• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Chuyện về Cỏ...

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Chuyện về Cỏ...


    Miên man cỏ

    Chu Thị Thơm

    Có rất nhiều cỏ, xa lạ và gần gũi... với đủ sắc màu đã len lỏi qua ký ức rồi trở về thực tại. Dẫu muốn hay không, cỏ vẫn mãi trở về trong những nỗi niềm nhung nhớ, hoài niệm và xa xôi…Cỏ biết xanh khi con người hy vọng, và biết buồn khi cách xa…

    1-

    Tôi đi qua màu xanh của cỏ quê hương, qua vệt cỏ ấu thơ mơn mởn của một thời cổ tích. Nơi mà tôi nhìn thấy, cũng là tất thảy mọi người đều nhìn thấy. Đó là sự lên xanh và úa vàng của cỏ. Mở mắt ra là thấy bầu trời và sắc xanh của cỏ. Cái sắc màu thân thương và gợi nỗi nhớ đến quặn lòng, mỗi khi ta đi qua nó và gần gũi nó.



    Có những chiều êm, tôi lang thang, tha thẩn đi trong vườn –dưới tán xanh của hàng nhãn, mít và dẫm lên cỏ. Cuối vườn, đám cỏ mần trầu vươn lên, như thể tách mình khỏi lùm cây kẻo mang tiếng kiếp ở nhờ ở đậu. Loài cỏ này được nhớ đến khi mẹ tôi cần đến nó để đun nước gội đầu. Nhưng nếu chỉ có cỏ mần trầu chưa đủ mượt tóc. Mẹ tìm kiếm ngay trong vườn, một nắm lá hương nhu. Phải là hương nhu trắng mới thơm lâu. Còn hương nhu tía, mảnh mai, nhưng mùi thơm nhẹ. Mẹ hái mớ lá bưởi già, nhổ túm sả cùng với mớ lá hương nhu và cỏ mần trầu, ra giếng, múc nước rửa sạch rồi cho vào nồi đun nước lên. Quả bồ kết nướng khô bẻ vụn thả vào nồi. Khi nồi sôi sùng sục, từ chiếc vung hở kia, một làn hương ngây ngất, nồng nàn của sả, của cỏ, của lá bưởi... khiến ai bắt gặp cũng sững người lại, nao nao...Có thể trên đời, trong các hiệu cắt tóc, gội đầu... ta sẽ gặp những chiếc chai dầu gội, dầu sả của các hãng chăm sóc tóc nổi tiếng. Nhưng mùi hương nồng nàn quyến rũ của đồng nội với sự hóa thân của cỏ kia sẽ mãi mãi thảo thơm cho con người.

    2-

    Chiều nay, sắp đến ngày Vu Lan, ngày tri ân với mẹ cha và người đã khuất, tôi trở về khu vườn xưa. Trong vườn thanh vắng, chỉ có lớp lá mít rụng như trải sẵn chiếc thảm lá xào xạc ru êm cho bàn chân. Các loài cây chen nhau, nhờ nhau mà sống cũng bật dậy, thao thức như kể lại kỷ niệm một thời. Tôi len lỏi đi qua rặng nhót đang nằm xoài ngẩn ngơ sau một mùa cho quả. Rặng nhót này ngày trước mẹ trồng cho các con gái. Loài này dễ trồng và nhanh ra quả. Đây là nhót đường, quả tròn, nhỏ và ăn không chua như loài nhót quả dài. Quanh gốc nhót, mấy cây sắn lẻ loi còi cọc, không thể chết bởi sự bao phủ mà sự sống cũng lom dom. Góc vườn, cây ngọc lan tỏa hương ngào ngạt. Lá xanh biếc, hoa trắng muốt chúm chím sau tán lá xanh kia, cây ngọc lan kiêu hãnh vượt lên bóng râm bao phủ của các loài cây khác, lặng lẽ tỏa hương cho đời.

    Tôi bước đến gần cây roi đỏ. Cũng là roi đường. Khi cây roi xuất hiện trong vườn, bố tôi mừng lắm. Bố bảo, loài này ăn quả rất tốt. Nếu quả ngọt thì tuyệt, còn quả dơn dớt chua cũng chẳng sao, chấm tý muối là ổn hết. Mẹ tôi “kết” cây chay lừng lững ở vườn hơn hết.Cây chay ăn quả và cho rễ để mẹ ăn trầu. Mẹ tôi nghiện trầu. Chiếc cối giã trầu làm bạn với mẹ từ rất lâu rồi. Mẹ ra sau nhà, ngắt mấy lá trầu, thái mấy miếng vỏ chay và miếng cau nữa là xong. Răng mẹ không còn chiếc nào, mẹ bỏm bẻm nhai miếng trầu bằng hàm răng giả , bằng tâm thế của người chịu ơn cây trái trong vườn. Vì vậy, ngày mẹ mất-thương mẹ, thương cây, chúng tôi đã đến từng cây trong vườn để buộc khăn tang cho cây cỏ. Cây cỏ sẽ cảm nhận được sự đồng vọng và sẻ chia với tấm lòng con người. Cây sẽ không khô héo đi, như mẹ vẫn thường nói như ngày còn sống.

    Còn bây giờ, tôi bước chân qua đám cỏ gà. Đám cỏ nổi tiếng là giỏi dự báo thời tiết cho con người không quen ở nơi tối tăm, ẩm thấp. Hễ có ánh sáng là nó vươn ra ngay. Câu nói của người xưa: “Trời đang nắng, cỏ gà trắng thì mưa” từ bao đời nay đã gắn cho cỏ gà một sứ mệnh: dự báo thời tiết cho con người. Chưa biết đúng hay sai. Nhưng ít ra loài cỏ này không chỉ để chọi cho bọn trẻ ham vui mà còn hữu ích cho con người.


    Từng đám cỏ gà lan xa ra tận cổng, rồi phóng ra ngoài đường. Bàn tay rễ của chúng vươn về nơi có ánh sáng, có ánh nắng tràn trề. Bao mùa mưa nắng trôi qua, từng lớp cỏ vẫn mãi lên xanh, thứ tự lớp lang để tồn tại.
    Tôi cúi xuống, không chỉ cỏ gà mà cỏ mật cũng thoang thoảng đâu đây. Loài cỏ mật đến lạ, chỉ thực sự cho con người biết đến mình sau khi đã héo khô. Nó không bao giờ chết, bởi mùi hương ngọt ngào của nó thoảng bay trong tâm thức con người. Mỗi khi làm vườn, nhổ cỏ về, bao giờ cha tôi cũng mang về một nhúm cỏ mật cho tôi. Cha biết tôi thích mùi thơm độc đáo này. Một nhúm cỏ thôi, cũng để kỷ niệm ướp hương thơm mãi. Cho đến bây giờ, mỗi khi qua đê sông Hồng hay qua những thửa ruộng của một miền quê, tôi chăm chú nhìn xuống chân mình, cảm nhận đâu đây mùi hương của cỏ mật. Cảm nhận được lòng cha mỗi khi thu đến gần. Cứ sinh sôi đi, cỏ mật, cỏ gà…kể cả cỏ xước, cỏ may…Mỗi loài cỏ là một thân phận, mỗi loài cỏ là một câu chuyện, cổ tích và hoài niệm xa xôi cho tuổi ấu thơ con người. Mỗi con người đều mang theo kỷ niệm và tuổi thơ làm lộ trình trong cuộc đời.

    Trong đó có cỏ. Cỏ len vào nỗi nhớ, trong mỗi trang thơ …

    Trong khu vườn cổ tích nhà tôi, có huyền thoại và nỗi niềm của cỏ . Trong ánh chiều lấp lóa, khi ánh nắng chuẩn bị hắt lên những tia nắng cuối ngày rồi mất hút sau lùm cây, tôi bất chợt gặp lại hình dáng mẹ đang lom khom. Chiếc nón đã rời tay mẹ. Mẹ lấy tay áo nâu lau mồ hôi. Trên tay mẹ là cả một mớ cỏ mần trầu.

    Không, trên tay mẹ là cả những tia sáng ban mai. Mẹ ra vườn để làm sáng bừng khu vườn cổ tích. Mẹ nghe cỏ cây nói chuyện mình. Mẹ nghe lời cỏ cây với nỗi niềm miên man không dứt.

