• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Truyện dài Mưa ở kiếp sau - Đoàn Minh Phượng

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Truyện dài Mưa ở kiếp sau - Đoàn Minh Phượng

    Mưa ở kiếp sau - Đoàn Minh Phượng


    Ngày sẽ đến khi em nhận ra chúng ta đều là nước.
    Cuộc đời trôi bên trong em và bên ngoài em...
    George Harrison

    1. Con thuyền bên cửa sổ

    Những năm thơ ấu tôi ngủ chung với mẹ trên chiếc giường nhỏ trong căn hộ một gian của chúng tôi ở Hà Nội. Năm tôi mười lăm tuổi, mẹ tôi xin được một tấm ván ngang sáu tấc, dài một mét tám từ một bộ phản xưa người ta bỏ đi vì để chật nhà. Trên đường đi học về, tôi đi quanh những con đường có người sửa nhà để lấy cắp một hai hay viên gạch thẻ bỏ vào cặp mang về. Tôi mài những viên gạch trên nền nhà xi măng để khi xếp cạnh nhau chúng vừa vặn hơn và ít chông chênh. Gần hai tháng tôi có đủ gạch để dựng hai chân bàn thấp cạnh cửa sổ để tôi gác miếng ván lên. Ban ngày tấm ván làm nơi ăn cơm, là quần áo, học bài, ban đêm tôi ngủ trên đó. Dù tôi đã mài những viên gạch, đã gấp giấy chêm vào những khe hở, tấm ván gác lên những viên gạch vẫn chông chênh khi tôi trở mình.

    Tôi tưởng tượng mình nằm trên ván một con thuyền nhỏ, chung quanh tôi là dòng nước, chung quanh tôi vắng lặng, tôi có cả một dòng sông cho riêng mình. Trên mảnh thuyền ấy tôi nằm ngủ, mắt nhắm, nhìn thấy đủ thứ ác mộng lẫn vào những giấc mơ êm đềm. Trên mảnh thuyền ấy tôi nằm thức, mở mắt nhìn khung cửa sổ. Tôi nhớ ngày còn bé khi nhìn thấy cửa sổ tôi ngó thấy một mảnh trời. Tôi thấy sao, đôi khi có mặt trăng lơ lửng trong mảnh trời trong suốt hay mù sương của tôi. Ngày tôi lớn, chỉ còn thấy những bức tường của những căn nhà phía bên kia khoảng sân nhỏ. Những bức tường không biết mọc lên vào hôm nào, bầu trời mỗi năm một hẹp lại và cao hơn, phải thò đầu ra khỏi cửa sổ nhìn lên thì mới thấy được nó. Một hôm, mẹ tôi đặt làm một cái khung sắt có hoa văn, người ta mang tới khoan lỗ bắt vít khung hoa sắt ấy vào cái cửa sổ nhỏ để phòng bọn ăn trộm, tôi không còn thò đầu ra nhìn trời được nữa. Chỉ còn thấy những bức tường ở chung quanh, phía sau những thanh sắt uốn hình cánh hoa.

    Giường mẹ tôi ở góc tường đối diện. Dọc theo tường nơi đầu giường là cái bàn kê làm bếp. Mẹ tôi may một tấm màn giăng từ trên trần để che nơi nấu nướng, tấm màn vải in lá cây rừng xanh, hoa và chim chóc vàng, đỏ và da cam, nhưng mảnh rừng nhiệt đới đó bây giờ ám khói bếp, trông vừa sặc sỡ vừa u tối, buồn thảm khó tả. Nhưng từ lâu chúng tôi không còn nhìn thấy tấm vải ấy nữa, nó vẫn treo ở đó, nhưng nhìn hoài dường như nó đã trở nên vô hình. Đối diện chân giường của mẹ tôi là tủ quần áo bằng gỗ hương, gỗ này chỉ để đóng hòm chôn người chết, tôi không biết tại sao cái tủ của chúng tôi lại là tủ hương. Trong tủ, phía trên treo quần áo gấp lại, mấy tấm chăn, mấy cái khăn lông. Dưới nữa là bốn hộc tủ. Ngăn duy nhất có khoá là ngăn của mẹ tôi. Trong đó mẹ cất cuốn sổ tiết kiệm và những thứ khác tôi không biết. Có thể có một đôi hoa tai vàng, những bức ảnh chụp thời con gái, những phong thư thời ấy. Mẹ tôi không bao giờ dỡ ra cho tôi xem. Có thể thỉnh thoảng mẹ tôi dỡ ra xem một mình, lúc tôi không ở nhà, tôi mong như vậy, vì tôi muốn mẹ tôi có kỷ niệm, dù mẹ tôi suốt đời im lìm về chúng.

    Một đôi lần, mẹ tôi có kể về căn nhà của ông ngoại tôi ở Huế. Căn nhà cổ có mười tám cột gỗ lim, mái lợp ngói âm dương. Trước sân, ông tôi xây một cái bể cạn hình chữ nhật dài mười hai mét để trồng sen. Những hôm trời mưa, mẹ tôi đứng trong gian trướcnhìn xuyên qua những hàng nước rơi song song từ mái ngói, ngó mưa rơi nhạt nhoà trên lá sen và bông sen. Năm hai mươi hai tuổi mẹ tôi chửa hoang, ông bà ngoại tôi cấm mẹ tôi ra vào nhà bằng cổng chính, cấm bước lên nhà trên. Mẹ không còn thời con gái, không còn mơ màng vịn cột gỗ lim, ngó mưa rơi trên lá sen và bông sen sân trước. Sen là kỷ niệm duy nhất mẹ tôi mang theo khi ra đi. Không, đó là kỷ niệm duy nhất được nói ra. Những kỷ niệm khác nằm trong niềm im lặng của mẹ tôi, niềm im lặng dài hai mươi hai năm, dài bằng đời tôi và nửa đời của mẹ. Tôi không biết gì về bên ngoại. Ông bà tôi làm gì, tôi có bao nhiêu cậu, dì. Tôi không biết gì về cha tôi. Tôi không biết gì về khoảng thời gian giữa ngày mẹ tôi là cô học trò Đồng Khánh đứng trong một gian nhà xưa ở Huế nhìn ra mưa, và ngày mẹ tôi là thiếu phụ một con không hộ khẩu, bán rau trong một cái chợ ở quận Ba Đình, Hà Nội.

    Mỗi năm một lần, tôi hỏi:

    "Cha và mẹ gặp nhau như thế nào? Sao cha không cưới mẹ?".

    "Bao giờ con đủ lớn, mẹ sẽ kể".

    Nhưng tôi không bao giờ đủ lớn. Hoặc là sự yên lặng đã trở thành cuộc đời của mẹ mà nếu nó mất đi, mẹ không biết sống tiếp tục cuộc đời mìnhnhư thế nào. Tôi hai mươi hai tuổi, không có một nét phác nào dù rất nhạt về cha tôi. Nếu mẹ cho tôi một vài nét thôi, tôi sẽ vẽ những nét còn lại bằng trí tưởng tượng, tôi sẽ nối những nét của mẹ và những nét của tôi lại vớinhau, để tôi có được bức hoạ về cha mình. Nhưng mẹ tôi mãi im lặng và tôi không có nơi nào để bắt đầu. Vậy mà tôi vẫn luôn luôn biết mình có một người cha, máu của ông chảy trong người tôi, dù sự thật ấy rất tê tái, tôi cũng không thay đổi nó được. Những lần đi học về gặp trời mưa, tôi đứng trú dưới một hiên nhà bên đường. Tôi trông sang bên kia đường, dưới mái hiên những căn nhà đối diện, có những người khác cũng đang trú mưa. Tôi thường nghĩ cha tôi đang đứng ở bên đó, lẫn trong đám đông, khuất trong một góc thiếu sáng, cách tôi một con đường, cách tôi một màn mưa. Và tôi không bao giờ hiểu tại sao cha tôi không băng qua con đường, băng qua màn mưa để qua bên này với tôi. Tôi ao ước cha tôi làm như vậy trước khi tôi trưởng thành. Tôi muốn cha tôi nhìn thấy tôi, chưa lớn, đáng yêu và chưa biết cuộc đời, thực sự là một đứa con gái nhỏ, chứ không phải là một người lớn độc lập và ưu phiền.

    Gần sang xuân bà ngoại tôi ở Huế mất. Một trong những ngày mưa mù trời trắng đất cuối mùa đông, mẹ tôi nhận được thư của ông ngoại tôi. Ông kêu mẹ tôi về cho đủ mặt các con ngày đám tang bà. Đó là lá thư đầu tiên ông viết từ hai mươi hai năm. Trong thư ông không hỏi han gì đến tôi. Buổi chiều mẹ tôi đọc thư xong, cứ ngồi thẫn thờ, thỉnh thoảng quệt nước mắt bằng lưng bàn tay đến khi trời tối lúc nào không hay. Tôi nghĩ mẹ tôi khóc vì mẹ của mẹ mất, khóc vì sắp được về quê, khóc vì hai mẹ con tôi nghèo khó, mẹ tủi thân không muốn dắt con gái về nhà. Mẹ tôi khóc vì không biết vay đâu cho ra tiền đi tàu, khóc vì không biết ông ngoại có nhìn nhận tôi, một đứa con gái không cha là cháu của ông không. Bức thư làm cho mẹ tôi ốm, bỏ chợ đã hai hôm. Mẹ nằm trên giường, đến hôm nay thì nước mắt không còn, chỉ còn sự yên lặng. Tôi nghĩ nếu mẹ nói chuyện với tôi được thì sẽ bớt buồn. Tôi đến ngồi ở chân giường, hỏi mẹ về bà ngoại, về hoa sen và lá sen, về những mùa mưa ở Huế, nhưng mẹ tôi không nói gì.

    Tôi nói:

    "Ông ngoại gọi mẹ về làm đám tang bà, vậy ông vẫn nhìn nhận mẹ là con gái. Mẹ không vui sao?".

    "Không."

    "Bà ngoại mất, ông đang buồn. Cả nhà đang buồn. Đây là lúc gia đình cần có nhau. Mẹ nên về nhà.".

    "Không."

    "Nếu không vì ông, cũng phải về vì bà ngoại."

    "Không."

    "Mẹ không biết đến tình cảm mẹ con nữa sao? Mẹ làm con sợ."

    Mẹ tôi khóc oà, tôi không còn thấy nước mắt, nhưng tôi nghe những tiếng nấc dài từ một lồng ngực như có ai đè làm nghẹn mất hơi thở. Tôi không ngờ tôi nhắc đến tình mẹ con lại làm mẹ tôi đau đớn đến như vậy.

    Sau đó lâu lắm tôi mới hiểu vì sao mẹ tôi khóc uất trong một ngày mẹ không còn nước mắt.

    Hai hôm sau, mẹ tôi ngồi dậy, đi chợ, và không còn nhắc một lời nào về bức thư của ông ngoại nữa. Tôi lén mẹ viết thư cho ông, thưa rằng mẹ bị ốm, yếu lắm, không đi tầu hoả được. Làm tuần 49 ngày của bà, mẹ sẽ về. Tôi xin ông nhớ tới cháu trong ngày lễ phát tang bà ngoại. Cháu đang học đại học năm thứ hai, ngành y, hệ chính quy, cháu học chăm, cháu kính gửi lời thăm ông vạn an. Tôi viết thư chọn từng chữ, từng dòng, trau chuốt từng nét bút, mong cho người đọc thư hiểu rằng tôi là một đứa con gái có giáo dục và ngoan hiền, đáng yêu. Tôi định bỏ vào phong thư một bức ảnh của mẹ tôi và tôi chụp ở hiệu ảnh năm tôi mới đỗ vào đại học, nhưng rồi lại thôi.

    Tôi mong chờ ông viết thư cho tôi, xưng ông và gọi tôi bằng cháu. Chỉ đôi dòng trên một trang giấy trắng, chỉ vài giọt mực thôi thì tôi sẽ có dòng họ, có quê nhà, xoá đi hết hai mươi hai năm tôi là con hoang của một người mẹ lầm quê lạc chợ.Những ngày chờ thư, tôi thường nghĩ tới căn nhà cổ của ông ở Huế, tưởng tượng ông tôi biết chữ Nho và chữ Pháp, ông tôi hay đọc sách, quê nhà tôi xanh như ngọc và hồng như sen, mơ màng trong những mùa mưa nhiều thương nhớ. Tôi mơ ước được về thăm quê mẹ.

    Ông ngoại tôi không bao giờ trả lời thư tôi viết cho ông. Có lẽ ông không muốn hoang phí những giọt mực và một ngăn dù rất nhỏ trong trái tim cho chút tình máu mủ. Đêm đêm tôi sẽ lặng lẽ đem thả trôi sông từng mảnh tình yêu dành cho Huế, nơi tôi chưa bao giờ đến, sẽ không bao giờ đến. Đêm đêm tôi sẽ nằm trên con thuyền nhỏ của riêng mình, sẽ xé nhỏ tình yêu quê hương dòng họ, rồi vứt đi từng mảnh xuống nước và nhìn chúng chìm nhanh trong một dòng mênh mông thăm thẳm.
    Đã chỉnh sửa bởi nhé; 22-03-2009, 08:23 AM.
    Tôi yêu tiếng nước tôi

    Audio Truyện Kiều
    Similar Threads
  • #2

    2. Tám nghìn đêm

    Mẹ tôi lục trong ngăn tủ có khoá tìm được một bức ảnh của người chết. Bức ảnh chụp từ rất lâu, đã ngả màu vàng. Người đàn bà trong ảnh trẻ hơn mẹ tôi bây giờ. Bà tôi mặc áo dài cổ cao, đeo một chuỗi ngọc trai, bới tóc và kẻ chân mày rất kỹ. Người thợ chụp ảnh đã bảo bà hơi quay đầu sang một bên và nhìn nghiêng trở lại ống kính, miệng dường như cười nhưng không cười, trông bà vừa mơ màng vừa nghiêm nghị. Mẹ bảo tôi mang bức ảnh ra hiệu ảnh phóng to bằng nửa trang giấy, và mua một cái khung kính để đặt ảnh vào.

    Hôm làm tuần 49 ngày bà, không ai trong chúng tôi nhắc đến Huế. Mẹ tôi mang về nhà một bát hương. Chúng tôi đặt cái khung hình trên nóc tủ, đặt bát hương ở trước khung hình. Mẹ tôi để dải khăn tang mẹ đã xé cho tôi lên tấm ván nơi tôi học bài và ngủ, không nói lời nào. Mẹ tôi tự quấn khăn ngang đầu, cầm nhang quỳ trước tủ hương. Tôi không quấn khăn, không quỳ. Mẹ tôi khấn xong, đưa nhang cho tôi leo lên ghế cắm vào bát. Tôi thấy mẹ khóc. Tôi cũng khóc. Lúc nước mắt bắt đầu ứa ra, tôi tự nói với mình tôi khóc không phải vì người đàn bà mang chuỗi ngọc trên nóc tủ đã chết, mà vì tôi thương mẹ tôi. Nhưng trái tim con người không giữ được những lằn ranh mà nó tự vạch ra. Tôi yêu mẹ, cũng yêu mẹ của mẹ. Mẹ tôi khóc vì bà chết, tôi cũng vậy.

    Mẹ tôi luộc một miếng thịt lợn, xào một đĩa đậu phụ. Chúng tôi không cúng cơm, chỉ để thêm một cái bát và một đôi đũa nơi mâm cơm chúng tôi ăn. Ăn cơm xong mẹ tôi cởi dải khăn sô, xếp nó lại và cất nó vào tủ, cùng với dải khăn dành cho tôi mà mẹ tôi đã đặt trên mảnh thuyền mà tôi chưa động tay tới.

    Tôi mang bát xuống rửa nơi cái vòi nước chung trong sân nhà tập thể. Tôi vừa rửa bát vừa khóc. Hôm đó là một ngày buồn, nhưng tôi thấy trong nỗi buồn có một chút gì giống như hạnh phúc. Dù nó rất khẽ khàng, nhưng tôi sẽ không quên ngọn lửa nhỏ hiếm hoi đó. Đó là một ngày mẹ tôi khóc vì tình yêu, mẹ làm tôi khóc theo. Trong đôi khoảnh khắc của một ngày tang lặng lẽ và êm đềm, chúng tôi đã là một người: bà tôi, mẹ tôi và tôi. Chúng tôi tan vào nhau vì nỗi buồn làm nhoà hết những đường biên giới giữa người này và người kia, nơi này và nơi kia, thời này và thời kia.

    Mùa xuân trời ấm lại, nhưng mẹ tôi rất yếu và hay ốm. Người mẹ gầy và tóc thưa, đôi bàn tay cằn cỗi, già đi trước tuổi. Nhiều năm không ngủ được vào ban đêm - vì mẹ tôi cất rau sau nửa đêm ở chợ đầu mối - đã làm cho mẹ kiệt sức. Cũng có thể nỗi nhớ nhà làm mẹ tàn dần sinh lực. Chúng tôi biết nếu mẹ bỏ chợ, tôi sẽ phải bỏ học. Chúng tôi không muốn nói tới ngày ấy, nhưng nó đã rất gần. Tôi muốn đi học. Tôi muốn làm một nghề khác. Tôi rất sợ đi bán rau như mẹ tôi cho đến một ngày cuộc đời chưa đi hết nhưng sức đã không còn. Nhưng tôi không có lựa chọn, và phân vân khi không có lựa chọn nào là một việc rất tệ hại.

    Tôi dậy cùng với mẹ lúc hai giờ rưỡi khuya để ra chợ đêm. Mẹ tôi nói:

    "Con đi ngủ, để sáng còn đi học".

    "Sáng con không đi học."

    "Thế không có tiết gì à?".

    "Con không bao giờ đi học nữa"

    "Con nói gì thế?"

    "Con đã bỏ học rồi. Bỏ luôn. Con muốn đi chợ, con muốn bán rau".

    "Con không được nói như vậy. Mẹ vẫn còn khoẻ để lo việc mua bán một mình, không cần có con đi theo. Con sẽ tiếp tục đi học đến ngày ra trường. Không có bất cứ thứ gì trên đời có thể làm con bỏ học được. Hiểu chưa?".

    "Con không muốn đi học nữa. Con muốn đi bán. Mẹ chỉ bảo cho con việc buôn bán xong thì mẹ ở nhà. Bây giờ mẹ còn khoẻ để cùng đi chợ với con, chỉ bảo công việc cho con được. Để năm sau hay năm sau nữa mẹ không đi được, mà con thì không biết đường biết nước thì sao?"

    "Con nói gì vậy? Mẹ chưa năm mươi tuổi. Mới được nửa đời người. Ai nói chuyện nghỉ làm vào tuổi này?"

    "Mẹ yếu. Mẹ ốm hoài. Mẹ cần nghỉ ngơi"

    "Yếu thì ăn. Ốm thì uống thuốc. Cần thì nghỉ một hai hôm. Rồi lại đâu vào đấy thôi".

    "Mẹ và con đều biết là chuyện không phải vậy. Mẹ không đủ sức khoẻ để làm cái nghề mẹ đang làm. Con sẽ thay mẹ. Con nói nghiêm túc. Mẹ đừng nhắc đến chuyện đi học nữa".

    Hình như mẹ tôi hơi chao dao như mất thăng bằng. Tôi lấy ghế cho mẹ ngồi, rót cho mẹ ly nước lọc rồi im lặng thay quần áo. Chúng tôi không nói gì trong vài phút sau đó. Rồi mẹ bảo tôi ngồi xuống giường nghe mẹ nói. Mẹ tôi nói nhanh, vì trong đời chỉ có một lần này. Nói thật nhanh, rồi vội vàng trở về với sự im lặng.

    "Tất cả mọi chuyện trong đời mẹ đều sai. Mẹ sinh lầm nhà, mang lầm họ. Những người mẹ gặp, những việc mẹ làm, nơi mẹ ở, đường mẹ đi, ngay cả những điều mẹ nghĩ vào ban ngày và những thứ mẹ chiêm bao vào ban đêm, tất cả đều sai. Chỉ có con là đúng. Con đúng thì tất cả cuối cùng cũng đúng. Nếu bây giờ con bỏ học, thì chính con cũng là một thứ sai của đời mẹ, và không còn gì đúng. Con phải hứa với mẹ là dù bất cứ chuyện gì con cũng không bỏ học. Nếu con không hứa thì để mẹ chết ngày mai, sau đó con muốn làm gì thì làm".

    Tôi không hứa. Tôi ngồi bệt xuống đất để thở. Tôi chưa hiểu hết những câu đó có nghĩa gì. Tôi cố hiểu, nhưng ý nghĩ của tôi chùng xuống dưới một sức nặng lạ lùng làm rã rời mọi câu chữ. Tôi ngồi nhìn xuống đất, không biết phải nói gì. Một lúc sau tôi ngước lên, nói những điều chính tôi cũng không hiểu hết:

    "Nếu cuộc đời sai thì tự nó phải đúng trở lại chứ tại sao chờ con làm cho nó đúng? Không phải ý nghĩa của cuộc đời lúc nào cũng không tự điều chỉnh nó để hợp với thực tế hay sao? Mẹ không còn đủ sức khoẻ để đi chợ nữa, con sẽ bỏ học để thay mẹ kiếm ăn. Chỉ có điều đó là đúng, mọi thứ khác đều vô nghĩa. Cuộc đời xảy ra trước, rồi đúng sai mới đến sau".

    "Nếu như vậy thì con người lấy gì để định hướng mà đi?"

    Tôi tiếp tục nhìn mãi xuống đất. Lúc tôi ngước nhìn, mẹ đã tắt cây đèn nhỏ tự lúc nào, đã đứng dậy và trong bóng tối đang lặng lẽ thay đồ sửa soạn đi chợ. Mẹ muốn tôi đi ngủ, hoặc là mẹ không muốn nhìn thấy tôi, nghe tôi nói nữa.

    Tôi leo lên tấm ván, nằm nghiêng co đầu gối lên bụng, kéo chăm trùm đầu cố ngủ lại. Một lúc sau tôi nghe tiếng mẹ tôi mở cửa đi ra, rồi tiếng cửa đóng lại, tiếng động âm thầm, thân yêu và tội nghiệp hằng đêm trong tám nghìn đêm tôi lớn lên trong căn nhà của mẹ. Bảy giờ tôi dậy mặc áo. Tôi mở tủ hương lấy tiền quà sáng từ xấp tiền của mẹ tôi để dưới quần áo và ôm tập vở đến trường học.
    Tôi yêu tiếng nước tôi

    Audio Truyện Kiều

    Comment

    • #3

      3. Ngọc Lan

      Ngày hôm đó mẹ tôi có thư từ Huế. Không phải thư của ông ngoại. Mẹ nói thư của em của mẹ, dì Lan. Dì sắp ra Hà Nội thăm hai mẹ con. Ngày mẹ tôi ra đi, dì Lan mười lăm tuổi.

      Tôi hỏi mình phải làm gì để đón dì. Mẹ tôi nói không làm gì cả, và cũng không cần phải xôn xao. Mẹ tôi nói vậy nhưng buổi tối tôi thấy mẹ tôi soi gương và băn khoăn lo mình tàn tạ trước tuổi. Tôi chải tóc cho mẹ, tìm cách buộc tóc phía sau hơi lỏng, để lơi những sợi tóc phía trước buông xuống để làm mềm mại bớt khuôn mặt khô khan vì quá gầy. Ngày mai, tôi sẽ đi mua cho mẹ một chiếc áo.

      Hôm đó năm giờ ba mươi tàu đến, mẹ tôi phải đi bán, nhờ tôi ra đón dì. Tôi không biết mặt, viết tên Ngọc Lan lên tờ giấy, tôi cầm tờ giấy đứng chờ dì ở sân ga. Khi dì bước đến, tôi thấy dì là một người đàn bà đẹp. Giống như bức ảnh bà ngoại, dì cũng có đôi mắt dài và hàng lông mày kẻ rất kỹ. Dì nói tiếng Huế, nghe lạ. Dì Lan gọi taxi. Trong xe, tôi mải nhìn ra ngoài cửa sổ để dì đừng hỏi chuyện. Tôi không hiểu hết những câu dì nói bằng giọng Huế và cũng ngại không dám hỏi lại mãi.

      Trước khi đi đón dì tôi đã xuống sân xách nước cho dì rửa mặt trên gác, không phải xuống chờ ở cái vòi nước tập thể. Tôi đặt cái thau ở góc phòng, đổ nước vào đấy. Tôi đặt một cái ghế con dưới đất cho dì ngồi. Tôi mang cho dì xà phòng và một chiếc khăn nhỏ.

      Dì Lan rửa mặt xong, cởi áo để dùng chiếc khăn nhỏ lau hai cánh tay và phần trên cơ tểh. Lau xong dì xổ tóc ra và gọi tôi mượn cây lược. Tôi đến đứng sát bên dì nhìn xuống đôi vai trần và những lọn tóc mềm buông xuống làn da còn ẩm ướt. Lúc dì Lan ngước lên để cầm cây lược, tôi thấy hai bầu ngực dì tròn và trắng, thật hoàn hảo. Không hiểu sao sự ngọt ngào bất chợt đó làm tôi nôn nao buồn. Cũng có một thời mẹ tôi đã trẻ như vậy, ngực mẹ đã tròn đầy, mịn màng êm ái, như hai bông hoa quỳnh nở trắng ngần trong đêm - và héo đi trong bóng tối không ai nhìn thấy. Bây giờ mẹ gầy, người mẹ khô dần, không ai biết rằng mẹ đã đẹp và còn giữ điều ấy trong ký ức. Không ai nhớ tình yêu với mẹ, với cô gái có chiếc áo tím và hai bông hoa quỳnh trắng muốt.

      Mẹ tôi nghỉ chợ sớm. Khi bước mẹ bước vào cửa, dì Lan gọi:

      "Chị Liên".

      Tôi thấy họ bắt đầu ứa nước mắt. Tôi bước đến cửa sổ, nhìn qua những thanh sắt uốn cong xuống mảnh sân nhỏ. Từ phía sau lưng, tôi nghe mẹ và dì Lan nói chuyện với nhau bằng giọng Huế. Tiếng nói lạ, tôi thấy mẹ tôi cũng lạ, như mẹ là một người khác. Mẹ đổi giọng Bắc, nói với tôi rằng hai dì cháu trông rất giống nhau. Dì Lan nói chị cứ nói tiếng Huế với con gái cho nó quen, nó cũng là người Huế mà. Thứ tình nối tôi với cái quê hương đó đã mất rồi, cuốn theo sông trôi ra biển còn đâu. Tôi chưa bao giờ thực sự là người Hà Nội, nhưng tôi cũng không phải là người Huế. Tôi không có quê hương, và tôi chẳng cần. Tôi nói con có việc, rồi bỏ ra ngoài đường đi lang thang.

      Khi tôi trở lại, mẹ và dì Lan đang nấu ăn. Họ thái thịt mỡ xào với mắm ruốc Huế. Và họ đang nói chuyện về mùa nắng, mùa mưa và mùa gió ở miền Trung. Họ đang lang thang qua những nơi chốn tôi không biết. Hai chị em đi ngang qua hàng sầu đâu dọc con đường ra bến đò. Hai chị em ngồi dưới mái thuyền nhìn ra trời mưa trắng sông. Hai chị em bước nhấp nhô trên những đồi cát ngoài phá Tam Giang. Hai chị em ngồi trong ngôi trường xưa. Hai chị em mặc áo dài trắng đi qua cầu.

      Mẹ tôi bỏ quê nhà đã lâu. Đi mãi, đi mãi không bao giờ quay đầu lại. Mẹ đi hai mươi hai năm tưởng đã ngút xa, ai ngờ chỉ chớp mắt một cái mẹ đã về chỗ cũ. Quê hương là một thứ gì rất lạ lùng.

      Dì Lan ngủ cùng với mẹ. Tôi nằm trên tấm ván kê cạnh cửa sổ, trên mảnh thuyền nhỏ. Nửa đêm tôi nghe có lưng bàn tay ai chạm vào má. Tôi cựa mình, tấm ván hơi chông chênh và tôi cũng chông chênh ở giữa ý thức và mộng mị. Tôi thức dậy, thấy gần sát mặt tôi là một đôi mắt rất dài, rất đen, rất lạ. Một khoảnh khắc sau tôi nhận ra dì Lan đang ngồi trên chiếc thuyền đêm của tôi và đang nhìn tôi.

      "Dì ngủ không được, dì qua ngồi nhìn mi cho kỹ xem mi nhìn lâu có đẹp hay không".

      Tôi không biết trả lời thế nào với câu nói lạ lùng đó. Sau một lúc yên lặng, tôi nghe tiếng thở dài rất dài của dì Lan.

      "Dì có chuyện gì buồn?"

      "Nếu dì không mang con em của mi đi thì giờ đây nó còn sống, cũng đẹp như mi".

      "Con em nào? Dì mang nó đi đâu?"

      Dì Lan không trả lời tôi. Tôi níu tay dì kéo về phía mình.

      "Con là con một. Mẹ con chỉ sinh có một lần, rồi ở vậy nuôi con. Dì nói con em nào? Con không hiểu nửa đêm dì nói cái gì lạ lùng vậy?"

      Dì Lan vẫn không trả lời. Tôi chỉ thoáng thấy đôi mắt dài của dì nhắm lại, hình như có một chút ánh sáng long lanh như nước mắt ứa ra, nhưng tôi không kịp nhìn thấy giọt nước mắt. Dì Lan đã rút tay về và bước xuống khỏi con thuyền của tôi. Dì đi về nằm lại bên cạnh mẹ tôi. Sau đó chỉ còn một sự yên tĩnh lạ thường, tôi thấy sợ, chỉ còn mình tôi trên tấm ván thuyền ngưng trôi, ngưng thở. Tôi nằm như vậy trong bóng tối, trong nỗi im lặng lạ thường. Lâu lắm giấc ngủ mới trở lại.

      Trong đêm tôi thấy tôi đứng cạnh cửa sổ lúc cửa chưa có cái khung sắt có hoa văn, tôi nhìn xuống sân, thấy một đứa con gái đi qua bên dưới, rồi biến mất giữa những bức tường tối. Tôi tự hỏi tại sao có đứa con gái nào đi qua sân vào lúc nửa khuya. Nhưng trong lúc tự hỏi như vậy, tôi thấy mình là đứa con gái đó, tôi thấy tôi đi trong sân và tôi thấy sợ vì sân không có lối ra, mà tôi không thể quay đầu trở lại con đường mình đã đi vào được. Tôi nhìn thấy những bức tường ở trước mặt, tôi biết những bức tường không thể ngăn cản được tôi, tôi có thể ngang qua những bức tường, vì chúng nằm trong bóng tối, và tôi thì luôn luôn có thể đi ngang qua bóng tối. Tôi thấy sợ, vì tôi có cảm giác có ai đang nhìn tôi, một đứa con gái đang nhìn tôi. Tôi tự hỏi tại sao có đứa con gái nào không ngủ vào giờ này, mà đứng ở cửa sổ trên cao rình rập tôi. Rồi tôi đi vào những bức tường tối. Rồi không còn tôi nữa.

      Trong một khoảnh khắc, hình như tôi biết hết tất cả. Sự thật ở bên trong tôi. Nhưng nó không có lời. Một câu chuyện không có lời giống như một cơn mưa không có giọt nước từ trời. Tôi sẽ đi tìm lời cho những gì tôi biết. Dù cho mất bao nhiêu năm hay cả một đời, tôi cũng sẽ đi tìm.

      Chủ nhật mẹ nhờ tôi đưa dì Lan đi chơi hồ Tây. Chỉ còn con đường ngắn đi ngang chùa Trấn Quốc là còn những khoảng trống để nhìn ra hồ. Nhà cửa ở chung quanh làm cho hồ không còn mơ màng như ngày tôi còn bé.

      Tôi đưa dì Lan đến ngồi ở một quán cà phê ở lưng chừng con dốc nhìn xuống mặt nước.

      "Đêm qua dì có nhắc tới em của con. Con có em sao?"

      "Dì có nhắc tới em nào của mi đâu"

      "Có. Dì nói: Nếu dì không mang em của con đi thì bây giờ nó còn sống..."

      "Dì có nói vậy sao? Mi nằm mơ."

      "Không. Con không mơ. Dì đến ngồi cạnh con lúc con ngủ, dì nhìn con".

      "Ai làm chi kỳ rứa?"

      "Thật mà, dì mặc áo trắng"

      "Hôm qua đi ngủ dì mặc áo cánh màu vàng".

      "Trong đêm thì áo vàng trông như trắng thôi."

      Có thể tôi mơ. Hay có thể nửa đêm dì Lan đến ngồi cạnh tôi trong lúc mộng du. Nhưng dù tôi hay dì là người nằm mơ tối qua thì tôi cũng không quên giấc mơ đó được. Có một sự thật nào đó chưa có lời đang ở trong tôi.

      Tôi thường nghĩ cha tôi sẽ đến với tôi vào một ngày mưa. Lúc dì Lan và tôi đang qua phố Hàng Mành, trời chợt đổ cơn mưa lớn. Chúng tôi đứng trú mưa dưới mái hiên bên đường. Chỉ một luc sau, dưới mái hiên của những căn nhà khác cũng đã đầy người. Tôi nghe tiếng dì Lan nói trong tiếng mưa:

      "Mẹ của mi không còn nuôi mi đi học hoài được đâu. Đồng tiền kiếm không ra. Việc thì nặng, mà chị Liên thì yếu."

      Tôi lặng yên. Tôi muốn tiếp tục đi, nhưng trời vẫn mưa lớn, tôi đành đứng yên.

      "Nếu dì có tiền, dì sẽ gửi ra phụ lo cho mi đi học. Nhưng dì cũng nghèo. Cha của dì có của, có tiền ở Mỹ gửi về, nhưng cha đang lo sửa nhà và cất nhà thờ họ. Dì xin tiền cho mi, nhưng cha không cho."

      "Dì nói với con làm gì?"

      "Dì nghĩ hay là mi hỏi cha mi?"

      Tôi thảng thốt quay lại nhìn dì Lan.

      "Biết cha ở đâu mà tìm?"

      "Mi phải hứa với dì không bao giờ, không bao giờ nói với mẹ là dì cho mi biết tên của cha mi..."

      "Tại sao?"

      "Mẹ mi nghĩ mi chưa đủ lớn để biết."

      "Con hai mươi hai tuổi rồi"

      "Nếu mi có lớn bằng hai bây chừ mi vẫn chưa đủ lớn. Mẹ nghĩ mi không bao giờ có thể biết được hết sự thật, và hoàn toàn không biết thì tốt hơn là biết sai, hoặc biết một phần..."

      "Vâng, con hứa sẽ không bao giờ nói gì với mẹ về cha."

      Hai hôm sau dì Lan dẫn tôi tới một căn nhà ở Tuệ Tĩnh. Đó là căn nhà ngày xưa cha tôi đã ở. Dì bảo tôi về nhà trước, dì sẽ đi tìm các giấy tờ xem cha tôi đã chuyển đi đâu.

      Bảy ngày sau dì Lan trao cho tôi mẩu giấy ghi một cái tên và một cái địa chỉ ở Sài Gòn. Tôi không có gì hơn.

      "Dì biết cha của con?"

      "Không. Dì không biết anh ấy."

      "Sao dì lại có địa chỉ ở Tuệ Tĩnh?"

      "Dì có đến căn nhà ấy gặp cha mi một lần."

      "Vậy thì dì biết cha của con chứ. Dì kể cho con nghe về cha đi."

      "Ừ thì biết, nhưng cũng như không biết."

      "Ít ra dì cũng phải biết qua gương mặt, tiếng nói. Và cha làm gì, tính tình ra sao?"

      "Cha mi là người học nhiều, có chức vị cao. Dì chỉ biết có vậy. Vì học cao dì chắc cha mi tôn trọng sự học, không để cho mi phải bỏ học, dù là con gái..."

      Câu dì nói không hết. Hoặc là nó đã dài hơn cần thiết.

      "Cha con có phải là người tốt không?"

      "Dì không biết chắc. Có một việc đáng tiếc đã xảy ra làm cho dì nghĩ cha mi là người không tốt. Nhưng dì không biết đâu. Chắc là dì sai".

      "Việc đáng tiếc đó là việc gì?"

      "Thật ra cũng là lỗi của dì. Mà năm đó dì mới có mười lăm tuổi, nào có biết tính toán gì".

      "Dì đừng nói lỗi của ai mà hãy nói cho con biết chuyện gì đáng tiếc đã xảy ra."

      Dì Lan không trả lời tôi, lấy khăn ra chùi nước mắt. Tôi không hỏi được gì thêm.

      Ngày đưa dì Lan về Huế, tôi hỏi:

      "Hôm trước con hỏi cha con là người tốt hay xấu, dì nói có một việc đáng tiếc đã xảy ra khiến dì nghĩ cha con là người không tốt. Việc gì đã xảy ra?"

      Dì Lan suy nghĩ rồi nói:

      "Anh ấy làm cho mẹ con mang bầu rồi gặp trở ngại không cưới. Đó là một việc đáng tiếc. Nhưng không có việc đáng tiếc đó thì không có mi. Nếu mi tha thứ được, thì hẵng đi tìm cha."

      "Có cha có mẹ thì mới có con. COn không phải là người buộc tội hay tha thứ. Con đang cần có cha."

      Lúc tàu mang dì Lan đi rồi, vẫn còn một câu tôi chưa hỏi. Tại sao dì nói đó cũng là lỗi của dì? Tại sao dì nói dì mới mười lăm tuổi nào biết tính toán gì?
      Tôi yêu tiếng nước tôi

      Audio Truyện Kiều

      Comment

      • #4

        4. Lá thư của đứa con gái chưa bao giờ gặp

        Dì Lan đưa cho tôi một mẩu giấy, trên đó có tên một người đàn ông, một số nhà, một tên đường, tên quận và tên thành phố.

        Tôi bồn chồn, mong đợi trong nhiều ngày để biết tên và địa chỉ cha tôi. Khi có tờ giấy ghi những thứ đó, tôi mới biết tôi không biết làm gì với nó. Tôi đặt tờ giấy vào đâu đó giữa những trang của quyển sổ, tôi nghĩ, tối nay tôi sẽ viết thư cho cha. Nhưng buổi tối tôi không đủ tập trung để viết. Tôi gấp sổ lại và chờ đêm khuya hơn. Khi tất cả mọi người đã ngủ và thành phố im ắng, tôi mới giở cuốn sổ có kẻ hàng, chọn một trang giấy trắng mà tôi sẽ xé khỏi quyển sổ, và bắt đầu bức thư. Lạ lùng thay, tôi không biết viết gì cả. Người cha trong tâm tưởng và mảnh giấy này, cái tên này có liên quan gì với nhau không? Tôi sẽ bắt đầu lá thư như thế nào?

        Con viết lá thư đầu tiên gửi đến cha vào một giờ rất khuya, con ngồi nơi bàn học kê bên cạnh cửa sổ vẫn còn mở. Con nhìn ra ngoài, chỉ thấy mảng tưởng cũ của căn nhà bên cạnh. Con phải đến đứng sát cửa sổ ngước nhìn lên trên thì mới thấy bầu trời, không phải là bầu trời, mà chỉ là một mảnh trời hẹp đóng khung giữa những bức tường của những căn nhà xây chung quanh. Bên dưới mảnh trời đó là một khoảng sân tập thể lát gạch cũ, chông chênh và lúc nào cũng ẩm ướt.

        Tôi không thể viết như vậy được. Mở đầu bức thư, tôi phải nói tôi là ai. Cha tôi phải biết ngay trong hàng chữ đầu tiên ai đang viết bức thư ông vừa mở ra.

        Có thể cha nhớ, có thể cha quên là con đã được sinh ra, nhưng con thì lúc nào cũng nghĩ đến cha và mơ ước ngày được gặp cha. Con đã hai mươi hai tuổi. Con sống với mẹ.

        Tôi biết là tôi không thể nào viết thêm một câu nào nữa về mình. Dì Lan đã bắt tôi hứa không bao giờ được nói với mẹ về cha hoặc nói với cha về mẹ, không bao giờ được nhắc tên người này với người kia. Dù tôi không hiểu tại sao tôi phải hứa điều đó, tôi vẫn phải hiểu rằng lời hứa đó thiêng liêng, và nếu nó không được giữ, thì một điều gì đó sẽ đổ vỡ. Tôi không biết là điều gì, khi biết thì không còn làm nó đừng vỡ nữa.

        Tôi còn lại gì để viết về mình? Tôi có một gương mặt, một thân thể. Tôi có thuở ấu thơ và thời trung học. Tôi có kỷ niệm và những giấc mơ Tôi có tình yêu và nỗi buồn. Tôi có những chuyện không nói cùng ai được và có trăm nghìn điều chưa biết. Có những thứ gì trong số đó tôi có thể viết lên giấy, biến thành chữ được để cha tôi đọc và qua đó nhìn thấy tôi?

        Cha lúc nào cũng có mặt trong thế giới của con. Khi con đứng trú mưa, con nghĩ cha cũng đang nép dưới hiên một căn nhà nào đó bên kia đường...

        Tôi muốn lá thư của tôi gợi trong cha tình yêu dành cho đứa con gái ông chưa bao giờ gặp mặt. Tôi nhớ tựa một cuốn truyện đọc vào năm cuối trung học. Lá thư của người đàn bà không quen biết. Còn thư của tôi là của một đứa con gái chưa gặp mặt. Lá thư của người đàn bà không quen biết hay vì nó đến trễ. Nó được viết sau khi đứa con giữa người đàn bà đó và nhà văn đã chết, nó được nhà văn đọc sau khi người đàn bà đã chết. Cái đẹp nằm ở sự muộn màng. Nếu đến sớm hơn, nó chỉ là một bức thư tỏ tình như nghìn vạn bức thư tỏ tình khác, không có một cuộc đời đã dâng hiến cho tình yêu, hay sương khói, một cuộc đời đã bỏ đi và không còn lấy lại được. Cái đẹp nằm ở sự bâng khuâng yên lành của

        người đọc thư khi không còn gì ông ta có thể làm được nữa cho người đã yêu mình. Cái đẹp nằm ở sự câm lặng. Lá thư của tôi không thể có cái đẹp đó, vì tôi còn sống, đầy những đợi chờ và run sợ, lời nói của tôi là tiếng kêu chứ không phải sự câm lặng. Tự nhiên, tôi thấy tất cả đều dễ vỡ. Tôi không thể nào mở đầu lá thư cho cha vì không có lời lẽ nào mênh mang như nỗi thương nhớ rất mơ hồ và rất dài của tôi. Tôi không thể nào

        viết xong lá thư cho cha, vì nó không bao giờ đủ hoàn hảo, đủ đằm thắm và đẹp đẽ, và bất cứ một lỗi lầm nào trong lá thư đầu tiên cũng có thể gây ra một vết rạn trên chiếc bình vô hình

        Tôi đứng trong gian kính hẹp, gọi điện thoại cho dì Lan.

        "Mi đã gửi thư cho cha chưa?"

        "Con viết chưa xong. Có lẽ không bao giờ xong."

        "Viết những gì mà không xong? Chỉ cần nửa trang thôi."

        "Con thấy viết ngắn còn khó hơn."

        "Vậy thì cứ viết dài."

        "Nhưng con không biết viết gì."

        "Mi thật lạ, vậy mà kêu viết ngắn lại không chịu."

        "Con không viết bức thư ấy được."

        "Mi phải vào gặp cha. Anh ấy phải tiếp tục lo cho mi ăn học. Mẹ mi lo đến đây đã đuối sức rồi."

        Tôi nghe tiếng thở dài của dì. Tôi còn buồn hơn.

        "Hôm nay mi gửi bức thư ấy đi nhé."

        "Con không viết được."

        "Mi phải vào gặp cha."

        "Vâng."

        "Nhưng không được nói với mẹ."

        "Mi nói mi tìm được việc làm bán thời gian ở Sài Gòn, vào đó vừa đi làm vừa đi học."

        Mẹ con không tin đâu."

        "Chị ấy phải chấp nhận thôi."

        Mẹ đã đi chợ từ khi trời còn khuya. Sáng sớm khi tôi đổ nước ra thau để rửa mặt từ góc nhà phía bên kia, nhìn lại tấm ván nơi tôi ngủ cạnh cửa sổ, nhìn một cạnh của tấm chăn rơi xuống đất, tự nhiên tôi linh cảm thấy có một thứ gì rất lạ, rất buồn đang nằm ở đó, bên dưới tấm ván, khuất đàng sau tấm chăn. Tôi rửa mặt vội vã rồi chạy lại giở tấm chăn lên nhìn, và tôi thấy nơi đó có một túi hành lý có dây đeo may bằng vải nhựa màu xanh đựng quần áo và một chiếc giỏ đan bằng sợi nhựa có ít sách vở bên dưới, mấy chai xà phòng tắm gội bên trên, cùng với một đôi giày tôi mới mua chưa mang. Đó là hành lý của chính tôi, sắp đặt sẵn sàng trước một chuyến đi xa. Tôi thảng thốt. Ai đã sắp hành lý cho tôi vào đêm hôm trước, và vào lúc nào? Hẳn là lúc đó đã khuya lắm, vì khi tôi giăng mùng cho mẹ tôi ngủ và mang chăn gối của tôi ra tấm ván thì bên dưới chưa có cái túi hành lý và cái giỏ ở đó. Sau khi giăng mùng cho mẹ thì tôi làm gì, tôi đi ngủ lúc nào? Tôi không nhớ gì về đêm qua. Ai đã sắp hành lý cho tôi? Hay chính tôi đã thật sự còn thức, làm trong một cơn mộng du? Tôi cảm thấy sợ, và buồn kinh khủng.

        Tôi rót một ly nước lọc và ngồi xuống ghế uống thật chậm từng ngụm bình tĩnh nhớ lại. Dường như vài hôm trước dì Lan gửi cho tôi tấm vé tàu một chiều vào Sài Gòn. Hành lý này dành cho chuyến đi đó. Tôi đến mở dây kéo ngăn phía ngoài của chiếc túi, và tôi thấy vé tàu nằm ở đó. Tôi không nhớ mình đã sắp quần áo vào túi, vậy mà tôi lại biết, một cách lạ lùng, từng thứ một những món mà tôi đã sắp xếp cho chuyến đi xa. Tôi biết xấp tiền mẹ tôi cất trong tủ hương chỉ còn một nửa, vì nửa kia nằm trong chiếc ví của tôi, trong ngăn ngoài của túi hành lý, cùng với vé tàu hoả xuyên Việt.

        Buổi chiều, tôi nói với mẹ:

        "Con đặt anh Cam con bác Hoài đón cái bàn bán nước, với một cái tủ kính nhỏ để mẹ bày bánh kẹo và thuốc lào, con đã trả tiền rồi. Anh ấy nói đầu tuần sau xong anh ấy mang sang".

        "Bàn gì? Ai bán nước? Mày nói gì mẹ không hiểu?"

        "Con cũng nhờ anh mua hộ mấy cái ghế nhựa thấp cho khách ngồi, anh ấy cũng sẽ đem đến cùng với cái bàn của mẹ."

        "Mai. Mẹ không hiểu gì cả."

        "Mẹ hiểu mà. Mẹ biết rằng con đã nói chuyện với tất cả các hộ ở trong ngõ. Từng nhà một đã đồng ý cho mẹ bày một cái bàn nhỏ bán nước chè ở ngoài đầu ngõ. Con cũng đã báo với tổ trưởng tổ dân phố. Con đã mua quà tặng người ta."

        "Mày tặng người ta những gì, mà sao lại tặng? Hết bao nhiêu tiền?"

        "Không nhiều đâu mẹ, chỉ có mấy xấp vải và mấy cân chè, vài cái nồi... Người ta biết mẹ từ lâu, ai cũng muốn giúp mình."

        "Bán nước chè làm sao kiếm đủ tiền mà sống. Mày điên rồi, mẹ còn đủ sức khoẻ để đi chợ mà."

        "Mẹ vất vả quá, mà kiếm được chẳng bao nhiêu. Con biết thế, xấp tiền của mẹ trong tủ hương cứ vơi dần đi, một hôm nào mình chẳng còn vốn. Đằng nào cũng không kiếm đủ tiền, thôi mẹ bán nước chè cho đỡ cực nhọc. Bày hàng cũng nhanh, chỉ có mấy gọi kẹo, mấy túi chè và ấm nước. Bao giờ mẹ thích thì mẹ ra ngồi bán, không thích thì nghỉ ngơi, xem vô tuyến, đi chơi ở Bờ Hồ. Mỗi ngày mẹ kiếm hai mươi, ba mươi nghìn là đủ rồi. Mẹ đâu có cần gì nhiều".

        "Con này, mày không ăn cơm, không đi học à?".

        "Con không ở nhà nữa. Con sắp đi rồi."

        "Đi đâu?"

        Giọng mẹ tôi thảng thốt, như giọng của một người đứng nhìn căn nhà của mình vừa đổ xuống. Nỗi buồn rầu và thương tiếc chưa kịp đến, chỉ mới có sự bàng hoàng và ngơ ngác.

        "Con vào Sài Gòn. Con vừa tìm được việc làm trong ấy. Làm buổi chiều, buổi sáng con có thể đi học. Con chuyển vào Nam học tiếp đại học."

        "Mai, con nói một chuyện thật kinh khủng. Bao lâu nay mày toan tính những gì cho đời mày mà không cho mẹ biết. Mày không có đi đâu hết, ở nhà với mẹ, mẹ lo cho ăn học. Mày biết gì mà dám bỏ nhà đi."

        "Con hai mươi hai tuổi, con trưởng thành đã bốn năm rồi mẹ."

        "Mẹ cấm con. Không được. Chuyện gì cũng phải bàn với mẹ trước."

        "Con không thể bàn với mẹ, vì mẹ không đồng ý với bất cứ thay đổi nào. Vì mẹ chỉ muốn hy sinh đến bao giờ mẹ chết, không chịu nhận lấy sự thật là bản chất mẹ yếu đuối, mẹ không thể tiếp tục làm cái nghề vất vả và hiện giờ nữa để nuôi một đứa con gái học đại học trong thời buổi tốn kém này..."

        "Thôi im đi."

        Và tôi im. Chúng tôi im lặng suốt buổi chiều. Khi đêm buông xuống, tôi dọn cơm. Mẹ phải ăn rồi đi ngủ sớm để khuya dậy đi chợ. Chúng tôi không nói gì trong lúc ăn cơm. Mẹ tôi giá lạnh, không gì có thể chạm đến mẹ được. Vậy mà lúc ăn gần xong, tôi đứng dậy châm trà thì mẹ vỡ ra khóc. Tôi thấy buốt trong ngực, như có một thứ gì nặng chận lên một nửa trái tim tôi. Cơn đau buốt tràn xuống tận những đầu ngón tay. Và chúng tôi vẫn im lặng.

        Cuối cùng, nước mắt đã khóc hết, mẹ tôi hỏi:

        "Nếu không có tao cản đường thì bao giờ mày đi?"

        Vé tàu hoả ghi ngày đi là ngày mai, nhưng không hiểu vì sao tôi lại nói:

        "Lát nữa con đi. Con đi chuyến tàu khuya."

        Nói xong, tôi mới biết mình nói gì. Tôi vừa chạy trốn những giờ cuối cùng buồn thảm. Trốn cơn nghẹn trong lồng ngực đang lan xuống làm đau đốt xương những ngón tay.

        Dường như mẹ tôi ngất đi. Không, mẹ tôi chỉ rũ xuống vì kiệt sức. Tôi dìu mẹ lên giường.

        "Con sẽ về thăm mẹ. Con sẽ làm việc giỏi giang, học hành chăm ngoan. Con sẽ sống thật đơn giản, để dành tiền mua vé tàu về thăm mẹ. Con sẽ gửi tiền cho mẹ. Con muốn mẹ sống thư thả, yên vui."

        "Mày im đi. Đừng nói thêm một tiếng một lời nào nữa hết. Mẹ không muốn nghe. Thôi để tao một mình".

        "Con lạy mẹ. Nếu con không đi hôm nay, thì một hôm nào khác con cũng phải đi thôi. Con phải vào đời, dù đời thế nào, con cũng phải bước vào. Ai cũng phải thế."

        "Nhưng con mới từng này. Con là con gái. Con chưa đủ lớn. Con còn ở tuổi ngây thơ. Con phải ở với mẹ, trong căn nhà này, yên tâm lo ăn lo học đến nơi đến chốn đã rồi mới tính. Nếu mẹ không đủ sức nuôi con ăn học, làm sao con lớn được tới từng này?"

        "Mẹ."

        "Đồ bội bạc."

        Mẹ tôi không nói gì nữa, quay mặt vào tường. Tôi mang túi hành lý lên vai, nắm quai chiếc giỏ và bước ra ngoài cầu thang. Mẹ tôi không tiễn tôi.Tôi bội bạc và cô đơn vô tận.

        Xuống đến khoảng sân tập thể ướt nước tôi dừng lại và ngước nhìn lên khung cửa sổ căn hộ chúng tôi. Tôi biết mẹ sẽ đứng ở khung cửa đó nhìn xuống, mẹ sẽ tiễn tôi từ một khoảng cách, đủ xa để tiếng nói hay tiếng khóc không được nghe thấy, để nỗi buồn của mỗi người được sự im lặng bao bọc cho được yên lành. Tôi bước chậm lại, ngước nhìn. Tôi dừng lại. Nhưng mẹ tôi không đứng ở khung cửa sổ đó. Tôi chờ, tôi gọi mẹ ơi, tiếng gọi không thoát ra được khỏi lồng ngực, nó tắt ở đâu đó. Tôi bước ra khỏi tầm nhìn từ khung cửa sổ đó, và ngồi xuống một góc khuất của con hẻm. Tôi ngồi xuống để khóc nhưng sao nước mắt không rơi. Chúng tôi chỉ mới cách nhau một cái cầu thang, đôi ba bức vách, nhưng cả một đại dương yên lặng đã tràn về che khuất người thân yêu.

        Khuya lắm tôi mới đến nhà đứa bạn gái để trả một cuốn sách và giã từ. Tôi ngủ lại với nó, và ra ga Hà Nội lúc năm giờ sáng. Trời lạnh như trong một giấc mơ về một nơi trăm năm rồi không có mặt trời.
        Tôi yêu tiếng nước tôi

        Audio Truyện Kiều

        Comment

        • #5

          5. Nơi đến

          Tàu đến ga Nha Trang lúc đêm vừa xuống và dừng lại ở đó trong một tiếng hai mươi phút. Tôi xuống sân ga, tìm chỗ thuê phòng tắm. Chỉ có một gian còn trống, và nó trống vì những người đến trước tôi không muốn thuê nó: cái đèn duy nhất trong đó đã cháy bóng. Người ta đã tìm nhưng không còn bóng để thay vào quá nửa đêm. Họ đưa cho tôi một cây nến đang cháy, cắm trên cái nắp nhựa của một lọ chao, để tôi cầm mang vào chỗ tắm. Tôi cởi quần áo, giội nước. Gian tắm nhỏ quá, tôi không đặt cây nến đủ xa, nên nước văng vào làm cho nó tắt ngấm ngay. Tôi không có bật lửa, vả lại cây nến đã ướt làm sao châm lửa lại được. Tôi tắm trong bóng tối. Tôi gội đầu trong bóng tối. Tôi muốn sáng sớm hôm sau khi cha tôi gặp con gái lần đầu, tóc tôi mượt mà chứ không bẩn bụi dọc đường

          Tôi trở về ngồi trên băng ghế tàu với mái tóc ướt. Tôi nghĩ đến cha và cuộc gặp gỡ mà tôi chờ đợi suốt đời, nhưng lúc tàu chạy, nỗi mong đợi lo sợ và hy vọng của tôi bị tiếng rầm rập của tàu hoả và cơn mệt mỏi cắt đoạn, rơi rớt trong giấc ngủ chập chờn mờ đục. Lạ lùng thay, tàu càng đến gần thành phố cha tôi ở thì những ý niệm của tôi về cha càng mất nét. Tình yêu của tôi với cha, dù trừu tượng, đã theo tôi trong tất cả năm tháng tôi còn nhớ được, đã trở thành một thứ hơi thở. Bây giờ trong những giờ cuối của đêm trước ngày gặp gỡ, hơi thở đó chợt giống như một thứ khói, một đám mây đang tan đi trên một tầng trời xa lắp.

          Tàu vào thành phố lúc trời còn mờ tối. Năm giờ bốn mươi, tôi rời nhà ga Sài Gon với túi hành lý và chiếc gió mà tôi đã phủ chiếc áo len tôi mặc lúc ra ga Hà Nội lên trên.

          Tôi tìm được một quán bán thức ăn sáng mở cửa sớm. Tôi sẽ ăn thật chậm và ngồi ở đó chờ ba tiếng, tôi không muốn đến nhà cha tôi quá sớm, cha tôi sẽ dậy muộn vào buổi sáng chủ nhật. Tôi muốn ngồi ở một góc khuất, nhưng quán nhỏ, cái bàn nằm khuất cũng chỉ cách mặt đường sáu mét. Tôi gọi một đĩa bánh cuốn, đặt túi và gió ở chân bàn, hỏi chỗ rửa mặt nhờ ở nhà sau quán ăn. Khi tôi trở ra, đĩa bánh đã được đặt trên bàn, không có khói bay lên: họ dọn bánh cuốn nguội. Khi tôi gắp đưa lên miệng miếng đầu tiên, thì cơn buồn chợt ập tới không báo trước. Nước mắt tôi tự dưng rớt xuống, tôi khóc trước khi biết là mình buồn. Tôi cúi đầu thấp để người ta không thấy tôi vừa ăn vừa khóc. Mắt tôi sẽ sưng, mặt tôi sẽ xấu xí, trong khi tôi muốn cha yêu thích gương mặt của tôi. Tôi không muốn khóc, vậy mà tôi không ngưng được. Cơn bão mãnh liệt không có tiếng động đã âm thầm di chuyển trong tôi từ hai ngày nay vừa vỡ ra ngay vào lúc tôi cúi xuống để gắp những miếng bánh của bữa ăn sáng đầu tiên trên một thành phố lạ. Trên chuyến tàu đi dọc quê hương chưa quen tôi đã không khóc, ngay cả nỗi buồn cũng không đến. Chỉ có nỗi mệt mỏi, một chút hoang mang và những hy vọng cùng lo sợ chập chờn rời rạc trong những giờ nửa thức. Cơn bão không có gió, biến thành mưa trút thẳng xuống từ trời, mãnh liệt và im lặng. Tôi khóc mãi, có lẽ gần hết nửa giờ. Cơn mưa qua, tôi mới bắt đầu hiểu tại sao nó đến. Tôi bắt đầu hiểu nỗi buồn. Tôi nhớ mẹ. Một nỗi mất mát kinh hoàng vừa xảy đến với mẹ, với tôi. Tôi chưa hiểu hết nỗi mất mát đó, tôi chỉ vừa mơ hồ cảm nhận được chiều sâu của cái vực thẳm nỗi mất mát ấy vừa gây ra, nó mịt mùng giữa những vách núi. Tôi đang rơi.

          Tôi chải đầu, buộc tóc lại. Tôi kiếm xe ôm đi tìm nhà cha tôi. Tôi xuống xe ở phía bên kia đường căn nhà số 17 đường PTK. Tôi đứng ở lề đường một lúc lâu, tôi muốn nhìn căn nhà từ bên ngoài trước khi vào trong. Tôi chỉ thấy những khung cửa kính có buông làm của căn phòng trên lầu, chứ không nhìn thấy tầng dưới. Nhà và sân nằm bên trong một bức tường cao quá đầu người chạy dọc lề đường dài độ mười lăm mét, tường có hai cánh cổng sắt kín. Dì Lan nói cha tôi có học, có chức cao, nhưng tôi chưa bao giờ biết một người có thể ở một căn nhà to như vậy.

          Trong hai mươi hai năm, cha là một ý niệm buồn bã và thân yêu. Cha luôn luôn ở phía bên kia con đường nơi tôi đứng trú mưa, ở một góc phố lúc trời vừa chợt tối. Ông cũng mơ ước có một đứa con gái như tôi mơ ước có một người cha. Ông cũng thương nhớ nỗi thương nhớ mênh mang dài như cuộc đời, nỗi thương nhớ không có bắt đầu và chấm dứt. Ông chỉ băng qua chiều ngang của con đường thôi thì sẽ ở cùng phía với tôi, sẽ tìm thấy tôi. Nhưng ông không băng qua con đường đó, vì một lý do nào chưa bao giờ có ai nói cho tôi biết. Ông là một ý niệm, một ước mơ thấp thoáng, mong manh nhưng không bao giờ đổ vỡ. Ý niệm đó đã trở thành một phần của cuộc đời, một số khoảnh khắc nào đó của một ngày, vào cuối những cơn mưa chiều mùa đông hay mùa hạ. Tôi ao ước được là đứa con gái nhỏ của cha, tôi mong cha tôi sẽ băng qua đường, tìm thấy tôi, ôm chặt tôi trước khi tuổi thơ tôi qua hẳn rồi. Tôi muốn vào ngày ấy cha tôi thấy tôi đã mang nét duyên con gái vừa lớn, nhưng vẫn còn là một đứa con gái nhỏ bé, tôi muốn được ở bên trong vòng tay êm ái mạnh mẽ của cha khi tôi còn thơ dại và cần được ôm ấp. Tôi không muốn có người yêu trước khi biết vòng tay ấy. Tôi muốn là con gái của cha trước khi là người yêu của một người đàn ông.

          Tôi hai mươi hai tuổi và tôi không thể chờ nữa. Cha tôi không băng qua con đường để tìm tôi, nên tôi sẽ băng qua con đường để tìm cha. Con đường đó đang ở trước mặt tôi, vào một ngày nắng chứ không phải ngày mưa. Con đường không ướt nước như hàng ngàn ngày tôi đã đứng mơ màng thương nhớ cha.

          Ở phía bên kia đường là một cánh cửa sắt lớn cao quá đầu người. Tôi sẽ băng qua con đường trước mặt, và sau đó, đời tôi sẽ khác.

          Tôi bấm chuông và chờ. Có một người đàn ông đến mở một cái ô nhỏ trên cánh cửa để nhìn tôi. Người đó không phải là cha tôi. Anh ta độ ba mươi tuổi.

          "Cô tìm ai?"

          "Em tìm ông Lân. Thưa đây có phải nhà của ông Nguyễn Bá Lân không ạ?"

          "Cô là bạn của Quỳnh à?"

          "Quỳnh là ai?"

          "Con bác Lân. Học ở đại học Kiến trúc nhưng đi Thuỵ Sĩ du học rồi. Đi rồi nhưng thỉnh thoảng vẫn còn bạn đến tìm vì không biết. Tôi thấy cô bằng tuổi Quỳnh nên tôi tưởng cô học chung với Quỳnh chứ."

          "Em tìm ông Lân."

          "Bạn bác lân đón bác đi đánh golf từ sớm rồi, nhưng có vợ bác ở nhà. Cô tên gì để tôi vào thưa?"

          "Em là... tên em là..." - tôi thấy người ấy áp mặt vào cái lỗ nhỏ trên cửa sắt để nhìn tôi rõ hơn, ánh mắt của anh ta lướt từ mặt xuống chân tôi, nơi tôi đã đặt chiếc túi và cái giỏ xuống đất.

          "Em tên là Mai."

          "Gì Mai? Mai tìm bác Lân có việc gì thế?"

          Tôi tìm cha tôi có việc gì? Tôi không biết. Tôi biết trả lời người đàn ông lạ này thế nào. Tôi cũng không muốn nói cả họ tên tôi ra, vì họ tôi không giống họ của cha tôi. Tôi quay đi, im lặng.

          "Thế Mai chỉ có tên không có họ à? Không có thì thôi vậy. Nhưng mà bác gái chắc chắn muốn biết Mai từ đâu tới, tìm ông nhà có việc gì thì mới cho tôi mở cửa đấy."

          "Việc của em... chỉ là việc riêng giữa ông Lân với em thôi."

          "Việc riêng... Việc riêng sao không gặp chỗ riêng mà lại đến nhà thế này."

          "Cũng không có việc gì..."

          "Mai nhất định không chịu nói à? Nếu bác gái không cho mở cửa thì không phải lỗi ở anh đấy Mai nhé. Mai chờ một chút."

          Người đàn ông đóng cánh cửa của cái khung nhỏ xíu trên cổng sắt. Và tôi đứng chờ. Nhưng tôi đang chờ ai, chờ chuyện gì đây? Chưa bao giờ, chưa một lần duy nhất tôi nghĩ rằng cha tôi có vợ, một người đàn bà nào đó, không phải là mẹ tôi. Và có con, một đứa con gái nào đó, không phải tôi. Trong mấy phút nữa thôi, tôi sẽ gặp người vợ đó, nếu bà chịu mở cửa cho tôi vào bên trong khuôn viên căn nhà có tường cao đó. Tại sao tôi lại vào đó?

          Tôi nhấc túi và giỏ của mình lên và quay người bước đi, trước khi tôi kịp có cảm giác hay ý nghĩ gì. Hình như có tiếng cánh cổng sắt mở ra, tôi không chắc, đường nhiều xe, tôi không biết có tiếng mở cửa thật không hay âm thanh đó chỉ do tôi tưởng tượng. Dù sao thì tôi cũng không quay đầu lại. Tôi đi thật nhanh đến góc đường, anh xe ôm lúc nãy đưa tôi đến đây vẫn còn dựng xe ngay góc đường này để chờ khách. Tôi leo lên yên xe, chưa biết mình sẽ nói anh ta đưa tôi đi đâu.

          Cuộc gặp gỡ cha tôi, sau một đời mong đợi chỉ có vậy thôi. Nó không bao giờ xảy ra. Ai đã quyết định như vậy? Tôi không biết. Chân tôi bước đi không có một cân nhắc nào, vậy mà điều đó đã trở nên cái định mệnh cuối cùng, tuyệt đối: cha tôi và tôi suốt đời không gặp nhau.

          Cha tôi và tôi suốt đời không gặp nhau, điều đó chỉ đúng một nửa. Tôi có gặp ông, nhưng ngược lại thì không. Tôi nhìn thấy ông từ một khoảng cách, từ phía bên kia đường. Tôi không biết tại sao và như thế nào, tôi quay lại con đường đó, uống cà phê hay đi lên đi xuống lề đường phía bên kia căn nhà cha tôi ở, để chờ thấy cha tôi một lần. Chiếc xe màu đen của ông ngừng lại, người lái xe bấm chuông, và trong một phút họ chờ hai cánh cổng được mở ra trước khi lái xe vào sân,tôi nhìn cha tôi từ bên kia đường, xuyên qua làn kính của cửa sổ xe ông. Ánh sáng phản chiếu từ tấm kính ấy làm cho tôi thấy ông không rõ, nhưng có hề gì. Tôi thấy một người đàn ông và biết người đó là cha tôi, vậy thôi. Tôi cần thấy ông một lần, để có thể về viết trong nhật ký: Tôi đã nhìn thấy ông và không có chuyện gì xảy ra. Không có tình máu mủ màu nhiệm. Tôi không là đứa con gái nhỏ của ai cả. Sau những khoảnh khắc ngắn ngủi đứng trước cánh cổng của căn nhà đó, tôi đã chợt lớn hơn. Đủ lớn để biết rằng tôi mồ côi.
          Tôi yêu tiếng nước tôi

          Audio Truyện Kiều

          Comment

          • #6

            6. Đầu mùa mưa

            Tôi không thể trở về Hà Nội. Tôi ở lại Sài Gòn làm điều mà mẹ tôi lo sợ nhất: tôi bỏ họ, đi làm. Thật ra không phải vậy, việc học của tôi chỉ gián đoạn, nửa năm hay một năm. Chuyển trường được rồi, tôi sẽ đi làm buổi chiều và đi học buổi sáng. Vậy là cuối cùng, tôi đã không nói dối mẹ tôi. Tôi không có lỗi với mẹ, tôi chỉ đã làm một điều cần thiết: tôi đã lớn, và phải vào đời, dù đường đi của tôi có chông chênh lầm lạc thế nào, tôi cũng vẫn phải đi.

            Đám con gái ở chung dãy phòng trọ của tôi đến từ khắp nơi, nói đủ loại giọng tỉnh lẻ, làm đủ mọi nghề, và cũng có đứa học đại học hay một loại trường nào đó. Bọn con gái giúp nhau tìm việc làm. Tôi chỉ có thể đi làm công nhân hoặc bưng nước ở nhà hàng, và tôi chọn việc thứ nhì, vì đó là việc có thể làm buổi chiều và tối, buổi sáng tôi có thể đến trường. Tôi viết thư cho dì Lan, nói dối là tôi ở nhà cha. Không biết tại sao tôi lại viết như vậy. Tôi viết: Cha mừng vì gặp được con gái. Phòng cháu ở trên gác, có những cửa sổ bằng kính phủ hai lớp màn, một bằng voan trắng mỏng, một bằng vải dày và mềm, tựa như nhung. Tôi tả căn phòng trên lầu căn nhà cha tôi ở mà tôi đã đứng từ phía bên kia đường nhìn lên, ngoài các khung cửa sổ bằng kính và những bức màn êm đềm, tôi không biết gì thêm để viết về nơi đó. Tôi chưa dám viết thưc ho mẹ. Tôi nghĩ khi nào nhận được lương, tôi sẽ gửi mẹ tiền, lúc đó tôi sẽ viết thư. Nhưng tháng đầu nhận tiền rồi tôi không còn đủ trả các khôặnn tôi đã vay để trả tiền thế chân thuê phòng và mua quần áo. Tháng thứ hai cũng vậy. Tháng thứ ba tôi có chút tiền để gửi, nhưng tôi gửi tiền đi không kèm thư, và tôi linh cảm có lẽ đến chết tôi không biết viết lá thư đó như thế nào. Tôi không thể viết bất cứ cái gì về cuộc đời tôi bây giờ mà không làm cho mẹ buồn. Ở giữa mẹ và tôi là tình yêu và niềm thương nhớ rũ rượi, là ơn sâu và sự bội bạc cần thiết, là trăm nghìn đổ vỡ cả mẹ và tôi chưa kịp hiểu hết đã vội vùi những mảnh vỡ đó vào niềm im lặng.

            Đầu mùa mưa tôi bị ốm. Sau những cơn mưa đầu mùa trời nóng và ẩm lạ thường, tôi sốt nằm trong phòng, bỏ việc đã hai ngày. Buổi chiều đi làm về, cô bạn làm chung đem về cho tôi mấy viên thuốc kháng sinh và dăm ba loại thuốc khác, cùng một lá thư của dì Lan. Thư dày quá. Tôi đặt nó vào ngăn của chiếc bàn nhỏ ở đầu giừơng, tôi sẽ đọc nó khi đầu bớt nóng. Tôi uống hết các loại thuốc, không biết là những thứ gì. Tôi mệt rã rượi nhưng giấc ngủ không đến hoặc chỉ đến chập chờn. Chợt nhiên tiếng ồn thường ngày của dãy nhà trọ làm đầu tôi muốn vỡ... Tiếng guốc dép, tiếng nói cười gọi nhau, tiếng máy hát... mọi tiếng động đều lồng lộng vang lên trong cái sọ trống và buốt của tôi. Cơn sốt dâng lên, và tôi chìm vào một chuỗi những cơn ác mộgn lạ lùng, tôi nằm mơ những điều ma quái trong lúc tôi không ngủ. Ánh sáng, màu sắc, tiếng động của thế giới thật và của những cơn mộng mị lẫn vào nhau, dồn dập trùng vây, núi cao hay dưới vực thẳm, người ta lũ lượt bao lấy tôi như một đàn kiến dữ, nhưng ngước mặt nhìn tôi thì tôi không thấy một người nào.

            Sau đó là một đêm tối đen và một sự im lặng giống như sự im lặng trong lòng vực thẳm. Tôi đang ở một nơi không có ánh sáng hay tiếng động, và cũng không có thời gian. Ý thức mơ hồ chực tan vỡ, không khí cũng mỏng manh.

            Tôi nghe tiếng gọi nhỏ:

            "Mai ơi."

            Tôi biết là trong lòng vực không có ai, chỉ có tôi vừa gọi chính tôi mà thôi.

            "Mai ơi."

            Dù chỉ là tôi gọi chính mình, dù không có thực, tiếng gọi đó êm ái. Từ ngày xa mẹ, tôi không biết một điều gì êm ái.

            "Mai ơi, tối quá. Em thắp đèn nhé."

            Không phải tiếng của tôi. Một người khác đang nói chuyện với tôi. Nhưng nơi này không có ai, và tôi đang ở đâu đây?

            Tôi ngồi dậy, cố nhìn trong bóng tối. Dù ánh sáng rất mỏng, tưởng như không có ánh sáng, tôi cũng biết là chung quanh đây không có người. Tôi đang còn ở trong một giấc mơ.

            Một ngọn đèn dầu nhỏ vừa được thắp lên. Ánh sáng lung lay một giây rồi yên lại. Cây đèn dầu nhỏ quen thuộc, nhưng nó không thể ở đây. Phòng tôi không có cây đèn dầu nào. Cây đèn giống như cây đèn ở nhà tôi. Nó cũ lắm rồi, ngày xưa mẹ tôi hay thắp, nhưng khi thành phố hết bị mất điện, thì mẹ tôi cất nó vào một góc nào đó. Khi bà tôi mất, mẹ lấy cây đèn ấy ra đặt lên trên nóc tủ hương, phía trước là bức ảnh của bà.

            Cảm giác của tôi thật lạ lùng. Tôi sợ tất cả những thứ lạ thường ở chung quanh, những thứ không thật, những hình ảnh, tiếng nói của ảo giác, vang lên từ trong tâm tưởng hoảng loạn cô đơn của tôi. Nhưng tôi cũng thấy có một thứ tình thân thuộc loang ra từ ánh sáng của chiếc đèn dầu nhỏ. Tôi muốn chiếc đèn dầu ấy có thật, tiếng ai vừa nói đó có thật. Tôi chênh vênh ở giữa nỗi sợ và sự cuốn hút êm đềm của đốm sáng nhỏ lung linh trong phòng toả ra từ một chiếc đèn dầu đã có từ những năm ấu thơ. Tôi vừa muốn la hét để tỉnh khỏi cơn mộng mị, vừa muốn buông xuôi, nằm đó trong vùng sáng của ngọn lửa đó, nghe tiếng nói của ai đó mặc dù những ấm êm ấy không có thật.

            Một đứa con gái đang ngồi trên chiếc ghế duy nhất trong căn phòng. Tóc nó hơi dài hơn tóc tôi, và đôi mắt cũng vậy. Đôi mắt dài, đậm và có ánh sáng. Đôi mắt ấy rất quen thuộc, nhưng cũng hư ảo lạ kỳ. Đứa con gái mặc một cái áo đen rất dài làm cho da nó trắng biếc. Chiếc áo có tay dài. Khi nó đưa tay vuốt tóc, tôi thấy ở cổ tay áo có thêu một cành mai nhưng chỉ rất mỏng, như ẩn như hiện.

            "Cậu là ai?" - Tôi hỏi.

            "Em của Mai."

            "Tôi không có em."

            "Em ở bên Mai từ nhỏ. Hai mươi hai năm rồi. Em giống Mai quá, nên em lẫn vào Mai, Mai không nhận ra."

            "Còn hôm nay?"

            "Hôm nay chúng ta đã lớn. Chợt dưng chúng ta không nhìn cuộc đời bằng cùng một cặp mắt. Chúng ta trở thành hai con người riêng biệt."

            "Tại sao cậu lại đến với tôi, tại sao hôm nay?"

            "Vì Mai đã biết buồn. Như thế Mai hiểu em hơn. Với lại..."

            "Với lại sao?"

            "Mai có nhớ câu Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh trong cuốn sổ bìa màu vàng không?"

            "Có." - Tôi không biết tại sao cô gái lại gọi cuốn truyện là cuốn sổ, và tại sao lại có bìa màu vàng.

            "Nếu mà trong sổ có tên Mai, nếu Mai có lúc thấy buồn, em muốn Mai biết là em luôn ở bên Mai. Dù chị em mình khác nhau, nhưng vẫn nên ở bên nhau".

            Tôi thấy đôi môi cô gái màu tím, trông như vẽ.

            Hôm khỏi bệnh, khi mở ngăn tủ nhỏ ở đầu giường để lấy tiền đi ra chợ, tôi nhìn thấy bức thư của dì Ngọc Lan gửi từ Huế.
            Tôi yêu tiếng nước tôi

            Audio Truyện Kiều

            Comment

            • #7

              7. Mưa gió ngập trời

              Dì Lan cần nhờ con làm một việc. Dì biết là con đã đến nhà cha, cha đã nhận và lo lắng cho con chu đáo, dì mới dám nhờ đến việc này. Dì phải víêt cho con một bức thư dài. Câu chuyện bắt đầu từ trước khi con sinh ra.

              Nhiều đêm dì thức giấc trong gian phòng ở phía trái sát với gian chính, không thấy chị Liên nằm bên cạnh. Một lúc sau chị sẽ về, len lén trèo lên giường nằm không tiếng động, dì chỉ nghe tiếng chị thở nhanh. Tiếng thở của chị dần trở nên đều và nhẹ. Chị Liên cựa mình êm ái và buồn ngủ như một con mèo vừa đi chơi đêm về, vừa nhảy xuống từ những tán cây ẩm ướt và tối đen như mực bên ngoài. Lúc đó sẽ quá nửa đêm một chút, có thể đã hai giờ sáng. Nằm cạnh chị dì nghe lẫn trong mùi cỏ, mùi lá sen, mùi sương, có những mùi ngai ngái lạ dì không biết. Nếu dì hỏi chị đi đâu về, chị sẽ vội một tay bụm miệng dì một tay che mắt dì bảo ngủ lại đi đừng hỏi.

              Một hôm nào đó chị thôi không lẻn đi ra ngoài ban đêm nữa. Nếu dì thức giấc nửa đêm, sẽ thấy chị nằm im mở mắt. Dường như chị không bao giờ buồn ngủ nữa, lúc nào cũng thức. Dì biết chị sẽ không bụm miệng dì nếu dì có hỏi , nhưng dì không biết hỏi gì bây giờ. Dì thấy chị Liên đang ở một nơi nào rất xa.

              Đã bao giờ con nghe tiếng vỡ của một chiếc bình sứ quý chưa?

              Nhà cha mẹ dì ngày xưa có một chiếc độc bình Khang Hy, để lại từ thời các cụ tổ làm quan trong triều Nguyễn. Chiếc bình được đặt trên một cái đôn cao bằng gỗ cẩm lai chạm hoa sen, phía trước bàn thờ. Đêm đó gì thức giấc, quay sang bên cạnh không thấy chị Liên. Đêm không có trăng, tối lắm. Chỉ có ngọn đèn dầu nhỏ thường lúc nào cũng cháy trên bàn thở hắt chút ánh ssng mỏng manh qua những khe hở của bức tường gỗ giữa gian chính và gian phụ.

              Chợt dì nghe tiếng người từ gian bên phải, tiếng la của cha, tiếng khóc, tiếng thét của mẹ, của chị. Dì nghe tiếng chân người chạy băng qua gian chính qua phía này, tiếng bàn ghế bị xô đụng và cuối cùng tiếng bình sứ lớn rơi xuống vỡ tan trên nền gạch. Sau đó là một sự yên lặng ghê gớm. Dù có tiếng người thở, tiếng khóc, tiếng nấc, vẫn là sự yên lặng, vì không có âm thanh nào còn ý nghĩa sau tiếng vỡ của chiếc bình ấy.

              Trước tiếng vỡ đó, trong căn nhà này có một gia đình, một lịch sử. Sau tiếng vỡ đó, không còn gì, không còn ai. Không còn ông, bà, cha hay mẹ, không còn tổ tiên, chị em, không còn tuổi thơ, trời mưa, bánh Tết, chuyện đời xưa, trăng rằm, lá sen... Tất cả đã vỡ cùng với chiếc bình, những mảnh vỡ hai mươi hai năm rồi chưa có ai cúi nhặt lên và sắp lại cạnh nhau. Chị Liên thất thân với một người từ miền Bắc. Chị Liên đã làm ô nhục gia phong. Đó không phải là vụ chửa hoang đầu tiên trong họ, hay trong làng. Nhưng nó là nhát dao làm chảy cạn bụm máu cuối cùng của một dòng họ quan xưa ở Huế. Đó là những người suốt nhiều năm vẫn chờ vua trở lại. Nếu không sống bằng giấc mộng đó, họ sống bằng niềm hãnh diện lặng lẽ và khắc nghiệt của những kẻ nghĩ mình cao quý nhưng thất thế. Danh dự của họ càng mơ hồ thì nó càng mạnh mẽ và cay đắng. Trong chừng một tháng sau ngày ấy, nửa đêm ông nội của chị Liên và của dì bị đau thắt ở tim. Cha gọi xe đưa ông đi cấp cứu nhưng không kịp nữa. Dì không biết ông chết thế nào, nhưng cả xóm thì biết. Họ nói ông hộc ra một bụm máu đen, đen như thứ mực ngày xưa ông mài ra để viết chữ Nho. Bà nội sống thêm được ba năm, ba năm không nói năng. Bà không nói vì buồn, vì giận. Sau đó, không biết từ lúc nào, bà không nói vì bà đã quên mất tiếng người. Không còn buồn giận, trí nhớ cũng không còn.

              Hai người con trai của cha, hai a của chị Liên và của dì, dì làm ăn phương xa đã hơn mười một năm. Đứa em gái lớn ở lại nhà giữ hương lửa bàn thờ tổ tiên đã để cho ông một người đànô làm nhục rồi ruồng bỏ, khiến ông nội uất mà chết. Vết thương đó chạy suốt chiều dài của xương sống, chạm đến tất cả các đầu dây thâầ kinh ngăn ngắt của một họ tộc đang đắm tàu giữa biển.

              Một ngày nào đó dù tôi sẽ tha thứ cho ông ngoại con hay không, khi nghĩ tới ông như một người tàn ác, cùng lúc đó cũng hãy nghĩ rằng ông là một người thất bại quá lâu. Dì không biết con tha thứ cho ông thì dễ sống hơn hay là không tha thứ thì dễ sống hơn. Mọi thứ đã quá muộn màng và buồn bã.

              Tháng tư cha mẹ sắp xếp để đưa chị Liên về nhà một người bà con xa của bà ngoại ở vùng trước đây là vùng kinh tế mới, nơi ai cũng là người tha hương, ít ai biết ai, càng không biết tới những thứ như dòng họ và danh giá. Dì xin tiền bà ngoại mua được mấy tấm vải thô gửi ở nhà một người chị bạn của chị Liên; chiều tan học dì tới đó, bạn chị Liên chỉ cho dì may tã và áo cánh cho em bé để chị Liên mang theo lên vùng xa. May tã cũng phải giấu cha.

              Hôm dì may xong, cuộn những cái tã và những chiếc áo nhỏ xíu vào giữa ba chiếc khăn lông, bó lại xong, dì về nhà thì chị Liên đã bỏ đi. Dì vừa chạy vừa hỏi kiếm khắp các bến xe, bảy giờ hai mươi tối ra đến được sân ga của chuyến xe Bắc Nam đi Hà Nội, dì chỉ còn kịp thấy chị Liên thấp thoáng giữa đám người chen nhau lên xuống xe. Chỉ đủ để sau này dì nhớ lại chị bới tọc gọn gàng nhưng gương mặt tái ngắt và đôi mắt ướt nước, không biết nước mắt tràn vì buồn tủi hay vì bụi và khói. Chị lên xe rồi hai mươi phút sau xe mới đi, nhưng trong hai mươi phút đó, dì chỉ biết khóc. Dì đi dọc theo các cửa sổ, kêu mãi không thấy chị Liên đâu nữa. Dì không dám bước lên xe, sợ nó có thể chạy bất cứ lúcnào không kịp chen xuống.

              Tháng sáu dì trốn cha ra Hà Nội nuôi chị Liên sinh nở. May mà chị sinh vào dịp nghỉ hè, nên dì mới đi được. Mẹ dì vừa muốn đi, vừa không dám trái ý cha. Vừa không muốn cho con gái mười lăm tuổi đi xa một mình, vừa không đành để bỏ chị Liên bơ vơ vượt cạn lần đầu nơi thành phố lạ. Những tờ tiền giấy bà dấm dúi cho dì, tờnào cũng âm ẩm vì mẹ gói trong chiếc khăn thấm nước mắt. Tiền đó để riêng mua vé tàu đi về rồi, cũng chẳng còn bao nhiêu.

              Chị Liên ra Hà Nội để tìm cha con. Chị tìm được, nhưng cha con không muốn gặpc hi nữa. Anh đưa tiền cho mấy căn hộ trong một căn biệt thự đã trở thành nhà tập thể ở phố Đội Cấn, để người ta cho phép chị kê một chiếc giường cuối hành lang trên lầu hai. Anh đưa chị ít tiền làm vốn bán rau. Đổi lại, chị Liên đã ký một tờ giấy nợ hay cam kết gì đó do cha con soạn dì không rõ. Sau ngày ký tờ giấy đó chị không bao giờ gặp anh ấy nữa, cũng không cho dì đi gặp. Nơi ở của cha con dì tìm được nhờ hỏi nhưng người trong căn hộ mà cha con đã đă tiền mua một góc hành lang. Sau này chị Liên xây thêm hai bức vách che cái góc ấy lại, nso mới trở thành căn hộ mẹ con con ở bây giờ.

              Giữa tháng sáu chị Liên sinh con.

              Phía dưới còn một phần ba trang giấy trắng, nhưng dì Lan không viết gì vào đó nữa. Tôi đọc qua tờ kế. Dì Lan viết tiếp, bằng một cây bút khác, với màu mực nhạt hơn.

              Một tuần rồi mà dì viết không xong một bức thư viết đã gần xong. Không dễ gì mà người ta kể một câu chuyện không kể đã hai mươi hai năm.

              Chị Liên sinh đôi. Con ra trước, mẹ đặt tên Mai. Em con cũng con gái, tên Chi. Hai đứa chỉ trên hai ký một chút, nhưng đều khoẻ mạnh.

              Chị Liên không đủ sữa, mấy đứa khóc mãi vì bú không no. Dì phụ mẹ đi chợ, nhưng hai chị em vẫn không cso tiền để mua thêm sữa bột. Đến hết tháng tám, dì phải về Huế tựu trường. Dì không biết làm sao đi cho đành. Để lại ba mẹ con không có ai phụ giúp, chắc sẽ chết hết cả ba. Ai cũng gầy guộc thiếu ăn, tay chân khẳng khiu, hai con mắt mở to nhưng thiếu ánh sáng. Dì nghĩ đã khổ còn sinh đôi làm chi làm sao nuôi nổi con.

              Một ngày chị Liên đi chợ chưa về, hai đứa đang ngủ. Dì hỏi nhà cha con. Dì quấn bé Chi trong mấy lần tã. Dì ôm bé đến trao cho anh ấy nuôi một đứa, không thì chết cả. Dì gọi cổng căn biệt thự ở phố Tuệ Tĩnh. May mà anh ấy ra mở cổng. Dì bước vào sân, trao cái bọc có bé Chi cho anh ấy, nói chị Liên sinh hai đứa, anh là cha, em mang cho anh nuôi một đứa. Rồi dì quay ra. Dì nhớ trời hôm ấy mưa gió ngập trời, tiếng gió át cả tiếng khóc của con bé con. Đó là điều duy nhất mà dì nhớ. Ngoài ra dì không nhớ gì cả, không nhớ gì đã nói gì, anh ấy đã nói gì, chắc tại mưa gió phũ phàng.

              Về đến nhà chị Liên hỏi bé Chi đâu. Dì nói dì mang bé đi giao cho cha nó nuôi bớt một đứa rồi. Chị Liên hỏi sao con tao mi ẵm đi mà không hỏi. Dì nói hôm qua hai chị em có bàn chuyện đó, chị đã đồng ý rồi. Chị nói mi nói láo. Chị chạy tới đánh dì. Dì ngồi thụp xuống đất ôm đầu. Rồi chị ấy bò ở sàn nhà khóc.

              Mấy ngày sau chị dịu lại, bắt dì kể thật rõ từ việc nhỏ nhất. Mi mặc cho bé cái áo nào, quấn tã có cài kim hay không, tóc bé chải rẽ ngôi bên trái hay bên phải. Cứ như vậy chị muốn biết từng bước dì đã bước đi đến căn nhà ở Tuệ Tĩnh. Đến đoạn dì bước vào sân nhà, cái sân có cây gì, dì nói gì, cha con nói gì thì dì không nhớ. Chị Liên hỏi sao không nhớ. Dì nói trời bỗng dưng vừa mưa vừa gió mịt mùng, át hết tiếng người. Chị gắt lên, từ đầu tháng đến giờ có ngày nào mưa đâu. Vậy là hai chị em cãi nhau, một người nói hôm ấy mưa to một người nói không có mưa. Chỉ có vậy mà hai người vừa cãi vừa khóc đến khuya.

              Nhưng sau hôm đó thì chị Liên không khóc, cũng không nói một câu nào nữa. Chị Liên cứ im như thế cho đến lúc dì đi và im suốt hai mươi hai năm sau đó. Ngày dì đi, chị ấy chỉ nói có một câu, rằng chị không còn muốn gặp dì. Tao với mi không nên chị em chi nữa. Dì lủi thủi về huế, cha cũng giận không nói năng. Chị Liên gửi cho dì một phong thư, cũng qua địa chỉ nhà chị bạn mà dì đã sang may tã nhờ cho các cháu. Dì mở phong thư ra, chỉ có mấy chữ: "Tao đi hỏi ở phố Tuệ Tĩnh người ta nói hôm đó có một người mẹ trẻ, quá trẻ, chỉ là một đứa con gái khoảng mười bốn, mười lăm tuổi, đem cái bọc gói con mình đi bỏ bên vệ đường. Người ta mở bọc ra, thấy xác của một bé gái sơ sinh chừng hai tháng tuổi".
              Tôi yêu tiếng nước tôi

              Audio Truyện Kiều

              Comment

              • #8

                8. Ngọn đèn dầu nhỏ

                Dì nghĩ là dì đủ sức gánh câu chuyện buồn này một mình, đủ sức yên lặng - như mẹ con - chờ cho năm tháng xoá nó đi. Nếu không có ai tha thứ cho tội tình của dì, thì thời gian sẽ làm chuyện đó.

                Nhưng Chi nó không quên dì. Thỉnh thoảng nó vẫn về, không bao giờ nói năng gì, chỉ một gương mặt, một chiếc bóng loáng thoáng, nương nhờ một chút gió, một chút hương để hiện về cho dì biết là nó vẫn quanh đây.

                Sau ngày nhận được mẩu tin mẹ gửi, dì thắp trong phòng một ngọn đèn dầu. Dì thắp đèn cho Chi. Dì giấu ông bà ngoại, nên dì chỉ thắp một ngọn đèn rất nhỏ, đặt nó ở một góc khuất. Khi đi lấy chồng, dì mang theo chiếc đèn dầu ấy. Nhưng ở nhà chồng, dì không còn một góc khuất nào để thắp nó. Cây đèn không có dầu, cuộn trong tờ giấy báo, nằm trong một cái túi xách cũ ở góc nhà chứa đồ cũ, vậy mà nó vẫn cháy. Ngọn lửa nhỏ cháy trong lòng dì.

                Sau dì có một cái bàn của riêng mình. Dì đặt ngọn đèn ở đó. Mồng một không trăng, dì đốt đèn cho Chi. Ngọn đèn sẽ còn cháy cho đến khi Chi đầu thai vào kiếp khác.

                Đóm lửa đìu hiu, vậy mà qua bao nhiêu năm nó không chịu tắt. Chỉ nó còn u ẩn, nó vương vất, không siêu thoát đi. Mỗi năm hai ba lần, nếu nó không hiện được bên ngoài cửa sổ, thì dì sẽ nằm mộng trông thấy nó. Thân Chi vẫn còn quấn trong một tấm vải trắng, như trong tấm tã mà ngày xưa dì đã quấn nó. Ma thì mãi mãi mang hình thù lúc chết, nhưng trong những giấc mộng của dì, Chi cứ dần dần lớn lên. Mới dầu dì thấy chuyện ấy lạ, nhưng bây giờ dì đã hiểu. Dì sẽ nói cho con nghe sau.

                Ngày mẹ của dì mất, dì khấn xin mẹ hãy đưa Chi đi. Ngày còn sống, cha không cho mẹ nhận cháu ngoại, nhưng mẹ chết rồi, ông không còn cấm đoán được nữa. Có những người chỉ khi chết mới trở về được với mình. Chỉ khi trái tim không còn đập, nó mới thuộc về cái lồng ngực của người mang nó. Khi họ còn sống, trái tim họ lặng lẽ, không được phép có tình yêu.

                Dì tin là Chi đã gặp bà ngoại nó. Nó đã có chút tình thân. Dì tin là mẹ dì nhận cháu, yêu cháu, đưa cháu rời cõi u minh oan khuất của những hồn ma. Dì vào chùa cầu siêu cho hai bà cháu, rồi dì nấu nhờ một mâm cơm chay, đốt vàng hương tiễn mẹ mình và cháu mình đi thoát kiếp. Dì xem quẻ, thầy nói hồn đã về đến nhà ở đầu dòng sông. Dì tin rằng họ đi được rồi, mới mua vé tàu đi Hà Nội thăm chị Liên và con. Dì không có can đảm bước vào căn hộ của chị Liên khi Chi chưa đi khỏi trần gian.

                Bước vào căn nhà của chị Liên,dì mới biết Chi vẫn còn quanh đây.... Hay có khi dì biết trước đó nữa, lúc vừa mới bước xuống xe lửa, nhìn thấy con. Dì có một linh tính rất kỳ lạ. Trong những giấc mộng của dì, Chi không mãm\i mãi là một đứa bé sơ sinh. Nó đã lớn dần lên, mỗi năm dì chỉ thấy nó hai hay ba lần, nhưng cũng đủ để dì biết nó. Không phải dì biết hình hài, gương mặt và dáng đi, mà cái vía của dì nhận ra nó mỗi lần nó về. Lúc bước xuống tàu, dì thấy con và tự nhiên dì biết nó cũng đứng ở sân ga cùng với con. Nó không có một thân thể riêng, nó lẫn vào trong con. Nó lơ thơ giữa những sợi tóc buông xuống, thấp thoáng bên đôi bàn chân bước đi, nó để vương một làn hơi lành lạnh ở phía đuôi hàng chân mày trên gương mặt con...

                Ở nhà, nó nằm trên tấm ván con kê ở cửa sổ, nửa khuya nó ngồi dậy đi xuống sân. Nó đi như thế nào dì không biết. Dì mới thấy nó nằm gần cửa, dì đến đứng ở cửa, thì thấy nó đi ở sân. Dì ngồi xuống nhìn con ngủ, để biết rằng cái đứa đi dưới sân không phải là con.

                Hai mươi hai năm đủ dài để mọi u uất tan đi chứ phải không Mai? Nếu không tha thứ, thì cũng phải quên. Dù mang thứ máu kỳ lạ dòng họ chúng ta, cũng phải quên, quên cái tên của mình và câu chuyện của mình. Quên để mà đi bình thường và lặng lờ như bao nhiêu người ở ngoài kia, những người cũng có những giọt nước mắt không ứa ra được, những câu chuyện buồn của riêng mình.

                Vậy mà sao Chi vẫn còn chập chờn ở mọi ngóc ngách, vẫn còn ngồi trên tấm ván, đi ở dưới sân? Ở Hà Nội, thân nó không quấn trong tấm vải liệm như trong những giấc mộng của dì. Nó mặc quần áo như con, tóc hơi dài hơn tóc của con một chút, dì có cảm tưởng như vậy. Nó không đi cùng bà ngoại nó, nó quanh quẩn nơi đây, chờ đợi thứ gì?

                Dì tin rằng Chi không đi được vì dì không biết vì sao nó chết, chết như thế nào, giờ nào, ở đâu, để kể cho mẹ nó biết. Nó không đi được vì nó chết không có mồ và không nhang khói. Bao năm nay dì chờ ngày nó quên cái tên của nó và tự đi về nơi chốn quê hương xa nhất của tất cả những linh hồn. Nhưng cái ngày đó đã không tới, không bao giờ tới. Dì không muốn con biết một câu chuyện buồn, nhưng vẫn phải viết cái thư này, kể cho con câu chuyện của chi, để nhờ con đi tìm đoạn cuối câu chuyện đó như thế nào. Tìm lại mấy tiếng đồng hồ sau cái ngày mưa gió tơi bời dì trao Chi trong cái bọc cho cha con rồi bước vội khỏi căn nhà ở Tụê Tĩnh . Vì sao Chi chết, lúc mấy giờ, và nhất là người ta chôn tấm thân nhỏ xíu của nó ở đâu. Con hãy lựa nơi, lựa lúc mà hỏi cha con. Dì biết việc này khó, vì cha con chắc không muốn nhớ lại. Nhưng con vẫn phải hỏi. Nếu không biết giờ nó chết, sao mà nó chết, thì thầy không viết sớ cúng giải oan, cầu siêu cho nó được.


                Ngày tôi thơ ấu, Chi không ở với tôi. Hoặc là có, nhưng nhịp của tim nó và tim tôi đồng nhau nên tôi không nhận ra chúng tôi là hai người. Chúng tôi chưa biết mình, chưa biết cô đơn, chưa nghe tiếng rạn nứt chạy suốt sống lưng của một thứ gì đó sắp bị tách làm đôi. Tôi chưa biết tôi, và Chi cũng vậy. Trong ký ức tuổi thơ của tôi có mẹ và những người khác, có gian phòng, có những hạt mưa hắt qua cửa sổ, có những con đường, những đám cỏ, nhưng không có tôi hay Chi. Ngày đó không có con bé nào đứng bên trong mình nhìn ra bên ngoài, và hiểu rằng thế giới chỉ là hình ảnh, cảm giác và ý niệm của nó về thế giới. Khi tôi khóc, thì tôi là câu chuyện buồn; khi tôi ốm, thì tôi là cơn sốt; khi tôi mát, thì tôi là làn gió. Và Chi cũng vậy.

                Rồi một hôm tôi có kinh. Lần đầu tiên nhìn vệt máu loang xuống đùi, tôi quyết định không nói điều đó cho ai và trong cùng khoảnh khắc đó tôi biết có một bên ngoài và một bên trong. Bên ngoài là gian phòng, là đám cỏ, là tất cả loài người, là những câu chuyện, những cơn sốt, những làn gió. Bên trong chỉ có một mình tôi.

                Nỗi cô đơn làm cho tôi nhận ra mình rõ hơn. Nhưng loáng thoáng đâu đó trong mộng mị và trong ý thức, tôi cũng đã nhìn thấy bóng dáng, và hơi hám, của một đứa con gái khác sống cùng tôi. Nó khác tôi. Nó có tâm tưởng riêng, tuy rằng nó được bao bọc trong cùng làn da của tôi, của Mai. Tôi chưa biết câu chuyện của Chi, nên tôi không biết tôi chia sẻ thân thể mình với hồn ma của đứa em gái. Nhưng nó đã có trong tôi, tôi biết, và không biết tự thuở nào.
                Tôi yêu tiếng nước tôi

                Audio Truyện Kiều

                Comment

                • #9

                  9. Đâu nắm xương em tôi

                  Tôi đến nhà cha tôi vào sáng thứ tư. Tôi mặc chiếc áo, mang đôi giày đắt tiền nhấtmà tôi có. Tôi thuê xe taxi đi đến căn nhà đó. Tôi bấm chuông. Người đến mở cái ô nhỏ trên cánh cửa sắt nhìn ra là một phụ nữ. Anh hôm nọ tôi đoán là tài xế đã đưa cha tôi đi làm.

                  "Quỳnh có nhà không hở cô?"

                  "Cô Quỳnh đi nước ngoài du học rồi, đi đã được nửa năm".

                  "Ô, bạn bè tệ thật, đi mà không báo cho cả lớp biết".

                  "Ừ. Cô ấy đi cũng hơi bất ngờ. Đáng lý ra là đến cuối năm mới đi, nhưng mà có thay đổi sao đó".

                  "Thế cha mẹ Quỳnh có nhà không ạ? Cháu có mang trả mấy món cháu mượn của Quỳnh".

                  "Mẹ của Quỳnh có nhà. Cô chờ tôi vào thưa nhé".

                  Vài phút sau chị giúp việc ra mở cổng. Cánh cổng nặng được kéo vào trong, vừa hở một khe đủ cho một người bước vào.

                  Bên trong là một cái sân rộng, có khoảng trồng cỏ, có khoảng lát đá hay gạch màu xanh xám. Sau hai cánh cổng, bên phải sân, là nhà để xe con. Cách một khoảng sân rộng, căn nhà chính nằm bên trái, đó là một biệt thự một lầu xây trên một nền cao, có những bậc tam cấp dẫn lên. Ở gần mảng tường góc bên kia có một cây phượng vĩ lớn, mùa này lá chỉ còn lưa thưa.

                  Chị giúp việc đưa tôi đến ngồi trong phòng khách. Mẹ của Quỳnh mặc một chiếc áo vải mềm in hoa màu da trời bước xuống với một nụ cười nằm mãi suốt một ngày trên hai bờ môi vẽ son sắc sảo. Tôi nói:

                  "Cháu định đến thăm Quỳnh và mang trả mấy quyển sách cháu mượn lúc học thi. Nhưng cô giúp việc mới nói cho cháu biết Quỳnh đi Thuỵ Sĩ rồi. Cháu xin gửi sách lại cho cô".

                  "Ồ, Quỳnh nó đâu có cần mấy cuốn sách này nữa".

                  "Nhưng cháu mượn thì vẫn phải trả. Nhờ cô cất hộ".

                  "Ừ, thôi để cô mang lên cất vào kệ sách của Quỳnh trên lầu. Từ ngày cái Quỳnh đi, cô vẫn để phòng nó y nguyên như lúc nó ở nhà... Cho đỡ nhớ. Nhiều khi cô đi thơ thẩn vào phòng Quỳnh, cứ tưởng như nó chỉ mới đi ra ngoài một chút, đến giờ ăn cơm lại gặp...".

                  Bà ấy hạ mi xuống rồi mở ra như vừa kịp chặn lệ tràn mi. Đôi mắt bà vừa long lanh, vừa duyên dáng và đầy hãnh diện.

                  "Cháu mang sách lên phòng Quỳnh giúp cô nhé!".

                  "Vâng."

                  Tôi cầm túi đựng sách đi theo bà ấy lên lầu. Phòng của Quỳnh đẹp như phòng những cô gái nhà giàu Âu - Mỹ ngày xưa mà tôi biết trong phim, êm đềm và thanh lịch. Có lẽ chủ nhân của nó đài các nhưng hiền lành, và ít chú ý tới thời thượng. Chúng tôi đi một vòng quanh phòng. Một cánh cửa tủ áo của Quỳnh mở hé, có mùi hương nhẹ từ đó bay ra lúc tôi đi ngang qua. Hai cửa sổ màn phủ từ trần đến chạm đất, kéo sang một bên. Tôi nhìn ra ngoài, các cành cây phượng vĩ lưa thưa những chiếc lá nhỏ lung linh trong ánh sáng rực rỡ lúc gần trưa.

                  Tôi đặt những cuốn sách lên kệ, chen vào những cuốn sách khác.

                  "Cháu xin lỗi đã đến làm phiền cô. Cháu không biết là Quỳnh đi nước ngoài rồi. Cháu gọi điện mãi, nhưng không được, cứ nghĩ là điện thoại của Quỳnh hỏng".

                  "Ồ không có gì phiền đâu. Ngược lại nữa kìa, cô rất vui khi gặp bạn của Quỳnh, cháu làm cô đỡ nhớ nó. Thỉnh thoảng cháu cứ đến chơi với cô, nói chuyện trường học, thầy cô giáo... Ồ, cô quên mời nước, cháu uống gì?"

                  Chúng tôi ngồi xuống hai chiếc ghế nệm nhỏ. Tôi nhìn bâng quơ trong phòng. Trên bàn học kê sát tường, cạnh cửa sổ, có một bức ảnh của Quỳnh trong một cái khung bọc da. Tôi có tất cả lý do để ghét đứa con gái đó. Nó bằng tuổi tôi, có lẽ sinh sau tôi vài tháng. Nó là lý do khiến cha bỏ mẹ tôi, hoặc ít ra, nó cũng là kết quả của sự chọn lựa của cha tôi, sự chọn lựa đã tàn phá chúng tôi. Và giờ đây, tôi bơ vơ còn nó có tất cả những thứ mà một đứa con gái mơ ước. Tôi bước tới bàn học để nhìn ngắm Quỳnh kỹ hơn. Để làm gì vậy? Tôi không biết. Tôi thấy hơi nhói ở tim. Quỳnh đẹp. Tóc nó không nhuộm và được cắt tỉa như con gái thời nay, nó để tóc thẳng, giản dị. Gương mặt Quỳnh không rực rỡ, nhưng có chiếc mũi đẹp. Chân mày nhạt trên đôi mắt hơi quá to làm cho Quỳnh có vẻ ngơ ngác, hơi mong manh đôi chút. Quỳnh sẽ không nổi bật trong đám đông, nhưng trông Quỳnh dịu dàn và một chút gì như thiên thần.

                  Tôi chợt thấy phía sau bức ảnh một quyển sách bìa màu vàng. Quyển sách có bìa úp xuống, nó nằm sát cạnh bàn bên trái, bức màn buông xuống chạm lấy gáy sách và che khuất một góc của cuốn sách. Tôi nghĩ là mình biết quyển sách đó, nhưng ở đâu? Không, tôi chưa từng thấy nó bao giờ, nhưng có người đã nhắc đến nó trong một câu chuyện mơ màng và lạ lùng. Tôi chưa nhớ là câu chuyện gì.

                  Tôi cầm quyển sách lên. Quyển sách đã cũ, bìa màu vàng đã phai đi nhiều. Tôi xoay bìa trước lên và đọc tựa: Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du - Bản song ngữ Việt - Pháp. Tôi chợt nhớ ra, trong giấc mơ, cô gái mặc áo màu đen đã nhắc tới cuốn sách này. Cô đã nói: "Mai có nhớ câu Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh trong cuốn sổ bìa màu vàng không?".

                  Tại sao quyển sách đó lại nằm ở đây?

                  Tôi nói với mẹ của Quỳnh:

                  "Thưa cô, không có Quỳnh ở đây cháu hỏi chuyện này cũng ngại, nhưng cô cho cháu xin lại quyển sách này được không? Nó là của cháu, cháu cho Quỳnh mượn."

                  "Vậy à? Thế mà tôi cứ tưởng cuốn sách đó của bố Quỳnh".

                  "Thưa đúng là của cháu mà. Trước khi đi Quỳnh quên trả, cũng như cháu đã mượn sách của Quỳnh rồi quên hàng mấy tháng không mang sang".

                  "Ồ, nếu của cháu thì cháu cứ cầm về đi. Thì ra Quỳnh mượn của cháu mang về nhà rồi để đâu đó, chồng tôi cầm lấy xem, thế là tôi tưởng cuốn sách của ông ấy".

                  "Cháu cám ơn bác. Cháu đang cần cuốn sách để học thêm tiếng Pháp".

                  Tôi cầm cuốn sách bỏ vào túi xách của tôi rồi ngồi xuống chiếc ghế cạnh mẹ Quỳnh. Người giúp việc đã mang nước lên và rời căn phòng. Không gian thật êm đềm. Tôi không muốn phá vỡ sự êm đềm nơi đây. Nhưng tôi không được quên lý do tôi đến đây. Tôi đến đây để tìm câu trả lời cho câu hỏi của dì Lan.

                  "Thưa cô, Quỳnh sinh năm nào hở cô?"

                  "Cái Quỳnh sinh năm 1985. Cháu học chung lớp với Quỳnh mà, cháu không biết sao?"

                  "Dạ cháu biết chứ, bọn cháu đứa nào cũng sinh cùng năm tám lăm cả. Cháu chỉ hỏi cho có chuyện vậy thôi".

                  Tôi im lặng một lúc.

                  "Quỳnh sinh ở Hà Nội hay ở Sài Gòn?"

                  "Ở Hà Nội. Nó vừa được hơn hai tháng thì chúng tôi chuyển nhà. Tôi đưa Quỳnh vào trong đây, còn bố Quỳnh thì đi Liên Xô học phó tiến sĩ".

                  "Vậy là bác vào Nam hai mươi hai năm rồi".

                  "Ừ, thời gian qua thật nhanh. Bọn cháu còn trẻ chắc không thấy thế".

                  Hai mươi hai năm. Có một thứ gì đó giống như một niềm hy vọng mơ hồ, nó đến cùng với nỗi lo sợ cũng mơ hồ.

                  "Cháu muốn hỏi cô một chuyện này xảy ra lâu rồi. Cô cho phép cháu mới dám hỏi".

                  "Chuyện gì?"

                  "Cách đây cũng hai mươi hai năm ở Hà Nội, có một cô gái trẻ mang tới nhà giao cho bác trai một đứa bé gái mới hai tháng tuổi. Bác có nhớ đứa bé ấy không?"

                  Mẹ của Quỳnh lặng đi một lúc.

                  "Tại sao cô hỏi những chuyện lạ lùng như vậy? Nhà này không bao giờ xảy ra những chuyện kỳ quái như vậy".

                  Gương mặt người đàn bà đanh lại, ngả sang màu chì, và trong sự giận dữ thảng thốt có nhiều lo âu. Bà ấy nhìn tôi như muốn hỏi tôi là ai, nhưng bà không hỏi. Sự thảng thốt tan nhanh sau một khoảnh khắc ngắn ngủi. Bà trở lại thân thiện.

                  "Cháu đùa gì kỳ lạ không thể tưởng tượng được, ai không hiểu sẽ giận cháu lắm đấy. Cái Quỳnh là con của cô mang nặng đẻ đau, cô sinh Quỳnh ở Tràng Thi, chứ có phải cô đặt hàng người ta mang lại giao tận nhà đâu. Đừng đùa đau tim như vậy chứ."

                  "Cháu không đùa đâu, đó là chuyện có thật. Việc ấy báo có đăng".

                  "Báo nào, đăng chuyện gì?"

                  "Báo nào cháu quên rồi. Một ngày, cháu không nhớ chính xác ngày nào, chỉ nhớ là cuối tháng Tám năm 1985 có một cô gái mang một đứa trẻ sơ sinh đến bỏ trước một căn nhà ở phố Tuệ Tĩnh. Đó chính là căn nhà của cô và chú."

                  "Sao cô biết căn nhà đó? Họ còn đăng những gì nữa?"

                  "Không lẽ cô không nhớ sao?"

                  "Tôi không đâu thì giờ xem những báo nhảm nhí ấy. Mà có xem thì cũng không nhớ. Mỗi ngày bọn họ đăng bao nhiêu là chuyện. Cô ở đâu mà có cái bài báo cũ rích đó".

                  "Chắc chắn là cô phải xem ch ứ, và nhớ câu chuyện đó, vì nó xảy ra ngay trước nhà cô. Báo đăng rằng khi một người trong nhà mở bọc ra thì đứa trẻ đã chết từ lúc nào. Khi công an hỏi chuyện người lái xe đã nhặt cái bọc ấy, ông ta nhớ lại có trông thấy người mẹ vô lương tâm đã mang cái bọc có đứa bé đi bỏ. Cô ấy trẻ lắm, chỉ là một con bé con chừng mười bốn, mười lăm tuổi".

                  "Tôi không hiểu sao nhà nước lại cho phép mấy tờ báo in những cái tin câu khách không thật như vậy. Toàn tưởng tượng của bọn nhà báo biếng nhác và vô lương tâm".

                  "Cô nói đúng. Tờ báo ấy không nói sự thật. Một người mẹ dù trẻ dại đến mấy, khi con mình chết cũng biết đem chôn chứ sao lại đem đi bỏ ở lề đường? Sự thật là cô gái ấy trao cái bọc cho bác Lân chứ không bỏ ở lề đường, và trong bọc ấy có một đứa bé chứ không phải là một cái xác chết. Nó chỉ là một sinh vật nhỏ xíu, nhưng mà nó còn sống. Sau đó chuyện gì đã xảy ra? Tại sao nó chết? Ai giết nó? Và tại sao? Người ta chôn nó ở đâu?"

                  "Cô bị điên dại hay cô có ý định gì mà lại dựng nên một câu chuyện lạ lùng như vậy?"

                  Người đàn bà nhìn tôi chăm chăm, trên gương mặt đanh lại vì giận là đôi mắt của loài sói long lanh. Đôi môi vẽ son rất kỹ mím lại, kéo thành một đường dài cong xuống đầy đe doạ.

                  "Cô là ai? Ai sinh ai đẻ ra cô? Ai thuê mướn cô? Cô không phải là bạn của con tôi. Cô vào nhà tôi mưu tính chuyện gì?

                  Tôi không biết phải trả lời thế nào. Tôi chợt thấy mình kiệt sức. Ánh sáng trong phòng như quá trắng, tai tôi nghe tiếng gió rít qua khe núi, thứ âm thanh tôi chưa bao giờ nghe, và giá băng từ bên trong tràn lên, cơn lạnh từ sống lưng lan ra mỗi phân da thịt. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra. Tại sao tôi lại ngồi trong căn phòng này, trong ngôi nhà này, và hỏi những chuyện tôi không dám biết.

                  "Cô đi khỏi đây ngay. Không, cô ngồi đó, tôi kêu công an đến xem cô sẽ trả lời thế nào."

                  Người đàn bà đi đến nơi đầu giường của Quỳnh. Bà cầm điện thoại lên và bắt đầu bấm số, nhưng cơn giận làm cho bà run rẩy và không gọi được.

                  Tôi đứng dậy cầm túi xách của mình chạy vội xuống cầu thang. Lúc vừa tới tầng dưới tôi biết mẹ Quỳnh đang chạy theo tôi. Tôi băng qua phòng khách, xuống các bật thang trước nhà, băng qua khoảng sân trước đến cổng. Cổng đã cài. Tôi đưa tay mở then nhưng nhận ra có một ống khoá ở đó. Tôi đập vào hai cánh cửa. Cô giúp việc chạy ra. Mẹ Quỳnh chạy đến cách cánh cổng một quãng thì ngừng lại và cố giữ nhịp thở cho đều lại. Tôi thôi không còn đường thoát. Tôi đứng áp mặt vào cổng sắt cho khỏi ngã xuống.

                  Không như tôi nghĩ, mẹ Quỳnh ra dấu cho người giúp việc mở cổng cho tôi bước ra ngoài. Cánh cửa đóng lại sau lưng tôi như không có chuyện gì xảy ra. Con đường trước nhà buổi trưa nắng chói chang.
                  Tôi yêu tiếng nước tôi

                  Audio Truyện Kiều

                  Comment

                  • #10

                    10. Sổ đoạn trường

                    Về đến gian phòng nóng hâm hấp trong dãy nhà trọ, tôi mệt lả, để cả quần áo nằm ngủ thiếp đi trên chiếc giường nhỏ không có nệm. Đến đêm thức giấc, tôi thấy đói và lạnh. Tôi mặc vào chiếc áo dày nhất, rồi lại lên giường nằm, trùm lên người tất cả những tấm chăn và những chiếc khăn mà tôi tìm được. Cơn lạnh không rời bỏ tôi trong bốn ngày, chen vào đó là những cơn sốt đốt tôi từ bên trong, những ngọn lửa điêu linh đốt ý thức tôi thành tro, tôi không biết suy nghĩ hay đau buồn. Lúc nóng tôi nằm chờ băng tuyết và lúc rét tôi chờ đám cháy đến. Tôi không biết thứ nào sẽ giết tôi trước.

                    Buổi tối, giữa những cơn sốt, tôi nằm mơ thấy Chi. Thân người của tôi, gương mặt của tôi, nhưng mái tóc và chiếc áo là của nó, mong manh và dài lướt thướt. Nó đi ở trên cao, bên trên những bức tường cao rào quanh những toà nhà lớn. Trên những bức tường đó có cắm những thanh sắt nhọn để ngăn kẻ trộm, nhưng chẳng hề làm vướng áo nó. Nó nhìn xuống tôi, bằng đôi môi tím ngắt, và trong cơn sốt tôi chợt nghe những ngọn gió lạ lành lạnh trong một bầu trời gần tắt nắng, vừa se sắt vừa êm ái. Tôi đi theo nó qua bao nhiêu con đường của thành phố, lúc nào cũng nhìn thấy nó từ một khoảng cách, chứ không ở gần. Thỉnh thoảng Chi biến mất, tôi nhìn quanh tìm không thấy, chợt nó lại đang bước những bước nhẹ hẫng ở một nơi khác, rồi lại mất, rồi lại hiện. Vào đoạn cuối, tôi đi một mình suốt một quãng đường dài, khi con đường đó hết, tôi thấy Chi ngồi ở nơi mặt đất như dừng lại. Cả bầu trời sắp tối buồn ngăn ngắt. Tôi đến đứng bờ vực nhìn xuống bên dưới, rất xa, nhìn như có một con suối. Tôi không thấy dòng suối chỉ thấy bóng tối và tiếng nước chảy. Chi gọi tôi đến gần. Nó đưa tôi đến nằm xuống một phiến đá hình chữ nhật nửa giống một chiếc quan tài nửa giống một bờ tường thấp. Hai tay tôi dang ra, Chi cúi xuống tôi thật gần, bàn tay của Chi chạm vào tôi, ở giữa vai và ngực. Bàn tay ấy từ đó vuốt dọc theo cánh tay tôi, cho đến khi những ngón tay của bàn tay nó nằm bên trên những ngón tay của tôi, hai cánh tay của chúng tôi nằm song song với nhau. Cánh tay nó màu tím và cánh tay tôi màu trắng. Rồi dường như hai cánh tay nhập lại làm một. Tôi nhìn lên, không thấy Chi đâu nữa, tôi còn có một mình. Tôi nhìn xuống thân mình, thấy tôi đang mặc chiếc áo của Chi, dài và mỏng. Tóc tôi cũng là tóc của Chi, mái tóc dài đến tận bìa của phiến đá tôi đang nằm và chảy xuống đất từ nó.

                    Tôi không hiểu giấc mơ. Nhưng có lẽ nó không mang ý nghĩa nào, chỉ là những hình ảnh của những giấc mộng chập chùng tôi thấy hàng đêm, tôi là một đứa con gái thường chiêm bao. Nhưng giấc mơ đó không rời tôi nữa. Không phải ý nghĩa, mà là cảm giác của giấc mơ ấy theo tôi, tôi nhớ lại những ngọn gió vừa thân yêu vừa se sắt, nhớ những ngón tay Chi vuốt trên cánh tay tôi khi chúng nhỏ bé nằm dưới một bầu trời rộng sắp tối tím âm u. Cảm giác đó giống như một lời hứa của em tôi, rằng nó ở quanh đâu đây. Rồi tôi quên giấc mơ đó, những hình ảnh tan đi, chỉ còn lại cảm giác. Nó hiu hắt buồn, nhưng nó cũng có một chút gì thân ái rất giống như tình yêu.

                    Một hôm khác, trong một giấc ngủ cạn chập chờn, tôi lại thấy Chi. Tôi thấy Chi nắm tay tôi dắt đến trước hai cánh cổng bằng gỗ lớn để vào một nơi có tên là Vườn Hoa, nhưng khi vào trong thì không thấy một bụi hoa nào, chỉ có những căn nhà Nhật bằng gỗ màu sậm cất không ngay hàng gì cả, và những lối đi hẹp và Chi nắm tay tôi, tay kia nó cầm một quyển sách. Tôi nhìn bìa, thấy những tựa sách viết bằng nét cọ ngoằn ngoèo mờ ẩn trên bìa sách màu vàng. Tôi hỏi Chi cuốn gì đó, nó nói quyển thơ của Đạm Tiên đây mà.

                    Thức dậy, tôi lờ mờ nhớ lại hình ảnh của giấc mơ, và quyển thơ của Đạm Tiên trong mơ làm cho tôi nhớ tới cuốn sách tôi đã lấy ở nhà cha tôi, trên bàn học của Quỳnh. Nó vẫn còn nằm trong túi của tôi.

                    Tôi mở cuốn Truyện Kiều ra. Quyển sách đầy chú thích. Tôi đọc những chú thích, vì thơ tôi đã biết rồi. Những điển tích mang những cái tên mơ màng của những nhân vật và những vùng đất lạ bên Tàu, những câu chuyện không có chi tiết, những con người trong đó là sự phản trắc, là sự trung trinh, là niềm thương nhớ..., chứ không phải là những con người. Tôi lật qua giở lại các trang, tự hỏi tại sao Nguyễn Du lại đi vào giấc mộng của tôi và Chi. Tôi định gấp sách lại và mang đi cất, chợt đâu đó giữa những trang giấy, tôi thấy có một tấm thiếp. Trên một mặt tôi thấy có in chữ Ruby Heart in bằng chữ nghiêng và hai số điện thoại. Mặt kia in một viên hồng ngọc cắt hình trái tim ở giữa, chung quanh viên ngọc có nhiều hoa và một dải lụa uốn qua những cánh hoa. Cũng có thể đó không phải là dải lụa mà là một đoạn phim. Có thể đây là logo của một hãng phim.

                    Khỏi ốm, tôi đi làm lại. Tôi làm ở quán ăn, nơi mỗi tối người ta uống rất nhiều bia, và hầu hết khách là đàn ông. Công việc không nặng nhọc và chủ không khó tính. Chúng tôi làm những thứ được chỉ bảo, và trong những thứ được chỉ bảo đó không có những đòi hỏi quá đáng. Nhưng tôi thấm mệt vì mỗi ngày tôi phải thở thứ dưỡng khí trong một gian phòng máy lạnh kín đầy mùi thức ăn thừa, mùi mồ hôi người, mùi bia, mùi nước tiểu còn đủ độ nồng dù đã lẫn trong mù thơm hoá học găn gắt của thuốc tẩy loang ra từ cửa phòng vệ sinh. Khách uống rất nhiều bia, họ trả tiền bia, trong đó có tiền mua cái quyền được cắt đi một nửa nhân cách của chính họ, tự cho phép mình ồn ào bằng một thứ ngôn ngữ hỗn độn vô nghĩa nhất, và vài thứ nữa.

                    Danh dự của đám con gái phục vụ cũng cắt đi một nửa, hoặc là hơn nửa. Tôi không thực sự nghĩ rằng công việc khó khăn hay cay đắng, con gái dạy nhau xem thường những bàn tay và những ánh mắt và những nụ cười thất học ném vào cơ thể chúng hàng ngày. Những nụ cười của đám con gái càng khuya càng tươi và váy càng ngày càng ngắn, ngắn hơn váy của lũ con gái phục vụ ở quán bên kia đường. Không có gì kinh khủng cả, và rồi thì một ngày cũng qua đi. Không có gì xảy ra. Nhưng chuyện bình thường đó cũng là một thứ tai ương. Nó âm thầm không màu sắc và không tiếng động, nó không phải là một cơn bão làm đổ cây, nhưng nó sẽ vùi dập tất cả những gì trinh nguyên của cuộc đời.

                    Tôi vào trường để hỏi về hồ sơ chuyển trường. Có thể tôi sẽ phải thi hai môn, dù điểm hai môn đó trong học bạ của tôi ở Hà Nội không kém. Mấy người sinh viên tôi gặp nói thi cho đủ lệ thôi mà, không có gì khó đâu. Tuy vậy tôi vẫn lo. Mới có mấy tháng mà bài vở đã lùi vào một nơi quá xa nơi tôi đứng, dù tôi không biết mình đang đứng ở đâu.

                    Ra khỏi trường, tôi vào một quán cà phê sinh viên ở góc đường. Ở đó tôi nhìn thấy một mẩu quảng cáo tìm người mẫu của một công ty làm phim quảng cáo. Nó được ghim trên một tấm bảng rao vặt gắn trên tường. Mẩu quảng cáo làm tôi tò mò, không hẳn vì nó hứa hẹn công việc thú vị và tiền lương cao, mà vì cái hoa in ở góc dưới, dường như tôi đã trông thấy nó. Dường như trong một bộ phim hay trong một trang sách đã xem và đã quên, hoặc trong một giấc mơ. Tôi không bao giờ thực sự biết tại sao tôi muốn đến đó, để tìm một thứ gì tôi mơ hồ biết và không biết.

                    Ở nhà trọ, tôi gội đầu trong phòng tắm tập thể rồi mượn máy sấy khô tóc. Tôi về phòng khoá cửa lại. Tôi cởi áo, mang một đôi giày hơi cao, xoã mớ tóc dài vừa gội cho chảy xuống vai và lưng. Tôi đứng trước tấm gương nhỏ, tự nhìn ngắm mình. Tôi có đủ đẹp để được nhận làm người mẫu không? Đôi mắt tôi cũng dài, mi cũng đen như mắt của dì Lan, và môi vừa vặn. Còn thân thể, dáng người? Gương nhỏ quá tôi loay hoay vẫn không thể nào nhìn thấy cả người, tôi chỉ đoán, hoặc ước mong, là tôi có thân hình trông được.

                    Tôi gửi hồ sơ, chờ, rồi gọi điện thoại. Tôi nói chuyện với đôi ba người khác nhau trong phòng tuyển dụng. Họ cho tôi một cái hẹn vào chiều thứ sáu. Tôi mượn bàn là, là áo quần thật thẳng nếp. Tôi mang đôi giày cao mới mua.

                    Khi đứng trước hai cánh cửa cổng bằng gỗ tôi chợt thấy sờ sợ. Hình như một cơn gió lạnh vừa quét qua con đường vắng. Tôi thấy nao nao như máu không chảy đến hết các đầu ngón tay. Cánh cổng này, tôi đã thấy rồi. Ở đâu?

                    Trong cùng một khắc đó, tôi chợt biết công ty Muôn Hoa không phải là một hãng phim, cũng không phải hãng quảng cáo. Nó là một cái hội, nơi đàn ông thượng lưu đến chơi, nơi họ uống rất nhiều rượu và được các cô người mẫu giúp cho những cuộc rượu hào hứng hơn. Chi vừa nói vào tai cho tôi biết, không phải bằng tiếng nói, không một lời nào. Nó nói bằng một nụ cười mơ hồ khó hiểu, ngay cả nụ cười đó tôi cũng không nhìn thấy. Tôi không biết đây là linh cảm, hay là trí nhớ về một điều gì đó đã được báo trước rồi, một hôm nào đó, trong mơ.

                    Tôi bấm chuông rồi đứng lùi ra một chút để chờ. Tôi ngước mắt nhìn, trên đỉnh trời, trời giăng kín mây bất động. Phía dưới thấp, có những đám mây mỏng đang trôi trên nền trời xám.

                    Người mở cửa dẫn tôi băng qua một khu vườn kiểu Nhật, chỉ có đá và nước chứ không có hoa, đi qua một hành lang dọc bức tường phía trái, đến một căn phòng khách nhỏ. Ông ta bảo tôi chờ ở đó. Tôi ngồi ngay ngắn trên một chiếc ghế nhỏ ở gần cửa phòng. Tôi chờ rất lâu, trời tối đi, mà không có ai vào bật đèn. Có lẽ quá bẩy giờ mới có một người đàn bà bước vào. Đó là cô Tâm.

                    Cô bảo tôi đứng dậy. Cô dùng lưng bàn tay vuốt dọc cánh tay phải của tôi, từ vai xuống đến những ngón tay. Trong lúc tôi vẫn đứng, cô ngồi xuống chiếc ghế nệm thấp.

                    "Em cởi quần áo ra hết di, cho cô xem."

                    Tôi nhìn quanh phòng.

                    "Em thay quần áo ở đâu hở cô?"

                    "Ở đây, ngay trước mặt cô đây. Và cô nói em cởi quần áo chứ không phải thay."

                    Tôi ngần ngừ, rồi tôi bắt đầu mở từng cúc áo bằng tay trái. Cánh tay phải mà cô Tâm đã vuốt nó, tôi để thỏng. Tôi nhìn vào mắt cô Tâm cố hiểu cô muốn gì ở tôi.

                    Cô Tâm nói:

                    "Cô khuyên em nên nhìn xuống đất. Em ngồi mẫu, người ta trả tiền em để nhìn em, chứ không phải để em nhìn họ."

                    Tôi nói nhỏ:

                    "Em chưa bắt đầu mà."

                    Cô Tâm nhìn tôi nghiêm khắc:

                    "Em vâng lời cô, sẽ thấy mọi chuyện dễ dàng hơn."

                    Tôi vẫn nhìn cô Tâm, nhưng chỉ được nửa giây. Tôi thua cuộc, quay đầu nhìn ra phía một khung cửa sổ nhỏ. Tôi cố giữ gương mặt mình bất động. Tay tôi vẫn tiếp tục mở hàng cúc áo.

                    Quần áo cởi ra hết, tôi đứng trước mặt cô Tâm, ánh mắt tôi tuyệt vọng hướng vào khung cửa sổ nhỏ, cố nhìn thấy một chút bầu trời bên ngoài. Nhưng bên ngoài trời đã tối đen. Cô Tâm nhìn tôi, chậm rãi đánh giá thân thể tôi.

                    Chợt cô đứng dậy, luồn tay dưới tóc tôi. Cô kéo nhẹ những lọn tóc lên hôn. Rồi cô ngồi xuống, giọng cô dịu dàng:

                    "Cô bảo em nhìn xuống đất là để bảo vệ cho em thôi. Em không nhìn thấy khách thì tốt cho em hơn."

                    "Nếu làm ở đây thì công việc của em như thế nào? Em phải làm gì?"

                    "Em không phải làm gì hết, chỉ cần ngồi thật yên, thật đẹp. Em ngồi mẫu, mà không biết ngồi yên, thì không được lãnh lương. Cô dặn gì đừng bao giờ quên. Người ta sẽ nhìn em, nhưng trong phòng sẽ không bao giờ đủ ánh sáng để thấy trọn cả người em".

                    Cô Tâm đứng dậy:

                    "À, cô quên hỏi em tên gì?"

                    Tôi nói dối:

                    "Anh Đào."

                    "Gì Anh Đào?"

                    "Thưa Trịnh Anh Đào".

                    "Ở đây tôi có Anh Đào rồi. Tên em sẽ là Kiều Lan. Đoá hoa lan xinh đẹp."

                    "Thưa cô..."

                    "Gì?"

                    "Em xin cô cho em một cái tên khác. Em không thích tên đó".

                    Cô Tâm mỉm cười, và giữ nụ cười đó thật lâu trên gương mặt điềm tĩnh. Cô nói:

                    "Em xin tên khác để làm gì? Em hãy tập vâng lời cô, tập nghe bất cứ điều gì cô định đoạt cho em."

                    Cô Tâm gọi người đàn ông lúc nãy đến dẫn tôi ra ngoài. Tôi mặc quần áo vào xong cô vẫn không ra hiệu cho tôi ngồi xuống.

                    Lúc đóng cổng cho tôi, người đàn ông hỏi:

                    "Cô có được nhận không?"

                    "Thưa có. Nhưng cháu không đi làm được."
                    Tôi yêu tiếng nước tôi

                    Audio Truyện Kiều

                    Comment

                    • #11

                      11. Những ngọn nến

                      Tôi vẫn đi làm ở quán bia. Một bữa có một người khách gọi tôi:

                      "Em đến đây anh bảo."

                      Ông khách độ bốn mươi tuổi, đang ngồi cùng bàn với hai người đàn ông và một nhưng đàn bà. Tôi nói:

                      "Thưa anh gọi gì ạ?"

                      "Tại sao trong ly bia anh lại có đá?"

                      "Dạ để em gắp đá ra nhé?"

                      "Em mang đổ đi."

                      "Nhưng..."

                      "Còn không thì em gọi chủ quán ra đây anh phạt nó đứng uống một lần hết ly, không được thở. Nó uống được thì anh tha cho em."

                      Có lẽ cả bàn đều quen chủ quán, họ đồng cười lớn.

                      "Lúc nãy em xin phép, anh cho phép rồi em mới rót bia."

                      "Anh cho em rót bia chứ có nói là anh uống bia với đá đâu."

                      "Thưa lúc đó trong ly đã có sẵn đá rồi, và anh không nói gì hết, không bảo em bỏ đá ra. Ở đây mọi người ai cũng uống bia như thế."

                      "Anh không phải là mọi người. Em gái còn cãi bướng đó à?"

                      Ông khách cười đưa bàn tay vòng ra chạm vào lưng tôi, kéo mạnh tôi về phía ông ta. Tôi hơi mất thăng bằng. Bàn tay không ngừng lại ở lưng, nó vuốt xuống mông rồi thấp hơn nữa, nó chạm gấu chiếc váy ngắn, những ngón tay len vào giữa hai đùi, tôi cố khép chân thật chặt, nhưng điều đó chỉ làm cho những ngón tay trở nên quyết liệt và tai ác hơn. Mọi người ở bàn, kể cả người phụ nữ, đều nhìn tôi cười. Họ chờ xem ông khách có thể đi xa đến đâu. Lúc đó cả hai tay tôi đang ôm chiếc bình đựng nước đá, tôi phải đặt nó xuống để có tay hất bàn tay của ông khách ra. Tôi đặt ngay bình nước đá xuống bàn, nhưng bàn thì đầy và tôi không có một giây nào để tìm chỗ trống, tôi đặt nó lên trên những đĩa thức ăn. Tôi không định mạnh tay, nhưng hoặc vì tôi mất thăng bằng, hoặc vì chiếc bình đá tự nó biết giận dữ, nó dằn xuống bàn một tiếng ầm và làm vỡ hai chiếc đĩa bên dưới. Mọi người trong quán quay lại nhìn. Tôi chưa kịp hiểu mình vừa làm gì thì ông khách đã đứng dậy tát vào mặt tôi.

                      Mọi người có vẻ thích thú. Không có ai bênh tôi. Tôi bỏ chạy ra đường, và điều nhục nhã nhất xảy ra, không phải lúc oả trong quán, mà năm phút sau, trên đường phố: tôi khóc. Tôi đã vi phạm điều răn đầu tiên của thứ tôn giáo dành cho lũ con gái làm cái nghề nằm trên đường ranh giữa làm công và bán nhân phẩm. Nhân phẩm dù có bán được bao lâu vẫn còn nguyên vẹn, nếu lũ con gái giữ được giới điều này: xem thường những xúc phạm. Khi những xúc phạm được xem thường, thì chúng không có thực. Không ai chạm được đến danh dự mà chúng tôi gìn giữ yên lành bên dưới những lời vâng dạ, những nụ cười ngoan ngoãn tán đồng. Nhưng khi tôi khóc vì bị xúc phạm, tôi đã xem nặng sự xúc phạm và nói rằng nó có thật. Sự phản kháng ngu dốt của tôi làm cho những đứa con gái bực tức, sự bực tức của những người làm xiếc đi trên sợi dây căng nhìn một đồng nghiệp không biết giữ thăng bằng ngã xuống làm cho sợi dây bị chao đảo trong vài giây.

                      Tôi ngồi thụp xuống vừa khóc vừa nấc. Đường rất đông xe. Người ta nhìn, người ta cười nói với nhau, người ta lắc đầu ái ngại hay chê bai, và người ta đi tiếp. Thực ra chỉ là chuyện nhỏ. Một trong trăm nghìn chuyện nhỏ như những viên thuốc nhỏ uống vào giúp tôi miễn nhiễm với những tổn thương lớn hơn. Không hiểu sao nó làm tôi khóc giữa đường. Khóc xong, tôi chẳng muốn nghĩ gì nữa về chuyện vừa xảy ra. Tôi chỉ muốn về nhà, chỉ muốn ngủ hoài, khi thức dậy nửa nhớ cuộc đời nửa đã quên nó đi.

                      Trong cùng đêm đó tôi chợt thấy mình đứng trước hai cánh cửa gỗ lớn có chạm hoa. Tôi không nhớ tôi đã đi đến nơi đó như thế nào. Nó ở rất xa, không lẽ tôi đã đi bộ qua nửa thành phố? Tôi không nhớ tôi đã đi bằng gì, qua những con đường nào, đã thấy gì hai bên đường ban đêm. Tôi chỉ vừa đi qua một khoảng mịt mù của ý thức.

                      Tối đó cô Tâm cho người mang chăn gối đến cho tôi ngủ lại trong một căn phòng nhỏ ở Muôn Hoa. Giường có nệm và cửa sổ có phủ màn.

                      "Cô không bao giờ ép em làm chuyện gì mà em không thích. Nếu em muốn làm việc bình thường như mấy ngàn đứa con gái khác thì như em kiếm tiền cũng được, nhưng không nhiều đâu. Em làm khác một chút, sang trọng hơn, xứng đáng với em. Chỉ có những đứa da trắng trẻo mịn màng thì cô mới chọn. Phải đẹp thì người ta mới lấy mình làm mẫu mà vẽ tranh tạc tượng. Những cái tượng đẹp nhất đều làm bằng đá trắng. Đá đẹp thì vừa trắng vừa trong, như tự nó có một chút ánh sáng. Cô chỉ chọn những đứa có làn da như vậy.
                      Em không cần phải làm nghệ sĩ, tìm cách tạo ra cái đẹp: chính em là cái đẹp. Cái đẹp không có giá trị gì nếu không có người nhìn ngắm nó. Và đây, trong những căn phòng mơ màng diễm lệ này, em sẽ được nhìn ngắm. Tại sao người ta thấy em đẹp? Là vì em làm cho người ta ham muốn. Sự chiêm ngưỡng nào cũng đồng nghĩa với ham muốn. Cái đẹp là gì? Nó là sự gợi cảm, là sự thúc giục người ta muốn chiếm đoạt, muốn làm chủ thứ mình yêu quý. Em sẽ để cho họ nhìn ngắm, chiếm đoạt em bằng cái nhìn của họ, nhưng chỉ bằng cái nhìn thôi. Và thỉnh thoảng họ sẽ chạm lấy em bằng tay. Em sẽ yêu thích công việc này, bởi vì em sẽ thấy em đẹp. Được chiêm ngưỡng, em sẽ mang một cảm giác ngây ngất, không tả được đâu, em sẽ biết, sẽ thích, và cuối cùng không thể sống thiếu nó được, bởi vì tất cả giá trị của em xoay quanh đó, còn lại ở đó, và không ở đâu khác nữa hết.
                      Ma tuý của chị đó. Chị chẳng cần cho bọn em ngửi hít thứ bột trắng nào cả, não của bọn em sẽ tự tiết ra ma tuý đưa vào thân thể em mà".

                      Tôi muốn biết cụ thể hơn về công việc. Tối thứ năm cô cho tôi xem một đứa con gái khác làm việc của người mẫu. Tôi được đưa tới một biệt thự ở ngoại ô. Phòng khách có buông rèm, sáng vừa phải, mát và yên tĩnh. Tường sơn màu trắng sữa, màn cửa màu phơn phớt vàng. Trong phòng có ghế nệm da, ti vi màn hình phẳng gắn trên tường. Trên chiếc bàn thấp có một bình cắm hoa cúc và nhiều tạp chí in trên giấy nhập từ nước ngoài. Cô Tâm chỉ cho tôi một cánh cửa ở một góc khuất của phòng.

                      "Em vào đó xem để học biết công việc như thế nào. Ra vào nhớ mở cửa đóng cửa nhẹ nhàng. Tiếp khách nghệ thuật xem là lạ nhưng êm ái ít mệt hơn tiếp khách mà phải lao động bình thường. Không có gì phải sợ đâu".

                      Cô Tâm để tôi lại một mình trong phòng khách. Tôi giở mấy tạp chí thời trang ra xem vài trang rồi đi đến cánh cửa mà cô Tâm đã chỉ.

                      Tôi mở cửa bước vào phòng và đóng cửa lại. Gian phòng bên trong tối. Tôi đến ngồi trên giường, nhắm mắt lại một lúc. Khi mở mắt ra, tôi đã quen với bóng tối. Đây là một phòng ngủ với một chiếc giường nhỏ ở giữa phòng. Dựa tường bên phải có một cái bàn nhỏ, hai bên hai chiếc ghế như trong quán cà phê. Trên bàn có một bộ bài. Trong phòng không có gì cho tôi xem để biết công việc như thế nào. Tôi chẳng biết làm gì, lên giường nằm nhìn lên khoảng trần nhà tối mờ mờ. Tôi chờ đợi trong bóng tối, tự hỏi không biết có ai sắp bước vào phòng để chỉ dạy cho tôi học những gì cần học hay không.

                      Chợt tôi thấy có một vệt sáng đổ xuống từ mảng tường ở giữa cái bàn th ấp và tủ quần áo. Tường chỗ đó có một khung kính hẹp và cao, lúc nãy tôi không thấy khung kính ấy vì phòng tối. Bây giờ có người vừa vào phòng bên cạnh bật đèn lên, và ánh sáng từ phòng bên đó hắt qua bên này thành một vệt dài. Kính có màu tối và tôi đoán người ở phòng bên kia không nhìn thấy phía bên này. Tôi đến ngồi ở chiếc ghế bên cạnh bàn, nhìn qua khung kính. Phía bên kia khung kính có một bức màn mỏng buông xuống, nhưng vì phòng bên ấy sáng nên tôi nhìn xuyên được qua bức màn đó. Bức màn làm cho những gì tôi thấy có vẻ hơi mơ màng.

                      Chị phụ việc vừa dẫn vào phòng một đứa con gái. Cô gái cởi quần áo ra, da cô trắng, nhìn qua lần màn mỏng trông cô như một bức tượng thạch cao rất đẹp nhưng làm chưa xong, những đường cong chưa thật uyển chuyển. Trong sự chưa xong ấy có một điều gì đó làm tôi thấy cảm động, cô gái giả vờ làm một người đàn bà, nhưng cô chưa phải là một người đàn bà. Chị giúp việc dùng một dải khăn đen buộc ngang đầu, bịt mắt cô gái lại. Cô gái quay mặt vào tường, cúi gập người, hai tay dang ra. Chị Hoa buộc hai khuỷu tay cô gái vào một món gì đó gắn trên tường, tôi nhìn không rõ.

                      Chị Hoa bước ra ngoài, đóng cửa lại. Cô gái đứng cúi người như vậy và chờ. Một lúc sau có một người khách bước vào. Người đàn ông không còn trẻ.
                      Tôi không muốn nhìn nữa, trong lúc quay mặt đi hình như tôi thoáng thấy một vật gì đặt trên bàn ở phòng bên cạnh trông giống như một cây roi da. Tôi bỏ lên giường nằm nhìn lên trần nhà. Ở bên kia mọi việc xảy ra không tiếng động. Dĩ nhiên là có tiếng động, nhưng tôi không nghe thấy qua làn kính.

                      Và cũng không có hình ảnh, vì tôi đang nhìn vào một nơi khác. Cái trần nhà tối mờ mờ hình như có khói. Làn khói vướng vất không tìm được chỗ bay ra. Tôi tự hỏi tại sao khói lại ở nơi đây. Thật kỳ lạ và u uất. Và tôi tự hỏi tại sao mình lại ở đây.

                      Tôi bỏ ra ngoài phòng khách. Tôi mở và đóng cửa không tiếng động như đã được căn dặn. Phòng khách bây giờ cũng tối. Trong lúc tôi ở trong căn phòng nhỏ, có ai đã đến tắt đèn ngoài này. Tôi đến bật một ngọn đèn nhỏ đặt ở góc phòng.

                      Tôi ngồi đó chờ cô Tâm. Làn khói lúc nãy vẫn còn vương vương trong mắt tôi. Tôi cầm remote lên bật tivi để đuổi nó đi.

                      Trên một sân khấu rộng và tối có một cây đàn piano lớn. Một người đàn bà đang ngồi chơi đàn, ngồi trong vùng ánh sáng rọi xuống những phím đàn. Trên hàng phím trắng có chen vào những phím màu đen. Người đàn bà da trắng, mặc áo đen, tóc đen. Người đàn bà chơi đàn cũng có làn da trắng như tôi, như cô gái ở phòng bên cạnh. Bà ấy sống một cuộc đời ấy trên hàng phím dài hai mét. Người đàn bà không còn những ý nghĩ lan man, đã tự biến mình thành những âm thanh, tôi nghe tiếng nước chảy, nhưng chảy qua những nơi tôi không biết, chưa bao giờ biết có những vùng đất như vậy trên trái đất. Người viết nhạc cũng không thể biết có một căn phòng như căn phòng nơi tôi đang ngồi và nghe bản nhạc của ông. Con người ở những nơi thật xa nhau. Cuộc đời của người này thật trừu tương với người khác.

                      Khi cô Tâm trở lại, tôi hỏi cô:

                      "Những đứa con gái có bao giờ bị đánh không?"

                      "Tuyệt đối không."

                      "Vậy cây roi dùng để làm gì?"

                      "Có cây roi nào đâu? Chắc em nhìn nhầm. Mà nếu có, thì cũng không phải roi thật, chỉ để chơi thôi. Em có bao giờ xem một người nhạc sĩ chơi đàn hồ cầm chưa? Em cứ tưởng tượng các em là cây đàn, khách là những nhạc sĩ, họ thích có cánh cung để vuốt ve cây đàn của họ. Chỉ chạm lấy thôi. Chỉ có bọn hạ cấp mới đánh con gái".

                      Tôi đã có lần xem một người nhạc sĩ chơi đàn hồ cầm trên truyền hình. Ông ấy nhắm mắt kéo cánh cung trên những dây đàn, và từ thùng đàn câu nhạc vang ra, như van nài. Tôi nghĩ, khi có ai chạm vào tôi, tôi sẽ dứt khoát im lặng.

                      Tôi làm ở Muôn Hoa đã được ba tuần. Tôi đi làm buổi tối và một số buổi chiều không đến trường. Tôi cởi quần áo, khăn quấn ngang mắt không thấy gì, ngồi trên bệ giữa một gian phòng tối. Người ta đến, mua rượu uống, mua đèn cầy để đốt nhìn tôi rõ hơn. Họ nói chuyện, hoặc có khi cười đùa. Có lẽ sau đó họ làm những chuyện gì khác tôi biết nhưng không biết hết, với một đứa con gái nào đó trong một gian phòng nào đó, tôi chỉ là món khai vị trong gian phòng họ uống những ly rượu đầu tiên trong một đêm vui. Tôi chỉ ngồi mẫu, không ai động tới tiết trinh tôi. Nhưng ngồi im không phải là chuyện dễ dàng. Tôi giảm thiểu sự hiện diện của mình, của ý thức và giác quan đến mức nhỏ nhoi nhất, tôi gần như không có đó, chỉ có một thân thể trần trụi gần như bất động, đầu cúi nghiêng, ngực thở khẽ khàng. Vậy mà cô Tâm luôn luôn nói khách chưa vừa lòng vì tôi không thực yên, thực ngoan. Một ngày nào đó cô cho rằng tôi tự nguyện để cô trói tay tôi hoặc cả hai bàn chân tôi lại, thì khách vừa lòng hơn, vì tôi có muốn cử động cũng không được. Và tôi nhận được tiền nhiều hơn. Cô Tâm định đoạt những thay đổi nhỏ trong cách tôi ngồi mẫu, mỗi tuần một nhích dần đến sự hoàn hảo trong mắt cô; trong mắt tôi càng lúc càng lạ lùng; vị đắng trong miệng tôi càng ngày càng đắng hơn.
                      Hầu hết những đứa con gái làm ở Muôn Hoa nghĩ rằng cô Tâm có một nét nào đó giống mẹ mình. Tôi không hiểu sao cô làm được chuyện đó, cô là hai mươi người đàn bà cùng một lúc, và trong một phút nào đó, sẽ có một người lúc quay nghiêng đầu, hoặc lúc cười nói, có nét giống mẹ của một trong những đứa con gái ở đây. Cô làm mẹ của đám con gái mồ côi. Chúng mồ côi vì chúng ra khỏi nhà và quên mất nhà mình ở đâu, chứ không phải vì chúng không có mẹ. Cô cho chúng ảo giác rằng chúng là những đứa con gái của cô, không bằng sự ngọt ngào, không bằng một vòng tay êm ái. Cô không có tình yêu. Nếu có, chỉ để dành cho chính mình, và rất kín đáo, chừng mực. Cô nghiêm khắc với lũ con gái, nhưng biết cách làm cho chúng nghĩ là cô nghiêm khắc chỉ vì muốn những điều tốt đẹp cho chúng. Cô luôn luôn giữ một sự lạnh lùng nào đó, hình như nó cần thiết. Rồi đột nhiên, vào những lúc bất ngờ nhất, cô vuốt tóc, hoặc hôn lên trán, hoặc bóp nhẹ vai của một đứa, kèm với một nụ cười nâng đỡ dịu dàng, thì đứa con gái mềm đi vì hạnh phúc, vì hy vọng. Ảo giác tình yêu chỉ loáng thoáng như vậy, và càng mơ hồ bất an, những đứa con gái càng bám víu vào đó. Con gái làm nghề này không yêu đàn ông, vì không tin rằng đàn ông có thể yêu đàn bà, trên đời này làm gì có chuyện đó. Chúng cũng không thể yêu cha mẹ anh chị, vì tự cho mình là những đứa mồ côi, đường về nhà nằm mờ mịt trong ký ức về một kiếp trước. Chúng vừa biết tình yêu ở một nơi nào khác bên ngoài bầu khí quyển vừa cần một thứ gì giông giống như vậy để vịn đứng không ngã trên sàn nhà mờ ảo và chông chênh. Cô Tâm hiểu điều ấy rất rõ, cô là thứ tình yêu không phải tình yêu cho đám con gái chực chờ. Một chỗ dựa khe khắt, nhưng vẫn là một chỗ dựa.

                      Công việc chúng tôi làm rất khó, một đứa con gái có thể ngã quỵ, biết đâu hoá điên bất cứ lúc nào nếu không có cô Tâm. Công việc khó, không phải vì nặng nhọc, không phải vì thân thể bọn con gái bị dập vùi đau đớn. Công việc rất khó chỉ về mặt tâm lý, mà bọn con gái thì dễ hoang mang. Đám con gái cứ không hiểu mình làm gì, tại sao khách lại đòi hỏi những điều lạ lùng ở chúng. Cô Tâm không đem lại những câu trả lời, cô chỉ nói là các em hãy làm những điều được yêu cầu, cô sẽ hiểu thay cho các em, gánh vác thay nỗi sợ hãi, ê chề hay bất bình mà công việc mang lại. Các em cứ làm tất cả những thứ cần làm, không suy nghĩ gì cả, thì thấy việc rất giản dị, rất dễ chịu đựng, còn êm ái hơn công việc của đám bán bia ôm. Nếu những đứa con gái có bất cứ bất an gì về cuộc đời, chúng hãy biết rằng có cô. Cô suy nghĩ, cô hiểu, và hiểu thay cho chúng, hiểu những việc chúng làm là cần thiết. Những đứa con gái có thể nương tựa vào cô, tin tất cả những gì chúng không hiểu, và thấy an tâm. Khi một đứa bắt đầu nuôi nấng nỗi nghi ngờ, có những phút bàng hoàng vì không biết tại sao mình làm thứ công việc lạ lùng mình đang làm, thì một bức tường trong căn nhà của nó đã rạn, và trước sau gì căn nhà ấy cũng đổ. Cô Tâm sẽ đuổi nó đi trước khi nó nằm bẹp, bỏ ăn, gầy sút đi, trước khi nó nằm mớ, la hét trong đêm, làm bấn loạn những đứa con gái khác.

                      Muôn Hoa không phải là một căn nhà xây trên một miếng đất nào đó. Muôn Hoa ở khắp nơi. Chúng tôi không bao giờ biết địa chỉ của những phòng khách lớn và kín mà chúng tôi được đưa đến làm việc; chúng tôi không biết những nơi đó thuộc về cô Tâm, chủ nhân của Muôn Hoa, hay là nhà của ai. Những căn phòng có mùi lạ, thứ mùi tôi chưa bao giờ ngửi thấy ở bất cứ một nơi nào. Tôi không thể nói tên nó ra. Mùi đó có từ nệm da và thứ sơn quét trên tường; từ rượu, đồ ăn, khói xì gà, dầu thơm; từ mồ hôi, hơi thở, những thứ thuộc về cơ thể đàn ông giàu có.

                      Tôi chỉ biết lờ mờ, không biết hết công việc của những đứa con gái khác. Bọn con gái ít kể về công việc, có thể vì xấu hổ, hoặc vì không muốn vi phạm một luật lệ mơ hồ nào đó của cô Tâm về sự kín đáo. Có một lần cô Tâm nói với tôi, bí mật của em sẽ bảo vệ em, em càng kể lể nhiều càng dễ bị tổn thương. Thỉnh thoảng bọn chúng tôi gặp nhau vì cùng phục vụ cho một cuộc vui. Tối chúng tôi ngủ lại một nơi nào đó, bọn con gái tắm rửa xong nếu không xem tivi, chúng thích nằm gác tay gác chân lên người nhau, kề đầu kể về một tuổi thơ đã mất, một mối tình vào kiếp trước, hoặc về cái quán cà phê hay cửa hàng thiết kế thời trang chúng sẽ mở khi có đủ tiền, cuối năm nay, khi rời Muôn Hoa. Chúng không thích kể về những giờ chúng vừa trải qua, những công việc chúng đang làm trong tuần này, trong tháng này. Chúng tôi đang dự một cuộc chơi với những luật lệ rất gay gắt, nhưng chúng tôi chỉ hiểu lờ mờ về chúng, chúng tôi lúc nào cũng phải hết sức cẩn thận không chạm phải những lằn ranh gần như vô hình. Phía bên kia biên giới là một tầng sâu hơn nữa của địa ngục.

                      Trong tuần này, công việc tôi thường được yêu cầu là đem thân làm chiếc bánh sinh nhật cho một nhóm khách mừng sinh nhật ai đó, không biết có phải là thật hay không. Tôi bị bịt mặt, họ cột người tôi bằng những dải lụa giống như thứ ruy băng đùng để gói quà, nằm hay ngồi ở giữa nhà. Phía trên tôi, có treo một cái giá đèn treo rất thấp với nhiều nhành để cắm nến. Khách mua nến mừng sinh nhật, đốt và cắm lên cái giá đó, từng cây một. Tôi tưởng tượng da thịt tôi chập chờn trong ánh sáng lung linh của ít hay nhiều ngọn nến. Thỉnh thoảng sáp nến nhỏ xuống thịt da trần làm tôi rùng mình. Những khách đàn ông gọi các cô phục vụ rót rượu cho họ uống chúc mừng happy birthday chung quanh tôi. Họ nói chuyện gì tôi không rõ lắm, vì thường thường khi người làm của cô Tâm quấn khăn ngang mắt tôi, cô ấy cũng nhét một miếng bông nhỏ sâu vào tai tôi, như vậy dễ chịu hơn. Sau vài vòng rượu là tôi được thsao dây. Hoặc tôi được dẫn ra ngoài, hoặc họ kéo nhau sang những phòng khách tiếp tục cuộc vui với những đứa con gái khác, bằng cách này hay cách nọ, tôi không bao giờ biết hết.

                      Đôi khi tôi khóc trong lúc ngồi mẫu. Không có nước mắt chảy xuống vì mắt tôi bị cột ngang bằng một sợi vải đen. Dưới làn vải, dưới mi, nước mắt dâng lên làm tôi thấy đôi mắt của tôi đầy ứ và hơi đau, rồi nước mắt tràn qua viền đôi mi nhắm, thấm vào vải, nhưng không bao giờ đủ để làm vải ướt, chỉ đủ thoáng một chút ẩm, rất mơ hồ, như không có.

                      Tôi bắt đầu biết oán hận cha tôi. Ông đã bỏ rơi tôi hai lần. Lần thứ nhất lúc tôi còn là loài cá đầu to nằm còng queo trong lòng đại dương chật hẹp, trong bụng của người mẹ chửa hoang. Lần thứ hai - hai mươi hai năm sau ngày con cá ra khỏi đại dương và đi trên mặt đất khô, nó đi vào Nam tìm cha, và chợt hiểu cha chỉ là một khái niệm trừu tượng, một giấc mơ lầm lạc. Cha tôi không có thật, nhưng lại có thật khi ông bỏ rơi tôi, để tôi một mình nằm ngửa, mắt bị cột và tay bị côt, thân thể ngỡ ngàng tan nát trong thứ hoạn nạn truyền kiếp của những đứa con gái không có tình yêu che chở. Vậy mà tôi vẫn tiếp tục là con gái của ông, vẫn nghĩ tới ông. Hay là trong oán hận, tôi vẫn một lòng một dạ nuôi nấng cái xác chết còn bàng hoàng của tình yêu con gái dành cho cha?

                      Và tôi nghĩ - không, không còn là những ý nghĩ của tôi, mà là lời lẽ của một đứa con gái khác rót vào tai tôi trong lúc tôi nhắm mắt, rằng tôi đã thay mặt cha tự đem bán mình.

                      Mai làm việc này cho cha, vì cha. Người ta bắt Mai nằm đó để vùi để dập, nhưng không một bàn tay, một cái miệng, một hơi thở nào có thể chạm lấy được hồn Mai đang được bóng tối che chở. Khi Mai nhắm mắt, tất cả những gì Mai thấy là bóng đêm bằng nhung. Bóng đêm đó trung kiên bao bọc trinh tiết của Mai. Mai đời đời còn nguyên vẹn. Thân xác Mai bày ra đó, nhưng thứ bị vùi dập không phải là phẩm hạnh của Mai, mà là phẩm hạnh của cha. Ông đã thất bại tuyệt đối. Trời cho ông có mặt trên đời để truyền giống, làm cha. Nhưng giữa chiếc cổng sắt dẫn vào biệt thự nhà ông và cổng địa ngục, con gái ông đã chọn cái thứ hai.
                      Tôi yêu tiếng nước tôi

                      Audio Truyện Kiều

                      Comment

                      • #12

                        12. Vị mặn đầu tiên

                        Một chiều chủ nhật tôi được gọi ngồi mẫu cho một khách, chỉ có một người thôi. Cô Tâm cho tôi biết là khách trả tiền để nhìn và vuốt ve tôi, chỉ vậy thôi. Cô chưa để cho ai đi quá giới hạn đó, vì tôi không muốn. Cô đứa hứa không bắt tôi chịu đựng những gì tôi không muốn, và nói thêm rằng cô muốn giữ trinh tiết cho tôi. Khách vẫn sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để ngắm nhìn một trinh nữ Cô nói rằng những người đàn ông lịch lãm nhìn màu của đầu ngực, đường cong của hông và biết rằng đứa con gái có còn trinh trắng hay không.

                        Buổi làm việc diễn ra như mọi ngày khác. Tôi nằm nghiêng, chân duỗi dài trên một chiếc đi văng. Một miếng vải đen quấn ngang đôi mắt và cả miệng tôi, còn hai cổ chân thì buộc vào nhau bằng một dải lụa hồng. Khách ngồi uống rượu ngắm tôi một mình. Lần sau, ông ấy mới vuốt ve thân thể tôi bằng một tay, vì tay kia ông ta cầm ly rượu. Trong những phút như lúc này, nếu tôi không mơ màng ở vùng biên giới của giấc ngủ, tôi đã quen nghĩ tới một chuyện nào đó ở một nơi nào khác, vào một ngày nào khác. Nhưng hôm đó, khi bàn tay người khách bắt đầu chạm tới vai và mới đi xuống nửa đường lưng, tôi đã bắt đầu cảm thấy bất an. Bàn tay chậm chạp như nó đang thưởng lãm làn da một cách bình tĩnh, nhưng thực ra nó hơi lo âu và tàn tệ. Tôi không biết làn da tôi nhận ra sự thiếu kiểm soát của người đàn ông như thế nào, nhưng tôi đã cảm thấy sự hiểm nguy sắp xảy đến. Tôi nghe thấy tiếng thở bồn chồn của ông ấy, và mọi thứ càng lúc càng như tiến gần đến một biến cố không tránh được.

                        Tôi nghe tiếng ông khách làm rơi ly rượu xuống sàn nhà có trải thảm, dù thảm êm cái ly cũng vỡ ra vì thuỷ tinh rất mỏng. Ông khách ôm ngang hông tôi, úp mặt vào bụng tôi và với tay xuống phía chân mở cái nơ của dải lụa màu hồng đang buộc hai cổ chân tôi với nhau Tôi co đầu gối, gập lưng lại để lùi bụng tôi khỏi mặt ông. Mắt, miệng tôi vẫn còn bị bịt, tôi không la được, hai cổ tay tôi vẫn còn bị buộc vào nhau. Ông khách dằn tôi xuống và cố mở hai chân tôi ra. Tôi vùng vẫy bằng tất cả sức lực. Ông ta nắm tóc kéo ngược ra phía sau để tôi bớt vùng vẫy. Tôi thấy đau ở cổ nhiều hơn nơi chân tóc. Tôi biết nếu khách làm quá những điều đã thoả thuận, những người làm của cô Tâm sẽ vào cứu tôi. Họ luôn luôn ở đâu đó trong một gian phòng bên cạnh để trông chừng và can thiệp khi có chuyện khác thường. Ý nghĩ đó làm tôi an tâm đôi chút. Tôi cố khép chân và co hai đầu gối lên bụng, cố tuột người khỏi vòng ôm của ông khách, một phút nữa, ba mươi giây nữa thôi là người làm của cô Tâm sẽ tràn vào phòng.

                        Nhưng họ không vào, không bao giờ vào. Tôi không có đủ sức lực để trườn ra khỏi chỗ tôi nằm bên dưới người ông khách. Nỗi tuyệt vọng và sợ hãi tràn xuống từ đó, thôi chắc không có cách gì gìn giữ được tấm thân. Tôi bớt vùng vẫy, ông khách không buông tôi, nhưng ông chậm lại bớt, vì ông nghĩ tôi đã quy phục. Ông bắt đầu vuốt ve má tôi, rồi chiếc cổ, rồi bờ vai, tay ông đã chạm tới linh thiêng và nhục nhằn của đời con gái. Lúc đó chợt cúp điện, tôi biết vậy vì tôi nghe tiếng máy lạnh tắt. Ông khách buông một tiếng chửi thề rồi ngồi đứng dậy. Nửa phút sau tôi nghe tiếng bật lửa. Ông khách loay hoay một lúc. Tôi biết ông đang châm nến, rồi tìm chỗ cắm cây nến xuống một nơi nào đó.

                        Ông cầm chai rượu quay lại với tôi. Bây giờ tôi đã biết rằng sẽ không có ai cứu tôi, cô Tâm đã bán tôi rồi. Sự tuyệt vọng lấy đi chút sức lực cuối cùng, tôi không biết cách nào để vùng vẫy tự cứu mình nữa. Tôi chống chọi ít hơn. Bây giờ ông khách bắt đầu lại một cách chậm rãi, thỉnh thoảng lại ngưng để uống rượu. Máy lạnh tắt rồi, căn phòng càng lúc càng nóng. Và ông khách càng lúc càng mê muội tàn tệ hơn.

                        Sự tàn bạo cuối cùng đang đến, tôi cắn môi chờ nhận lấy vết đâm đau thương nhất một đời. Tôi muốn ngất đi, không thở được. Trong phút đó, giây đó, tôi chợt biết là căn phòng đang bừng sáng lên. Không khí nóng hừng hực. Ông khách cuống cuồng buông tôi ra. Căn nhà đang bốc cháy.

                        Tôi thức dậy trong căn hộ nhỏ trên tầng cao tôi thuê cho riêng mình, trong bộ quần áo ngủ tôi vẫn thường mặc. Trên chiếc bàn nhỏ ở cạnh giường vẫn có ly nước lọc tôi mang vào phòng hàng đêm khi đi ngủ. Tôi không biết đêm ấy ai đã mở dây trói tay cho tôi. Tôi không nhớ rõ lắm mình đã mặc quần áo vào như thế nào và chạy khỏi căn phòng có lửa như thế nào. Hình như tôi đi bộ một đoạn đường xa, vừa đi vừa khóc. Đêm rất khuya. Có nhiều người chạy xe máy kè kè mời tôi lên xe. Có thể họ là khách chơi đi kiếm gái, có thể họ chỉ chạy xe ôm. Tôi không nhớ mình lên taxi lúc nào, như thế nào, chỉ nhớ khi về đến nhà không có đồng nào để trả. Ông tài xế nói cô đi xe phải trả tiền chớ, đi chùa tụi tui lấy gì nộp cho hãng , lấy gì mua cơm ăn. Tôi nói bác chờ một chút, cháu chạy nhanh lên nhà lấy tiền mang xuống. Khi tôi xuống, chiếc xe chạy đi mất rồi. Ông ấy không tin lời tôi nói. Không biết vì sao một chuyện nhỏ như vậy trong một cơn bão cũng làm cho tôi thấy buồn. Một nỗi buồn mang mang thêm vào trong một nỗi buồn lớn. Thành phố lạnh tanh vì không có một ai tôi có thể tin. Người duy nhất tôi gặp, ông tài xế taxi, cũng không tin tôi.

                        Tôi không muốn ra khỏi nhà, không bao giờ còn muốn ra khỏi nhà nữa. Tôi còn gạo và mì gói, cũng đủ sống một số ngày. Tôi nấu cháo ăn. Chiếc điện thoại di động đã mất rồi. Tôi tháo dây điện thoại bàn, lấy một chai nước lọc đặt bên cạnh giường, rồi đi ngủ.

                        Tôi ngủ. Mỗi khi thức giấc, mỗi khi nhớ lại cuộc đời mình đang sống, tôi ước gì cuộc đời ấy ngưng lại, đừng có chuyện gì xảy ra nữa. Tôi không muốn tự tử, chỉ muốn bỏ đi một ngày, một nghìn ngày, một vạn ngày. Tôi muốn ở một nơi không có thời gian, không có tiếng động, không có đàn bà và đàn ông. Tôi muốn ngủ, chỉ ngủ thôi. Ở giữa những giấc ngủ tôi không làm gì khác ngoài nằm chờ giấc ngủ trở lại.

                        Tôi không biết khi tôi ngủ, linh hồn tôi lắng xuống - chết một cái chết hững hờ - hay lặng lờ trôi qua những vùng đất tối nào tôi không biết. Có đôi lần tôi tưởng như tôi đã đánh mất sự liên lạc của ý thức, có những khi thức giấc tôi không biết tên mình. Tôi nằm nhớ lại ngày hôm trước, nhớ lại những câu chuyện, nhớ lại nỗi buồn dở dang mà tôi đã đặt qua một bên khi nhắm mắt ngủ. Về lại với đoạn nối tiếp, nhớ lại những cảm giác của mình, tôi nhớ lại mình là ai, biết mình vẫn còn đó. Điều đó đủ làm cho tôi buồn kinh khủng. Tôi nhớ lại câu chuyện đó. Điều đó đủ làm cho tôi buồn kinh khủng. Tôi nhớ lại câu chuyện của tôi, nhưng câu chuyện đó không liền lạc. Có những khoảng tối chen vào giữa, những câu chuyện, những kinh nghiệm không có tiếng nói và không len được vào trí nhớ, nhưng chúng vẫn có đó. Những câu chuyện nằm trong vùng đất tối có còn là của tôi hay không? Tôi không biết.

                        Tôi không thiết những câu chuyện ban ngày. Tôi nằm nhớ lại giấc chiêm bao tôi thấy vào đêm qua và vào đêm trước, đêm qua một đêm trước đó và và muôn nghìn đêm trước đêm ấy nữa. Những giấc mộng như những chiếc lá rừng rơi xuống mặt đất ẩm ướt, chồng chất lên nhau. Những giấc mơ mới như những chiếc lá vừa rơi còn nửa xanh nửa vàng phủ lên những chiếc lá bên dưới, càng xuống sâu càng ẩm mục và ở một tầng nào đó đã mang màu của đất, đã một nửa biến thành đất nơi chúng đã rơi xuống. Khi nhớ lại những giấc mộng tôi không nhớ câu chuyện nào nằm trong giấc mộng nào, những đường ranh giữa giấc mộng này và giấc mộng kia đã tan đi những chiếc lá mục đã tan vào nhau vào những ngày trở về đất. Dường như có một sợi dây, một sự mạch lạc nào đó trong những câu chuyện trong mơ, dù khi tôi nhớ về chúng, chúng chỉ là những mẩu chuyện chập chờn, vô lý và rời rạc. Tôi cũng không nhớ những câu chuyện trong những giấc mộng đến với tôi bằng hình ảnh, bằng lời lẽ, hay bằng một thứ nhận thức huyền hoặc nào tôi không đặt được tên. Những giấc mơ không muốn nói với tôi điều gì, chúng không màng tới thứ ngôn ngữ mà tôi hiểu. Nhưng chúng có đó, chúng là ánh sáng hắt ra từ những khung cửa sổ của một gian phòng, một gian phòng của một thế giới khác. Tôi không biết tôi ở trong thế giới đó hay thế giới đó ở trong tôi.

                        Trong một giấc mơ, tôi đang đi trên phố hay một con đường làng, đường tôi đi có bóng cây và một chút gió, trong ánh nắng lại có lất phất vài hạt mưa mỏng. Bỗng có một hình người làm bằng nắng ở trước mặt tôi, một đứa con gái làm bằng ánh sáng lung linh nhưng tóc lại ướt vì cơn mưa trong nắng. Nó chập chờn ở phía trước, thỉnh thoảng lại quay người lại nhìn tôi. Nó cầm một cây que. Nó vạch xuống mặt đường một lằn gạch, nó chạy - hoặc là bay - về phía trước, kéo dài lằn gạch ra ngun ngút đến chân trời. Nó đã vạch một lằn ranh chia thành phố làm hai bên. Tôi không biết bên nào là phía của sự sống và bên nào là xứ chết, tôi chỉ biết mình đang đi trên cái lằn đứa con gái đang vừa cười vừa vạch ra, tôi đi trên đường biên giới đó. Ở một nơi tôi nghe có tiếng người nhưng khi đến gần thì hình như đó là tiếng đập cánh của một bầy chim lạ. Tôi đi vào giữa bầy chim đang tìm chỗ ngủ đêm trên một bãi đất tối. Đó là lúc ý thức tôi bị một thứ mực loãng nhuộm tím và dần tắt đi. Điều lạ là chính tôi là người biết rằng mình không còn ở đó nữa. Tôi nhớ từng hình ảnh dù chúng rất mông lung. Tôi nhớ cảm xúc của mình trong giấc mơ. Hình như cũng có một câu chuyện, nhưng mọi ý nghĩa đều ở quá xa, hoặc là không có ý nghĩa nào cả.

                        Tôi không thể trốn mãi vào bên trong những bức tường của những giấc chiêm bao lênh đênh chập chờn. Tôi phải dậy, nếu nằm mãi, tôi sẽ chết trong khi ý thức mình lãng đãng ở một nơi không có mặt đất, đường đi. Tôi sẽ đến trường. Trên đường về nhà tôi sẽ ghé đâu đó mua một chiếc áo mới, nước gội đầu, vài ba đĩa hát, một quyển sách.

                        Tôi dậy lúc bốn giờ sáng. Tôi mang bài ở trường ra đọc. Sáu giờ tôi nấu nước sôi đổ vào ba bát mì gói và đậy bát lại. Tôi bưng bát mì lên bàn học. Tôi dỡ cái đĩa úp trên miệng bát ra. Một ít khói bay lên. Tôi nhìn chút hơi nước đó. Tất cả hơi ấm của đời này còn lại bấy nhiêu, một chút nữa nó sẽ tan đi. Tôi nhớ mẹ. Tôi cô đơn, nhưng ý nghĩ đó chợt trở nên nhỏ nhoi, vì tôi linh cảm nỗi cô đơn của mỗi người đàn bà trong dòng máu chúng tôi sẽ còn mênh mông hơn nhiều, giống như một đại dương. Tôi chỉ mới nghe tiếng gió biển thổi vào đất liền, chứ chưa thực sự ra khơi.

                        Khi nhớ lại đêm ấy ở Muôn Hoa, tôi nhớ mình đã trườn người ra khỏi hai cánh tay của ông khách, ngồi dậy và đi đến chiếc bàn nhỏ đặt ở cạnh cửa sổ. Tôi nhìn cây nến ông khách đã cắm vội nghiêng nghiêng trên mặt bàn. Tôi ngắm nó một lúc rồi đưa tay hất nó xuống đất. Nó vướng vào bức màn nên rơi rất nhẹ nhàng, nó chạm đất không một tiếng động. Bên trong bức màn nhung có một lớp màn bằng vải voan mỏng mơ màng và dễ bắt lửa. Một lúc sau khi lửa đã nhen rồi tấm màn nhung cũng nhập vào đó, rồi khung cửa bằng gỗ, thảm bằng len... Ngọn lửa ban đầu ngập ngừng loáng thoáng, trong đôi phút đã bừng bừng đam mê. Tôi ngắm lửa một lúc, rồi bỏ đi.

                        Nhưng tôi cũng nhớ bằng cùng một trí nhớ về cùng một biến cố, rằng tôi đã nằm tuyệt vọng dưới thân thể to lớn của người đàn ông, trong hai cánh tay bằng sắt của ông ta. Tôi nhớ lại nỗi kinh hoàng, cơn nghẹn ngào uất ức người đàn bà đã bán tôi cho khách trong lúc mắt tôi bị bịt và tay tôi bị trói. Tôi không biết gì về cây nến đổ, không hề biết căn nhà sắp cháy. Làm sao tôi có thể vừa nằm đó, vừa đứng dậy gạt đổ cây nến trên bàn? Có lẽ trong nỗi sợ sát sao cái chết, một phần ý thức tôi đã bước ra ngoài thân thể. Tôi tưởng tượng mình có thể đi lại được trong phòng và nhìn thấy mọi thứ. Rồi điều tôi tưởng tượng trở thành ký ức, trở thành một thứ sự thật trong tâm tưởng.

                        Nhưng ai đã hất cây nến xuống đất?
                        Tôi yêu tiếng nước tôi

                        Audio Truyện Kiều

                        Comment

                        • #13

                          13. Những con đường lạ

                          Tôi không để dành được bao nhiêu tiền. Tôi sắp không còn tiền để trả tiền nhà, rồi tiền ăn cũng không có.

                          Tôi đến căn nhà có cánh cổng gỗ chạm hoa.

                          Người giúp việc đưa tôi vào gặp cô Tâm trong phòng khách riêng của cô ấy Tôi chưa bao giờ biết căn phòng này. Nó có nhiều cửa sổ lớn nhìn ra khoảng sân rộng có trải sỏi và có suối giả. Cô đang ngồi trước một cái giá vẽ. Người mẫu của cô là một cô gái tóc dài, không mặc quần áo, cổ đeo khánh, đang nửa ngồi nửa quỳ trên một chiếc gối thêu. Cần của một chiếc đàn tì bà gác ngang trên đầu gối. Cô nghiêng đầu chạm những dây đàn, không phải bằng những ngón tay, mà bằng một nhánh hoa.

                          Cô Tâm ngắm bức tranh mình đang vẽ, nói với tôi:

                          "Em thấy Trà Mi có đẹp không? Đâu phải chỉ đàn ông mới yêu con gái khoả thân. Và con gái khoả thân lúc nào cũng để làm tình".

                          Từ nãy giờ tôi vẫn đứng. Tôi không trả lời cô. Cô ấy nói tiếp:

                          "Cô lập ra hội Muôn Hoa cũng chỉ vì yêu cái đẹp. Yêu nghệ thuật."

                          Tôi vẫn không biết nói gì.

                          "Em đến xin đi làm lại đó à?"

                          "Không. Cô bán em cho khách không nói cho em biết. Em bị cô lừa. Em không bao giờ đi làm nữa. Em đến để lấy tiền. Cô còn nợ em tiền."

                          "Bao nhiêu?"

                          "Có bốn buổi cô chưa gửi em tiền."

                          "Đâu có nhiều đâu em."

                          "Đúng vậy, khoản đó chỉ là nhỏ. Cô bán trinh em cho ông khách, em muốn lấy số tiền đó."

                          "Ông ấy nói với em ông ấy đã đưa tiền cho cô à? Bao nhiêu?"

                          "Em không biết."

                          Cô Tâm cười. Cô gái ngồi mẫu động đậy vì bồn chồn, nhưng vẫn không dám đổi dáng ngồi của mình. Cô Tâm nhìn về hướng cô ấy khiến cô gái ngồi im trở lại, mắt nhìn vào nhánh hoa. Cô Tâm vẽ vài nét cọ rồi nói với tôi:

                          "Thôi được, em không biết thì cô nói cho em biết: số tiền ấy là ba ngàn. Theo nội quy của Muôn Hoa, em được chia một nửa. Bao giờ em đi làm lại, cô sẽ đưa."

                          "Em đã nói với cô rồi, em không bao giờ đi làm nữa. Xin cô đưa tiền của em cho em. Rồi em xin về."

                          "Sao em không đi làm nữa?"

                          "Em bị lừa."

                          "Em giận cô à? Lại đây!"

                          Cô Tâm vẫy tôi lại ngồi bên cô, nhưng tôi vẫn đứng yên. Cô nói với tôi, nhưng mắt đăm chiêu nhìn cô gái ngồi mẫu:

                          "Con gái vào đời sẽ có một lần bị lừa thôi. Hoặc là nhiều lần. Đời có những bài học mà đứa con gái không có cách nào khác để học hết, chỉ có cách đó. Em trưởng thành hơn sau những lần như thế. Em chưa hiểu đời, nên em còn giận cô. Ai không đến với cô thì thôi, chứ đã đến cô đều thương mến như em gái vậy. Cô với người ta khác nhau ở chỗ, sau mỗi lần để cho em mình va chạm với đời để lớn ra, cô phải làm sao cho đứa em đứng dậy được, tự tin hơn, đáng yêu hơn. Người khác thì cứ để mặc đứa con gái tự gượng dậy, đứa nào gãy đổ, cũng không ai màng."

                          "Em xin cô. Em đang cần tiền. Cô cho em nhận tiền của em, rồi em về."

                          "Đươc rồi. Cô sẽ bảo Hoa ứng cho em vài triệu. Còn khoản kia, cô nói rồi, cô giữ cho em. Bao giờ em đi làm lại cô sẽ đưa. Nếu em không đi làm nữa, thì đành mất vậy."

                          Tôi biết mình thua cuộc, nhưng tôi không ngạc nhiên. Tôi khẽ cúi đầu:

                          "Em về."

                          "Lại đây với cô một chút đi. Lại đây xem cô vẽ Trà My có giống không này."

                          Tôi bước về phía giá tranh, nhưng nửa chừng nỗi bất mãn lạ lùng ngăn bước chân tôi lại. Tôi đứng đó không biết nói gì. Cô Tâm nói:

                          "Thôi em muốn về thì để hôm khác sẽ xem tranh vậy. Với lại cô vẽ cũng chưa xong, trông còn chưa thật mềm mại."

                          Người làm của cô Tâm đưa tôi ra. Ở cổng, chị ấy đưa cho tôi bốn triệu đồng và chiếc điện thoại di động mà tôi bỏ quên vào buổi tối có lửa cháy, trong một căn nhà nào đó của những căn nhà Muôn Hoa. Chị dặn tôi đừng tắt di động, em tắt đi thì không ai biết em ở đâu.

                          Tôi ra bưu điện, gửi ba triệu ra cho mẹ. Tôi không còn có thể viết thư, tôi không biết con gái viết thư cho mẹ phải mở đầu như thế nào và kết thúc ra sao. Tôi bắt đầu hiểu sự im lặng. Nó không phải là một lựa chọn, nó là một thứ định mệnh. Những cây cầu bắc qua con sông đã gãy đổ. Tuổi thơ ở phía bên kia sông, xa mù mịt trong khói sương. Tôi ở bên này không còn tiếng nói, không có lời nào gửi cho mẹ tôi về nỗi nhớ thương tràn mọi ngõ trong tâm tưởng tôi từng giờ.

                          Tối tôi viết thư cho dì Lan. Dì đã viết cho tôi một bức thư rất dài, cuối thư dì nhờ tôi làm một việc quan trọng. Con hãy lựa nơi, lựa lúc, lựa lời mà hỏi cha con. Tôi đã không làm được việc đó. Vì sao Chi chết, chết vào giờ nào, và nhất là người ta chôn tấm thân nhỏ xíu của nó ở đâu. Không còn nơi nào, lúc nào, lời nào nữa. Tôi không biết cha tôi là ai, chưa bao giờ biết ông, làm sao tôi có thể hỏi một người dưng, một người lạ chuyện gì đã xảy đến với em tôi. Dì tôi muốn biết Chi chết như thế nào. Em bệnh, em lạnh, em chảy máu, em ngạt thở, hay em đói, em khát? Dì muốn biết để có thể chôn em được, không phải nắm xương chắc không còn, mà là ký ức của dì về em, chôn sự dằn vặt, sự bất lực, nỗi thảng thốt trước cuộc đời. Tôi ước làm sao dì có thể làm được chuyện đó. Tôi ước gì gió trùng trùng thổi về nơi dì ở, mang theo cát bụi mịt mù của một trăm năm quên lãng phủ lên mọi đau buồn và lo sợ.

                          Nhưng tôi vẫn đã luôn luôn linh cảm rằng Chi không muốn cho ai chôn nó. Nó còn ở đây, ở ngoài trời đêm, hay trong góc nhà, trong làn nước tôi vục lên rửa mặt buổi sáng, hay ở giữa những chân tơ kẽ tóc của tôi.

                          Tại sao tôi là đứa mơ thấy Chi chứ không phải Chi mơ thấy tôi? Tại sao trong hai đứa, dì Lan lại mang nó đi và để tôi ở lại ăn hết, cướp hết phần sữa của nó mà sống sót. Tôi ở bên phía người gặp nạn, hay bên phía người gây tội, bên phía của kẻ mất, hay của người được trong câu chuyện này?

                          Tôi phải trả lời thư cho dì Lan. Lúc mười một giờ tôi đã đặt lên bàn một tờ giấy từ hộp giấy tôi mua để dành viết thư. Tờ giấy màu vàng rất nhạt, nhạt như màu chiếc áo cánh dì Lan đã mặc trong đêm đầu tiên dì ngủ ở nhà tôi ở Hà Nội, đêm dì trong cơn mộng du đến ngồi bên tôi lúc nửa đêm. Tôi tìm một cây bút nét nhỏ. Tôi đã bắt đầu ở góc phía trên, bên phải, Sài Gòn, ngày thứ năm, 16 tháng 11...

                          Bây giờ đã một giờ khuya mà tôi vẫn chưa viết được gì. Tôi không biết viết gì. Tôi thấy buồn ngủ. Tôi đi ngủ, trang thư vẫn còn trắng, vẫn nằm đó trên bàn. Đêm mai tôi sẽ viết nó vậy.

                          Tôi ngủ sâu và yên lành. Sáng tôi dậy muộn vì quên để đồng hồ báo thức. Tôi vội đánh răng, rửa mặt, thay quần áo. Tôi cắm điện nấu nước nhưng lại rút dây điện ra vì không còn giờ để nấu cà phê. Tôi bước về phía chiếc bàn học để lấy sách vở đến thư viện ôn thi. Trên bàn, tờ giấy viết thư đêm qua vẫn còn nằm đó.

                          Khi tôi đứng ở cạnh bàn nhìn xuống, tôi thấy tờ thư không còn trắng, nó đầy chữ. Tôi xiết bao kinh ngạc. Đêm qua tôi chỉ đề ngày rồi không viết thêm được một chữ nào hết. Bây giờ dòng chữ đề ngày vẫn còn đó, do tay tôi viết. Nhưng phần còn lại của trang giấy không phải là chữ của tôi. Ai đã vào đây chép đầy cả hai mặt của tờ thư này? Tôi hốt hoảng nhìn cánh cửa. Cửa vẫn đóng, chốt cài bên trong.

                          Tôi bàng hoàng ngồi xuống giường cầm tờ thư lên đọc. Thư viết nét đậm nét nhạt, chữ khi to khi nhỏ, thỉnh thoảng có một chữ tôi không đọc được vì quá nhạt. Có những khoảng trống nhỏ, như thể người viết không tìm được chữ, để trống để điền sau rồi không tìm ra chữ hay quên đi.

                          Đến bao giờ Mai mới chịu tin là hai chị em mình cùng ở với nhau, chia nhau một thân thể? Mai đã biết như vậy từ lâu lắm rồi, vậy mà bây giờ em viết thành chữ, Mai lại thấy sợ. Em làm gì để Mai đừng sợ bây giờ? Mai thường thấy em, đôi môi tím ngắt không phải vì em không có máu, em có máu chứ, máu của Mai, của chị em mình. Môi em tím vì em không nói được. Em chưa bao giờ nói một lời nào, khi muốn nói chuyện với Mai, em chỉ biết buông mái tóc của em ra cho Mai bị huyễn hoặc, Mai quên bớt đi lý trí, và chịu hiểu em đôi chút. Hôm nay em nói được rồi, từ nay Mai sẽ thấy môi em hồng.

                          Em biết nói là vì Mai đã học nói, biết viết là nhờ Mai đã học viết. Chị em mình giống nhau lắm, vì cùng chung một số kiếp. Nhưng một hôm nào đó chúng ta sẽ chính vì sự giống nhau mà vỡ tan, em linh cảm như vậy. Chúng ta có cùng một nỗi buồn, nhưng Mai không nhìn thấy nó. Lúc thai chúng ta chớm trong bụng mẹ, trên trời có một ngôi sao băng. Một tia lửa từ cái đuôi của nó đã rơi vào vũ trụ riêng của chị em mình, và nó bay mãi, rơi mãi, bởi vì nó rơi ra từ một mặt trời đã tan vỡ, nó không thể ngừng rơi, không còn nơi để trở về.
                          Mai không nhìn thấy ánh chớp. Nhưng Mai đã bắt đầu đi tìm nó. Dì Lan viết thư cho Mai, nhờ Mai đi tìm. Mai không tìm xác thân con bé giờ này đã chỉ là một chút bụi. Mai đi tìm cơn bão. Em sẽ gầy nên cơn bão.

                          Tai Mai sẽ có khi nghe tiếng sóng ầm ầm của nỗi buồn em đánh vào vách đá, miệng Mai nghe vị mặn của một nỗi buồn nghiệt ngã, rồi chân Mai sẽ có khi đi vào những con đường lạ.... Bởi vì tai Mai cũng là tai của em, miệng Mai cũng là miệng của em, chân Mai cũng là chân của em. Dù Mai không hiểu nỗi buồn của em, cũng có khi Mai nghe tiếng của nó vọng về.

                          Chân Mai sẽ có khi đi vào những con đường lạ. Bởi nỗi buồn của em dẫn đi.


                          Tôi thức dậy ở một nơi không phải nhà tôi. Trời đã sáng, nhưng căn phòng còn tối, vì cửa sổ được màn kéo phủ kín. Tôi nhìn quanh và bàng hoàng không biết tại sao mình ở đây, bàng hoàng vì tôi biết tôi đang ở đâu, dù tôi chưa bao giờ vào căn phòng này. Tôi gắng nhớ lại những gì đã xảy ra đêm qua, nhưng trí nhớ chỉ có loáng thoáng vài mảnh vụn mơ hồ. Đêm qua tôi đã đi ngủ, trên chiếc giường của tôi, trong căn phòng của tôi. Tôi đã thay quần áo ngủ bằng vải bông, đặt ly nước lọc trên chiếc bàn thấp ở đầu giường. Trong một đoạn khác tôi đang ở trên một con đường vắng, tất cả nhà cửa đều im lìm, tôi đi bộ một quãng dài. Hình như có một chiếc xe điện đón tôi. Tôi không nhớ có nói chuyện với người lái chiếc xe đó.

                          Tôi mở cửa phòng. Bên ngoài là góc vườn nhỏ, ánh nắng chan hoà. Tôi chưa biết góc vườn này, nhưng tôi biết nó nằm phía sau, trong khuôn viên của một trong những căn nhà thuộc về Muôn Hoa. Căn phòng tôi ngủ đêm qua thuộc về dãy nhà phụ của ngôi biệt thự. Tôi đi dọc hành lang dãy nhà, mong gặp một ai đó.

                          "Em đã dậy rồi đây. Sáng chị có mua bánh mì, để chị vào rán mấy quả trứng, hai chị em mình ăn sáng với nhau." Tôi nghe tiếng quay lại, đó là chị Hoa.
                          Tôi đến ngồi ở một cái bàn và mấy cái ghế đặt dưới một gốc cây chờ. Trời có một chút gió, làm cho lá cây lao xao và ánh sáng lấp lánh.

                          Chúng tôi ngồi ăn sáng, có cả cà phê và nước cam, dưới tàng cây thưa, bên trên là một bầu trời rực rỡ. Tôi đang ngồi trong một ngày đầy nắng, không phải trong một giấc mơ. Tôi hỏi chị Hoa:

                          "Đêm hôm qua ai đưa em đến đây?"

                          "Anh Nam."

                          "Anh Nam là ai?"

                          "Anh Nam lái xe cho chị Tâm. Em đến đây bằng xe của chị Tâm".

                          "Tại sao em lại ngồi trong xe của cô Tâm?"

                          "Em hỏi lạ không? Quá nửa đêm chính em gọi điện thoại cho chị nhờ chị đón mà."

                          "Đón ở đâu, tại sao lại phải đón em?"

                          "Đáng lẽ em phải nói cho chị biết thì em lại hỏi chị."

                          "Không thể được, hôm qua em đi ngủ... trên chiếc giường của em, trong căn phòng của em..."

                          "Đây, em đã gọi cho chị lúc quá nửa đêm."

                          Chị Hoa mở nắp điện thoại, bấm vài nút, và trao cho tôi xem. Tôi đã gọi lúc 1:22am ngày hôm nay.

                          "Đêm qua em có uống rượu không?"

                          "Không. Em không biết uống rượu. Nhà em không có rượu. Đêm qua xe đón em ở đâu?"

                          "Ở đoạn đầu đường NNK, gần NHC. Chính em đã đọc tên đường cho chị."

                          Tôi không biết đoạn đường đó. Những con đường lạ, tôi nhớ tới thư của Chi viết cho tôi. Nỗi buồn của em sẽ dẫn Mai đi đến những con đường lạ. Tôi đã làm gì ở những nơi đó? Và để làm gì khi cuối cùng chúng dẫn tôi về lại Muôn Hoa. Muôn Hoa không phải là một con đường lạ. Muôn Hoa là một tầng nào đó của địa ngục, nơi có những căn phòng màn nhung chấm đất, những chiếc đèn thuỷ tinh nhiều tầng lung linh. Nơi luôn luôn có một thứ mùi hương lạ lùng, đám con gái thở thật khẽ để không phải hít vào quá nhiều mùi của những thứ mà chúng không hiểu hết thuộc về thế giới của những người làm chủ.

                          Điện thoại của chị Hoa reo. Chị nghe xong nói với tôi:

                          "Cô Tâm muốn gặp em."

                          Cô Tâm xin lỗi về chuyện đã xảy ra vào đêm có lửa cháy. Cô nói ông khách đó rất tốt. Ông muốn cô sắp xếp cho ông một buổi tối với một cô gái còn trinh; ông thích sự vùng vẫy, giống như một vụ cưỡng bức, giống thôi, chứ không phải cưỡng bức thật. Cô dặn chị Hoa phải sửa soạn thật hoàn hảo, ở Muôn Hoa mọi thứ đều phải thật hoàn hảo. Rồi không hiểu chị Hoa hiểu lầm ý cô, hay chị cố ý giữ sự ngây thơ - nỗi sợ cũng phải ngây thơ - cho em nên không bàn với em trước. Cuối cùng giống như cô đã lừa em.

                          Không ngờ lại có vụ mất điện, và thật không may, máy phát điện không khởi động được. Ông khách trong cơn xúc động đã cắm cây nến gần màn, cắm không vững, nó ngã vào màn làm bắt cháy, ông đã gửi tiền giúp cô sửa lại nhà, trang trí lại căn phòng. Sau đó ông có nói cho cô biết là lúc lửa cháy ông chưa làm gì em. Tiền ông đã đưa trước rồi. Chị Hoa gọi cho em không được, vả lại, chị nghĩ em không thể làm lại một đêm giống như đêm hôm ấy, nên chị đã cho một đứa con gái khác thay em.

                          Chị Hoa không bàn với em trước không phải do cố ý, nhiều khi, để có được tinh tế trong công việc nó cần một hy sinh nho nhỏ như thế. Em biết mà, cô rất cầu toàn, và chị Hoa đã học điều này ở cô.

                          Thôi chuyện qua rồi. Cô hứa sẽ không bao giờ có chuyện gì xảy ra mà em không được báo trước và không đồng ý. Em cứ ngồi mẫu trở lại.

                          Tôi sẽ đi làm bốn tháng. Đó là một lời hứa, chính xác bốn tháng và không hơn một ngày nào hết. Trong bốn tháng đó tôi sẽ có thì giờ để học thi và thi, sẽ để dành tiền mua xe máy đi học, gửi tiền về cho mẹ xây phòng tắm trên gác để mẹ không phải tiếp tục dùng nhà tắm tập thể. Tôi sẽ ghi vào một quyển sổ riêng tất cả các khoản tiền kiếm được, và không phung phí một đồng nào.
                          Tôi biết Chi đã đưa tôi trở lại Muôn Hoa. Nhưng tôi hoàn toàn không hiểu tại sao Chi lại làm vậy, điều khiển thân thể tôi trong lúc tôi đang ngủ, bắt tôi đến Muôn Hoa, đi trên dãy hành lang hẹp giữa mặt đất và địa ngục, dãy lan can không có tay vịn và luôn luôn chao dao. Tất cả các lời nói của cô Tâm đều ấn chứa bất trắc, và đó là tất cả tôi có thể dựa vào như một thứ tay vịn bất trắc của hãy hành lang đó. Tại sao?

                          Tôi muốn nói với Chi rằng Chi nói đúng, tôi đang đi tìm Chi. Tôi muốn biết Chi chết như thế nào; dì Lan nhờ tôi hỏi cha tôi chuyện đó. Nhưng tôi đã thất bại vào buổi sáng đầu tiên, trong căn phòng thênh thang êm mát của Quỳnh. Thất bại vì tôi đã nói dối tôi là bạn của Quỳnh hay vì tôi đã chạm tới một thứ ký ức gây sợ hãi? Dù sao, bắt đầu của tôi đã sai và tôi không còn cơ hội quay lại căn nhà của cha tôi nữa. Tôi chưa có đủ sức lực để viết thư nói với dì Lan tôi không làm được chuyện đó. Dì Lan vẫn đang tin rằng tôi ở với cha.
                          Chi đã đưa tôi quay lại. Tôi sẽ đi làm ở Muôn Hoa trong bốn tháng. Mười bảy tuần và không thêm một ngày duy nhất nào cả. Đây là lần cuối cùng tôi tuân theo ý Chi. Sau đó, Chi phải để tôi yên và đừng bắt tôi làm những việc mà tôi không muốn làm.

                          Sau đó, dù tìm được hay không câu trả lời cho câu hỏi của dì Lan, chúng tôi cũng phải chôn câu chuyện của Chi đi, và Chi phải rời bỏ nơi đây, rời bỏ tôi, đi đến nơi mà tất cả các linh hồn đều đi đến, dù đã chết một cái chết êm đềm hay oan khiên. Tất cả cái chết đều oan khiên, không có gì khác biệt hết.
                          Đã chỉnh sửa bởi nhé; 22-03-2009, 07:53 AM.
                          Tôi yêu tiếng nước tôi

                          Audio Truyện Kiều

                          Comment

                          • #14

                            14. Vội vàng hoa rơi

                            Tôi sẽ ngồi mẫu ở Muôn Hoa trong bốn tháng, nhưng chỉ hai tuần sau ngày tôi quay lại, cô Tâm gọi tôi vào để nói chuyện.

                            "Con gái phải có hơi đàn ông thì mới thực sự đẹp được, chắc em biết?"

                            "Dạ..."

                            "Em ngồi mẫu được bao lâu rồi nhỉ?"

                            "Dạ... nếu tính ngay từ đầu thì độ một tháng..."

                            "Em yêu thích công việc chứ?"

                            Tôi không biết nói sao, nhưng cô Tâm cũng không quan tâm đến câu trả lời. Cô hỏi tiếp:

                            "Em cần chuyên nghiệp hơn Mai à."

                            "Dạ... em biết là em phải luôn luôn cố gắng."

                            "Em cần phải trở nên một người phụ nữ toàn vẹn. Đẹp và gợi cảm."

                            "Em cũng muốn em được như thế."

                            "Em phải biết đàn ông."

                            "Lúc đầu chị có nói, khách thích nhìn con gái còn trinh. Chị cứ cho em tiếp tục như hiện nay."

                            "Gái còn trinh làm sao đẹp bằng một người phụ nữ thực sự. Người ta thích con gái còn trinh chỉ vì một ngày nào đó họ sẽ được hưởng trinh tiết đó. Chứ giữ trinh mãi chỉ làm người ta chán. Em có còn trẻ lắm đâu."

                            Tôi đứng im.

                            "Có một khách, một vị khách, chị nói thế vì ông ấy giàu có lịch lãm lắm, ông để ý em từ lâu. Chị sẽ sắp xếp một ngày, phải là một ngày thật đặc biệt."
                            Tôi im lặng.

                            Tôi sẽ không đến Muôn Hoa nữa. Tôi sẽ trả căn phòng thuê giường có nệm dày, êm ái và yên tĩnh. Trong phòng tắm của dãy nhà trọ tập thể sẽ không có chỗ để tôi đặt những lọ nước hoa. Tôi sẽ không có một cái gương dài thấy cả người trong phòng riêng (tôi cũng không muốn tự ngắm mình làm gì nữa). Tôi chán mặc váy ngắn đứng gắp đá nữa, bỏ đá vào những ly bia có quai bằng thuỷ tinh rẻ tiền trên những bàn ăn nhầy nhụa. Tôi sẽ không bao giờ trở lại đại học. Tôi sẽ đi làm công nhân, sẽ yêu rồi cưới một anh công nhân, như con gái của Yuri Zhivago. Chỉ tiếc cha tôi không phải là bác sĩ, không nhảy xe điện, không băng qua đường để tìm mẹ tôi.

                            Tôi mang về phòng những chiếc thùng giấy không. Tôi mở chúng ra, đặt ở giữa phòng. Tiền nhà đã đóng trước, đến cuối tháng mới phải trả nhà, nhưng tôi phải cất đồ đạc và sách vở của mình vào những cái thùng giấy, để tự nhắc nhở mình rằng tôi không thuộc về sự êm ái, yên tĩnh dễ chịu nơi đây. Tôi phải đi.

                            Nhưng ba ngày rồi mà những thùng giấy vẫn còn trống không. Tôi đứng nhìn hàng sách của tôi nằm trên kệ mà tôi phải lấy xuống, rồi bỏ ra ngồi trên chiếc ghế thấp nhìn ra ngoài cửa sổ bằng kính. Tôi từng đọc về những người trong đời thật và trong điển tích, theo Phật, theo Lão hay là vô thần, những người đã từ bỏ vật chất để sống đời thanh đạm gần với cội nguồn hay chân lý của mình hơn. Tôi cũng sẽ rời bỏ nơi này, nhưng tôi không có cội nguồn nào để quay về, không có chân lý nào để tìm kiếm.

                            Tôi ngồi nhìn ra ngoài. Nhiều giờ trôi qua, trời tối dần. Xuyên qua màn kính của khung cửa từ trên ca, thành phố trông thật xa; tôi không có cảm giác mình đang ở trong thành phố đó. Những ngọn đèn thắp lên. Ánh đèn xe nối nhau xuôi ngược trông như những chuỗi hoa màu vàng và màu đỏ được kết vào nhau, chuyển động, lấp lánh không tiếng động: một sự thanh bình không có thực. Tôi thích khung cửa này, chỗ ngồi này, vì nó nhấc tôi lên khỏi nỗi cô đơn dưới mặt đất. Khi tôi xuống phố, đường phố càng đông người thì tôi càng thấy bơ vơ và lo sợ. Quá nhiều những gương mặt, những cuộc đời, những câu chuyện; nhưng không có một thứ gì cho tôi biết họ là ai, và họ mê say toan tính những thứ gì. Họ làm tôi nhớ tới một giấc mơ: Có một người dẫn tôi đi xem địa ngục. Chúng tôi bước vào một gian phòng rộng và tối, và có rất nhiều người, vô số người. Người dẫn đường đưa tôi lên phía trên, chúng tôi đứng ở một lan can bằng gỗ nhìn xuống. Phòng rì rầm một thứ âm thanh không phải là tiếng người, không phải là tiếng máy, không hẳn là nhạc nhưng nó chập chùng theo một nhịp nhất định nào đó. Tất cả mọi người đang múa, không hẳn là múa, mà họ chỉ ngã người vào nhau, hết chiều này đến chiều kia, trông như những ngọn lúa rạp mình trong gió, nhưng gió ở đây không phải là gió, mà là những làn ánh sáng màu tím hay xanh tái quét qua gian phòng tối, và những người trong phòng lượn lờ theo ánh sáng đó, theo thứ âm thanh giống như là nhạc đó. Không ai có một gương mặt, và vì vậy, không có biểu lộ nào của nỗi buồn hay sự sung sướng, của cơn phấn khích hay chán chường. Tôi hỏi người dẫn đường, địa ngục là đây sao? Sao không có tiếng người kêu thương vì đoạ đày, ân hận, đau đớn? Người dẫn đường nói không, em thấy rồi mà, ở địa ngục không có một nỗi buồn khổ nào hết. Địa ngục là nơi con người không có ý chí. Chỉ với một chút ánh sáng thôi, một bóng đèn 500W có thể điều khiển cho vài nghìn người ngả qua nghiêng lại. Thế ai rọi những ngọn đèn đó? Không ai cả. Không cần lính canh hay quỷ sứ nơi con người không có ý chí.

                            Khi thức dậy, nhớ lại giấc mơ đó, tôi nghĩ về chữ ý chí và nhận ra mình không thực sự hiểu nghĩa của chữ đó. Một lần tôi có vào thư viện, qua lại những kệ sách, nhưng tôi không biết tôi sẽ đọc được ý nghĩa của chữ đó trong quyển sách nào, nằm đâu trên những hàng kệ này.

                            Tôi không hiểu chữ duy nhất đọng lại từ giấc mơ đó, vậy thì cuối cùng tôi không hiểu giấc mơ. Tôi có thể quên giấc mơ ấy đi, đàng nào nó cũng không phải là câu trả lời cho một câu hỏi khẩn khoản nào, vì tôi chưa bao giờ nghĩ về ý nghĩa xác thực hay trừu tượng của địa ngục. Nhưng những hình ảnh lạ lùng và thứ âm thanh rì rầm trong đó vẫn ở lại, lắng xuống một nơi nào đó trong tâm tưởng. Và nó trở về tối nay, vào một hôm mà tôi cảm thấy tôi thiếu thốn ý chí. Nhưng ý chí là gì, tôi thiếu thốn điều gì mà cảm thấy mình ở gần cánh cửa địa ngục, nơi không có buồn đau, chỉ có sự vô cảm và lệ thuộc?

                            Nếu thiếu thốn ý chí, ít ra tôi phải nương theo một thứ nề nếp hay bổn phận nào đó để giữ lấy chút cân bằng tối thiểu. Tôi tự buộc mình đứng dậy, bắt đầu bỏ đồ đạc sách vở vào những chiếc thùng giấy, để sửa soạn dọn nhà. Đèn vẫn chưa bật.

                            Lúc đứng trước kệ sách, xoay lưng về khung cửa kính, tôi chợt có cảm giác là trong phòng có người. Một đứa con gái vừa đến và ngồi xuống chiếc ghế tôi đã ngồi suốt buổi chiều nhìn xuống thành phố. Tôi không quay đầu lại vội: đứa con gái chỉ là một cảm giác, và cảm giác ấy cần thời gian để trở nên rõ rệt hơn, hoặc là tan biến đi. Nếu tôi quay đầu lại ngay, tôi sẽ không nhìn thấy nó, nhưng cũng không có nghĩa là không có nó trong phòng. Tôi lấy những cuốn sách xuống thật khẽ. Tôi vẫn còn thấy sợ, nhưng có lẽ nỗi cô đơn của tôi đã làm cái sợ loãng đi, lẫn vào trong một chút mơ màng. Có ai đó nhìn thấy mình vẫn hơn không có ai nhìn thấy mình, dù người đó là ma, hay là một ảo giác.

                            "Mai ở lại căn phòng này, không nên dọn đi đâu hết. Ngày mai Mai sẽ trở lại Muôn Hoa."

                            Câu nói như một mệnh lệnh, nhưng nó thật dịu dàng. Tôi quay lại nhìn. Chi đang ngồi trên chiếc ghế trước khung kính trong một căn phòng chưa bật đèn. Nó chỉ là một bóng đen với mái tóc dài. Khung cửa kính phía sau lấp loáng ánh sáng từ thành phố bên dưới, ngoài xa.

                            Tôi nghe một chút gì dễ chịu, một chút ấm áp rất khẽ khàng chỉ đủ làm dịu đi một phần, chứ không phải tất cả nỗi sợ.

                            "Không bao giờ còn có Muôn Hoa nữa", tôi nói.

                            "Mai ngồi xuống đi. Hai chị em mình là một câu chuyện dài để nói."

                            Tôi đi đến ngồi xuống giường, tựa lưng vào thành gỗ đầu giường. Chúng tôi ngồi cách nhau gần hết chiều ngang của căn phòng. Vì chiếc ghế Chi ngồi đặt xoay mặt ra ngoài cửa, nên từ chiếc giường ở phía phải của khung kính, tôi nhìn thấy vai phải của Chi và đường nét gương mặt nhìn nghiêng của nó. Chi không xoay ghế về hướng tôi, tôi nghi ngờ một hồn ma có thể di chuyển được đồ đạc.

                            "Mai cứ bật đèn lên đi, nhưng đừng bật đèn lớn."

                            Tôi vặn cái nút tròn của cái công tắc đèn nơi đầu giường. Ánh sáng loang ra từ chỗ tôi ngồi, nó không sáng đến chỗ Chi, nhưng đủ làm rõ hơn đường viền của cánh tay, bờ vai, một bên má Chi. Tôi biết Chi giống tôi, nhưng cũng không giống. Tóc nó dài hơn, dường như mái tóc có thể chạm đến bất cứ điểm nào nó thích. Đôi mắt cũng dài và mi đen hơn, gương mặt gầy, có lẽ trông già dặn hơn tôi, và cũng đẹp hơn. Bỗng dưng tôi nói:

                            "Chi đẹp lắm."

                            "Thật hở? Em cám ơn Mai. Em cũng muốn em đẹp, dù cái đẹp của em, không có thực. Em chỉ mượn gương mặt, thân người của Mai, rồi tô vẽ thêm đôi chút. Đôi chút tôi hôi, như khi một hoạ sĩ chỉnh lại ánh sáng chiếu nghiêng bên má một người mẫu, để cho gương mặt sắc cạnh và lung linh hơn."

                            Chi im đi một lúc rồi nó nói trong lúc nhìn ra bên ngoài:

                            "Mai phải quay lại Muôn Hoa. Không thể nào không quay lại."

                            "Tại sao?"

                            "Tại vì như thế Mai sẽ có tiền để trả tiền nhà, tiền sách vở, và gửi cho mẹ. Có lẽ mẹ nên có một nhà tắm riêng, một cái chăn mới, một chiếc áo đẹp. Cả đời mẹ may được mấy chiếc áo lụa màu Mai có biết không?"

                            Tôi không trả lời.

                            "Nhưng chuyện tiền bạc chỉ là chuyện phụ, một chuyện phụ cần thiết. Chuyện chính là ở Muôn Hoa Mai sẽ trưởng thành, Mai sẽ hiểu được sự thật, và nhờ sự thật đó mà chúng ta được giải thoát."

                            "Sự thật nào? Tại sao Mai phải quay lại Muôn Hoa để tìm nó?"

                            "Người ta cần một dòng sông, để thò tay chạm được trăng. Và trăng chỉ chạm được, khi nó vỡ."

                            Tôi không hiểu. Tôi lặng yên.

                            "Tại sao Mai không muốn quay lại Muôn Hoa?"

                            "Cô Tâm muốn bán Mai... bán trinh của Mai."

                            "Mai cũng nên làm như vậy đi. Thôi không bám víu vào ý nghĩ rằng mình là một cô con gái nhỏ nữa."

                            "Bán trinh là một chuyện tồi tệ và đau đớn."

                            "Mai sợ đau sao? Không ghê gớm lắm đâu. Cắn mạnh răng vào môi, để cái đau tự mình gây ra làm loãng đi cái đau do người khác làm. Nó qua nhanh thôi."

                            "Mai sợ cái đau tinh thần, sợ sự sụp đổ khi đánh mất thứ quý giá nhất của người con gái."

                            "Không lẽ Mai giữ trinh suốt đời sao? Buồn cười lắm."

                            "Không, Mai chỉ giữ cho đến lúc..."

                            "Đến lúc nào?"

                            "Mai không biết. Đến lúc lấy chồng. Hoặc đến lúc có người yêu. Một mối tình thật, một mối tình dài lâu."

                            Tôi vừa nói vừa cảm thấy tất cả sự trừu tượng và xa lạ của câu mình nói. Dường như nói không có quyền có giấc mơ đó, giấc mơ của những đứa con gái lớn lên trong êm ấm.

                            Chi cười. Nó nhắm mắt, duỗi người, vươn hai cánh tay lên trần, quay mặt vào cánh tay để ngáp.

                            "Cứ cho là Mai sẽ gặp anh ấy, mối tình thật, mối tình dài lâu của chị. Nhưng tại sao lại phải để dành tiết trinh cho anh ấy? Tiết trinh của chị cứ có phải của anh ấy nhờ chị cất giùm đâu."

                            "Mai muốn để dành cho người yêu điều quý giá nhất của con gái."

                            "Mai vừa nói hay ai nói đó? Miệng của Mai chỉ nên để dành nói những điều Mai nghĩ. Còn lời của người khác nghĩ thì Mai không nên để nó đi ngang qua hai bờ môi hồng kia mà thoát ra ngoài."

                            "Mẹ nói như vậy. Mai nói lời của mẹ không được sao? Trinh tiết là thứ thiêng liêng. Nếu chúng ta không màng gì tới nó, thì ít nhất cũng phải hiểu rằng nó không phải là thứ mua bán được, chỉ có thể dâng hiến."

                            Tôi chợt thấy buồn ghê gớm vì nhắc đến mẹ trong một đêm như đêm nay. Chi cũng im lặng một lúc lâu. Cuối cùng Chi nói, giọng nó bây giờ cũng buồn:

                            "Mai dại khờ lắm. Cái gì Mai cũng học của mẹ, mà mẹ thì dại khờ nhất trong dòng giống dại khờ nhà mình.
                            Mai chưa nhận ra Mai là ai, được sinh ra như thế nào hay sao? Nhiều lúc em muốn Mai chết đi, rồi sống lại thành một người hết dại khờ. Em nói thật đó. Em muốn chị chết đi."

                            "Chi im đi. Mai không muốn nghe, cũng không muốn thấy Chi nữa."

                            Tôi nhắm mắt lại. Nếu tôi quyết liệt không chấp nhận rằng Chi đang ngồi đó, quyết liệt xua đuổi hình bóng của đứa con gái tóc dài và gương mặt tựa như tôi, thì khi mở mắt ra nó sẽ không còn đó.

                            Trong bóng tối mà tôi thấy bên trong đôi mắt nhắm, những vùng sáng mờ mờ trôi rất chậm. Căn phòng yên lặng lạ thường. "Tôi chỉ có một mình", tôi nghĩ, và nghe ý nghĩ đó lặp lại một lần, rồi một lần nữa, một lần nữa, lặp lại mãi như tiếng vang từ vách núi trong hang động. Khi tiếng vang tắt đi, tôi mở mắt ra nhìn về phía khung cửa.

                            Chiếc ghế trống. Chi không còn ngồi ở đó nữa, và lạ lùng thay, tôi cảm thấy buồn. Xua đuổi Chi rồi tôi còn phải xua đuổi nỗi buồn nó để lại.

                            Không, mẹ không nuôi tôi lớn lên để làm như vậy, chính Chi đã nói câu đó. Tôi phải rời bỏ nơi chốn này, xoá đi mọi ký ức về Muôn Hoa, về Chi. Tôi sẽ bắt đầu lại cuộc đời mình ở một nơi khác.

                            Tôi bật sáng tất cả đèn trong phòng. Tôi sắp đồ đạc, quần áo, sách vở vào những chiếc thùng giấy không, chỉ để lại bên ngoài ít món cho vài ngày còn lại ở đây. Tôi dán nắp các thùng giấy lại, và đi ngủ.

                            Giấc ngủ êm ái. Tôi dần rơi vào một vùng tối, nơi không khí rất mỏng, nơi ý nghĩ và ký ức trở thành sương loang ra rồi tan dần vào cái chết thinh vắng.

                            Tôi dậy muộn. Qua ánh sáng xám đục từ một khoảng trời không có mặt trời bên ngoài khung cửa kính, tôi không biết còn là buổi sáng hay đã là chiều, và tôi không muốn biết. Tôi chưa muốn ra khỏi giờ khắc lúc ý thức còn mong manh, chỉ đủ cho tôi nhớ lại loáng thoáng tên mình và loáng thoáng nỗi buồn, chưa rõ nét và không có sức nặng. Tôi muốn nằm hoài như thế. Nhưng một lúc nào đó tôi thấy đói. Tôi phải ngồi dậy, ăn uống và trở lại làm một tôi của ban này, của nỗi buồn dù vẫn không rõ nét nhưng chùng xuống vì sức nặng.
                            Lúc mở cánh cửa tủ để lấy một trong ba chiếc áo còn để lại, tôi bàng hoàng thấy tất cả quần áo của tôi vẫn còn nằm trong đó. Tôi bước đến giữa phòng: những chiếc thùng giấy còn nằm đó, nhưng nắp mở và bên trong không có gì. Tôi nhìn lên kệ sách, những cuốn sách của tôi đã được ai chất thành ba chồng trên các ngăn.

                            Tôi không buồn nhìn lại cửa ra vào để biết chắc rằng cửa vẫn khoá bên trong, không có ai đã vào phòng tôi đêm qu. Tôi biết không có ai đã làm chuyện vô lý này. Chỉ có tôi. Chỉ có tôi nhưng tôi không một mình.

                            Tôi vừa thấy giận, vừa thấy sợ. Sợ nỗi bất lực của mình, hay sợ chính mình? Tôi không biết. Chỉ có tình yêu của tôi trong lúc tôi thức và thân thể của tôi trong lúc tôi ngủ để làm mọi chuyện nó muốn. Chi nói tôi không có ý chí, tôi ở giữa đường. Tệ hơn giữa đường: tôi ở lưng chừng giữa đường và địa ngục. Đêm qua tôi đã thức để cất đồ đạc vào thùng, sửa soạn ra đi, sửa soạn bắt đầu một cuộc đời nào đó ở một nơi nào đó. Tôi muốn lẳng lặng nói với Chi rằng tôi có ý chí để bắt đầu cuộc đời đó, dù nó mơ hồ và gian nan. Nó quay lại lúc tôi ngủ, chiếm lấy thân thể của tôi, xoá đi dấu vết rằng tôi đã có ý chí để làm bắt đầu lại. Ý chí của tôi không có lý tưởng, tình yêu hay niềm tin nào làm sườn đỡ bên trong cho nó không gãy đổ. Nếu có chỉ là một ý niệm mơ hồ về sự thanh sạch. Sự thanh sạch của một con cá ở dưới tầng sâu một nghìn mét dưới mặt biển, nơi không có mặt trời nào rọi đến, nơi không có sinh vật nào cần có mặt.

                            Tôi chỉ cần làm được điều đó. Khoan nghĩ tới lý tưởng và hạnh phúc. Đừng đòi hỏi ý nghĩa. Đừng soi gương, đừng mơ ước, đừng tự thương thân, đừng đợi chờ. Cứ hãy lo cho mình mỗi ngày còn thở, và không làm đồ chơi cho kẻ khác.

                            Tôi định đứng dậy, sắp xếp đồ đạc của mình vào lại những thùng giấy, nhưng khi xoay ngang đầu, từ một góc mắt, tôi nhận ra Chi vẫn đã đến ngồi ở đầu giường phía bên trái, rất gần tôi.

                            Tôi vội nhắm mắt lại, tự nói với mình "Tôi chỉ có một mình". Nhưng câu nói không vang lên những tiếng vang từ vách núi. Nó tắt ngấm. Và trong lúc mắt còn nhắm tôi nghe Chi nói, nhẹ nhàng, chậm rãi:

                            "Chỉ có một lần này thôi. Một đêm duy nhất. Chi hứa. Sau đó, mọi việc sẽ khác hết.
                            Ngày kia em sẽ đưa chị trở lại Muôn Hoa. Chị sẽ chấp nhận đề nghị của cô Tâm. Chị sẽ xin cho chị gặp ba người khách đang hỏi mua trinh Mai. Mai sẽ không chọn người đẹp nhất hay trẻ nhất. Mai hỏi cô Tâm: "Ai giàu nhất?". Cô Tâm sẽ cho Mai biết và Mai sẽ nói chị muốn đi với người đó. Chị sẽ hỏi: "Ông ấy trả bao nhiêu?". Cô Tâm sẽ nói một con số đã bị cắt đi một phần lớn cho cô ấy. Chuyện đó tất yếu, chị đừng đòi hỏi, phần mình cao hơn, mà hãy nhờ cô Tâm xin ông khách thêm một ít, một ít thôi, vì cha bị bệnh, chị cần vừa đủ tiền trả bệnh viện. Ông khách sẽ không từ chối, và chị sẽ nhờ cô Tâm chuyển lời cám ơn ông ấy đã cứu cha, và chị hứa sẽ làm tất cả để ông được vừa ý.
                            Em xin chị hãy làm đúng lời em nói, một lần này nữa thôi. Chuyện này có thể làm chị lịm đi vì đau buồn, vì mẹ không nuôi chị lớn lên để làm như vậy. Chị sẽ lịm đi, nhưng khi tỉnh lại, chị đã là một người khác, trưởng thành, vững vàng, không còn gì có thể làm chị đổ vỡ và tổn thương được nữa. Em sẽ thanh thản, sẽ ra đi, sẽ không bao giờ còn quấy rầy chị nữa. Em phải đi. Trái đất không còn là quê hương của em, vương vất ở đây em rất buồn."

                            Tôi mở mắt ra, căn phòng bây giờ hoàn toàn vắng lặng.

                            Cô Tâm hỏi:

                            "Em đồng ý rồi chứ?"

                            "Em xin cô cho em một ít thời gian."

                            "Khách quyết định ngày nào, chứ không phải em. Người ta đã chấm em, nhưng không có nghĩa là người ta chịu chờ đâu. Và chị cũng không thể chờ, mấy cảnh ngồi mẫu của em đã bắt đầu chán."

                            Tôi vẫn đứng im trong hai phút. Cuối cùng tôi nói:

                            "Em xin cô cho em gặp người khách ấy trước."
                            "Khách chọn người mẫu chứ người mẫu không được chọn khách đâu."

                            "Em chỉ muốn biết người ấy là ai."

                            "Cũng có thể cô cho em ch ọn. Vì em là hoa đặc biệt trong đám hoa vườn cô."

                            Khi đi gặp những người đàn ông, tôi không trang điểm, mặc áo đầm màu vàng cúc, có cổ cánh sen, mang sandal trắng, gót chỉ vừa cao, tóc chải cẩn thận và buộc ở phía sau bằng một sợi dây ruy băng mỏng. Cô Tâm đã sửa soạn cho tôi như vậy.

                            Người thứ nhất tôi gặp ở tầng trệt khách sạn Sheraton. Tôi được mời một ly cocktail không cồn còn ông khách hình như không uống gì cả. Tôi không biết nói gì và không biết nhìn đi đâu. Người đàn ông hỏi tôi có thích Sài Gòn không. Ông hỏi rồi nhìn quanh với một chút mãn nguyện. Tôi hiểu là ông hỏi tôi có thích những nơi như khách sạn này không, nơi có ghế êm, không khí mát dịu, nhạc dương cầm, tiếng nói chuyện bằng những ngôn ngữ lạ tai của những người chung quanh... Sự sang giàu đã trở nên tầm thường với ông và choáng ngợp với tôi. Tôi nói dạ có. Ông nói ông sẽ đưa tôi đến nhiều nơi đẹp hơn ở đây. Có vài cô người mẫu thật đi với bạn trai vào uống nước, họ trang điểm lộng lẫy, đi giày rất cao, đi đứng vững vàng như chốn này thuộc về họ. Tôi uống hết nước, ông kêu bồi nhờ gọi taxi đưa tôi về.

                            Người thứ hai tôi gặp ở một nhà hàng hay câu lạc bộ ở bờ sông, có một sân cỏ rất rộng. Tôi biết ông khách này rất giàu, và tôi tin rằng tôi sẽ đi với ông vì lý do gì. Chúng tôi ngồi trong một cái lều mái hình lục giác ở mé nước. Ông ấy cũng hỏi tôi có thích nơi này không. Tôi cũng trả lời dạ có. Ông khách nhìn tôi hoài, ông gọi tôi đến để nhìn. Tôi chợt nhớ ra rằng những người khách đã nhìn thấy tôi nhiều lần rồi, không quần áo, trong một tư thế khuất phục đớn hèn nào đó, trong khi tôi không nhìn thấy họ vì mắt tôi bị bịt, ở Muôn Hoa. Họ đã thấy và cô Tâm đã rao bán trinh tiết của tôi với họ. Tôi thấy xấu hổ và uất ức ghê gớm. Thật lầm lẫn khi xin gặp những người khách ở một nơi bên ngoài Muôn Hoa, trong thế giới thật, mặc một chiếc áo lụa vàng, đi một đôi giày trắng, tóc buộc ruy băng mỏng như một cô gái lớn lên trong một gia đình nề nếp khá giả. Tôi băng qua một khoảng sân rộng để vào khóc trong nhà vệ sinh. Ở đó có một chậu thuỷ tinh lớn đổ nước và thả đầy hoa cúc đã ngắt khỏi cành, cánh rất cứng, vàng như màu áo của tôi, tươi đẹp và hoàn toàn vô cảm.

                            Tôi nói với cô Tâm tôi không xin gặp thêm ai nữa. Mọi việc đã xong, tôi đã được hỏi mua và tôi đã thuận lòng. Cô Tâm nói:

                            "Không có đứa con gái nào được chọn khách như em. Cô cho em chọn thì em nên chọn người em thấy mến nhất."

                            Tôi không trả lời, chỉ cúi đầu. Cô Tâm nói tiếp:

                            "Sau đêm đó chắc chắn người khách sẽ giữ em cho riêng ông ấy có thể là nửa năm. Em phải hiểu em không phải là đứa con gái duy nhất trong nửa năm đó, nhưng được khách giữ cũng tốt. Nửa năm cũng khá dài, được gần người mình mến thì hay."

                            Tôi vẫn không biết nói gì.

                            "Ý cô muốn nói là mỗi người khách lại có một ý thích hơi khác nhau trong cách họ muốn được phục vụ. Nếu đi được với một người có ý thích hợp với tính chất của em thì thật may mắn."

                            "Thưa cô, thế nào em cũng thấy hợp. Em muốn được đi với người giàu nhất."

                            "Để cô xem, người em vừa gặp rất khá giả, nhưng chưa phải là người giàu nhất. Người thứ ba mới là người giàu nhất."

                            "Vậy xin cô sắp xếp cho em với ông ấy."

                            "Em có muốn đi uống nước với ông ấy một lần không?"

                            "Thưa không."

                            Cô Tâm nói với tôi là khách sẽ rất dịu dàng. Chị Hoa đi xe với tôi đến căn phòng nơi tôi sẽ tiếp khách, chỉ tôi cặn kẽ tôi sẽ phải đứng ngồi thế nào và làm những việc gì. Chị nói nếu tôi không thực sự chắc chắn rằng tôi đã hiểu rõ công việc, chị sẽ cho tôi quan sát, từ phòng bên cạnh, một cô người mẫu đang phục vụ chính vị khách đó. Tôi từ chối, nhưng sau đó tôi lại thấy lo. Tôi nói với cô Tâm:

                            "Hay cô cho em xem một lần. Em sợ em không nắm thật rõ."

                            "Không cần. Em vụng về một chút thì khách mới tin rằng đây là lần đầu. Cô nói vậy nhưng em vẫn phải làm đúng những điều được chỉ bảo, đó là những điều khách yêu cầu trước với cô để cô sửa soạn cho em, cô muốn mọi việc thật hoàn hảo."

                            "Lần trước đây em có biết trước gì đâu."

                            "Không phải cô lường gạt em đâu. Lần trước vị khách đó muốn như vậy. Không sửa soạn cũng là một cách sửa soạn."

                            "Em chỉ còn xin cô giúp em hai điều. Em nhờ cô xin ông khách cho em thêm một nghìn, vì cha em bệnh, em đang cần tiền để trả viện phí cho cha. Và em xin được nhận tiền sớm, vì chuyện của cha cấp bách. Em rất biết ơn khách, và sẽ làm tất cả cho ông được vui lòng."

                            "Cô hiểu rồi. Tất cả các cô gái đều làm việc này cho cha mẹ, ai cũng là Thuý Kiều bán mình chuộc cha."
                            Tôi yêu tiếng nước tôi

                            Audio Truyện Kiều

                            Comment

                            • #15

                              15. Em là nỗi buồn

                              Tôi sẽ đến với khách vào đêm thứ sáu. Sáng thứ năm tôi đến Muôn Hoa để nhận phần tiền của tôi. Cô Tâm đang bận tiếp khách, cô bảo tôi ngồi trong một gian phòng nhỏ ở dãy nhà sau, cô sẽ gọi cho tôi.

                              Tôi chờ không lâu. Cô Tâm nói:

                              "Em nói em phải chuyển tiền gấp để nộp viện phí cho mẹ? Khách vừa cho người mang tiền đến là cô đưa cho em ngay. Cô đối xử với em rất đặc biệt, những đứa con gái khác phải chờ đến khi sau khi xong việc."

                              "Em cám ơn cô."

                              "Cô biết cô tin em được. Mấy đứa bảo vệ sẽ đưa em về, mai tụi nó đón em lúc sáu giờ chiều nhé. Nếu em có đi đâu, cứ gọi chúng nó đưa đi. Đừng đi đâu hay gặp ai một mình."

                              Tôi hiểu là tôi bắt đầu được canh gác.

                              "Em ra bưu điện gửi tiền cho người nhà có được không ạ?"

                              "Được chứ. Cứ nói với tài xế."

                              Mọi chuyện diễn ra rất nhanh. Tôi ra ngoài chờ anh Nam mang xe đưa tôi đến bưu điện, rồi về nhà. Trong lúc đang đi bộ về phía cổng, tôi thấy một chiếc xe màu đen từ phía sau chạy ngang qua tôi về phía hai cánh cổng đã mở sẵn. Nó ngừng ở cổng một giây, rồi rẽ vào đường biến mất khỏi tầm nhìn của tôi. Không biết sao chiếc xe làm cho tôi thấy bất nhưng. Một linh cảm mơ hồ làm cho tôi thấy sợ. Chiếc xe nói gì về chủ nhân của nó? Có phải ông ta là một người bạo tàn? Không, cô Tâm nói là ông sẽ rất dịu dàng, đó là gentlement. Cái gì trên chiếc xe đó tôi thoáng nhìn thấy nhưng chưa kịp nhận ra, cái gì báo cho tôi linh cảm tôi một điều không lành?

                              Tôi đến bưu điện, gửi cho mẹ một món tiền lớn, lớn hơn tất cả số tiền mà bà ngày ngày kiếm được đem về để trong chiếc tủ hương, dưới xấp quần áo, trong ba năm. Mẹ tôi sẽ muốn hỏi số tiền đó tôi làm sao có được, nhưng bà không thể hỏi, vì không có số điện thoại hay số nhà của tôi. Một hôm nào khác tôi sẽ nghĩ ra cách trả lời mẹ, một hôm nào khác, không phải hôm nay. Con không thể nào nghĩ về mẹ ngày hôm nay, bởi vì con đang có tội với mẹ, tội lớn lắm, con không hiểu, chưa hiểu hết là tội gì, con không nên biết, và mẹ không nên biết, vì nó sẽ làm cho chúng ta sụp đổ.

                              Tôi mời anh Nam tài xế ăn cơm Tàu với tôi ở đường Trần Hưng Đạo, rồi anh đưa tôi về nhà.

                              Anh Nam hỏi:

                              "Từ giờ đến chiều mai em có đi đâu không?"

                              "Em không định đi đâu hết, nhưng nếu có đi, em sẽ gọi."

                              Tôi thấy mệt, định lên giường nghỉ một lát, nhưng rồi tôi ngủ quên. Lúc thức dậy đã quá chín giờ tối. Tôi thấy lòng nao nao, bất an.

                              Tôi vào bếp nhưng không thấy đói, nên tự châm cho mình một ấm trà cúc. Trà cúc sẽ làm dịu cơn lo lắng. Tôi mang ấm trà và cái chén đến đặt lên chiếc bàn nhỏ. Tôi đến kệ lấy sách đọc, bất cứ cuốn gì, đọc để tập trung tâm trí tôi vào một chuyện khác và quên chuyện của tôi đi, để tìm chút an bình. Tôi đặt cuốn sách lên bàn, cạnh ấm trà, rồi ngồi xuống chế trà ra chén.

                              Tôi nhìn thấy cuốn sách, nó có bìa màu vàng. Tôi nhớ lại căn phòng, nhớ lại ngôi nhà nơi tôi đã lấy cuốn sách đó. Sách của Quỳnh nhưng tôi nói dối với mẹ Quỳnh nó là của tôi cho Quỳnh mượn và muốn lấy lại, chỉ để có được một lưu vật gì từ gian phòng đó, căn nhà đó. Tôi cầm cuốn sach lên và mở nó ra, lật qua lật lại các trang. Vẫn còn đây tấm danh thiếp mà người đọc sách trước đây đã dùng để làm tấm đánh dấu trang, rồi bỏ quên nó trong cuốn sách. Tôi cầm nó lên xem. Tôi hoảng loạn đến tận cùng.

                              Cuốn sách đó của cha tôi, chứ không phải của Quỳnh. Tấm danh thiếp đó là của cô Tâm và Muôn Hoa. Và chiếc xe màu đen lướt ngang qua tôi chạy ra cổng sáng nay là của cha tôi, người lái chiếc xe đó là người đàn ông đã mở cái khung sắt nhỏ nói chuyện với tôi ngày đầu tiên tôi đến Sài Gòn. Nỗi lo sợ mơ hồ của tôi về chuyện chẳng lạnh đã trở nên rõ nét. Người mua tôi, người mà tôi sẽ hầu hạ ngày mai ở Muôn Hoa, là cha tôi.

                              Tôi quỵ xuống đất. Tôi phải gọi cô Tâm, xin hoãn mọi thứ, xin huỷ mọi thứ ngay bây giờ, nhưng tôi đã ngất đi một nửa. Chiếc điện thoại đâu rồi, tôi không còn tỉnh táo để tìm nó. Tôi nằm úp mặt xuống sàn gạch và khóc. Tôi kiệt sức và lịm đi, đến gần tối.

                              Khi tỉnh táo lại một chút, tôi đứng dậy để gọi điện thoại cho cô Tâm. Tôi không thể dùng điện thoại bàn, vì tôi lưu số của cô trong điện thoại di động. Nó đâu rồi? Tôi bật đèn đi tìm nó khắp nơi. Không biết nó ở đâu. Tôi đã quên nó trong quán ăn? Hay trên xe? Tôi để nó trong ví kia mà. Ví tôi đâu rồi?

                              Tôi tìm thấy trên chiếc bàn nhỏ đặt ở đầu giường, không phải chiếc ví của tôi, mà những trang giấy. Tôi không nhớ đã đặt tờ giấy nào ở đây. Chỉ có Chi mới làm được chuyện lạ lùng này. Tôi đang muốn nói chuyện với Chi, báo cho nó biết chuyện kinh khủng đang đến. Nếu Chi không biết, tôi sẽ gọi nó đến. Tôi sẽ đốt hương đốt nến, đốt bất cứ thứ gì, đốt cả căn phòng này, để gọi hồn Chi đến.

                              Tôi ngồi xuống, bật cây đèn ở đầu giường lên. Tôi cầm lên những trang giấy và bắt đầu đọc thư của Chi.

                              Vâng, người đàn ông đó chính là cha. Bây giờ thì Mai biết rồi và Mai đang khóc, đang hoảng sợ kinh hoàng. Vậy mà em lại bảo Mai tạm bình tâm lại đôi chút. Em sẽ bắt đầu câu chuyện ở một nơi khác. Câu chuyện này là câu chuyện duy nhất của em, câu chuyện duy nhất cần được nói, nó quan trọng đến kỳ cùng. Mai hãy công bằng với em, hãy đọc thư em chậm rãi. Đừng đọc trong hoảng loạn, đừng vội phán đoán đúng sai. Em đã chờ tất cả những năm tháng dài từ lúc cuộc đời chúng ta bắt đầu, để được nói ra một lần, một lần này. Mai hãy đọc thật chậm. Chén trà cúc còn để trên bàn, tuy nước đã nguội rồi, nó vẫn làm dịu tâm trí Mai được đôi chút. Mai uống đi, rồi hãy đọc tiếp.

                              Em là nỗi buồn Mai à. Mai gọi em là Chi, nhưng Chi nó chết rồi còn đâu. Đâu còn cái đầu bé nhỏ chỉ muốn rúc vào ngực mẹ, đâu còn cái miệng bé nhỏ chỉ muốn bú muốn hút tất cả nguồn sữa nó tìm được vào cái cơ thể bé nhỏ để nó thôi không bé nhỏ nữa, để nó cao lên lớn lên, có mặt giữa loài người. Tách em ra khỏi Mai, em đâu còn cơ thể nào để đứng ngồi, đâu còn trái tim để yêu, da thịt để ấm lạnh, hay đau đớn, hay đê mê như một con người. Tách em ra khỏi Mai, em chỉ còn nỗi buồn, cũng không phải là nỗi buồn của Chi, vì Chi có còn đâu. Em là nỗi buồn đứng một mình. Khi em nương nhờ cơ thể của Mai, em trở thành nỗi buồn của Mai. Khi em vương vất qua bao xóm nhà, bao con đường, em trở thành nỗi buồn của loài người, của tất cả dòng giống người em muốn thành mà không được thành. Mai nói em vương mang thù hận, nên không thoát kiếp được, vất vưởng ở đây làm một con ma buồn khổ. Mai nói như nhà sư nói. Nhà sư bảo người sống cúng giải oan, vẩy cho em chén nước, đốt cho em vàng hương, nếu em quên oán nghiệp, thì sẽ thôi buồn khổ.

                              Không phải thù hận làm nên nỗi buồn đâu Mai. Suốt một đời ma em chỉ là nỗi buồn, chứ không phải là thù hận. Thù hận chỉ đến lúc sau này khi em nương nhờ thân thể Mai, Mai không chịu được nữa, Mai oằn xuống. Em nhìn Mai thấy xót xa. Lần đầu em ước ao mình không còn đó nữa, em thực sự muốn mình mất đi. Mai sẽ thôi gánh cái gánh buồn chực làm đổ vỡ châu thân. Nhưng em không thể tan đi được, không có cách nào hết. Lúc đó em mới hiểu là có một cách, nếu người dàn ông đó hiểu ông đã làm gì, thì em sẽ tan được. Cha tàn phá cuộc đời của mẹ rồi không hiểu rằng mình đã làm chuyện đó. Vì ông không phải là mẹ, ông không hiểu người ta phải sống cuộc đời rất dài của mình thế nào sau khi đánh mất nó vào năm hai hai tuổi. Cha giết con, rồi không hiểu rằng mình đã làm chuyện đó. Vì cha không phải là em, ông không hiểu đứa con gái bị cha mình úp chiếc gối vào mặt thì nó thèm được thở như thế nào, không phải chỉ trong lúc ấy, mà mãi mãi, vĩnh viễn, nó không bao giờ ngưng thèm được thở. Ông không biết địa ngục nó như thế nào. Vì ông không phải là Mai, cha không hiểu khi đứa con gái chỉ có vải che mắt chứ không có vải che thân ngồi bên dưới những ngọn đèn cầy đang nhỏ sáp xuống nó như thế nào. Chính vì ông không hiểu nên em không tan đi được. Ngày cha hiểu, em sẽ mất đi, sẽ không còn. Làm sao cho cha hiểu sự tàn phá hở Mai? Ma quỷ có thể xô ông ngã từ lầu ba, hoặc đẩy cho xe đụng ông què quặt; thần thánh có thể thổi một làn hơi đủ làm bay hết của cải cha lấy của người ta. Những chuyện ấy dễ lắm, khi con sâu đã bò lên đến ngọn cây, gọi một con chim đến ăn nó thì có khó gì. Nhưng làm như vậy cha cũng không hiểu, cuộc đời không khác mấy nếu còn hay mất đi một con sâu mê muội, vì trước sau gì nó cũng mất, và nó mất rồi nĩo buồn cũng còn hoài. Em chỉ tan được nếu cha hiểu. Cha chỉ hiểu sự tàn phá khi cha ở cả hai đầu của sự tàn phá ấy. Cha phải vừa mang giày đinh giẫm đạp lên một con chim lỡ sa xuống đất, vừa là con chim ấy để hiểu giờ phút bầu trời bị giẫm đạp, từ phía trên và phía dưới đôi giày đinh. Cha phải tàn phá chính mình và hiểu sự tàn phá ngay khi nó xảy ra. Cha phải hiểu tội lỗi, và nỗi tan hoang.

                              Em không biết em chết như thế nào. Lúc em chết em còn bé quá. Về sau em mới biết, do mấy con ma già hơn em kể lại, là cha đưa cho lái xe ở cơ quan năm chỉ vàng, để hắn mang em về quê cho một người chị họ hắn nuôi. Nhận năm chỉ vàng xong, hắn úp cái gối lên mặt em cho em chết rồi mang em đi bỏ. Hắn đặt em vào một cái giỏ, ràng cái giỏ vào yên sau xe đạp. Lúc đó độ năm giờ chiều. Nhưng hắn vừa dắt xe đạp ra khỏi cổng thì gặp vợ hắn đang đứng chờ ở gốc cây trước nhà. Bà ấy cho bạn mượn xe, nên đi bộ đến chỗ hắn công tác chiều đó chờ hắn đèo về nhà. Hắn đành tháo cái giỏ ra đưa cho vợ ôm, bảo là giỏ của thủ trưởng, miệng giỏ vẫn còn cột dây cẩn thận. Nhưng bà vợ ngồi sau tò mò luồn tay thò vào giỏ xem trong đó có gì. Bà nám phải bàn chân một hài nhi chết đã lạnh, bà ấy la thét lên, ném cái giỏ xuống đường. Mọi người xúm lại. Tên lái xe mới giả vờ la theo, nói rằng hắn nhặt được cái giỏ của con bé nọ bỏ bên đường, ngay trước căn nhà của cha ở Tuệ Tĩnh. Công an đến. Công an hỏi những người buôn bán ở lề đường, họ không nhớ có thấy gì. Hỏi kỹ hơn thì anh vá xe rồi cả bà hàng nước ở đầu đường cùng nhớ có thấy có một cô gái độ mười lăm mang cái giỏ qua lại chỗ đó mấy lần. Cha biết là tên lái xe sẽ úp cái gối lên mặt em. Năm chỉ vàng cha đưa là để trả công hắn làm việc đó thay ông, chứ không phải để hắn mang về quê đưa cho chị họ hắn nuôi em. Không có một chị họ nào ở quê hết. Cha cũng biết như vậy. Thoả thuận giữa cha và tên lái xe không bao giờ được nói ra bằng lời. Nhưng họ đã hiểu nhau tuyệt đối. Có người cho rằng tội lỗi khi chỉ nằm trong ý nghĩ, hoặc ý muốn, thì không phải là tội lỗi. Ông giết con cũng mới chỉ là ý muốn. Ông chưa bao giờ nói với thằng tài xế, tao thuê mày giết con tao. Ông chỉ đặt vào tay thằng tài xế năm chỉ vàng để ý muốn của ông trở thành hành động. Với thằng tài xế, đó là một vụ làm ăn. Với ông, nó dừng lại ở mức ý muốn, chưa phải phạm tội. Mai đừng nói rằng cha có sai thằng tài xế giết em bằng lời hay không thì có gì khác đâu. Nó khác lắm. Nếu hỏi một nghìn quan toà ở trên dương thế, có bao nhiêu người sẽ cho rằng cha không giết em? Cha không bóp mũi hay siết cổ em bằng bàn tay của chính mình, không biết khi bàn tay với những ngón tay cứng và mạnh của một nhưng đàn ông đã lớn chạm tới làn da mỏng tang của bé thơ thì cảm giác ấy thế nào. Đó là điều tệ hại nhất của cuộc đời, nơi chập chùng xương trắng những đứa trẻ bị giết, nhưng không có những kẻ giết người. Mai đừng nghĩ là em trả thù, vì đời đời con người đắm chìm trong những mối nợ nần nhau, trùng điệp không còn mối gỡ. Mai đừng nghĩ em đưa cha vào thứ tội lỗi ghê hồn nhất, để ông mãi mãi bị đoạ đày ở địa ngục, nơi sông không chảy, gió không thổi, ngày không đến, đêm không đi. Cha giẫm đạp lên cuộc đời những người khác, những người vì một thứ duyên phận tiền định nào đó, vào một lúc nào đó đã trao cả sinh mệnh của họ cho cha, cần có được chút nghĩa tình thương vọng để mà sống sót. Và cha đã giày xéo lên họ mà không cần nghĩ mình tàn bạo. Nạn nhân của cha nhỏ hơn những con người, nên cha không cần nghĩ tới tội lỗi.

                              Cha không phải là người buông thả. Người buông thả không có ý chí, để cho đam mê và lạc thú làm chủ mình. Họ dễ quên trọng trên khinh dưới, cho nên họ không leo lên được cái ghế cao của quyền thế. Trái lại, cha là người yêu nguyên tắc, yêu trật tự, và rất biết chọn những trật tự nào có lợi cho ông để ông yêu. Trong thứ trật tự đó, phần bánh của ông và những người như ông trong xã hội quá lớn: quyền lực, nhà cửa, tài sản... cho nên sự hưởng thụ của ông cũng phải lớn, chứ đó không phải là đam mê. Ông uống rượu chứ không nghiện, chơi gái chứ không yêu. Nếu có đam mê, có thể ông sẽ vô độ hơn, nhưng dễ tha thứ hơn. Nhưng ở đây chỉ có sự tính toán chặt chẽ, để đảm bảo được cả hai phần: phần bánh của một người thành công mẫu mực, và phần bánh của con thú bên trong con người đó. Nhưng còn những đứa con gái?

                              Mai hãy nhìn phần của chúng ta, chúng ta có gì? Một người mẹ suy tàn quá sớm vì nghèo khổ và buồn tủi; một chỗ ngồi trong giảng đường nơi chúng ta không đến được vì nếu đến thì ban đêm không có chỗ ngủ và ban ngày không có gì ăn. Chúng ta lấy đâu ra sức lực để đòi hỏi hay báo thù. Ngay cả sức lực để cầu xin và đợi chờ chúng ta cũng không có. Mơ ước cũng tắt đi vì kiệt quệ. Em không có sức lực để oán trách, Mai không có sức lực để tha thứ. Và cuộc đời cứ trôi, mọi việc cứ tiếp tục như vậy. Không thể được Mai à. Chúng ta phải chết một lần cái chết nơi trận mạc, trận đầu và trận cuối, để cứu mình, cứu cha.

                              Đi vào bãi chiến trường thách thức địa ngục và thiên đường đó, chúng ta có gì? Quyền lực đâu, vũ khí đâu, đồng minh đâu? Chỉ có tấm thân này. Và nỗi sợ hãi nguyên thuỷ trong lòng cha: viên đá lửa đã trăm năm nay không biết sự va chạm. Không còn gì có thể làm cho nó toé lên những tia chớp. Chỉ còn một thứ. Nếu không bán mình chuộc cha, không đem ngọc trinh tiết của những đứa con gái chơ vơ ra va đập vào viên đá, chúng ta biết lấy gì khởi đầu cơn bão lửa? Chúng ta nào có lựa chọn.

                              Trong giây phút người ta hiểu được tội lỗi, thì nó tan biến đi, sông sẽ trôi và gió sẽ thổi. Nhưng cha không hiểu, không bao giờ hiểu. Cha vẫn ở trong thế giới của những người cho là mình lương thiện, họ xây nên luật lệ, nhà cửa và tượng đài để tôn vinh và bảo vệ lẫn nhau. Nếu đời là một chiếc cối xay, cha là một trong những người tạo ra nó, không có một thứ lời nói nào có thể nói cho cha hiểu về những con người nằm bên dưới tảng đá của chiếc cối xay. Em phải đưa cha xuống bên dưới. Em không có cách nào hết. Chỉ có một khe hở: ông mua phụ nữ trẻ. Vậy thì những đứa con gái của ông sẽ đem thân mình ra, kìa gương nhật nguyệt nọ dao quỷ thần, để dắt ông xuống dưới. Có những kẻ giết người nhưng không thấy máu nên không biết mình giết người. Em sẽ đưa cha đến nơi án mạng, không phải để trả thù, mà để cho tội lỗi đến nơi kỳ cùng rồi thì nó tan biến đi, trong giây phút cha nhìn ra nó. Em chỉ muốn ông biết khi cha giết con gái, và máu chảy ra, thì nó như thế nào.

                              Khi vũng máu hồng trinh tiết đã chảy ra và thấm vào làn vải trắng tinh mà cô Tâm đã cho trải lên giường, Mai sẽ quỳ trước mặt cha và nói: Con là Phan Kỳ Mai, lẽ ra là Nguyễn Kỳ Mai, vì cha con họ Nguyễn. Con là con của bà Phan Ngọc Liên và ông Nguyễn Bá Lân. Con là con gái của cha.

                              Nếu ông tin rằng phá trinh một người con gái đem lại may mắn trong công việc làm ăn, thì ông cũng biết rằng phá trinh con gái mình sẽ huỷ hoại, không phải là công việc làm ăn mà thôi, mà là một thứ khác. Chính ông sẽ phải biết thứ khác đó là gì.

                              Cha quá thờ ơ với khổ dau, chỉ khi ở trung tâm cơn bão, cha mới nghe thấy tiếng gió. Chỉ khi mặt trăng vỡ tan, ông mới nhìn thấy sự thật. Tội lỗi đó với ông lớn hơn tội giết con. Nó ngang với tội giết tổ tông. Thế giới của ông sẽ vỡ tan. Chỉ trong sự đổ vỡ, ông mới nguyên lành trở lại. Người Thiên Chúa rửa tội bằng lửa, Mai có biết không?

                              Mai làm cho em lần này, một lần cuối cùng duy nhất, đưa tội lỗi đến chỗ tận cùng, để cha quỵ xuống và trở lại làm người. Mai chỉ có một cách này để bán mình chuộc cha. Em xin Mai một lần, cho nỗi buồn em tan đi. Cho em tan đi.
                              Tôi yêu tiếng nước tôi

                              Audio Truyện Kiều

                              Comment

                              Working...
                              X
                              Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom