• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Người đàn bà ngoại tình

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Người đàn bà ngoại tình

    Người đàn bà ngoại tình
    Đặng Đình Túy

    Link" align="left" border="0" alt="" style="padding:7px;" />– Alô, Thuyên ơi ! Thuyên đó phải không?
    – Hậu hả ? Mình phải nói nhỏ nhỏ nghe Hậu, trong phòng có cả đống người đây này
    – Chết cha, xin lỗi đã làm phiền nghen. Thuyên à, nhiều khi mình quên rǎ̀ng Thuyên phải làm việc. Tại mình ở nhà suốt ngày thành cứ tưởng ai cũng rảnh rổi như mình
    – Mà có chuyện chi vậy Hậu? Quan trọng không? Thuyên cắt ngang.
    – Thôi mình hiểu rồi, không tiện nói chuyện phải không? Để khi khác vậy…

    Bảo rǎ̀ng để khi khác nhưng chị buồn buồn. Buồn nhưng đành chịu. Rồi một hôm khác chị lại gọi Thuyên, tin rǎ̀ng đó là một ngày chủ nhật cho đến khi đầu giây bên kia bắt máy thì chị lại nghe tiếng ồn ào của một vǎn phòng đang làm việc, có tiếng chuông điện thoại tiếng người nói lao xao, chị vội vàng cúp máy, soát lại lịch, thì ra là thứ hai chứ không phải chủ nhật như chị tưởng. Chị làm đi làm lại việc đó đôi ba lần. Dễ còn nhiều hơn thế, mà cũng chẳng lần nào gặp Thuyên. Rồi một hôm sực nhớ đến Thuyên, lại định gọi, nhưng chị kìm lại được và tự hỏi nếu Thuyên ở đầu dây thì chị sẽ nói gì. May mà chị đã nghĩ đến điều đó : chị sẽ nói gì, kể gì với Thuyên? Buồn cười nhỉ. Có khi mình tưởng rằng mình cần người ấy để nói nhiều chuyện, “trút hết tâm sự” như kiểu mọi người thường diễn tả mà té ra chẳng có chi để nói cả. Cái mà mình cho là nhiều chuyện là điều có thật đấy, nếu mình nói với mình ; nhưng nếu phải nói với ai khác, dù người ấy mình cho là thân nhất, hiểu mình nhất nhưng rốt cuộc, nghĩ kỹ thì hắn chẳng hiểu gì về mình. Nói với nhau thật nhiều, sống bên nhau dài ngày nhưng có chắc đã hiểu được nhau không? Thuyên có anh đàn ông của Thuyên, có con cái, có công việc, nào việc nhà nào việc sở, đâu có như ngày xưa hai đứa còn độc thân, cứ gặp nhau là chuyện chàng này chàng nọ, một liếc mắt, một mỉm cười, một lời mời gọi bóng gió đủ để thành câu chuyện kể cho nhau nghe từ ngày này qua ngày khác, đến nỗi hóa ra đứa này sống cho đứa kia, nhập vào ngay trong vai trò đứa kia để cùng hồi hộp cùng chờ mong cùng vui ré lên cùng ỉu xìu cùng thấp thỏm cùng ấm ức cùng mê mẩn cùng khóc rồi cùng cười… Chị biết Thuyên sẵn sàng sống với chị như ngày xưa, nàng có thể bỏ một buổi để nghe chị nói, chồm mình nhìn vào mắt chị tỏ vẻ chú tâm, thỉnh thoảng đưa tay gạt dùm bạn mớ tóc vừa đổ xuống trán, sấn lại gần thêm lấy móng tay gẫy nhẹ một chiếc mụt hay một vết thâm trên mặt bạn, âu yếm xoa nhẹ lưng khi bạn tấm tức, nhưng với điều kiện là nàng phải có chút thì giờ kia, một ngày chủ nhật chẳng hạn. Rồi còn mặt khác, chị cũng ngại phải nhờ chồng chở chị đến gặp Thuyên (có chi đâu mà quan trọng dữ vậy!). Họ ở xa nhau quá nên điện thoại trở thành phương tiện gần như duy nhất để liên lạc với nhau. Mà điện thoại thì bất tiện như vậy đó.

    Giá đêm qua có Thuyên bên cạnh chắc chị đã “thổ lộ” tâm tình rồi. Sáng nay ôn lại thì thấy câu chuyện trở nên nhạt phèo, đến nỗi chính chị cũng nhận ra mình vô duyên, xuẫn ngốc, làm như mình-đêm-qua và mình-sáng-nay là hai con người khác nhau. Xem phim xong (xem một mình, chồng chị đã vào giường đọc sách, chê không thèm xem những cuốn phim vớ vẩn như ông thường có thói quen đánh giá như vậy) chị vào nằm bên chồng, nhắm mắt và chìm dễ dàng vào giấc ngủ nhưng đến bốn giờ sáng thì chị choàng thức nghe nóng ran cả người, chắc là triệu chứng thay đổi cơ thể trong thời kỳ tiền mãn kinh. Chị toát mồ hôi, toan ngồi dậy nhưng sợ chồng mất giấc ngủ nên đành nằm im chịu đựng. Một lúc lâu, mồ hôi ráo dần, chị đưa tay sờ vào nách thấy vẫn còn ẩm ẩm. Nách vẫn mịn màng tròn đầy chỉ hơi hỏm đi một tị, chị đưa tay sờ là để xem thử có ướt lắm không nhưng cảm giác do sự rờ rẫm của chính mình với mình mà cũng khiến chị rạo rực. Chị cố ngoẹo đầu đưa mũi đến gần ngửi thử, nhận ra một mùi chua nhè nhẹ, chua không gây cho lợm tởm mà chỉ nghe ra như tội nghiệp, thương thương. Rồi tay chị đi dần lên cao, sờ nắn đôi vai tròn của mình, đôi cánh tay còn mủm mỉm, chỉ tội cái hai bàn tay thì đã nổi đầy gân xanh. Nghe thấy chị cựa quậy, chồng chị càu nhàu không thành lời rồi quay lưng lại nằm xích ra một chút. Bất giác chị thở dài. Ám ảnh xác thịt chăng, nỗi buồn không rõ dáng chăng, thất vọng không đủ lý do chứng minh chăng? Chị không rõ, nhưng sực nghĩ đến cuốn phim vừa xem.
    Một chuyện tình. Một chuyện ngoại tình mà ngoại cả khổ. Vì hai nhân vật chính là những người lớn tuổi, ông già trên bảy mươi và bà già quá sáu mươi. Cũng chẳng phải là những kẻ no cơm rửng mỡ vì bà già tuy đã hưu trí cũng như chồng bà, nhưng còn nhận may quần áo thuê kiếm tiền. Bà may cho ông già kia, mang quần mới đến cho ông ấy mặc thử và vì vậy mới xảy ra cớ sự. Câu chuyện chẳng có gì đặc biệt ngoài việc là nó mở ra cho chị thấy nhiều khúc mắc tâm lý mà chị không nghĩ tới bao giờ.

    Chị lấy chồng như người ta đi buổi chợ. Ít ai háo hức rộn ràng khi cắp rổ ra chợ mua cái ăn thường ngày ; chỉ có điều là phải tính toán mua sắm một số phẩm vật đủ để nấu nên bữa, thế thôi ; khi bằng lòng lấy chồng tâm trạng chị cũng dửng dưng cỡ đó. Hai người về sống với nhau, không vui cũng không buồn, không hăng hái lắm mà cũng chẳng đến nỗi chán chê. Chồng chị vững chải, giản dị, lý luận chắc nịch, lo toan đến đầu đến đuôi. Thế tốt rồi. Anh đi làm, chị đi làm. Tiền của không dư dật lắm nhưng cũng chẳng thiếu thốn. Lúc ấy Thuyên chưa lập gia đình, hãy còn bướm lượn ong mời, vì vậy hai người lơi dần giao tiếp. Chị thì vừa bước vào nghề dạy học chỉ mới vài năm. Cũng vừa khi có sự chuyển đổi chế độ chính trị. Là đàn bà, chị chỉ quan tâm vừa phải trước đổi thay thời sự, nhưng phần nghề nghiệp thì quả thực có xáo trộn. Gần như mỗi ngày. Luật lệ này, chỉ thị nọ, rối tùm lum. Trưóc chỉ có dạy ; giờ thêm học tập chính trị và trăm chuyện lu bu quanh nó. Giờ dạy học trò thì ít mà giờ thầy giáo cô giáo phải đi học thì nhiều. Cũng là dịp để làm quen để gần gũi với những đồng nghiệp khác. Một buổi chị đang chăm chỉ lắng nghe thuyết trình của một cán bộ chính trị thì có kẻ chen vào ngồi bên cạnh. Là cha Ngữ. Cha Ngữ là hiệu trưởng một trung học công giáo, giờ người ta đến tiếp quản trường, cha mất chức hiệu trưởng may còn được phép dạy, trong khi chờ đợi quyết định ở trên. Cha cao to, điển trai, ăn nói khôn khéo nên được mọi người để ý, nhất là phái nữ. Hồi trước thì chắc ít ai để ý đến nhà tu nhưng giờ này, với “cách mạng” thì càng rời xa tôn giáo chừng nào tốt chừng ấy, thậm chí hành động ngược lại các tín điều thì càng được hoan hô. Vì vậy, nửa đùa nửa thật, mọi người đều ngã theo hướng đó. Trong phạm vi này, cha Ngữ lại tỏ ra là rất … xuất sắc. Các cán bộ chính trị ngạc nhiên và thích thú khi thấy cha a tòng với giới đàn ông kháo chuyện nhan sắc của các cô giáo. Còn hơn thế nữa, cha biết nhậu nhẹt, tửu lượng cao, hòa hết mình với đám đông đến nổi thét rồi, các cán bộ ngành giáo dục tưởng như không nhìn thấy cha như một trở ngại cho cách mạng.

    Thấy một người “tiếng tăm” như cha đến ngồi bên, chị co rúm người lại, ngại đủ thứ, nhưng lại làm ra bộ coi thường, chăm chú lắng nghe những lời thao thao bất tuyệt của thuyết trình viên và cố ý ghi chép thật nhiều vào giấy. Đến giờ trưa mãn buổi học, mọi người đứng lên, tìm cái ăn lót bụng. Chị không mang theo gì cả, hồi ấy cuộc sống vật chất xuống dốc không phanh, làm lơ cho qua một bữa cơm càng tốt. Cha Ngữ vẫn còn bên cạnh, cha cất giọng : “Cô Hậu đói bụng không? Tôi có mang theo quả chuối đây, biếu cô”. Mặt chị đỏ như gấc, vừa xấu hổ vừa tức giận với lối nói hai nghĩa của cha. Quả là danh bất hư truyền! Ông thày tu mà ăn nói vậy đó. Chị làm như không chú ý, lủi nhanh nhưng kịp thấy tay ông đưa ra. Quả thật là tay ông có cầm quả chuối.

    Sau, chị có khá nhiều dịp gặp cha Ngữ. Bắt buộc. Vẫn lối cười cười nói nói tỉnh bơ, không biết đâu là thật đâu là giả, nhưng ngạc nhiên thấy ông càng lúc càng có nhiều “môn đệ”, nửa số thày giáo và nửa số là cán bộ. Nhóm họ bao giờ cũng ồn ào sôi nổi, thảo luận hăng hái khi học tập mà đùa cợt ngoài giờ cũng không kém. Charismatique thật, chị nhớ lời nhận xét của một đồng nghiệp dạy pháp văn, anh ta cho rằng cha Ngữ đã thành công khi phô một bộ mặt có lợi cho sứ mệnh. Chẳng biết người bạn đồng nghiệp muốn nói đến sứ mệnh gì. Điều đặc biệt là mỗi lần tình cờ gặp chị, cha có thái độ nhỏ nhẹ tế nhị, hoàn toàn khác với thái độ trước đám đông. Dần dần, chị không còn sợ ông nữa. Chị lờ mờ nhận ra rằng bộ mặt cha Ngữ phô ra với mọi người không hề là một cha Ngữ thật, chỉ là cha Ngữ mang mặt nạ. Nhờ họ cùng dạy những môn học giống nhau, phải soạn bài chung và trình giáo án lên cho hiệu trưởng xem trước khi lên lớp nên chị phải tiếp xúc với cha luôn. Với tầm hiểu biết sâu rộng của ông, cha Ngữ đã giúp đỡ chị rất nhiều trong phạm vi nghề nghiệp.

    Khi yêu, thế giới thu gọn vào hai người. Không phải người ta ngây thơ tin rằng không còn ai chung quanh nữa, nhưng ít ra có những phút giây như vậy, thế giới chung quanh biến mất chỉ còn hai đứa. Mà chỉ cần một phút đó thôi là con đường đi bổng có lối ngoặt mở ra một đàng trước mờ mịt mông lung. Bà già đâu ngờ khi cúi xuống nhìn xem chiếc quần bà may cho khách có vừa không mà mọi sự bổng vì vậy mà đổi thay. Bà đã quá già nên dù sau đó bà nhận ra lỡ bước bà vẫn không hoảng hốt. Có chi đâu! Ngủ với kẻ lạ một lần thì trời chẳng vì vậy mà sập. Chỉ cần vào buồng tắm mở vòi nước ấm, nước sẽ xòa xuống rửa sạch. Sáng hôm sau, bà ra ngồi với ông chồng ăn sáng, thản nhiên, vui vẻ. Quả thật là chẳng có gì nghiêm trọng xảy ra. Vợ chồng họ, thỉnh thoảng vẫn còn làm tình với nhau. Có khi việc đó cũng khiến bà rên rĩ nho nhỏ. Nghĩa là cũng bình thường. Và nghĩa là, sự việc xảy ra giữa bà với ông già lạ kia cũng chẳng xuất sắc gì hơn để bà phải bận tâm. Chấm hết! Bà tiếp tục cúi mình đạp máy may, sửa cái quần, khâu lại đường chỉ sót ; đôi khi bà ra ngoài. Một mình. Chẳng hạn để xem cuộc thi thể thao. Bà ngồi trên khán đài nhìn xuống, thấy ông già đang hoa tay múa chân với nhóm vận động viên. Ông chợt ngước lên nhận ra bà. Bà đưa tay ra hiệu chào. Ông đưa tay đáp. Rồi trời bổng đổ mưa, thiên hạ chạy tán loạn, không hiểu sao bà lại đụng nhằm ông, để ông nắm tay kéo đi. Mưa mà, phải tìm chỗ trú chứ! Ông mở cửa xe cho bà vào ngồi bên cạnh. Không tìm nơi kín đáo để lợi dụng diễn lại tuồng cũ, ông đưa bà về nhà bà. Thế thôi. Lại có dấu chấm hết một lần nữa. Rồi một bữa, hai vợ chồng đang ở nhà thì có người bấm chuông, ông chồng ra mở cửa, đối mặt với người lạ. Người lạ xin gặp bà, bảo để đặt may quần áo. Bà tiếp ông, hơi khựng lại. Như vậy là bà có dịp trở lại gặp ông để thử quần áo nữa. Thử quần áo và làm những việc khác. Việc xảy ra trên giường chưa chắc đã quan trọng bằng, thí dụ, ngồi với nhau kể chuyện tầm xàm và cùng cười như nắc nẻ. Bà mang cả tiếng cười về nhà, ngồi đối mặt với chồng nhưng ôn lại lời ông kia kể chuyện và phá ra cười một mình. Cười chảy nước mắt, trong khi ông chồng mở to mắt nhìn bà không hiểu lý do. Hôm khác, bà mang về nhà tiếng khóc. Tiếng khóc thì nghiêm trọng hơn tiếng cười nhiều…

    Chị đang dạy trong lớp thì thấy thoáng bóng cha Ngữ đi qua. Đầu cha bao giờ cũng ngước cao, nghiêng nghiêng như đang quỳ trước bàn thờ Chúa. Cha ngập ngừng giữa sân trường rộng dường như định băng sang phía bên kia nhưng rồi quyết định quay trở lại lớp chị, rút trong túi ra một vật nhỏ bỏ ngay đầu bàn bọn học trò gái đưa tay ra dấu bảo mang lên cho cô giáo. Sau đó, giờ trưa gặp chị, cha giải thích : “hôm nay đi với các ông ấy tiếp thu một số tác phẩm văn hóa được đánh giá là đồi trụy tôi thuỗng đại cái cassette cho cô. Để nghe cho vui ấy mà. Bây giờ mình thấy chúng quý quá, cô Hậu nhỉ!” Chị vui mừng cám ơn ông. Băng nhạc không phải là băng gốc, chỉ được thu đi thu lại nên người ta cũng không buồn ghì bên ngoài tựa các bản nhạc, nhưng khi nghe thì chị phát giác trong đó có bài Vì Tôi Là Linh Mục. Chị không còn tin câu chuyện cha thuỗng nó tình cờ trong đám sản phẩm mà người ta tịch thu.

    Thế rồi chị rươm rướm khi nhìn thấy đàng sau hành động ấy có một điều gì che dấu, dành cho chị. Chị không khóc nức nở như bà già nọ nhưng rươm rướm khi nghe người ta hát “vì tôi là linh mục”. Chị tưởng như cha Ngữ rất gần mình, càng ngày càng gần. Ấy thế nhưng chẳng có một chứng cớ rõ ràng nào cho thấy là chị nghĩ đúng. Có những hôm tâm hồn chị khỏe khoắn và những hôm tâm hồn chị yếu đau ; hôm khỏe khoắn chị không nghĩ đến cha Ngữ, có khi còn thấy lố bịch vì nghĩ đến cha, chị tự cười chế diễu mình, nhưng những lúc bàng hoàng vô cớ thì chị lại tưởng đến cha và thấy sự hiện diện của ông cần thiết quá chừng. Và lúc ấy chị muốn phát khóc, khóc như bà già nọ.

    Khi cười thì ta cười chung nhưng khóc thì khóc riêng. Cười mượn dễ dàng nhưng khóc mượn khó lắm. Tiếng khóc, chắc chắn là của mình, đâu từ trong xa thăm thẳm mình phát ra. Mà ông chồng già của bà cũng nhạy, khi bà cười ông nhìn bà một lúc rồi bỏ qua ; nhưng khi bà khóc, ông lại không chịu bỏ qua. Ông nhìn bà đăm đăm tìm xem nguyên cớ có rơi rớt đâu đó chung quanh bà không, mong tìm ra được. Nhưng tiếng khóc kín quá, nó đóng hẳn cánh cửa trước ông, tối bưng.

    Trường hợp chị còn tệ hơn. Chị có cảm tưởng mình có cái tủ sắt, được khóa lại cẩn thận, thế mà bên trong chẳng có gì cả. Những kẻ giữ một bí mật, họ sợ người khác phát giác, kéo cái bí mật ấy ra mà xổ tung ra trước mắt mọi người ; chị thì sợ người ta mở tủ sắt của chị và cười ồ tẽn tò vì thấy tủ trống không. Như vậy còn bẽ bàng gấp bội.

    Mà quả vậy. Trước mắt mọi người chị thật bình thường. Chị đã đi gần hết đoạn cuối cuộc nhân sinh. Đến chỗ lập gia đình. Nhưng thật ra, chị đã vuột mất một khâu là khâu tình yêu. Đừng kể đến những hoa bướm dậy thì. Ai lại chẳng có, nhưng có cũng như không. Những nụ cười thẹn thùng, những lén lút của hai mắt nhìn, những lén lút của bàn tay nắm, thậm chí lén lút một cái hôn vội… chúng chẳng ghi dấu lên chị, chúng trơn tuột như giọt nước trên lá cây khoai môn ; nhưng tình yêu là một điều gì nghiêm cẩn trang trọng, đã đến thì không chịu đi, đã đến tất phải ghi dấu như người ta đóng dấu sắt trên lưng con bò, cháy xèo nám đen, không tẩy xóa được, cái đó chị chưa hề biết. Gò má và đôi môi nằm kề nhau, chị không hiểu tại sao một đôi môi lạ đặt trên gò má thì chẳng nhằm nhò gì so với cùng đôi môi ấy nhưng đặt trên môi chị. Tưởng tượng vậy thôi. Chồng chị chưa bao giờ hôn chị trên môi. Có thể việc làm này có ý nghĩa như một nỗ lực chinh phục, mà anh ấy thì chẳng cần chinh phục chị nên chẳng cần hôn lên môi chị chăng?

    Những chiếc bàn tròn được xếp thành một hàng dài dưới hiên, trên lớp hiên làm bằng vải bố là lớp hiên khác bằng nhựa trong mênh mông thành ra bọn chim sẻ tuy không bị nhốt nhưng vẫn chỉ quanh quẩn chung quanh. Thuyên bỏ đi đâu đó, chị ngồi một mình. Hai cốc café đã nguội ngắt. Bọn chim sẻ vây quanh, có con bạo dạn bay lên bàn tìm những vụn bánh mì nhưng hễ chị đưa tay ra là nó vụt mất. Bọn chim sẻ này chúng chẳng hom hem trên mái ngói xám như lời bài hát nọ, chúng ríu rít bận rộn và ngang ngược vô tội vạ. Bạn chị trở lại với bao thuốc lá cầm tay, nàng rút một điếu, rồi ngồi xuống châm lửa. Chị lặng lẽ quan sát bạn, thấy bạn nhìn quanh. Hiểu ý chị trỏ cho bạn thấy một ông đang phì phà điếu xi-gà cách họ một chiếc bàn, ngụ ý trấn an bạn vì người ta không cấm kẻ hút thuốc ngoài hiên. – Bà bắt đầu hút thuốc hồi nào vậy? –Khoảng vài năm sau khi mình đến đây. Chị cười, định nói gì nhưng Thuyên đã tiếp đúng bon chuỗi suy tưởng đang có trong chị: – Mình thử làm cách mạng một chút coi ra sao nhưng bây giờ trở thành thói quen. Bực bội thì vớ ngay điếu thuốc ; buồn, điếu thuốc ; hứng, cũng điếu thuốc… Ngoài điếu thuốc ra thì chưa làm cách mạng dưới những hình thức khác. Hồi còn bên nhà, Hậu nhớ bà hiệu trưởng Giang không, bà ấy nói oang oang trước bọn mình là làm đàn bà có chồng thì phải biết ngoại tình, ít nhất một lần trước khi tắt kinh. Hồi đó chưa có chồng (Hậu thì đã) nghe bà ấy nói mình tởm quá. Hậu cười : – Còn bây giờ? – Bây giờ thì tởm gì nữa nhưng …cạn xăng cạn dầu rồi bà ơi! Thỉnh thoảng mấy thằng tây trong sở mình chúng cũng liếc háy dữ lắm nhưng mình mệt.

    Thế còn bà già trong cuốn phim, tại sao bà ấy chưa mệt? Nguời ta không toan tính ngoại tình, người ta chỉ bất thình lình bị xô ngã. Chị biết vậy, nhưng hồi ấy thì chị mong được ngã quá đi. Tin cha Ngữ bị đẩy khỏi biên chế chị nghe qua miệng mọi người. Chị nóng cả ruột muốn trông thấy cha một lần chót. Liên tiếp mấy hôm chị ngóng trông. Cha không được quyền tiếp tục dạy, vâng thì vậy, nhưng ít ra cha cũng nên đến từ giã mọi người chứ. Để nói với mọi người rằng sau đó cha sẽ đi đâu, làm gì. Cả tuần không thấy, bổng chiều thứ bảy vừa tan buổi họp, chị tất tả ra về thì cha Ngữ đã đứng chờ bên góc đường, bảo muốn mượn lại băng nhạc hôm nọ để sang cho một đồng nghiệp. Băng nhạc chị để ở nhà, họ cùng về với nhau. Hôm ấy trời chớm gió may, sợ ho, chị quàng thêm chiếc khăn lụa trên cổ. Về đến nhà không thấy chồng đâu, chị tháo khăn quàng vất lên bàn, vội đi lục lọi tìm chiếc cát-xét. Khi chị mang ra cho cha Ngữ thì cha đang gục đầu trên chiếc khăn, hai mắt nhắm nghiền. Chị nghe nóng hai bên mang tai rồi cái nóng dâng cả lên má. Chị liều lĩnh ngồi thụp xuống cạnh ghế chưa biết phải làm gì ngoài ý nghĩ táo bạo là phải làm cho cha hiểu …trắng đen, nhưng cha đã mở choàng mắt bối rối, nhặt chiếc khăn đưa lên : “Cô Hậu tìm chiếc khăn hả? Xin lỗi tôi choáng váng bất thình lình nên gục xuống đây”…

    – Lần về Việt-Nam vừa rồi mình gặp lại nhiều đồng nghiệp cũ. Có hỏi thăm vợ chồng ông Giang, nghe nói họ ở bên Canada. Hậu ơi, mình đâu có muốn gặp lại họ, chẳng phải vì gì cả nhưng mình không muốn soi gương. Tưởng tượng xem, ba mươi năm rồi người nào cũng già khú đế, nhìn nhau buồn lắm. Các ông thì chẳng sao nhưng các bà thì dung nhan hư hao thấy mà ớn. Suốt câu chuyện về thăm nhà của Thuyên, chị thấp thỏm tìm cơ hội gợi ý về cha Ngữ nhưng bạn chị tuyệt đối không nói gần nói xa chi về ông ấy cả ; chẳng lẽ chị hỏi thẳng thì trắng trợn quá. Thuyên có hao hao biết chuyện vậy mà Thuyên không nhắc thì dại gì chị nhắc. Chị chẳng sợ nhan sắc chị tàn phai. Chị tin rằng cha Ngữ là mẫu người đặc biệt, cha sẽ chẳng quan tâm tới việc ấy đâu. Lạ lùng là giữa chị và ông chẳng có dấu vết gì chắc chắn, vậy mà chị tin rằng ông đã yêu chị. Và chị cũng yêu ông. Nhiều lần, nhất những lúc có chút thất vọng trong đời, không nhất thiết phải dính líu đến cuộc sống vợ chồng, chị lại tưởng đến cha Ngữ, ao ước được nằm trong vòng tay ông.

    Cho đến hôm chị xem cuốn phim.
    Tiếng khóc của bà già khiến ông già bực bội. Ông gặn hỏi bà. Tất nhiên là bà trả lời thẳng thắn rằng bà nhớ ông nọ. Bà thẳng thắn vì bà thấy cần được giúp đỡ. Vì bà không ngờ được. – Nhưng ngờ cái gì? Ông giận dữ hỏi. Ông suy nghĩ giản dị thôi. Rằng bà đã đến với ông kia (khi hai người đã chừng ấy tuổi) thì có nghĩa là bà muốn bỏ ông. Bà phải bỏ ông (già mà còn ham!) Tình nghĩa vợ chồng chừng ấy năm tháng vẫn chưa đủ bảo đảm ư? Phần bà, bà lại không hề nghĩ như ông. Khi bà ngã bà không hiểu tại sao bà ngã. Rồi bà tưởng lồm cồm ngồi dậy được, về lại nhà thì sẽ qua. Về nhà một đỗi bà mới hiểu là không qua được ; bà lại ra đi. Đến với ông kia bà tưởng êm nhưng bà lại thắc thỏm vì chồng. Bà luôn luôn không hiểu điều sắp đến sẽ ra sao. Vì vậy mà bà khóc. Khóc vì không hiểu tại sao bà lọt vào hoàn cảnh trờ trêu như vậy. Bà không muốn tí nào. Có ai hiểu cho bà như vậy không?

    Xem đến đoạn ấy chị không chịu nổi căng thẳng tâm lý nên tắt máy đi nằm. Chồng chị càu nhàu nhích xa, chị lại sấn vào ông, vắt tay qua người ông, giằng cánh tay ông ra gối đầu lên đấy. Ông để yên. Chị thao thức nhưng không dám cựa quậy ngại ông lại cằn nhằn lần nữa. Gần đến sáng chị mới chợp được mắt. Chị mơ thấy chiếc tủ sắt của chị trống không. Chị chạy đi tìm mãi chiếc khăn lụa cũ mà chẳng thấy nó đâu.

    Sáng hôm sau ôn lại giấc mơ chị sực nhớ lúc lên thuyền vượt biển chị còn quàng nó quanh cổ nhưng gió ngoài bể mạnh quá thổi bay. Lúc ấy mọi người hãi hùng, xô nhau trèo lên thuyền, chị không bận tâm nhìn theo chiếc khăn trôi trên nước biển…
    Sống trên đời

    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom