• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Đô đốc Bùi Thị Xuân, nỗi ngậm ngùi bên cửa Nhật Lệ

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Đô đốc Bùi Thị Xuân, nỗi ngậm ngùi bên cửa Nhật Lệ



    Đô đốc Bùi Thị Xuân, nỗi ngậm ngùi bên cửa Nhật Lệ

    Bùi Thụy Đào Nguyên

    -“Nếu có một nữ tướng như ta nữa thì cửa Nhật Lệ không để lạnh. Nhà ngươi khó mà đặt chân được tới đất Bắc hà…”

    Triều vua Quang Trung có vài nữ tướng, trong số đó nổi bật hơn cả là đô đốc Bùi Thị Xuân.

    Và theo sách “Tây Sơn lương tướng ngoại truyện” của danh sĩ Nguyễn Trọng Trì (1853-1922) thì Bùi Thị Xuân cùng chồng (Trần Quang Diệu), được người đương thời liệt vào hàng Tứ kiệt (2 người còn lại là Ngô Văn Sở và Võ Văn Dũng).

    I.Cuộc đời và sự nghiệp:

    Bùi Thị Xuân (?- 1802) quê ở thôn Xuân Hòa, tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn, phủ qui Nhơn ( nay thuộc thôn Phú Xuân, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).

    Bà là con gái của Bùi Đắc Chí, gọi Bùi Đắc Tuyên bằng chú, Bùi Thị Nhạn bằng cô.( Bà Nhạn là vợ cả của Nguyễn Huệ, mẹ ruột của vua Cảnh Thịnh và là một nữ tướng trong Tây Sơn ngũ phụng thư)

    Sinh trưởng trong một gia đình khá giả, bà được theo việc nghiên bút.Tuy nhiên địa thế và phong thổ nơi bà sinh trưởng đã có tác động không nhỏ đến nhân cách của bà.
    Xem địa đồ ta thấy, quê hương Bùi Thị Xuân chỉ có phía tây liền với Phú Phong, còn phía đông lấy suối làm ranh giới, nam giáp núi, bắc giáp sông; chính vì bà được hun đúc bởi đất hiểm nên chuộng võ hơn văn…

    Người ta kể, bà là người phụ nữ có nhan sắc, khéo tay, viết chữ đẹp.Đến khi học võ với đô thống Ngô Mạnh, bà cũng rất nhanh chóng thành thạo, nhất là môn song kiếm.

    Bởi vậy sau này, bà đã dùng kiếm để giải nguy cho Trần Quang Diệu khi tráng sĩ này bị một con hổ lớn, hung dữ tấn công trên đường đến Tây Sơn tụ nghĩa.

    Cũng nhờ duyên cớ này mà hai người thành vợ chồng khi ông Diệu đến ở nhà bà để trị thương, rồi cùng nhau về tòng quân dưới ngọn cờ Tây Sơn ở chiến khu Phú Lạc.

    Với tài nghệ cộng với lòng dũng cảm; vợ chồng bà nhanh chóng trở thành những tướng lĩnh trụ cột, góp công lớn trong công cuộc đánh đuổi quân Mãn Thanh vào đầu xuân Kỷ dậu 1789 và so tranh quyết liệt với quân Nguyễn Ánh hơn 10 năm …

    Người ta còn kể, khi đến với Nguyễn Huệ, người con gái trẻ đẹp làng Xuân Hòa này không chỉ tòng quân một mình, mà còn dẫn theo một đội nữ binh do mình đào tạo và một đoàn voi rừng đã được bà rèn luyện thuần thục.Trước khi gia nhập quân Tây Sơn, bà đã tự phong là “Tây Sơn nữ tướng”. Sau này bà được hội kiến với Nguyễn Huệ, Huệ cũng thừa nhận bà rất xứng đáng với danh xưng đó; và vương còn ban tặng thêm bốn chữ “Cân quắc anh hùng”.

    Giữa lúc Tây Sơn đang rất thành công với các hoạt động chính trị, quân sự, ngoại giao và phát triển kinh tế thì đột ngột vào ngày 29/7/1792, Quang Trung (Nguyễn Huệ) mất, để lại nhiều thương tiếc.

    Cũng từ đấy triều đại Tây Sơn bắt đầu suy yếu do vua Cảnh Thịnh (Quang Toản) còn nhỏ, bất tài nên đã không giữ được việc triều chính, bị họ ngoại chuyên quyền, dẫn đầu số đó là người cậu: thái sư Bùi Đắc Tuyên.

    Từ lúc này, các đại thần thêm kết bè kết phái, quay sang xúc xiểm, giết hại lẫn nhau dẫn đến nội bộ lục đục, triều chính suy vi; khiến lòng dân vốn đã sống quá nhiều năm trong cảnh máu lửa càng thêm oán ghét cảnh phân tranh, loạn lạc...Và đây thật sự là một cơ hội vàng cho đối phương.

    Quả thực, Nguyễn Ánh liền tổ chức ngay việc chiếm lại Quy Nhơn vào năm 1799. Tức khắc, Bùi Thị Xuân cùng chồng một mặt tham gia củng cố triều chính, một mặt chỉ huy quân sĩ giữ lũy Trấn Ninh, chống lại quân Nguyễn.Tuy nhiên trước sức tấn công mạnh mẽ của Nguyễn vương, các thành lũy của Tây Sơn nhanh chóng bị chiếm đoạt. Bà Xuân cùng chồng con bị quân Nguyễn bắt được ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An .

    II.Những tư liệu liên quan :

    1. Nhìn lại thế trận lúc bấy giờ và sự việc Bùi Thị Xuân cùng chồng bị bắt như thế nào?

    -Theo tự điển Wikipedia tiếng Việt:

    Năm 1800, Quang Diệu và Vũ văn Dũng cùng vào đánh Qui Nhơn. Sau khi nhận thấy hai tướng giỏi nhất và lực lượng quân sự lớn của Tây Sơn đã tập trung cả ở Qui Nhơn, tháng 5 âm lịch năm 1801, Nguyễn Ánh quyết định không giải cứu Võ Tánh -khi này đang cầm cự để giữ thành Qui Nhơn- để tấn công Phú Xuân.

    Biết tin Phú Xuân đang trống trải do quân số không đủ để tự bảo vệ, Quang Diệu điều ngay một bộ phận quân tướng đến cứu nguy nhưng đạo quân này thất bại.

    Võ Tánh giữ thành được gần một năm mới bị Tây Sơn chiếm được, Võ Tánh và Ngô Tùng Châu tự tận, Quang Diệu tha cho tướng tá và quân sĩ nhà Nguyễn, không giết một ai.

    Sau đó, ông chia người đi cứu Phú Xuân và Phú Yên nhưng việc lớn không thành.

    Tháng 5 âm lịch năm 1802, sau khi biết Cảnh Thịnh và Bùi Thị Xuân thất trận khi cố đánh thu hồi lũy Trấn Ninh (tháng giêng âm lịch năm 1802), thêm vào đó, tuy chiếm lại được thành Qui Nhơn nhưng các mặt đều là địch cả, Trần Quang Diệu bỏ thành, đem tượng binh đi đường thượng đạo qua Lào với ý định tập trung với quân của Cảnh Thịnh giữ thành Nghệ An.

    Nhưng khi tới châu Quỳ Hợp vào được đất Hương Sơn thì thành Nghệ An đã thất thủ, Quang Diệu và vợ là Bùi Thị Xuân về huyện Thanh Chương. Lúc này, quân của Quang Diệu đã tan rã cả, tướng của Nguyễn Ánh dùng mưu mua chuộc người chỉ điểm nơi trú ẩn của gia đình của Trần Quang Diệu. Ông và vợ con đều bị bắt.

    -Theo “Tây Sơn thất hổ tướng”trên web Vn thư quán:

    Nghe tin quân Tây Sơn đại bại ở Nhật Lệ, Trấn Ninh, Trần Quang Diệu cùngVõ Văn Dũng đem 3 ngàn quân cùng 80 thớt voi, theo đường sạn đạo sang Lào để ra Nghệ An vào thượng tuần tháng 3 năm Nhâm Tuất (1802).

    Đường đi khó khăn, Sơn lam chướng khí đầy dẫy, khiến cho đoàn quân ngày càng hao hụt. Lớp bị bệnh, lớp bị bọn thổ ty theo nhà Nguyễn tập kích, nên khi đến Nghệ An thì mười phần chỉ còn ba bốn. Đoàn tượng binh chỉ còn mươi thớt. Tại Hương Sơn, hai ông Diệu và Dũng đều bị tướng nhà Nguyễn là Võ Doãn Văn, Lê Đức Định bắt sống.

    Ở Diễn Châu, Bùi Thị Xuân hay hung tin liền đem nữ binh đi giải cứu. Đến Giáp Sơn thì giải cứu được, nhưng chạy đến sông Thành Chương thì hai vợ chồng Trần, Bùi bị bắt trở lại.

    Một mình Võ Văn Dũng mở đường máu thoát chạy. Nhưng đến Nông Cống, thuộc Thanh Hóa thì Võ Văn Dũng bị bọn Lê Văn Pháp, Phạm Ngọc Thụy kéo dân địa phương ra bao vây. Với một thanh đoản đao, Võ Văn Dũng đã đánh thắng hai tướng Lê, Phạm xong quá yếu sức vì gian lao đói khát, nên đành buông đao chịu trói.

    Bộ ba Dũng, Diệu, Xuân bị đóng cũi giải về Nghệ An. Dọc đường, Võ Văn Dũng phá cũi, thoát ra ngoài, ông giải cứu luôn cả hai vợ chồng Trần, Bùi thêm một lần nữa song hai chân của Trần tướng quân bị sưng phù, không thể chạy trốn được. Bùi nữ tướng đành ở lại chịu chết cùng chồng.

    2/ Trần Quang Diệu, cũng là một hổ tướng của triều Tây Sơn:

    “Báo quốc nhất thân đô thị đảm,
    Giao tình thiên tải chỉ luận tâm”
    (Báo đáp Tổ quốc, một tấm thân luôn dũng cảm
    Giao tình với ngàn năm, chỉ luận về chữ tâm mà thôi.- Nguyễn Trọng Trì)

    Trần Quang Diệu (1746–1802), người làng Kim Giao, xã Liên Chiểu (nay thuộc xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng quê quán của ông ở xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định…(sau đời Trần Quang Diệu, họ Trần dời ra làng Tú Sơn, nay thuộc xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi).

    Theo Nguyễn Khắc Thuần trong sách Danh tướng VN tập 3, tác giả cho biết trong một dịp đi khảo sát tại Đà Nẵng vào năm 1997, ông tìm thấy một ngôi mộ cổ và một bản phổ ý tại ngoại vi thành phố này.Ngôi mộ cổ ấy là của mẹ Trần Quang Diệu và bản phổ ý ấy là của dòng họ này. Cả hai tư liệu này đều nói Diệu là người Quãng Nam, nhưng để khẳng định quê quán của người anh hùng, cần phải khảo sát thêm để tìm thêm những bằng chứng khác nữa.

    Theo một số chuyện kể dân gian, trước khi trở thành một trong những vị hổ tướng của Tây Sơn, Trần quang Diệu từng có mối quan hệ khá thân tình với Nguyễn Nhạc. Nên khi ông này dựng cờ khởi nghĩa, Quang Diệu tham gia phong trào Tây Sơn ngay từ đầu .

    Năm 1789, ông được Nguyễn Huệ cử làm Đốc trấn Nghệ An, xây dựng thành Phượng Hoàng trung đô. Những năm 1790 - 91,ông chỉ huy các cuộc đánh dẹp lực lượng chống đối do Lê Duy Chỉ cầm đầu. Năm 1792, Quang Trung mất, ông giữ chức Thái phó, là một trong "Tứ trụ” triều đình để giúp vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản).

    Tuy vua mới hay nghe lời gièm pha nhưng vợ chồng ông vẫn tận tình giúp nhà Tây Sơn.Có thể nói thời bấy giờ, ông là chủ tướng quan trọng nhất trong việc đánh dẹp thế lực Nguyễn Ánh.

    Năm 1800–1801, ông vây kinh thành Quy Nhơn cũ của vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) vừa mới bị quân Nguyễn Ánh đánh chiếm. Trận vây thành rồi bị cầm chân kéo dài gần một năm ở đây, tạo thời cơ tốt cho Nguyễn Ánh đánh chiếm Phú Xuân rồi bắt sống Quang Toản.( tướng thủ thành của nhà Nguyễn là Võ Tánh tự vẫn chứ không giao thành ).

    Lực lượng của Nguyễn Ánh sau đó phản công ngày càng ác liệt .Cuối cùng Quang Diệu và vợ con đều bị bắt sống và bị giết.

    Theo tự điển Wikipediatiếng Việt ở đề mục “Trần Quang Diệu”, có ghi một chi tiết:

    “Khi Gia Long (tức Nguyễn Ánh) chiêu hàng, Quang Diệu đáp:

    “ Trung thần không thờ hai vua, nay tôi bị bắt thì chỉ có tội chết. Nếu nhà vua mới rộng lượng tha cho, như trước đây tôi đã tha cho các tướng ở Qui Nhơn thì tôi sẽ về ở nơi thôn dã, cày ruộng, nộp thuế như người thường dân, chứ nhận chức quan của triều đại mới thì không phải là trượng phu."

    Mẹ ông – đã ngoài 80 tuổi – được vua Nguyễn tha chết, còn Quang Diệu thì bị đem làm tội.”

    Về cái chết của Trần Quang Diệu, thông tin không thống nhất, nhưng đa phần các sách và trong dân gian đều nói ông bị xử lột da.

    Những bậc cao niên nhất trong tộc đã kể rõ rằng, sau khi ông chịu án: bị xử lột da sống, có hai người hầu thân cận đã lén đánh cắp được chỉ một mảnh áo nhỏ dính máu của ông để mang về táng trong “mộ gió”… ( chỉ nghĩ đến thôi, tôi thật sự rùng mình vì phương pháp giết người này.BTĐN)


    III.Vì sao rất nhiều người đã ca ngợi oai danh và tiết tháo của bà?

    Trong cuộc đời bà có ba sự kiện quan trọng đã xảy ra, và có thể nói, nhờ chúng mà danh thơm của Bùi Thị Xuân được truyền tụng mãi:

    1/ sự kiện liên quan với Bùi Đắc Tuyên:

    Bùi Đắc Tuyên người làng Xuân Hòa, huyện Tuy Viễn, cậu ruột của Cảnh Thịnh. Còn nữ tướng Bùi Thị Xuân thì gọi ông ta bằng chú.

    Theo sử sách ghi lại, sau khi vua Quang Trung mất, Cảnh Thịnh lên ngôi.Vì tuổi vua còn nhỏ nên quyền bính đều ở trong tay Bùi Đắc Tuyên.
    Bùi Đắc Tuyên là anh của hoàng hậu Bùi Thị Nhạn, nên dù ít học vẫn được làm Thị Lang Bộ Lễ trong triều.Vì được phép vào ra nơi cung cấm, Tuyên thường bày nhiều trò vui để mua lòng thái tử Nguyễn Quang Toản (tức Cảnh Thịnh)

    Bởi thế khi được lên ngôi báu, Quang Toản liền đưa Tuyên lên làm thái sư, bất chấp quan chế đã đặt định sẵn. Trong cung đã có Bùi Thái hậu, ngoài triều lại có lắm đại thần nghiêng theo chiều gió như Ngô Văn Sở, Phạm Công Hưng, nên thế lực của Tuyên rất vững mạnh.
    Vì vậy,Tuyên mỗi ngày một thêm lộng hành. Các đại thần không về cánh với Tuyên, kẻ thì bị Tuyên tìm cớ giáng chức, cách chức hoặc bị đưa đi trấn thủ nơi xa xôi.

    Năm 1795, Tuyên bị Võ Văn Dũng giết. Bấy giờ có nhiều người nghi ngại Bùi Thị Xuân, vì bà là cháu ruột của Tuyên. Nhưng khác với gì xầm xì, bà đã không hề thù oán người giết chú ruột mình, cũng như lợi dụng sự rối ren đó mà đi theo đối phương hay tìm nơi cát cứ…

    2/ Bùi thị Xuân và trận chiến đấu oanh liệt cuối cùng, hòng cứu vãn vương triều Tây sơn

    Tóm tắt theo sử sách, bà Bùi Thị Xuân cưỡi voi liều chết đánh lũy Trấn Ninh, nơi Nguyễn Ánh đang cố thủ, từ sáng đến chiều, máu và mồ hôi ướt đẫm áo giáp. Rồi bà còn giành lấy dùi tự tay thúc trống liên hồi. Lúc bấy giờ Nguyễn vương cùng tướng tá đã hốt hoảng vội chia quân vượt sông Linh Giang đánh bọc hậu hòng mở đường máu thoát thân.

    Nào ngờ vua Cảnh Thịnh nhát gan thấy quân Nguyễn tràn qua nhiều, tưởng nguy khốn liền cho lui binh.Ngay lúc đó bà cũng nhận được tin Nguyễn Văn Trương phá tan thủy binh của Tây Sơn ở cửa biển Nhật Lệ (Quảng Bình) cướp được hầu hết tàu thuyền và tướng giữ cửa Nguyễn Văn Kiên cũng đã đầu hàng .

    Trước tình thế đang thắng thành bại này đội quân của bà bỏ cả vũ khí, đạn dược để tháo chạy …
    Đây có thể nói là trận chiến đấu oanh liệt cuối cùng của bà để hòng cứu vãn tình thế.
    Nhưng ngờ đâu nhà Tây sơn, sau trận này thêm trượt dài trên đà suy vong, không sao gượng lại được nữa…

    Trong bài thơ dài Bùi phu nhân ca của danh sĩ Nguyễn Trọng Trì có đoạn rằng:

    Xuân hàn lãnh khí như tiễn đao
    Xuân phong xuy huyết nhiễm chinh bào
    Hoàng hôn thành dốc bi già động
    Hữu nhân diện tỷ phù dung kiều
    Phu cổ trợ chiến Lương Hồng Ngọc
    Mộc Lan tòng quân Hoàng Hà Khúc
    Thùy ngôn cân quắc bất như nhân ?
    Dĩ cổ phương kim tam đinh túc

    Nghĩa là:
    Khí xuân lạnh như khí lạnh nơi lưỡi dao bén thoát ra.
    Gió xuân thổi máu bay đẫm tấm chinh bào
    Nơi góc thành tiếng tù và lay động bóng hoàng hôn
    Có người dung nhan kiều diễm như đóa hoa phù dung
    Thật chẳng khác Lương Hồng Ngọc đánh trống trợ chiến cho ba quân.
    Và nàng Mộc Lan xông trận nơi sông Hoàng Hà
    Ai bảo khăn yếm không bằng người ?
    Từ xưa đến nay vững vàng thế ba chân vạc.

    3.Cuộc đối đáp ngang ngửa giữa kẻ thắng, người thua và cái chết hết sức hiên ngang của nữ tướng họ Bùi:

    Khi nghe bà bị bắt, Nguyễn Ánh sai người đem đến trước mặt hỏi giọng đắc chí: Ta và Nguyễn Huệ ai hơn?

    Bà trả lời: Chúa công ta; tay kiếm tay cờ mà làm nên sự nghiệp. Trong khi nhà người đi cầu viện ngoại bang, hết Xiêm đến Tàu làm tan nát cả sơn hà, cùng đều bị chúa công ta đánh cho không còn manh giáp. Đem so với Chúa công ta, nhà ngươi chẳng qua là ao trời nước vũng.

    Ánh gằn giọng: Người có tài sao không giữ nổi ngai vàng cho Cảnh Thịnh?

    Bà đáp: Nếu có một nữ tướng như ta nữa thì cửa Nhật Lệ không để lạnh. Nhà ngươi khó mà đặt chân được tới đất Bắc hà…


    Theo sách Hỏi đáp lịch sử Việt Nam tập 3 do nhóm Nhân văn trẻ biên soạn, nxb Trẻ, năm 2007 thì vào ngày 30/11/1802, gia đình bà bị điệu ra pháp trường tại Phú Xuân để thọ hình (các sách ghi không đồng nhất, có sách ghi 2/ 11, có sách ghi 20/11; riêng con cháu họ Bùi tổ chức lễ giỗ Bùi nữ tướng vào ngày 16/11 âm lịch).

    Chồng bà bị xử tội lột da, còn bà cùng con gái độc nhất 15 tuổi tên Trần Bích Xuân bị xử voi giày (bãi chém An Hoà, ngoại ô Huế,ở đó khoảng 200 tướng lĩnh của nhà Tây Sơn đã hiên ngang ra pháp trường )

    Theo tư liệu của một giáo sĩ phương Tây De La Bissachère viết năm 1807- người có dịp chứng kiến - đã miêu tả buổi hành hình được tóm lược như sau:

    “Đứa con gái trẻ của bà ( Trần Bích Xuân) bị lột hết y phục. Một thớt voi từ từ tiến đến .Cô gái biến sắc rồi mặt trắng bệch như tờ giấy.Nàng ngoảnh nhìn mẹ, kêu thất thanh. Bà Xuân nghiêm mặt trách : Con phải chết anh dũng để xứng đáng là con của ta !…

    Đến lượt bà, nhờ lớp vải ở bên trong quấn kín thân thể, nên tránh khỏi sự lõa lồ. Và bà rất bình thản bước lại trước đầu voi hét một tiếng thật lớn khiến voi giật mình lùi lại. Bọn lính phải vội vàng bắn hỏa pháo,đâm cây nhọn sau đít con vật để nó trở nên hung tợn, chạy bổ tới, giơ vòi quấn lấy bà tung lên trời…

    Nhưng trái với lệ thường, nó không chà đạp phạm nhân như mọi bận mà bỏ chạy vòng quanh pháp trường, rống lên những tiếng đầy sợ hãi khiến hàng vạn người xem hoảng hốt theo”…

    (Theo Thiên Nam nhân vật chí, bà bị xử lăng trì, thi hài bị thiêu rụi…Tác giả Đặng Duy Phúc trong sách Việt Nam anh kiệt, nxb Hà Nội, năm 2004 cho biết thêm chi tiết: Khi voi đưa chân toan chà đạp, bà đã thét lên một tiếng như sấm dậy khiến voi thất kinh phải thối lui, không chịu theo sự điều khiển của quản tượng. Cuối cùng, vua Nguyễn lệnh cho dùng hình phạt: cột bà vào trụ sắt, lấy vải nhúng sáp nóng quấn khắp người bà rồi đốt cháy một cách man rợ…) )


    IVGiới thiệu một thơ, một văn ca ngợi Bùi nữ tướng:

    Một bài thơ, không rõ người viết:

    Vận nước đang xoay chuyển
    Quần thoa cũng vẫy vùng
    Liều thân lo cứu chúa
    Công trận quyết thay chồng.
    Khảng khái khi lâm nạn!
    Kiên trinh lúc khốn cùng
    Ngàn thu gương nữ liệt
    Gương sáng hãy soi chung.

    -Trích “Còn mãi đến bây giờ”. bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường :

    Các gia đình họ Bùi hiện còn ở làng này đều là phái nhánh, còn phái chánh đã bị Gia Long giết sạch.

    Bà sanh ở ấp Xuân hòa, nay gọi là Phú Xuân. Lớn lên, bà đi học võ nghệ với một võ sư người việt ở Thuần Truyền. Lò võ đó nổi tiếng từ thời Lê đến nay. Môn sinh rất đông, cả nam lẫn nữ và bà làm trưởng môn. Ít lâu sau ngày Tây Sơn khởi nghĩa, bà dẫn cả đoàn võ sinh đến tòng quân, theo Nguyễn Huệ đánh Đông dẹp Bắc, sự nghiệp lừng lẫy. Ở bên Phú An nay còn một đám đất gọi là Trường Võ, đó là nơi bà mở trường dạy võ nghệ cho các nghĩa sĩ trong quân đội Tây Sơn

    Ngoài tài năng võ nghệ, cầm binh, huấn luyện voi rừng (nghe đâu dãy gò Dinh, sông Côn là bãi tập voi của bà) …bà còn giỏi cả việc khai hoang, làm thủy lợi như biến lòng một con suối khô, chỉ toàn là cát đá thành vùng đất màu mỡ “nhất đẳng điền” tên là ruộng Trại, rộng hơn hai chục héc-ta để lấy lúa nuôi quân…

    …Chúng tôi đi thêm một quãng đường làng, rẽ vào một xóm nhỏ gồm ba bốn túp nhà xúm xít trên một khu đất chật chội, dừng lại trước một căn nhà hoang vắng .

    …Đó là một căn nhà nhỏ, quá nhỏ đến không ngờ, nhà rường ba gian nhưng tất cả chỉ rộng độ 5 mét, nên 2 gian bên bị ép lại thành hai cái chái chật chội chỉ vừa đủ đặt một chiếc chõng đơn cho một người nằm…Đồ đạc không còn lại gì, ngoài một chiếc tủ gỗ mộc, phía dưới có những ngăn kéo, hình như xưa dùng để đựng quầm áo.Tất cả chỉ có thế, từ thế kỷ mười tám cho đến bây giờ !…


    V.Lời kết :

    Nam nhi bất hướng sa trường tử,
    Cao ca nhất khúc khán Thị Xuân.
    (Làm trai mà không dám hướng đến sa trường để chết,
    Hát lớn một khúc ca mà xem gương Bùi Thị Xuân.
    (Bùi Phu nhân ca- Nguyễn Trọng Trì)

    Thật lòng nếu không đọc được bài bút ký của Hoàng Phủ vừa nêu trên, chắc tôi không có ý định tìm hiểu thêm về Bùi Thị Xuân và soạn lại đề tài đã được nhiều người luận bàn rồi.

    Nhưng chẳng hiều sao khi đọc trong sách sử đến đoạn Nguyễn Ánh dụ hàng vợ chồng Bùi Thị Xuân nhiều lần mà không được, khiến tôi nảy ra băn khoăn : Vua Nguyễn có “màu mè” không khi tánh vua vốn là người hay sợ, hay nghi kỵ người tài, nhất là vợ chồng bà đã từng là kẻ khác phía và đã bao lần khiến quan quân nhà Nguyễn phải điêu đứng ?

    Và ta nên hiểu chuyện Nguyễn Ánh dành cho gia đình họ những hình phạt quá thảm khốc như thế nào đây?

    Bởi lẽ nếu nhà vua sẵn tấm lòng khoan thứ; thật tâm mến mộ hiền tài, nhân cách ấy thì dù không chiêu hàng được, theo tôi, vua cũng sẽ lấy cái cớ “Trần Quang Diệu tha chết cho cả bọn tướng sĩ và còn sai người làm lễ liệm táng Võ Tánh & Ngô Tùng Châu tại thành Qui Nhơn vào năm 1801” để dòng tộc họ không bị giết sạch, gia đình họ được chết toàn thây hay chí ít ra cô con gái vô tội vừa vào độ tuổi xuân thì có được một con đường sống…

    Và “đó là một căn nhà nhỏ, quá nhỏ đến không ngờ…hai cái chái chật chội chỉ vừa đủ đặt một chiếc chõng đơn cho một người nằm…Đồ đạc không còn lại gì, ngoài một chiếc tủ gỗ mộc…”. Những câu văn giản dị này sao mà có sức gây nhói lòng người . Ngẫm chồng là Thái phó, vợ là Đô đốc, quyền lực nằm trong tay một thời gian dài, ấy vậy mà “nhà cửa, của cải đơn sơ đến không ngờ”, chẵng đáng cho những người hôm nay tìm đọc về bà rồi sống tốt hơn sao ?…

    Bùi Thụy Đào Nguyên

    (Những tài liệu tham khảo đều đã nói trong bài soạn)
    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 22-02-2011, 05:03 AM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
    Similar Threads
  • #2

    ..........................................

    CungVien

    Cái tôi muốn nói đến ở đây là cái tinh thần nhân văn, vương đạo của những người lãnh đạo . Vì đọc đến sự lột da của ông TQ D và voi dầy bà BTX nghe ghê quá . Hồi đó ba má tôi có cái tiệm nhỏ nhỏ trên đường TQD mà tôi vẫn tưởng ông là 1 tướng lãnh nổi tiếng của Tây Sơn . Không hề biết ông bị hành hình ghê vậy . (Sẽ trích đăng 1 đoạn dịch của Murakami về chuyện lột da người sống khi có thì giờ .)

    Chỉ nói đến tinh thần nhân văn - nhân đạo thì sự việc ngài Gia Long hành hình kẻ thù như vậy mang đầy tính cách cuồng dâm (sadistic, masochism) . Nhất là việc giết TQD và đứa con vị thành niên của 2 ông bà . 1 lãnh tụ tối cao mang tính sadistic sẽ có ảnh hưởng thế nào với thần dân đang tôn thờ ông ?

    Link


    CungVien

    Khi đọc thấy tướng nhà TS Trần Quang Diệu bị xử lột da sống tôi thấy rùng mình kinh hãi cho các vua chúa tàn ác vô hạn này . Cái trò này nó thật dâm ác bệnh hoạn . Lý do biện minh cho hành dộng sadistic này ? "Vì TQD/BTX là những tướng đã gây quá nhiều khó khăn, tổn thất cho nhà Nguyễn" !!! (Tại sao không xử chém đầu ?)

    Sau đây là 1 đoạn dịch trong tác phẩm The Windup Bird Chronicle (Thời gian biểu của con chim lên giây máy, tác giả Haruki Murakami). Đoạn này do 1 người cựu chiến binh Nhật kể lại thời gian ông ta đi lính trong thế chiến 2 ở Trung Hoa . (Đây chỉ là chuyện riêng của ông lính này, trong truyện này . Xin đừng liên hệ đến những chuyện khác của lính Nhật) .

    Người kể là cựu Trung úy Mamiya . Thời thế chiến 2, ông ta đi công tác với 1 nhóm sĩ quan và nhân viên Nhật ở biên giới Mãn châu-Mông cổ. 1 đêm đang ngủ ở vùng biên giới thì bị lính Mông cổ phục kích, giết chết 2 sĩ quan và bắt sống ông và 1 nhân viên tình báo là Yamamoto .


    Trích:

    Mamiya và Yamamoto bị dẫn ra trước một sĩ quan Liên xô . Muốn khai thác Yamamoto, tay sĩ quan này hăm là sẽ cho lính Mông cổ lột da sống Yamamoto cho đến khi nào Yamamoto chịu khai những gì anh biết . Hoặc là Yamamoto không biết gì hết hoặc là Yamamoto gan lì cho nên 1 người lính Mông cổ chuẩn bị lột da anh ta . Tay sĩ quan Liên xô vẫn lạnh lùng, bình thản . .

    Tay nắm cán dao, viên sĩ quan Mông cổ nhìn Yamamoto nhe răng cười . Cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn nhớ cái cười đó . Tôi vẫn thấý chúng trong giấc mơ . Tôi không bao giờ quên được nó . Vừa cười hắn vừa bắt tay vào việc ngay . Lính của hắn dùng tay và đầu gối để giữ chặt Yamamoto trong khi hắn ta bắt đầu lột da Yamamoto 1 cách rất cẩn thận, khéo léo . Thật giống như khi người ta lột vỏ trái lê, trái đào . Tôi không đủ can đảm để nhìn . Tôi nhắm mắt lại . Khi mắt tôi vừa nhắm thì ăn ngay cái báng súng của 1 tên lính Mông cổ . Hắn cứ dộng báng súng vào tôi cho đến khi tôi mở mắt . Nhưng mắt nhắm hay mở thì cũng vậy thôi, làm sao tôi có thể tránh không nghe được âm thanh của Yamamoto ? Mới đầu thì Yamamoto còn ráng chịu đựng không mở miệng kêu đau mà chỉ rên khe khẻ . Nhưng không lâu sau đó anh ta bắt đầu gào thét . Tôi chưa bao giờ nghe những tiếng gào thét nào như vậy: chúng như đến từ 1 thế giới khác . Kẻ lột da bắt đầu bằng cách xẻ đôi da vai của Yamamoto, rồi từ đó lột xuống toàn bộ da tay phải của anh ta, một cách từ từ, cẩn thận, hầu như là với tình cảm nâng niu . Giống như tên sĩ quan Liên xô đã nói, nó giống như làm 1 tác phẩm nghệ thuật . Người ta tưởng đâu là chẳng có gì đau đớn ở đây nếu không có những tiếng kêu la rợn người . Chính những tiếng thét đó cho người ta biết là cái công việc khéo léo đó nó đi liền với nỗi đau đớn kinh hoàng .

    Không lâu sau đó, toàn bộ da tay phải của Yamamoto đã được lộ t ra thành 1 miếng nguyên vẹn . Kẻ lột da đưa miếng da đó cho 1 tên lính đứng cạnh hắn ta . Tên lính cầm lấy miếng da bằng mấy ngón tay, rồi chuyền cho nhau xem cho rõ ràng . Khi đó miếng da vẫn còn nhỏ máu tươi lỏm tỏm xuống đất . Sau đó người lột da bắt đầu với cánh tay trái của Yamamoto, làm y như đã làm bên tay phải . Sau đó hắn lột cả 2 bộ da chân của Yamamoto, cắt bỏ bộ phận sinh dục . Rồi cắt bỏ 2 lỗ tai Yamamoto . Sau đó hắn lột da đầu, rồi da mặt và cổ rồi tất cả chỗ nào còn lại trên người Yamamoto . Yamamoto ngất đi, rồi tỉnh lại rồi lại ngất đi . Những tiếng gào thét chỉ tắt đi khi anh ta ngất xỉu, rồi lại gào rú lên khi anh ta tỉnh lại . Nhưng giọng anh ta lạc dần, yếu dần, rồi im lặng hẳn . Trong toàn bộ thời gian này tay sĩ quan Liên xô vẽ vẽ những hình ngoằn nghoèo vô nghĩa trên đất bằng gót giày của ông ta . Mấy người lính Mông cổ thì chỉ quan sát trong im lặng, không có chút biểu hiện gì trên mặt . Không ghê tởm, cũng chẳng thích thú, cũng chẳng giật mình . Họ chỉ nhìn như người đi dạo ngoài đường nhìn những tòa nhà đang xây . Chút thờ ơ, chút tò mò .

    Trong khi đó thì tôi chỉ nôn với mửa thốc tháo . Rồi trong bụng tôi chẳng còn gì để nôn nữa .
    Cuối cùng, tay sĩ quan Mông cổ đưa lên tấm da thân mình của Yamamotto, mà hắn đã lột thật nguyên vẹn . Ngay cả nấm vú của Yamamotto cũng còn nguyên trên tấm da . Cho tới bây giờtôi vẫn chưa thấy cái gì ghê sợ hơn . Có kẻ nào đó đón lấy tấm da, căng ra để cho nó khô như khi người ta phơi khô 1 tấm mền . Những gì còn lại của Yamamotto bây giờ chỉ còn là cái xác của y, một đống thịt đỏ máu me nhầy nhụa, không còn 1 miếng da nào che chở . Ghê gớm nhất là khuôn mặt . 2 tròng mắt trắng dã chòng chọc từ khối thịt đỏ . Hàm răng nhe ra trong chiếc miệng toét loét như đang gào thét . Chỗ mũi thì chỉ còn dấu vết 2 chiếc lỗ nhỏ xíu . Dưới đất máu tràn trề như cái hồ máu .

    Chỉ khi những con người bình thường (trong xã hội văn minh) không chấp nhận những điều bịnh hoạn này nữa thì các "lãnh tụ" mới ngưng tay các trò man rợ, nhân danh chiến tranh . Nếu người ta vẫn hoan hô chuyện tàn ác với kẻ thù thì những chuyện này vẫn sẽ tiếp tục xảy ra . Đoạn trên có kể toán lính chỉ đứng nhìn không xúc cảm . Phải chăng họ đã đánh mất nhân tính, hoặc bị lôi cuón theo giòng đời thô bạo ?


    Đọc những giòng trên tôi muốn nôn thật và bất kỳ ai, dù là lính, vua, giáo chủ, bà hoàng, thần linh, .... khi có thể làm cái trò hành hạ kẻ thù như vậy, kẻ đó xứng đáng nhận cái câu : "Go to hell !" .


    Link
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

    Comment

    Working...
    X
    Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom