• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Ngày Xuân Đọc Thơ ISSA

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Ngày Xuân Đọc Thơ ISSA


    Ngày Xuân Đọc Thơ ISSA

    Nguyễn Mạnh Trinh

    Ngày đầu Xuân có một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Đông Phương. Xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàng, cái vòng sinh hóa ấy nối tiếp nhau không ngừng nghỉ. Bắt đầu môt chu kỳ là gì? Nếu không là ngày đầu năm thiêng liêng. Người Trung Hoa, Việt Nam, Đại Hàn hay Nhật Bản đều có chung những ý nghĩ về cảm nhận đổi thay từ thời tiết và chia xẻ với nhau từ thiên nhiên những đời sống tâm linh có chất vĩnh cửu.

    Hôm nay, một sáng mùa Xuân, giở trang sách. Tuyển tập Haiku 4 tập của học giả R. H. Blyth. Những trang thơ mùa Xuân. Đọc để tìm lắng đọng bình yên.

    Tôi tưởng tượng mùa Xuân ở xứ hoa đào. Nhưng chùm hoa phủ lấp không gian. Hồn xuân như phảng phất lãng đãng trong không khí. Đặc biệt ngày mùng một Tết không chỉ mở đầu cho một ngày mà còn là điểm khởi hành của cả một năm sắp tới. Tấm lòng mở ra, chào đón những làn gió Xuân trở về, làm hồi sinh lại nỗi yêu đời còn nén trong lồng ngực thở. Thiên nhiên mới lạ tinh khiết hơn, gần gũi với nỗi niềm hoang sơ của con người. Đất trời được nhìn ngắm, từ cái nhỏ nhoi cận gần, mầu sắc của áng mây, bầu tời xanh, bãi cỏ mướt đến tận cuối tầm mắt ngắm. Tiếng nước giọt xao động trên ghềnh đá, gió hú qua rặng tùng, mưa đập trên khuôn cửa, hay tiếng chim ríu rít, tất cả mỗi mỗi đều có biểu hiện mới của người và trời đất giao hòa. Cảnh vẫn vậy nhưng hồn như mang một điều gì mới hơn, đầm thắm hơn và sâu lắng hơn. Thơ Haiku, diễn tả cái mới toanh tinh khôi trong cái cũ càng. Sư phụ của thơ Haiku, Kobayashi Issa, với những bài thơ Xuân, mở ra những tâm cảm thơ mà tôi xin chuyển từ Anh ngữ sang Việt ngữ. Trong lúc thích thú một cách bồng bột, tôi đã không nghĩ đến câu dịch là phản và cũng không tự lượng sức mình dù cố gắng tìm hiểu để học hỏi.

    Những vần thơ rất cô đọng, nhưng sinh động. Ngày đầu năm, mở đầu từ ý nghĩa trong veo của tuổi thơ. Trong thơ Issa, có nhiều hình ảnh của nít nhỏ, tượng trưng cho sự ngây thơ, trong trắng.

    Toshi dama ya
    futokoro no ko mo
    tete wo shite.”

    “Dâng hiến của Tân Xuân.
    Bé thơ trong lồng ngực cũng
    Giữ chặt trong tay nhỏ xíu.”

    Bàn tay nhỏ xiú ấy, có phải là nỗi đam mê của Cleopatra và Anthony, hay tình yêu ngùn ngụt lửa bốc của Napoleon? Trái tim cũng cùng nhịp đập với đất trời, giao hòa trong sâu lắng của ngữ ngôn diễn tả. Mùa Xuân, với Issa chỉ là bàn tay của trẻ sơ sinh nắm giữ niềm tân hiến của thiên nhiên.

    Một bài thơ khác:
    “Shogatsu no
    kodomo ni natte
    mitaki kana”

    “Ah! Đã là
    trẻ thơ
    trong ngày Tân Niên”

    Thời thơ ấu đã là những ấn tượng khó phai và mất biệt trong cuộc sống. Ngày đầu năm, đứa bé thơ ngây vẫn còn đầy quỹ tiền tệ thời gian. Mỗi ngày mỗi lớn, dần dần hao cạn. Tuổi trưởng thành dường đi ngược lại ngây thơ trong trắng của lúc tóc còn xanh môi còn thắm. Những tờ lịch rớt xuống, đếm những điều không đếm được. Ngày tháng có thể đọc trên đầu những ngón tay, nhưng nỗi nhọc nhằn nhân sinh, những eo sèo thế sự thì chẳng thể nào đếm được. Họa chăng, biểu hiện từ những vệt nhăn ở khóe mắt, ở mái đàu sương pha dần điểm bạc:

    “Ganjitsu ya
    jojokichu no
    asagi-zora”

    “Ngày đầu năm
    Hạnh phúc! May mắn!
    Bầu trời nhàn nhạt xanh”

    Thi sĩ dường như chẳng để ý đến thời tiết đẹp với bầu trời trong xanh của buổi đầu Xuân. Trong giây phút ấy, con người thấy gần gũi với thượng đế trên trời.Đôi khi, hạnh phúc chỉ là mầu sắc nhàn nhạt của cuộc nhân sinh.

    “waga haru mo
    jojokichi zo
    ume no hana”

    “mùa xuân cũng
    hạnh phúc! May mắn!
    Hoa mận nở”

    Thơ haiku chú trọng dùng biểu tương và những gợi ý ngầm chứa bên trong nhưng lại diễn tả bằng ngôn ngữ đơn giản. Issa viết về mùa xuân qua hình tượng trẻ thơ. Theo cách đếm của người Nhật Bản, thêm một ngày đầu năm là thêm một tuổi. Nhưng với những đứa trẻ sinh từ tháng 5 năm trước thì đếm thêm một tuổi. Thi sĩ ngày đầu năm, nghĩ về đứa con gái xấu số chết lúc một tuổi vì bệnh đậu mùa.

    “hae-warae
    futatsuni naru zo
    kesa kara wa”

    “bò trườn đi và cười
    hôm nay
    từ con hai tuổi”

    Ngày tân xuân dài ra trong ký ức với tiếng gọi kêu trầm thống vọng lại từ bến bãi nhân gian. Giọt lệ của Issa cho chính thân phận mình không phải riêng cho những cái chết củanhững đứa con, người vợ, người cha, người mẹ. Ông tiếc thương cho chính sự hiện hữu của mình cho quỹ thời gian dần khô cạn bất kể đến nỗi trường cửu của cõi tâm linh.cái đau đớnấy, lạ thay lại lẫn lộn với niềm hân hoan của hiện tại đang từng phút giây đang có và tràn đầy.Sự xa lạ của khoảng khắc nhận được dàn trải thành tâm trạng của một người hăm hở tìm kiếm chính bản lai diện mục của mình. Giản dị và cô đọng, là những câu thơ:

    “Onureba
    hino nagai ni mo
    namida kana”

    “chúng ta già thêm tuổi
    theo chiều dài tháng năm
    từ nguyên do của giọt lệ.”

    Thơ xuân, đôi khi chỉ là biểu hiện vô cùng giản dị. Dấu chân mùa xuân chỉ vương theo tiếng xào xạc trên đồng cỏ. Thế mà, lại là bước khởi hành của nhiều liên tưởng. Xào xạc, là tiếng gió lướt đi, hay tiếng thở dài từ kiếp sống, của lúc cựa mình thiên cổ để nhìn ngắm trong vô cùng cái nỗi còn mất có không.

    “ Yusa –yusa to
    haru mga yuku zo yo
    nobe no kusa”

    “Khởi hành mùa xuân
    xào xạc, xào xạc
    trong bãi cỏ của cánh đồng”

    Issa nhìn ngắm thiên nhiên như một đối tượng đặc biệt. Dòng nước cuộn róc rách qua ghềnh đá như nhịp điệu miên viễn khôn nguôi. Từ một góc cạnh, mặt nước phản chiếu trên đôi bàn tay trắng của một thiếu nữ đang cọ rửa xoong nồi. . .Ánh trăng ngần trên da thịt trắng và lan ra xa theo dòng nước. Một hình ảnh đẹp đặc thù của vầng trăng xuân.

    “Asakawa ya
    nabe susugu te ni
    haru no tsuki”

    “chỗ cạn của dòng sông
    trên bàn tay cọ rửa xoong nồi
    trăng xuân.’

    Mưa xuân, những cơn gió chướng thổi hơi nước làm mù cảnh vật. Trời đất trong tấm màn trắng mỏng che khuất cây cỏ. Mưa gió làm liên tưởng đến những cánh thư đã vứt bỏ trong trí nhớ và bây giờ tả tơi theo gió luồng chịu đựng nỗi buồn đau thầm kín của đất trời. . .Bức tranh giản đơn của Issa:

    “Harusame ya
    yabu ni fukaru ru
    sute – tegami”

    “mưa xuân
    lá thư vứt bỏ
    thổi tan tác phơi trên bụi cây.”

    Mưa có phải là sự tương giao giữa bất hạnh và hạnh phúc, giữa lạc quan và bi quan, giữa buồn khổ và hoan lạc. Thi sĩ vẫn là người gợi ý giữa một thiên nhiên thầm lặng ngỏ lời đem thông điệp cho người. Thơ tượng hình từ những chuyển động thiên nhiên.

    “Harusame ya
    neko ni odori wo
    oshieru ko”

    “mưa xuân
    cô bé đang dạy
    chú mèo khiêu vũ”

    liên tưởng có từ hình tượng một cô bé đơn độc ngồi chơi giỡn với một chú miêu xinh xắn. Dường như, là con gái duy nhất của một gia đình hiếm muộn không có anh chị em để chơi giỡn cùng. Một khung cảnh nhiều lãng mạn, và nghệ thuật của Issa là dùng những hình tượng thoạt tiên chẳng có liên hệ gì với nhau nhưng lại có những gắn bó sâu sắc. Giọt mưa, hay điệu luân vũ chú mèo hay cả hai, là hình tượng mùa xuân? Chứa đựng trong lặng thầm là cõi nhân sinh vọng động.


    Kobayashi Issa (1763-1827) được coi như là một trong ba vị thánh của thơ Haiku Nhật bản là Basho và Buson. Ông sinh ra ở Yotaro Kobayashi năm 1763 trong một làng nhỏ miệt núi Kashiwabara trong tỉnh Shinano miền trung Nhật Bản. Là con cả của một nông dân và ông mồ côi mẹ từ lúc hai tuổi. Đó là một biến cố in sâu đậm trong tâm thức và cũng là tham kịch của thời thơ ấu của ông. Bà nội ông nuôi dưỡng ông từ tấm bé. Người thầy giáo trường làng của ông đã in những dấu ấn thi ca lên đầu óc non nớt của ông và là những mầm nụ phát triển sau này. Người thầy này cũng làm thơ Haiku với tên tuổi của Shimpo.

    Cha của ông kết hôn với bà kế mẫu Satsu khi ông mới vừa tám tuổi và bà này đã hành hạ ông suốt thời niên thiếu. Bà nội ông mất lúc ông mười bốn tuổi và năm sau cha ông gửi ông lên Edo để chấm dứt sự xung khắc trong gia đình. Khi dẫn ông lên kinh đô trên đường đi đã dặn khiến Issa nhớ suốt đời: “ hãy nuốt hết những đau xót và đừng để mọi người đau buồn vì con. Hãy để ta có thể nhìn thấy sớm hơn khuôn mặt tươi tắn thanh thản của con”.

    Mười năm ở Edo là môt chuỗi ngày phấn đấu của một người cố gắng đi tìm cứu cánh cho đời sống mình. Ông học làm thơ và năm 25 tuổi đã in thơ trong một hợp tuyển của thị xã Chikua mang tên thi trường Katsukika. Thị xã này ảnh hưởng thi phái Buson nhưng lại theo truyền thống Bashõ.Issa tạo dựng được một khuôn dáng riêng, dù có khi là sự trộng lẫn giữa hai khuynh hướng này.

    Khi Chikua từ trần, Issa trở thành trưởng tràng của Chikua học viện mang tên Nirowan. Nhưng có nhiều mâu thuẩn trong nội tình nên ông từ chức năm 29 tuổi. Trở về quê nhà thăm cha già, rồi tiếp tục cuộc du hành tìm thơ trong mười năm sau. Với sự giúp đỡ về tiền bạc của người cha, ông du hành khắp nơi, đến ise, Nara, Kyoto. Ông đến thăm cung điện Hogangjji rồi Oska có ngôi mộ của Bashõ ở bên bờ của hồ Biwa, RỒI Shikoku. Lúc này ông mang bút hiệu Issa và viết dược nhiều bài thơ tuyệt diệu. Giống như Buson, ông chịu ảnh hưởng nhiều của Phật Giáo và Zen. Nhưng thơ của ông phóng khoáng nhiều khi vượt qua khuôn khổ của tôn giáo.

    Năm 1801, người cha già trở bệnh khiến ông trở về quê nhà để săn sóc cả tháng trời trước khi cha ông lìa trần. Ông được di chúc và hưởng phần lớn gia tài với điều kiện là phải sinh sống ở Kashiwabara và lập gia đình ở đây. Người kế mẫu và người em trai cùng cha khác mẹ phản đối không thừa nhận di chúc và kiện cáo khiếu nại. Hội đồng làng xã ủng hộ họ và Issa đã thuật lại trong “Ghi chép hằng ngày của cha tôi lần cuối” mà người đọc có cảm tưởng là đang theo dõi một chương trình của tiểu thuyết Balzac.

    Vụ kiện là một biến cố ảnh hưởng nặng nề đến thi ca Issa. Bất hạnh dồn nén làm ông càng đi sâu vào những ý niệm siêu hình của cuộc sống. Sau cùng cũng đi đến một giải pháp dung hòa là chia đôi tài sản. Ông về sống trong căn nhà từ đường bị chia hai sát bên với nhà bà kế mẫu.

    Ông lập gia đình với một thôn nữ tên Kiku lúc ông năm mươi mốt tuổi và cô này hai mươi bảy tuổi. Kiku có nghĩa là tên của một loài hoa cúc. Ông làm nhiều bài thơ cho người vợ này. Về đường con cái ông có sự đau buồn. Người con trai đầu chết khi một tháng tuổi, người thứ hai cũng chết năm kế tiếp, rồi đứa con gái, Sato-jo, chết lúc vừa đầy tuổi. Năm 1819, bà Kiku mang thai rồi bệnh chết. Đứa trẻ sơ sinh không sống được lâu hơn một năm. Ông lập gia đình thêm lần nữa nhưng đều gẫy đổ. Trước cái tang của người thân, Issa viết một tập tản văn xuất sắc “Những năm của đời tôi”. Năm 1927, gia cảnh rối rắm, nhà bị cháy, Issa từ trần nhà mà không bịnh tật, để lại bà vợ và cô con gái nhỏ.

    Thơ Issa, là kết tinh của khổ đau của một đời người phải gánh chịu nhiều tai ương của cuộc sống. Thi ca đã thăng hoa để thành một nghị lực cho sự sống còn như kiểu nói của Phùng Quán “vịn vào thơ và đứng dậy.



    Mùa xuân, là thời điểm để thi sĩ phân biệt giữa giản đơn và phức tạp của thiên nhiên. Thu gọn thật nhiều hình tượng, chỉ một vài âm hưởng, thơ Haiku đi tìm những cảm giác mong manh. Có khi từ những mầu sắc, của vàng tươi dáng trời, của đôi mắt lãng đãng trôi theo phương trời vô định. Mầu sắc ấy chỉ tìm kiếm thấy ở dáng trời buổi nắng tà ở trong những ấn bản mầu nổi tiếng của Hiroshige, mà phiến trời áng mây trải tới cuối tầm mắt ngắm”

    “Assari to
    haru wa ki ni keri
    asagi-zora”

    Mùa xuân đến
    Tất cả giản đơn
    Là ánh vàng của chân trời”

    Mùa xuân, là lúc tấm lòng mở rộng ra với Đất Trời. Cũng như vần thơ của Shiki viết:

    Ganjime no
    Wago no
    Hajime kama”

    “Ngày đầu năm
    khai mạc hòa tấu khúc
    của Trời và Đất.”

    Đúng rồi, có gió và có nắng. Trên cao là vầng mây xa. Dưới thấp, là là mây, đất sương long lang lá cỏ. Hòa tấu khúc của Đất Trời phản chiếu tâm tưởng của lòng người. Người buồn, cảnh vật đìu hiu. Người vui, thiên nhiên mở hội. Một chu kỳ mới bắt đầu mong mỏi sự tốt đẹp sẽ đến. Thơ xuân vui, không nhịp điệu ồn ào, mà, sẽ trầm lắng, như hương hoa thơm thoảng quan, như tách trà thơm uống vào như hưởng cả tinh khiết của một thời trong lành nguyên sơ . . .

    vietnamreview.com
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom