• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Vũ Hữu Định và “Còn một chút gì để nhớ”

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Vũ Hữu Định và “Còn một chút gì để nhớ”

    Thêm đôi dòng về Vũ Hữu Định
    và “Còn một chút gì để nhớ
    Nguyễn Quang Tuệ

    Mấy chục năm qua, cả ở trong và ngoài nước, đã có nhiều người viết về Vũ Hữu Định cùng bài thơ Còn một chút gì để nhớ của ông. Tác phẩm của Vũ Hữu Định, đặc biệt là sau khi được âm nhạc Phạm Duy chắp cánh, đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ, vô hình trung trở thành một trong những “lời giới thiệu” nhẹ nhàng mà sâu lắng về Pleiku.

    Từ việc muốn tìm hiểu kĩ hơn về tác giả và bài thơ này, bước đầu chúng tôi đã sưu tầm, đối chiếu nhiều nguồn tư liệu, và trong bài này xin cung cấp thêm một số thông tin về tác giả, tác phẩm nêu trên đến quí bạn đọc. Tư liệu chính sử dụng là hai cuốn sách: Còn một chút gì để nhớ (tập thơ, NXB Trẻ, 1996, 94 trang, 45 bài) và Thơ Vũ Hữu Định toàn tập (in năm 2006, ở nước ngoài, 242 trang, 118 bài).





    Bìa sách: Thơ Vũ Hữu Định Tòan Tập và Còn Một Chút Gì Để Nhớ …



    Vũ Hữu Định tên thật là Lê Quang Trung, sinh năm 1942 tại Thừa Thiên Huế, từng sống nhiều nơi ở Tây Nguyên, lập gia đình và định cư tại Đà Nẵng. Ông làm thơ từ thập niên 1960, đăng báo rải rác. Trước 1975, Vũ Hữu Định là cán bộ xây dựng nông thôn; sau 1975, ông làm công nhân điện lực. Một đêm trăng tháng Giêng năm 1981, tại làng An Hải, bên bờ sông Hàn, Đà Nẵng, Vũ Hữu Định qua đời vì ngã từ trên lầu xuống, trong một cơn say cùng bè bạn.

    Trong tập Còn một chút gì để nhớ, theo những người bạn cùng thời thì Vũ Hữu Định ra đi, đã để lại rất nhiều bài thơ chưa kịp in ấn thành tập - kể cả những bài khá nổi tiếng. Vì vậy, bạn bè ông viết tiếp: “Chúng tôi là những bạn bè, những người yêu mến Vũ Hữu Định góp lòng in tập thơ này như một nén hương tưởng niệm đến một con người tài hoa, lang bạt và có đời sống rất thơ”. Về nội dung thơ Vũ Hữu Định, trong cuốn sách Thơ Vũ Hữu Định toàn tập, người giới thiệu viết: “Thơ Vũ Hữu Định quay quanh các chủ đề: quê nhà, tình bạn, tình yêu trong khát vọng một không gian rộng rãi”.

    Tên của tác phẩm này trong các cuốn sách được dẫn ở trên, đúng như chúng tôi đã viết - Còn một chút gì để nhớ. Chứ không phải như trong một số trường hợp, có người đã thể hiện khác với tiêu đề vốn có của nó, ví dụ: Một chút gì để nhớ hoặc Còn chút gì để nhớ…





    Tương tự như trên, một vài câu, từ trong bài cũng có sự thể hiện không giống với những tài liệu mà chúng tôi hiện có. Có thể nêu một vài ví dụ (không viết hoa từ nào):

    đi dăm phút đã về chốn cũ
    một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng


    Chữ dăm thỉnh thoảng được viết thành năm, là không đúng. Hoặc:

    nên mắt em ướt và tóc em ướt
    da em mềm như mây chiều trong

    Từ “da” trong dòng thơ thứ hai là đúng, thay vì đôi khi được viết thành “nên” (nên em mềm như mây chiều trong).

    Dòng cuối của bài thơ này, sinh thời được tác giả viết là còn một chút gì để nhớ để quên, như các tài liệu hiện có. Nhưng đôi khi đã được “chuyển” thành còn một chút gì để nhớ để thương.
    Hai tập sách chúng tôi đang có trong tay cũng thể hiện sự không thống nhất vài từ ngữ (bên đồi và trên đồn) khi in lại bài thơ nổi tiếng nhất của Vũ Hữu Định viết về Pleiku.

    Bản in 1996 tại Việt Nam:
    mai xa lắc bên đồi biên giới
    còn một chút gì để nhớ để quên.

    Bản in 2006 ở nước ngoài:
    mai xa lắc trên đồn biên giới
    còn một chút gì để nhớ để quên

    Cuối cùng, cần nói thêm là văn bản Còn một chút gì để nhớ được trình bày trong các cuốn sách mà chúng tôi hiện có, có một vài điểm “lạ” về chính tả, cụ thể là sự viết hoa và dấu câu (không chỉ trong một bài này). Nếu không kể tiêu đề bài thơ (có bản in chữ in hoặc in hoa có bản in chữ thường) và từ “Pleiku” được viết hoa (ở dòng thơ em Pleiku má đỏ môi hồng), không có từ nào trong bài nào được viết hoa. Một điểm “lạ” nữa là bài thơ này không sử dụng bất kì dấu câu nào (không chấm, phẩy), kể cả cuối câu kết bài (đối với bản in 2006) và có duy nhất một dấu chấm câu ở vị cuối bài (đối với bản in 1996).

    Pleiku là đô thị trẻ trên cao nguyên, mặc dù vậy, đây cũng là một trong những miền đất có sức hấp dẫn đối với nhiều bộ môn nghệ thuật. Bài Còn một chút gì để nhớ của Vũ Hữu Định (và bản phổ nhạc của Phạm Duy) có thể được xem là một trong những dấu ấn đáng kể về thơ ca của thành phố này trong vòng mấy chục năm qua. Cũng vì sự yêu mến nó, mà người ta đã vô tình hoặc cố ý tạo ra thêm một số “dị bản”. Đó vừa là một sự thú vị lại cũng vừa là “một chút”… rắc rối cho những “anh khách lạ” yêu thơ đã và đang sống tại thành phố Pleiku ngày nay.


    N.Q.T


    ------
    Nguyễn Quang Tuệ - Bảo tàng tỉnh Gia Lai,
    0913 418 122; 098 8585 016; quangtuepku@gmail.com

    Đã chỉnh sửa bởi GRANDET; 06-09-2009, 06:09 AM.
    Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......
    Similar Threads
  • #2




    (phoxua.net)
    Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

    Comment

    • #3

      ĐỜI VẪN CÓ EM

      Về một nơi nào ta vẫn có em
      đường xa không đốt được ưu phiền
      những con đường núi sâu hun hút
      những phố đìu hiu không nhớ tên

      ta ở đây sống giữa rừng sương
      có bạn là chim không chút chán chường
      có hoa không bán giăng đầy núi
      có lũ vượn về chung thủy trên nương

      ta vẫn có em, đời vẫn có thơ
      ta đi quét lá đốt tương lai
      thở hơi sương khói tình xanh ngát
      không biết ngày mai - Ôi một mai

      sao chẳng yêu như vượn yêu rừng
      như hoa núi thở thả lừng hương
      như chim vẫn hót trên cành mát
      mà lại sầu phải khóc tương lai

      ta chẳng về đâu đời chẳng có em
      có em khi núi thở sương đêm
      có em là mộng ru trăng ngủ
      bên suối hồn sao hát nhạc rừng.



      THƯỢNG NGUỒN

      (Tặng Nguyễn Đình Dzu, một chiều nhớ Đại Ninh quay quắt)

      thượng nguồn sương ngập bờ khe
      màu lan của đất bốn bề gọi nhau
      lá xanh như thuở ban đầu
      lá vàng như thuở cùng nhau hẹn hò
      anh nghe lá mục dặn dò
      bước về nhè nhẹ mà mơ kẻo mà
      một mai cách trở đường xa
      nhớ non tưởng núi mặn mà phai đi
      cỏ bên này suối xanh rì
      cỏ bên kia suối vàng ghi chút màu
      thuyền về đi chẳng được mau
      nghe theo lũ quạ gọi màu chiều không
      ngoảnh trời lá hé màu trông
      bóng dương vượn hú rã lòng trong sương
      đây khe nước mộng thượng nguồn
      những hàng chuối níu màu sương trên ngàn
      những lời cỏ gió mang mang
      âm thanh của đá dội tràn tuổi thơ
      vàng rẫy bắp nối xanh lơ
      của khoai sắn rộng suốt bờ triền non
      nghe con cá quẫy trong nguồn
      nước xô đọng bóng linh hồn chiều đi

      (phoxua.net)


      _____________________________
      Đã chỉnh sửa bởi GRANDET; 06-09-2009, 05:29 AM.
      Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

      Comment

      • #4

        VŨ HỮU ĐỊNH,TÌNH CA LỠ VẬN
        Đặng Tiến



        Nhà thơ Vũ Hữu Định (1942-1981), từ 1972 đã xem mình như một người lỡ vận :

        Ta đã hát khúc hát đời lỡ vận
        Hát âm u trong đêm tối một mình (tr. 65)

        Vũ Hữu Định tên thật là Lê Quang Trung, sinh tại Thừa Thiên, sống nhiều nơi ở Tây Nguyên, lập gia đình tại Đà Nẵng và định cư tại đây. Làm thơ từ thập niên 1960, đăng báo rải rác. Năm 1975, đi học tập cải tạo một thời gian ngắn vì là cán bộ Xây dựng Nông thôn, rồi làm công nhân Nhà Đèn. Đầu năm 1981, tại làng An Hải, Đà Nẵng, anh qua đời vì say rượu té từ lầu một, cái chết còn gây nghi vấn. Sinh thời, anh không có tác phẩm xuất bản. Đến 1996 bạn bè mới đóng góp để nhà xuất bản Trẻ ấn hành thi tập Còn một chút gì để nhớ gồm 45 bài, lấy tên từ một bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc và thịnh hành một thời :

        Phố núi cao phố núi đầy sương,
        Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn (tr. 5)

        Hiện nay, sau khi tái bản thơ Nguyễn Bắc Sơn, Linh Phương, truyện ngắn Y Uyên, nhóm Thư Ấn Quán của Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn đã sưu tầm và in lại thơ Vũ Hữu Định để tặng biếu, không bán, trong tinh thần bảo lưu và truyền bá di sản văn học miền Nam. Chúng tôi đã có lần đề cao thiện chí này ; nay một lần nữa, xin công nhiên ca ngợi một việc làm tâm huyết.

