Mèo trong tranh của họa sĩ Foujita
Đinh Cường
Mỗi họa sĩ hình như có duyên với một loài vật mình yêu thích, và cứ thỉnh thoảng lại thấy xuất hiện trên tranh đến một lúc hình như dấu ấn. Những bố cục người và ngựa của Delacroix, cùng rất nhiều họa sĩ Đông- Tây vẽ, nhưng sao ta cứ nhớ đến nét vẽ thần tình một con ngựa hoang cột nơi trụ cây Hàn cán, hay nét bút lông vung mạnh của Hokusai. Vẽ tôm, cua thì nhớ đến Bạch Thạch. Ở Picasso là chim câu hòa bình và những biểu tượng của con tô-rô hung hãn. Mèo của Picasso ngoạm chim với móng vuốt dữ tợn, trá với tượng đồng mèo nằm dài ngoằn thơ mộng của Giacometti... Chagall với dê và hoa. Matisse với những con cá đỏ trong rất nhiều tĩnh vật. Nhũng con bò cái với nét vẽ nguệch ngoạc của Dubuffet, cũng như với Henri Rousseau là con sư tử trong “Người Du Mục Ngủ” man dại, đầy mộng mị...
Mèo của Foujita
Mèo của Matisse
Mèo của Picasso
Và khi nhắc đến mèo ta lại nghĩ ngay đến Foujita, một họa sĩ Nhật nổi tiếng trong hội họa hiện đại (sinh năm 1886 tại Tokyo, mất năm 1968 tại Zurich). Lúc còn là một cậu học trò 14 tuổi, những bức vẽ đầu tay của Foujita đã được chọn gửi sang dự cuộc đấu xảo ở Paris. Lên trung học, Foujita ôm mộng sang Paris cho bằng được, tìm tòi học tiếng Pháp, trong khi chờ đợi, ông vào học ở viện mỹ thuật Hoàng Gia Tokyo, Foujita sớm có những thành công: Được Nhật Hoàng mua một bức tranh và được tuyển chọn vẽ chân dung cho Quốc vương Triều Tiên. Năm 27 tuổi, theo tiếng gọi phương Tây, Ông đến Paris và “ngã” ngay vào giữa khu Mouparnasse, phố Odessa. Thời điểm của các họa sĩ “tứ chiếng” kéo về sống dậy xóm Moutmartre: Những Van Dongen, Picasso, Derain, Kisling, Zadkine, Soutine, Utrillo, Modigliani, Terlikowski...Cả những nhà thơ như Max Jacob, Apollinaire...cùng những người mẫu xinh đẹp ở quán La Rotonde, mà ông cụ Libian chủ quán đã cho các chàng trai nghệ sĩ ăn và uống chịu bằng cách vẽ tranh lên các khung cửa, lên các vách tường.
Foujita đang vẽ mèo
Chân ướt chân ráo đến đây, Foujita chỉ làm việc kẻ vẽ nhà hoặc ngồi làm mẫu cho người ta vẽ mình. “Tôi đã làm mẫu cho họa sĩ Terlikowski người Nga . Lão nầy gần như điên cuồng, đêm nào cũng ngủ trong một chiếc quan tài. Terlikowski cuồng vẽ những sự vĩ đại, và bao giờ cũng biên tập bằng bút chì than ở phía trái bức tranh những giá tiền khổng lồ: 20.000 hay 50.000 quan. Khi một nhà chơi tranh mặc cả giá tranh thì lão lấy tay áo quệt một cái, xóa dần con số 0 nầy đến con số 0 khác. Thành ra bức tranh hạ giá từ 50.000 xuống 5.000, rồi 500, và xuống tới 50 quan là giá chót. Lão truyền thần tôi rồi bán cho nhà chocolat Menier, vì chủ hiệu ấy chơi tranh. Lão bán tới giá 2.500 quan, giá ấy đắt lắm thời bấy giờ. Nhưng tôi, tôi chỉ được 5 quan mỗi buổi ngồi làm mẫu, và khi tranh bán đi, được thưởng thêm một cốc sâm banh” (Foujita, bút ký về Moutparnasse).
Người bạn đầu tiên Foujita làm quen được đó là Van Dogen sau buổi chiếu khai mạc “phòng triển lãm mùa Thu”, và sau đó, một họa sĩ Tay Ban Nha Ortiz de Zorate đưa Foujita đến gặp Picasso tại một xưởng vẽ tối tân, lớn và đẹp, cạnh nghĩa trang Moutpanrnasse. Sau khi ở xưởng họa Picasso về, Foujita đã dẫm bẹp nát hộp màu nước cũ của mình và nhất định từ bỏ cái nghề nghiêm ttrang và tỉ mỉ. Năm 1917, Foujita triển lãm họa phẩm lần đầu tiên trước công chúng Pháp tại nhà Chéron. Picasso rất chịu, các nhà phê bình thì viết: “ chẳng bao lâu các tranh của Foujita sẽ được treo bên cạnh tranh của Matisse tại các nhà chơi tranh”. Từ đó trở đi, Foujita đã trở thành một khuôn mặt hoang đường của xóm Montmartre và là một nhân vật “quốc tế”. Ông đã qua Anh, Bỉ, Hòa Lan, Thụy Sĩ, Ý Đức, và Phi Châu vẽ một thời gian trước đệ nhị thế chiến.
Năm 1939 trở lại Nhật, và năm 1941, Hội giao lưu văn hóa quốc tế (Kokusai Bunka Shinkokai, L’association des Échanges Culturels Internationales du Japon) và viện mỹ thuật Hoàng Gia Nhật Bản (L’académie Impériale des Beaux-arts) tổ chức hai cuộc triển lãm nối tiếp nhau tại Hà nội*, Foujita đã có trách nhiệm sang Việt nam cùng một nhóm họa sĩ cách tân của Nhật (trong số có họa sĩ Sekiguchi**)
Tại Hà Nội, ông đã gặp lại người bạn xưa đã từng quen biết ở Paris vào năm 1925, họa sĩ Nam Sơn ( Nguyễn văn Thọ, 1989-1973), một trong những họa sĩ đầu tiên của Việt Nam ở trường mỹ thuật quốc gia Pháp, và là đồng sáng lập trường mỹ thuật Đông Dương với Victor Tardieu, ( thành lập năm 1925 tại Hà Nội***).
Tại cuộc triển lãm nầy. Foujita đã chứng tỏ là một họa sĩ bậc thầy, lấy được lòng tin của giới mỹ thuật Việt Nam lúc bấy giờ. Không còn gì thú vị và chính xác hơn là nhìn tận mắt tác phẩm, họa sĩ Tô Ngọc Vân trong bài “phê bình nghệ thuật vẽ sơn của họa sĩ Nhật” đăng trong báo Trung Bắc Chủ Nhật số 90 ra ngày 7.12.1941 đã viết:
“Cách đây một tháng, trên tờ báo nầy, chúng tôi tỏ ý được xem tranh dầu của hội họa Nhật và được nhìn gần tác phẩm sơn dầu của Foujita. Sự mơ ước hôm nay đã thành sự thật, không làm thất vọng như nhiều sự thật khác chỉ tốt đẹp trong óc tưởng tượng của người ta... Nói cho gọn, chúng ta thấy toàn bộ tác phẩm phân hai phái sơn dầu cũ và mới. Ngoài hai phái, Foujita biên tập. Họa phẩm “ba con mèo” của Foujita không còn trộn lẫn vào đâu được. Người ta thoáng nhìn đã thấy Foujita rồi, với vẻ phân tách cao quý và đưn giản mà người ta thấy tương đương ở tất cả các tác phẩm khác. Foujita trên nền vải trắng toát, Foujita trong nét sơn dầu đưa bằng bút Nhật, Foujita ở màu đều đều như tranh một màu, Foujita ở chỗ dùng sơn dầu vẽ lên nền vải như dùng mực tàu vẽ vào giấy hay lụa theo lối Nhật, nhưng có những tính cách đáng yêu, những sự nhu cầu của một óc sáng tạo tiên tiến...”
*****
*Lần đầu tiên triển lãm tranh lụa và tranh khắc gỗ truyền thống Nhật Bản, lần hai là triển lãm các tác phẩm hiện đại bằng chất liệu sơn dầu.
**Là họa sĩ sau nầy có minh họa truyện Kiều, NXB Văn Học 1951, có 6 phụ bản của Phạm Thúc Chương, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, Lê Phổ, Sekiguchi, Mai Trung Thứ.
***Nam Sơn được gửi sang học tại trường mỹ thuật Quốc Gia Paris năm 1925. Tại đây, ông đã kết bạn với hai họa sĩ Á Châu sau nầy tên tuổi lẫy lừng, là Foujita (nổi tiếng về tranh mèo), và Từ Bi Hồng (Xu Bei-Hong, 1895-1956, nổi tiếng về tranh ngựa).
ct...
Comment