• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Phùng Quán - Vịn vào thơ mà đứng dậy.

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Phùng Quán - Vịn vào thơ mà đứng dậy.

    Phùng Quán - Vịn vào thơ mà đứng dậy.
    Nguyễn Mạnh Trinh

    Link" align="left" border="0" alt="" style="padding:7px;" />Phùng Quán, một khuôn mẫu đời trong một xã hội nhiều biến động. Thuở nhỏ, trải qua “Tuổi Thơ Dữ Dội", viết “ Vượt Côn Đảo” Tham gia nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, tiếp theo là chuỗi ngày trưởng thành gian nan, mà ông thường tự kể "ba mươi năm, cá trộm, rượu chịu, văn chui”. Bị cấm viết mà vẫn nặng nghiệp cầm bút, viết bằng hàng chục bút hiệu, viết để mà cố gắng sống còn. Cái đòn thù cơm áo mà Đảng và những tay lãnh đạo văn nghệ tuy độc hại nhưng không làm sờn lòng. Làm thơ, viết văn, như một cách thế trả nợ đời. Và, lúc nào, cũng thẳng lưng:

    “Tôi muốn làm nhà văn chân thật
    Chân thật trọn đời
    Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
    Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã”

    Những lúc buồn nản, hoặc tâm tư bị nhiều xáo trộn của đời sống, tôi lại nghĩ đến câu thơ Phùng Quán:

    "Có những phút ngã lòng.
    Tôi vịn câu thơ và đứng dậy”

    Không biết ngôn ngữ thi ca có chất an thần hay không, nhưng lúc ấy, tôi thấy làm thơ hay đọc thơ, đã làm tôi thoải mái khá nhiều. Thơ như một phương thức buông xả, để thấy mọi chuyện trên đời sẽ nhỏ bé biết bao so với cái không gian bao la thăm thẳm của thơ và tâm hồn sẽ nhẹ nhàng triệt tiêu đi cái sức ngàn cân đè nặng. Cứ thử tưởng tượng, con người sẽ bị bào mòn đến rã rời từ thể xác đến tinh thần biết bao nhiêu với nhịp sống quay cuồng ào ào đến chóng mặt hiện nay. Một tuần, bắt đầu một ngày thứ hai rồi chấm dứt một ngày cuối tuần, vụt qua chớp mắt. Thấm thoát mà hơn hai mươi năm ở xứ người, ngoảnh lại chỉ là một thoáng. Thơ, với tôi, là khuôn trời biếc, cho cánh diều bay lên tận trời xanh. Thơ, là cơn gió mát mùa hạ từ ngoài khơi thổi về mang theo hương vị của muối biển và rong rêu xa lạ. Có những khi ngã lòng, có lẽ tôi cũng phải vịn vào những vần lục bát, những câu bảy chữ, tám chữ thật? Bởi, nếu không có thơ, cuộc sống tôi vô vị xiết bao.!..

    Yêu thơ, cũng có nhiều người rất yêu, nhưng có khi, chỉ là thái độ của người “cưỡi ngựa thưởng hoa" mà thôi. Yêu thơ, để sống chết với thơ như Phùng Quán khá hiếm. Những câu thơ, viết ra với tâm trạng cực kỳ chân thành với chính mình, không ngờ là mầm mống cho những tai họa khôn nguôi cho một cuộc đời. Tôi nghĩ đến câu nói của Tố Hữu khi nói về đứa cháu của mình “Quán nó dại và tôi cũng dại" lúc bị mất hết quyền hành và nghĩ lại về những việc làm đã qua. Vì thơ, mà Phùng Quán bị biết bao nhiêu đòn thù giáng xuống của một chế độ độc đoán không thích những người có lòng trung thực.

    Thực ra, tôi đọc Phùng Quán không nhiều. Tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo" tôi chưa được đọc. Chỉ có vài bài viết trên tạp chí Sông Hương và Cửa Việt, nhưng làm tôi xúc động, như bài viết về Nguyễn Hữu Đang hay kể lại cuộc xông đất đầu năm với Tố Hữu. Cũng như những bài thơ của Nhân Văn Giai Phẩm thuở nào.

    Gần đây, tôi đọc “Trăng Hoàng Cung”, một cuốn sách kỳ lạ trong một tâm trạng cũng khá kỳ lạ. Cuốn sách được in ở hải ngoại như một cách thổ lộ tâm sự của người trong nước. Một cuốn sách mỏng nhưng chất chứa nhiều nỗi niềm của một người chịu nhiều dông bão của cuộc sống.
    Tôi nghĩ một cách chủ quan, tác giả đã viết với tâm đắc của mình. Ông không để ý đến thể loại. Gọi là tùy bút cũng được, mà thơ văn xuôi cũng không sai. Nhưng rõ rệt một điều, những trang sách đẫm chất thơ và là những cảm nhận khá sâu sắc và chân thành về nghệ thuật. Nhân vật, dù chỉ là thi sĩ và nàng thơ, cũng chỉ là những biểu tượng. Có khi, thi sĩ không phải là Phùng Quán, mà là một khuôn dáng của tổng hợp giữa tưởng tượng và hiện thực. Và có thể không có thực trên cõi đời này. Còn nàng thơ, có phảng phất bóng dáng của một tôn nữ miền sông Hương núi Ngự. Biết đâu, chỉ là biểu tượng của ý nghĩ tạo hình thành.
    Phùng Quán là người đã viết những câu thơ, của một thời Nhân Văn Giai Phẩm, với tâm huyết dồn lên đầu ngọn bút:

    “yêu ai cứ bảo là yêu
    ghét ai cứ bảo là ghét
    dù ai ngon ngọt nuông chiều
    cũng không nói yêu thành ghét
    dù ai cầm dao dọa giết
    cũng không nói ghét thành yêu"

    Hoặc, với phong cách của một chiến sĩ, như lời khai từ của “Trăng Hoàng Cung":

    “Hai mươi mốt tuổi, tôi, người lính chiến bước thẳng vào làng Văn với cuốn tiểu thuyết đầu tay kể chuyện những người vượt ngục thất bại. Ngay sau đó tôi được coi là nhà văn. Nhưng với tôi thơ là tất cả. Thơ là mạng sống là lý lịch đời tôi.. tôi dương thơ như ngày nào ngoài mặt trận dương lưỡi lê đánh giáp lá cà với thói dối trá, đạo đức giả, tệ nạn quan liêu, lãng phí, bòn rút, ăn cắp của công- tuy ngày đó mới manh nha, nhưng tôi đã dự cảm sẽ là hiểm họa to lớn đang rình phục nhân dân tôi”

    Thơ ông viết ra, đã phải trả giá đắt cho cuộc sống mình. Ba mươi năm của tuổi trẻ thanh xuân sẽ tươi đẹp xiết bao , nhưng vì án văn tự mà ngược lại thành dẫy đầy những cơn ác mộng. Toàn là vùi dập đầy ải và dồn đến ngõ đường cùng của kiếp sống. Người cầm bút mà bị bắt buộc bẻ bút, sinh kế gia đình bị bao vây khiến có lúc ông đã phẫn nộ thốt lên ông sống được là nhờ văn chui, rượu chịu, cá trộm... Văn chui bởi vì viết ra ký tên thật không chỗ nào dám đăng, phải mượn tên người khác để có chút nhuận bút còm cầm hơi. Rượu chịu, uống để thay cho những cay đắng của cuộc đời, uống dù chẳng đủ tiền mua. Cá trộm, ở những ao hồ chung quanh thành phố Hà Nội, phải luôn luôn coi chừng những con mắt rình mò của các “ông” công an. Sinh kế cùng cực đến thế mà thơ vẫn bay bổng, ăm ắp trong hồn. Thơ như chứa thành lẫm, thành kho, miên man bất tận. Những nguồn suối, cội sông thi ca dường muốn hội tụ về biển mẹ bao la.
    Nhưng cũng có lúc, thơ không làm được nữa. Thơ dù lao động khổ nhọc vẫn không thành hình. Thi sĩ phải lên rừng đào mạch thơ giữa thiên nhiên. Sống khổ hạnh, mọi vật dụng giản đơn thô sơ như người tiền sử ông quyết đi tìm lại chính cuộc sống mình. Bên cạnh suối Linh Nham ồn ào tiếng nói của thiên nhiên nhưng vắng bặt âm thanh con người, ông một mình một bóng sống và tìm kiếm. Tự đào một huyệt đá cho mình, nguyện nếu không tìm được thơ sẽ chôn mình ở đó. Trong ba năm, chỉ làm được một bài thơ duy nhất.