    Bờ ao vẫn uênh oang cuộc đàm đạo của cuộc họp bàn ếch nhái. Những câu chuyện theo mùa mưa nắng, cũng như loài ếch nhái, côn trùng khác, cỏ biết lưu lại qua ký ức con người, qua sự hoài niệm mênh mang không bao giờ dứt được.

    Tôi rời vườn để ra theo phía con đường, theo hướng lũ cỏ gà chỉ. Phía trước, đi một đoạn nữa là dòng sông Cầu đang chảy. Phía xa nữa, là dãy núi xanh sau những chòm mây. Nhưng tôi biết, ở đâu, cũng có cỏ. Cỏ xanh trong nỗi nhớ và đau đáu trong sự khát khao cháy bỏng của sắc màu huyền thoại con người.

    Cứ để cỏ lên xanh trên những mộ chí, xanh mãi trong mùa Vu Lan. Ông, bà, mẹ cha ta đã có cỏ ru êm giấc ngủ đêm ngày…

    Miên man cỏ…
    Thái Nguyên-Hà Nội
    -Mùa Vu Lan2010
    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 11-02-2011, 02:03 AM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
    Similar Threads
  • #2

    Thời thơ ấu và cỏ…


    Ảnh: Hoàng Hà.

    Thời thơ ấu và cỏ…


    Thuở còn cắp sách đến trường làng, mỗi lần tan học, để về nhà, tôi cùng đám bạn phải đi bộ hết một đoạn đê dài chi chít cỏ: cỏ ngập lối đi. Ghét cực kỳ. Những lúc ấy chỉ mong có một con đường lát gạch tử tế đi cho sướng chân!

    Nhưng khổ nhất là lúc mùa mưa lạnh, cữ cuối đông đầu xuân. Buổi sớm mai thức giấc tới trường, áo không đủ ấm và chân không giầy, qua miền cỏ, những đôi chân trần bé nhỏ sước sát, thâm tím vì lạnh, vì những lá cỏ sắc như dao cứa vào. Tê tái. Cứ thế tuổi thơ, những mùa rét buốt đi qua, lúc nào không hay, những đôi chân lớn dần, lì lợm. Cỏ cúi rạp nhường bước chúng tôi. Đến mùa ấm áp, quãng cuối hạ đầu thu, mảng đê dài biến thành một màu đỏ rực. Lúc này, cỏ đã úa dần vì nắng gắt, khô khan; cũng để trơ ra những mảng đất đỏ bụi bặm chạy lòng vòng bên sông. Chiều chạng vạng, ánh mặt trời yếu ớt rọi những tia nắng cuối cùng - loang lổ bờ đê, xiên qua mảng mây đa màu, một bức tranh hỗn độn đầy màu sắc hình thành. Và chúng tôi tha hồ tưởng tượng!

    Như những đám trẻ nhà nghèo ở nhiều miền quê khác, chúng tôi, sau những buổi học lại lao vào phụ giúp công việc đồng áng cho gia đình. Vì còn bé nên công việc chính của chúng tôi là chăn trâu - làm bạn với trâu. Mang tiếng đi chăn trâu nhưng cứ cho trâu ra đến bờ đê, cả lũ lại thả rông. Để mặc đàn trâu chăm chỉ cặm cụi tìm kiếm thức ăn - có lúc những con trâu ấy ngoạm một đường dài vào ruộng lúa đang thì!. Và lũ chúng tôi tranh thủ săn tìm cỏ gà chơi chọi. Những cây cỏ gà xù xì, lua rua trông rất ngộ. Những chú nào thân đanh lại cứng cáp, dẻo dai sẽ là những chú cỏ gà có sức chiến đấu khoẻ nhất. Để mặc tháng ngày trôi qua, hết mùa cỏ gà này đến mùa cỏ gà khác tuổi thơ chúng tôi sống trong những công việc, sinh hoạt, thói quen đầy ắp hồn quê.

    Rồi mặc kệ cho thiếu thốn, khó khăn hành hạ, theo thời gian, chúng tôi cứ lớn dần lên. Lạ thay, đứa nào cũng rắn rỏi khoẻ mạnh. Chân trời mới rộng mở.

    Bây giờ thành phố trở nên chật chội. Người ta tận dụng từng cm đất một để xây nhà ở hoặc làm một việc gì đó ra tiền. Chứ có dở hơi mà trồng cỏ - bỏ không - để ngắm. Vì thế nếu có “kẻ điên nào” còn sót lại muốn thả mình trong cỏ, muốn trở về thời hoang dại, một chút thôi, cũng thật khó khăn. Trong công viên ư. Đó là nơi dành cho những đôi tình nhân. Ra ngoại thành ư. Những bãi cỏ đã sắp sửa thành khối sắt thép, xi măng. Thì về quê vậy. Thời gian đâu; vả lại quê bây giờ, cỏ đã vào “quy hoạch”.

    Vậy thì người ta chơi cỏ, hoà với cỏ bằng cách nào?

    Có lần đến chơi nhà người bạn, bước vào phòng khách, thấy một lọ hoa tươi. Xen lẫn với hoa là những nhánh cỏ bông lau nhiều màu; màu tím, màu xanh, màu vàng… Những màu ấy là do con người tạo nên - để đáp ứng cái thú chơi cầu kỳ, đa dạng của nhau. Cỏ trong nhiều ngôi nhà, giờ không chỉ điểm tô thêm vẻ đẹp, quan trọng hơn, nó còn đưa con người ta gần gũi với thiên nhiên; qua đó gìn giữ, thanh lọc những mảng không gian bụi bặm. Những bông cỏ này, cậu mua ở đâu vậy? Ngoài phố rất nhiều…
    Từ thân phận của loài hoang dại, có tới không biết bao nhiêu lần bị con người ruồng rẫy, vứt bỏ, thế mà cỏ, theo thời gian, vẫn được nâng niu, chăm sóc.

    Hoặc nếu không có thời gian đi tìm cỏ, hay vô tình để mùa cỏ trôi qua, hãy thử ra phố nhé; thể nào cũng bắt gặp những gánh hàng cỏ lang thang, rong ruổi trong chiếc xe đạp cũ kỹ trên đường. Bằng nhựa, trông rất lạ lẫm. Và khi khéo léo sắp xếp, căn phòng của bạn sẽ trở nên hài hoà, quyến rũ vô cùng.
    Thôi đành, chơi như thế cũng thú…

    Đấy, cỏ làm đẹp cho người. Để rồi cỏ muốn con người yêu thương, che chở mình.
    Để rồi cùng nhau cất lên tiếng hát: Cỏ xanh êm ái mọc trên lối đưa bước chân em về…
    Tony Thái
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

    Comment

    • #3

      Bài thơ Xin lỗi cỏ gà

      Bài thơ Xin lỗi cỏ gà
      KIỀU MIÊN

      Như cơn lốc, Như Nguyện từ Paris ghé Santa Ana thăm Kiều Miên, mang theo hình ảnh tuyệt vời của kỷ niệm. Họ ôm chầm lấy nhau, cười rơi nước mắt. Vừa là hàng xóm, vừa là bạn thân, mười tám năm xa cách, bây giờ mới trùng phùng. Mái trường xưa. Lưng đồi xanh thắm, thơm ngát hương hoa. Phấn thông vàng nhẹ bay. Giòng suối róc rách huyền mơ. Thầy cô và bạn cũ. Tưởng như vẫn là hôm qua hai đứa cùng nhau đến lớp, mưa bay nhạt nhòa phố núi. Và nhớ nhất, lúc rủ nhau đi hái cỏ gà về chơi. Nguyện say sưa kể:

      - Miên còn nhớ không, chúng mình đã hái không biết bao nhiêu là cỏ gà. Bọn con trai tranh nhau giành những “mống gà” thiệt to, để chọi cho được dai sức. Con gái chỉ lo xí phần cho “bồ bịch.” Bồ bịch được chọn bằng cách… tay trắng tay đen, tay Ma-Rốc mốc xì, tay Chà-Và đen thui, tay Việt Nam trắng bóc… Kết quả: Nguyện bồ với Thanh. Miên bồ với Huy. Diệu bồ với Ngân, Dung bồ với Sơn. Châu bồ với Thủy, Liên bồ với Đại… Mười hai đứa cùng nhau học hành rất vui, nhưng khi oẳn tù tì để “cặp bồ”, chỉ bênh bồ của mình mà thôi.

      Miên mơ màng:
      - Chớp mắt một cái, đã mười tám năm qua. Mỗi người một nơi, nhưng nhất định không ai quên chuyện xưa.

      Nguyện gật đầu:
      - Dĩ nhiên rồi. Thương nhau, thân nhau cũng vì cỏ gà, làm sao mà quên được.

      Miên cười, nheo mắt nhìn Nguyện. Trong nhóm bạn ngày xưa, chỉ có Như Nguyện và bồ Hoài Thanh, Minh Châu và bồ Vị Thủy nên duyên chồng vợ. Còn tất cả, đều chia xa, mỗi người một phận đời khác biệt. Những chiến công hiển hách của bạn của bồ như phim truyện, thinh lặng trình chiếu trong sân khấu ký ức, gợi nhớ một phần đời đã qua… Kìa, khung trời cũ…

      Nắng vàng dịu êm. Vườn cây xanh lá. Ríu rít chim ca. Gió thì thầm giữa rừng thông. Cả bọn mười hai đứa, sáu trai sáu gái, chạy nhảy tung tăng, cười nói vang trời. Những bàn tay nhỏ mềm mại không sợ sâu bọ, không sợ bụi đất, cứ thế vạch từng đám lá, hái những cọng cỏ gà mang về để đầy vườn. Sau đó thì…oẳn tù tì ra cái gì ra cái này…để chia cỏ gà. Mười hai đứa là sáu cặp đôi: Thanh-Nguyện, Miên-Huy, Diệu-Ngân, Sơn-Dung, Châu-Thủy, Đại-Liên. Ai cũng hò hét, vỗ tay mong bồ mình oẳn tù tì thắng. Thắng mới được xí trước, mới được chọn trước, mới được làm chủ những cọng cỏ gà to, và mới trở thành anh hùng, trong cuộc chiến cỏ gà. Con trai thi đấu với nhau. Con gái ngồi bên cạnh giữ những cọng cỏ, như giữ giang sơn gấm vóc.

      Trong nhóm, vô tình lại có cô nàng Minh Châu, anh chàng Vị Thủy. Cả nhóm đổi thành Mỵ Châu-Trọng Thủy. Châu-Thủy la làng phản đối. Mặc kệ. Châu gì cũng là… Mỵ Châu. Thủy gì cũng là… Trọng Thủy. Chống trả không được, cả hai quyết trở thành Trọng Thủy-Mỵ Châu đúng nghĩa. Mỵ Châu xưa vì tình yêu, trao nỏ thần của vua cha cho Trọng Thủy. Mỵ Châu nay vì bồ Trọng Thủy, đánh tráo cỏ gà. Cặp nào ngồi cạnh Châu-Thủy đều lo sợ; sợ cỏ gà của mình bị Trọng Thủy-Mỵ Châu rình rập, dòm ngó, mưu toan chiếm hữu. La ó nhiều nhất là cặp Đại-Liên. Cả nhóm đặt ngay cho ngoại hiệu: “Ông bà hoả pháo đại liên”, rồi cười kết luận: Đại Liên có khác, nổ phát nào to đùng phát đó…

      Nhà Kiều Miên là nơi tụ họp của cả nhóm. Sau những giờ làm bài học bài, nhóm bạn rong chơi ngoài vườn. Học trò lớp Chín vẫn hồn nhiên như trẻ thơ, huých nhau, chèn chân nhau, khiến đối thủ ngã xuống; còn mình phơi phới chạy như bay trên đồi, đến những nơi có nhiều cỏ gà tốt nhất, để hái về. Ai hái được nhiều cỏ gà, bồ của mình được ưu tiên oẳn tù tì trước. Cạnh tranh công bằng, hò la ghê lắm, nhưng không cãi nhau, không xích mích. Ngọn đồi xanh thắm, có hằng hà sa số cỏ gà. Thuở ấy, đời sống khó khăn, người lớn phải bương chải lo lắng, xã hội và nhà trường chao đảo vì học thuyết Mác-Lê, vì đoàn đảng. Chẳng có ai để ý đến sinh hoạt của thanh thiếu niên. Học trò tự kết thành nhóm nhỏ, đem ưu tư trút bỏ vào những trận đấu cỏ gà.







      Ngọn đồi mênh mông xanh thắm, đã ban tặng cho học trò món quà thiên nhiên đặc biệt, là cỏ gà. Cọng cỏ mướt, hơi thô và sắc, thân rễ bò dài ở gốc, ngọn thẳng cứng. Cỏ gà bò chằng chịt vào nhau, tạo thành tấm thảm dày đặc. Lá phẳng hình dài hẹp, nhọn đầu, màu vàng lục, mềm, nhẵn, hoặc có lông, sắc cạnh. Tùy theo thời tiết, lá của cỏ gà có thể thay đổi màu sắc, từ xanh đậm sang xanh nhạt, hay xanh trắng. Từng bẹ lá cuộn xếp lên nhau, làm thành nhiều lớp, khiến cho đầu cọng cỏ tạo thành một gút thắt, tương tự hạt đậu phộng, có hình giống như con gà. Có lẽ vì thế, tên gọi của cỏ gà đã được khai sinh.

      Khi màn thi đấu kết thúc, một đống “đầu gà” rụng rơi trước mặt. Cả bọn thẫn thờ, những tiếng thở nhè nhẹ kéo dài, như vừa cảm thương các chiến sĩ cỏ gà đã vì chủ tướng hy sinh, như vừa trách mình sao “ác quá”, khiến cho bao hồn cỏ phải bơ vơ! Và đã có một lần, chẳng ai bảo ai, con trai cũng như con gái, thinh lặng cầm đầu gà trên tay, tẩn mẩn bóc ra xem. Bóc hết những lá cỏ xoắn, cả bọn ồ lên, nhìn chú sâu bé xíu nằm ngo ngoe ở chính giữa. Con gái có hơi sờ sợ, nhưng con trai thì rõ ra dáng nam nhi, cầm ngay chú sâu để trên bàn tay. Vì ánh mắt đầy khích lệ toát ra từ đôi mắt của con trai, con gái cũng khẽ khàng vạch lá, đặt sâu trên tay mình. Cả bọn nhìn ngắm một hồi, rồi lặng lẽ đặt sâu nằm lại vào trong lá cỏ. Một vài giây sau, có lẽ vì quen ẩn kín trong lá cỏ, không chịu được gió lạnh, những chú sâu nằm im bất động. Mười hai khuôn mặt buồn thiu! Mười hai cặp mắt đỏ hoe! Mười hai cái đầu cúi xuống! Cao nguyên mây trắng ngậm ngùi chịu tang…!

      Như Nguyện khẽ hỏi:
      -Kiều Miên, nghĩ gì vậy…?

      Miên cười:
      - Đang nhớ lúc tụi mình nhìn sâu cỏ gà chết…!

      Nguyện trầm giọng:
      - Miên đã ứng khẩu làm bài thơ xin lỗi cỏ gà. Từ đó, cả nhóm chỉ ngắm cỏ gà, thôi không ngắt cỏ gà để đấu nữa….

      Hoàng hôn dần tối. Bạn thân xưa đã xa. Giữa đất khách quê người, chỉ có Như Nguyện-Kiều Miên ngồi bên nhau, lắng nghe bài thơ xin lỗi cỏ gà âm vang trong trí tưởng:

      Lưng đồi ráng đỏ chiều pha
      Cho em xin lỗi cỏ gà thân thương
      Bao lần ngu dại mê đường
      Nào hay hồn cỏ đoạn trường thác oan!

      KM
      30 tháng 08 năm 2010
      ----------------------------

      Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

      Comment

      • #4

        Đi tìm cỏ gà đã mất

        Ta xin lỗi cỏ gà xưa

        Một thời tuổi dại ngắt bừa đá nhau

        Bây giờ ta mới biết đau

        Biết thân phận cỏ rơi đầu vì xanh


        Ngày bé...
        Nhà ở cạnh sân vận động, cỏ mọc tràn lan. Lúc đấy người ta mải lo kiếm miếng ăn, hình như chả ai nghĩ được đến chuyện luyện tập để giữ gìn sức khỏe. Bãi đất rộng lớn, cỏ mọc tự nhiên lại là công viên mênh mông và huyền bí, ra sức ưu đãi bọn trẻ con bằng tất cả tài sản thiên nhiên mình. Thành ra hồi bé mình chả thiếu gì những kỷ niệm đường đường là ở thành phố mà lại không khác gì nông thôn. Nào thả diều, đánh khăng, bắt cào cào châu chấu, vợt bướm đuổi chuồn chuồn... Nữa thì các loại cỏ đem ra làm đồ chơi. Bọn con gái kiếm cỏ mần trầu, quấn làm thành cái phất trần, hoặc tuốt hoa ra làm cơm, gạo hay các loại thực phẩm tùy ý (ờ, sao mình không có cái gì giả làm thịt cá mà cũng chịu được nhỉ). Cỏ ba lá dùng để thổi "kèn", khè khè ré ré lên những tiếng thô lậu nghe chối tai vô cùng. Có một số thứ cỏ lá dài, xanh mướt, rất khô và sắc, không cẩn thận là đứt tay như chơi, tẽ ra làm đôi gấp thành con mèo lò xo. Còn có loại cỏ xanh, hẳn là bọn gia súc rất thích, vì mùi thơm và ngát giống như dưa chuột. Bọn mình thường tút ra những đọt non nhất, nhấm nháp vị ngọt và thơm của phần cọng cuối, tưởng như mình đang được xơi món dưa chuột thật. Ờ, sao dưa chuột hồi ấy cũng thiếu thốn nhỉ, thỉnh thoảng lắm mới được khúc dưa gang ruột nhiều, nhạt phèo, hạt to và ráp.


        Bọn con trai chỉ mải tìm cỏ gà để chọi. Mình chẳng thấy trò này hay ho gì, nhưng rất chịu khó đi vạch các đám cỏ nhằng nhịt để chiêu quân cỏ gà cho các anh. (Hồi bé mình luôn làm các công việc chuẩn bị một cách nhiệt tâm và thích thú, đồng thời cũng hiểu rằng khi người ta chỉ việc bắt đầu mọi thứ thì mình thấy nó xong béng từ lâu rồi. Càng lớn lại càng ngại việc hậu trường!). Gom được một lượng cỏ gà lớn xong rồi thì mình ngồi chầu rìa, xem hai bên xuất quân chiến đấu, sau đó lẳng lặng gom đầu "gà" rụng bóc các lớp vỏ ra tìm "cô tiên". Khi nào thấy cái đầu con sâu bé tí ngọ ngoậy trong cái kén làm từ các lớp lá cỏ bọc bên ngoài, chính là cô tiên ấy, thì nhẹ nhàng gỡ ra cho nó ngọ nguậy trong lòng bàn tay, rồi cho vào mồm ăn. Chả hiểu sao lại ăn, chắc là có lý do đấy nhưng giờ thì chịu không nhớ nổi, có thể là lúc đấy mồm miệng nhàn rỗi quá.

        Tự dưng hôm qua ngồi trên xe nói chuyện các món ăn kinh dị người ta tống vào mồm, mình nhớ tới màn ăn sâu cỏ gà hồi bé và không thể hiểu nổi vì sao ấu trùng ấy lại có thể chui vào tận cùng bông hoa cỏ gà kín khít như thế.

        Thắc mắc mãi không chịu được bèn search wikipedia thì té ra, "cỏ gà thường có một loại sâu ăn lá ký sinh là "fall armyworm" Spodoptera frugiperda .Do tác động của sâu ký sinh, những bẹ lá cuộn xếp lên nhau làm nhiều lớp khiến cho đầu cọng cỏ tạo thành một nốt sần cỡ như hạt lạc có hình giống như con gà"

        Ặc ặc...

        Nếu để nguyên, cỏ gà là một ký ức ấu thơ khá đẹp. Biết thế chả bới móc quá khứ ra làm gì cho đau đớn. Câu thơ trên phải đổi thành:


        Bây giờ ta mới biết đau

        Vì ngu lâu quá mà ăn sâu vào

        .............................................


        Hồi bé mình còn nuốt vào người một số thứ kinh ngon bổ rẻ nữa. Đằng nào cũng đã vén bức màn bí mật của huyền thoại tuổi thơ rồi, tiện tay sẽ dần đưa chúng ra ánh sáng, xét rõ công tội của từng thứ một trong những entry tiếp theo ...




        st
        ----------------------------

        Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

        Comment

        Working...
        X
        Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom