• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Thơ Trần Dzạ Lữ

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Thơ Trần Dzạ Lữ




    TRẦN DZẠ LỮ
    Gọi Tình Bên Sông



    VÀI NÉT VỀ TRẦN DZẠ LỮ

    Tên thật là Trần Văn Duận, sinh năm 1949 tại Huế.
    Sĩ quan Quân Lực VNCH.
    Bắt đầu làm thơ từ năm 1960 và đăng thơ trên hầu hết các báo và tạp chí ở Sài Gòn trước năm 1975.

    Đã in:





    • Hát Dạo Bên Trời (1995)
    • Gọi Tình Bên Sông (1997)
    • Thơ đã in trong các thi tuyển:
    • Tháng Giêng Sài Gòn, Anh Làm Thơ Yêu Em.
    • Những Gương Mặt Thơ Mới.
    • Hai Thập Kỷ Thơ Huế
    • Thơ Tình Xứ Huế
    Thuở đó, lúc tuổi tôi vừa lớn, tuổi còn đi học, mỗi lần được dịp đi phố là không bao giờ tôi bỏ quên các tiệm sách. Thuở đó, Tam Kỳ có các tiệm sách như Quảng Thành, Nam Ngãi, Thư, đều nằm trên đường Phan Chu Trinh. Tiệm Quảng Thành bán sách giáo khoa nhiều hơn sách truyện. Tiệm Nam Ngãi lớn hơn, chỗ ngã ba đường, bán nhiều sách văn học và báo chí nên thu hút được nhiều khách hàng, nhất là giới học sinh, giáo sư, công tư chức. Tiệm Thư, có cô chủ tên là Lệ Ngọc, tên đẹp như người, Lệ Ngọc có dáng như thiếu nữ trong tranh, nhưng tiệm sách Thư nhỏ, chỉ đứng loay hoay hai ba mươi phút rồi phải bước ra, chẳng lẽ có người đẹp ngồi trên quày nhìn mình mà mình cứ đứng đọc “cọp” báo hoài. Tôi thường tìm tạp chí Văn, đọc ở mục thư tín, “bài đã nhận được”, tôi cố xem có tên mình không? có khi có, có khi không, vì lúc đó tôi tập tểnh làm thơ gởi đăng báo. Có tên mình trả lời trong mục “Bài đã nhận được” là đã sướng đến mê tơi rồi, huống hồ gì có thơ hoặc truyện của mình được đăng, thì cái sướng còn tăng gấp bội.

    Có tên một tác giả mà số Văn nào cũng có hiện diện ở mục “bài đã nhận được”, vì đọc hoài nên tôi nhớ tên, đó là Trần Dzạ Lữ. Bút danh này có một cái lạ, là chữ Dzạ được viết có chữ Z đứng giữa, nên đã gây cho tôi nhiều chú ý.
    Thời gian đó, tôi chưa đọc được bài thơ nào của Trần Dzạ Lữ đăng trên báo. Nhưng đọc tên anh hoài nên coi như quen lắm.
    Mãi đến khi vào quân đội, sau mấy năm tác chiến, tôi được đổi về Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I và Quân Khu 1 đóng ở Đà Nẵng, tôi mới đọc được một số (rất ít) bài thơ anh. Tôi nghe bạn bè nói (lúc đó) Trần Dzạ Lữ là Chuẩn uý, thuộc ngành Truyền Tin, đang phục vụ tại một đơn vị truyền tin ở Đà Nẵng. Nghe và biết vậy nhưng cũng chưa được gặp Trần Dzạ Lữ lần nào.
    Mãi đến khoảng năm 1987, sau khi đi tù cộng sản về, tôi mở một sạp bán phụ tùng xe đạp ở đường Huỳnh Văn Bánh, tôi đã gặp Trần Dzạ Lữ ở đây. Qua sự giới thiệu của Hà Nguyên Thạch, tôi biết Trần Dzạ Lữ. Anh người khô gầy, tóc tai nhễ nhại mồ hôi, lúc đó anh vừa từ Huế vào Sài Gòn, làm nghề bán rau muống ở chợ Trần Hữu Trang Phú Nhuận. Bằng phương tiện là chiếc xe đạp cà tàng, Trần Dzạ Lữ buổi sáng đạp xe xuống chợ Cầu Ông Lãnh mua rau muống, chở đem về bán lẻ cho khách hàng ở chợ Trần Hữu Trang.
    Đó là thời gian khốn cùng nhất của lũ chúng tôi, những người sĩ quan QLVNCH, vừa ở tù về, phải bon chen với đời để kiếm miếng ăn, kiếm sống. Thỉnh thoảng Trần Dzạ Lữ ghé vào chỗ tôi uống ly cà phê đen, nói chuyện trên trời dưới đất. Có lúc, tôi bắt gặp Trần Dzạ Lữ đi bộ một mình trên lề đường gần đó, anh đi lang thang, đôi mắt nhìn vào khoảng không xa khuất, không biết lúc đó Lữ đi đâu và nghĩ gì?


    GỌI TÌNH BÊN SÔNG

    Dù nghèo cực, khổ sở trăm bề, (sau này Trần Dzạ Lữ bỏ nghề bán rau muống, anh đi giữ xe đạp ở bãi chợ THT, nghề này cũng không khá hơn nghề bán rau muống bao nhiêu) nhưng anh đã gom góp tiền in được 2 tập thơ. Tập thứ nhất là Hát Dạo Bên Trời và tập thứ hai là Gọi Tình Bên Sông.
    Anh tặng tôi tập Gọi Tình Bên Sông, nên bài này tôi viết về những bài thơ trong “Gọi Tình Bên Sông” của Trần Dzạ Lữ

    Trong Lời Mở Đầu “Một Chút Tâm Tình Với Người Yêu Thơ” Trần Dzạ Lữ viết: “Giờ đây, khi đem in tập thơ Gọi Tình Bên Sông, tôi mới thấy mình quá… can đảm, giữa thời buổi thơ in ngàn bản bán không xong, thôi thì coi đó như “thú đau thương “ vậy.

    Đây là bài thơ “Gọi Tình Bên Sông” làm chủ đề cho cả thi tập:


    Có một lần nhớ quá
    Ra sông đứng gọi tình
    Tình xa người hóa lạ
    Chiều mồ côi cánh chim

    Có một đời xưa quen
    Đã mù sa cổ tích
    Kỷ niệm sầu chia nhánh
    Địa ngục và thiên đàng

    Rạng đông màu mắt em
    Sực nức hương buổi sớm
    Hoàng hôn trong mắt anh
    Từ ngày chia biệt mộng

    Qua sông hề sông rộng
    Soi bóng dài chiêm bao
    Biết tìm nhau nơi đâu
    Đời sống giữa mù khơi

    Có một ngày đứng ngóng
    Ngày tình nhân chia lìa
    Vỗ đàn mà hát hỏng
    Nhớ sum vầy xưa kia

    Có nhiều lúc chơi vơi
    Hôn cúc vàng thầm lặng
    Thương ơi tờ lụa mỏng
    Em biệt dạng bên trời.

    Tôi biết cuộc đời của Trần Dzạ Lữ là một cuộc đời cơ cực. Anh sinh ở Huế nhưng Huế không nuôi nỗi anh. Đi tù cộng sản về Lữ vào Sài gòn nương thân, anh làm đủ mọi thứ nghề, từ vá xe đạp lề đường đến đi mua đồ lạc xon, đồng nát dạo. Nhưng Sài gòn cũng không cho người tù trở về nương thân yên ổn. Lữ lại bỏ Sài Gòn để về miền Trung, theo đám bạn “nhất phá sơn lâm” lên núi trường sơn tìm trầm. (mong may mắn đổi đời, nhưng không được). Thời gian này được Lữ ghi lại những câu thơ sau:


    Hết nửa đời anh cứ mãi ra đi
    Hạnh phúc có bao giờ bắt gặp?
    Ở thị thành anh không có “đất”
    Phải lên non bắt bóng tìm trầm

    Về miền trung anh xót xa từng giờ
    Có nhiều lúc bơ phờ vì cơm áo
    A Lưới, Khe Sanh, chơi trò sinh tử
    Anh mới về cũng nhập cuộc em ơi!

    Đọc thơ Trần Dzạ Lữ tôi rất thích những bài anh viết về Huế. Một nơi anh đã sinh ra và lớn lên, nhưng anh không dung thân nỗi nơi đó. Anh ra đi lang bạt kỳ hồ, vì miếng cơm manh áo anh “đi như là trôi” giữa 3 miền đất nước, nhưng trong tâm tưởng anh, lúc nào cũng nhớ về xứ Huế thân yêu:


    MÙA THU VỀ CỐ XỨ

    Ta trờ lại con đường mười tám
    Heo may về lướt thướt bên cây
    Những bầy chim trắng xưa khuất bóng
    Tóc mun ai thôi đổ sông dài

    Nắng hanh vàng ơi-chiều Đại Nội
    Ta vô ra một bóng phiêu bồng
    Dấu tích vẫn còn rêu phong cũ
    Mà tình kia quảy gánh long đong

    Toà Khâm-vẫn lầu cao còn đó
    Nhưng em xưa nay đã xa rồi
    Câu mái đẩy giờ ai buông giọng
    Mà nghe sầu cổ tích chơi vơi

    Ta trở lại, nhớ Huyền xưa ơi!
    Cốc cà phê Bưu Điện một thời…
    Mai đi như gió-đời vô định
    Biết dặn dò chi nữa hở người.

    Nhà văn Cung Tích Biền viết về thơ và đời sống của Trần Dzạ Lữ :


    …Ba mươi năm, thơ vẫn giữ được dung phong thuần nhất. Ắt có lý do. Cuộc đời đã xử sự không ngọt ngào với Lữ, anh miên viễn kinh qua, từ cửa sau tới cửa trước kinh qua, những ngày tháng đói khó cùng kiệt, lẻ loi tới rũ lòng, khát vọng và hoài cảm, từng là sĩ quan, là lính thú hàng đêm đối diện với cái chết, rồi thất nghiệp, buôn ve chai, lượm đồng nát, theo tiếng giang hồ chui qua biên giới, tới thung lũng miền Trung tìm trầm, bán rau muống cùng vợ, giữ xe chỗ bãi chợ. dù thế, Lữ vẫn giữ được mình, nên chữ nghĩa anh trước sau vẫn trật tự, giữ được sự trong sạch, mẫu mực nhưng thâm trầm, đậm tình người như chính thân phận của tác giả.”

    Cuộc đời của nhà thơ Trần Dzạ Lữ là thế, từng đó câu chữ của Cung tích Biển đã diễn đạt hết cuộc đời và thơ của Lữ rồi, còn nói nữa chi?.

    Nhưng Phạm Chu Sa đã nói thêm về cuộc đời làm thơ của Trần Dza Lữ:


    47 tuổi (1996), hơn 30 năm làm thơ và có thơ đăng báo hầu hết các báo, tạp chí văn nghệ miền Nam từ những năm 60 đến nay, Trần Dạ Lữ mới cho ra mắt tập thơ đầu tay…
    Là nhà thơ có cuộc sống khá khắc khổ, nhiều gian truân, đôi khi quẩn bách, nên thơ anh là “tiếng kêu, là giai điệu sâu lắng nhất”, vừa là hình của Địa Ngục, vừa là bóng của Thiên Đường, như lời anh tự bạch.
    Vâng! Thơ Trần Dzạ Lữ là những tiếng lòng đau xé, quằn quại nên đôi lúc anh đã muốn giã từ, nhưng vẫn đeo bám thơ như một cứu cánh.

    Tôi rất yêu đoạn thơ 4 câu anh in ở bìa sau trong tập Gọi Tình Bên Sông, đoạn thơ thật dễ thương:


    Khi người đi mặc áo vàng hoa cúc
    Chiều trong tôi còn sót chút hơi tàn
    Đành cất giữ dẫu đau lòng chân thật
    Để đêm buồn gợi nhớ chút hương quen



    Để có cái nhìn thêm về Trần Dzạ Lữ, tôi xin trích một đoạn của nhà thơ Tường Linh đăng trong tập Gọi Tình Bên Sông:


    Khi đọc hết tập thơ Gọi Tình Bên Sông của Trần Dzạ Lữ, tôi chỉ còn lại một niềm vui. Vì tiếng hát đã ngân cao, vang xa và dạt dào giai điệu, vì những khúc du ca tâm huyết, chắt lọc suốt ba thập kỷ đã đến và sẽ đọng lại giữa hồn người.”

    Tết vừa rồi, tôi về Việt Nam có đến gặp Trần Dzạ Lữ ở bãi giữ xe chợ Trần Hữu Trang, Phú Nhuận. Chen lấn qua đám đông người đi chợ sắm Tết, người người chen nhau mà đi mua sắm. Cũng rất khó khăn tôi mới vào được chỗ Lữ đang làm việc, Lữ bận cặp đồ công nhân đã sờn cũ, đội chiếc mũ lưởi trai lụp xụp che khuất cả khuôn mặt. Tôi kêu “Trần Dzạ Lữ”. Lữ nhìn ra, thấy tôi, anh chạy lại mừng rỡ hỏi, mới về hả, tôi đáp, mới về. Mới trao đổi được đôi câu thì ngươì cùng làm với Lữ kêu, có xe ra kìa, lại kiểm soát vé đi. Tôi biết Lữ đang bận nên nói nhanh, có chút quà của người bạn gởi cho Lữ đây. Tôi lấy bì thư có sẳn trao Lữ (một ít tiền của người bạn ở Sacramento gởi biếu). Lữ cầm bì thư, nói “Cảm ơn, xin lỗi nghe, Tết nên bận quá”, rồi chạy lại chỗ làm việc.

    Tôi biết Lữ quần quật suốt ngày, không có một chút thời gian rãnh rỗi nào nên không muốn làm mất thì giờ của anh. Tôi ra về mà lòng bùi ngùi thương bạn. Anh quần quật thế không biết còn thời gian nào rảnh rỗi để làm thơ?

    Nhưng làm thơ vốn dĩ là cái Nghiệp.

    Trần Yên Hoà


    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 09-01-2011, 12:24 AM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
    Similar Threads
  • #2

    Thơ Trần Dzạ Lữ

    Tự thú II

    Ta hiền như cục đất
    Thiên hạ tưởng là ngầu
    Làm thơ thì đầy rượu
    Thực tế có gì đâu?




    Cơm áo cùng kẻ chợ
    Cứ tưởng ta giang hồ
    Lòng trong đâu có đục
    Mắt buồn cõi phù hư…



    Hồ nghi ta sát gái
    Đâu biết ta thất tình?
    Có khi ứa nước mắt
    Vì con sáo sang sông!



    Mười năm lỡ áo rách
    Nơi xứ lạ quê người
    Hồ nghi ta kẻ cắp
    Thật tình thèm rong chơi…



    Ta hiền nên chẳng vui
    Giữa bon chen chợ đời
    Ôm đàn mà hát hỏng
    Lang thang bóng bên trời!



    Mùa xuân lại về ngồi
    Hiên xưa mà nhớ mẹ
    Nhiều năm con đi biệt
    Chữ hiếu quăng đâu rồi?




    SàiGòn - 10 / 2010
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

    Comment

    • #3

      Thơ Trần Dzạ Lữ


      TRẢ LỜI MỘT CÂU HỎI
      Gửi Nguyễn Thị K.T

      Em hỏi rằng tôi ở nơi đâu
      Tôi ở chợ tình-chợ chiêm bao
      Sáng ra không thấy người tri kỷ
      Tối về tôi gánh bóng tôi đau…

      Bao nhiêu năm rồi-một vì sao
      Mọc lẻ bên đời lắm bể dâu
      Chiếu chăn mòn mỏi đời du thủ
      Gảy đàn hát, hỏng khúc tiêu dao!

      Chí cả cùn rồi mài không sáng
      Húc đầu vào mãi chốn hư không
      Yêu ai rồi cũng xa lìa hết
      Lưới tình bủa riết để về không!

      Em hỏi rằng tôi có bạc lòng
      Lòng tôi se lạnh cõi mùa đông
      Mùa xuân hề! Chẳng bao giờ tới
      Giang hồ đi lạc bến đa đoan…

      Ngó đâu cũng thấy màu mây trắng
      Quê nhà xa lắc-Mẹ thì không
      Thèm yêu thương đến mòn con mắt
      Có phải em-người để tri âm ?

      Trần Dzạ Lữ
      ( 6/2009 )


      Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 05-01-2011, 09:33 AM.
      ----------------------------

      Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

      Comment

      • #4

        Thơ Trần Dzạ Lữ



        GỬI NGƯỜI EM AN CỰU
        Tặng C.T.Hà

        Xưa anh cũng yêu một người An Cựu
        Người ấy giống em như tạc bây giờ
        Mắt Huế buồn cháy hết cả cơn mơ
        Anh lúynh quýnh đứng bên bờ khổ nạn…

        Những mùa tình của anh đều hạn hán
        Đợi mưa em mà chẳng thấy nghiêng về
        Qua Trường Tiền anh ngả nón si mê
        Mắt dáo dác tìm mùa xuân không tới!

        Và anh biết mình đâu còn cơ hội
        Để gần em dù một sát- na buồn
        Đêm Nội thành ngàn sao là dấu hỏi
        Bao giờ người chung nón ,kẻ chung khăn ?

        Rồi xa em là xa gạo de An Cựu
        Những mùa thơm đã mất hết trong đời
        Thôi cũng đành làm một kẻ mồ côi
        Đi cho hết kiếp người như định số!

        Ở ngòai nớ làm răng em thấu tỏ
        Trái tim này chôn chặt những tình đau?
        Yêu như kẻ đi tìm trầm chín núi
        Chín núi sầu anh rớt xuống chiêm bao…

        Trần Dzạ Lữ (tháng 2 năm 2010 )
        ----------------------------

        Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

        Comment

        • #5

          Thơ Trần Dzạ Lữ


          Không thể dối lòng

          Không yêu em sao tôi giận hờn
          Mắt dao cau níu tình chon von
          Để đêm đêm đong đầy chờ mong
          Để đêm đêm lạnh lùng chiếu chăn…

          Không yêu em sao tôi âm thầm
          Tạc dáng ai lên chiều ăn năn
          Để phóng dao theo sầu đa đoan
          Để trái tim từng ngày rung chuông…

          Không yêu em sao tôi rộn ràng
          Như trẻ thơ đợi mùa xuân sang
          Mang áo mới ,mang lòng hân hoan
          Đến bên nhau trong vườn địa đàng!

          Không yêu em sao tôi lại buồn
          Khi mùa xuân em bay qua sông
          Mùa xuân .Mùa xuân.Ôi mùa xuân
          Sao lòng tôi cứ mãi mùa đông ?

          Vì yêu em, không thể dối lòng
          Nói rằng không,dù em qua sông
          Qua sông .Qua sông hề! Mùa xuân
          Người ở lại, thôi thì đừng mong…

          Trần Dzạ Lữ
          ( SàiGòn 1.2010 )

          ----------------------------

          Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

          Comment

          • #6

            Thơ Trần Dzạ Lữ


            Chiều cuối năm nhớ Huế

            Sao anh không về thăm lại miền Trung
            Câu hát ấy làm xiêu lòng người xa xứ
            Chiều cuối năm ta lăn tròn thương nhớ
            Huế trong mơ-tình nghiêng ngửa trong hồn!

            Bao năm rồi cứ hẹn sẽ về thăm
            Nhưng cơm áo dùng dằng không dứt được
            Đời viễn phương làm sao em biết được
            Vó ngựa hồng đôi lúc nản chân bon !

            Áo tím ngày xưa và những con đường
            Thuở hò hẹn làm sao ta không nhớ?
            Thương Hàng Me xưa ai qua guốc mộc
            Ai giấu tình trong chiếc nón nghiêng nghiêng?

            Ai đưa nhau về qua phố Bao Vinh
            Lý Ngựa Ô lại ngược dòng An Cựu
            Ai ru ai điệu hát Nam bình
            Nghe day dứt đường bay của gío !

            Sao anh không về hay anh đã nỡ
            Quên người em nhỏ đất Thần Kinh ?
            Núi Ngự sông Hương và cả mối tình
            Ta mắc nợ đến bồn chồn năm tháng…

            Chiều cuối năm –ta lăn đời đá tảng
            Về phía phù hoa tóc trắng bùi ngùi
            Vẫn cứ hẹn một ngày về thăm Huế
            Dẫu là ngày chim đã đổi đường bay…

            Trần Dzạ Lữ


            ----------------------------

            Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

            Comment

            • #7

              Thơ Trần Dzạ Lữ



              Khi Người đi

              Khi người đi mặc áo vàng hoa cúc
              Chiều trong tôi còn sót chút hơi tàn
              Đành cất giữ dẫu đau lòng chân thật
              Để đêm buồn gợi nhớ chút hương quen

              Khi người đi dù che nghiêng vành nón
              Cũng nghiêng vai hứng nốt giọt sầu
              Và mưa chậm trong lòng nhau từ đó
              Em có hay tôi chết một tinh cầu

              Đưa người đi mà lòng như lửa cháy
              Nói yêu nhau giờ đành nuốt sầu
              Đưa người đi mà người không hay biết
              Lặng lẽ đưa người cho hết tình xưa

              Khi người đi dù rất thầm chân bước
              Đứng trông theo thương gió lộng áo dài
              Đường phố rộng mai này khi gặp gỡ
              Trong mắt em lóng lánh một tiếng chào
              ----------------------------

              Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

              Comment

              • #8

                Thơ Trần Dzạ Lữ



                Món Nợ Ngày Xuân


                Bạn bè rơi rụng hết

                Còn sót lại mình tôi
                Hắt hiu nơi trần thế
                Sống để trả nợ đời…

                Nợ bạn đêm Đà Nẵng
                Hai đứa thức làm thơ
                Vợ bạn nằm trăn trở
                Gió lùa nhà trống huơ!

                Nợ anh đêm Vỹ Dạ
                Ngày cưới cũng không quên
                Lưu giữ đêm hôn phối
                Thân quen một bóng hình!

                Nợ em cầu Trường Tiền
                Khuya lơ ngồi tình tự
                Cầu đổi màu ngũ sắc
                Ai đổi màu nhớ, quên ?

                Nợ mùa xuân lầm lỗi
                Tôi chưa về quê xưa
                Hoa bưởi rơi đầy lối
                Mẹ ru người ầu ơ…

                Tháng giêng còn mộng mơ
                Sông Hương còn gương lược
                Tôi hẹn về chải tóc
                Cho người tình năm xưa…

                ( Xuân 2009 )
                ----------------------------

                Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

                Comment

                • #9

                  Hương cau quê nhà - Trần Dzạ Lữ


                  Hương cau quê nhà


                  1. Cứ yên chí là ăn tết SàiGòn năm thứ 32.Không dự định.Không náo nức vì năm nào cũng vậy:Tết SàiGòn không giống Tết Huế hay Hà Nội.Nóng nực.Cộ xe và người với người…Bất ngờ một cú điện thoại bên kia đại dương gọi về: Anh L hả ?Năm ni anh về Huế ăn Tết nghe! Tôi như người từ trên trời rơi xuống: Có tiền mô mà đi! –Anh yên chí. Em đài thọ cho anh về Huế.-vậy thì anh cảm ơn em. Cũng ngót nghét 32 năm không gặp, không liên hệ vì mỗi người một phương.Đâu ngờ Loan có số điện thọai của tôi để gọi về và nhịp cầu tri kỷ được nối kết.

                  Thế là tôi hối hả mua vé tàu ngày mồng 3, toa 10, số gường nằm 18, ở trên tầng 3. Mười hai giờ hai mươi tàu chạy, tôi nằm yên như thế để trôi ra Huế lúc bảy giờ sáng ngày mồng bốn. Bước xuống ga gặp rét và mưa phùn.Tôi vào quán kêu 1 ly café ,một tô bún bò bỏ bụng. Sau đó gọi điện thọai cho đứa em ở làng Văn Hóa Ngọc Anh lên đón. Rất bồi hồi khi trở lại nơi chôn nhau cắt rún. Bà con, anh em gặp lại nhau cảm động khôn cùng.Ngày đầu tiên đến Huế là về thăm cậu, dì nơi quê ngoại.Thời nhỏ dại, cha mẹ tôi mất sớm, cậu, dì thường cơm đùm gạo bới đem lên. Bà ngoại thì là số một rồi, lúc nào cũng nhắc đến mẹ tôi và yêu thương cháu hết mực.Chừ ghé thăm và gửi một ít quà.Dì Quên, mợ Ngộ rưng rưng nước mắt. Suốt đời anh em tôi mang ơn bên ngoại .Món nợ tình này biết bao giờ trả hết.Vân Thê, Quê Ngoại tôi ơi !

                  2. Lên Trà Am thăm mộ mẹ cha mà chạnh lòng vì mấy mươi năm rồi vẫn còn mộ đất. Bảy anh em tôi như bảy nhánh sông trôi đi biền biệt trong khó nghèo. Năm nay hạ quyết tâm xây cho bằng được 2 ngôi mộ ấy.Và cũng thật cảm động khi nghe tin chị Ái Niệm từ Đà Nẵng bay ra xây mộ cho bà ngoại ( công việc này lý ra là của anh em tôi vì đây là mộ bà nội). Vậy là tháng giêng Canh Dần, chúng tôi đặt đá xây 3 ngôi mộ.-người ta bảo: Sống cái nhà, chết cái mồ. Mồ yên mả đẹp thế là vui, vì đời chúng tôi không lo được thì ăn nói làm với con cháu? Mỗi ngày làm được việc hiếu là tốt.Sau nầy mình ra sao thì cũng chẳng cần nghĩ đến.Nghe đứa em nói vùng này cũng bị quy hoạch, nhưng chắc cũng phải mất năm mười năm nữa.Tôi nói: Làm chi được cứ làm. Sau này ra sao hãy hay…

                  Trên mộ mẹ có ghi khắc một bài thơ của tôi. Làm thơ tình suốt cả đời,nhưng làm thơ cho mẹ chỉ đếm đầu ngón tay.Dù sao cũng trút được nỗi lòng của mình với mẹ: Con đi biền biệt xứ người/ Tóc xanh đã bạc rồi mẹ ơi/ Vẫn còn mắc nợ tao nôi/ Ngày xưa mẹ đã đứng ngồi ru con…Lời ru của mẹ đã quyện vào đời tôi nên dù đi qua giông bão cuộc đời, khi chìm khi nổi tôi vẫn vui vì nếu không thành công mình cũng đã thành nhân.Cảm ơn mẹ đã sinh ra con trên cõi dương thế này…

                  3. Buổi sáng bạn bè thời Trung học Nguyễn Tri Phương réo tôi liêntục qua điện thoại di động. Vậy là tôi đến quán Café Vô Thường.Ở đó có mặt mười mấy bạn, có thêm thầy Tuế ( thầy dạy Lý Hóa) Thầy đã 73 tuổi, tóc bạc trắng nhưng vóc dáng còn khỏe mạnh lạ thường .Thầy trò và bè bạn xiết tay nhau mừng vui ( nhất là tôi sau 42 năm mới gặp lại), Thầy Tuế nắm chặt tay tôi nói: Rất cảm ơn trời đất đã cho mình gặp lại nhau. Dạy lớp tứ A1 tôi nhớ L nhiều nhất, biết tại răng không ? Vì hồi nớ em tặng tôi một bài thơ chép tay, tôi còn giữ đến giờ.Chữ viết bay bướm, cách trình bày đẹp mắt.Tôi rất cảm ơn thầy bởi thường thì học trò nhớ thầy chứ hiếm khi thầy nhớ trò. Ôi ! 42 năm biết bao vật đổi sao dời.

                  Vậy mà tình cảm thầy trò vẫn như xưa.Sau chầu café , Lộc xồi và Hiển cận mời hết thảy về nhà 2 bạn để lai rai .Rượu XO tràn trề. Bia lai láng. Mồi bao la.Cuộc nhậu kéo đến nửa chiều, vậy mà tôi không say kể cũng lạ.Phải chăng 42 năm xa cách đã dồn lại cho một ngày nồng ấm tình bè bạn. Phải chăng tết Huế se lạnh và mưa phùn lay phay, uống rượu sẽ ấm lại lòng đứa tha phương ?

                  Huế và tình người, tình bè bạn thời trung học không thể nào quên. Lúc này tôi lại nhớ Phượng-Phượng nhí đã qua Mỹ năm 75.Năm ngoái có về Huế thăm bạn bè và vào SàiGòn tìm tôi. Vẫn những chân tình xưa, Phượng bảo T.T.Thanh và tôi hãy lập nhóm cựu học sinh Nguyễn Tri Phương. Có cựu học sinh Quốc Học, Đồng Khánh, Nguyễn Tri Phương tại sao không?

                  4. Buổi sáng, sau khi lót dạ bằng những tô Cơm Hến .Tôi mua một ít bánh qua nhà V.Tịnh ở đường Huỳnh Thúc Kháng thắp nhang cho chị Loan. Người chị thân tình năm 76 thường giúp đỡ vợ chồng tôi lúc khốn khó. Chị qua đời đột ngột để lại bạn tôi lẻ loi,mấy chục năm rồi.V.Tịnh gọi một số anh em văn nghệ thân quen đến nhà uống rượu đầu năm.Trong bàn rượu thấy có P.T.Hầu, N.Thương, N.Quân, C.T.Hà,Đ.C.Bảy, có người từ Ban Mê về là Dz.L.Kiều. Suốt buổi sáng tràn trề vui vẻ.Tôi đưa ra tập ảnh và tiểu sử nhóm TVĐ Mây Ngàn từ năm 63 đến 68 do tôi chép tay và lưu hành hàng tháng. Nhìn lại tấm ảnh của mình ngày xưa (đẹp trai ,con nhà giàu,học giỏi) V.Tịnh xúc động bởi không ngờ tôi còn giữ được đến giờ.Thành viên của TVĐ Mây Ngàn còn hiện hữu một nửa.Một nửa đã qua đời trong chiến tranh. Gợi nhắc lại những tháng ngày viết lách của thập niên 60, anh em thật bùi ngùi bởi quãng thời gian ấy đẹp đẽ và ấn tượng vô cùng.

                  Khi tàn cuộc rượu, theo yêu cầu của tôi, V.Tịnh chở tôi đi thăm H.Đ.Nhuận, người bạn họa sĩ bị tai biến năm ngóai ở đường Minh Mạng.Thấy Nhuận nằm một chỗ. Cọ,màu nằm một nơi. Tôi xót xa vô cùng. Đây là một người đam mê hội họa triền miên.Và cuộc sống của anh có nghĩa là hội họa.Thập niên 60 anh theo L.V.Tài như hình với bóng. Nhờ đam mê ngồn ngộn và đi, sống nhiều nơi, vẽ nhiều chốn, nên tranh của anh triển lãm và bán được ở trong nước lẫn nước ngoài. Hiện có những bức tranh cở lớn của Nhuận nằm ở Bảo Tàng Hà Nội. Nhuận đã đi, sống,vẽ khắp nơi, khắp chốn.Có những năm tháng Nhuận đã sống một mình ở trong rừng dừa Thanh Bồ -Đà nẵng thật ma quái. Nhưng rồi Huế vẫn là nơi trở về và chơi vơi trong căn nhà ở đường MinhMạng.Thăm Nhuận một hồi tôi và V.Tịnh từ giã. Nhuận nói: Mi ký cho tau một chữ trên bức tường đã có nhiều bạn bè ký rồi đó hí!

                  Thế là tôi lấy cọ, màu ký lên bức tường như ý của Nhuận.Chia tay người năm cũ, V.Tịnh chở tôi đi thăm Đền Huyền Trân Công Chúa. Đền tọa lạc trên một ngọn đồi tuyệt đẹp. Phía bên phải đi xéo xuống là Chín Hầm.Địa danh này nổi tiếng một thời bạo chúa N.Đ.Cẩn giam người. Bước vào đền tôi và V.Tịnh thắp nhang lạy Huyền Trân Công Chúa -người đã hy sinh đời mình lấy vua Chiêm để có 2 châu Ô và Rí.Tôi và tất cả mọi người thầm cảm ơn Huyền Trân Công Chúa. Thắp nhang xong tôi và V.Tịnh đi quanh một vòng đền. Hôm nay mới mồng 6 mà người khá đông.Có lẽ người ta chuẩn bị cho 2 ngày lễ,mồng 7,mồng 8 tháng giêng. Bước ra phía sau đền V.Tịnh lấy máy ảnh ra chụp tôi đứng trước cặp rồng đá dài nhất châu Á.Thăm đền xong, V.Tịnh chở tôi đi thăm tượng đài Quang Trung ở núi Bân. Bất ngờ một cú điện thọai của N.Quân bảo lên Thiên An uống trà. Dù đã là U.60 nhưng V.Tịnh chạy xe thật khiếp: Một xe trong cõi hồng trần như bay…Lóang một cái đã lên đồi Thiên An và ghé trà quán Vũ Di. Quán trà này thật tuyệt vời.Chúng tôi đi vào phía chính diện đã thấy 2 ông tiên ngồi sẳn:N.Quân và Đ.C.Bảy.Tôi và V.Tịnh cũng hóa thân thành 2 ông tiên.

                  Như vậy là 4 ông tiên ngồi uống trà có một tiên nữ hầu trà.Tiên nữ này tên Q.Nhi mới 20 tuổi -mặc áo dài màu đỏ kín đáo và rất Huế.Gái huế kín đáo vậy đó nhưng cũng là những con sóng ngầm dữ dội phải không V.Tịnh? Uống hết mấy tuần trà V.Tịnh chở tôi về Trường Tiền, vòng qua Đại Nội.Đang đi có điện thọai V.Tịnh dừng lại nghe rồi bảo tôi: Ông sẽ gặp một nhà thơ nữ ở quán café Đại Nội. Đến quán, V.Tịnh giới thiệu tôi với một người nữ.Thì ra đây là C.T.H tôi gặp trên blog. Cô này gốc An Cựu.-Vùng đất ngày xưa tôi đã từng yêu một người ở đó và là vùng đất có gạo dẻ nổi tiếng thơm ngon.Bây giờ làm sao còn lọai đặc sản đó? Qua trò chuyện, trao đổi thấy được tính cách của cô rất An Cựu.Chúng tôi uống café đến gần nửa chiều, H. kêu đói bụng rồi mời tôi, V.Tịnh vào đường Đặng Dung ăn bánh Khoái. Món ăn tôi rất thích mỗi khi về Huế. Cảm ơn H.Sau chầu bánh Khoái, chia tay H. V.Tịnh chở tôi về Vỹ Dạ thăm nhà thơ T.V.Sao.Anh vẫn sống ung dung, tự tại kiểu hàn sĩ trong căn nhà cổ xưa, ngày cũ ở đường Nguyễn Sinh Cung.Tôi bước vào, anh tay bắt mặt mừng rồi chúng tôi ngồi uống trà bên bộ bàn cũ kỹ. Khắp nhà đầy tranh Bồ Đề Đạt Ma do chính tay anh vẽ.V.Tịnh lại lấy máy ảnh ra chụp tôi và T.V.Sao mấy kiểu để kỷ niệm.

                  5. Hôm nay tôi đi cùng mấy đứa em lên Phường Đúc thăm bà con bên bà nội tôi.Họ hàng bên này sống rất tốt với bà nội và anh em chúng tôi.Sự yêu thương lúc nào cũng dàn trải, đủ đầy. Năm nào giỗ ông Phú – em bà nội-chúng tôi cũng lên đông đủ.Ông Phú rất thương yêu và khắng khít với chị mình-người chị làm dâu ở làng Văn Hóa Ngọc Anh. Năm nay gặp dịp về Huế tôi lên lạy ông sau nhiều năm xa cách.Phường Đúc, bà con ở đây có nghề truyền thống đúc đồng nổi tiếng ở Huế.Nghề cha truyền con nối hơn cả trăm năm. Vậy mà, Dũng em bà con của tôi lại chuyển qua nghề bán hoa tang. Sau một ngày lao động Dũng lại làm thơ như một cuộc chơi thú vị.Gặp Dũng là hai anh em uống rượu, nói chuyện thơ văn một cách say mê. Sau chuyện văn chương là chuyện bà con sinh sống.Dũng nói: Tất cả bà con ở lại Phường Đúc đều tiếp tục nghề truyền thống.

                  Có một số chú, bác lên Bảo Lộc lập nghiệp và cũng có một thương hiệu nổi tiếng là trà Đỗ Hữu.Mấy năm trước ở SàiGòn, có người bà con nhắn tôi lên Bảo Lộc chơi để gặp mặt cho biết. Nhưng đời sống cứ trôi đi và tôi chưa thực hiện được chuyến đi.Nơi đó, 10 năm trước có một người con gái Huế dạy học ở Lộc Nga qua đời vì bệnh ung thư vòm họng. Gia đình đưa cô về an táng tại Nha Trang. Tôi hẹn lòng sẽ về thắp nhang cho cô rồi vẫn chưa đi được.Tôi mắc nợ tình thân qúa nhiều mà chưa trả nổi.

                  6. Xa Huế 32 năm, đây là lần thứ hai tôi về giỗ cha. Nỗi nhớ thương đau đáu trong lòng nhưng cuộc sống nổi chìm của tôi cứ miệt mài phương xa. SàiGòn-Huế không dễ gì ra vô như Đà Nẵng – Huế.

                  Ngày giỗ, tôi gửi chú thím Ấn một ít tiền chợ búa, rồi mời một số bạn thiết về nhà thờ ở làng Văn Hóa Ngọc Anh ( xóm 10 ) Mười một giờ trưa đã có mặt các bạn V.Quê, N.Thương,V.Tịnh,N.H.Hiển, N.H.Phẩm,T.Tâm. Bên xóm giềng thì có cậu C.V.Khá.Trước 75 cậu Dạy học ở Đà Nẵng. Nhưng sau 75 cậu về đây làm nông dân thứ thiệt.Nhờ có trình độ và đạo đức mà uy tín của cậu bay xa. Làng trên xóm dưới đều vời cậu giải quyết mọi chuyện.Trong đám giỗ, V.Tịnh hỏi về gia phả của tôi-giòng họ trần ở Ngọc Anh.Tôi đưa cuốn gia phả do cha tôi chép lại, hiện Ấn, em tôi lưu giữ. Những trang đầu bị mọt ăn nhưng chữ của cha tôi vẫn còn rõ nét. Từ cao đến cố, trong đó nổi tiếng là ông cố nội Trần Văn Hợp-nguyên cố thị giảng học sĩ thờiTự Đức.Hiện sắc phong của vua vẫn còn lưu lại.Đến đời ông nội và cha tôi cũng có học hành nhưng chưa thấu đáo. Đến anh em tôi cũng không được học hành trọn vẹn vì chiến tranh. Nhưng dù sao tôi cũng tiếp nối được truyền thống đó qua văn chương, biểu hiện qua thi ca. Làm thơ là một cuộc chơi thú vị. Đôi lúc lại là sự giải bày nỗi niềm cay đắng lẫn ngọt ngào…

                  7. Buổi sáng uống café ở Hội quán tạp chí Sông Hương. Ở đây gặp rất nhiều anh em văn nghệ cố đô, ở Sài Gòn ra, ở Bắc vào.Tôi hòa nhập vào cái không khí dễ thương ấy và những câu chuyện văn chương lại râm ran. Lý ra tôi ghé thăm H.Đ.T.Ngọc và T.T.Mai, hai người này tôi rất quý mến.Nhưng sáng nay hai người đều bận họp cơ quan nên tôi từ giã hội quán và nhờ N.Thương chở đi lòng vòng.N.Thương rủ tôi về Truồi chơi, nhân tiện ghé thăm T.T.Yên song tôi kẹt một đám giỗ 11 giờ trưa nên thôi. Vòng vo một hồi qua lại nội thành uống gặp Đ.V.Khoái. Khi gặp Khoái tôi rất thích thú vì cậu ta đọc một lèo thơ của tôi làm thập niên 60. Khóai nói: Hồi nhỏ em đã thích và thuộc lòng thơ anh rồi.Thật hạnh phúc khi có người thuộc thơ của mình.

                  Đến 11 giờ trưa tôi nhờ Kiên chở lên số 44 Minh Mạng. Ghé vào chị C.T.Xê rất vui vì anh L.B.Lăng mất trên 20 năm-đây là lần đầu tôi về đám giỗ anh.

                  Buổi tối chị L.T.Ái Niệm từ Đà Nẵng bay ra.Rủ một đám bên nội của chị và bên ngọai( tôi và 3 đứa em) lên Kim Long ăn bánh ướt, bún thịt nướng và uống bia HuDa. Ăn uống tưng tưng lại kéo nhau về café Thảo Nguyên bên bờ Nam Sông Hương. Ngồi bên kè đá nhìn xéo về cầu Trường Tiền thấy cầu đổi màu ngũ sắc lung linh tuyệt diệu. Đây là lần thứ 2 tôi có dịp ngồi nhìn chiếc cầu thân thương nơi cố xứ..Cây cầu nối 2 bờ Nam Bắc sông Hương đã in biết bao dấu chân nàng Tôn nữ đi qua.Tôi chợt nhớ 2 câu thơ của T.Bồn: Áo trắng hỡi thuở tìm em không thấy/ Nắng mênh mang qua mấy nhịp Trường Tiền…Rồi lại liên tưởng đến lời ru của mẹ ngày xưa qua câu hát:Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp/ Thương nhau rồi xin kịp về mau..

                  Tôi về đây rồi- 42 năm sau, những nàng Tôn nữ đã xa biền biệt và người tình đầu tiên có đôi mắt-ướt-khung-trời-nội-cũ đã theo chồng lên một thành phố cao nguyên lộng gió.Ôi còn đâu thấy lại người-tình-sầu-cố xứ? Ôi không còn nắng mênh mang mà chỉ còn sương đêm trắng bên chiếc cầu và mình đang mồ côi tình yêu.Còn chăng là tình bè bạn, anh em thân thiết. Vậy cũng đủ ấm lòng người xa xứ rồi Huế ơi!

                  8. Buổi tối được tin cậu Ngộ đột ngột qua đời-mới hôm mồng sáu cậu còn nói chuyện với tôi trong căn nhà cậu mua ở Vỹ Dạ đó mà. Đúng là cuộc sống vô thường.Thôi, cậu về bên kia thế giới như vậy cũng thanh thản – không đau ốm để hành con cháu.Nói đến cậu tôi lại càng thương mợ. Năm mươi năm cậu vô bưng biền, tập kết ra Bắc là năm mươi năm, mợ làm hòn Vọng phu không hề bật ra một tiếng thở than, dù tay xách nách mang hai đứa con còn nhỏ dại. Mợ nuôi chúng đến khôn lớn rồi cũng đột ngột qua đời. Mợ lẻ loi một mình nơi căn nhà từ đường cho đến giờ đây tóc bạc lại khóc chồng. Lại tiếp tục lẻ loi cho hết kiếp.

                  9. Ngày cuối trước khi vào lại SàiGòn, tôi đi thăm làng Văn Hóa Ngọc Anh. Làng tôi bên này. Bên kia là làng vân Dương.Cách nhau một con sông. Bốn mùa nước trong xanh soi bóng hàng tre.Làng tôi thật thanh bình yên ả dù không tránh khỏi thời binh lửa. Sau 42 năm, ngôi đình vẫn còn đó. Nhà thờ họ Trần vẫn còn đó. Nơi bùn lầy nước đọng xưa giờ đã được bê tông hóa.Có lẽ chính xác là năm 1989 làng thay da đổi thịt dù rằng cuộc sống của người dân chưa cao.Trước khi vào làng, xuôi theo đường 49 sẽ thấy cổng làng có hàng chữ to đùng. Làng Văn Hóa Ngọc Anh..Tôi tự hào đã lọt lòng mẹ nơi đây.Và là nơi chôn nhau cắt rún để mà thương, mà đau đáu nhớ về. Để dành một ngày thăm làng. Để ngửi mùi hương cau ngan ngát nơi vườn nhà tôi. Rồi sáng sáng bơi trong sương mù quê xứ. Để nghe kỷ niệm thời thơ ấu ùa về cho lòng mình xốn xang, thương tiếc. Một ngày đâu có thấm tháp gì nhưng cũng đủ cho tôi thêm yêu qúy quê cha xứ mẹ. Một ngày nơi quê cha cũng sẽ đủ một đời, phải không người yêu dấu năm nào ?


                  ( Sài Gòn tháng giêng Canh Dần )


                  Trần Dzạ Lữ
                  Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 25-01-2011, 01:14 AM.
                  ----------------------------

                  Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

                  Comment

                  • #10

                    Huế Mưa - Trần Dzạ Lữ




                    Huế Mưa

                    Tặng Rất Huế, Hoàng Kim Chi, Đoàn Thị Khôi Nguyên, Từ Nguyễn,
                    TL…

                    Huế mưa không thấy mặt trời

                    Sầu nghiêng tay nón che đời hoàng hoa

                    Lạnh từ trong ruột lạnh ra

                    Em co ro mộng,đêm qua nhớ người…

                    Mưa từ cổ độ mưa ơi

                    Nghìn khuya còn ướt tóc người sông Hương!

                    Huế mưa,rót cạn hồ trường

                    Cũng không đủ ấm một phương anh nì!

                    Hồn rưng rưng bóng mây chì

                    Nam ai rớt giọng, lỡ về lỡ đi !

                    Mưa còn mưa mãi lê thê

                    Mưa trùng vây, đã não nề chưa em?

                    Mưa chi rồi cũng không quên

                    Giọng ai thủ thỉ qua miền yêu xưa…


                    ( Sài Gòn nhớ mưa Huế .8.2011)

                    ----------------------------

                    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

                    Comment

                    Working...
                    X
                    Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom