Những hoàn cảnh đáng thương nơi quê nhà..!
- Ông cụ 80 tuổi thổi kèn môi mưu sinh nơi giá lạnh
Ông kể, từ khi vợ ông mất, ông ra thị trấn Sapa thổi kèn môi để bán. Ba ngày mới bán được một chiếc kèn giá 30,000 đồng (khoảng 1.5 Mỹ kim), nhưng ông phải có nó để mua cơm ăn và đó cũng là kế sinh nhai của ông trong lúc tuổi già. Người "nghệ sĩ" với đôi chân sưng
Chuyện của ông lão người H' Mông đã 80 tuổi nhưng hàng chục năm nay ngày nào cũng ngồi ở chân núi Hàm Rồng tại thị trấn Sapa thổi kèn môi, khi thì trầm bổng, khi thì réo rắt, để bán cho khách, hầu hết dân chúng tại thị trấn này ai cũng biết mặt. Còn du khách qua đường, có người tò mò dừng lại nghe, có người không để ý.
Như nhiều người dân Sapa khác, ông lão cũng "làm kinh tế" nhưng ông chọn cách dùng âm thanh để thu hút khách, dù cách đó cũng chẳng giúp ông bán được nhiều hàng.
Ông cho biết ông có hai người con trai đều đã có gia đình, một người còn ở với ông nhưng nghèo nên không giúp gì được. Nhà có ruộng ngô do vợ chồng người con trai đó chăm bón, song đất núi xấu, thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Cỡ chừng 3 ngày ông mới bán được một chiếc kèn, mua cơm ăn được 3 ngày, tức mỗi ngày 10 ngàn đồng (tương đương với khoảng 50 xu Mỹ), nếu không bán được thì nhịn đói. Ông nhịn đói 2 hay 3 ngày là một chuyện thường.
Ông lão có tên là Hạng Chắng, râu tóc đã bạc và làn da đỏ lên bởi cái giá lạnh của Sapa. Cứ vài ngày một lần, ông cuốc bộ 4 cây số từ bản SaPa xuống thị trấn lúc 6 giờ sáng, khi trời còn dày đặc sương mù. Đôi dép ông đi cáu bẩn và rách, nhưng nó là niềm tự hào của ông: "Mua dép đắt lắm, 10 nghìn người ta mới bán". Ông không có vớ để đi, trời lạnh, đôi chân nứt nẻ, sưng tấy.
Hồi còn trẻ, nhờ tiếng đàn môi mà ông "bắt" được vợ. Vợ ông đẹp lắm. Ông kể rằng hồi đó ông thường ngồi trên hòn đá dưới chân núi sát với bản làng, và tiếng kèn môi của ông réo rắt làm mềm lòng những cô gái H'Mông, nhưng ông chỉ chọn có một người thôi. Bà tên Dào. Đến bây giờ ông không còn nhớ tuổi của bà nữa, bà đã mất mười năm nay rồi.
Cách đây 10 năm, sau khi bà nằm xuống, ông nhớ thương nên cất tiếng kèn môi u ám để nhớ lại bà. Rồi nhân đó ông xuống chợ thổi kèn kiếm sống. Lúc ấy ông đã 70 tuổi nhưng vẫn còn nhiều phụ nữ H'Mông mê tiếng kèn của ông.
Người H'Mông rất chân chất, vì quen sống nơi rừng núi nên tâm hồn phóng khoáng. Nhưng ông đã già quá rồi nên họ không thể theo ông về nhà, làm vợ ông được. Dù say mê đến mấy họ cũng chỉ uống với ông một bát rượu ngô, coi như bạn bè là cùng.
Gió mang tiếng kèn, ông lão mang cái bụng đói
Ông Hạng Chắng ngồi trên bậc đá dưới chân núi ở giữa thị trấn Sapa, "thổi kèn không công" cho du khách qua lại, bởi vì ông thổi như thế nhưng ít khi khách cho ông tiền. "Mình không biết tiếng Tây, không nói chuyện với Tây được nên nó không cho".
Đôi khi có ai đó có tiền, để ý đến tiếng kèn điêu luyện của ông, họ mua giùm ông một chiếc coi như làm phước trước khi leo lên núi chứ không phải họ muốn tập loại kèn đó. Họ biết muốn thổi được kèn môi cho ngon lành không phải chuyện dễ.
Nơi ông Hạng Chắng ngồi có những khách sạn loại sang. Trước mặt ông là Khách sạn Hàm Rồng và Khách sạn Victoria; sau lưng ông là Khách sạn Công Đoàn 3 sao; toàn là những nơi sang trọng bậc nhất Sapa cả.
Ban đêm, thường thường ông Chắng không trở về bản mà ngủ ngay trên thềm đá chỗ ông ngồi thổi kèn môi. Hoặc ông lò dò tới chợ Sapa, chui vào một cái sạp nào đó khi người ta đã dọn hàng rồi co ro nằm ngủ.
Mười năm nay, cái nghề của ông không giúp ông kiếm đủ ăn. Khi nào ông được khách du lịch hỏi tới, mua giùm ông một chiếc kèn thì hôm đó ông mới may mắn có bữa ăn tạm, còn không ai mua thì nhịn. Ông thường xuyên nhịn đói hai hay ba ngày liền khi không bán được một chiếc kèn nào.
Mấy cô người Mông, người Dao bảo ông lão là người duy nhất ngày ngày thổi kèn môi ở thị trấn Sapa. Trước đây, cũng có hai người mù, một người thổi khèn, một người thổi kèn môi lang thang kiếm sống, nhưng hai người này ít thổi lắm, mà lâu rồi không thấy nữa, có khi họ đã bỏ nghề.
Các tối Thứ Bảy, "chợ tình Sapa" " loại chợ tình giả hiệu được người ta tổ chức để thu hút sự tò mò của khách du lịch; muốn xem những chàng trai thổi khèn tình tứ bên các cô gái H'Mông (hay gái Hà Nội?) váy xập xòe, du khách phải xì tiền ra, nếu không xì tiền thì các cô "H'Mông" giận, không thèm biểu diễn "chợ tình" cho xem nữa.
Ông lão Hạng Chắng thổi loại kèn môi đặc biệt của người H'Mông ngày này qua ngày khác. Những chiếc kèn này là miếng ăn hết sức đạm bạc của ông, nhưng dù không bán được và phải nhịn đói cả mấy ngày liền ông cũng không xin tiền ai bao giờ.
Những âm điệu từ chiếc kèn H'Mông mà ông Hạng Chắng thổi rất hay nhưng ông không thể giải thích bằng tiếng Mông cho du khách hiểu, còn về tiếng Kinh thì ông không đủ năng lực. Thường thường, chỉ khách Việt kiều hay khách người Kinh từ miền xuôi lên chơi Sapa mới cho ông tiền hoặc mua giùm ông một chiếc kèn môi mà thôi chứ khách du lịch nước ngoài thì không có thói quen cho tiền người nghèo. Ông lão Hạng Chắng thường phải nhịn đói nên tiếng kèn môi của ông nghe u sầu nhiều hơn là vui vẻ.
- Ông lão 80 tuổi 3 lần đi hỏi vợ nhưng đều bị từ chối
"Thằng Rơchâm Kheo thích con Êly En là ý riêng của nó. Nó thích con Êly En từ khi còn trẻ. Hai năm nay nó đi hỏi cưới con En ba lần mà con En đều từ chối" - già làng Rơchâm Mạch, 93 tuổi, "phát biểu ý kiến" về chuyện 3 lần đi hỏi vợ của ông Rơchâm Kheo 80 tuổi như vậy.
Các phóng viên tìm gặp ông Rơchâm Kheo khi ông đang dùng chén rượu giải sầu. Ông xác nhận "người trong mộng" của ông đúng là bà Êly En như lời già làng Rơchâm Mạch nói. Năm nay bà 63 tuổi, cũng sống tại bản Bàng, xã Ia-nhin, huyện Chư Păh, tỉnh Lào Cai, cùng bản với ông.
Ở vào cái tuổi 80, tóc đã bạc, răng đã rụng, ông Kheo vẫn khiến cả làng xôn xao về câu chuyện 3 lần đi hỏi vợ của mình. Ông kể: khi ông 17 tuổi bà En mới ra đời. Bà En càng lớn lên càng xinh đẹp, đôi chân biết lên rẫy giỏi khiến nhiều chàng trai trong làng thầm yêu, trong đó có ông Kheo.
Nhưng bà En lại muốn "bắt" ông Rơchâm Bo làm chồng. Ông Kheo buồn, không còn muốn lên rẫy nữa. Mãi đến khi những đứa con của bà En và ông Bo lần lượt ra đời, ông Kheo mới tin mình không còn hy vọng và chấp nhận về làm chồng một phụ nữ khác cùng bản.
Cách đây 5 năm, vợ ông Kheo qua đời. Chỉ một thời gian ngắn sau, ông Bo chồng bà En cũng mất. Sau 3 năm, ông Kheo và bà En cùng làm lễ bỏ mả cho người thân thiết nhất trên đời của mình. Sau khi bỏ mả, theo tục của người J'rai (người Kinh thường đọc là "Gia Rai" " ĐD), người ở góa có thể bước đi bước nữa mà không sợ bị chê cười, ông Kheo bèn đến nhà bà En xin lấy bà làm vợ nhưng bị bà từ chối.
Từ đó đến nay, thêm 2 lần nữa ông Kheo nhờ 2 người con đưa đến nhà hỏi bà En làm vợ nhưng lại bị bà từ chối. Càng đau khổ ông Kheo càng uống nhiều rượu. "Mình đến hỏi En làm vợ ba lần rồi nhưng không được. Mình buồn, nước mắt không chảy, chỉ uống rượu thôi. Cơm mình cũng không muốn ăn nữa, chỉ muốn đến thăm En nhưng En không cho mình đến". Câu chuyện tình của ông lão 80 tuổi khiến cả bản xôn xao.
Về phần bà En, bà cho biết từ xưa đến nay bà không hề yêu thương ông Kheo. Hai năm nay ông hỏi nhiều lần nhưng bà không đồng ý, vì dưới mắt bà, ông Kheo chỉ biết uống rượu, không chịu lên rẫy đi làm.
Các con của bà En bây giờ đã có cuộc sống sung túc, có ruộng lúa, có trâu bò, có cà phê... Họ có thể nuôi được mẹ một cách nhàn hạ nên không muốn mẹ "bắt" chồng nữa, mặc dầu nếu bà "bắt" chồng thì cũng chỉ tốn một vài con heo, một vài ghè rượu mà thôi, họ dư sức lo được - chị Bróc, con gái bà En, cho biết như vậy.
- Ông lão 98 tuổi đạp xe xích lô
Sáng sáng, người dân xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế, (xin lưu ý: Huế là thành phố Huế, còn "Thừa Thiên-Huế" là tỉnh Thừa Thiên trong đó có thành phố Huế.- ĐD), đều thấy cụ Đặng Huyền, 98 tuổi, đạp xe xích lô xuống chợ kiếm sống. Cụ đã được vinh danh là người đạp xe xích lô có tuổi nghề cao nhất tại Huế.
Cụ Đặng Huyền thường được người dân quen gọi là cụ Huần, ngày ngày vẫn đạp xe xích lô chở khách kiếm ăn. Cụ bắt đầu một ngày làm việc nặng nhọc không phù hợp với một ông lão đã suýt soát "bách tuế" từ khi trời còn mù sương. Làm nghề đạp xích lô từ năm 30 tuổi, đến nay cụ Huần đã có 68 năm trong nghề. Chỗ đậu xe kiếm khách quen thuộc của cụ là bên quầy bán thuốc lá ở chợ Nọ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang. Ai thuê gì cụ Huần chở nấy, ai muốn trả tiền cũng được, nợ cũng chẳng sao, miễn là vui vẻ. Hơn nửa thế kỷ làm nghề đạp xích lô, cụ Huần có rất nhiều "đồng nghiệp" chỉ ngang với tuổi con cháu cụ. Mỗi lần gặp họ, cụ lại chuyện trò vui vẻ. Người con trai duy nhất của cụ bỏ quê vào trong Nam làm ăn, hơn 30 năm nay mất liên lạc, giờ đây cuộc sống của cụ và người vợ 86 tuổi (kém cụ 12 tuổi) chỉ còn biết trông cậy vào đồng tiền đạp xích lô và sự đùm bọc của làng xóm.
Chiếc xe của cụ cũng đã hết sức cũ kỹ. Cụ tâm sự: "Tui còn sức thì còn đạp xích lô chừ mà nghỉ thì vợ chồng già biết nương tựa nơi mô?". Tuổi cụ đã quá cao, sức cụ đã quá yếu nên nhiều người không dám thuê cụ chở. Chờ đợi suốt buổi không có khách, cụ lại lặng lẽ đạp xe trở về.
Người bạn đời của cụ Huần là bà cụ Trần Thị Lặc, năm nay 86 tuổi, luôn luôn đau yếu. Trong hội thi diễn hành xe xích lô ở Festival "Làng nghề truyền thống" tại Huế năm 2007, cụ Huần được vinh danh là người đạp xe xích lô có tuổi nghề cao nhất của tỉnh Thừa Thiên. Nhưng than ôi, vinh danh một ông lão năm 2007 đã 94 tuổi mà chưa được nghỉ ngơi, vẫn còn phải kiếm ăn bằng một nghề nặng nhọc thì chưa chắc đã phải là một điều vinh dự. Đối với cụ, được trợ giúp một số tiền nho nhỏ hằng tháng để hai cái thân già đã ngoại bát tuần nuôi nhau có lẽ còn quý hơn một giấy khen hoặc một bằng tưởng lệ.
- Người đàn bà câm bán vé số nuôi trẻ bị bỏ rơi
Ai đã từng một lần đến Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng sẽ không quên hình ảnh người phụ nữ trạc ngoài 60 tuổi, dáng người nhỏ thó, lưng còng, tay cầm xấp vé số, miệng ú ớ mời khách mua. Người ta càng ngạc nhiên hơn khi biết người phụ nữ tật nguyền này gần nửa thế kỷ nay bán vé số với một mục đích rõ ràng: tự nuôi mình và nuôi những trẻ bị bỏ rơi!
- Bệnh viện là nhà, ghế đá là giường
Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng chỉ biết bà tên là Hồng mà không biết gì hơn. Đã nửa thế kỷ nay bà sinh sống trong khuôn viên bệnh viện. "Tiểu sử" của bà như sau:
Vào những năm 1960, có một người đàn ông dắt một đứa trẻ bị câm đến Bệnh viện Đà Nẵng trị bệnh hen suyễn, sau đó người đàn ông bỏ đi mất. Đứa trẻ lớn lên tại bệnh viện, ăn cơm của người ta cho, lấy sân bệnh viện làm nhà, lấy ghế đá trong sân làm giường, những lúc mưa thì chạy vào ngủ trong gầm cầu thang. Lớn lên chút nữa, nó giúp đỡ các bệnh nhân việc này việc nọ nên được người nhà bệnh nhân cho tiền. Nó dành dụm, có một chút vốn bèn đi bán vé số. Nó hết sức siêng năng nên hằng ngày kiếm được rất khá. Ngoài ra nó cũng biết chữ nữa. Hình như nó có được đi học trước khi bị bệnh hen suyễn phải đưa vào bệnh viện rồi bị bỏ rơi, từ đấy một thân một mình với cái tật câm, không có bà con anh em, họ hàng thân thích nào đến thăm viếng cả.
Lạ lùng là tính Hồng tiết kiệm, sống rất đơn giản gần như không cần tiêu xài gì nhưng ngay từ khi còn trẻ tuổi, mới bắt đầu đi bán vé số cô đã dành dụm tiền để mua sữa nuôi các trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở trong bệnh viện. Những đứa trẻ đó cứng cáp, không có ai nhận, người ta chuyển sang các viện mồ côi bấy giờ "cô Hồng câm" coi như mới yên tâm lo cho các cháu sơ sinh bị bỏ rơi khác. Bệnh viện không có ngân quỹ mua sữa hoặc tã lót cho các cháu bé bất hạnh đó, "cô Hồng" phải bỏ tiền ra mua thôi.
Ngày càng lớn tuổi, sức khỏe của bà Hồng ngày càng kém dần. Những đêm mưa rét hay những lúc đau ốm bà được các y tá trong bệnh viện cho vào các giường trống để nằm nghỉ. Bà "nói" với các cô y tá bằng cách viết trên giấy. "Tôi khỏe, không sao đâu". Hễ khỏe, chiều tối bà lại đến đại lý lấy vé số để mai đi bán. Hễ các cô y tá cho biết ở khoa sản có trẻ bị bỏ rơi thì dù chưa đi bán được vé nào bà cũng bỏ đấy, chạy lên trông nom, chăm sóc cháu bé đó trước đã. Một bác sĩ trong bệnh viện nói: "Bà Hồng thương xót những đứa trẻ bị bỏ rơi còn hơn người mẹ đối với đứa con". Điều này thì đúng, bởi vì người mẹ của cái sinh linh bé nhỏ đó đã bỏ nó đấy, trốn khỏi bệnh viện từ lúc nó mới lọt lòng.
- Bà "bảo mẫu" suốt đời cô đơn
Các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng nhẩm tính, người phụ nữ này từ xưa tới nay đã cưu mang tới vài chục đứa trẻ bị bỏ rơi tại Khoa sản. Sự việc khiến các y tá trong bệnh viện nhớ nhất là cách đây gần 20 năm, bà Hồng đã "cứu một bàn thua trông thấy" cho họ. Khi ấy, một nữ sinh đến bệnh viện sinh con, sau đó bỏ trốn khỏi bệnh viện. Đứa bé khát sữa, khóc ngằn ngặt suốt ngày. Hồi đó còn chưa có quy định là trẻ bị bỏ rơi sẽ được đưa sang Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh nuôi dưỡng. Bệnh viện chỉ còn cách chờ người mẹ quay lại hoặc chờ người đến xin. Trong lúc các bác sĩ, y tá đang loay hoay "đánh vật" với đứa trẻ thì bà Hồng ra dấu để bà nuôi giùm. Suốt một năm không có người đến nhận, bà Hồng coi đứa trẻ như con của mình, chăm lo cho nó từng ly từng tí. Có những ngày "con" đau, bà phải bỏ cả bán vé số để săn sóc. Khi đứa trẻ được 2 tuổi thì một cặp vợ chồng không có con đến bệnh viện xin về làm con nuôi. Bệnh viện và chính quyền sở tại xem xét hoàn cảnh của họ, đồng ý. Bà Hồng buồn và nhớ đứa trẻ, không thiết ăn uống đến mấy ngày liền sau khi tiễn đứa trẻ về với bố mẹ nuôi của nó.
Lại một trường hợp khác là một đứa trẻ con của một phụ nữ ngoại quốc. Bé gái này lúc mới sinh ra có 2 tai dính chặt vào phía sau đầu của nó nên người mẹ bỏ cháu lại bệnh viện, trốn mất. Cũng như những đứa trẻ bị rỏ rơi trước đó, cháu bé này được bà Hồng nuôi. Bà đặt tên cho cháu là Nga " kỷ niệm quê hương người mẹ của cháu. Cháu lớn lên, ngày ngày lon ton theo "mẹ" ở trong khuôn viên bệnh viện. Năm 2006, bà phải trao cháu lại cho Trung tâm Nuôi dạy Trẻ mồ côi Thành phố Đà Nẵng vì cháu đã lớn, đã bắt đầu đến tuổi đi học mẫu giáo. Thỉnh thoảng nhớ con bà lại đến Trung tâm thăm con.
Hiện nay, bà Hồng đang nuôi một cháu bé bị bỏ tại bệnh viện. Bà đặt cho bé gái này tên là Rơi. Cô y tá dẫn các phóng viên vào thăm căn phòng dành riêng cho cháu bé bị bỏ rơi. Bà Hồng đang cầm bình sữa cho "con" bú và ú ớ nựng nịu con. Nhìn cảnh đó, vị bác sĩ khẽ thở dài: "Cả đời hy sinh, chăm sóc cho trẻ nhưng sau đó lại phải gạt nước mắt trao trẻ cho các trung tâm. Bà ấy đơn độc, tật nguyền, không thể bảo đảm tương lai cho các cháu nên đành phải vậy mà thôi".
- Bà cụ 78 tuổi vẫn đi lượm rác nuôi chồng con
Bà cụ Nguyễn Thị Mối năm nay 78 tuổi, hiện đang sống tại tổ 12, phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước, hằng ngày phải đi lượm rác đem về bán cho các trạm thu mua ve chai để nuôi người chồng mù và người con trai 43 tuổi bị bệnh phổi, ho ra máu. Ngoài người con trai này, bà còn có một người con gái 38 tuổi, có 3 đứa con còn nhỏ, cũng đi buôn bán ve chai nhưng nhà nghèo quá, bị chồng bỏ, lo kiếm ăn nuôi ba đứa con cũng đã đủ mệt nên không giúp đỡ gì được cho bố mẹ.
Gần 12 giờ trưa, trời nắng gay gắt, một bà cụ tay ôm đống giấy thùng cạc-tông cũ, tay kia xách chiếc bao tải đựng các vỏ chai, bao nilông v.v... với bộ dạng ốm yếu, mệt mỏi, đang xếp đặt để cố tìm thêm ở các giỏ rác bên cạnh đường những thứ có thể bán được.
Gương mặt già nua của cụ đầy nếp nhăn, áo quần lam lũ. Chỉ còn vài ngày nữa là đến tết, không biết cái tết đối với gia đình cụ ra sao, có tết hay không? Khốn khổ, người ăn không hết người mò chẳng ra. Một người chồng mù, một người con trai lẩn thẩn, bị bệnh phổi ho ra máu, 43 tuổi không có vợ con gì cả, chỗ ở là một cái chòi. Cụ Mối năm nay cũng đã 78 tuổi. Cụ cho biết mỗi ngày nhặt rác như vậy cụ kiếm được khoảng 20,000 đồng để nuôi chồng con bệnh hoạn. Rồi cụ cũng sẽ chết thôi. Đối với cái gia đình đó, ai chết trước là người ấy thoát khỏi cảnh nghèo khổ, đọa đày...
- Cái tết của một gia đình nghèo
Tới xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa (Nha Trang), hỏi nhà ông Bùi Đặc, 73 tuổi, nghèo rớt mồng tơi thì ai cũng biết và họ sẽ chỉ đến căn nhà nhỏ xíu, cũ kỹ, nằm lọt thỏm "khiêm tốn" trong thôn Tây.
Người con trai lớn của ông bà tên Bùi Ngọc Sang, sinh năm 1966 (45 tuổi), bị tật teo chân từ nhỏ, phải ở nhờ nhà người bác họ. Niềm mơ ước duy nhất của anh là có được một chiếc xe lăn để đi bán vé số kiếm tiền giúp bố mẹ. Người con trai thứ hai và cô con gái út đầu óc lẩn thẩn, cả hai may sao cũng có người lấy nhưng cũng rất nghèo.
Khi còn sức khỏe, hai ông bà đi phát rẫy, tỉa bắp, trồng khoai mì, trồng chuối... kiếm được ít tiền đắp đổi qua ngày nuôi con. Giờ đây, khi ở tuổi gần đất xa trời, cả hai vẫn lụi cụi phụ việc cho nhà máy gạo nhỏ để có gạo ăn hoặc bán số gạo đó lấy tiền mua mắm muối dưa hành ăn cho qua ngày.
Bà Đinh Thị Thển, 71 tuổi - vợ ông Đặc - là lao động chính trong nhà. Mấy tháng trước bà bị đụng xe, gãy chân không đi được phải nằm nhà, ông vừa đi làm vừa chăm sóc vợ. Ông Đặc cho biết: "Tui với bả đi phụ hốt cám, đổ lúa cho nhà máy gạo. Bữa nào người ta tới xay lúa nhiều thì chủ cho nhiều, bữa nào khách ít thì chủ cho ít. Cũng ráng kiếm tiền nuôi nhau chớ cứ nhờ người này người kia hoài cũng ngại".
Cách đây 8 năm, xã có giúp ông bà ngôi nhà tình nghĩa trị giá 5 triệu đồng sau khi nhà cũ bị sụp. Tài sản đáng giá nhất của ông bà là cái nồi cơm điện trị giá 230,000 đồng vừa mới mua được ít lâu. Toàn bộ đồ đạc trong nhà gồm một chiếc tivi, chiếc bàn, cái ghế và những bộ quần áo đều nhận được từ những tấm lòng từ thiện. Trong nhà nhiều đồ nhưng chủ yếu là đồ đã hỏng.
Ngôi nhà chẳng có bếp cũng chẳng có nước sinh hoạt. Thương tình, cô Chín hàng xóm hằng ngày cho bơm nhờ nước vào chiếc lu chứa để ông bà dùng. Thời buổi hiện đại, hàng xóm láng giềng đun nấu bằng gas thì ông bà vẫn đun bằng củi, mạt cưa, trấu, hoặc tàu dừa khô để tiết kiệm điện.
Tết này địa phương giúp gia đình ông Đặc 20 ký gạo, hàng xóm láng giềng kẻ ít người nhiều, đóng góp nhau lại mỗi gia đình cho 5-10 ngàn đồng nhưng cũng chẳng được bao nhiêu.
Ông Lê Xuân Đáng, người đứng đầu Hội Những Người Cao Tuổi thôn Tây, ở gần nhà ông Đặc, cho biết: "Gia đình ông Đặc nghèo nhất xã này, mấy người con cũng không được bình thường nên ông bà phải đi hốt gạo phụ trong nhà máy để có cái ăn".
Đoàn Dự
Comment