    “Tôi phải lên rừng
    hái lá khổ sâm
    tự mình cất lấy ly rượu uống
    Ôi rượu khổ sâm đắng lắm!
    Đắng đến tận cùng nỗi đắng thế gian
    Bạn hữu thân thiết ơi!
    Xin đừng trách cứ tôi
    Sao trong thơ tôi cứ lẫn nhiều vị đắng
    Chỉ vì
    Tôi vừa ngâm ngợi câu thơ
    Vừa cạn chén rượu đời
    Cất bằng lá khổ sâm”

    Chàng thi sĩ trở về lại xứ Huế để bắt đầu một cuộc tình. Tình yêu có hai mặt. Bên ngoài là vẻ hào nhoáng lãng mạn, nhưng bên trong là nỗi đau thăm thẳm của đời thường. Thực tế là cuộc tình của anh chàng Trương Chi và nàng công chúa Mỵ Nương ngày xưa. Dù chàng thi sĩ làm thơ nhưng cũng không mang cái nét nghệ sĩ để làm nàng xiêu lòng.

    Với thi sĩ ,bút đòi mực, mực đòi giấy, giấy đòi thơ, chàng vẫn một mực chân thành với chính ý nghĩ mình:

    “với nhiều người giấy không kẻ dòng dễ viết đẹp
    nhưng với tôi
    Không có gì đẹp hơn
    Viết ngay viết thẳng

    Là nhà văn
    Tôi yêu tha thiết
    Sự ngay thẳng tột cùng
    Ngay thẳng thủy chung
    Của mỗi dòng chữ viết...

    Làm gì có cuộc tình đẹp giữa hai người cách biệt như thế. Dù bao nhiêu ghẻ lạnh, dù bao nhiêu đuổi xua, những bài thơ là chứng từ của cuộc tình đơn phương lãng mạn. Phùng Quán làm thơ như chàng nghệ sĩ đánh cá ngày xưa mượn tiếng hát để ngỏ thật lòng mình. Nhưng rốt cuộc chỉ là ảo ảnh tan loãng vào đáy cốc.Thiên đường chỉ là tưởng tượng. Trăng hoàng cung, như một biểu tượng. Rồi cũng tan loãng hư vô.vầng trăng mà chàng thi sĩ tôn thờ đã bị lấm bẩn.Không còn của riêng chàng, mà đã qua tay nhiều kẻ. Trăng không còn trong huyền thoại và chàng thi sĩ khóc:

    “tôi khóc niềm tin yêu nát tan
    tôi khóc ngai vàng mộng tưởng
    tôi khóc Trăng Hoàng Cung bị lấm bẩn
    tôi khóc không biết lấy gì để gột sạch Trăng”

    Tôi nghĩ Phùng Quán không chủ tâm kể một chuyện tình. Mà đó chỉ là một cái cớ. Chẳng lẽ ông viết lại một chuyện tình như Trương Chi – Mỵ Nương sao? Ông muốn ví von gì với những bài thơ viết không phải với dụng ý tỏ tình? Những câu thơ như muốn bầy tỏ một ý hướng nào khác hơn mà thi sĩ muốn bầy tỏ. Không hiểu tôi có nghĩ xa hơn những dòng chữ viết không?

    “trên vực thẳm vô cùng của hạnh phúc
    Tôi bỗng thấy mình đang đứng quá cheo leo”

    Trăng hoàng Cung có những nét đẹp trong sự mâu thuẫn. Những câu thơ rất thực, của một chiến sĩ kiên cường. Nhưng cũng có những điều lãng mạn của một người nghệ sĩ biết yêu, dám yêu và sống chết với yêu. Hình như, Phùng Quán có ý định viết một trường thi thì phải ? Trăng Hoàng Cung có rất nhiều câu thơ tâm đắc của một đời người cầm bút. Biểu tượng vầng trăng của Tử Cấm Thành với người đẹp sông Hương kiêu sa có liên hệ gì với thi ca, với quãng đường nhọc nhằn sáng tạo. Hạnh phúc, có khi là sợi khói mơ hồ, rồi sẽ tan loãng khi nắng mặt trời lên.Hạnh phúc, có lẽ nào chỉ trong mộng ảo và chẳng có ơ đời thường?

    Cho nên tôi cũng chẳng bận tâm khi gọi cuốn sách này là thơ, tiểu thuyết hay tùy bút. Ngôn ngữ đâu cần tách bạch như thế.Tôi chỉ biết mình đang lạc lối trong một không gian thời gian đầy ắp chất thơ. Và , những ấn tượng mạnh mẽ nhất vẫn là thái độ chân thực với mình, với người của một nghệ sĩ. Không phải “Trăng Hoàng Cung” chỉ có hai nhân vật thi sĩ và nàng thơ. Mà còn có chúng ta, những nhân vật của trường thi cuộc đời đang chia sẻ nỗi niềm với một người luôn băn khoăn tìm cái đẹp vô cùng miên viễn của nghệ thuật sáng tạo.
    Sống trên đời

    Similar Threads
  • #2

    Phùng Quán lạy dưa
    Hoàng Phủ Ngọc Tường

    Tôi kết bạn với Phùng Quán hơn hai mươi năm, nhìn thấy ở họ Phùng một cốt cách nghĩa khí suốt đời không thay đổi. Không phải chỉ riêng cho lý tưởng Tổ quốc đã lựa chọn từ thuở Tuổi thơ dữ dội, cho lòng trung với nhân dân vượt qua bao gian lao hoạn nạn, mà cả khi ung dung ngắm nhìn cây trái, tấm trung can nghĩa khí ấy vẫn sáng lên như một phiến ngọc ẩn giấu trong tâm hồn thi nhân.
    Đọc thơ Phùng Quán, thật tôi khó quên cây vạn niên thanh sống toàn bằng nước lã và khí trời mà tràn trề sức xanh biếc; cây xương rồng thẳng đứng trên cát lửa như hóa thân của một người hành nghiã; cây cọ dù mọc trong vườn hay trên đồi sỏi vẫn sống đời đại thụ. Hoặc như cây bông cứt lợn lam lũ bên đường, không chút hệ lụy với miếng đỉnh chung, chỉ biết ‘’ đẹp hết mình vì cộng đồng cây cỏ ‘’, hoặc như trái cà nuôi quân đánh giặc, cuống đã khô trên cành, ‘’ còn chưa nguôi tím nguôi xanh ‘’.. .
    Tất cả toàn là những bài tụng ca dành cho cây cối đã vươn lên khỏi số phận nghiệt ngã để đơm hoa kết trái, làm nên những phẩm chất cao cả bất ngờ, giống như những điều kỳ diệu của cuộc sống. Bình sinh Phùng Quán vẫn thích nhắc câu thơ của thi sĩ Mỹ Robert Cummings: ‘’ Bọn thi sĩ vớ vẩn
    chúng tôi chỉ làm được những câu thơ, chỉ Thượng đế mới làm ra cây ‘’. Thơ Phùng Qúan có lần đưa ra lời thỉnh cầu của một người tầm sư học đạo, xin cây dứa dạy cho mình cách lọc ra chất ngọt lành từ đất đai cằn cỗi:
    ‘’ Để từ cuộc sống gian lao khôn lường
    Tôi vẫn viết được
    Dâng tặng đời
    Những trang văn đầy ắp mật ‘’....
    .
    Năm xưa Phùng Qúan cùng tôi giang hồ lang thang qua miền đất đỏ Vĩnh Linh. Trời nắng đổ lửa, đất ba-dan bát ngát không một giếng nước, làng thì xa tít, chúng tôi bị cơn khát hành hạ đến rát bỏng cả cổ họng. Bèn lần tìm đến một đám ruộng trồng dưa hấu, thấy toàn lá khô và ba trái dưa cỏn con đã héo quắt vào cuối mùa. Bỗng nhiên Phùng Qúan phát hiện ra trong đám cỏ úa, một quả dưa tròn lẳn, vỏ đen huyền, cuống còn dính trên cây dưa vẫn lây lất sống. Chúng tôi cùng reo lên như hai đứa trẻ con; trái dưa với chúng tôi lúc này quả là một vị cứu tinh. Vấn đề đặt ra là không thể gặp ai bây giờ để hỏi mua; thực ra là để xin, vì hồi ấy chúng tôi không làm gì có tiền ( hồi ấy chỉ cần một bàn chải đánh răng nhét túi, bọn nhà văn của chúng tôi có thể đi khắp đất nước ). Tôi lấy làm ngại, nhưng Phùng Qúan vốn rất quen vói phong cách của miền Bắc, bảo rằng cứ tùy nghi; nếu gặp dân ở đây thì không cần xin người ta cũng hái cho ăn. Phùng Quán dùng dao găm bổ đôi quả dưa hấu: ruột dưa đỏ tươi như son, nước ngọt chảy ròng ròng theo lưỡi dao ( dưa hấu Vĩnh Linh rất nổi tiếng ). Phùng Qúan la to như lần đầu được thấy dưa hấu:
    .
    - Chỉ có mấy cái rễ cắm nông trong đất khô, làm sao cây dưa hấu lại có thể làm ra cả một bầu nước đầy ứ, ngọt lành đến thế này ?
    .
    Và hoàn toàn bất ngờ đối với tôi, Phùng Quán sụp xuống lạy quả dưa, lạy chí thành, ba lần dập đầu, đến nỗi khi đứng lên, đất đỏ dính cả lên trán, lên môi.
    .
    Trong văn chương, tôi biết có ba người sống trên đời không biết cúi đầu bao giờ, thế nhưng lại lạy những vật vô tri. Thứ nhất là Cao Bá Qúat, lạy hoa mai ( Nhất sinh đê thủ bái mai hoa ). Người thứ hai. Phan Bội Châu lạy đá ( Bái thạch vi huynh ). Và bây giờ đến lượt Phùng Qúan lạy dưa hấu.

    (ngominh.vnweblogs.com)
    Đã chỉnh sửa bởi GRANDET; 09-06-2009, 11:14 AM.
    Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

    Comment

    • #3


      Lạy hoa, lạy đá và dưa hấu

      Để tỏ lòng biết ơn và sự kính trọng, người Việt vẫn thường hay bái lạy, như bái lạy ông bà tổ tiên, cha mẹ, bái lạy thầy đã dạy ta nên người... Bái lạy thể hiện sự thành kính, đó là một hành vi đẹp trong mỹ tục của người Việt xưa nay. Gần đây, theo đời sống hiện đại, việc bái lạy ông bà tổ tiên cũng đã được giản lược, cũng không còn lạy thầy và cha mẹ nữa. Thông tục bái lạy nhau, hay bái lạy một cái gì, việc gì đó là thể hiện sự khâm phục, như vừa lạy vừa nói "tôi phục anh là thầy".
      Vậy mà có người đã lạy hoa, lạy đá và lạy... dưa hấu. Đó là Chu Thần Cao Bá Quát, Sào Nam Phan Bội Châu và Phùng Quán Thi Sĩ.

      Cuộc đời của Chu Thần Cao Bá Quát là cuộc đời của một kẻ sĩ tài hoa dùng bút để danh, dùng kiếm để đời. Bình sinh ông là người học rộng tài cao, kiêu ngạo với ngay cả quân vương. Giai thoại kể rằng ông còn sửa cả thơ của vua Tự Đức. Nhưng cái con người cuồng phong ấy chỉ cúi đầu bái lạy trước hoa mai (Nhất sinh đê thủ bái mai hoa). Vì sao Cao Bá Quát lại sùng bâi hoa mai như vậy ? Ðiều này chỉ có thể lý giải từ vẻ đẹp bên ngoài và bản chất đích thực của hoa mai. Vốn là một nhà duy mỹ, Cao Bá Quát yêu hoa mai là một điều cố nhiên. Đó là cuộc tương phùng giữa tâm hồn thi nhân và vẻ đẹp của tạo hóa. Nhưng trên hết vẫn là ý nghĩa của hoa mai - đó là quân tử trong các loài hoa. Điều mà thi hào Nguyễn Du đã nói qua truyện Kiều "Mai cốt cách, tuyết tinh thần". Cao Bá Quát đã tìm thấy ở hoa mai vẻ đẹp tinh thần và cốt cách của chính mình. Sự tri kỷ tri âm ấy đã nảy sinh trong ông một sự ngưỡng vọng thành kính. Bình sinh chỉ chịu "quy hàng" và bái lạy trước hoa mai, Cao Bá Quát đã để lại cho hậu thế không phải chỉ khí tiết làm trai và một chủ nghĩa duy mỹ đẹp nhất thời trung đại, mà ông còn để lại sừng sững trong văn chương cái dáng quỳ phong lãm của một kẻ sĩ xem cái chết nhẹ tựa hồng mao.

      Không lạy hoa mai, mà lạy đá và gọi đá bằng anh (Bái thạch vi huynh) đó là khởi đầu hành trang của chí sĩ Phan Bội Châu. Truyền rằng khi viết bài phú "Bái thạch vi huynh", Phan Bội Châu còn đang bị án "hoài hiệp văn tự - chung thân bất đắc ứng thí", nói nôm na là đem tài liệu vào phòng thi nên suốt đời không được thi nữa. Bài phú được làm ở nội trú trường Quốc Tử Giám - Huế. Tế tửu Quốc Tử Giám lúc này là Khiếu Năng Tĩnh rất thích bài phú đã cho đình nguyên Nguyễn Thượng Hiền xem, sau đó được chép thành nhiều bản truyền khắp nơi, và cho rằng Phan Bội Châu là người hay chữ nhất trong cả nước. Cũng nhờ tài làm bài phú này, sau đó Phan Bội Châu được vua Thành Thái xuống chiếu xóa án. Phan Bội Châu đã nhìn thấy ở đá : cốt cách rắn rỏi, phong tư lạ kỳ, đại trượng phu bất khuất, sương là lông, ngọc là tủy. Ông viết : "Quên hình hài yêu nhàn nhã. Vui có anh hiền xin vâng bái tạ. Chưa có trăng để cưỡi heo cọp, đầu thuyền xích bích rong chơi. Hãy đón gió mà vái thần trên, dưới núi Cốc Thành nấn ná". Viết bài phú "Bái thạch vi huynh" năm đó Phan Bội Châu vừa tròn ba mươi tuổi. Khí phách bộc lộ rõ qua bài phú tài hoa. Bài phú là "dấu chân" đầu tiên cho thấy chí hướng nhất quán của Phan Bội Châu sau này. Để nửa thế kỷ sau đó ông là ngọn cờ yêu nước, vị thiên sứ của dân tộc Việt Nam nô lệ, người phát khởi và tạo nền tảng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

      Lạy hoa, lạy đá đã lạ, nhưng đến lạy dưa hấu, một phẩm vật bình thường thì còn lạ hơn. Người ấy là nhà thơ Phùng Quán. Chuyện kể rằng nhân một lần đi đường xa khát nước, nhà thơ thấy một nương dưa hấu bên đường. Trước quả dưa to xanh lòng đỏ, nhưng dây nhỏ tí, ông thấy quá khác lạ. Cái chất ngọt từ lòng đỏ ấy khiến nhà thơ của chúng ta xúc động, từ chỗ ngạc nhiên, ông thành kính cúi đầu bâi lạy quả dưa như bái lạy một điều kỳ diệu nhất đã xảy ra trong đời. Thực ra không phải Phùng thi sĩ lạy dưa hấu, mà là ông lạy sự cần lao, lạy nhân dân mà suốt đời ông biết ơn. Ngụ trong sự bái lạy là mong ước thơ mình, đời mình được như đời sống của loài dưa hấu, qua bao khổ đau nắng quái mưa chiều, vẫn gắng gỏi chắt chiu cho đời quả ngọt. Là sống là cho, sống là có ích. Viết lại câu chuyện này qua một nhàn đàm nhỏ, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã "ký họa" đến tận cùng chiều sâu chân dung tâm hồn Phùng Quán.

      Một người lạy hoa, một người lạy đá, một người lạy dưa. Hoa ấy, đá ấy, dưa ấy phải chăng là tâm hồn và khí phách của người Việt bộc lộ trọn vẹn qua tư chất duy mỹ của kẻ sĩ tài hoa - thời nào cũng cần, thời nào cũng thiếu và thời nào cũng chiêm bái.

      Nguyễn Xuân Hoàng (NetCodo)

      Đã chỉnh sửa bởi GRANDET; 09-06-2009, 11:13 AM.
      Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......

      Comment

      • #4

        Hoa sen -Phùng Quán






        Hoa sen


        “Trong đầm gì đẹp bằng sen
        Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
        Nhị vàng bông trắng lá xanh
        Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

        Mặc cho câu ca được cả nước lưu truyền

        Và đời vẫn tin là ca ngợi phẩm chất của sen.

        Nhưng tôi không thể nào tin được

        Câu ca này gốc gác tự nhân dân

        Bởi câu ca sặc mùi phản trắc

        Của những phường bội nghĩa vong ân!

        Vốn con cái của giai cấp cùng khổ

        Chúng chòi lên cuộc đời quyền lực vàng son

        Nghĩ đến cha mẹ chúng xấu hổ

        Chúng mưu toan giấu che từ bỏ

        Nói xa gần chúng mượn chuyện sen

        ….Nhị vàng bông trắng lá xanh
        Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

        Tất cả là trong cái chữ “gần”

        Chỉ một chữ mà ta thấu gan thấu ruột

        Những manh tâm bội nghĩa vong ân.

        Bùn với sen đâu phải chuyện gần?

        Chính là sen mọc lên từ trong đó

        Gốc của sen là thăm thẳm bùn đen

        Nhị vàng, bông trắng, lá xanh…

        Tất cả, tất cả, tất cả!…

        Là do bùn hôi nuôi dưỡng

        Ngay cả hương thanh khiết ta đặt lên bàn thờ cúng

        Cũng là xương thịt của bùn tanh!

        Như nhân dân

        Gian truân, thầm lặng, vô danh

        Đã sinh ra vĩ nhân, anh hùng, nghệ sĩ…

        Nhân danh bùn

        Nhân danh sen

        Tôi đề nghị:

        Đuổi câu phản trắc này khỏi kho báu dân gian!


        .
        Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 21-04-2010, 11:53 PM.
        ----------------------------

        Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

        Comment

        • #5

          Lời mẹ dặn - Phùng Quán







          Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
          Mẹ tôi thương con không lấy chồng
          Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
          Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.
          Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
          Ngày ấy tôi mới lên năm
          Có lần tôi nói dối mẹ
          Hôm sau tưởng phải ăn đòn.
          Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
          Ôm tôi hôn lên mái tóc
          - Con ơi
          trước khi nhắm mắt
          Cha con dặn con suốt đời
          Phải làm một người chân thật.
          - Mẹ ơi, chân thật là gì?
          Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
          Con ơi một người chân thật
          Thấy vui muốn cười cứ cười
          Thấy buồn muốn khóc là khóc.
          Yêu ai cứ bảo là yêu
          Ghét ai cứ bảo là ghét
          Dù ai ngon ngọt nuông chiều
          Cũng không nói yêu thành ghét.
          Dù ai cầm dao dọa giết
          Cũng không nói ghét thành yêụ
          Từ đấy người lớn hỏi tôi:
          - Bé ơi, Bé yêu ai nhất?
          Nhớ lời mẹ tôi trả lời:
          - Bé yêu những người chân thật.
          Người lớn nhìn tôi không tin
          Cho tôi là con vẹt nhỏ
          Nhưng không! Những lời dặn đó
          In vào trí óc của tôi
          Như trang giấy trắng tuyệt vời
          In lên vết son đỏ chói

          Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
          Đứa bé mồ côi thành nhà văn
          Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
          Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.
          Người làm xiếc đi dây rất khó
          Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
          Đi trọn đời trên con đường chân thật.
          Yêu ai cứ bảo là yêu
          Ghét ai cứ bảo là ghét
          Dù ai ngon ngọt nuông chiều
          Cũng không nói yêu thành ghét
          Dù ai cầm dao dọa giết
          Cũng không nói ghét thành yêụ
          Tôi muốn làm nhà văn chân thật
          chân thật trọn đời
          Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
          Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
          Bút giấy tôi ai cướp giật đi
          Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.


          .
          ----------------------------

          Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

          Comment

          • #6

            ----------------------------

            Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

            Comment

            Working...
            X
            Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom