CÂY ĐÀN CỦA BÁ NHA
Nếu nói là duyên nợ thì người gặp Duyên là Tử Kỳ mà người thiếu Nợ chính là Bá Nha. Bá Nha chỉ đàn cho Tử Kỳ nghe có mấy bản, sau đó là tàn đêm hai người phải giả từ nhau, Bá Nha về Tấn, Tử Kỳ chết, và Bá Nha là người sống để trả món nợ nhớ thương.
* * *Bá Nha gặp Tử Kỳ sau khi đã thử thách nhau, sau khi đã xin lỗi vì ân hận, khi biết rằng “thạch trung khả tàng mỹ Ngọc” (trong đá có dấu ngọc) và sau khi đã thốt lên một câu tâm sự: “Tri thức mãn thiên hạ, tri kỷ vô nhất nhân” (dưới bầu trời quen hết mà người hiểu mình thì chẳng có một ai).
Tri kỷ là gì? Định nghĩa của người xưa, tri kỷ là khi đã có sự giao du hữu nghị rất thâm sâu với nhau. Chữ Kỷ tức là ta để ngược lại với chữ Nhân là người khác. Tri kỷ tức là người biết ta, hay là biết ta, mà thôi.
Khi con người đã biết rằng mình chẳng có ai đáng gọi là tri kỷ, tức là chấp nhận cái nghiệp cô đơn mà mình đã tạo lấy từ một kiếp nào trước, ở đây, Bá Nha vì cô đơn nên phải chọn cây đàn làm tri kỷ. Chỉ ở với cây đàn tức là lúc đánh đàn con người mới thấy rằng mình không còn cô đơn nữa.
Y gia ghi nhận rằng sự âu lo làm cho ngày tháng ngắn hơn, mà đánh đàn lại làm cho tháng ngày dài ra, cũng như làm cho con người sống lâu, trẻ lâu, so với những người có cuộc sống không âm nhạc.
Người quân tử, thường hay tìm đến với thi ca, âm nhạc, cây cỏ, những thú vui tao nhã, không hại mình mà cũng chằng hại ai.
Bá Nha và Tử Kỳ, xét theo thuyết Phật thì tuy cách xa nhau, một người là quan Đại Phu nước Tấn, một người chỉ là ẩn sĩ nghèo, ở Hán Dương nước Sở. Hẳn kiếp trước có duyên nợ, có hò hẹn nhau nên kiếp nầy mới được gặp nhau dù chỉ là trong một đêm.
Nếu nói là duyên nợ thì người gặp Duyên là Tử Kỳ mà người thiếu Nợ chính là Bá Nha. Bá Nha chỉ đàn cho Tử Kỳ nghe có mấy bản, sau đó là tàn đêm hai người phải giả từ nhau, Bá Nha về Tấn, Tử Kỳ chết, và Bá Nha là người sống để trả món nợ nhớ thương.
Con người Bá Nha mới đáng được mang ra phân tách chứ Tử Kỳ chết là hết nợ, chỉ người còn lại mới bị đọa đày trong sự khổ đau kỷ niệm, thương nhớ. Bá Nha đáng phải là một người sinh ra để hưởng thụ, nếu ông tầm thường hơn, kém chất quân tử hơn, vì ông có đủ mọi điều kiện để sung sướng.
Mới 28 tuổi đã làm đến chức Đại Phu nước Tấn, gia đình phải dư dả mới được ăn học đầy đủ, một mình mà có ba nơi Cầm Đài mà ngày nay còn tên tuổi. Cầm Đài chỉ là nơi ghé qua vài hôm đánh đàn, không phải là một ngôi nhà to lớn, một Cầm Đài ở Lô Sơn, một cái ở Chiết Giang và một cái ở Hán Dương, cái thứ ba hẳn là làm sau khi Tử Kỳ mất để ngồi tưởng đến bạn chứ đàn đâu nữa mà đánh.
Bá Nha đàn hay đến nổi ngựa đang ăn mà cũng phải ngẩng đầu lên nghe (Bá Nha cổ cầm nhi lục mã ngưỡng mạc).

Muốn đàn hay ngoài cái tài thiên phú, còn phải có thì giờ để tập dượt, phải tìm được thầy, lắm khi phải đi xa bao nhiêu đường đất tốn kém bao nhiêu công của để học ra được một chút gì chứ không phải một sáng một chiều mà có thể trở thành cầm sĩ, bất cứ là đàn gì.
Đàn Cầm tên gọi là Huyền Cầm, hay Cổ Cầm vì nó được tạo từ đời thượng cổ. Nhạc khí tục truyền do Phục Hy chế ra bằng 3 thứ gỗ độc đáo là cây Ngô Đồng, cây Tử và cây Tử Đàn.
Gỗ rất quan trọng khi cấu tạo một cây đàn, không phải bất cứ gỗ nào, gỗ gì cũng đóng được đàn tốt, thứ đàn xứng với tâm hồn và bàn tay của nghệ sĩ, nhất là khi nghệ sĩ còn là một bậc quân tử.
Gỗ Ngô Đồng nhẹ nên được chọn làm mặt đàn, Ngô Đồng không những chỉ nhẹ mà còn tạo nên được âm thanh vừa dài, vừa ấm, sử chép, do một sự tình cờ, có người đốt gỗ Ngô Đồng trong lúc va chạm nghe âm thanh vang rất kỳ lạ, bèn lấy thử làm một cây đàn. Đàn lên rất hay, đến đời nhà Hán, có Thái Ung là một nhân vật rất uyên bác, ông còn là một tay thiện đàn, ông đã bắt chước theo, thấy kết quả nên người đời sau cứ thế mà theo.
Ngô Đồng có thứ hoa trắng gọi là Bạch Đồng, hoa tím gọi là Cang Đồng hay Ngô Đồng, quả Ngô Đồng lúc già nứt làm đôi, còn một tên khác nữa là Cầm Mộc vì được chọn làm nhiều thứ đàn.
Cây Tử gỗ nặng hơn, dùng để làm đáy đàn, lá cây Tử giống lá cây Ngô Đồng nhưng bé hơn, gỗ Tử được gọi là Mộc Vương, dùng để làm hòm rất quý, theo kinh nghiệm người ta cho rằng nhà làm bằng gỗ Tử không bao giờ bị sét đánh, hòm không mục nát, sâu mọt không ăn, có cây sống trên nghìn năm.
Tử đàn lại là thứ gỗ mọc ở vùng nhiệt đới, gỗ non mầu hồng nhưng lúc già đổi sang mầu tím, do đó mới được mang tên Tử Đàn. Gỗ trắng là Bạch Đàn gỗ vàng là Hoàng Đàn, gỗ nầy thả xuống nước sẽ chìm, mang mùi hương tự nhiên dùng làm trục đàn rất tốt.

Đàn Cầm dài 3 xích, 6 thốn, 6 phân để tượng cho 366 ngày của một năm. Trên tròn vun như bầu trời, dưới vuông như mặt đất lòng rỗng, dưới có 4 chân nhỏ, trên mặt đàn có hai lỗ gọi là Long Trì, Phượng Chiếu, tức là hồ của Rồng, ao của Phượng.
Gọi là Cầm vì nó đồng âm với chữ Cấm, tức là đánh đàn sẽ làm ngưng cấm những ý nghĩ dâm tà, bắt tâm người dừng lại ở chỗ trinh chính.
Cầm được chia ra 5 thứ, nhất huyền, tam huyền, ngũ huyền, thất huyền và cửu huyền. Cả 5 cây đàn đều mang dương số, tức là số lẻ. Đàn của Bá Nha phải là thứ Ngũ Huyền, 13 phím đàn để tượng cho 13 tháng trong một năm, vì có tháng nhuận, cũng như Ngũ Huyền tượng cho Ngũ Hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và cho ngũ cung là Cung, Thương, Giác, Trưng, Vũ.
Âm sắc của Huyền Cầm vốn u trầm, sâu xa và trang trọng. Thanh âm không vang, chát chúa, nhưng người xưa đánh đàn là để tu thân dưởng tính, làm tan biến những ý nghĩ xấu xa hèn kém, đưa tâm trí đến chổ thanh cao thoát tục. Tùy tâm mà tạo nên âm thanh. Cổ Cầm không dễ, cần có sự tập luyện, nhẹ nhàng hơn so với đàn sắt, đi đâu cũng có thể mang theo, bạn của người quân tử.
Vì xem đàn như tri kỷ, như bạn nên người xưa vẫn thường đặt tên cho đàn. Cổ Cầm có những tên như: Băng Thanh, Xuân Lôi, Ngọc Chấn, Hoàng Hộc, Thu Tiêu là những tên người xưa ưa chọn để đặt cho đàn.
Sử chép một hôm Bá Nha đi chơi ở phía Bắc núi Thái Sơn, gặp buổi trời mưa to gió lớn, phải ngưng thyền ở dưới chân núi. Tâm trạng u buồn, mang đàn ra dạo khúc Lâm Vũ (Lâm Vũ còn dùng để gọi thứ mưa dầm quá 3 ngày). Qua tiếng nhạc, Chung Tử Kỳ đã nghe trộm và đoán biết tâm trạng u ẩn của người đánh đàn mà chưa biết là ai.
Tử Kỳ chỉ là một ẩn sĩ, họ Chung, nhà nghèo, tuy có kiến thức rộng nhưng không muốn trầm mình vào vòng danh lợi, không thi cử, không ra làm quan. Một phần vì chữ hiếu, cha mẹ già, chỉ muốn ở gần để phụng dưỡng, vì giao cho ai cũng không thể bằng chính mình.
Phải nhận rằng cái vốn liếng trí thức và đạo đức của Tử Kỳ là do nơi cha mẹ đã truyền lại, thêm với sự đọc sách để rồi suy tư, tự tìm cho mình một con đường lối sống. Sau một đêm nói chuyện, Ba Nha mời cùng sang Tấn với mình, dọn con đường tiến thân cho Tử Kỳ nhưng Tử Kỳ từ chối, bảo còn cha mẹ già không thể bỏ đi xa, thà chịu cuộc sống nghèo nhưng thanh sạch và được gần cha mẹ, ở Tập Hiền Thôn cách không xa bến sông.
Ở đây xin không đề cập đến những gì mà mọi người đều đã nghe, đã biết, những cái gọi là Cao Sơn Lưu Thủy của đôi bạn ấy, mà chỉ đưa câu chuyện ra để phân tích con người của Bá Nha và cây đàn của ông mà thôi.
Bá Nha, một người thiện Cổ Cầm và Tử Kỳ là một người thiện thính. Sách chép như thế, người đánh đàn nầy không phải là thứ nghệ sĩ đã dùng cây đàn để làm kế mưu sinh, không cần thính giả, không cần ánh đèn sân khấu, cũng không thiết những tràng vỗ tay,cũng như một chút hư danh do cây đàn đưa tới.
Bá Nha chỉ đàn cho mình, hẳn trên cây đàn của ông cũng có khắc những chữ “Tu thân lý tính” như của Khổng Tử, hoặc loại thơ “Duy sa đào ngõa, Chí tòng hồng mông” như tất cả những cây đàn của các vĩ nhân xưa.
Bối cảnh xã hội của thời Xuân Thu nhiểu nhương nên mới sinh ra một số dị nhân, ẩn sĩ, những người chỉ muốn giữ mình cho thanh sạch nên cố tình xa lánh những cảnh phồn hoa, đô thị sang giàu.
Điểm đặc biệt của câu chuyện là sự “Thâu Thính” tức là nghe đàn trộm. Nghe trộm đàn mà làm cho đàn phải đứt giây “liệt huyền” thì đủ biết là người nghe không phải tầm thường. Biết nghe, biết thưởng thức đến làm rung cảm dao động đến Thần Nhạc, bắt đàn phải “liệt huyền” để báo cho người đánh đàn biết đang có sự hiện diện của tri âm, xin đừng so sánh với hoàn cảnh của những sự đứt giây đàn mà hằng ngày vẫn xẩy ra, do bàn tay vụng về không biết vặn trục, ngược xuôi, những bàn tay nhấn phím quá độ, hoặc những sợi giây đàn đã rĩ mục, thì sự đứt giây đàn nầy không phải để nói lên sự hiện diện của tri âm, thâu thính như hoàn cảnh Bá Nha và Tử Kỳ.
Âm nhạc là một ân huệ của Thượng Đế đã dành cho loài người, và loài người từ xưa đã thấu triệt điều ấy nên mới có câu rằng biết thanh mà không biết âm tức là cầm thú (tri thanh bất tri âm giả, cầm thú dã).
Thanh là những tiếng phát từ môi răng, nếu, lưỡi họng, mà âm là do từ tâm người đưa ra.
Thanh là những tiếng được mang tên Cung, Thương, Giác, Trưng, Vũ. Thanh hợp với Khí thành Âm, và Âm là những sự Cương, Nhu, Thanh, Trọc, hòa lại với nhau, uống lấy nhau như rượu với bình để rồi hòa thành Âm.
Từ đời thượng cổ người ta đã biết dùng những mắt tre thổi lên thành âm thanh, làm chủ chốt nền móng của âm nhạc (xem phần Cổ Nhạc ở tập II). Mỗi âm thổi lên do những ống sáo dài hay ngắn, và những phù hiệu Cung, Thương, Giác, Trưng, Vũ đã được dùng để ghi làn nhạc, ngũ âm nầy đã biểu tượng cho Quân, Thần, Dân, Sự và Vật.
Cung được gọi là Âm của Trung Ương, của đất đai của hướng Tây.
Thương thuộc hành Kim trong Ngũ Hành, là tiếng của mùa Thu, tiếng buồn thương oán nộ.
Giác là âm của hành Mộc, của tiếng gỗ, tiếng cỏ hoa, tiếng của mùa Xuân.
Trưng, hay Chùy là âm của Lửa, hành Hỏa, của mùa Hạ, tượng cho sự vật, dương khí ngưng đọng ở âm nầy, và cũng với âm Trưng để gạn lóng mọi sự.
Vũ là âm của nước, của hành Thủy, của phương Bắc nếu Giác là của phương Đông Cũng như Trưng là âm phương Nam, thì Vũ là âm của phương Bắc, trầm và thâm sâu, đi thẳng vào lòng người.
Người biết phẩm Thanh tức có thể tri Âm.
Âm nhạc thuở ban sơ mang nhiều chiến đấu tính,về sau khi vào tay các văn nhân nghệ sĩ, nhạc trở thành một thứ Tĩnh Lực, người đời chỉ còn biết dùng nhạc để vui chơi giải trí, yến ẩm, dâm loạn mà thôi.
Đến một quốc gia nào, chỉ cần nghe tiếng nhạc, thì người biết “Phẩm Thanh” có thể nhận định được cái làn sóng chính trị đương thời, sẽ đưa đến chỗ thịnh hay suy. Âm nhạc của một nước thịnh trị thì nghe bình tĩnh, vui vẻ, mà hòa nhã. Âm nhạc của một nước sắp loạn, thường có giọng oán nộ, một nước sắp mất nghe có giọng buồn rầu và âu lo, quằn quại, đau xót.
Những vùng có đất đai đơn bạc mà sông lớn thì khí huyết con người cũng nông nỗi, đất đai thấp mà bằng phẳng thì tâm tính người cũng nhu nhược, đất phì nhiêu thì tính người hay lười biếng… Tất cả những thứ ấy đều phản ảnh vào âm nhạc, mà người biết “Phẩm Thanh” đều nhận thấy, cảm thấy.
Trở về với Bá Nha , ông là loại người đại diện cho một nền văn hóa thuần túy, chưa bị ô nhiễm vì những đảo điên của xã hội. Hẹn với Tử Kỳ năm tới cũng ngày tháng ấy, trên bến sông ấy sẽ gặp lại nhau, suốt một năm đợi, để rồi đến nơi không thấy tri âm chờ mình.
Dùng tiếng đàn để gọi nhau cũng không nghe hồi đáp, sáng ngày mai gọi tiểu đồng cùng đi tìm, ngỡ rằng Tử Kỳ vì có cha mẹ già như ngọn đèn trước gió.
Trên đường vào Tập Hiền Thôn, gặp một ông cụ già tay xách hương hoa, hỏi thăm nhà Tử Kỳ. Khi người già ấy biết đây là Bá Nha, bạn của con trai mình thì oà khóc mà báo tin rằng Tử Kỳ đã chết đúng 100 ngày, trước khi chết có dặn cha mẹ phải chôn mình ở ngay bến vì có hẹn với Bá Nha là sẽ gặp nhau.
Bá Nha ngất đi sau khi nghe tin bạn đã chết, lúc tỉnh dậy, ông đàn một bài điếu Tử Kỳ, người trong làng lúc nghe tiếng khóc thì cảm động đến đứng chung quanh có vẻ thành kính nhưng, đến lúc nghe tiếng đàn lại khúc khích cười, cười trong khi lòng nghệ sĩ đang tang tóc. Hẳn vì bị những tiếng cười của lũ người chỉ hiểu được tiếng khóc mà không hiểu được cái đau thương thể hiện qua tiếng đàn, đối với người nghệ sĩ còn cay đắng hơn muôn nghìn tiếng khóc tầm thường, Bá Nha biết rằng từ nay không còn ai có thể hiểu mình nữa nên đã “Tuyệt Huyền Phá Đàn” tức là cắt giây và đập đàn, thề không đàn cho ai nghe nữa.
Đến đây xin mở vòng ngoặc để nói đến sự khác biệt của phàm phu thanh, và thánh nhân thanh. Người đời tầm thường làm sao hiểu được thế nào là thánh nhân thanh, cố nhiên là thấy đứng trước mộ thì khóc là phải lẻ, ai lại đàn thì phàm phu làm sao hiểu được tiếng khóc của cây đàn, hay của người nghệ sĩ đã nhờ cây đàn khóc hộ mình.
Trong hai người bạn thì quả Bá Nha mắc nợ và là kẻ đáng thương nhất, đã mất tri âm lại chịu vì tri âm mà mất cả cây đàn là tri kỷ, cuộc sống rồi sẽ cô đơn biết mấy. Trái lại, Tử Kỳ là con người ít mang nợ, kiếp trước không tạo nghiệp, kiếp nầy cũng hiền hòa hiếu thuận, sống cuộc sống của một bậc ẩn sĩ, nếu không là thánh nhân. Chết sớm là một sự thoát tục sớm… Hơn nữa, chết rồi còn có kẻ vì mình mà đập đàn, và hẹn sẽ trở về thu xếp công việc để đón cha mẹ về phụng dưỡng thay cho mình. .
Người như Bá Nha và tình bạn của Bá Nha sẽ không bao giờ ai còn tìm thấy. Nhưng, với cuộc sống cô đơn không tri kỷ, không tri âm, liệu cuộc sống có còn đáng sống?
::: Minh Đức Hoài Trinh :::
Comment