        Thơ Vũ Hữu Định lần này gồm 80 bài – chắc là còn thiếu – là một tập thơ hay, tài hoa, trong sáng, đáp ứng được sở thích đông đảo người đọc ; một tác phẩm có giá trị cao về mặt tư tưởng, tình cảm, nghệ thuật, lưu lại tấm lòng của nhà thơ quá cố, ghi tạc niềm thủy chung của bằng hữu, trong một hoàn cảnh lịch sử, xã hội nghiệt ngã và bạc bẽo.

        *
        Thơ Vũ Hữu Định quay chung quanh các chủ đề : quê nhà, tình bạn, tình yêu trong khát vọng một không gian rộng rãi. Trước khi đi vào các đề tài này, chúng ta nên biết qua thân thế tác giả, qua những bài thơ tâm sự, chủ yếu là „Bài thơ năm bốn mươi“, làm dịp tết Tân Dậu, 1981, trước khi qua đời, thơ „kiểm điểm“ vô hình trung thành thơ tuyệt mệnh, như bài „Di chúc“ của Nguyễn Khuyến :

        Bốn mươi tuổi rồi đây
        vợ năm con không no không đói

        bốn mươi tuổi rồi
        hai lăm năm uống đắng
        (giỏi nghề rượu từ thuở mười lăm)
        học hành thì lăng nhăng
        thân tự lập thân từ năm bảy tuổi
        không nhớ hết nghề đã trải
        bán báo, đánh giày, ở đợ
        đánh trống phòng trà, dạy học, làm thơ
        phó giám đốc nuôi trẻ bơ vơ
        còn cả chục nghề thôi không kể
        ham đọc sách chẳng phải vì ham học
        thần thánh trăm ông chẳng phục ông nào
        ông nào cũng tốt
        ông nào cũng tào lao
        có lắm thánh nhân thì đời chỉ rối mù
        nhiều triết học thêm tối mù đa sự

        bốn mươi năm khoảng dăm lần tù… (tr. 86)

        Trong bài „Ngựa hí đầu non“, ta còn biết thêm :

        Sinh nhằm tuổi Ngọ, đêm vừa hết…
        Mới hai tháng đã biết mùi bom đạn

        1942, thời chiến tranh Nhật-Đồng minh. Lên bảy tuổi :

        Đã theo mẹ đêm đêm qua xóm
        xách đèn rao khoai sắn cầm hơi (tr. 67)

        Trong bài „Cảm ơn người vợ“, 1972, ta được biết anh cưới vợ khoảng 1965 :

        Bảy năm tình chồng vợ
        bảy năm em hẩm hiu
        lần nào em sinh nở
        ta cũng phải vắng nhà
        đứa đầu lòng tù tội
        đứa thứ hai, đi xa (tr. 129)

        Chúng ta không biết rõ anh tù tội vì việc gì, làm gì đến nỗi dăm lần tù. Theo chứng từ của bạn bè, Vũ Hữu Định là người cởi mở, vui chuyện, ưa rượu, ưa bạn, đàn giỏi hát hay, nhẹ trách nhiệm gia đình, vợ con đương nhiên là phải khó khăn. Và anh cũng thừa nhận điều đó :

        Năm đứa con như năm hạt ngọc
        Nếu không có em sao khỏi cát lầm
        Còn anh thì cứ lông bông… (tr. 88)

        Tháng 3/1973, nhà thơ Tường Linh có bài „Gặp lại Vũ Hữu Định“, ghi nhận hoàn cảnh của anh :

        Thì ra ngươi chửa hết gian nan
        Thôi hãy cầm như lửa thử vàng…

        Chúng ta đã chấm phá được đôi nét chân dung Vũ Hữu Định. Chân dung ấy sẽ rõ nét hơn khi quần tụ bạn bè, trên chiếu rượu :

        Nợ nần chưa thoát nổi
        càng nợ, càng hăng vay
        thiếu cái danh, nhưng không thiếu bạn bè
        đi đâu cũng có phần rượu tặng. (tr. 85)

        Trong mọi tình cảm, có lẽ tình bạn là mang nhiều âm sắc thời đại nhất. Đã xa rồi những „cố nhân“ trong thơ Đường, thơ Tống. Xa rồi giọng u hoài, trầm mặc của Nguyễn Trãi :

        Bạn bè đất Việt ai thăm hỏi
        nhờ nhắn : đời ta vẫn cỏ bồng

        Hay giọng băn khoăn, xa xăm của Nguyễn Khuyến thăm hỏi bác Châu Cầu, lụt lội năm nay bác ở đâu, giọng nhẹ nhàng, thơ mộng của Huy Cận thương bạn chiều hôm sầu gối tay. Cũng đã xa rồi những „Tống biệt hành“, „Vọng nhân hành“ của Thâm Tâm. Tao loạn, thì đất nước đã trăm lần tao loạn. Nhưng chiến cuộc 1960-1975 mang một sắc thái đặc biệt, và tình bạn sinh tử thời này ngân vọng một âm hao riêng, trong chất bi phẫn nặng phần phi lý :

        Trên non may có tình bằng hữu
        tuổi trẻ đau chung một khúc ca
        ôm nhau thức với vầng trăng lạnh
        vượt lá tìm sao định hướng nhà.

        Có những ngày đi trong núi thẳm
        tuổi trẻ nhìn nhau, nhớ xóm thương làng
        thở chung một tiếng nghe sầu cháy
        tâm sự chuyền nhau điếu thuốc quan san

        Cám ơn điêu đứng rừng sinh tử
        cạm bẫy người giăng để giết người
        tuổi trẻ gần nhau trong gió lửa
        giữ dùm nhau những tiếng chim cười (tr. 45)

        Bài „Chuyện người tuổi trẻ“ này, Vũ Hữu Định làm tặng nhà thơ Trần Dzạ Lữ, cùng một bài khác, mang rõ nét thời sự :

        Ngày Huế giải phóng
        mày lang thang trong Nam

        xa nhau càng nghĩ càng thương
        thằng bạn thơ cuộc đời bầm dập
        trốn lính, đi lính, rồi thì học tập
        thương ơi câu nói „ở răng cho vừa đời“

        nghe nói mày về quê đi bán bánh mì
        vợ giặt mướn cho nhà thương đẻ
        rồi nghe nói mày đi Nam trở lại
        quê không dụng nổi đôi vợ chồng thơ
        năm năm rồi mày sống xa quê
        ôi cái làng quê Nam Phổ Hạ
        thời chiến tranh mày quay quắt mong về (tr. 42)

        Hòa bình, thống nhất mà lại làm nhiều người xa quê – và xa nhau – hơn là chiến tranh, chia cắt. Bài thơ này làm khoảng 1980, bắt đầu bằng câu ca dao quen thuộc :

        Gió đưa cây cải về trời
        Rau răm ở lại chịu lời đắng cay

        Ai hiểu sao thì hiểu.

        Tình bạn, bao giờ cũng mang tính cách thời đại, xã hội. Tình yêu có không gian rộng rãi hơn : tiếng sét ái tình có thể giáng xuống bất cứ lúc nào và nơi nào. Tình bạn có thuở, có thì, có nơi, có chốn. Yêu nhau rồi mới ngồi vào chiếu ; ngồi vào chiếu rồi mới ra tình bạn. Bá Nha, Tử Kỳ cùng chiếu nhạc buổi Xuân Thu. Quản Trọng, Bảo Thúc cùng miếng đỉnh chung thời Chiến Quốc. Montaigne và La Boétie cùng phất áo giữa tòa án Bordeaux. Nguyễn Khuyến, Dương Khuê áo mão đồng khoa… Vũ Hữu Định, Trần Dzạ Lữ, Trần Hoài Thư, cùng nhiều bạn khác cùng gối đầu trên báng súng, tai nghe trực thăng, đại bác… Cơn binh lửa tạo ra và củng cố tình bạn. Cái quý là tình bạn còn lại sau cơn binh tàn, lửa tắt. Và quý hơn nữa, trong tình bạn ấy, sau khi chắt lọc tiếng trực thăng đại bác nhiễu nhương, còn lại tiếng đập cùng nhịp của những trái tim. Ấy là tình người. Tình yêu là định mệnh cá nhân ; tình bạn là cơ duyên thời đại. Cao quý thay lòng chung thủy giữa những tâm hồn tự nguyện, trong tình yêu cũng như tình bạn.

        Vũ Hữu Định, người đã ra đi, tình còn ở lại.



        *

        Nói đến thời đại là nói đến quê hương. Vũ Hữu Định tha thiết với quê hương, dù anh sinh một nơi, sống một nơi và giữa hai nơi là những bước chân lang bạt kỳ hồ. Anh khẳng định :

        Mùa lúa năm nay đòng đòng đã trổ
        anh yêu mùa yêu đất yêu quê (tr. 29)

        Nhưng quê anh nơi nào ?

        Những con lạch anh chèo ghe thăm lúa
        thả lưới giăng câu, mười mấy năm ròng

        Cau với bưởi bây giờ thơm hương trái
        em bên vườn da thịt có thơm không ? (tr. 28)

        Vũ Hữu Định là „kẻ chợ“, dân thành phố ; ở đây anh thác lời „kẻ quê“, một nông dân mười mấy năm cày sâu cuốc bẫm, nhà mới thay tranh mong đón em về… Lời không thật nhưng tình thì thật.

        Tình quê nơi Vũ Hữu Định, quyện với tình bạn và tình yêu là một khát vọng hạnh phúc trong nguồn cội. Quê hương của Vũ Hữu Định không chính xác như trong những „bức tranh quê“ mà ta đã gặp, những đồng chiêm trũng miền Vụ Bản, Nam Định của Nguyễn Bính, hoặc thôn làng sơn cước Hà Tĩnh trong thơ Huy Cận, hay làng Trung Phước dưới chân núi Quảng Nam trong thơ Bùi Giáng, Tạ Ký, Tường Linh. Nơi Vũ Hữu Định, quê hương làm tâm cảnh tượng trưng cho một giấc mơ. Giấc mơ Trở Về của đứa con biết mình lạc hướng, vì cơn lốc của lịch sử đã đành, nhưng cũng có phần cố tình lạc hướng. Phải hiểu như thế mới giải quyết được nhiều mâu thuẫn trong thơ anh.

        Và hiểu rằng nỗi nhớ nhà thường xuyên ám ảnh anh, không giống với nỗi nhớ bất ngờ, bất chợt trong thơ Nguyễn Bắc Sơn đồng lứa :

        Qua cầu Sông Lũy nhìn quanh quất
        Nước đỏ cầu đen chợt nhớ nhà

        Tình quê, đề tài cho nhiều bài thơ, có thể là nền thơ Vũ Hữu Định :

        Mây còn bay nên đời còn mộng
        tuổi trẻ ra đi sao lại nhớ nhà
        ơi người tuổi trẻ sầu trong mắt
        đêm trên rừng mộng gởi quê xa.

        quê xa ta có em và mẹ,
        nhớ ao bèo xanh bông tím thiết tha
        nhớ người con gái bên hàng xóm
        chiều thả thuyền vớt mộng nở hoa… (tr. 44)

        Cảnh mơ hồ nhưng tình tha thiết. Quê xa đây là mộng tưởng. Vũ Hữu Định không được hạnh phúc có một làng chính xác để ca ngợi như Huy Cận, Bùi Giáng. Nhưng anh chẳng quan tâm đến điều đó :

        Nghĩ ra thì ở đâu cũng vậy
        ta vẫn là ta khinh bạc đắng cay.
        có lẽ ta là thằng bất sá
        cớ sao ở đâu rồi cũng bằng lòng
        thả trôi cái sống cho đời dạt
        mẹ buồn ta tóc trắng lưng cong (tr. 76)


        Quê hương, nơi Vũ Hữu Định là niềm u hoài khôn nguôi, hướng về cõi hạnh phúc đã mất hay chưa đến, trong nghĩa „quê hương và lưu đày“ trong Kinh Thánh, hay Albert Camus.
        U hoài bốc men cho những vần bay bướm :

        Hoa dại ven đường gửi lại các em
        Tiếng giã gạo gửi cho người mất ngủ
        Trăng mười bốn gởi tâm hồn thiếu nữ
        Trăng mười lăm gởi những kẻ yêu nhau

        *

        Tình sôi nổi, thiết tha nhất trong đời người có lẽ là tình yêu. Thơ tình yêu là lối thơ dễ làm và khó hay nhất. Một là vì đề tài lâu đời trở thành khuôn sáo, hai là người làm thơ tình khi thành thật thì chủ quan, đắc ý, tự nghĩ thơ mình là hay, hóa ra dễ dãi, trong khi người đọc bên ngoài, cho rằng lẩm cẩm. Thơ tình ngày nay, muốn thành công, phải giàu lượng trí tuệ và chất nghệ thuật ; nhưng thơ hoa mỹ lại mất nét thành thực đơn sơ. Mà tình yêu chính là cảm xúc đơn sơ.

        Thơ tình Vũ Hữu Định gây cảm xúc vì chỗ tha thiết mà tự nhiên ấy :

        Anh đang sống thiếu một phần thân thể
        sống thiếu em nên anh thở không đều
        thèm ngực trần, môi ngọt với tay yêu
        đã trói chặt hồn trăm năm lãng tử



        đã quen đau nên thấy được mặn mà
        của tội lỗi mà anh kêu hạnh phúc
        ôi vết chém đã qua thời đau nhức
        đâm da non để thành sẹo muôn đời
        anh thở đều để sống em ơi (tr. 31)

        Hơi thở rạo rực đã phả vào bài „Tiếng dội của sương chiều“, 5 chữ nhẹ nhàng nhưng da diết, trong sáng mà hàm súc - một bài lý tưởng để phổ nhạc (câu này viết nhắn gửi Phạm Duy) :

        Anh nằm đâu, ngồi đây
        ngó nước nguồn reo vỡ
        nước nguồn chảy bao năm
        đá núi mòn dấu nhớ
        anh nằm đây, ngồi đây
        một mình anh vẫn thở
        mười năm trong trắc trở
        anh thở khác ngày xưa
        nghe dội tiếng rừng mưa
        nghe vang lời suối nhớ



        anh nằm nghe lay động
        đau của những nhánh cành
        anh ngồi trong lá xanh
        trên những hồn lá chết
        tay anh nắm tha thiết
        những chiếc lá còn tươi
        thả xuống suối mà chơi
        trôi đi còn tiếng dội… (tr. 33)

        Nguồn thơ róc rách tuôn tuôn tự nhiên, u uẩn trong veo, thắm tươi đau đáu, trầm lặng ngân vang. Một bài thơ tình hiện đại, rõ nét nếu ta so sánh với „Tình quê“ đồng dạng của Hàn Mạc Tử, nửa thế kỷ trước. Đâu đó, trong Thân phận làm Người, André Malraux đã định nghĩa tình yêu là „cái phần mình thay đổi ở người kia“, nghe sâu sắc, nhưng trừu tượng. Vũ Hữu Định nói anh thở khác ngày xưa có cường điệu nhưng cụ thể, và xúc động. Thể ngũ ngôn ngắn hơi, ít để lại tác phẩm hay. Bài „Tiếng dội của sương chiều“ là một tác phẩm toàn bích.

        Cùng một hơi thở - hơi thơ ấy còn có bài „Rừng hương mật“ đắm đuối. Cảm hứng tuôn tràn một mạch,ào ạt, sung mãn mà âm trầm, tao nhã. Thao thao tình cảm, thao thiết ưu tư :

        Anh đang sống - đang thở đều rất lạ
        Thở yêu em yêu đau đớn của đời
        Anh cảm được phút của mùa đang đổi
        Giây của sông dừng lại đợi chiều trôi
        Ở đâu đó rừng của Thu ảm đạm
        Uống chút hương hoa của suối mà say
        Mây của nghìn năm mây vẫn là mây
        Nhưng một buổi lạ như vừa mới có



        Một ngày nào mặt trời kia rét lạnh
        Máu đỏ trùng dương một lần chết cuối cùng
        Giấc lạnh vang lời gió nhắn với rừng
        Anh hối hả trở về mau cho kịp (tr. 82)

        Nhịp thơ dập dồn, hình ảnh điệp điệp, ý tứ trùng trùng, tuôn tuôn từ một hồn ứ chứa bao nhiêu tình rừng thẳm. Do đó mà thơ tình Vũ Hữu Định ngày nay còn gây hào hứng.

        Thơ tình, chứ không huê tình kiểu „áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc“. Thơ tình xưa nay thường khệ nệ đèo thêm phần thuyết lý, dạy đời : thơ Pháp từ Ronsard đến Aragon, thơ Việt từ Nguyễn Trãi „đầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng“ đến Xuân Diệu „vội vàng lên với chứ“. Thơ Vũ Hữu Định mang sắc phơi phới, hồn nhiên, đớn đau mà vẫn tin đời - có lẽ do niềm tin ở trời đất, mà anh diễn đạt rất mãnh liệt trong bài tứ tuyệt :

        Sướng quá, nâng ly, khà một tiếng
        Mừng rằng sắc núi vẫn màu xanh
        Đám mây bay thấp ngang nhà cỏ
        Hương rượu nồng hơn mọi thứ tình (tr. 6)

        Tâm giới hào sảng trước sắc giới ưu ái như trong đoạn thơ trên, được định hình trong một thi giới bao la, biển rộng trời cao. Thơ Vũ Hữu Định ít có giới hạn chật hẹp, nếu Pleiku phố xá không xa thì cũng được nấn rộng bằng sương mù, cây xanh, núi cao - và nhất là có em !

        Nơi Vũ Hữu Định tình yêu, tình bạn, tình quê, quyện vào niềm nhớ đất thương trời mêng mang mênh mang mênh mang.

        *

        Hình ảnh tạo tính nhất quán cho tập thơ, xuyên suốt, tiếp dẫn các bài thơ, tự rừng núi đến thôn quê, ao bèo, thửa ruộng, lũy tre, mái nhà, là con chim.
        Một mặt chim là tri âm, chia sẻ tâm sự và ước mơ :

        Có lẽ con chim rừng bữa nọ
        Hát với anh là chia sẻ ngọn nguồn (tr. 74)

        Chim là một ẩn dụ đa hiệu. Hình ảnh thị giác, nó là không gian gần mà xa, cảm nhận thính giác, tiếng chim là thời gian dội vào tim, có khi hẹn hò hoan lạc thủy chung :

        Con chim bỏ đi có bận quay về
        Cất tiếng hát chào niềm vui của gió (tr. 108)

        Có khi nhắc thân phận hiện thực chơ vơ :

        Con chim lạ lùng năm nọ của tôi ơi
        Hóa mấy kiếp mà sao tôi vẫn vậy (tr. 110)

        *
        Thơ Vũ Hữu Định là điển hình cho thơ trữ tình hiện đại. Nó không gai góc, thách thức ; ngược lại, nó kết thân, đằm thắm, quen thuộc. Lay động người đọc bằng tình cảm trong sáng và thiết tha, bằng nét tài hoa vô tội.

        Đây là đoạn cuối trong bài thơ „Kiểm điểm“, Vũ Hữu Định làm 1981, trước khi vĩnh biệt trần gian :

        Ta đang nhớ thuở sông dài núi rộng
        đường thênh thang của một gã giang hồ
        ta đang thèm đi để học làm thơ
        chờ ta đến xin nhớ phần rượu tặng (tr. 89)

        Câu thơ tuyệt mệnh thu gọn không gian, cuộc đời, tâm tình, hoài bão văn chương và những khát vọng chưa nguôi của Vũ Hữu Định.

        Trên chiếu rượu vui ít buồn nhiều hôm nay, bạn bè, trong và ngoài nước, luôn luôn giữ phần rượu tặng, cho Định.

        Định ơi,



        Orléans, ngày 25/2/2006

        [url="http://www.blaisepascaldanang.fr/spip/article.php3?id_article=166"][COLOR=#000080]Page non trouvée – Lycée Blaise Pascal de Da Nang

        ĐặNG TIếN
        Đã chỉnh sửa bởi GRANDET; 06-09-2009, 05:27 AM.
        Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

        Comment

        • #5

          Ði tìm Vũ Hữu Ðịnh ở Mỹ
          Trần Hoài Thư

          Trong một căn phòng rộng mênh mông của thư viện Đại học Cornell New York, đầy kệ ngăn san sát, nơi chứa đựng những di sản về văn hóa của toàn thế giới, có ai ngờ một tạp chí như Tiếng Ðộng, tiếng nói của Ban đại diện Ðại học xá Minh Mạng vào năm 1971, hay Trước Mặt do Phan Nhự Thức chủ biên trước 1975 ở Quảng Ngãi lại nằm giữa kệ sách. Ai có thể ngờ tập san Bộ Binh của khóa 23/24 Thủ Ðức vào năm 1966 lại được đóng bìa cứng, có mặt tại đây. Cũng thật không thể tưởng tượng có những nội san của các trường trung học, đại học miền Nam trước đây được cất giữ. Ðó là những ví dụ để nói lên sự giữ gìn và bảo tồn văn hóa nhân loại của một đại học Hoa Kỳ. Nó không có màn kỳ thị, không kẻ thắng người thua. Không trả thù. Không kết án nọc độc để rồi đốt hủy… Nó chẳng cần phân biệt hay ưu đãi ai. Sách nào cũng được bảo bọc tối đa, bìa cứng, chữ nổi. Nếu là tạp chí quá cũ thì được bỏ vào hộp carton, cột dây cẩn thận.

          Không những chỉ có căn phòng rộng mênh mông này để cất giữ di sản văn chương miền Nam mà còn có cả một tòa nhà khác nằm riêng biệt ngoài vòng đai của khuôn viên đại học cũng chứa các tạp chí và sách báo của miền Nam, loại ngoại cỡ. Nơi này, có những tập như Khởi Hành đóng bộ, hay nguyệt san Ðời, hay những bộ nhật báo Chính Luận, Tin Sáng, Ðiện Tín v.v… Nhưng đừng mang ra ngoài hay xé. Coi chừng tiếng hú báo động đấy.

          *Nơi đây không có ngăn riêng dành cho nhà văn lớn hay nhà văn nhỏ. Không người nổi tiếng hay kẻ vô danh. Bên cạnh tập thơ của Tố Hữu là tập truyện của Nguyễn Mạnh Côn. Những tập sách mỏng của nhà xuất bản Quân Giải phóng nằm cạnh những tác phẩm của Cục Chỉnh huấn Quân lực Việt Nam Cộng hoà. Sách của kẻ chiến thắng nằm bên sách của phe chiến bại. Bên cạnh một cuốn sách đóng bìa công phu, phụ bản nhiều màu, tranh bìa của họa sĩ tên tuổi vẽ, là một tập sách nghèo nàn, đơn sơ, đến tội nghiệp. Chỉ có kẻ đọc mới có quyền thẩm định và lựa chọn. Cho dù cuốn sách có mạ vàng, giấy loại hoa vân, bìa cứng hay cho dù tranh bìa được vẽ bởi một họa sĩ hàng đầu đi nữa, cũng không thể thu hút quyến rũ được hắn.

          Riêng tôi, tôi chọn Vũ Hữu Ðịnh.

          Thứ nhất là anh thuộc thế hệ chúng tôi. Dù sinh thời, anh chưa có một tác phẩm nào xuất bản, nhưng không vì thế mà thơ anh lại không được nhiều người ưa thích. Riêng bài thơ “Còn một chút gì để nhớ” đã đi vào tâm trí chúng tôi không ít thì nhiều, thời ấy.

          Nói đến Vũ Hữu Định là nói đến một người bạn giang hồ, và những cốc rượu bốc cháy. Có người trách anh bỏ bê gia đình, vợ con để theo tiếng gọi của những phần rượu tặng. Có lẽ những bài thơ về rượu này khá phổ biến, nhưng họ làm sao hiểu được nỗi lòng của Ðịnh và lý do tại sao anh lại phải xa người mẹ bệnh tật, xa vợ con, xa quê.
          Từ ba năm làm lính biên trấn mà Ðồn cheo leo đón gió/Bốn mùa phên mây che/ Ðất trời đây một cõi/Nhốt đời chưa cho về /đến những tháng năm luân lạc, chấp nhận làm một người con bất hiếu, một người chồng một người cha không chu toàn trách nhiệm, để được sống, để được tiếp tục làm thơ, tiếp tục dâng hiến cho đời, cho người đọc những bài thơ đẹp, hay, để đôi lứa càng thương yêu nhau, để Pleiku càng đi vào trong tim của chúng ta, bằng tóc em mướt và mắt em ướt, để bọn trẻ chúng tôi thời ấy, cả tháng không thấy đàn bà, không thấy cả một tờ tạp chí, được an ủi rằng may mà có em đời còn dễ thương… trong khi đêm ngày tai như muốn bục màng nhĩ vì trái pháo và tiếng trực thăng cùng những núi đồi vây hãm khó có thể thoát được ra ngoài.

          Hãy hiểu nỗi lòng của Ðịnh. Hãy thương lấy Ðịnh qua những dòng tâm sự đành đoạn não nùng khi anh viết về người vợ của anh:

          Lần nào em sinh nở
          ta cũng phải vắng nhà
          tháng này em sinh nở
          ta lại trên đường xa
          …cám ơn người vợ khổ
          chiều nay ta khóc thầm
          uống những giọt rượu đắng
          ngày xa quê long đong

          Trách anh hay trách hoàn cảnh, thời thế ?

          *

          May mà có em đời còn dễ thương…

          Vâng. Nếu cảm ơn thành phố ấy có em, thì cũng cần phải cảm ơn Vũ Hữu Định của chúng ta nữa.

          *Ðể rồi từ đó, những chuyến đi đi về về thư viện Đại học Cornell, Library of Congress, dặm dài thăm thẳm, qua đồi, qua đèo trập trùng, để chúng tôi nói với lòng, chúng tôi đi tìm Vũ Hữu Định đây. Rồi những chồng tạp chí cũ mà người phụ trách mang đến cao ngất, cứ lật và cứ lật miệt mài. Nơi nào có cõi thơ anh trú ngụ? Tạp chí nào, số nào, để có thể mượn mà tìm ra dấu vết thơ anh? Trang giấy nào có tên Vũ Hữu Ðịnh dù chỉ một hai dòng, nhất là ở giữa xứ lạ quê người mà việc sưu tập di sản văn chương miền Nam chỉ biết trông cậy vào các thư viện Mỹ?

          Nhưng chúng tôi tin hương hồn anh sẽ phù trợ việc làm của chúng tôi, hà hơi tiếp sức chúng tôi vượt tất cả những trở ngại khó khăn. Ðể rồi những lần lên đường vào bốn giờ sáng, khi đêm bưng bít cùng tuyết rơi mịt mùng. Và những lần trở về, một mình trong đêm, giữa xa lộ đầy ánh đèn xuôi ngược, hay qua dốc đèo hiu quạnh, có khi lạc qua một thị trấn quờ quạng tìm lối ra, không phải đi năm phút đã về chốn cũ mà đi một phút đã về chốn cũ, mắt lão như không thấy đường nhưng lòng thì vui thật là vui. Bởi vì mỗi lần trở về là những bài thơ Vũ Hữu Định làm bạn đồng hành, nằm bên cạnh, để cho mình quên cả nhọc mệt, mà nhấn mạnh bàn đạp gia tốc…

          Tập thơ này là một tập thơ được may mắn. Với tổng số 80 bài (tập thơ in trong nước chỉ có 45 bài), nó không phải bị nộp lưu chiểu hay phải qua giấy phép xuất bản nào để phải chịu cắt xén hay thay đổi cho phù hợp với chế độ đương đại. Sách dày 170 trang, gồm 2 phần. Phần đầu Dẫn nhập và phần hai là thơ sưu tập. Riêng lần xuất bản này, chúng tôi “chơi sang”: Bìa sách được in bằng lọai nhũ kim (gold metallic and golden foil), và giấy toàn là loại đặc biệt. Chỉ dành tặng nếu có yêu cầu. Không bán. Xin nhắc lại, dành để tặng khi có yêu cầu. Ðể chứng tỏ cùng Ðịnh là đám bạn bè tuổi ngựa của anh dám chơi đẹp, chơi sang và chơi hết mình vì bạn!

          Chúng tôi xin được để tập thơ này bên cạnh phần rượu tặng trong ngày giỗ thứ 25 của anh.



          *Phụ lục: Thơ Vũ Hữu Định



          Rừng Hương Mật
          Tặng Diệp Mậu

          Anh đang sống, đang cảm nhiều chuyện lạ
          Những chuyện trăm năm mà tưởng như vừa
          Một ngọn gió của đời đã thổi
          Bay hồn anh trong bóng nắng hồn mưa
          Một chút gió trên rừng hay dưới biển
          Tới từ đâu sao lại báo tin mưa
          Hôm qua ngó vầng trăng cuối tháng
          Mọc giữa chiều xanh của buổi giao mùa

          Anh cảm động nhớ một thời si dại
          Yêu là yêu em bằng tấm lòng xưa
          Anh đang sống - đang thở đều rất lạ
          Thở yêu em yêu đau đớn của đời
          Anh cảm được phút của mùa đang đổi
          Giây của sông dừng lại đợi chiều trôi
          Ở đâu đó rừng của Thu ảm đạm
          Uống chút hương hoa của suối mà say

          Mây của nghìn năm mây vẫn là mây
          Nhưng một buổi lạ như vừa mới có
          Gió là gió mà sao anh ớn lạnh
          Men ở đâu mà anh đã ngất ngây
          Ngày anh về, hôm anh cất chân đi
          Nghe được tiếng của con đường anh bước
          Em có xa như một đời kiếp trước
          Anh thấy gần nên cảm được trầm hương
          Anh ở trên rừng cũng sống trọn nguồn thương
          Ra giữa biển tình cũng như biển mặn
          Một ngày nằm nghe đất trời cay đắng
          Sấm vang lên, mưa giận dữ trên rừng
          Nước của nguồn đi mạnh bạo cuồng hung
          Tiếng bi thiết trong mạch nguồn nức nở

          Anh đang sống – anh đang nghe anh thở
          Cảm được tinh của cả đất trời
          Lúc bắt đầu anh chỉ có em thôi
          Nay có hết núi mây rừng với biển
          Những đồng nội mấp mô màu trác tuyệt
          Một hôm nao cảnh cũ lạ vô cùng
          Của đất trời là Xuân Hạ Thu Đông
          Anh có cả em nên giàu cảm lụy

          Anh đang sống và anh đang thấy
          Nước trên sông khi chảy khi dừng
          Lúa trên đồng kể chuyện với sao sương
          Những đá tảng nghìn năm nay nói chuyện
          Những con đường anh đi và anh đến
          Bờ Trùng Dương bến hẹn với Bình Nguyên
          Những nẻo rừng trạm gió sơn xuyên
          Thân ái với màu rêu trên vách cổ
          Những củi mục của rừng thân rất nhỏ
          Kể với anh về thay đổi của đời
          Một chiều vàng bên suối mộng rong chơi
          Anh soi thấy anh hình dung đã lạ
          Mắt rực rỡ ngó chiều bay tơi tả
          Vượn hú sương chim kêu bạn não nùng
          Suối cạn mòn, nước đã ra sông
          Ở nơi đó anh lạc hình mất ảnh
          Một ngày nào mặt trời kia rét lạnh
          Máu đỏ trùng dương một lần chết cuối cùng
          Giấc lạnh vang lời gió nhắn với rừng
          Anh hối hả trở về mau cho kịp

          Anh đang sống một ngày tha thiết
          Nghe âm vang đồng nội rừng già
          Mỗi bước đi về nghe thật thiết tha
          Hồn ứ chứa bao nhiêu tình rừng thẩm
          Mỗi bước chân anh đất trời lằng lặng
          Mắt sáng như sao tiếng nói như đồng
          Anh bước về để thấy một hừng đông
          Có mặt Nguyệt thay mặt Trời hiển hiện

          17-10-73



          Tiếng dội của sương chiều



          lạnh trong rừng thu xanh
          anh vô nằm trong cỏ
          nơi những ngày xưa kia
          em đã ngồi ở đó
          anh nằm đây, ngồi đây
          nghe rừng thu nhắc nhở
          tiếng dội của sương chiều
          làm xanh đau sắc cỏ

          lạnh trong rừng thu xanh
          em là con chim nhỏ
          đậu trên nhành hoa leo
          hát mấy lời ngẩn ngơ
          anh nằm đây, ngồi đây
          ngó nước nguồn reo vỡ
          nước nguồn chảy bao năm
          đá núi mòn dấu nhớ
          anh nằm đây, ngồi đây
          một mình anh vẫn thở
          mười năm trong trắc trở
          anh thở khác ngày xưa
          nghe dội tiếng rừng mưa
          nghe vang lời suối nhớ
          anh như còn nặng nợ
          với cây cỏ rừng già
          anh vẫn còn thiết tha
          nơi em nằm buổi nọ

          lạnh trong rừng thu vang
          lá thu vàng cũng rụng
          anh nằm nghe lay động
          đau của những nhánh cành
          anh ngồi trong lá xanh
          trên những hồn lá chết
          tay anh cầm tha thiết
          những chiếc lá còn tươi
          thả xuống suối mà chơi
          trôi đi còn tiếng dội
          anh nằm đây, ngồi đây
          mưa của rừng đã tới
          những hạt rơi nhức nhối
          trên những lá vàng non
          và những lá héo hon
          rụng như lòng anh rụng

          lạnh trong rừng thu mộng
          ôi giấc mộng dài đời
          lạnh cả mùa thu tươi.


          Nguồn: Thư Quán Bản Thảo, tập 23 tháng 4. 2006, chủ đề Tưởng nhớ Vũ Hữu Ðịnh, phổ biến trong vòng thân hữu, không bán. Ðịa chỉ: P.O Box 58 South Bound Broo

          [url="http://nghiathuc.wordpress.com/2006/04/02/136/#more-969"][COLOR=#000080]Không tìm thấy trang này | Quảng Ngãi Nghĩa Thục

          TRầN HOÀI THư
          Đã chỉnh sửa bởi GRANDET; 06-09-2009, 05:26 AM.
          Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

          Comment

          • #6

            Chẳng Hay

            Chiều dựng mùa đông mây xám ngắt
            núi cao trời thấp có ta về
            giang hồ đâu có ai phong ấn
            mà nghĩ từ quan trở lại quê

            Ta đi, xưa gió đưa vài dặm
            ta đi, xưa mưa ướt vừa căm
            quê nhà ngoảnh lại mờ trong gió
            hình như không đủ buồn trong lòng

            Ta đi, có những ngày trú quán
            lòng mốc tình khô như lá bay
            ngồi quán suốt ngày trông thiên hạ
            ta có sầu không ta cũng chẳng hay

            Ta đi, có những ngày khô héo
            chẳng nhớ quê nhà, chẳng muốn về
            mẹ, chị, đàn em như bóng khói
            nương với đời ta quay quắt trong mê

            Ở đâu rồi cũng đời vất vưởng
            chiều lặng lòng câm dạt phố người
            khi không ta có đời lang bạt
            đời học trò xưa khép cánh hổ ngươi

            Chiều nay không hẹn ta lại về
            mùa đông dài vẫn níu chân quê
            ta về gió đón phong sương lạnh
            ta về, mưa đón ta về quê

            Thôi chẳng về chi thôn xóm quạnh
            nhà xưa giờ chắc cũng điêu tàn
            đứng đây đường cái quan bên núi
            ta cũng đã trầm lòng mê mê

            Chiều dựng mùa mưa bên vách núi
            chiều neo sương khói buổi ta về
            mẹ, chị, đàn em không có mộ
            thăm ai? thăm ai? ta về quê



            Đêm Mưa Thiếu Rượu Nhớ Lý Hạ

            Lý Hạ xưa say bằng huyễn mộng
            ta nay say bằng rượu pha cồn
            cảm đau thân thế người trong sử
            rượu đắng cay mà sao thấy ngon

            Lý Hạ yêu người mà hóa quỷ
            ta yêu người nên nghèo rớt mồng tơi
            đêm mưa thiếu rượu thương người cũ
            ngâm vài câu Lý Hạ, rợn người

            thời đại thánh thần đi mất biệt
            còn lại bơ vơ một giống sầu
            rót mãi, bao nhiêu tình cũng cạn
            nâng ly, nhìn thấy tóc bạc mau

            mưa nhức, mưa như cuồng, tức thở
            thịt rồng đâu ? nem phượng ở đâu ?
            đũa ngọc, chén vàng đâu mất cả
            mắm ruốc, me chua cũng cháy hết sầu

            mời nhau một chén đêm huyền sử
            Lý Hạ đâu ? - còn ta đâu ?
            cứ tưởng nằm kề bên họ Lý
            gác chân nhau nói chuyện biển dâu
            ma quỷ sợ tâm hồn ướt rượu
            gối chai không mà thương nhớ nhau


            Kỷ Niệm

            con đường đất có màu xanh bữa nọ
            cây bên đường màu lá lục hôm kia
            con chim bỏ đi có bận quay về
            cất tiếng hát chào niềm vui của gió

            anh ra đứng sau hè nghe để ngó
            không thấy chim mà thấy tiếng kinh chiều
            vui trong lòng anh đã bước chân theo
            em có nói là em không trở lại

            hôm em nói em đi buồn biết mấy
            anh có nghe bên đường tiếng chim kêu
            con chim chi buồn chết cả buổi chiều
            từ bữa đó anh nhớ đường ra ngõ

            con đường đất bàn chân từ thuở nhỏ
            một ngày vô bốn bận đi về
            cây bên đường, cỏ bụi, hàng tre
            quen đến nỗi không nhớ gì tha thiết

            hôm em đi anh bắt đầu thấm mệt
            thấy trường xa con đường ngại đi về
            mắt anh nhìn lên đọt ngọn tre
            dõi mấy bụi tìm con chim nhỏ

            con chim nhỏ có nằm trong vạt cỏ
            bữa hôm nay anh mới thấy cỏ vàng
            con chim đời nào lại sống trong hang
            anh vô cớ soi tìm trong đụn đất

            tuổi mười một anh biết mình đã mất
            một cái chi không nên ảnh thành hình
            cho tới bây giờ hết tuổi học sinh
            râu đủ bộ vẫn còn ngơ ngẩn mãi

            con chim nhỏ có bao giờ trở lại
            em năm nay không biết mấy con rồi
            con chim lạ lùng năm nọ của tôi ơi
            hóa mấy kiếp mà sao tôi vẫn vậy


            Đò Ngang

            Cứ ngồi ngó mãi ra sông
            Trông con đò khách giữa giòng lại qua
            Ai về, ai bước chân ra?
            Có ai về ở cùng ta chốn này
            Quê hương mộng dữ bao ngày
            Đã xanh phơi phới màu cây cổng làng
            Chạnh lòng ngó chuyến đò ngang
            Tiếng kêu sương gió dặm đường quạnh hiu
            Tiếng kêu của những buổi chiều
            Tiếng kêu mái quán ngày xiêu dốc rừng
            Đi, về. Lòng quá bâng khuâng
            Nơi đây quê thấp nhớ rừng quê cao.



            Thời Tiết

            cơn bão lớn về bình nguyên giục gĩa
            run theo cây mùa lúa rạp buồn rầu
            cát bụi lộn đường bay tản về đâu
            khung cảnh dựng mùa nguyên sơ man dã

            con sông nước về tràn mọi ngã
            thuyền bè đi, đi mất tự bao giờ
            những bến chiều tấp nập mộng ban sơ
            đã hun hút trong triều lên trắng xoá

            làng hôm trước bây giờ trông cũng lạ
            màu muôn năm đã khác lối đi rồi
            những cánh chim tai ách cuộc đời
            đã bay chập chờn rao cơn mộng dữ

            chiều ngấm lạnh màu hoang liêu rất cũ
            mây đi đâu, trời chỉ một màu tro
            gió vi vu ầm ỉ khúc nhạc buồn
            đã réo rắc sầu gian nan phủ tới

            người em gái của buổi nào nắng mới
            con đường đi em có biết đi đâu
            có dắt theo hình ảnh một con trâu
            em ngất ngưởng hát khúc tình đang lớn

            những quang gánh đem theo hồn của mọn
            con gà con, con lợn nhỏ, thằng cu
            bước tới quay lui chập choạng sa mù
            mắt có ngước tìm người trôi theo nước

            nẻo vô núi đường lên cao rậm rịt
            ngậm mà nghe con gió đẩy nhau về
            những lưng còng đau đớn nợ phu thê
            mắt ráo hoảnh sững hai bàn tay trắng

            người bó gối nghe phút vừa im lặng
            dế run theo mạch chuyển trận mưa nguồn
            mai mốt đi về đồng trắng phơi xương
            bay lên núi lũ trâu bò ngơ ngác

            mẹ có đứng vỗ tay cười nên nhạc
            hoà âm theo réo rắt trận cuồng phong
            cha có say sưa vững dáng trời trồng
            hồn lộn lạo theo xác nhà xác ruộng

            gió xê dịch màu tang thương đêm xuống
            nước đem lên con trăng đỏ lộn hồn
            con trăng lưỡi liềm nhạt nét chiều hôm
            mới thoáng hiện mà sao màu đã khác

            ở trên núi trên rừng đi lưu lạc
            thấy trăng lên con nai nhỏ vội mừng
            đi men về bờ suối cũ bâng khuâng
            đám cỏ mộng đã thơm mùi đất mới

            dòng suối chảy đã nghe chiều vời vợi
            dần lan xa hơi của chuyện đổi dời
            con nai buồn nhưng cũng vội tin vui
            cứ thoang thả, rừng hôm nay đã vậy

            qua trôi giạt của cuồng phong hồng thủy
            ruộng hôm nay đã thay lốp phù sa
            làng hôm nay đã thay lại nếp nhà
            thêm mồ mã thêm những đường mới mở

            con sông nọ một bên bồi bên lở
            lở bao nhiêu thay mất bến đò đi
            bồi bao nhiêu có nên ruộng đồng lì
            đứng mãi mãi cho lúa mùa được mọc

            bao nhuêu kẻ nhìn ra sông để khóc
            bao người vui vì thửa ruộng vừa bồi
            chuyện ruộng đồng cũng là chuyện buồn vui
            năm ba tháng cây quen màu đất mới

            năm ba tháng người quen đời thay đổi
            cỏ đã xanh trên mồ mã chưa già
            lũ trai làng đã thèm khát đi xa
            chuyện ly biệt thay chuyện mùa nước lụt

            chuyện cô phụ có hai hàng nước mắt
            gượng mà vui đưa tiễn bước người đi
            làng, xóm, thôn, ngày vội nối ngày
            trống gọi mõ, đêm sáng đèn gọi lửa

            từ bữa đó, trẻ không còn nhớ nữa
            người già quên vì không muốn đau thương
            mùa nước đôi khi mấp mé lên đường
            già thì sợ, trẻ con mừng khấp khởi

            mưa mãi sai mùa, gió sai chiều tới
            lũ chim tai ách quen lối tìm về
            những bóng chim mù bay dợm trong quê
            nhiều giấc ngủ một đêm mà bạc tóc

            chuyện làng xóm, chuyện tiếng cười tiếng khóc
            nắng sớm, mưa trưa, chiều bão không ngờ
            sương của mùa nguyên thủy rất đơn sơ
            đã có lúc mù quê nghe dễ sợ

            tuổi bé dại không biết mình đang thở
            lớn khôn ra tiếng thở cũng rụt rè
            bạc tóc, ngập ngừng theo nẻo hồn quê
            chuyện thời tiết nghe ra già trước tuổi

            ------------------------------------------------

            Đứng Giữa Đồng Không

            một bầy sáo nhỏ qua sông
            một em tôi đã cầm lòng đi xa
            như con sông nhỏ thật thà
            sớm hiu hắt tạnh, chiều sa mưa nguồn

            một bầy sáo đã đi luôn
            một em tôi đã để buồn lại đây
            con chim quyên đã lạc bầy
            xuống sông vọc nước đợi ngày xế ngang

            một bầy sáo nhỏ bay hoang
            một em tôi đã bỏ làng đi xa
            tôi ngu ngơ giữa chiều tà
            em đi để lại mình ta giữa đồng

            (dactrung.net)
            Đã chỉnh sửa bởi GRANDET; 06-09-2009, 05:23 AM.
            Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

            Comment

            • #7



              MỘT NGÀY CỦA GÃ THẤT TÌNH

              em còn bóng mà tăm thì đã mất
              em ở nơi nào,anh vẫn đi theo

              khi ngó lại bốn bên là núi lở
              trùng dương xanh sóng dữ đã lên bờ
              em thì suốt mấy mùa nay chẳng gặp
              xuân riêng đời hao hụt hồn thơ

              khi ngó lại sông bên bồi bên lở
              thời gian nay mới biết dở dang
              em thì có bao giờ em hiểu được
              đông lao đao mùa lá nọ bay vàng

              khi ngó lại anh đã già rất lạ
              tóc chưa hết xanh lưng mỏi mắt khờ
              thời con buớm là hồn anh bay lượn
              em có bao giờ hiểu lúc anh mơ

              khi ngó lại ngọn đèo buổi sớm
              em có đi qua con đường núi thật buồn
              ta cảm ơn em đã đành bội bạc
              mà hồn ta nay tắm được trong sương

              khi ngó lại suối nọ còn tuôn chảy
              nước nở hoa khi gặp đá dạm lời
              anh đứng sững bên bờ đau hồn cỏ
              con bướm giang hồ lả cánh bay rơi

              rằng đá sỏi cũng đau như là nước
              anh biết mây cũng một chút muộn phiền
              đất có lúc cũng vô tình đau đớn
              và anh đây ngày nọ thấm cơn điên

              rằng có lẽ con chim rừng bữa nọ
              hát với anh là chia xẻ ngọn nguồn
              chim đã bay anh còn đứng lại
              một đời anh đứng lại mà thương

              đêm hun hút, đêm sâu,ngày chẳng cạn
              đêm trăng lu sóng vỗ mạn đò
              anh như một chiếc thuyền neo lại bến
              sóng với thuyền thầm thĩ chuyện buồn xo

              sáng khi đứng trên đèo cao cũng nhớ
              chiều anh đi theo con suối ngoằn ngoèo
              em còn bóng mà tăm thì đã mất
              em ở nơi nào,anh vẫn đi theo.




              TƯỞNG TƯỢNG

              ngồi tưởng tượng mùa chim bay trốn gió
              anh nhớ anh buồn lúc thấy em đi
              anh nghe lũ chim gọi đàn bay mất
              gió bay theo đem lạc dấu xuân thì

              ngồi tưởng tượng lúc đàn chim sợ hãi
              ngó chớp bên đông báo gió mùa hung
              anh giục giã lòng anh lẩn quẩn
              thấm cơn mưa,nghe được giọt não nùng

              em để lại chút hương nào phảng phất
              anh tìm quanh đây một chút nghìn năm
              nghe nồng mặn như môi vừa gặp lại
              là mùi hương em gửi đến tự nghìn trùng

              nẻo em bước, đường em đi,chốn tới
              một chốn nào xa anh cũng thấy gần
              đời để lại cho anh ngoài ô cửa
              một hình mây,bóng núi,tin sông

              ngồi tưởng tượng rằng em đang vẫy gọi
              trên đồi tranh gió ngược bước anh về
              em khóc rũ tóc lẩn màu sắp tối
              đường anh đi gió dạt bước lầm mê

              anh ở lại ngó trời qua ô cửa
              chợt biết tin mây, ý gió,lòng mùa
              anh ở lại sống những ngay thui thủi
              ngày hôm nay nghe như một ngày xưa



              (nguyenmienthaoblogspot)
              Đã chỉnh sửa bởi GRANDET; 06-09-2009, 05:21 AM.
              Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

              Comment

              • #8

                Có những bài thơ, tôi đọc của Vũ Hữu Ðịnh mà mường tượng ra những cảm giác của chính mình. Có những cảnh ngộ, đã trải qua trong đời sống, bây giờ, đọc trong thơ Vũ Hữu Ðịnh, như sống lại trong ký ức.

                Như, bài thơ “Những ngày long đong”:


                “trưa ngủ đậu - chiều đi - đêm đợi

                mai lang thang, mốt biết về đâu

                ngày với tháng cứ đùn như mối

                tháng với ngày qua như một bãi mù

                đi ra khỏi nơi anh tạm trú

                đứng một nơi đâu không định trong lòng

                ngã bảy xe người chia bảy ngã

                có ngã nào đi riêng của anh đâu

                đi ra khỏi nhà sơ quen tạm ngụ

                một đêm đau lưng mắt mở trừng trừng

                đi ra khỏi là ra đi với nhớ

                để chiều về đâu? Ngơ ngác bâng khuâng...”


                Phải, tôi đọc thơ Vũ hữu Ðịnh để nhớ lại những ngày xa xưa thuở ấy. Lúc lang thang vơ vẩn ở Sài Gòn năm 1980 sau khi được thả về. Sau đó, tham gia tổ chức một chuyến vượt biển không thành ở Bến Tre và bị công an tỉnh lên tận Sài Gòn hỏi thăm. Túng cùng, khi chiều về đêm xuống đạp xe đi mà không biết mình đi đâu. Có lúc, như một nhân vật của kiếm hiệp Kim Dung mà than thở một mình. Than ơi, trời thì cao, đất thì rộng mà ta thì không chốn nương thân. Câu hỏi tối nay biết ngủ đỗ nơi đâu cứ hoài trong tâm trí. Mình có nhà có cửa mà sao phải lạc loài như người vất vưởng không nhà. Có bữa, mướn chiếu ngủ tạm ở bến xe, để nghe những người chung quanh chửi rủa thời thế, hay những cô gái giang hồ đêm khuya kể lể tâm sự bọt bèo mình. Tôi khám phá ra một điều ngủ đêm ở bến xe lại an toàn hơn bất cứ một nơi chốn nào khác. Nếu tạm trú tại nhà mấy người thân, thì chỉ một lần, bởi cả gia đình người thân ấy cũng sẽ hồi hộp chờ tiếng gõ cửa xét nhà kiểm tra hộ khẩu và cả đêm thức trắng trong lo sợ. Thôi thì đành tối tối, tới bến xe, ngủ lẫn lộn với những hành khách chờ xe đò hoặc những anh tài xế xe vận tải hay những chị buôn hàng chuyến, để chờ một chuyến đi sắp tới cho qua những ngày bị truy nã, săn đuổi...

                Ðọc những câu thơ, tự nhiên sao bồi hồi. Nhớ lại, một thời gian qua, đã tới hai mươi mấy năm mà sao như trước mắt. Tôi thấy mình đạp xe lang thang giữa con phố đông người với mây đen ùn lên phía chân trời của thành phố Sài Gòn đang lên đèn. Tôi nghe lại những câu vọng cổ, than thở buồn hiu trong đêm mưa dầm rả rích khi mình cuộn tròn trong manh chiếu ở hiên nhà cạnh những người vô gia cư từ kinh tế mới trở về, lăn lóc, tang thương.

                Ðọc những câu thơ sao thấm thía:


                “trong đám đông anh lại càng cô độc

                bởi một nơi đâu cũng ăn tạm ở nhờ

                sợ cả lời chia vui thành thật

                bạn bè thì đông sao anh vẫn bơ vơ

                buổi tối xe lam muộn màng ế khách

                lại tới một nơi không hẹn không tìm

                anh đi ngược lại con đường xe chạy

                mỗi bước chân rời mỗi nhịp đau tim

                thành phố lặng là khi nghìn tiếng động

                không xô tan được khối lòng sầu

                chân anh bước, mắt chỉ nhìn phía trước

                tai nghe hoài một câu hỏi về đâu.”


                Thời gian ấy, sao cố quên mà vẫn còn hằn nhớ. Cái tâm cảm của một người cô đơn trong cái xô bồ náo nhiệt của chỗ đông người lại càng làm tăng thêm cường độ nỗi buồn. Thời thế ấy, sao buốt xót. Kỷ niệm ấy sao ngậm ngùi. Cầm tập thơ Vũ Hữu Ðịnh trên tay, mặc dù chưa bao giờ gặp mặt và cũng không hề quen biết mà sao tôi có cảm giác vô cùng thân thuộc. Không biết có phải vì có lúc, mình cũng đồng cảm với cái tâm sự của một người lỡ vận “Ta đã hát khúc hát đời lỡ vận. Hát âm u trong đêm tối một mình.” Hình như, với thi sĩ tác giả “Còn một chút gì để nhớ”, đêm tối lúc nào cũng là cái phông thẳm sâu của kiếp người, của những bước chân đi không bao giờ đến đích.

                Bài thơ về phố núi Pleiku của Vũ Hữu Ðịnh với nhạc Phạm Duy đã tạo một thành phố nhỏ nơi xó rừng thành một nơi chốn đầy huyền thoại, vừa lãng mạn vừa bi tráng. Ở đây, có những chuyện về Bà Chúa Rừng linh thiêng, có những mối tình y như tiểu thuyết của những người lính trận và những cô gái giang hồ. Thời chiến tranh cực độ, phố núi là nơi dưỡng quân của những chàng G.I. từ mặt trận biên giới trở về và cũng là nơi mà các nàng kiều nữ từ khắp nơi đổ về kiếm tiền.Và, cũng chính nơi đây, là nơi nghỉ phép của những chàng lính chiến từ biên trấn. Rượu, ăn chơi, nhảy nhót, cho quên sầu để rồi trở lại chiến trường, ở đó có những mối tình giang hồ nhưng cũng có những mối tình lãng mạn trong trắng.

                Ở đó, cũng có con đường Trịnh Minh Thế rợp bóng cây dầu, cây sao, những giờ đi học hay tan học tung tăng những tà áo trắng nữ sinh trong cái mù sương buổi sáng hay nhạt nắng buổi chiều. Pleiku, “phố xá không xa nên phố tình thân. Ði dăm phút đã về chốn cũ...” Con đường Hoàng Diệu từ rạp Diệp Kính đến Bưu Ðiện, chỉ vài phút đi lên đi xuống để cho đời còn mơ còn mộng, còn thấy hạt nắng dễ thương, hạt mưa tuy buốt lạnh nhưng lại ấm lòng vì đôi mắt em. Dù nơi đây suốt năm là mùa đông tháng giá nhưng má đỏ môi hồng em làm ấm mùa xuân. Và:


                “xin cảm ơn thành phố có em

                xin cảm ơn một mái tóc mềm

                mai xa lắc trên đồn biên giới

                còn một chút gì để nhớ để thương.”


                Rời phố núi, để hát bài Biên trấn ca. Thơ, là tiếng hú vọng lên thinh không về đến quê nhà. Thơ, là tia nhìn tha thiết xuyên qua rừng qua núi, về một nơi chốn nào sắt se kỷ niệm. Thơ, những vần thơ làm xao xuyến không gian.


                “...Chiều có ta đứng mãi

                Ðịnh hướng phương trời quê

                Chim bay về biển Bắc

                Gió bạc hồn sơn khê

                Ba năm đồn biên trấn

                Hai mươi năm giang hồ

                Chuyện kể hoài bữa rượu

                Thuốc chẳng tàn cơn mê

                Ðồn cheo leo đón gió

                Bốn mùa phên mây che

                Ðất trời đây một cõi

                Nhốt đời chưa cho về...”


                Có người nói thơ Vũ hữu Ðịnh ít có bóng dáng chiến tranh. Nếu có, chỉ là những nét thoảng mờ không rõ nét. Nhưng, trong suy nghĩ riêng mình, tôi lại thấy bất cứ bài thơ nào của ông cũng đều thấp thoáng hình ảnh của một thời đại chinh chiến. Cái tâm tư bất an, cái nỗi niềm thời bom đạn, những huyễn mộng và đau xót hòa chung, bàng bạc trong ngôn từ, của một thời đại mà bất hạnh thành quen thuộc và hạnh phúc lại hiếm hoi.

                Bài “Trên đoạn đường quê em,” như một lời phẫn nộ:


                Lửa rực đỏ treo trăm đường sinh tử

                Trong đêm cay, đêm địa ngục hãi hùng

                Mẹ thét tìm con tóc dài điên dại

                Xiêu vẹo giữa đường chết đuổi sau lưng

                Lửa đã cháy đường ra quê em

                Lửa đã cháy một đoạn lòng của mẹ

                Ôi cái chết có còn chăng lý lẽ

                Có lý lẽ nào đã giết anh em

                Ðường ra quê em trăm ngàn cay đắng

                Lửa hạ đạn gào trăm tiếng kêu la

                Những dòng máu vô tình vô tội

                Ðã chảy lên nhau thành suối chan hòa

                Lửa Quảng Trị lửa rượt về Mỹ Chánh

                Rải những thây người gục giữa đồng khô

                Những dòng máu đã thấm tràn mạch đất

                Có làm tương lai con cháu huy hoàng?”


                Ghét chém giết, nhưng vẫn phải tham dự chiến tranh, ôi tấm lòng tuổi trẻ sao sắt se buồn:


                “trên non may có tình bằng hữu

                tuổi trẻ đau chung một khúc ca

                ôm nhau thức với vầng trăng lạnh

                vượt lá tìm sao định hướng nhà

                có những ngày đi trong núi thẳm

                tuổi trẻ nhìn nhau nhớ xóm thương làng

                thở chung một tiếng nghe sầu cháy

                tâm sự chuyền nhau điếu thuốc quan san

                Cám ơn điêu đứng rừng sinh tử

                Cạm bẫy người giăng để giết người

                Tuổi trẻ gần nhau trong gió lửa

                Giữ giùm nhau những tiếng chim cười.”


                Có lẽ những bài thơ hay nhất của Vũ Hữu Ðịnh, theo tôi, là những bài thơ viết về thời lang thang giang hồ của ông. Có khi ông luận chuyện đời, một chút triết lý, một chút cám cảnh thương thân. Có khi, ông phác họa lại tình cảnh mình, đối chiếu giữa cái có và cái không, cái chân thực và cái giả ngụy:


                “ ... bạn bè bảo ta thằng giả trá

                thằng làm thơ “tẩu hỏa nhập ma”

                ta chỉ biết cười trong im lặng

                có một lời nào ta nói chưa ra

                hôm xưa ta vốn thằng hay nói

                chuyện văn chương giống chuyện đàn bà

                chuyện anh em chết ngày đôi đứa

                nói mãi không cùng chẳng tận xót xa

                có lúc cay môi mềm tiếng rượu.”


                Thi sĩ tự họa chân dung, của một lời thê thiết bỏ nhau, của những lúc hất bỏ đi những gì thơm hương những gì mơ mộng nhất:


                “bỏ người ta vẽ chân dung

                bỏ người ta thấy trùng trùng cõi xa

                bỏ ta

                ta vẽ đời ta

                bỏ nhau ta vẽ ngựa già ngủ im

                bỏ ngày xưa

                bỏ trái tim

                ta lang bạt tự kiếm tìm xót đau

                bỏ đời rồi bỏ đời nhau

                bỏ trăng chết lạnh bỏ sầu khói sương

                bỏ rừng tuổi lá thơm hương

                bỏ sông để gió làm buồn sóng chao

                bỏ người tôi bỏ đời nhau.


                Ðiệp khúc “bỏ người, bỏ đời, bỏ ta, bỏ rừng, bỏ trăng, bỏ sông,” như những lời than oán, như những tiếng gọi về. Buồn, một nỗi đau tận cùng, nhưng, sao trong ngôn ngữ, có phảng phất một chút gì chịu đựng, như số phận đời đã phải cam chịu, đã phải buông xuôi...

                Tình yêu, có lúc là những cơn mộng, của giây phút kiếm tìm nhưng chẳng bao giờ gặp gỡ trong đời. Vũ Hữu Ðịnh làm thơ tình, giữa thiên nhiên hiền hòa nhưng sao trong lòng như đã chớm một niềm đau, bàng bạc:


                “vẫn nằm mộng thấy bàn tay em vẫy

                nên chi anh đi ngơ ngẩn kiếm tìm

                có buổi chiều ngồi ngó mãi ra sông

                có buổi tối qua những đường quen cũ

                có đêm thức ngó lá dừa buông rủ

                những lá dừa kia đã có linh hồn...


                Làm thơ về Huế, để nhớ lại những đứa bạn thời xưa. Nói với bạn, mà sao như nghe nói với quê cha đất tổ nỗi niềm của mình, của những người con làng phải xa rồi lại trở về, chịu những cảnh khó khăn của một thời đại đầy đổi thay bất trắc. Thơ gửi Trần Dzạ Lữ, gửi theo một cảm xúc buồn về đất nước quê hương:


                “...tôi có nhiều người bạn Huế

                thường nói với nhau về Huế của mình

                xa thì thương ở gần dễ giận

                đi xa Huế dẫu đời lận đận

                nhưng còn Thành Nội trong tim

                nhưng còn hình ảnh núi Ngự sông Hương

                cái huyền thoại nghe buồn dễ sợ

                Duận ơi! Cuộc sống có bao giờ dễ thở

                ai có bạc chi mình cứ níu xóm làng

                tau vẫn nhớ hoài năm tháng lang thang

                mày cứ nhắc làng quê Nam Phổ Hạ...”

                em ơi!...”


                Chết lúc bốn mươi, có lẽ cuộc đời người làm thơ ngắn ngủi. Phần rượu tặng của đời chàng có lẽ là những giọt đắng tân toan. Chàng ra đi khi đất nước trong những ngày cực kỳ khó khăn, khi chế độ với chính sách kinh tế chỉ huy, ngăn sông cấm chợ, triệt hạ tư sản lôi xã hội xuống cấp tột cùng. Vũ Hữu Ðịnh qua đời vào đầu năm 1981 tại An Hải, Ðà Nẵng. Ông từ trần vì say rượu té từ trên lầu xuống, một cái chết mà theo nhiều người kể lại thì còn nhiều nghi vấn.

                Ðọc thơ Vũ hữu Ðịnh, thấy nỗi ngậm ngùi. Và lại càng thấy công việc in lại tập di cảo “Thơ Vũ Hữu Ðịnh” của các anh Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn là một việc nên làm.

                Nó chẳng những là một nén hương tưởng niệm mà còn làm sống lại một thời kỳ văn học thật nhiều trăn trở thật nhiều thời đại tính mà những người lãnh đạo trong chế độ đương thời muốn xóa bỏ và triệt hủy.


                Nguyễn Mạnh Trinh
                Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

                Comment

                • #9

                  Còn Chút Gì Ðể Nhớ


                  Thơ: Vũ Hữu Định
                  Nhạc sĩ: Phạm Duy
                  Trình bày: Ý Lan


                  Phố núi cao phố núi đầy sương
                  Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
                  Anh khách lạ đi lên đi xuống
                  May mà có em đời còn dễ thương

                  Em Pleiku má đỏ môi hồng
                  Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
                  Nên tóc em ướt và mắt em ướt
                  Nên em mềm như mây chiều trong

                  Phố núi cao phố núi trời gần
                  Phố xá không xa nên phố tình thân
                  Đi dăm phút đã về chốn cũ
                  Một buổi chiều nào lòng vẫn bâng khuâng

                  Xin cảm ơn thành phố có em
                  Xin cảm ơn một mái tóc mềm
                  Mai xa lắc trên đồn biên giới
                  Còn một chút gì để nhớ để quên

                  [ame="http://www.youtube.com/watch?v=io6k4UhcUVo"]YouTube - Con Chut Gi De Nho[/ame]
                  Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

                  Comment

                  • #10

                    Cũng có khi nào

                    Cũng có khi nào anh trở lại
                    phố xưa, đường cũ, mùa mưa bay
                    mưa như gió ướt nên lòng lạnh
                    gió thổi sầu sương đậu tóc mây


                    Phố không đèn điện con đường lặng
                    những ánh đèn cây sáng chập chờn
                    anh gặp em ngồi đang rẽ tóc
                    mái tóc dài xanh những ngón tay

                    Anh là một gã giang hồ tới
                    lòng hoang như con lộ không đèn
                    ngồi với hồn sầu ly rượu cạn
                    sao mới vài ly mà đã say?

                    Gặp nhau, yêu vẻ u sầu lắm
                    mắt chở bao năm, mấy chuyện tình?
                    có đợi ai về, mong ai tới?
                    mà trông hồ như đang đắng cay.

                    Và anh yêu lấy sầu chẳng nói
                    mình anh ở lại quán mù mù
                    tưởng bao năm trước ta là bạn
                    chỉ nhìn nhau mà cảm được nhau

                    Chia tay, quán khép đôi lằn sáng
                    không nói, hình như đã nói rồi
                    mai lại lên đường, đêm sắp cạn
                    không hẹn hò chi? đành thế thôi

                    Cũng có khi nào anh trở lại
                    mai đây, mốt nọ, biết đâu chừng
                    và có một lời anh sẽ nói
                    giữ giùm nhau một chút hồn chung .
                    ----
                    Đã chỉnh sửa bởi GRANDET; 07-09-2009, 08:10 AM.
                    Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

                    Comment

                    • #11

                      Quê Rượu
                      ( tặng Hóc Môn , Bà Điểm )
                      tới đây thấy lúa vàng đang chín
                      đứng lại nhìn thôn xa khói bay
                      không biết nhà ai đâu nấu rượu
                      thoang thoảng hương mùa đã muốn say



                      Màu Núi Vẫn Xanh
                      ( tặng núi Sơn Trà của Giao )
                      sướng quá , nâng ly , khà một tiếng
                      mừng rằng sắc núi vẫn màu xanh
                      đám mây bay thấp ngang nhà cỏ
                      hương rượu nồng hơn mọi thứ tình.
                      Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

                      Comment

                      • #12

                        Thơ Vũ Hữu Định


                        TƯỞNG TƯỢNG

                        ngồi tưởng tượng mùa chim bay trốn gió
                        anh nhớ anh buồn lúc thấy em đi
                        anh nghe lũ chim gọi đàn bay mất
                        gió bay theo đem lạc dấu xuân thì

                        ngồi tưởng tượng lúc đàn chim sợ hãi
                        ngó chớp bên đông báo gió mùa hung
                        anh giục giã lòng anh lẩn quẩn
                        thấm cơn mưa,nghe được giọt não nùng

                        em để lại chút hương nào phảng phất
                        anh tìm quanh đây một chút nghìn năm
                        nghe nồng mặn như môi vừa gặp lại
                        là mùi hương em gửi đến tự nghìn trùng

                        nẻo em bước, đường em đi,chốn tới
                        một chốn nào xa anh cũng thấy gần
                        đời để lại cho anh ngoài ô cửa
                        một hình mây,bóng núi,tin sông

                        ngồi tưởng tượng rằng em đang vẫy gọi
                        trên đồi tranh gió ngược bước anh về
                        em khóc rũ tóc lẩn màu sắp tối
                        đường anh đi gió dạt bước lầm mê

                        anh ở lại ngó trời qua ô cửa
                        chợt biết tin mây, ý gió,lòng mùa
                        anh ở lại sống những ngày thui thủi
                        ngày hôm nay nghe như một ngày xưa


                        .
                        ----------------------------

                        Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

                        Comment

                        Working...
                        X
                        Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom