• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Dương Cầm - Trần Vũ

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Dương Cầm - Trần Vũ



    Dương Cầm

    Trần Vũ

    Ngày đầu tiên đạp xe xuống Củ Chi, nhận một chỗ giáo viên cấp một, Hòa đã chú ý đến chiếc dương cầm kê lây lất trong một góc tối của gian lớp học quạnh quẽ. Giữa bốn bức tường gạch xây không sơn phết, chiếc dương cầm nằm trơ trẽn, trần trụi và im lìm như một quý vật đang hấp hối. Lớp gỗ đánh bên ngoài hãy còn bóng, mảnh khăn nhung phủ phiếm đàn vẫn còn mịn. Cả chiếc ghế ngồi hình chữ nhật, có bốn chân cong cũng còn gần bên. Cây đàn chưa mất đi dáng dấp sang trọng lẫn vẻ kiêu sa của chính nó.

    Hòa đứng yên trong gian phòng vắng. Anh nhìn cây đàn chìm trong bóng mờ của bức tường khuất nắng. Trên nền đất không tráng xi măng, xông lên một mùi ẩm. Cả mùi gỗ tươi của mớ bàn ghế đóng tạm bợ, vội vàng cho niên học sắp khai giảng, vất ngổn ngang bên chiếc dương cầm. Dưới lớp bụi lấm tấm, cây đàn giữ lại trọn vẹn hình ảnh của cả một thời đại vừa đi qua. Hòa vẫn không rời mắt cái nắp đàn khép hờ, phô bày hàng phím trắng nõn, thẳng đều tinh xảo dưới sắc màu đỏ gụ của dải khăn nhung dịu, cũng chỉ che đậy hờ. Hòa đến gần cây đàn như bị kích thích của tò mò ham muốn chạm tay vào món vật quý giá ấy. Tấm biển chạm nổi nhỏ, khắc tên hiệu của nhà sản xuất chiếu sáng ngời màu đồng lúc Hòa mở nâng nắp đàn.

    Làm sao một món hàng rất tư sản, rất trưởng giả xa hoa như chiếc dương cầm này lại hiện diện nơi đây, trong một ngôi trường giải phóng thiếu thốn trăm bề của vùng Củ Chi “thành đồng đất thép này”? Hòa không rõ lắm, chỉ nghe từ đáy lòng mình những phím âm thanh xôn xao của một thời hoa mộng vừa vọng lên. Từ chiếc dương cầm toát ra sức lôi cuốn mạnh mẽ khác thường mà Hòa không sao tự chủ nỗi. Năm ngón tay anh mơn trớn, ve vuốt trên mặt đàn, chỉ dám lướt hờ trên những phím im lặng. Lúc những đầu ngón tay hơi cong lại, sắp gõ xuống một nốt nhạc, nhấn xuống một hợp âm, Hòa chợt rụt tay về. Gian lớp học vắng người vẫn im lìm. Một vài đọt lá rụng rơi bên ngoài. Vạt nắng nhỏ luồn vào khe cửa. Nền đất ẩm, trần vôi tơi tả… và chiếc dương cầm ở đó, giữ nguyên tiếng lòng của nó hãy còn ẩn núp, chưa thức giấc.

    Buổi chiều đạp xe trở về thành phố, Hòa bằng lòng với chính mình. Anh đã để yên cho chiếc dương cầm ngủ im trong gian lớp học. Không nên đánh thức một thời đại đã chết, đã câm tiếng. Trong những khí cụ của âm nhạc, dương cầm là vị hoàng tử không có chỗ đứng trong dân gian, không lẫn với giai cấp bần nông. Nó tự cách biệt bằng địa vị quý tộc, bằng những âm hưởng của dây đàn không hòa điệu với loại nhạc thép đấu tranh. Cao sang chừng đó, vọng tộc ngần ấy, vậy mà hồi trưa nó đã chịu nằm hẩm hiu trong một xó góc gần như bị bỏ bê, hoang phế. Hòa không thấy buồn bã, chỉ một nỗi buồn vu vơ bâng quơ, lãng đãng theo cùng cơn gió ngoại ô thổi hững hờ từng chập dai dẳng. Hai năm ở trường trung học sư phạm, để bây giờ ra nhận một chỗ giáo viên tiểu học, với Hòa thôi thế cũng xong. Một chỗ đứng để qua ngày, như cây đàn đã tìm ra cho mình một xó lớp an phận.

    *

    Những ngày khai giảng đầu tiên, Hòa tiến hành chức năng mới của người giáo viên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa hoàn toàn trong thiếu thốn đủ mọi vật liệu học đường. Phấn màu chưa có, phấn trắng không đủ. Tấm bảng đen duy nhất loang lở, lồi lõm vì thớ gỗ bị dột mưa, nổi phồng. Học trò hơn bốn mươi đứa, đủ mọi lứa tuổi. Từ những đứa nhỏ chưa biết đọc kêu khóc trong lớp, đến những đứa già đầu nhìn Hòa cười nham nhở. Trong thâm tâm Hòa không mấy thiết tha với thiên chức của mình. Mà hình như tất cả những đồng nghiệp ở đây của anh cũng chẳng ai quan tâm đến chức năng của một thầy giáo. Họ chỉ tha thiết hết lòng vào những ngày cuối tháng, chia nhau khẩu phần tiêu chuẩn thịt cá, tranh nhau ỏm tỏi trước đôi mắt của lũ học trò ngơ ngác. Đã hết thật cái thời “tiên học lễ, hậu học văn”. Không phải vì những câu châm ngôn mà cổ nhân di lại cho hậu thế như phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc không còn đúng nữa. Tất cả vẫn đúng, chỉ có đám hậu sinh bây giờ là khả ố.

    Hòa thường đi rảo trong hành lang, trước những tiết học với ý tưởng mình là một tên khả ố. Anh chỉ tìm thấy chút bình an mỗi khi ghé mắt nhìn vào trong gian nhà dùng làm kho chứa đồ phế thải, nơi có chiếc dương cầm trầm ngâm suy lặng. Hòa an tâm nhìn cây đàn mặc dù bị xem như món hàng phế thải vẫn còn nguyên vẹn dáng dấp hình hài và đức tính quý phái, uy nghi. Một đôi lần họp hiệu đoàn, có người đưa ý kiến hồ đồ và bỡn cợt là đem cây đàn bửa làm củi đốt. Nhưng dù chuyên chính vô sản có tính triệt để cách mạng đến đâu, ban giám hiệu nhà trường vẫn nhận ra đây là một vật quý. Nên cây đàn vẫn được để yên, nằm riêng rẽ một góc trong căn phòng chứa đồ không dùng đến. Hòa là người ngó ngàng và chăm sóc cây đàn trong âm thầm lặng lẽ. Đối với anh, nó là biểu tượng của sự sống sót của cả một thời đại phú túc vừa bị vùi dập. Chỉ một mình anh hiểu nó và chỉ một mình nó hiểu anh. Hòa thường hay đến mân mê lau chùi chiếc dương cầm mỗi khi rảnh rỗi. Nhưng không lần nào anh có đủ can đảm gõ xuống một nốt nhạc. Cây đàn đã câm tiếng như từ lâu Hòa biết im lặng trong cuộc sống.

    Phải chờ đến một buổi chiều, như rất nhiều buổi chiều Hòa cùng với bạn đồng nghiệp ngủ đêm tại trường để soạn giáo án cho một tiết học sớm, tránh cái cảnh đạp xe hàng nhiều mươi cây số để hộc tốc đến trường với đôi chân rã rời, đôi mắt lạc thần vì đuối sức. Hòa trở ra từ phòng giáo viên với tâm trạng buồn bãng lãng. Dáng điệu của Tuyền ngúng nguẩy từ chối lúc anh rủ nàng đi dạo dưới làng. Ánh mắt Tuyền thờ ơ với đuôi tóc đỏng đảnh tinh nghịch:

    - Hòa đi dạo đi, nghe nói có quán nếp cẩm mới mở đắt khách lắm. Tuyền bị trễ giáo án mấy hôm nay, phải soạn ngắn lại cho tuần sau. Chắc không đi với Hòa được, thôi để lần sau. Đừng giận Tuyền nghe Hòa.

    Nắng buổi chiều phơi trên lối đi đỏ gay. Đất thép thành đồng, nên nắng cũng là nắng lửa, Hòa dừng chân nơi tàu lá chuối xanh rờn trồng ven hàng rào ở khu lớp học. Hòa biết anh chọn về dạy ở Củ Chi cũng vì Tuyền. Chọn? Có nghĩa là không nộp đơn xin thôi mà chấp nhận đi xa theo yêu cầu. Về Củ Chi với Tuyền, không xa thành phố lắm, Hòa hy vọng một cuộc tình trong xây dựng. Hai năm chung trường trung học sư phạm, Hòa đeo đuổi mái tóc lưng chừng vai, sóng mũi thanh và hai vai nhỏ nhẫn nại của Tuyền.

    Nhiều lần đi chơi chung. Một đôi lần chia nhau đĩa bánh cuốn. Một đôi lần Hòa chở Tuyền ở yên sau, đạp lên Thủ Đức, đạp xuống Lái Thiêu. Và cũng có đôi lần sợ ngã, Tuyền ôm lấy thắt lưng Hòa. Rồi dừng ở đó, không có cái nắm tay trai gái. Dầu sao Hòa vẫn hy vọng Tuyền sẽ chấp nhận mối tình của mình, như Tuyền đã chấp nhận về dạy ở vùng Củ Chi đơn sơ, mộc mạc này. Lúc rời hàng tàu lá chuối, để đầu trần đi về căn phòng chứa đồ phế thải, Hòa nghe nóng bỏng ở trán. Từng phiến nắng lửa rơi xuống người Hòa, vỡ tan thành trăm nghìn tia lửa nhỏ. Tuyền có cố tình khi bảo anh ra quán một mình? Chỉ có những tên thất tình mới đi uống rượu một mình. Hòa ngao ngán nhận ra giữa anh và Tuyền chỉ chung một lối đi đất đỏ dẫn đến phòng giáo viên.

    Chiếc dương cầm hiện ra sau cánh cửa mở, với tất cả sự lạ lùng và quyến rũ của lần đầu Hòa bước chân vô căn phòng này. Nhưng lần này, Hòa trông thấy nhiều hơn ở cây đàn một vẻ chờ đợi đầy chung thủy. Chiếc dương cầm kê sát vách tường toát ra sự mời gọi thiết tha của người tố nữ, e ấp, thẹn thùa. Hòa ngồi xuống trước cây đàn như một bắt buộc không cưỡng lại. Anh chậm rãi nâng nắp đàn, khám phá những phím trắng ngà phơi bày thôi gìn giữ. Âm thanh của phím đàn vọng lên đầu tiên như một tiếng kêu bất ngờ, thảng thốt. Ở những nốt nhạc kế tiếp là sự chất ngất của yêu thương. Đến khi Hòa đặt luôn cả hai bàn tay mình xuống phím đàn, thì chuỗi âm thanh trầm ngắn, từng chập thánh thoát, kêu ngân lên ngời ngời, biến thành những hợp âm của cả một nỗi si mê. Hòa không còn kiểm soát được hai bàn tay mình, không còn ngửi thấy mùi đất ẩm cùng mùi gỗ mục mốc meo ở đà nhà. Mười ngón tay trước mặt anh là mười ngón tay của đứa trẻ theo học dương cầm cách đây lâu lắm. Gian phòng dùng làm nhà kho chợt biến thành căn phòng học nhạc ở trường Lasan. Trong những âm giai bay bổng, Hòa nghe cả tiếng thầm thì của người sư huynh già phụ trách lớp nhạc. Anh trông thấy cả vừng me la đà trước hiên trường quốc gia âm nhạc. Buổi trình tấu đầu tiên, những phím đàn rơi rụng xuống lớp thính giả im phắc. Mớ hình ảnh đầy màu sắc, âm thanh lên xuống quay cuồng vang theo từng cung bậc của phím đàn chợt tan biến, ngưng bặt. Hòa nhấc tay lên trong sự run rẩy của toàn thân đẫm mồ hôi. Đôi mắt của đứa trẻ soi mói, chiếu thẳng vào lưng Hòa. Anh đọc được trong ánh mắt ngây dại đó, có cái gì nửa ghen tức, nửa thán phục. Tia mắt của đứa trẻ kỳ lạ, chằm bẳm. Trước khi Hòa kịp lên tiếng, đứa bé gái chạy vụt ra khỏi lớp. Hòa không nhận ra đứa trẻ trong số những khuôn mặt thoáng nhanh qua đầu anh. Có lẽ nó học ở một lớp nào đó. Hòa vẫn ngồi bất động trước phím đàn khi cánh cửa bật mở tung và bóng Tuyền lật đật.

    - Trời ơi! Ban đầu Tuyền cứ ngỡ là có cả một bầy họa mi cùng cất tiếng hót. Không ngờ là Hòa. Học đàn bao giờ mà mãi mới chịu trổ tài!

    - Tuyền có thấy một đứa học sinh vừa chạy ra khỏi đây?

    - Không. Đứa nào? Ở đây có cả trăm. Đàn nữa đi Hòa! Trời ơi, Tuyền mê đàn. Hòa đàn được bản Sonate không?

    Từ khi có chiếc đàn dương cầm chen vào giữa, quan hệ tình cảm của Hòa với Tuyền ngày một thêm gần gũi, mật thiết. Những buổi tối thay vì đạp xe về thành phố, Tuyền ở lại trường thường hơn. Nàng cũng gắn bó với cây đàn như Hòa. Từ chiếc dương cầm nảy sinh niềm thông cảm và quyến luyến giữa hai người. Hòa phải công nhận Tuyền mê âm nhạc và sành sõi biết thưởng thức ít nhiều. Một đôi lần sau giấc cơm tối, Hòa ở lại dạo những tấu khúc của Mozart và Bach. Tiếng đàn vọng lên giữa đêm trầm bổng như một khúc sáo trời. Đôi lúc tiếng đàn cao vút như tiếng chuông ngân. Đôi lúc trầm thành những lượn triều. Đôi khi vài người bạn đồng nghiệp trẻ vây quanh Hòa, đề nghị chơi nhạc mới. Tuyền và hai cô bạn gái hợp ca bản “Trường sơn Đông, trường sơn Tây”. Những lúc đó, Hòa để ý thấy tiếng đàn mình dị hợm và thô kệch, trơ trẽn. Nặng nề như tiếng chày. Mãi mãi, dương cầm không bao giờ là nhạc khí được tạo ra để đệm những bài ca cách mạng. Tiếng đàn chỉ trở lại truyền cảm, rung động mỗi khi họ đóng cửa lén chơi nhạc vàng. Một đoạn Hoài Cảm, một khúc Ngậm Ngùi, mà sau khi những bạn đồng nghiệp trở về phòng, Tuyền thường ngồi nán lại dựa đầu trên vai Hòa hát nho nhỏ những bài tình khúc xưa. Những buổi tối của họ luôn kèm tiếng dương cầm réo rắt.

    Có một chuyện mà Hòa giấu người yêu, là ánh mắt của đứa bé vẫn rình rập soi mói sau lưng anh, mỗi khi Hòa đánh dương cầm. Tia mắt của đứa trẻ ngột ngạt kỳ lạ, gần như đố kỵ và ghen tức với Hòa. Bao nhiêu lần bắt gặp ánh mắt đầy tức giận đó, Hòa chỉ kịp đứng lên chạy ra hành lang để thấy đôi mắt nhỏ tan biến vào trong những lùm cây um tùm sau trường. Một bận duy nhất vào buổi trưa, Hòa vào phòng dương cầm với mảnh nùi dẻ và ít verni xin được với dụng ý chùi lại cây đàn đã cũ. Đang dở tay lau chùi, anh chợt nổi gai ốc đầy mình và ngửng lên bắt gặp đứa trẻ đang nhìn mình đăm đăm. Đứa bé đứng ở cửa gian lớp, không sợ hãi, không chạy trốn. Tia nhìn giận dữ chiếu thẳng vào mặt Hòa. Ánh mắt oán hận giữ rịt lấy bàn tay Hòa còn đặt trên thùng đàn. Đôi mắt của đứa bé gái khoảng chín hay mười tuổi chỉ dịu bớt, giảm hẳn ngọn lửa đang phừng phừng khi anh lấy tay ra khỏi thùng đàn. Hòa ngạc nhiên lắm. Anh ngạc nhiên vì thái độ bất thường của đứa học trò và ngạc nhiên cả chính mình đã đứng yên trong góc phòng, chịu đựng cái nhìn của đứa trẻ cho đến khi nó bỏ đi. Sau này tò mò thăm hỏi, anh được biết tên đứa bé là Phụng, học lớp nhất A. Gia đình Phụng sống trong căn nhà lợp tôn xiêu vẹo, nằm gần đường lộ, phía sau ngôi biệt thự ba tầng của trụ sở phường.

    Việc tụ họp đàn địch, hát xướng nhạc vàng của Hòa chẳng bao lâu đến tai ban giám hiệu. Người hiệu phó cho gọi Hòa vào văn phòng. Sau khi lớn tiếng giảng giải về chức năng mới của người giáo viên dưới mái trường mới xã hội chủ nghĩa, về tinh thần đạo đức cách mạng tư tưởng văn hóa,
    người hiệu phó già mất mười năm vượt Trường Sơn nhìn Hòa thông cảm:

    - Các cậu còn trẻ, mê nhạc mê đàn thì cũng dễ hiểu thôi. Mình ngày xưa chả mê Hoàng Cầm à? Nhưng quan trọng là phải biết phân biệt sai trái, đấu tranh tư tưởng ngay thì mới có tiến bộ. Mình đề nghị thế này: thay vì các cậu tụ tập đàn hát buổi tối, mình lập hẳn một tổ văn nghệ với một lớp nhạc sơ cấp cho toàn trường và học trò cùng sinh hoạt. Cậu thấy mình dự kiến phương án có tốt không? Nhất trí nhé.

    Hòa lẳng lặng gật đầu, không thắc mắc vấn đề bồi dưỡng cho những giờ dạy nhạc phụ trội ngoài thời khóa biểu. Với anh, được tự do đánh dương cầm là… tốt thôi.

    *

    Lớp nhạc sơ cấp khai giảng đầu tiên với hai mươi em tình nguyện, trong số đó có Phụng. Trước khi học đàn, học ca, môn học trước nhất bao giờ cũng là nhạc lý. Hòa bắt đầu với những khóa Sol, khóa Fa. Tập cho lũ trẻ đánh nhịp hai, nhịp ba và nhịp bốn. Ánh mắt Phụng đã dịu đi rất nhiều từ khi Hòa cầm tay nó, nâng lên hạ xuống chỉ cách đánh nhịp. Phụng tỏ ra có năng khiếu đặc biệt. Nó thuộc nhạc lý rất nhanh và mau chóng quen với mặt phím dương cầm. Sự tiến bộ vượt bực của Phụng trong lúc những đứa khác còn quờ quạng với những nốt Do Ré Mi làm Hòa có cảm tưởng Phụng đã quen với cây đàn trước đó. Ở Phụng, lâu lâu vẫn nẩy lên những tia máu đỏ ối, đục ngầu dữ tợn mỗi khi trông thấy những đứa trẻ khác sờ mó, đụng chạm vào cây đàn. Cặp mắt của Phụng, ngoài những phút tập đàn cho chính bản thân như chỉ được mụ nặn để rình rập, soi mói canh chừng tất cả mọi thứ tiến đến gần cây đàn. Mà Phụng cũng có lý của nó, khi chiếc dương cầm ― từ ngày căn phòng chứa đồ dư mở cửa đón nhận mọi người ― càng thêm tàn tạ xơ xác. Lũ nhỏ đến lớp nhạc để chơi đùa nhiều hơn để học. Chúng cạy phá nắp đàn, lấy dao khắc gạch và vạch vòng tròn để phóng phi tiêu. Hòa hết sức la mắng, khuyên răn, nhưng chỉ cần anh rời khỏi gian lớp năm phút để lên văn phòng nộp sổ lương thực, chiếc dương cầm đủ tả tơi. Tệ hơn nữa là tổ văn nghệ trường mỗi khi tập dượt, có những kẻ vô ý thức gạt tàn thuốc đầy lên phím đàn và bỏ cả vỏ chai bia vào trong thùng đàn. Những lúc vắng mặt rồi trở về chứng kiến cảnh tượng bê hề như thế, Hòa đau nhói trong lòng. Lại ra sức lau chùi, lượm lặt vỏ chai, tàn thuốc trước đôi mắt đỏ hoe của Phụng. Nhưng công sức của Hòa, của Tuyền và của cả Phụng không đủ sức giữ cho cây đàn khỏi ngày thêm bệ rạc, điêu tàn. Hòa thấy rõ ràng mình không cứu nổi chiếc dương cầm. Như không thể cứu giúp, vớt vát cái thời đại phú túc đã qua đi.

    Một buổi sáng đến trường cho giờ phụ đạo nhạc lý, Hòa chán chường nhận thấy chiếc ghế dài hình chữ nhật, có khoảng mặt ngồi bọc da đặt trước cây dương cầm đã bị mất cắp. Có tay nào đã nẩng nhẹ chiếc ghế quý. Miếng vải nhung che phủ phím đàn rơi thõng dưới đất, cáu bẩn. Đôi mắt Phụng trong tiết học hôm đó mới tóe lửa dễ sợ. Suốt buổi học nhạc lý, nó lầm lì nhìn trừng trừng vào những đứa trẻ chung quanh, như thể đám trẻ này là thủ phạm trong vụ ăn cắp. Lúc Hòa cho gọi từng hai đứa một lên tập đàn, đến phiên Phụng và thằng con trai, đứa nhãi ranh vô phúc đánh đổ bình mực tím cất trong túi áo đậy không kỹ. Mực tím thấm ướt chiếc áo cộc tay của thằng con trai và thấm ướt cả mặt phím đàn. Diễn biến xảy ra nhanh đến độ Hòa không kịp ngăn chận. Phụng chụp lấy cây bút chì gác trên nắp đàn chọc vào mắt đứa con trai. Thằng nhỏ ngã lăn quay trên nền đất vãi mực tím, dẫy đành đạch và la khóc inh ỏi. Cái bợp tai bay đi quá mau, quá bất ngờ đến nỗi Hòa không kịp nhận ra là mình vừa tát trái Phụng. Tiếng khóc nức nở của Phụng hòa vào tiếng la thét của thằng nhỏ. Căn lớp học bồn chồn. Phím đàn vấy mực. Hai chiếc ghế đẩu ngã chổng chơ trên mặt đất và chiếc dương cầm thu mình trong góc.

    Sau đó Phụng bị đưa lên văn phòng giám hiệu. May mắn là đứa con trai không bị đui chột, chỉ rách một chút ở mí mắt. Buổi chiều mẹ Phụng đến trường để nghe những lời cảnh cáo con gái và ký vào tờ giấy cam kết giáo dục lại con. Bóng hai mẹ con đã ra khỏi cổng trường, biến mất ngoài đường mà Hòa vẫn còn cảm thấy bàn tay run rẩy gầy đét của người mẹ đang ký giấy trong lòng mình. Những ngày dạy học ở Củ Chi, mối tình của anh và Tuyền tiến triển dần trong chiều hướng khích lệ xây dựng. Tuyền bằng lòng làm lễ đính hôn khi hè đến. Những tối ngồi ở hàng hiên tâm sự, nàng tâm tình thổ lộ với Hòa những ao ước ham muốn vụn vặt mai sau. Tuyền không hiểu trong Hòa đang ăn sâu một vết thương. Mà chính Hòa cũng không rõ căn nguyên của vết thương trong lòng anh. Đến từ bạt tai quá mạnh hôm nào không kềm chế được đã đánh Phụng? Hay từ hình ảnh của chiếc dương cầm tàn tạ, thoi thóp chết từ từ? Hòa úp mặt vào mái tóc người yêu, nhưng cảm nhận rõ ràng là những vòng ôm xoắn xít của Tuyền không đủ khép kín miệng vết thương vô hình trong lòng anh.

    *

    Vết thương trong lòng Hòa bật máu sau hai tuần Phụng không đến trường. Từ sau hôm bị đánh, Phụng bỏ hẳn giờ nhạc lý, chỉ đến lớp học rời rạc rồi nghỉ luôn. Sáng thứ hai của tuần lễ thứ ba, Hòa bỏ ăn trưa đạp xe xuống làng. Ngôi biệt thự sừng sững ba tầng gạch ngói Tây, ngả chiếc bóng đồ sộ đè lên căn nhà vách ván lợp tôn ― nếu có thể gọi đó là căn nhà của mẹ con Phụng. Con đường lộ của vùng đất thép, thành đồng nắng chói chang. Và vì là đất thép nên không thể trồng trọt cày cấy bao nhiêu. Những người dân Củ Chi đã đào bao nhiêu hầm hố để chống Mỹ. Chắc tay cuốc, nên lỏng tay cày. Những ruộng lúa èo uột, trây xát hai ven đường. Căn nhà sơ sài đến mức độ bần cùng nhất. Bốn cây cột chống một mảng tôn, dăm tấm ván che bên hông và những thùng các tông đập dẹp để làm nệm. Người mẹ hôm nọ lúi húi sau chái bếp, ngẩng lên nhìn Hòa.

    - Thưa bác, cháu là giáo viên ở trường đến kiếm em Phụng.

    Vẫn là một đôi mắt của Phụng, nhưng nhiều nếp nhăn và già héo hơn trả lời Hòa. Người mẹ cho biết Phụng đã theo cha ra chợ bán củi. Bà xin phép cho Phụng không phải trở lại trường nữa. Họ sắp đi kinh tế mới. Hòa bỡ ngỡ với tiếng “Thầy” người mẹ dùng để gọi anh. Đã từ lâu Hòa quen với lối xưng hô anh giáo, chú giáo, cậu giáo của những bậc phụ huynh quanh vùng. Những người dân mà trên ba phần tư gia đình liệt sĩ cách mạng, con em họ đầy giấy giới thiệu cùng giấy tiên tiến, không cần nể trọng thầy cô. Tiếng “Thầy” từ cặp môi người mẹ run run bám lấy Hòa khi anh trở ra đường lộ về trường. Chiếc bóng vĩ đại của ngôi nhà lầu, nơi đặt trụ sở phường, in đậm choáng ngợp sau lưng anh.

    Hòa không còn gặp lại Phụng lần nào nữa. Gia đình của những con người khốn khổ này dời đi mất biệt vào trong nỗi bất hạnh không biên giới của quê hương. Chiếc dương cầm tàn tạ dần theo cùng với năm học. Những đêm trằn trọc, Hòa hình dung lại rõ mồn một đôi mắt của Phụng. Anh bắt gặp lại lần lượt tất cả những ánh mắt soi mói, canh chừng. Những tia nhìn tức giận, khinh bỉ mà Phụng đã ném vào mọi người đụng tới chiếc dương cầm.

    Ở đầu đóm lửa của những điếu thước hút liên miên vào những đêm trắng, Hòa mơ hồ mường tượng ra sợi dây liền lạc giữa Phụng và cây đàn. Giữa ngôi nhà lầu ba tầng dùng làm trụ sở phường và cái hình thể dị hợm được gọi là căn nhà phía sau. Phụng, cây đàn, ngôi nhà, trụ sở phường. Bấy nhiêu hình ảnh ám ảnh Hòa. Anh tự tìm lấy cho mình một giải đáp về ánh mắt kinh khủng của Phụng. Tự đoán mơ hồ rằng cây đàn trong trường hiện thời đã là của Phụng. Đã thuộc về gia đình Phụng, cho đến khi họ bị đuổi ra khỏi nhà và bị tịch thu tài sản. Ngôi nhà lầu biệt thự, tiền bạc của cải phường đã chiếm hết. Chỉ còn chiếc dương cầm không biết dùng làm gì phường hiến tặng cho trường. Và Phụng đã đi theo canh chừng cây đàn, món vật quý giá đã trở thành sở hữu chung. Lối suy luận này giải thích hợp lý phần nào những hiện tượng xảy ra ở Phụng. Nó hãy còn quá nhỏ ngày cây đàn bị tiếp thu để sành sõi nhiều về âm nhạc. Song Phụng đã cố gắng phát triển vượt bực năng khiếu học tập của nó về dương cầm, để chứng tỏ chỉ có mình nó ― nữ chủ nhân thực sự của chiếc dương cầm ― là xứng đáng đánh trên những phím đàn đó. Hòa chỉ ray rứt hối hận cho bạt tai đã đánh Phụng trong lần quá nóng giận. Anh làm sao hiểu được những căm thù trong lòng đứa bé gái lên chín tuổi, khi nhìn thấy món đồ chơi quý giá nhất của nó bị phá hư hỏng, vấy mực lem luốc?

    Buổi sáng cuối cùng của niên học đã mãn, Hòa buộc những túi xách của mình và Tuyền lên hai yên sau xe đạp. Trong lúc chờ đợi Tuyền đi chào tất cả những chị em giáo viên đồng nghiệp, Hòa trở vào thăm lớp nhạc lần cuối. Chiếc dương cầm mang hình thù một con quái vật, nằm tênh hênh xiêu đổ giữa nhà. Cái nắp đàn đã long bản lề, không đóng được nữa, phơi bày toang hoác những phím đàn vàng ố cáu bẩn. Hơn quá nửa phím bị mẻ, lốm đốm màu mực tím. Nửa số phím còn lại, long lay gập ghềnh như hàm răng người già. Tấm biển nhỏ chạm trổ tên hiệu của nhà sản xuất đã biến mất. Dãi khăn nhung cũng đã mất tích. Thùng đàn in lỗ chỗ những mũi đâm nhọn của phi tiêu. Dăm hình vẽ khắc bằng compas và chi chít những hàng chữ có ký tên. Hòa ngồi xuống chiếc ghế đẩu đang lây lất trước miệng đàn, phủi bay lớp bụi bậm cùng tro tàn thuốc đóng mờ trên phím. Không gian của căn phòng yên lặng lắm. Vẫn là cái không gian thênh vắng của một năm trước đây Hòa đến nhận chỗ giáo viên cấp một, tình cờ chú ý đến chiếc dương cầm.

    Những đọt lá rụng rơi bên ngoài.

    Vạt nắng nhỏ luồn qua khe cửa.

    Nền đất ẩm.

    Trần vôi tơi tả…

    Hòa nhấn tay xuống phím đàn. Những thanh âm vừa vọt lên thật kỳ quặc.

    Trong một giây Hòa ngượng ngùng tưởng mình nhấn sai hợp âm Do thứ. Anh cúi nhìn những đầu ngón tay đang ở đúng vị trí của các nốt thăng giảm, quy chuẩn cho hợp âm Do thứ. Anh thử lại lần nữa. Lần này thì Hòa biết rõ thứ âm thanh vừa phát lên, không còn là những âm thanh của đàn dương cầm.

    Trần Vũ
    Bạn Gần Không Tới........Bạn XA Chưa Về.......
    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom