Mùi của nhớ, vị của thương
Người phương Nam tự hào về nắng vàng xuân mới, còn xứ Bắc từ Tết ông Công, ông Táo cho đến những ngày xuân cứ phải là gió Bấc lây rây mưa phùn. Nếu không chẳng khác nào món nhân bánh chưng thiếu vị cay hạt tiêu khi ướp thịt.
Vị ngai ngái đất quê còn vương trong hương thơm nước mùi già
Thời thiếu thốn, không khí đến từ đầu tháng chạp khi nhà nhà đều tích lũy măng, miến, mộc nhĩ… Giờ một buổi trong siêu thị người ta đã có đủ. Thế nhưng dù lắm đổi nhiều thay, có một thứ vẫn mang không khí tết đến sớm. Từ ngoài rằm, trên khắp phố phường Hà Nội đã xuất hiện những hàng rong bán độc một thứ: cây mùi già.
Người phố cổ vẫn giữ lệ như hàng trăm năm trước: Thoáng thấy hàng mùi già, ới gánh hàng dừng lại, tối đến cả nhà có nồi nước mùi để tắm gội. Ở thôn quê tục này càng đậm nét. Từ chợ về, hương mùi già bện cả vào những món hàng mà các bà, các chị sắm tết. Quanh năm dùng mỹ phẩm, người ta vẫn thấy thiếu cái gì đó nếu không tắm gội bằng lá mùi già, nhất là vào chiều 30 tết. Người đất Bắc quan niệm tắm nước lá mùi ta không chỉ được tắm gội cơ thể, mà còn được gột sạch cái cũ, chuẩn bị cho một chu kỳ mới.
Khi đun nước mùi già người ta chỉ rửa sạch chứ không bỏ rễ. Lẫn trong hương thơm còn có vị ngai ngái đất quê. Phải chăng sự gắn bó với ruộng đồng ăn vào tiềm thức người Việt. Tắm lá mùi già để thỏa nỗi nhớ từ trong tiềm thức, để có cảm giác tắm trong mùi hương của đồng quê? Mỗi lần thoáng thấy hương mùi già tôi lại nhớ thời thơ bé.
Tôi mang máng lần đầu thấy mẹ pha nồi nước bốc hơi nghi ngút đã phát hoảng. Mẹ tôi bảo phải tắm nước lá này mới được đón tết. Bà ngoại tôi tính cẩn thận, ngày 30 tết rét đến mấy bà cũng không bỏ cái lệ này. Vì sáng sớm hôm mồng 1 bao giờ bà cũng đi chùa. Những đận rét, sau khi "tẩy trần" bằng thứ nước thơm, bà ngồi ngay bên nồi nấu bánh chưng hong tóc. Bà ngoại tôi mất trong một ngày giá rét giữa tháng chạp. Nếu sống thêm ít ngày, bà lại có thêm một mùa tắm lá mùi già…
Từ 23 tháng chạp, bước vào nhà nào cũng thấy mùi hương trầm ngan ngát. Mùi hương kéo thời gian trong mỗi căn nhà chậm lại. Dù mâm cao cỗ đầy hay trên ban thờ chỉ là những thứ đơn sơ mộc mạc, đã là người Việt những ngày này không thể thiếu nén nhang thơm. Những làn khói nhang bay lên như cái gạch nối giữa con người hiện tại, với thế giới của đức Phật, thần linh, với ông bà tổ tiên.
Tết đến bánh chưng là món đặc trưng nhất, mất nhiều công sức nhất. Giờ nhiều người mua bánh, thay vì tự làm. Nhưng từ quãng 26, 27 tết đi trên phố Hà Nội, nhiều người đốt lửa nấu bánh chưng ngay trên vỉa hè. Ngọn lửa ấm lòng người vì có nhiều người vẫn duy trì một nếp cũ. Bất luận ở đâu khi nồi bánh được bắc ra ai cũng háo hức nếm bánh. Chỉ một sơ suất nhỏ, bánh đậm hay nhạt là không cách nào sửa chữa cả.
Gói bánh là công việc vất vả. Những hôm giời rét trên dưới 10 độ, ngồi vo gạo, đãi đỗ, rửa lá dong, chẳng ai tay lại không đỏ lựng lên vì giá buốt. Bánh chưng có vị bùi của đỗ xanh, có vị ngậy của thịt và vị cay của hạt tiêu tựa như cuộc đời con người, có ngọt bùi, có cả những đắng cay... Dường như vị đậm đà của bánh chưng còn được tạo bởi giọt mồ hôi của người phụ nữ trong hôm giá rét vo gạo, rửa lá ấy.
Tôi cứ một mực tin rằng người xứ Bắc nặng lòng với cái rét trong ngày tết là vì nhờ nó người ta cảm nhận rõ hơn những mùi, những vị thân thương ấy để lòng ấm lại. Những người đất Bắc xa quê, những ngày này chỉ nghe tin gió mùa đông bắc đã thấy nao lòng…
Người phương Nam tự hào về nắng vàng xuân mới, còn xứ Bắc từ Tết ông Công, ông Táo cho đến những ngày xuân cứ phải là gió Bấc lây rây mưa phùn. Nếu không chẳng khác nào món nhân bánh chưng thiếu vị cay hạt tiêu khi ướp thịt.
Vị ngai ngái đất quê còn vương trong hương thơm nước mùi già
Thời thiếu thốn, không khí đến từ đầu tháng chạp khi nhà nhà đều tích lũy măng, miến, mộc nhĩ… Giờ một buổi trong siêu thị người ta đã có đủ. Thế nhưng dù lắm đổi nhiều thay, có một thứ vẫn mang không khí tết đến sớm. Từ ngoài rằm, trên khắp phố phường Hà Nội đã xuất hiện những hàng rong bán độc một thứ: cây mùi già.
Người phố cổ vẫn giữ lệ như hàng trăm năm trước: Thoáng thấy hàng mùi già, ới gánh hàng dừng lại, tối đến cả nhà có nồi nước mùi để tắm gội. Ở thôn quê tục này càng đậm nét. Từ chợ về, hương mùi già bện cả vào những món hàng mà các bà, các chị sắm tết. Quanh năm dùng mỹ phẩm, người ta vẫn thấy thiếu cái gì đó nếu không tắm gội bằng lá mùi già, nhất là vào chiều 30 tết. Người đất Bắc quan niệm tắm nước lá mùi ta không chỉ được tắm gội cơ thể, mà còn được gột sạch cái cũ, chuẩn bị cho một chu kỳ mới.
Khi đun nước mùi già người ta chỉ rửa sạch chứ không bỏ rễ. Lẫn trong hương thơm còn có vị ngai ngái đất quê. Phải chăng sự gắn bó với ruộng đồng ăn vào tiềm thức người Việt. Tắm lá mùi già để thỏa nỗi nhớ từ trong tiềm thức, để có cảm giác tắm trong mùi hương của đồng quê? Mỗi lần thoáng thấy hương mùi già tôi lại nhớ thời thơ bé.
Tôi mang máng lần đầu thấy mẹ pha nồi nước bốc hơi nghi ngút đã phát hoảng. Mẹ tôi bảo phải tắm nước lá này mới được đón tết. Bà ngoại tôi tính cẩn thận, ngày 30 tết rét đến mấy bà cũng không bỏ cái lệ này. Vì sáng sớm hôm mồng 1 bao giờ bà cũng đi chùa. Những đận rét, sau khi "tẩy trần" bằng thứ nước thơm, bà ngồi ngay bên nồi nấu bánh chưng hong tóc. Bà ngoại tôi mất trong một ngày giá rét giữa tháng chạp. Nếu sống thêm ít ngày, bà lại có thêm một mùa tắm lá mùi già…
Từ 23 tháng chạp, bước vào nhà nào cũng thấy mùi hương trầm ngan ngát. Mùi hương kéo thời gian trong mỗi căn nhà chậm lại. Dù mâm cao cỗ đầy hay trên ban thờ chỉ là những thứ đơn sơ mộc mạc, đã là người Việt những ngày này không thể thiếu nén nhang thơm. Những làn khói nhang bay lên như cái gạch nối giữa con người hiện tại, với thế giới của đức Phật, thần linh, với ông bà tổ tiên.
Tết đến bánh chưng là món đặc trưng nhất, mất nhiều công sức nhất. Giờ nhiều người mua bánh, thay vì tự làm. Nhưng từ quãng 26, 27 tết đi trên phố Hà Nội, nhiều người đốt lửa nấu bánh chưng ngay trên vỉa hè. Ngọn lửa ấm lòng người vì có nhiều người vẫn duy trì một nếp cũ. Bất luận ở đâu khi nồi bánh được bắc ra ai cũng háo hức nếm bánh. Chỉ một sơ suất nhỏ, bánh đậm hay nhạt là không cách nào sửa chữa cả.
Gói bánh là công việc vất vả. Những hôm giời rét trên dưới 10 độ, ngồi vo gạo, đãi đỗ, rửa lá dong, chẳng ai tay lại không đỏ lựng lên vì giá buốt. Bánh chưng có vị bùi của đỗ xanh, có vị ngậy của thịt và vị cay của hạt tiêu tựa như cuộc đời con người, có ngọt bùi, có cả những đắng cay... Dường như vị đậm đà của bánh chưng còn được tạo bởi giọt mồ hôi của người phụ nữ trong hôm giá rét vo gạo, rửa lá ấy.
Tôi cứ một mực tin rằng người xứ Bắc nặng lòng với cái rét trong ngày tết là vì nhờ nó người ta cảm nhận rõ hơn những mùi, những vị thân thương ấy để lòng ấm lại. Những người đất Bắc xa quê, những ngày này chỉ nghe tin gió mùa đông bắc đã thấy nao lòng…
Comment