Con mèo của Foujita
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà danh họa Foujita, người con của đất nước Phù Tang, những nhà chơi tranh, mua bán tranh trên thế giới đã nháo nhào chạy săn lùng tranh của Foujita. Dò theo bước đường phiêu lưu của ông, giới sành tranh biết rằng ở Việt Nam đang còn vài bức của ông. Từ Mỹ, từ Pháp, từ Úc, từ Canada… bằng thư hoặc bằng điện, họ gởi về những nhà mua bán tranh ở Việt Nam, bằng mọi giá phải tìm mua cho được tranh của Foujita, đặc biệt là tranh con mèo. Trên thế giới, họa sĩ nào cũng có một nét độc đáo, mang theo dấu ấn tài nghệ của mình. Nét độc đáo của Foujita là nét vẽ con mèo.Tôi may mắn là người chứng kiến cuộc săn lùng này. Từ Sài Gòn có người bỏ tiền túi đi tàu tốc hành ra Hà Nội. Cao hơn và nhanh hơn, có người đi máy bay. Trong thành phố Sài Gòn thì những chiếc honda chạy như ma đuổi, họ đến các cửa hàng ở Đồng Khởi, vào các ngõ ngách của những nhà chơi tranh. Cuối cùng tất cả trở về với hai bàn tay không, lơ láo, lắc đầu, gian nan hơn mò kim dưới đáy biển.
Vậy bức tranh con mèo của Foujita đang ở đâu?
Đang nằm trong tay tao chớ ở đâu mậy?
Thằng bạn của tôi ngước mặt cười đắc thắng. Thằng Nam, Nguyễn Thành Nam, người có tiếng trong giới làm ăn đất Sài Gòn, nó cười từ dưới bụng cười lên, hai hàm răng há to. Thấy cũng chưa đã, nó thêm:
Ai trồng khoai đất này? Mầy có nhớ chuyến đi Hà Nội vừa rồi của tao không?
Nhớ.
Mỗi lần Nam đi đâu xa, tôi cũng biết trước đôi ba ngày và trước khi đi bao giờ hai đứa cũng ngồi uống với nhau. Còn lần đó, Nam gõ cửa lúc tôi còn ngái ngủ.
Có việc gì vậy Nam?
Tao đi Hà Nội.
Tôi sững mặt:
Đột xuất.
Có vé chưa? – Tôi hỏi.
Chưa. Nhưng lo gì. Nó cất cánh thì tao cũng ngoắc nó trở lại rước.
Cần tao đưa ra sân bay không?
Khỏi. Xe đang đợi tao.
Mặc dầu chưa có vé, nó vẫn bay chuyến đầu tiên. Nó có cách của nó. Và tôi nghĩ, nếu con người không có tính cách như nó thì không thể nào thắng được cuộc đua này. Tôi với nó là bạn lâu đời. Năm 1948, sau ba năm kháng chiến chống Pháp, hai đứa gặp nhau trong một ngôi trường nằm ở mé rừng U Minh, bên những con kinh nước ngầu đỏ: Trường Bổ túc văn hóa dành cho thanh thiếu niên từng tham gia kháng chiến. Tình cờ hai đứa cùng quá giang xuồng về đất U Minh.
Ở đâu về? – Tôi hỏi.
Bộ đội.
Đi bộ đội được mấy tháng?
Sao lại mấy tháng. Hai năm, từ bốn sáu.
Năm nay bao nhiêu?
Mười sáu.
Ham vui dữ ha.
Nó trợn mắt:
Ê! Sao lại ham vui! Yêu nước đàng hoàng.
Lính văn phòng hay ra mặt trận?
Nó lại bực, nói như hét:
Sao lại văn phòng?
Nó có mái tóc hơi dợn sóng, mắt sâu, mặt hơi vuông, tỏ là người gan góc, vầng trán cao, rắn chắc nhưng lại nhỏ con. Tôi nhìn khắp cả người nó, biết tôi không tin, nó bực:
Thấy mầy nhìn tao, tao biết mầy không tin, không tin tao vác nổi cây súng phải không?
Ờ…
Đúng là tao không vác nổi cây súng.
Bộ đội mà không vác nổi cây súng thì làm gì?
Còn hơn cầm súng.
Tôi trố mắt.
Truyền tin của chỉ huy, làm liên lạc, biết chưa?
Học xong lớp mấy rồi đi bộ đội?
"Xéctifica"
Ở trường học có khá không?
Không bao giờ dưới hạng năm. Học "buộc".
Học có lương.
Biết nó đậu hạng cao trong kỳ thi này, tôi bắt đầu ngán nó. Hỏi ra hai đứa cùng đẻ năm Mùi. Vào trường, hai đứa ngồi cùng bàn. Suốt hai năm, hai chiếc giường sát bên nhau, chia nhau từng miếng ăn, mặc quần áo của nhau, hiểu nhau từng chân tơ kẽ tóc, tưởng không rời nhau.
Sao sáng hôm đó mầy không nói đi tìm tranh Foujita?
Mèo rình chuột, tao thì rình mèo, nói sao được!
Rồi nó hào hứng kể lại với tôi:
Tao bay ra Hà Nội bất thường như vậy, tất nhiên là phải giá cao. Tới Hà Nội tao bao ngay một chiếc xe. Nên nhớ không phải là bao xe hơi đâu, tao thuê một chiếc xích lô, với giá cao gấp ba lần. Trước nhứt là gặp các đệ tử ngay trong buổi sáng hôm đó. Tao biết ngày xưa, trước khi Nhật đổ quân vào Đông Dương thì đã có người đi trước rồi. Người đi trước là ai? Tình báo gián điệp? – Tất nhiên! Ngoài ra còn ai nữa? Văn hóa và thể thao. Trong số đó có nhà danh họa Foujita. Khi ông ta đến Hà Nội, tao đoán thì chắc không thể nào khác, ông ta phải chơi với một vài họa sĩ Hà Nội. Đúng boong như vậy. Foujita đã kết bạn với một họa sĩ. Đã là bạn bè, thì thế nào tranh của ông ta cũng còn đó. Đó là thắng lợi đầu tiên của tao.
Nam không tập kết ra Bắc, nhưng Nam biết và hiểu Hà Nội hơn tôi, mặc dù tôi ở Hà Nội đến mười hai năm.
Ngày trở về Sài Gòn, tôi nhớ nó, muốn tìm, nhưng chẳng biết nó còn sống hay đã chết, ở đâu.
Bất ngờ nó đến nhà tôi vào một buổi chiều mưa. Từ năm 1954 đến năm 1975, hai mươi mốt năm, tuổi hơn 40, hai thằng tóc đã điểm bạc. Chúng tôi "a" lên một tiếng rồi ôm chầm lấy nhau.
Mầy còn sống? – Tôi hỏi.
Cũng tưởng là chết. Cũng tưởng mầy chôn vùi đâu đó trên chiến trường. Chuyện dài lắm. Tao biết mầy có nhớ tao, có muốn tìm tao, nhưng mầy quá bận việc nhà và đang "truy lùng kỷ niệm" phải không?
Mầy đi guốc trong bụng tao.
Đứng ngay trước cửa, chưa kịp vào nhà, mái tóc dợn sóng của nó rũ dài xuống qua cơn mưa.
Tao trước sao, giờ vẫn vậy. Nếu không có sự trục trặc và cần mầy thì bữa nay tao chưa tới. Trước là nhờ, sau mới thăm.
Tôi cảm động trước sự chân thật của nó.
Vào nhà đi rồi nói.
Vào nhà, nó vẫn không cởi áo mưa.
Tao bây giờ là phó thường dân Nam Bộ. Còn mầy vừa là dân tập kết vừa là dân ở R. về, mầy có thế hơn tao. Tao sắp có một chuyến đi, nhưng phường khóm chẳng có mấy người biết tao. Thấy nhà tao giàu – ê, tao giàu lắm nghe – họ nghi tao là ngụy. Tao khai lý lịch, trước là Vệ quốc quân, từ năm 1950 đến trước ngày tập kết tao là cán bộ của Phòng tham mưu phân liên khu miền Tây Nam Bộ, họ không tin. Tao lại sơ ý viết tắt P.L.K.M.T. – cắt nghĩa thế nào họ cũng không hiểu. Tao nghĩ phải dè tao đi tập kết như mầy! Mà mầy biết là tại sao tao không đi tập kết hay không?
Lúc đó lu bu quá, tao phải đi đón gia đình. Ra Bắc tao có tìm mầy, sau mới biết mầy ở lại. Tao thắc mắc hoài không hiểu tại sao.
Có mẹ gì đâu. Tao cũng muốn đi, nhưng tao lỡ hứa hôn với một con nhỏ. Tao xin cho nó đi, nhưng nó không đủ tiêu chuẩn. Tao cũng không đủ tiêu chuẩn cho vợ cùng đi. Mầy nhớ không, lúc đó, cấp tiểu đoàn trưởng, tức là cấp đại úy bây giờ mới có tiêu chuẩn, còn tao, tao là thằng lính quèn.
Bây giờ vợ con ra sao?
Thôi đừng hỏi. Tất nhiên, sau đó, tụi tao làm đám cưới, hai đứa kéo nhau vào Sài Gòn. Có một đứa con, tao bị bắt. Sau năm năm ra tù, bả đi với thằng khác. Trái đất như sụp dưới chân tao. Tao độc thân cho đến bây giờ, nhưng đừng thương hại tao. Thằng có vợ chỉ biết một người đàn bà, còn thằng độc thân như tao không biết bao nhiêu là đàn bà. Chuyện này tao có lỗi với cách mạng… ha… ha…! - Nó bỗng cất giọng cười, cười mà nghe chua xót. Tôi nhận ra nỗi buồn trong đôi mắt của nó. Mắt đang sáng rực bỗng như có một đám mây che.
Từ đó tao mới ngẫm ra một điều: tình yêu! Một trăm người đàn bà mà mình không yêu, không bằng một người đàn bà mình yêu, mầy ạ! Nhưng thôi – Vừa nói, Nam vừa móc trong túi áo bản lý lịch – Mầy xác nhận cho tao, mai lấy mộc cơ quan đóng vô, được hôn?
Đâu có gì khó.
Thôi, bữa khác nói chuyện nhiều, bây giờ tao phải đi.
Mầy đi bằng gì, máy bay?
Không! Máy bay giờ chưa bán vé, phải đi bằng giấy giới thiệu. Tao thì ai giới thiệu, tao đi bằng xe hơi.
Xe đò?
Đâu. Xe của tao. Và tao lái. Mầy tưởng tao không có xe hơi, tao không biết lái à?
Mầy lái từ đây ra Bắc?
Đồ cơm sườn. Thôi tao về – Nó đứng dậy, không ra về ngay mà nói tiếp: - Mầy biết lúc hai vợ chồng tao về Sài Gòn tao sống như thế nào không. Ở đậu trong một cái chuồng heo ở Xóm Củi. Một cái chuồng heo nghĩa địa. Tao thuê cái chuồng heo cũ, rồi đắp nên làm vách, lợp mái, kê vài miếng ván chớ không có được một cái giường. Mầy có tưởng tượng nổi, nhỏ con như tao mà khi nằm, hai cái chân cũng thò ra ngoài vách. Nhiều lúc nghĩ đến những thằng tập kết như tụi mầy mà phát ghen. Có một đêm mưa đầu mùa phân heo lâu đời từ dưới cái nền đất bốc dậy lên muốn bể đầu. Tao ngồi bật dậy. "Đ.má nó, tao phải làm giàu!" coi như đó là tuyên ngôn của tao. Tao sẽ trả thù cái xã hội Sài Gòn này không phải bằng súng đạn mà bằng đồng tiền. Nghe tao hét, vợ tao giật mình ôm lấy hai vai tao: "Thôi, anh dừng mơ. Cái thân người kháng chiến ở đất này, trước hết là phải biết trốn anh à. Như vầy cũng được rồi!". Lúc đó tao chợt nghĩ "túp lều tranh với quả tim vàng" chỉ có giá trị trong thơ mà thôi mày ạ! Thôi chuyện còn dài lắm, đi Hà Nội về sẽ kể tiếp…
Chuyến đó, từ Hà Nội về, nó đến tôi, mặt mày rạng rỡ:
Tao có một cái tánh xấu không sửa được là hay chơi trội! Mầy có biết bài hát Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không? Từ Bắc vô Nam… Ông ta mơ, ông ta hát, còn tao thì tao đi trước. Chỉ nghĩ đến vậy là tao đủ thấy sướng rồi.
Thấy miền Bắc ra sao?
Tuyệt! Đẹp, đẹp, đẹp, đẹp không bút mực nào tả nổi. Đúng là đất cội nguồn của dân tộc. Tao nghĩ là tao đi chơi cho thỏa chí, không ngờ lại có lời, lời to, to hơn cả một chuyến buôn… Đúng là thời vận mầy ạ! Trên đường ngao du, tao dừng xe ghé vào trụ sở của một cơ quan để hỏi thăm đường. Bất ngờ tao thấy ba chiếc lọ lộc bình thời Khang Hy để trên một cái tủ. Ba cái lọ như hút hết tâm trí tao. Nhìn cái màu men, tao biết cái màu này đã thắng cả thời gian. Tao hỏi thăm, không ngờ ông thủ trưởng cơ quan bảo với tao:
Anh hỏi cái của nợ ấy làm gì?
Sao là của nợ? – Tao ngạc nhiên, hỏi lại.
Có gì đâu, lúc Mỹ đánh bom, trên cho mấy cái bình này sơ tán về đây. Hòa bình lập lại, chúng tôi có gửi công văn xin trả mà mãi đến nay họ chả nói gì. Không phải của nợ thì là cái gì. Ô, ông đi chiếc xe đẹp quá. Xe nước nào vậy? – Ông thủ trưởng chợt nhìn ra sân thấy chiếc xe của mình bèn tấm tắc.
Xe của Nhật.
Thế đấy. Cho tôi xem qua một chút nhé.
Dạ được. Hay là tôi chở ông đi một vòng.
Thế thì còn gì bằng!
Miền Bắc đang hè, nóng như lửa táp – Xe có máy lạnh, khi ông bước vào xe, ông kêu: "Sao mát thế ông? Mát như trời lập đông, thích thật…".
Đưa ông ta bon bon trên đường cái, tao hỏi:
Đồng chí có thích xe này không? Nếu đồng chí thích thì tôi để chiếc xe này cho đồng chí, còn tôi, tôi xin lấy ba chiếc bình gốm của đồng chí.
Ông đổi chiếc xe này với ba cái của nợ ấy à?
Vâng!
Đùa hay thật đấy đồng chí miền Nam?
Ai lại đùa với đồng chí thủ trưởng.
A! Hay đấy nhỉ? Được! Đêm nay đồng chí nghỉ đâu?
Tôi muốn nghỉ ở khách sạn.
Khách sạn làm gì, về nhà khách chúng tôi mà nghỉ. Sáng mai, họp cơ quan, tôi lấy ý kiến tập thể.
Đồng chí không quyết được à?
Sao lại không, nhưng tôi muốn tập thể cũng chịu trách nhiệm.
Tao phập phồng suốt cả đêm, cứ mơ ba cái lục bình thời Khang Hy.
Sáng hôm sau, chẳng biết ông họp vào lúc nào, mình đang còn nằm trên giường, bỗng nghe có tiếng gõ cửa, tiếng gõ cửa dồn dập hối hả. Tao vừa bước chân xuống giường, cửa đã bật ra. Ông ta vừa thò đầu vào cửa đã reo: Nhất trí trăm phần trăm đồng chí ạ! Thế là tao để chiếc xe lại, tao bay về.
Mầy khiêng ba cái lộc bình ấy về!
Đời nào tao chịu vất vả như vậy. Tao nhờ một nhân viên của ông ta đóng thùng, rồi nhờ cả người của ông ta áp tải bằng tàu biển vào tận bến. Mọi sở hụi tao chịu hết. Cậu nhân viên của ông ta được vào Sài Gòn, không phải tốn một đồng xu, cậu ta mừng hết lớn. Tao đã về cả tuần nay rồi, nhưng chưa đến mầy là vì ba cái lộc bình.
Tới chưa?
Rồi, hồi chiều qua. Tao đền ơn đáp nghĩa cậu nhân viên áp tải đó bằng một bữa ăn ở khách sạn. Thật tội nghiệp. Cậu ta không hiểu mình đang ở đâu nữa. Khi cậu ta vừa lấy chén thì cô phục vụ mặt mày son phấn, dầu thơm sực nức, chực một bên, hai tay nâng lấy cái chén, xúc cơm cho cậu ta. Mầy biết cậu ta cảm tưởng sao không? – "Bữa nay em như là vua bác ạ!"
Ba cái lục bình so với giá trị chiếc xe hơi của mầy thế nào?
Giá trị phải bằng năm chiếc xe của tao. Nó lại còn lời ở chỗ này. Nếu tao mang xe về, phường khóm sẽ dòm ngó, bị qui là tư sản, muốn yên thân thì phải hiến. Còn ba cái lục bình đó, họ coi là ba cái bình bằng đất… Đó, chuyến đi đầu tiên của tao ra Hà Nội là vậy.
Mầy biết xem đồ cổ?
Ở cái đất Sài Gòn này, tao không dám xưng là sư, nhưng dám nói là bậc thầy.
Tôi đưa tên một nhà nghiên cứu, tác giả nhiều quyển sách viết về đồ cổ nổi tiếng ở đất Sài Gòn hỏi nó:
Mầy với ông ta, ai hơn ai?
Khó nói, cũng không nên so sánh. Rất khác nhau. Đứng trước một món đồ cổ nào đó, ông ta nghiên cứu rồi ông ta viết. Nếu ông ta nhìn sai, viết sai, ông ta chẳng mất gì, có thể đính chính được. Còn tao, tao ấy à, khi tao nhìn nó là phải mua và phải bán. Nếu tao đánh giá sai, tao sẽ mất, mầy nhớ là mất không nhỏ đâu. Trí tuệ của ông ta đẻ ra chữ, còn trí tuệ của tao thì đẻ ra tiền.
Mầy học nghề này từ lúc nào?
Chẳng qua trường lớp nào. Kể cũng dài. Lúc tao vào tù. Ờ, mầy biết sao tao bị bắt không?
Sao?
Nhớ thằng Điền ngồi dưới tao với mầy một bàn chưa? Nhớ hả? Nó bị bắt, chịu không nổi, nó khai tao. Tụi nó bắt cũng lạ. Tao đi trên vỉa hè. Suốt mấy năm đầu ở Sài Gòn, tao toàn đi bộ. Đi bộ để nhìn đời sống, để hiểu nhu cầu của người dân. Nhờ đó mà tao phất.
Phất như thế nào?
Chuyện bị bắt kể sau, còn chuyện đi bộ, có chuyện như vầy. Một hôm tao ra chợ Cầu Ông Lãnh mua một con cá lóc để kho tiêu cho vợ. Bả vừa mới sanh thằng con trai. Con cá lóc gần hai ký, bằng cái bắp chuối của tao. Xỏ sợi dây lác qua mang cá, tao xách toòng teng. Lẩn quẩn thế nào, tao tạt vô chỗ bán cá lia thia. Người chơi cá cứ chụm đầu vào cái keo con cá xiêm. Con cá xiêm xòe cánh rực rỡ. Tao nghe người ta trả giá mà hết hồn: Bảy chục, rồi tám chục, chín chục. Thằng cha bán cá vừa đưa tay chém xuống một cách dứt khoát: "Một trăm! Không bớt một xu!". Con cá lóc trong tay tao, lớn bằng bắp chuối, chỉ có hơn hai đồng. Còn con cá lia thia này lớn không bằng ngón tay cái mà một trăm đồng! A ha! Hoá ra đồ chơi mắc hơn đồ ăn. Tao bỗng như bừng tỉnh. Muốn làm giàu phải bán đồ chơi chớ không bán đồ ăn mầy ạ! Nói rộng ra là phải lăn lộn trong thị trường văn hóa. Sản phẩm văn hóa là những món hàng vô giá. Từ đó tao nghĩ đến sách, đến tranh, đến đồ cổ… Sau đó, tao làm đầu nậu phát hành sách. Sách gì có lời nhất mầy hiểu không? Sách cho trẻ con. Móc túi trẻ con dễ hơn móc túi người lớn. Tao bắt đầu khá lên từ đó, rồi tao thuê nhà mặt tiền. Tao như người tìm được cái đầu mối của đời sống xô bồ của đô thị Sài Gòn. Cứ vậy mà phăng, phất lên chẳng mấy hồi.
Trở lại vụ bị bắt đi.
Ờ… Tao đi… Có hai thằng mang kiếng đen cứ kè kè theo tao. Tao đâm nghi, định lách nhưng chưa tìm được hẻm nào. Bỗng một thằng gõ lên người tao bằng hai ngón tay. Quay lại tao thấy nó đưa ra cái thẻ Tổng nha cảnh sát. Cái thẻ nằm trong lòng bàn tay nó, kiểu như nó chào mình. Nó bắt tao nhẹ nhàng và lịch sự như vậy. Rồi nó vẫy tay gọi tắc xi. Tức mình không biết nói gì, tao bảo: "Nè, thằng nào kêu tắc xi, thằng đó trả tiền nghe". Nó nhìn tao, bạnh môi, cười rất đểu.
Tôi bị tội gì? – Lên xe, tao hỏi.
Ở trỏng, anh em đồng chí của anh đông lắm. Hôm qua mấy chả họp chi bộ, thiếu anh, có người nhờ tôi đi tìm.
Vậy là mình bị khai. Vào tù gặp lại thằng Điền, chính nó khai tao. Nó bảo như vầy mầy nghe có được không? "Để mày ở ngoài tao sợ mầy hư". "Tao hư hồi nào?". "Sắp làm tư bản mà không hư à? Vào đây để mà rèn luyện. Nhà tù là trường đại học của Cách mạng, mầy quên à?". Giận mà phát tức cười!
Nó đưa ngón tay trỏ cho tôi xem.
Ốc tay của tao nhẵn lì hết rồi. Mỗi lần học là mỗi lần tao liếm ngón tay nầy viết xuống nền xi măng của nhà tù. Tao học gần hết chữ của ổng thì tao ra tù. Từ đó thấy chỗ nào có chữ Hán là tao đọc. Tao đọc chữ Hán trên các đồ gỗ. Tao đọc tiểu thuyết của Quỳnh Giao, của Kim Dung qua chữ Hán. Thấy ăn cũng phải nói là tao thấy là vô hại, tao vừa tổ chức dịch, vừa in, vừa phát hành. Sau, tao mua nhà in và vân vân… Người ta có tiền người ta mua vàng. Ở đất Sài Gòn nầy ngày trước, giới mua vàng là giới không biết làm ăn, là giới nhà giáo, giới công chức. Nếu tiền của tao mà để mua vàng thì hôm nay, vàng của tao phải cao bằng cái cột đèn ở ngoài đường. Lịch sử sang trang, những thằng như tao bị phá sản, còn giới mua vàng giữ làm của thì bây giờ lại phây phây.
Ngoài những chuyện Nam kể với tôi, tôi còn biết về Nam khối chuyện do bạn bè kể lại. Giới làm ăn đất Sài Gòn cũ nhắc đến tên Nam vừa ganh vừa phục. Trước năm 1975, Chợ Lớn có một phòng tranh cổ Trung Quốc như Từ Bi Hồng, Tề Bạch Thạch, Nhiệm Bá Niên, Cao Kỳ Bội, Văn Trưng Minh, Mẫn Thọ Bình…
Những bức tranh thủy mặc, non nước hữu tình, những bức tranh vẽ khỉ, vẽ ngựa, vẽ chim, vẽ cá, tôm… Giá tranh quá cao, không ai với tới. Đến ngày đóng cửa, không bán được bức nào thì Nam xuất hiện. Tự mình lái chiếc Toyota, Nam dừng lại trước cửa, ăn mặc xuềnh xoàng, quần tây xám, áo sơ mi trắng, không áo vét, không cà vạt. Liếc qua giá cả, tính toán một lúc, sau cùng Nam gọi chủ phòng tranh tới, khoát một vòng tay:
Tôi lấy hết.
Chủ phòng tranh tưởng mình nghe nhầm, miệng há hốc:
Hả? Cái gì hả?
Tôi mua hết, rõ chưa? Gói lại, đem lại nhà tôi, rồi ra nhà băng lấy tiền.
Phòng tranh dọn sạch ngay ngày hôm ấy. Có người cho Nam là gàn, có người bảo anh điên.
Tao không điên, cũng không gàn. Theo dõi tình hình chiến sự, tao thấy Mỹ đã cút rồi, tao chắc mẩm ngụy sẽ nhào. Nó nhào, tao hỏi mầy, đồng tiền của nó để làm gì? Cho nên, làm kinh tế không tách rời chính trị là vậy, mầy rõ chưa nào!
Sau này, những bức tranh của Nam đối với người đi nước ngoài bỗng trở nên quý hiếm đến kỳ lạ. Có bức người ta trả đến mươi, mười hai cây vàng, mà cái vốn của Nam chỉ trên dưới một cây.
Người ta dám mua, trước nhất là nó quí, cái giá trị của nghệ thuật không có giá nhứt định, là cái giá tùy thời, tùy tâm. Cái gì mà thích rồi, bao nhiêu mà chả được. Thứ hai, nếu người ta đi mang vàng đi hoặc không lọt, hoặc không tiện. Còn một bức tranh, chỉ cuốn lại một cuộn, cầm tay, thật nhẹ nhàng. Nếu nhà chức trách có để ý, có hỏi thì bảo là kỷ niệm của ông bà. Bức tranh ấy đem ra ngoài, nếu gặp thời, họ sẽ bán gấp đôi gấp ba. Có lời đó, nhưng không phải bức nào tao cũng bán. Mầy biết tao, tao là thằng vừa mua bán tranh lại vừa mê tranh. Bán đi một bức là lòng tao bị mất đi một cái gì đó rất đau. Tao cứ nhớ, cứ tương tư…
Trở lại bức tranh con mèo của Foujita, tôi hỏi:
Sao mầy thích bức tranh con mèo của Foujita?
Người không biết Foujita thì phải loại ra danh sách người chơi tranh. Một cái núi cao của phương Đông. Tao biết Foujita từ lâu nhưng chuyến đi vừa rồi, kể cũng tình cờ. Tên ông ta là Foujita Tsuguhara, tên thánh là Lêôna. Sinh năm 1886 tại Tôkyô, mất ở Duyrích – Thụy Sĩ năm 1968, vừa là họa sĩ vừa điêu khắc gia người Pháp gốc Nhật. Thành công và nổi danh tại Pari từ năm 1915 với đường lối nghệ thuật vừa hiện thực vừa bay bổng thơ ca. Ông kết hợp hai phương pháp ấy một cách nhuần nhuyễn và tài tình. Người ta gọi ông là Picátxô của phương Đông. Nè, tao nói đây là nói theo từ điển Larút đấy nhá! Năm 1941, Foujita sang Đông Dương, mở một phòng triển lãm tranh tại Hà Nội cùng một số họa sĩ Nhật. Cuộc triển lãm đó có in catơlô nhỏ để tặng cho khán giả. Lạ là ông ghi tên trước cái dấu ấn một đồng bạc tiền Dông Dương, bìa sau của catơlô ông vẽ hình một con mèo bằng bút máy. Bìa ngoài catơlô có in hình một con mèo nhiều màu của ông, bức đó nằm trong bảo tàng của Nhật. Với con mèo, người ta thường nói: "Trong như mắt mèo…" thể hiện cái chất trong của mắt mèo qua nhiều trạng thái bằng chất liệu thủy mặc, trên thế gian này chẳng có mấy ai? Do đó mà đến ngày giờ này, ngôi vị vua vẽ mèo không một họa sĩ nào thay được.
Sao không vẽ con gì dễ thương hơn mà vẽ mèo?
Đó chính là ẩn số, là bí quyết của tâm hồn người nghệ sĩ. Tao cũng đã tự hỏi như mầy. Trong số thú vật nuôi trong nhà, so với con chó thì nó không dễ thương bằng. Với con chó, mình đi đâu về, nó mừng, còn con mèo thì nó dửng dưng. Và nó còn có nhiều cái đáng ghét nữa. Đến mùa động đực của nó, nó cứ gào cứ ré lên trên mái nhà, đuổi bắt nhau, gầm gừ cấu xé giành gái, rồi kêu rú lên nghe lạnh đến xương sống, gây náo động cả xóm. Nhưng khi rình mồi thì nó nhẹ nhàng như cái bóng, nó cứ như nhà yôga đã luyện đến mức thâm hậu, nó nén cả hơi thở, dồn hết tinh lực vào bên trong, để cho con mồi tưởng như trên đời này không có cái loài gọi là mèo, rồi bất thần nó phóng tới. Con mồi không kịp phản ứng, hồn vía như rời khỏi xác. Bắt được mồi rồi, nó chưa vội ăn, nó còn vờn, còn giỡn, thả rồi bắt, bắt rồi thả, nó vui trước sự sợ hãi của con mồi. Ác! Nhưng con mèo của Foujita thì rất dễ thương. Ông đã vẽ nhiều con mèo chơi giỡn với nhau, chơi giỡn với đồ vật, rất dễ thương. Dễ thương đến nỗi, con mèo đâu mà chẳng có, thế mà cái giới sành tranh cả năm châu đều nháo nhác đi tìm mèo của Foujita. Có lẽ hồn nghệ sĩ của ông có sức làm mờ, làm mất đi cái xấu, cái ác của mèo, và ông chỉ thấy cái đẹp và nâng cao cái đẹp ấy, đó chính là tâm hồn của ông. Tâm hồn của người nghệ sĩ, là tâm hồn của dân tộc. Tâm hồn của Foujita là tâm hồn của phương Đông trong ngòi bút tài hoa của ông. Từ đó, đôi lúc tao nghĩ, hình như người nghệ sĩ không chấp nhận cái xấu. Mà cái xấu và cái đẹp song song tồn tại với con người. Và đó là bi kịch của người nghệ sĩ?
Chính vì con mèo của ông mà tao đi Hà Nội, sau khi đài BBC báo cho biết năm nay là năm kỷ niệm trăm năm ngày sinh của ông. Ra Hà Nội, tao tìm ngay nhà của một họa sĩ mà ngày xưa đã kết bạn với Foujita, ông đã mất, chỉ còn con cháu. Tao nhờ một đệ tử đưa đến chơi, không ngờ người con cả của họa sĩ biết tao. Thế mới chết!
Người ta biết mình là may, sao lại chết?
Vậy là mầy chưa hiểu. Người ta thường biết tao là biết ở điểm này: tao là thằng giàu, mua món gì cũng cao, bán món gì cũng cao. Món nào tao hỏi mua có nghĩa món đó là đồ quý. Biết vậy tao phải đánh lạc hướng, tao nói: Bữa nay nhân tiện ở Sài Gòn ra chơi, tôi muốn kiếm ít món đồ cổ nho nhỏ như chén, đĩa, ấm trà làm kỷ niệm.
Chủ nhà:
Mấy món đó nhà em không có, chỉ có vài bức tranh.
Về tranh thì tôi dốt, người tài bao nhiêu thì tranh của họ khó hiểu bấy nhiêu.
Tranh nhà này là tranh của bậc tài danh nhưng không khó hiểu.
Tao lại đánh trống lảng:
Cậu biết đâu có chén dĩa cổ thì chỉ giùm.
Nếu bác muốn tranh thì em đưa bác đi. Còn món ấy thì em chịu.
Tao làm bộ đứng dậy ra về rồi quay lại chợt nói:
Về Sài Gòn, tôi sẽ giới thiệu người chơi tranh với anh.
Được thế thì tốt quá.
Cho tôi xem qua để tôi biết mà giới thiệu.
Vâng! Vâng ạ!
Anh chủ nhà mừng rối rít. Nhìn ba bức tranh của Foujita trải ra trên chiếc giường ngủ, tao muốn đứng tim luôn. Đúng là tranh của Foujita rồi. Một bức thiếu nữ Hà Nội, một bức cô con gái người Âu, bức thứ ba, đúng là bức các nhà chơi tranh thế giới đang săn lùng, bức con mèo. Tao xem một cách thờ ơ, cũng không hỏi giá cả.
Sao không để làm kỷ niệm mà bán? – Tao hỏi.
Chúng em đang cần tiền để chữa nhà bác ạ. Nhà phải lên tầng mới đủ chỗ nằm.
Tao không nói gì thêm, không hứa hẹn điều gì. Sáng hôm sau, tao tức tốc bay về Sài Gòn. Tao chọn một cô gái vốn là đệ tử của tao, một cô gái không diêm dúa, không sang trọng nhưng cũng không quê mùa, nhìn qua cũng là người biết làm ăn, không lanh lẹn, chân thật nhưng không khờ. Nữ đệ tử tao bay ra Hà Nội ngay ngày hôm sau và đến nơi ngay trong buổi sáng.
Vào nhà, sau vài lời chào hỏi, cô nhìn lướt qua mấy bức tranh treo ở nhà ngoài cũng của Nhật nhưng là những phiên bản và cũng tầm thường: cô gái Nhật trong trà thất, cô gái Nhật cầm đàn. Cô hỏi mua, mua với giá gấp đôi của chủ. Bán được mấy bức tranh vớ vẩn với giá hời, cả nhà đều vui vẻ. Vậy là cả nhà sẵn sàng cho cô xem những bức tranh quý của Foujita. Người bán thì tán, người mua thì chê, sau một hồi ngã giá, cô lấy hết cả ba với giá một cây ruỡi.
Đời tao có bao giờ ra sân bay đón ai đâu. Thế mà tao đã ra tận sân bay đón ba bức tranh của Foujita. Tính ra, kể cả sở hụi đi về và ăn ở, ba bức tranh của Foujita chỉ có hai cây. Tao sướng cả đời! Mầy đến tao tối nay.
Nhìn bức cô gái Hà Nội của Foujita tôi bỗng nhớ lại những gương mặt các cô Hà Nội mà tôi quen hoặc tình cờ gặp trên những con đường thơ mộng trong tiết thu. Tôi giật mình trước đôi mắt của cô gái người Âu, đôi mắt như đang nhìn tôi, đôi mắt như gặp tôi lần đầu, đôi mắt như muốn dò hiểu tâm hồn tôi. Lạ thay, từ đó, tôi nhớ đôi mắt qua nét vẽ của Foujita hơn đôi mắt thực của người đời. Và bức thứ ba: con mèo. Con mèo với tư thế đang nhìn lại. Tôi như nghe tiếng "meo" từ trong nét vẽ của cái thế đứng con mèo. Đôi mắt của con mèo vừa trong, vừa xanh, vừa lung linh. Đôi mắt lim dim như đang nghĩ ngợi đến điều gì sâu xa lắm và bộ râu của nó như nhúc nhích với đôi môi chúm chím như cười…
Có đã không?
Tôi gật đầu.
Chừng vài tháng sau, những nhà săn tranh của Foujita rồi cũng biết người chủ của những bức tranh quý ấy bây giờ là ai.
Một hôm, người bạn họa sĩ nổi tiếng ở đất Sài Gòn vốn cũng quen với tôi, đến tìm tôi:
Nghe nói anh quen với anh Nam?
Bạn học từ nhỏ.
Vậy là may cho tôi.
Sao?
Tôi nghe nói ông Nam có mấy bức tranh của Foujita?
Có, tôi có xem.
Vậy là đúng rồi. Tôi muốn nhờ anh giới thiệu tôi với ông Nam.
Để xem tranh?
Không. Một người bạn ở Pháp có gửi thư về nhờ tôi mua cho một bức.
Thì cứ đến thẳng ông ta.
Không được, tánh ông ấy tôi biết. Nếu không có người báo trước, ông ta hoặc không tiếp, hoặc lắc đầu bảo ông không biết ông Foujita là ông nào…
Tôi đã giúp người họa sĩ mua tranh này gặp Nam. Nam bán bức tranh thiếu nữ Hà Nội với giá hai cây. Còn bức tranh cô gái người Âu gởi ra nước ngoài, nghe nói để bán đấu giá. Còn bức con mèo, Nam vẫn giữ lại. Một hôm, Nam đến tôi:
Đêm qua tao nằm mơ một giấc mơ rất kỳ lạ. Có lẽ uống rượu nhiều quá. Tao mơ thấy con mèo của Foujita từ trong tranh vọt ra. Tao giật mình choàng dậy. Đúng là con mèo vừa vọt ra cửa sổ. Tưởng là nó thật. Hốt hoảng, tao bật đèn, mở tủ. Bức tranh vẫn còn, tao vội vàng trải ra. Con mèo bỗng hóa ra Foujita. Foujita chúm chím nhìn tao: cười.
NQS.
ai thích mèo... ko?....