Tản mạn quanh con mèo
Nguyễn Công Lý
Con Hổ với sức mạnh phi thường đã đi qua, nhường chỗ cho chị Mèo thon thả ung dung bước đến. Nhân đầu năm Tân Mão (2011), xin có vài lời nhàn đàm xung quanh chuyện con Mèo, gọi là một chút quà tết kính gởi đến quý bạn đọc thân mến của bổn báo và của tôi.
Trong quan niệm của người Trung Quốc ngày xưa, Mèo con vật tượng trưng đứng thứ tư trong 12 chi dùng để đếm thời gian với ký hiệu là Mão. Quan niệm này đã ảnh hưởng sâu rộng đến các nền văn hoá ở các nước Phương Đông, nhất là các nước đồng văn Trung Quốc như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên - Hàn Quốc. Ở các nước này, ngày xưa, để tính giờ người ta dùng 12 con vật làm biểu tượng. Mỗi giờ ứng với một con. Giờ Mão tương ứng với thời gian từ 5 đến 7 giờ sáng. Riêng tính ngày, tháng, năm thì 12 chi đó phải kết hợp với 10 can. Sự kết hợp này, chi Mão chỉ ứng với 5 trong số 10 can đó là Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý. Vì 10 can ứng với 10 số hàng đơn vị từ 0 đến 9 nên nếu quy đổi năm âm lịch sang năm dương lịch thì các năm Mão gắn với Ất là số 5 (1975, 2035), gắn với Đinh là số 7 (1987, 2047), gắn với Kỷ là số 9 (1939, 1999), gắn với Tân là số 1 (1951, 2011) và gắn với Quý là số 3 (1963, 2023) v.v..
Ai cũng biết Mèo là động vật nhỏ thuộc loại thú, có cùng họ với hổ báo, dân gian có câu chuyện: “Mèo là cô con cọp”, được nuôi trong nhà để bắt chuột. Mèo hiền lành, nhanh nhẹn, khôn ngoan, leo trèo giỏi và mắt rất tinh nhanh, đặc biệt là trong bóng đêm, mắt mèo rất tỏ. Khoa động vật học cho biết mèo mà không ăn thịt chuột, mắt nó sẽ nhanh bị lão hoá, chóng mờ đi. Mèo có nhiều loại và có nhiều bộ lông khác nhau. Tuỳ theo bộ lông mà người ta gọi mèo trắng (lông màu trắng), mèo mướp (lông màu xám có vằn đen nhạt), mèo nhị thể (lông hai màu thường là đen trắng hoặc vàng xám hay vàng trắng), mèo tam thể (lông ba màu thường là vàng, trắng, xám…), mèo mun (lông đen tuyền)… Mèo mun có nơi gọi là linh miêu. Theo chuyện kể dân gian miệt vườn Đồng Tháp Mười thì linh miêu là con mèo được lai bởi mẹ mèo và bố là giống rắn hổ mang! Chuyện lạ lắm và dài lắm. Linh miêu là nỗi kinh hoàng của con người, nhất là đối với những nhà khi gặp ma chay. Người chết chưa được liệm, nếu con linh miêu (cũng có bộ lông đen tuyền) nhảy ngang qua thi thể thì thi thể sẽ dựng đứng dậy đi theo hướng con mèo vừa đi. Khoa học cũng đã lý giải hiện tượng này. Người chết chỉ toàn là âm khí, trái lại linh miêu thì đầy dương khí. Khi linh miêu nhảy qua xác người chết, điện dương truyền sang hút điện âm làm cho thi thể cử động, nếu lực hút quá mạnh có thể bật dậy. Một thực tế là khi nhà có người chết, thân nhân thường nhốt con mèo lại, dù là mèo có bộ lông màu gì. Và người ta thường để trên bụng người đã mất một vật bằng sắt (thường là con dao nhỏ), nhằm đề phòng khi có con mèo nhảy qua. Người nhà thường ngồi bên thi hài người đã khuất vừa để cho có bạn, vừa cũng là để đuổi con mèo nào đó vô tình lảng vảng nơi ấy.
Mèo là con vật hiền lành, dễ mến, được người chủ nuôi cưng chiều, chăm sóc vì nó là con vật có ích. Có mèo, tài sản của con người đỡ bị giống gặm nhấm tàn phá. Ấy vậy mà hơn mươi năm trở lại đây lại nổi lên món đặc sản “Tiểu hổ”, là món khoái khẩu của dân nhậu, nên vì hám lợi mà người ta đua nhau triệt hạ họ nhà mèo, do thế lũ chuột tha hồ tung hoành, hàng chục vạn hecta ruộng lúa bị tàn phá!
Thế nhưng, không hiểu tại sao trong dân gian lại lưu truyền nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, khẩu ngữ, chuyện kể, tranh dân gian về mèo, có liên quan đến mèo hàm nghĩa không hay, không tốt (nhất là tục ngữ, thành ngữ, khẩu ngữ).
Trong tâm lý người đời, ai mà tinh lanh, giỏi giang thì không tránh khỏi có người ghét ganh cũng như được ưa thích. Thân phận con mèo cũng cùng cảnh ngộ ấy chăng?
Mèo hay sục sạo. Để gìn giữ đồ ăn thức uống, cha ông ta có đúc kết kinh nghiệm: “Chó treo, mèo đậy”, “Cơm treo mèo nhịn đói”.
Mèo rất thích ăn mỡ. Để giải thích lý do, tục ngữ có câu: “Mèo nào mèo lại ăn than, Bởi chưng có mỡ đổ tràn lên trên”. Từ đó mới có câu: “Như mèo thấy mỡ” và được dùng với nghĩa bóng để chỉ ai đó tỏ ra thèm thuồng, háo hức cái gì đó một cách quá lộ liễu. “Mèo mà chê mỡ” chỉ những ai ngu ngơ, khù khờ, sĩ diện hão, không biết tận dụng cơ hội. “Mèo khen mèo dài đuôi” ví với kẻ tự kiêu, tự đề cao mình quá đáng, chủ quan với hàm ý châm biếm, mỉa mai. “Mèo mù vớ cá rán” chỉ trường hợp ai đó gặp may, bất ngờ đạt được điều gì đó hoàn toàn ngoài khả năng của mình, với ý mỉa mai. “Mèo nhỏ bắt chuột to” ví với trường hợp con người biết lượng sức mình mà chọn việc làm để sao cho có hiệu quả.
Từ một con vật nuôi, mèo được chuyển nghĩa để chỉ con người. Ai có nhân tình, có bồ nhí thì dân gian có câu: “Anh ta có mèo”. Nếu ai đó có máu 35 thì được tặng hiệu “Anh ấy thích mèo mỡ / mèo chuột”. Còn “O mèo” không phải là “cô mèo” mà “O” là động từ để chỉ kẻ hay tán tỉnh các cô gái để bắt nhân tình! “Mèo đàng chó điếm”, “Mèo mả gà đồng” nghĩa đen là mèo, chó, gà hoang; Hai câu này được dùng với nghĩa bóng chỉ những kẻ lăng nhăng không có nhân cách, những kẻ ăn chơi đàng điếm, sa đoạ trong thú nhục dục, đáng chê trách khinh bỉ. “Mèo già hoá cáo” được ví với những kẻ ranh ma lọc lõi, càng sống lâu càng thêm tinh khôn, ranh mãnh.
Trong suy nghĩ của dân gian, mèo là con vật mang đến sự xui xẻo, nếu bỗng dưng có con mèo lạ đến nhà mình: “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”.
Mèo ăn nhấp nháp, chậm rãi nên những ai ăn ít, ăn nhỏ nhẻ được so sánh với mèo “Ăn như mèo”, “Nữ thực như miêu”.
Còn câu “Mèo lại hoàn mèo” dùng để khuyên răn người đời đừng mơ mộng hão huyền, mà phải biết được sức mình. Dù có thay hình đổi dạng thì cuối cùng vẫn là bản chất cũ, ta vẫn là ta. Cha ông cũng đã có câu chuyện thật thú vị và thâm thuý về việc này.
Trên đây là đôi điều nhàn đàm về con mèo xung quanh khẩu ngữ, thành ngữ, tục ngữ. Những câu nói ấy là những châm ngôn, những bài học kinh nghiệm quý giá về cuộc sống đầy tính triết lý được trình bày dưới một hình thức ngôn ngữ cô đọng, súc tích mà trải qua bao thế hệ, cha ông ta mới đúc kết được. Còn ca dao, truyện kể cũng có nói nhiều về “con mèo”, xin được hẹn vào dịp khác.
Comment