêu trong một chiều rừng đóng quân. Ôi! Sao mà nó tình tứ lãng mạn quá đi thôi hởi chàng lính chiến đào hoa kiêu hùng của tôi ơi!

    Tiếp đến, Việt Dzũng hỏi Chế Linh cảm nghỉ thế nào khi anh được tôn vinh là một trong tứ trụ ca nhạc thì Chế Linh trả lời là rất sợ danh từ quá kêu vã lại bây giờ “ thì gãy mẹ nó 3 trụ rồi” chỉ còn có một trụ một thôi. ( Sao mà nghe âm vang giống như “chùa một cột” quá anh Chế Linh ơi!) Chế Linh còn bật mí là con người tài hoa Nhật Trường lúc nào cũng có hàng khối người đẹp vây quanh. Có thế chứ! Bây giờ thì 2 giọng ca từ 2 thế hệ Chế Linh và Phương Vũ hát bài “ Rừng lá thấp” và “ Tâm sự người lính trẻ”. Bài “ Rừng lá thấp” Trần Thiện Thanh viết để tưởng niệm người bạn học ở Phan Thiết, trung úy Vũ mạnh Hùng, đại đội trưởng TQLC đã anh dũng hi sinh tại cầu Bình Lợi lúc Tết Mậu Thân. Chế Linh là cây trụ còn sót lại của tứ trụ thì hát hay đã đành, nhưng giọng hát trẻ Phương Vũ ca cũng tới lắm. Nghe lời ca “ hay hát cho những người vừa nằm xuống chiều qua” , lòng tôi chùn lại trong niềm thương tiếc những người đã hi sinh trong cuộc chiến bảo vệ tự do miền Nam.



    Trong phần talk show, ca sĩ Thanh Lan, người đẹp thường hát chung với Nhật Trường xác nhận là ngoài tài đặt nhạc tình, Nhật Trường còn có khả năng viết phim kịch rất hay mà điều đặc biệt là cô luôn đóng vai chánh chung với anh. Bỡi thế có dư luận cho rằng hai người “ mí nhau” và bản nhạc “ Khi người yêu tôi khóc” do Trần Thiện Thanh viết riêng cho Thanh Lan vừa khi chàng thấy nàng khóc trong khi đóng phim kịch. Điều này chính Thanh Lan cũng ởm ờ không xác nhận rõ ràng mà chàng ca nhạc sĩ của chúng ta đã nằm xuống thì có Trời mà biết ma ăn cổ ở đâu.

    Riêng bản “ Khi người yêu tôi khóc” Nguyên Khang vẫn với giọng trầm ấm nhẹ nhàng , còn Ngọc Hạ qua tình khúc “ Trên đỉnh mùa Đông” êm như ru, hát tình ca là “ nghề của nàng” mà.

    Trong dòng nhạc Trần Thiện Thanh, thỉnh thoảng ta thấy bản nhạc phổ từ thơ nổi tiếng của Hà Huyền Chi, Tô Thùy Yên… như bài “ Chiều trên Phá Tam Giang” thơ Tô Thùy Yên. Phá Tam Giang thuộc tỉnh Thừa Thiên là giao điểm của 3 con sông Ô Lâu, Bồ và Hương giang trước khi đổ ra biển. Tôi có nghe nói là Trần Thiện Thanh đã phổ nhạc bài thơ này trong một chuyến bay trực thăng trên vùng trời Phá Tam Giang. Qua bản nhạc, 2 nữ ca sĩ Lê Uyên và Thiên Kim với giọng baryton đục như sắc mây trời bàng bạc đã nĩ non những lời thân phận của những người trẻ trong cuộc chiến khốc liệt 20 năm tại miền Nam.

    Cho tới bây giờ, mạc dù đã hơn 40 năm qua, tôi vẫn chưa quên tiếng hát Trúc Mai với bản “ Bảy ngày đợi mong” của Trần Thiện Thanh. Giọng nàng cao vút thánh thót như tiếng chim họa mi hót trong buổi bình minh nắng ấm dịu dàng. Giờ đây cuối đời phiêu bạt xứ người, ngồi nghe lại giọng Trúc Mai cũng với bản nhạc tình ngày xưa, tôi thấy lòng bàng hoàng xúc động rồi thả hồn nhẹ nhàng vào vùng trời kỉ niệm êm đềm xa xưa, một thời của bảy ngày đợi mong nhung nhớ người yêu “ one way”. Kế tiếp, tiếng hát Y Phương trẻ trung qua cùng một bản nhạc như tô điểm thêm tính đa dạng của buổi văn nghệ.

    Tiết mục sau đó, Thanh Toàn và Thanh Tuyền với bản “ Chuyện tình Mộng Thường” đã làm sống lại chuyện tình thương tâm của Trung Úy BĐQ Phạm Thái và người em gái hậu phương Nguyễn thị Mộng Thường. Chuyện tình Mộng Thường làm tôi bồi hồi nhớ lại hai câu thơ trong bài “ Màu tím hoa sim” của Hữu Loan mà các cô cậu học trò lứa tuổi tôi đều say mê như là mode thời thượng :
    Nhưng không chết người trai khói lửa
    Mà chết người em gái nhỏ hậu phương

    Thanh Tuyền vẫn còn nội lực thâm hậu cộng với sự nhập vai của Thanh Toàn khi diễn đạt bản nhạc của thân phụ mình. Đến đây cũng xin ra ngoài đề một chút về việc cải biên gọi nôm na là sửa lời nhạc của đồng bào ta ngày xưa, thì câu cuối của bản nhạc Chuyện tình Mộng Thường là “ nàng hẹn chàng kiếp mai” thì phe ta tự sửa lại là “ nàng giận chàng phá thai”.

    Cuộc đời của Nhật Trường lúc mất nước vô cùng bi đát não nề, bị Việt Cộng cấm hát nên anh và gia đình rất cơ cực lầm than. Nhiều lúc anh phải hát chui chỉ để đổi lấy bao gạo, thùng dầu ăn…Than ôi! một nghệ sĩ tài năng đa dạng như Nhật Trường mà cũng có lúc hẩm hiu khốn cùng đến thế ư!

    Điểm son đáng nói là dù bị trù giập thế nào thì anh vẫn hiên ngang đứng thẳng với sĩ khí rạng ngời, không khuất phục bạo lực để cầu an, anh chưa hề viết một bản nhạc nào ca tụng tâng bốc cái chế độ đã đưa cả một dân tộc đến chỗ đói rách nhục nhằn. Uy vũ bất năng khuất là thế đó.

    Sau cùng đến năm 1993, Nhật Trường đã đặt chân tới Mỹ trong vòng tay đón tiếp nồng hậu, đầy ấp chân tình của đồng nghiệp văn nghệ sĩ và của đồng bào ái mộ anh.

    Trở lại chương trình văn nghệ, Don Hồ hát bài “ Tình đầu tình cuối” vẫn với phong cách trình diễn rất đặc thù muôn thuở .

    Trong số những tình khúc của Trần Thiện Thanh, có lẽ nhạc bản “ Không bao giờ ngăn cách” là lãng mạn trữ tình và phổ biến nhất. Riêng đối với tôi là cả một kỉ niệm buồn khó quên. Số là trong một buổi sinh hoạt văn nghệ sinh viên, tôi vừa hát bản nhạc này xong thì một người bạn thân đến kề tai nói nhỏ rằng “ người mầy yêu sắp lên xe bông rồi”. Trời ơi! Vừa mới ca “ không bao giờ ngăn cách” thì ngay sau đó đã “đời đời cách ngăn” rồi thì quả là đau hơn hoạn phải không các bạn? Ngày hôm nay, bản nhạc này được trình ca bởi Kim Anh và Tuấn Vũ. Lâu qua mới nghe lại Kim Anh hát, vẫn giọng bass mời gọi và mái tóc frisée dễ thương, và mặc cho dòng thời gian vô tình qua mau, Kim Anh còn duyên dáng trẻ đẹp như xưa. Qua chiếc áo dài màu thiên thanh nhẹ nhàng cũng như phong cách trình diễn dí dỏm, nàng chắc đã làm một số khán giả thấy “ may mà có em, đời còn dễ thương” lắm đấy chứ. Tưởng cũng nên nói thêm về xuất xứ bản tình ca này theo lời kể của ca sĩ Minh Hiếu thì Trần Thiện Thanh khi vừa đặt xong đã chạy ngay đến nhà Minh Hiếu để giới thiệu và chính chị là người đầu tiên hát bản này.

    Tiếp đến, bài “Hoa biển” được Dạ Nhật Yến và Khải Tuấn hợp ca một cách trẻ trung sống động làm nổi bật hình ảnh những chàng lính biển hào hoa đa tình đã từng một thời làm xao xuyến nhớ nhung bao cô gái mỗi khi tàu xa bến.

    Từ trước đến nay, tôi cứ nghĩ là bản nhạc “Chuyến đi về sáng” là sáng tác của cố nhạc sĩ Mạnh Phát giờ đây tôi thật sự “bật ngửa” ra khi nghe nữ ca sĩ Thanh Tuyền xác nhận bản nhạc này là nguyên thủy của Trần Thiện Thanh sau đó anh bán bản quyền lại cho Mạnh Phát. Và “ Chuyến đi về sáng” hôm nay được trình bày bởi Hoàng Oanh và Trung Chỉnh. Giọng Hoàng Oanh vẫn ngọt ngào truyền cảm như thuở nào. Riêng Trung Chỉnh mặc dù bận rộn với tu- bíp cũng còn nặng nợ cầm ca. Tôi còn nhớ hồi bốn mươi mấy năm về trước, Trung Chỉnh học trường Trung Học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho sau tôi hai lớp, anh vẫn thường lên hát trong những show văn nghệ giúp vui đồng bào do Ty Thông Tin Tỉnh tổ chức, ai có ngờ đâu mười năm sau , cậu học trò đó trở thành ca sĩ nổi tiếng miền Nam.

    Có nhiều chuyện mà qua cuốn DVD Nhật Trường tôi mới khám phá ra chẳng hạn như trước đây ai mà biết nữ ca sĩ giọng liêu trai Thanh Thúy lại là đồng hương Phan Thiết với Nhật Trường, nay nghe chị kể lại bao kỉ niệm vui buồn thuở học trò với chàng thư sinh Trần Thiện Thanh và cũng là lối xóm.

    Mùa Hè năm 1966 , nhân chuyến tháp tùng Binh chủng không quân trong công tác đánh phá địch, Trần Thiện Thanh đã viết thành bản nhạc “ Tuyết trắng” mà tất cả lính tàu bay đều ưa thích nhất là với giọng ca của gà nhà Sĩ Phú và ca sĩ Philip Huy. Trích video Sĩ Phú lúc sinh thời cất giọng nhẹ nhàng như mây trôi cộng thêm tiếng hát Philip Huy cũng lắng động êm đềm , cả hai đã vẽ nên một khoảng không gian bao la mịt mùng với mây trời trắng như bông tuyết. Viết đến đây, tôi sực nhớ đến câu thơ:
    Bạch vân thiên tải không du du
    ( Ngàn năm mây trắng lang thang đó)

    trong bài “ Hoàng Hạc Lâu” của thi hào Thôi Hiệu mà thấy bậc tiền bối và đám hậu sinh vẫn có mối đồng cảm. Riêng tôi thì mỗi lần ngồi trên phi cơ cao độ 30,000 feet qua khung cửa sổ, thấy những cụm mây trắng cuồn cuộn lớp lớp là tôi liên tưởng ngay “ Tuyết trắng” của Trần Thiện Thanh.

    Đến đây thì khán giả được thưởng thức một trong những bản nhạc lính tình tứ lãng mạn nhất “ Người yêu của lính” qua tiếng hát của Ngọc Minh và Doanh Doanh. Ngọc Minh dù ít xuất hiện trên sân khấu nhưng vẫn còn duyên dáng phong độ, Doanh Doanh trẻ trung tươi mát với giọng thánh thoát. Ngày xưa mặc dù còn là một sinh viên tay trắng mộng đầy chứ chưa là lính nhưng tôi muợn lời ca của Trần Thiện Thanh mà hát cho nàng của tôi rằng:
    Nếu em không là người yêu của lính
    Ai sẽ đón em khi tan trường về
    liền bị nàng sửa lưng liền:
    -Anh đâu phải là lính đâu mà hát vậy.
    Tôi bèn hiên ngang trả lời:
    - Bây giờ thì anh chưa là lính nhưng một ngày gần đây thì anh sẽ là lính thì hát trước bây giờ cho nó tình tứ một chút được không?

    Chương trình được tiếp nối với giọng ca Phương Dung và Băng Tâm trong liên khúc “ Tạ từ trong đêm - Từ đó em buồn”. Giọng con nhạn trắng Gò Công vẫn còn cao vút rung động lòng người như thuở xa xưa.Thế hệ trẻ Băng Tâm có những luyến láy đúng lúc làm nhạc bản thêm phần linh động lã lướt. Trước đó, tôi được biết bản “ Từ đó em buồn” do Trần Thiện Thanh viết kể lại chuyện tình đau thương của một cô gái Phan Thiết với một quân nhân đã bỏ mình nơi chiến trận.

    Năm 1972 mùa Hè đỏ lửa, Tiểu Đoàn 11 Dù của Trung Tá Nguyễn Đình Bảo đã anh dũng tử thủ ngọn đồi Charlie trước sức tấn công biển ngưòi của hơn hai sư đoàn Việt Cộng. Mãnh hổ nan địch quân hồ, người anh hùng mang tên Nguyễn đình Bảo đã hiên ngang đền đáp nợ núi sông. Trong phần phát biểu, nhà văn Phan Nhật Nam đã vô cùng xúc động bày tỏ lòng thương tiếc và tri ân Trần Thiện Thanh vì chính nhờ những bản nhạc lính của anh gởi đến người hậu phương mới biết được những cái tên đèo heo hút gió đầy rẫy tử thần như Charlie, Bastogne, Kregg…và cũng cảm thông những gian nguy nhọc nhằn của người lính chiến VNCH . Và cũng chính Trần Thiện Thanh đã viết lên nỗi cảm xúc về sự hi sinh oai hùng của Trung tá Bảo qua bài “ Người ở lại Charlie” mà Lâm Thúy Vân và Lâm Nhật Tiến với giọng nức nở nghẹn ngào đã đưa khán thính giả ngậm ngùi trở về vùng trời Tây Nguyên nơi đó hình ảnh cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo rạng ngời hào quang người chiến sĩ Cộng Hòa trên đỉnh đồi Charlie.

    Đến đây, Ban tổ chức cho phát âm lại giọng nói của Nhật Trường lúc còn sinh tiền . Giọng chàng ca nhạc sĩ tài hoa trầm buồn nghe thoáng mơ hồ như từ một cõi xa xăm nào đó vọng về “ Nếu có điều gì xin được nói về tôi thì tôi chỉ nói là tôi là một ca nhạc sĩ rất bình thường, lớn lên trong thời chinh chiến, nên rất ảnh hưởng đến dòng nhạc của tôi là hình ảnh đẹp và hào hùng của người lính chiến VNCH mà tôi xin trang trọng cất giữ cho đến ngày tôi nhắm mắt.”

    Như đã nói ở trên, thỉnh thoảng Trần Thiện Thanh có phổ nhạc một số bài thơ chẳng hạn như bài “ Góa phụ thơ ngây” của Hà Huyền Chi qua phần trình bày của Diễm Liên và Minh Thông. Diễm Liên mấy lúc sau này bớt lắc lắc đầu khi trình diễn và giọng ca réo rắt ru hồn hơn. Minh Thông tuy mới nhưng cũng không kém phần điêu luyện rất xứng cặp song ca với Diễm Liên.

    Trần Thiện Thanh ngoài talent viết nhạc tình cũng có khiếu về thể loại dân ca ngũ cung như bản nhạc “ Chiếc áo bà ba” được Ngọc Huyền trình bày thì quả là đúng người đúng bản.
    Có một điều mà ít ai để ý cho tới bây giờ Nam Lộc và Việt Dzũng mới nêu ra là nhiều bản nhạc Trần Thiện Thanh đều nhắc tới màu xanh. Có lẽ là do cái tên tiền định Trần Thiện Thanh chăng? Bây giờ bạn hãy cùng tôi theo chân Nam Lộc Việt Dzũng điểm nhạc mang màu xanh của anh :

    Rồi một chiều nao em khoe áo mới xanh hơn mây trời(Đám cưới đầu Xuân)

    Miệt mài đời trai vượt truông dài che khuất biển xanh( Biển mặn)

    Ôi! Đất mát trên đồi xanh, tình yêu khóc ngất bên cỏ tranh ( Anh không chết đâu anh)

    Hẹn chiều nay rồi lại không thấy em, áo em xanh hờ hững đi vào đêm ( Chuyện hẹn hò)

    Lại mùa Xuân nữa đến trong khói lửa chiến tranh, mùa Xuân vẫn xanh, xanh như cuộc tình em với anh( Phút giao mùa)

    Rừng lá xanh xanh cây phủ đường đi ( Rừng lá thấp)

    Dù tình thì rất mong manh, khi ta yêu trái tim ta màu xanh ( Tình đầu tình cuối)

    Thư của lính không xanh màu trời như mơ ước đâu em( Tình thư của lính)
    Đây áo bay màu xanh xanh như tình ái ( Tuyết trắng)

    Biết anh thích màu trời em đã bồi hồi chọn màu áo xanh ( Bảy ngày đợi mong)



    Có một chuyện buồn trong đời tị nạn của Nhật Trường mà Nam Lộc vừa tiết lộ là anh đã qua Mỹ hơn 13 năm mà chỉ nhận được thẻ xanh có ba tháng trước ngày anh nằm xuống. Là nghệ sĩ thì việc lưu diễn khắp nơi trên thế giới là điều rất cần nhưng riêng Nhật Trường phải chịu cảnh trói tay chân vì không thẻ xanh. Thật đáng buồn cho anh.

    Phần văn nghệ kế tiếp, Mai Lệ Huyền vẫn còn sinh động lắc lư hợp cùng ca sĩ trẻ Ánh Minh tươi mát qua bài “Tình có như không”.


    Xen kẻ chương trình, nữ ca sĩ Mỹ Lan người bạn đời của Nhật Trường bằng một giọng đầy xúc động đã diễn tả lại những giây phút cuối cùng của chàng ca nhạc sĩ tài hoa, anh vô cùng bình thản trước khi ra đi và ước muốn sau cùng của anh là được an nghĩ trên mảnh đất quê hương, quận Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng. Hình ảnh cảm động nhất là lúc Mỹ Lan hướng dẫn cậu bé quý tử của hai người là Trần Thiện Anh Chí thật dễ thương ra “ kính chào quý vị”.



    Đến đây tôi thấy rất nhiều khán giả mủi lòng nhỏ lệ khiến cho nước mắt tôi rơi xuống lúc nào mà cũng chẳng hay. Nhật Trường ơi ! Mọi người đều thương tiếc anh. Hãy yên bình nơi cõi vĩnh hằng, một nơi không có hận thù và bất công.

    Tiếp đến, hai bản nhạc Bolero nổi tiếng là ‘‘ Chuyện hẹn hò’’ và ‘‘ Hoa trinh nữ’’ do Mạnh Đình và Châu Tuấn trình bày nói lên tâm trạng hụt hẳng của chàng trai bị đào cho leo cây. Riêng bài “ Hoa trinh nữ” xuất xứ từ việc nhìn thấy một loài hoa dại, hoa mắc cở mà Trần Thiện Thanh nghĩ ra một câu chuyện tình lãng mạn thì quả thật anh có tâm hồn mẫn cảm và trí tưởng tượng thật phong phú.

    Chương trình văn nghệ đặc sắc được kết thúc với bản nhạc vui nhộn kích động “ Cho anh xin số nhà” qua hai giọng hát trẻ sống động Cadin và Thiên Hương. Nghe bản nhạc “ giựt “ này chắc hẳn có một vài khán thính giả bồi hồi nhớ lại thời xưa mình cũng đã từng một lần chận đường em xin số nhà và hân hạnh được người đẹp cho địa chỉ số 36 đường Hòa Hưng làm chàng hí hửng ngay ngày hôm sau vội entenue cho đàng hoàng tới thăm nàng để rồi tá hỏa tam tinh vì cái số nhà đó là… khám Chí Hòa.

    Về dòng nhạc Trần Thiện Thanh người ta bảo rằng anh là vua Bolero vì phần lớn nhạc anh sáng tác đều theo thể điệu này chẳng hạn như : Anh về với em, Tuyết trắng, Đôi ngã đôi ta, Đám cưới đầu Xuân, Đồn vắng chiều Xuân, Phút giao mùa, Không bao giờ ngăn cách, Rừng lá thấp, Biển mặn, Ngày anh đi, Mười sáu trăng tròn, Hoa biển, Hàn Mạc Tử, Chuyện hẹn hò, Hoa chiều, Hoa trinh nữ, Tạ từ trong đêm, Từ đó em buồn
    Nói chung nhạc Trần Thiện Thanh có âm điệu nhẹ nhàng rung cảm thích hợp cho mọi giới mọi lứa tuổi, lời ca bình dị đáng yêu gần với tâm hồn con người, thể điệu Bolero đại chúng dễ hát. Chính vì thế có nhiều người mê thích nhạc anh.

    Sau gần bốn đồng hồ thả hồn về những kỉ niệm vui buồn một thời trên quê hương giờ đã ngàn trùng xa cách cũng như theo những bước chân thăng trầm của Nhật Trường, chắc hẳn không ai không thoáng chút ngậm ngùi thương cảm cho chàng ca nhạc sĩ tài hoa xấu số. Xin thấp nén hương lòng đời đời tưởng niệm anh.

    Tóm lại, đây là cuốn DVD có giá trị nghệ thuật cao mà chúng ta nên có như một kỉ niệm với chàng ca nhạc sĩ tài hoa vừa nằm xuống để lại bao tiếc thương trong lòng người ái mộ.



    Nhật Trường ơi! Anh không chết đâu anh.

    Toronto April 24, 2006
    Nguyên Trần




    .
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
    Similar Threads
  • #31

    Tạ từ trong đêm * Từ đó em buồn - Phương Dung * Băng Tâm







    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

    Comment

    • #32

      ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi Hương Bình View Post



      Mình cùng nghe tâm sự người lính trẻ nhe..click vào hình đi bạn.HB
      Nhạc phẩm này MVX thích nghe lắm! "Từ khi anh thôi học,.."(đúng là tâm sự MVX khi mới vào quân ngũ)

      Comment

      • #33

        Người Mẹ Trồng Rau - Trần Thiện Thanh


        Comment

        • #34

          Người đi ta cũng lên đường
          Trông ra chiến trận mà thương phong trần
          Ôi! An Lộc điêu tàn trong đổ nát…
          Giọt lệ nào thương xót kẻ vong thân…
          Nước mất, nhà tan, sầu chưa thỏa…
          Đất khách ly hương, tóc đổi mầu…

          ""Anh em ta đi muôn phương xa, non xanh bao la, ta vui câu ca những đêm xa nhà cùng ngồi bên đá. Nhịp đàn vui hoà vang khắp nơi..đem chí trai can trường..."

          Comment

          • #35

            YÊU-Trần Thiện Thanh

            Comment

            Working...
            X
            Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom