• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Thuốc lá, thuốc lào

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Thuốc lá, thuốc lào

    Thuốc lá, thuốc lào
    Đông Phong Nguyễn Tấn Hưng

    Link" align="left" border="0" alt="" style="padding:7px;" />Những người nghiện thuốc lá như tôi rất thích về Việt Nam vì còn được tự do hút thuốc khắp mọi nơi mà không bị kỳ thị phiền phức như ở Âu Châu, ở Mỹ, hay ở Hương Cảng, v.v…

    Hôm nay, để quên trong chốc lát những luật lệ cấm thuốc lá càng ngày càng paranoïaques ở đây (Pháp), tôi viết tào lao kể ít giai thoại liên quan tới thuốc lá.

    Cây thuốc lá thuộc chi (genre) Nicotiana, họ (famille) Solanaceæ (cùng họ với khoai tây, cà, hoa pétunia…). Hiện giờ có hai giống thông dụng : Nicotiana rustica (thường được trồng ở các nước Đông Âu và chung quanh biển Méditerranée) và Nicotiana tabacum (tabac de Virginie).
    Nguồn gốc thuốc lá là Nam Mỹ Châu và đã được dân bản xứ tiêu thụ từ hơn 3000 năm. Người Inca hay Aztèque thường dùng thuốc lá như một thần dược để liên lạc với thần linh.

    Người Âu Châu đầu tiên đã được thưởng thức thuốc lá là Cristobal Colombo (1450-1506), người đã khám phá ra Mỹ Châu năm 1492. Khi tới Cuba ông được dân bản sứ mời hút thuốc với ống điếu rất dài mà họ gọi là tobago. Sau đó ông mang thuốc lá về Bồ Đào Nha. Nhưng ít ai biết dùng thuốc lá.

    Năm 1556, Cha franciscain André Thévet (1502-1590)[1] , sau một chuyến thám hiểm khảo sát tại Bra-xin (Brasil), đem thuốc lá về trồng trong vườn của ông tại Angoulême (Pháp quốc), và dùng thuốc lá làm một thuốc bột. Cha Thévet gửi biếu « thuốc » đó cho hoàng hậu Catherine de Médicis để chữa chứng nhức đầu (migraine) của hoàng tử con bà. Sau đó, thuốc lá trở thành một dược liệu rất quý để người Âu Châu trị nhiều bệnh như hen suyễn, ho, v.v..

    Nhưng thời đó thuốc lá chưa được gọi là tabac hay tabaco / tobacco. Tên thông dụng là petun xuất gốc từ danh từ petyma của thổ dân guarani [2].

    Ít lâu sau, Jean Nicot (1530-1600) phổ biến sự tiêu thụ thuốc lá sau khi ông đi sứ (1559) tại Lisboa (Bồ Đào Nha). Từ đó thuốc lá còn được gọi là l’herbe de l’ambassadeur, Nicotiana, l’herbe à Nicot, l’herbe à la reyne (về sau alcaloïde của thuốc lá cũng được gọi là nicotine [3]).

    Dần dần hút thuốc lá trở nên một thứ khoái lạc thanh nhã trong giới thượng lưu ở Âu Châu [4] . Họ thường hút ống điếu (pipe) và xì gà (cigare), hay hít mũi (priser, pétuner). Không biết lối nhai thuốc (chiquer) xuất hiện từ thời nào.

    Nhưng ngay từ đầu, đã có nhiều người chống đối thuốc lá : năm 1604 vua Anh quốc James I ra chỉ thị « A Counterblaste to Tobacco » : « Smoking is a custom loathsome to the eye, hateful to the nose, harmful to the brain, dangerous to the lungs, and in the black, stinking fume thereof nearest resembling the horrible Stygian smoke of the pit that is bottomless » ; năm 1642, giáo hoàng Urbain VIII cấm dùng thuốc lá và dọa rút phép thông công (excommunier) những người tiêu thụ.

    Mặc dù có những sự ngăn cấm đó, thuốc lá trở thành một ngành kinh tế rất phong phú, đến nỗi hồng y giáo chủ Richelieu (1585-1642) lập thuế thuốc lá đầu tiên tại Pháp quốc (1629), và ông bộ trưởng Colbert (1619-1683) thiết lập độc quyền quốc gia (monopole d’État) về thuốc lá (1681). Sau đó kỹ nghệ thuốc lá càng ngày càng thịnh vượng, rồi lại phát minh ra điếu thuốc lá (cigarette) năm 1830 (sau được kỹ nghệ hóa năm 1843), và từ đó phát triển ra khắp thế giới[5] .

    Còn tại Việt Nam thuốc lá đã có từ bao giờ ?Link" align="right" border="0" alt="" style="padding:7px;" />
    Theo G.S. Nguyễn Thế Anh [6], thời thế kỷ XVII nước ta đã thu nhận được nhiều thực vật từ ngoại quốc đem tới trồng như ngô (bắp), đậu Hà lan, thuốc lá…

    Thật vậy, trong Từ diển Việt - Bồ - La[7] có ghi trên cột 785 :
    thuốc lào : tabaco (Bồ). betum[8] (La). ăn thuốc : tomar tabaco. betum haurire. hút thuốc : idem.

    Lê Khả Kế - Nguyễn Lân[9] dịch thuốc lào là « tabac pour pipe à eau » [thuốc để hút với điếu nước] ; « tabac rustique » [thuốc lá theo lối nông thôn, quê kệch].

    Danh từ thuốc lá theo nghĩa cigarette không có trong từ điển Việt - Bồ - La (lẽ nhiên, thuốc lá-cigarette chỉ phát hiện bên Âu Mỹ từ năm 1830 như đã kể trên).

    Ngoài ra, khi truyền giáo tại Đàng Trong (1618-1622), giáo sĩ Cristoforo Borri nhận xét vắn tắt là dân bản sứ biết dùng thuốc lá, tuy không nhiều bằng ăn trầu[10] . Nhưng giáo sĩ không cho biết nguồn gốc của thuốc lá dùng tại đây.

    Vả lại từ nguyên (étymologie) của thuốc lào và thuốc lá là thế nào ?
    Trong từ điển Việt - Bồ - La, ta thấy :

    Cột 784 : thuốc : mezinha. pharmacum, medicina [thuốc để chữa bệnh].
    Cột 400 : lào, nước lào : reino dos laos ; laorum regnum [royaume des Lao, vương quốc của người Lào][11] .
    Như vậy thuốc lào là thuốc ngoại được nhập khẩu qua đường Lào, và khi đầu có lẽ người ta gán cho loại thảo mộc này công hiệu chữa bệnh nào đó, thế nên mới gọi là thuốc.
    Nhưng với Hán-Việt, thuốc lá-tabac được gọi là yên (煙)[12] hay yên diệp (煙葉)[13] .

    Để kết thúc bài viết này, xin dẫn đại học-giả Lê Quý Dôn (1773)[14] :
    « Sách Thuyết-linh chép : Thuốc lá (yên diệp) sản-xuất từ đất Mân[15] . Người ở biên giới bị bịnh hàn, nếu không có thứ nầy thì không trị được. Vùng quan-ngoại, thuốc lá rất quý, đến nỗi có người đem một con ngựa đổi lấy một cân thuốc lá.

    Năm Quý-vị (1643) trong niên-hiệu Sùng-trinh, vua Tống Tư-Tông hạ lịnh cấm thuốc lá. Người nào trồng riêng cây thuốc thì bị tội đồ.
    Nhưng phép thì nhẹ mà lợi thì to, nhân-dân không tuân theo chiếu lịnh của vua.
    Rồi nhà vua lại ra lịnh : Ai phạm tội trồng cây thuốc thì bị chém đầu.
    Nhưng binh sĩ ở biên giới mắc bịnh hàn không trị được. Chẳng bao lâu nhà vua phải đình chỉ lịnh cấm ấy.

    Vùng Chiết-giang khắp nơi đều trồng cây thuốc lá, tuy là trẻ con bé tí-ti mà không đứa nào là không hút thuốc lá. Phong tục đổi dần.
    Sách ấy lại chép : Cây thuốc lá sản-xuất ở Lữ-tống (Luçon)[16] vốn tên là đạm ba cô (tobacco)[17] .

    Sách Xích kinh hoặc văn chép : Nuốt thuốc hít khói có thể làm cho người ta say[18] .

    Nước Nam ta lúc đầu không có cây thuốc lá ấy. Từ năm Canh-tý tức niên hiệu Vĩnh-thọ thứ 3 (1660) đời vua Lê Thàn Tông nhằm niên-hiệu Thuận-trị thứ 16 đời vua Thanh Thế-tổ, người Ai-lao mới đem đến[19] , nhân-dân nước ta bắt đầu trồng cây thuốc lá. Quan dân đàn bà con gái tranh nhau hút thuốc lá, đến nỗi có câu « Có thể ba ngày không ăn, chớ không thể một giờ không hút thuốc lá ».

    Ba ngày có thể không ăn,
    Hút thì không thể cấm ngăn một giờ.

    Năm Ất-tỵ niên-hiệu Cảnh-trị thứ 3 (1665) đời vua Lê Huyền Tông, triều-đình đã hai lần xuống lịnh chỉ nghiêm cấm, lùng bắt những người trồng thuốc, bán thuốc và lén hút thuốc[20] , nhưng rốt cuộc không dứt tuyệt được.

    Người ta phần nhiều khoét cột tre làm ống điếu [21] và trôn điếu sành xuống đất. Tro than thuốc lá lắm lần gây thành hỏa hoạn. Lâu dần lịnh cấm bãi bỏ. Nay thì việc hút thuốc lá đã thành thói thông thường.

    Gần đây, năm Mậu dần (1758) đời Càn-long nhà Thanh bên Trung-quốc, Ngô Nghi Lạc làm sách Bổn-thảo tùng tân đã lắm lần liệt thuốc là vào loại độc-dược (thuốc độc) vì tính của nó cay mà ấm trị được bịnh phong hàn tê thấp trệ khí, ngăn đàm và sơn lam chướng khí. Hơi thuốc lá hút vào miệng thì không theo thường độ, chốc lát chạy khắp thân-thể khiến người ta thấy khoan khoái khắp người. Người ta lấy thuốc lá thay rượu thay trà mà không chán. Cho nên thuốc lá có một tên nữa là tương tư thảo (loài cỏ mà người ta tưởng nhớ), nhưng lửa khói hun đốt làm hao huyết tổn thọ mà người ta không tự hiểu biết. »

    Thôi, đã kể lắm chuyện rồi, tôi mạn phép ngừng viết để ra ngoài vườn hút một điếu thuốc lá.

    Saint Avé, ngày 13.1.2009

    ----------------------------------------------------
    [1] Xin xem [URL="http://fr.wikipedia.org/wiki/Andr%C3%A9_Th%C3%A9vet"][FONT=Times New Roman]Mauvais titre — Wikipédia .
    [2] Trong từ điển Larousse, 1999, tr. 772 : Pétun : (Vx, cũ) tabac, và Pétuner : Priser ou fumer du tabac.
    [3]Do Louis Nicolas Vauquelin tìm ra năm 1809.
    [4]Cf. bài ca dân gian nổi tiếng « J’ai du bon tabac dans ma tabatière… » của l’Abbé de l’Attaignant (1697-1779) (để xem bài hát này, xin mời bấm vào : [URL="http://fr.wikipedia.org/wiki/J'ai_du_bon_tabac"][FONT=Times New Roman]Mauvais titre — Wikipédia).

    [5] Những thông tin trên được trích ra từ [URL="http://www.la-cigarette.com/histoire.html"][FONT=Times New Roman]CIGARETTE - Tout savoir sur cigarette ; [URL="http://www.tobacco.org/resources/history/Tobacco_Historynotes.html#aa4"][FONT=Times New Roman]Link ; [URL="http://www.tabac.gouv.fr/IMG/pdf/Depliant_Petite_histoire_du_tabac.pdf"][FONT=Times New Roman]404 Not Found.
    [6]Nguyễn Thế Anh, “Traditional Vietnam’s incorporation of external cultural and technical contributions : ambivalence and ambiguity”, in Tonan Ajia Kenkyu (Southeast Asaia Studies) [Kyoto Univ.], 2003, 40(4), tr. 444-458.
    [7] Alexandre de Rhodes, Dictionarium Annamiticum, Lusitanum, et Latinum, Roma, 1651.
    [8] Viết trệch từ petun.
    [9] Lê Khả Kế - Nguyễn Lân, Từ điển Việt-Pháp, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1994, tr. 1383.
    [10] « On use aussi du tabac, mais pas autant que de bétel » (Cristoforo Borri, ‘‘Relation de la nouvelle mission des Pères de la Compagnie de Jésus au royaume de la Cochinchine’’ (1631), Traduction de l’italien et annotation par le lieutenant-colonel A. Bonifacy, Bulletin des Amis du Vieux Huê, Nos 3-4, t. XVIII, 1931, tr. 295).
    [11] Thời thế kỷ XVII tên nước Laos chưa được thông dụng trong ngôn ngữ Tây Phương. Chẳng hạn, Cha Giovanni Filipo de Marini viết cuốn Relation nouvelle et curieuse des royaumes de Tunquin et de Lao (1666). Nhưng năm 1651, Cha Henry Albi là người đầu tiên dùng chữ Laos để dịch chữ Ý Lai (pluriel de Lao), khi ông dịch tác phẩm của giáo sĩ Alexandre de Rhodes Relazione de felici sucessi della santa fede predicata dà patri della Compània di Giesu nel regno di Tunchino sang Pháp ngữ thành tác phẩm Histoire du royaume de Tunquin et des grands progrès que la prédication de l’Évangile y a faits en la conversion des Infidelles (Lyon, 1651, tr. 2, 281).
    [12] Anthony Trần Văn Kiệm, Giúp đọc Nôm và Hán Việt, NXB Thuận Hóa, Huế, 1999, tr. 963.
    [13] Bất Tiếu Nguyễn Quốc Bảo tiên sinh bổ túc : « Trong sách vở hay Hỗ Liên Võng (Internet) Hoa ngữ, cũng thấy dùng từ Hán Việt yên diệp 煙葉yān yè để chỉ lá thuốc leaf tobacco. Có hai chữ Hán Yên, Yên yān (bộ Thảo) là cây thuốc lá và Yên yān (bộ Hỏa) là khói. Thường thì, chữ Yên thường dùng để chỉ thuốc lá (cây) và chữ Yên để chỉ thuốc hút. Cho nên le tabac là Yên thảo. Nhưng đôi khi hai chữ Yên cũng dùng lẫn lộn như nhau, khó phân biệt. »
    [14] Lê quý Đôn, Vân đài loại ngữ (1773), Tập III, bản dịch quốc ngữ của Tạ Quang Phát, Phủ Quốc-Vụ-Khanh Đặc trách văn hóa xuât bản, Sài Gòn, 1973, tr. 196-198.
    [15] Nhóm dân Bách Việt ở miền Phúc Kiến (Anthony Trần Văn Kiệm, Giúp đọc Nôm và Hán Việt, op. cit., tr. 617).
    [16] Luzon, Phi Luật Tân.
    [17] Lẽ ra Tạ Quang Phát phải dùng từ tabaco (tiếng Bồ hay tiếng Tây Ban Nha) thay vì tobacco (tiếng Anh) thì mới hợp thời.
    [18] Bất Tiếu Nguyễn Quốc Bảo tiên sinh bổ túc : « Sử viết lịch sử Yên thảo (thuốc lá) ở Trung Quốc đã có từ Minh Triều, đời Vạn Lịch Tam Niên萬曆三年wàn lì san nián(1575), yến thảo do từ Lữ Tống 呂宋lǚ sòng Luzon, trước tiên, truyện nhập vào Đài Loan, Phúc Kiến. Khi Giáo sĩ Dòng Tên Matteo Ricci (tên Hoa ngữ là Lợi Mã Đậu利瑪竇lì mă dòu) từ Macau qua cư ngụ ở Quảng Đông (Triệu Khánh 肇慶zhào qìng) lần đầu năm 1582-1583 (có sách viết sai 1579), thì nhân khẩu hút thuốc ở Trung Quốc, trong vòng dưới 10 năm đã tăng khá cao. Như dẫn trong Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, năm 1637 (1643?) Sùng Trinh 崇禎chóng zhen có lệnh cấm hút thuốc, và trảm thủ công cộng, trừng phạt buôn bán thuốc trái phép.Về sau, Binh Bộ Thượng Thư Hồng Thừa Trù 承疇卻hóng chéng chóu thượng tấu “Liêu đông sĩ tốt , thị thử nhược mệnh”, quân sĩ Liêu đông ghiền thuốc, nên đạo thư cấm hút thuốc gặp chướng ngại, phải bỏ. Ở Hồ Bắc, khi xuất thổ (đào) Mộ địa đời Đông Hán, có tìm thấy một Ông điếu hút bằng đồng ». ĐP NTH thành thật cám ơn BT NQB tiên sinh đã cho những thông tin này.
    [19] Do đó mới gọi là thuốc lào. Như vậy, nếu Lê Quý Đôn nói đúng, dân Đàng Ngoài chỉ được biết thuốc này ít ra là 40 năm sau dân Đàng Trong.

    [20] Lịnh này không thấy ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư và trong Việt sử thông giám cương mục.
    [21] Loại điếu này - điếu cày - vẫn còn thông dụng.
    Sống trên đời

    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom