Bún gạo Trung Quốc có hóa chất độc hại
Sau món sa tế Tứ Xuyên và trứng gà giả xuất xứ Trung Quốc, Hà Nội lại “sốc” vì tin bún gạo Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam hiện nay có chứa hóa chất gây ung thư.
Nguồn tin này được Thông Tấn Xã nhà nước Việt Nam trích đăng từ tài liệu điều tra đăng tải trên nhật báo Thanh Niên Bắc Kinh tố cáo 50 nhà máy ở Ðông Quan, Trung Quốc sản xuất bún gạo bằng vật liệu hư thối và hóa chất.
Tờ báo mô tả tỉ mỉ chi tiết cho biết các nhà máy đã “tận dụng” mỗi ngày nửa tấn bột gạo mốc ẩm để làm bún gạo sau khi tẩy trắng và trộn hóa chất để nấu chín, kéo thành sợi, đóng bao. Bún gạo này được tung ra thị trường và các cửa hàng phân phối thực phẩm của hàng ngàn nhà máy trong tỉnh.
Chưa nghe cán bộ có thẩm quyền ở Việt Nam bình luận về tin này.
Nguồn: Nguoi-Viet
**************
Trung Quốc : 50 xí nghiệp làm bánh phở từ gạo mốc ở Quảng Đông
Đầu tháng 12/2010, tại thành phố Đông Quản, thuộc tỉnh Quảng Đông, gần đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc), thanh tra y tế đã phát hiện được khoảng 50 xí nghiệp, tham gia vào việc sản xuất bánh phở, với gạo khô hay bị mốc, với công suất 500 tấn một ngày. Đây là thông tin do Thanh niên Nhật báo Bắc Kinh đăng tải mới đây.
Gạo bị mốc được sử dụng để sản xuất phở, sau khi đã được tẩy trắng bằng các hóa chất như điôxit sulfua (SO2). Với các phụ gia bổ sung, các xí nghiệp này chế được ba cân bánh phở từ một cân gạo.
Gạo hẩm vốn được dùng để chăn nuôi gia súc, tuy nhiên trong thời gian vừa qua, giá cả lương thực tăng cao khiến cho loại hàng hóa kém chất lượng này được các xí nghiệp sử dụng để làm thực phẩm cho người. Đây là giải thích của nhật báo Trung Quốc kể trên.
Xin nhắc lại là trong thời gian gần đây, Trung Quốc liên tiếp đối mặt với các vụ bê bối liên quan đến thực phẩm. Trong số các vụ việc mới xảy ra gần đây nổi lên, có các vụ như : tái chế dầu ăn, trứng nhuộm màu có độc tố, nấm có chứa chất gây ung thư, đậu phụ hay rượu vang giả, đặc biệt vụ bê bối nặng nhất là vụ án sữa nhiễm độc tố melamine, năm 2008, làm cho 6 em bé tử vong và ảnh hưởng đến sức khỏe của 300 000 người khác. Trong vụ án này, 21 người đã bị kết án, trong đó có 2 người bị tử hình.
Tháng 9 vừa qua, Bắc Kinh đã hứa hẹn sẽ dành những bản án tử hình cho những kẻ phạm tội nghiêm trọng nhất về an toàn thực phẩm.