• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Những Người Chết Bâng Quơ - Nguyễn Ngọc Tư

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Những Người Chết Bâng Quơ - Nguyễn Ngọc Tư

    Những Người Chết Bâng Quơ

    Bữa đó trời chiều mát mẻ, trên đường đón vợ về, có đứa nhỏ chạy băng ra níu đầu xe và thảng thốt kêu ba ơi ba, con nhớ ba. Tất nhiên bạn đổ quạu xô nó ra, nạt ê mầy tính móc túi hả mậy. Tất nhiên đứa nhỏ tiu ngỉu tẽn tò bỏ đi. Chỉ là vụ nhầm lẫn mười mươi, đời này thiếu gì người giống người. Nhưng vợ bạn giàu tưởng tượng và mơ mộng, bắt đầu vẽ nên một câu chuyện vu vơ nhưng sẽ làm bạn mệt phờ, bởi một ý nghĩ quá sức quá sức quá sức ngớ ngẩn, biết đâu là con bạn thật.

    Cái thằng nhỏ, kẻ gây ra vụ nhìn ẩu đó biết đâu đã quên tiêu, đã ngủ queo rồi. Nó chẳng biết có hai người lạ đang trằn trọc, tự thấy bị thương bởi một viên đá mà nó ném bâng quơ. Nhưng nghe mưa tưởng gió không phải là đặc quyền giành riêng cho đàn bà, chẳng phải có lần nàng lơ đãng khen chồng đứa bạn vừa giỏi vừa giàu, và bạn cũng nghe đau bầm vài khúc ruột.

    Ba năm trước, mình viết chuyện một bà già lẩn thẩn có hai con tham gia hai bờ chiến tuyến, một đứa không về. Bữa kia bà già hỏi thằng con lớn sao lại bắn chết em bây. Mình lấy câu nói bâng quơ đó để dẫn dụ câu chuyện đi đến tận cùng của sự tan nát. Câu chỉ vài ba chữ, mà làm cả nhà điên đảo. Vài độc giả hỏi chuyện đó có thật không, mình hỏi lại, sao không ?

    Đời đầy rẫy những bâng quơ và những người quay đơ ra chết giấc, kiểu vậy. Ông quan kia đi kinh lý qua cánh đồng làng, nơi bác nông dân có mấy công đất gò nửa năm trồng lúa nửa năm trồng dưa, ông thấy im re cũng kỳ nên chỉ đạo cho vui, bảo chỗ này làm sân golf thì hay biết mấy. Ông nói mà ông cũng quên rồi, chỉ trỏ cho sướng đời quan vậy thôi, có mất gì đâu. Nhưng những người nghe cái câu từ miệng nhà quan (có gang có thép) hôm ấy thì không quên, ba năm sau đám ruộng trở thành sân golf, và bác nông dân thì chạy xe ôm, ngó mưa thẩn thờ nhớ mùa màng đất đai đã mất.

    Lúc thằng bạn học của mình lên chức chủ tịch phường, mẹ bạn dặn đi dặn lại là nói ít thôi. Cô giáo già đó không biết đọc sách nào mà bảo quan hay nói thì dân vất vả. Một câu của bạn cũng có thể khiến dân bán hàng rong chạy xịt khói, hẻm to thành nhỏ, miễu thành chợ… Và bạn sực nhớ ra có nhiều vụ bạn chỉ nói chơi thôi, khề khà lúc trà dư tửu hậu, không hay gió nổi từ lời. Nó cũng bén ngót, nhưng không có hình hài sát khí như dao kéo, nên đôi khi mình múa may loạn xạ, cắt trúng người này nọ mà không biết.

    Cái thằng bé bị bạn hắt cái câu “định móc túi hả mậy ?” vào mặt hôm ấy, biết đâu cũng thao thức, cũng ấm ức cho cái sự lương thiện của nó đã bị người ta bôi bẩn. Mình nhớ người thợ gặt nghẹn ngào lùa vội chén cơm nguội khi ông chủ đất ơ hờ nói như thở khói lên trời, “ba người nhà tôi cộng lại ăn không bằng một mình chú…”. Hồi đó dân tứ xứ đi gặt mướn thường được chủ đất nuôi cơm. Mình còn nhỏ, nhưng vẻ mặt tê tái của người thợ gặt đã làm mình ngờ ngợ, rằng không phải lời nói nào gió cũng thổi bay. Họ không hề tự vơ lấy và cố ý giữ nó lại, chỉ tại nó cắm phập vào, gây sẹo rồi, đành thôi.

    Mấy bữa ngồi bệnh viện nghe dì ở giường bên kể chuyện, vừa rồi bà đi tìm lại người yêu cũ, người mà bà yêu đến nỗi không lấy được nhau đành chịu ở vậy đến giờ. Hôm bà ghé nhà người đó, ông đang bắt ve cho chó ngoài thềm. Nhác thấy bóng bà, ông lên tiếng trước, nói không mua vé số đâu. Bà nói tui là Thắm đây mà, ông không nhìn bà chỉ vuốt ve bộ lông con chó kiểng, lơ đãng hỏi Thắm nào, tôi quen nhiều Thắm lắm. Chỉ vậy thôi mà bà thấy đau quá.

    Nhưng tổn thương tâm hồn vẫn còn được sống, được vá víu lại bằng những mảnh vui khác, còn hơn chết thật bởi những bâng quơ đang đặt bẫy miên man giữa đời. Những đứa trẻ lọt vào cái cống bâng quơ không đóng nắp. Những sợi dây điện buông ơ hờ thành cái thòng lọng, tròng vào cổ cô công nhân chưa được mặc áo cưới lần nào. Ông già tập thể dục buổi sớm mai bị rơi khỏi lan can chung cư được đóng vài cái đinh lơ đãng. Một nhánh cây sớm nay gãy đổ vào hai cha con người quét rác…

    Ngày nào mình cũng thấy có những người chết vì bâng quơ, kiểu này, kiểu khác. Chết lảng nhách, như thể số mệnh bày biện sẵn đoạn kết này từ một cú định đoạt cũng quá sức bâng quơ của trời. Kinh nghiệm cho thấy, khi không thấy ai chịu trách nhiệm thì mình lấy trời ra đổ lỗi, cho đỡ đau.


    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 03-11-2011, 12:48 AM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
    Similar Threads
  • #2

    Nguyễn ngoc Tư thật là chí lý , Cám ơn Coko
    <Nếu con luôn để cả thế giới đánh giá mình, con sẽ luôn thất vọng>

    Comment

    • #3

      Phía Tấm - Nguyễn Ngọc Tư

      Mời Quynhdao và các Bạn đọc thêm bài trước bài này của Nguyễn Ngọc
      Tư...


      Phía Tấm
      1. Nửa đêm lội mạng, thấy đèn bạn sáng le lói, hỏi có gì vui không. Bạn nói không, đang chán đời, thấy người ăn thịt người ngao ngán quá. Bạn chìa ra những đường dẫn dài ngoằng, kêu đọc thử coi có nghe tanh không, có buồn ói không.

        Loạt bài đó họ viết về vụ cướp tiệm vàng chấn động cả nước, với những thông tin chi tiết về gã cướp theo kiểu sợi tóc chẻ làm mười sáu, mà trước giờ chỉ Brad Pitt, Tom Cruise, Tạ Đình Phong... mới được (hay bị) quan tâm theo kiểu ấy trên báo lá cải. "Cả em bé nạn nhân còn sống sót duy nhất trong vụ đó cũng bị ăn thịt, em ơi", bạn dùng hình dung từ, mà tôi nghe rởn gáy.

        Phản ứng về sự khai thác thái quá của truyền thông quanh vụ cướp, có người phẫn nộ thốt ra hai từ "súc vật". Một đám đông bất chấp, cố xộc vào giường bệnh của em bé hãy còn đang đau đớn hoảng loạn, như thể chất người của họ bị rơi mất ở đâu rồi, mất trong lúc chen lấn, mất mà không hay mất. Tôi nhớ hội chợ những năm 1980, khi chúng tôi cũng giẫm đạp lên nhau để coi những thai nhi dị dạng ngâm hoá chất, cũng ngó nghiêng, trầm trồ, cũng thấy thoả mãn như vừa xem cây dừa ba ngọn, rắn hai đầu. Không hay đó cũng là những sinh linh, những cuộc làm người dang dở, không biết đấy cũng là đồng loại. Đám đông năm xưa đám đông bây giờ, vô tâm cũng hơi giống nhau, chỉ khác là em bé nạn nhân này còn sống và hồn xác đang trải qua những cơn sang chấn hãi hùng.

        Đám đông ấy không phải hiếu kỳ ghé mắt qua cho thoả cơn tò mò, mà như thợ săn lao mình vào một cuộc săn, quyết bắt bằng được con mồi. Họ có học. Họ nhiều chữ. Họ cũng có danh vị nhà này nhà nọ. Bạn hỏi tôi nên xếp họ vào phía nào, ác hay rất ác?

        Những khi nói chuyện thiện ác nghe chơi, bọn tôi chia người đời làm hai loại: ác và rất ác, vô tâm và cố tình. Anh nhà văn đem sách của đồng nghiệp liệng vào thùng rác chỉ đơn giản là ghét, nhưng đổ cả bia thừa vào thùng rác ấy thì anh có sự cay nghiệt. Cưa đốn một cái cây không nhẫn tâm bằng ken gốc cho cây chết dần mòn. Ngồi mài một con dao thật bén, nấu nồi nước thật sôi để sát thương người là do ác tính, không phải vì một cơn nóng giận bất ngờ. Tình cờ, luôn có một khoảng trống nào đó, dù rất chông chênh để cho người ta dừng lại, giật mình. Và tình cờ, có người nắm bắt được khoảnh khắc đó, có người bỏ lỡ. Tôi kêu vụ ác tính ác tâm này khó phân biệt quá, không có biên giới rõ ràng gì hết. Làm người mà, sao dễ được, bạn cười.

        Có lần khi đi bảo tàng tỉnh chơi, thấy mấy cái vành tai, bàn tay, ngón chân... của những du kích bị địch xẻo đem ngâm rượu, bạn kêu trời hỡi trời. Họ trưng bày những hiện vật này bâng quơ cùng một dãy, xếp cùng một kiểu với những mẫu vật được ướp formaldehyte khác. Chứng tích tội ác chiến tranh nằm cách mẫu vật cá nước ngọt bằng ba bước chân. Nếu lơ đãng người ta sẽ lướt qua những phần cơ thể chết đó như lướt qua những con cá trèn cá thát lát cá kèo. Người ta sẽ dửng dưng như không, sẽ chẳng chút bàng hoàng, lơi bước khi ngang qua dấu vết tội ác. Trưng bày tội ác mà không gây giật mình, thì trưng bày làm chi.

        Đoạn cuối của vụ chị Tấm báo thù thì ai cũng thuộc nằm lòng, cũng hả hê nhưng bao nhiêu tuổi đời người ta mới nhận ra đó là một vụ ăn thịt người? Cái không khí huyễn hoặc biến ảo thần kỳ của cổ tích làm người ta quên lửng chi tiết man rợ đó, và lớp lớp trẻ con nhẹ nhõm thản nhiên như thể Cám qua đời vì đau răng còn mụ dì ghẻ chết vì sặc muối ớt.

        Và những người đang cố nhìn cho bằng được em bé nằm đau kia hẳn đã từng rất say mê cổ tích, từng vô tư đứng về phía chị Tấm, tưởng là chị ấy rất hiền.

        Nguyễn Ngọc Tư
      ----------------------------

      Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

      Comment

      Working...
      X
      Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom