• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

DANH NHÂN NƯỚC VIỆT - Ngô Quyền

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • DANH NHÂN NƯỚC VIỆT - Ngô Quyền

    Loạt bài viết về Danh Nhân Nước Việt cho trang Tiếng Việt Mến Yêu và trên trang web xuquang để con em và giới trẻ hải ngoại biết thêm về tinh thần bất khuất của tiền nhân đã dũng cảm, bất khuất để bảo vệ nền tự chủ đất nước trước sự xâm lăng của các triều đại bên Tàu. Nay tìm lại được một số bài để đăng tải lại ...

    DANH NHÂN NƯỚC VIỆT

    Vương Trùng Dương biên soạn



    Ngô Quyền (897-944)
    Tài Cao Thao Lược Bạch Ðằng

    Thời kỳ Bắc thuộc lần thứ IV (603-939) kéo dài từ triều đại nhà Ðường đến thời kỳ Ngũ Ðại Thập Quốc, còn gọi là Ngũ Quý (907-960) ở Trung Hoa. Năm Ðinh Mão (907), nhà Ðường mất ngôi, Trung Hoa rơi vào tình trạng loạn suy bởi sự tranh giành quyền lực, lần lượt nắm quyền thống trị trong giai đoạn ngắn, lập nên Hậu Lương (907-923), Hậu Ðường (923-936), Hậu Tấn (936-947), Hậu Hán (947-950) và Hậu Chu (951-960).

    Lợi dụng tình thế, năm Ðinh Mão (907), nhà Ðường suy tàn, thế lực với bên ngoài suy yếu, Khúc Thừa Dụ, hào trưởng ở Hồng Châu (Ninh Giang, Hải Dương) được lòng tín nhiệm của mọi người, nổi dậy giành quyền tự chủ, thay quan nhà Ðường làm Tiết Ðộ Sứ đất Giao Châu. Một tấm lòng son nhưng mệnh vắn, nắm quyền được thời gian ngắn thì qua đời, con là Khúc Hạo nối nghiệp cha được mười năm, cải chính lại việc hành chánh và thuế má cho phù hợp đời sống người dân. Năm Ðinh Sửu (917) Khúc Hạo mất, con là Khúc Thừa Mỹ lên thay, giữ vai trò Tiết Ðộ Sứ. Trong thời gian nầy, Lưu Cung ở Quảng Châu, bất hòa với nhà Hậu Lương, đứng lên lập triều chính, xưng đế, quốc hiệu là Ðại Việt, sau đó đổi thành Nam Hán.

    Năm Quý Mùi (923) Vua Nam Hán đem quân sáng đánh thành Ðại La, bắt được Khúc Thừa Mỹ rồi cử Lý Tiến làm Thứ Sử và Lý Khắc Chính làm Tiết Ðộ Sứ đất Giao Châu, áp dụng chính sách đàn áp, cuộc sống người dân trở lại thời kỳ đen tối.

    Năm Tân Mão (931) vị tướng của Khúc Hạo ở đất Ái Châu (Thanh Hóa) là Dương Diên Nghệ, còn gọi là Dương Ðình Nghệ, chiêu mộ nghĩa binh, đánh dẹp được quân Nam Hán, chiếm được Ðại La, làm Tiết Ðộ Sứ. Dưới quyền của Dương Diên Nghệ có hai vị tướng tài là Ngô Quyền, trung hậu, thẳng thắn và Kiều Công Tiễn, mưu mô, gian ác. Dương Diên Nghệ có người con gái là Dương Như Ngọc, tuổi vừa đôi mươi, tài sắc vẹn toàn, Ngô Quyền và Kiều Công Tiễn đều yêu thương Như Ngọc. Ðể tỏ sự công bằng và chọn người tài ba nhằm gả chồng cho con gái, Dương Diên Nghệ tổ chức cuộc thi tuyển cho nha tướng có cơ hội thi thố tài năng. Cuối cùng chỉ còn Ngô Quyền và Kiều Công Tiễn được lọt vào vòng chung kết. Cuộc thi phi ngựa và phóng lao đến lúc kết thúc, con bạch mã của Ngô Quyền lao về phía trước bỏ rơi con hắc mã của Kiều Công Tiễn, tức giận trước đối thủ, Kiều Công Tiễn rút cung bắn vào chân ngựa bạch mã cũng là lúc ngọn đao của Ngô Quyền cắm vào mục tiêu hình nộm.
    Tài ba và dũng khí của Ngô Quyền làm mọi người thán phục, Ngô Quyền chiếm được trái tim Như Ngọc giữa ba quân.

    Cùng quê cha đất tổ với Bố Cái Ðại Vương, Ngô Quyền sinh ngày 12 tháng 3 năm Ðinh Tỵ (897) ở Ðường Lâm. Thân phụ là Ngô Mân, vị hào trưởng đức độ và khí khái, luôn luôn tự hào trên mảnh đất quê hương đã sinh sản ra vị anh hùng đầy nghĩa khí phất cao ngọn cờ, chống trả ngoại xâm.

    Theo Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư của Lê Văn Hưu ((1230-1322, bản khắc năm 1697) hình ảnh Ngô Quyền “Khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi như cọp, có trí dũng, sức có thể nhấc vạc giơ cao”, được trau dồi võ nghệ và cung tên rất thuần thục nên tuy còn trẻ đã nổi tiếng trong vùng.

    Khi Dương Diên Nghệ nuôi ba nghìn giả tử (con nuôi) nhằm ý định khôi phục thế lực nhằm tạo thơi cơ chống cự với quân Nam Hán. Trong số giả tử đó, Ngô Quyền được coi là người tin yêu nhất trong gia đình họ Dương. Và, thời gian sau, Ngô Quyền trở thành rể quý của Dương Diên Nghệ.Dương Diên Nghệ cử Ngô Quyền cai quản xứ Thanh (Châu Ái) và Ðinh Công Trứ (thân phụ Ðinh Bộ Lĩnh) cai quản xứ Nghệ (Châu Hoan).

    Năm Mậu Tuất (938), Dương Diên Nghệ trong chuyến đi săn ở ngoài thành bị Kiều Công Tiễn rình rập, dùng tên độc bắn chết. Loạn tướng Kiều Công Tiễn chiếm được Ðại La, nhiều công thần của Dương Diên Nghệ lên án hành động gian manh bị Kiều Công Tiễn giết hại. Ðể đối phó với tình thế, lo sợ sự phản công, Kiều Công Tiễn cho người sang cầu cứu vua Nam Hán, nắm được cơ hội vua Nam Hán phong tước cho thái tử Hoằng Thao, đem đại quân sang đất Giao Châu.

    Nhận được hung tin, Ngô Quyền sau khi làm lễ phát tang, cùng em vợ là Dương Tam Kha kêu gọi binh sĩ, được sự hưởng ứng của tất cả mọi người, Ngô Quyền thống lĩnh đạo quân kéo ra Bắc trị tôi kẻ phản phúc đang nối giáo cho quân Nam Hán.

    Khi kéo quân tới gần thành Ðại La, Ngô Quyền phải phân vân trước hai thế lực: thù trong và giặc ngoài. Vốn dòng võ quan, Như Ngọc am tường binh thư. sách lược, phụ giúp cho chồng thu phục nhân tâm.

    Sách Thiên Nam Ngữ Lục ghi lời rao tác động tâm lý được phổ biến:
    “Bảo nhau dắt trẻ, phù già
    Bỏ chưng Công Tiễn, về nhà Ngô Vương”

    Mùa Ðông năm 938, khi đại quân của Ngô Quyền vây thành Ðại La, cho người dùng loa kêu gọi Kiều Công Tiễn đầu hàng, nhận được tin tức tiếp ứng, nhiều võ quan và binh sĩ nổi loạn, nội tình rối loạn, Ngô Quyền đột phá cổng thành, bắt Kiều Công Tiễn, lên án kẻ phản bội rồi chém đầu.

    Trong khi đó vua Nam Hán bàn thảo kế hoạch tiến công, Tiêu Ích cho rằng “Ðường bể hiểm và xa, Ngô Quyền là người kiệt liệt, không nên khinh thường” (Việt Sử Tiêu Án), nhà vua không nghe, cho đạo quân xuôi Nam bằng đường thủy.

    Tháng 12 năm 938, Ngô Quyền áp dụng chiến thuật vừa đánh vừa nhử, một mặt cho quân sĩ cắm cọc nhọn bịt sắt dưới lòng sông Bạch Ðằng, một mặt cho thủy quân dùng thuyền nhẹ ra vịnh Hạ Long khiêu chiến rồi rút dần vào cửa sông Bạch Ðằng. Hoằng Thao cho chiến thuyền đuổi theo, đợi khi thủy triều xuống, quân sĩ của Ngô Quyền mai phục hai bên bờ sông tung ra xông trận, thủy quân Nam Hán hoảng hốt quay thuyền tháo lui, bị cọc sát đâm thủng, quan quân rối loạn, hàng ngũ tan rã, Hoằng Thao bị giết, máu quân Nam Hán loang đỏ dòng sông.

    Chiến thắng lẫy lừng của Ngô Quyền trên sông Bạch Ðằng với quân ngoại xâm ghi lại chiến tích hào hùng cho trang sử, đem lại quyền tự chủ của dân tộc sau 11 thế kỷ bị nội thuộc.

    Năm Kỷ Hợi (939) Ngô Quyền xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa (Ðông Anh, Hà Nội), nhà vua đặt lại triều chính, chỉnh đốn cơ nghiệp cho triều đại dành được quyền tự chủ nhưng rất tiếc, Ngô Quyền làm vua được 6 năm, quan đời ngày 18 tháng Giêng năm Giáp Thìn (944) , thọ 47 tuổi. Ðền thờ Ngô Vương được lập ở Ðường Lâm.



    Lăng mộ Ngô Quyền tại Đường Lâm - Hà Tây ( nay thuộc Hà Nội)

    Sau nầy Hưng Ðạo Vương đại phá quân Nguyên cũng trên dòng sông Bạch Ðằng ghi lại chiến công hào hùng nhất trong lịch sử nước nhà làm vẻ vang dân Việt.

    Vào thế kỷ XIII, bài thơ Hành Dịch Ðăng Gia Sơn của danh sĩ Phạm Sư Mạnh, học trò xuất sắc của Chu Văn An được lưu truyền cho hậu thế hình ảnh thật hào hùng:

    Hành Dịch Ðăng Gia Sơn
    Hành dịch đăng gia sơn,
    Kiều thủ vạn lý thiên.
    Ðổ bằng nam minh ngoại,
    Tân nhật đông nhạc tiền.
    Yên Phụ thiên nhất ác,
    Tượng Ðầu nhẫn cửu thiên.
    Tằng tằng Tử Tiêu vân,
    Hội phỏng An Kỳ tiên.
    Húng húng Bạch Ðằng đào,
    Tưởng tượng Ngô Vương thuyền.
    Ức tích Trùng Hưng Ðế,
    Khắc chuyển khôn oát kiền. Hải phố thiên mông đồng,
    Hiệp môn vạn tinh chiên.
    Phản chưởng điện ngao cực, Vãn Hà tẩy tinh chiên.
    Chí kim tứ hải dân,
    Trường thuyết cầm Hồ niên.

    Dịch Nghĩa

    Nhân Ði Việc Quan, Lên Chơi Núi Quê Nhà
    Nhân đi việc quan, thăm núi quê nhà,
    Ngẩng đầu nhìn giữa trời cao muôn dặm.
    Thấy chim bằng tận ngoài biển Nam,
    Ðón mặt trời trước dãy núi phía Ðông.
    Núi Yên Phụ cách trời trong khoảng tất,
    Núi Tượng Ðầu cao chín nghìn mẫu .
    Lớp lớp trời mây phủ trên đỉnh Tử Tiêu,
    Nhân dịp hỏi thăm tiên An Kỳ.
    Sóng Bạch Ðằng cuồn cuộn.
    Tưởng tượng tới thuyền của Ngô Vương.
    Tưởng nhớ hình ảnh vua Trùng Hưng xưa,
    Khoảnh khắc làm xoay chuyển đất trời.
    Hàng nghìn chiến thuyền ngoài cửa biển,
    Muôn vạn lá cờ lệnh trên cửa ải.
    Trở bàn tay tạo bờ cõi bình yên
    Kéo nước sông Ngân rửa sạch vết tanh hôi.
    Mãi đến hôm nay lòng dân cả nước,
    Nhắc mãi năm xưa đuổi bắt giặc Hồ.

    Sách Ðai Nam Quốc Sử Diễn Ca lược ghi:

    “Bạch Ðằng một trận giao phong
    Hoằng Thao lạc vía, Kiều Công nộp đầu
    Quân thân đã chính cương trù
    Giang sơn rầy có vương hầu chủ trương
    Về Loa Thành mới đăng quang
    Quang danh cải định, triều cương đặt bày...”

    Bài phú Bạch Ðàn Giang Phú của Trương Hán Siêu vào thế kỷ XIV đời nhà Trần nói lên hình ảnh trong chiến trận Bạch Ðằng:

    Bát ngát sóng kình muôn dặm
    Thướt tha đuôi trĩ một màu...

    ... Sông chìm giao ngã, gò đầy xương khô...
    Ðến nay nước sông tuy chảy hoài
    Mà nhục quân thù không rửa nổi!”

    Sau khi Ngô Vương mất đi, nội tình rơi vào tình trạng phân hóa trầm trọng bởi việc tranh quyền trong gia đình, mang lại hậu quả thảm thương ở vương triều và đất nước.

    Ngô Vương lập Dương Như Ngọc làm vương hậu, có hai người con là Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn; khi Ngô Vương qua đời, để di chúc lại cho Ngô Xương Ngập nhưng Dương Tam Kha, cướp lấy quyền cháu, tự xưng là Bình Vương (945-950). Ngô Xương Ngập thấy nguy nên trốn sang Nam Sách rồi vào núi ẩn náu.

    Dương Tam Kha bắt Ngô Xương Văn làm con nuôi, thời gian nầy có nhiều loạn nổi lên vì bất đồng với Dương Tam Kha. Năm Canh Tuất (950) có loạn ở Sơn Tây, Dương Tam Kha sai Ngô Xương Văn và hai tướng Dương Cát Lợi và Ðỗ Cảnh Thạc đem quân dẹp loạn. Vừa mới động binh di chuyển đến từ Liêm thì Ngô Xương Văn bàn mưu cùng hai tướng quay trở lại bắt Dương Tam Kha; nghĩ tình cậu cháu nên giáng cấp Dương Tam Kha xuống làm Chương Dương Công (nay là bến Chương Dương Ðộ) để thu thuế nơi đó mà sinh sống.

    Ngô Xương Văn lên làm vua xưng là Nam Tấn Vương, cho người mời Ngô Xương Ngập về chia ngôi vị, xưng là Thiên Sách Vương vì vậy sử gọi là Hậu Ngô Vương.

    Bấy giờ nhà Nam Hán rất mạnh nên Nam Tấn Vương xin thần phục Trung Hoa do đó Hán Ẩn Ðế phong cho Ngô Xương Văn làm Tĩnh Hải Tiết Ðộ Sứ. Giữ ngôi vị được 15 năm (950-965) thì bị bắn chết trong trận giao chiến ở Thái Bình, không có con kế tự nên con của Ngô Xương Ngập là Ngô Xương Xí lên thay, đóng ở đất Bình Kiều. Bấy giờ trong nước rơi vào tình trạng loạn lạc, Ngô Xương Xí xưng là Ngô Sứ Quân, sử ghi đó là thời kỳ Thập Nhị Sứ Quân.

    Ngô Quyền có công gầy dựng nên nhà Tiền Ngô với hình ảnh cao đẹp, mở ra thời đại tự chủ, tiếc rằng con cháu không tiếp nối ngọn cờ chính nghĩa để cơ nghiệp Ngô Vương được trường tồn.

    Vương Trùng Dương





    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 01-03-2011, 01:17 AM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
    Similar Threads
  • #16

    DANH NHÂN NƯỚC VIỆT -Mai Hắc Ðế (722)

    Mai Hắc Ðế (722)
    Khơi Nguồn Khởi Nghĩa Ðường Lâm

    Sau khi Lý Phật Tử xin thần phục nhà Tùy ở Trung Hoa để chịu ách Bắc thuộc lần thứ ba, đất nước Giao Châu lệ thuộc vào nhà Tùy (589-617) vào năm 603.

    Khi Ðường Thái Tông lập nên triều đại nhà Ðường (618-907), trong thì dùng Phòng Huyền Linh, Ðỗ Như Hối, Ngụy Trưng; ngoài thì dùng Lý Tính, Lý Tích để thu tóm bốn phương vào một mối.

    Vào đầu thế kỷ thứ VIII, sau thời gian Võ Tắc Thiên giữ ngôi Nữ Vương, lấy quốc hiệu là Chu, Lý Long Cơ lập lại vương triều nhà Ðường, đưa thân phụ lên ngôi Hoàng Ðế là Ðường Duệ Tông, vài năm sau ngôi báu được nhường cho Lý Long Cơ là Ðường Huyền Tông, thời Trung Ðường. Ðời Ðường Huyền Tông (713-756), nền văn học nghệ thuật của Trung Hoa được đánh dấu thời kỳ cực thịnh, thi ca thời Sơ Ðường (618-713) và Thịnh Ðường (713-776) rất lẫy lừng bởi những nhân tài xuất hiện như Vương Xương Linh, Vương Duy, Thôi Hiệu, Lý Bạch, Ðỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Trương Kế... để lại biết bao áng thơ trác tuyệt cho hậu thế, tạo niềm hãnh diện trong văn học với ánh hào quang trên văn đàn quốc tế.

    Thế nhưng, từ Ðường Thái Tông đến Ðường Huyền Tông vẫn áp dụng con đường bành trướng của các triều đại cũ, cố mở rộng chính sách chinh phục từ Tây Vực đến Triều Tiên sang phía Nam bờ cõi, duy trì chính sách cai trị bằng vũ lực vì vậy quan lại ở biên cương có cơ hội trấn lột .

    Năm Kỷ Mão (679) Giao Châu đổi thành An Nam Ðô Hộ Phủ, đóng đô ở Giao Châu, thay đổi khu vực, chia ra 12 châu và 59 huyện. Nước ta gọi là An Nam khởi nguồn từ đó.

    Trong 12 châu đó gồm: Giao Châu, Lục Châu, Phúc Lộc Châu, Phong Châu, Thang Châu, Trường Châu, Chi Châu, Võ Nga Châu, Võ An Châu, Ái Châu, Hoan Châu và Diễn Châu. Vì vậy, danh xưng địa danh Giao Châu kể từ đó gồm 8 huyện chung quanh khu vực Hà Nội ngày nay.

    Ðất nước An Nam trong thời gian đó luôn luôn bị loạn lạc giữa nội tình và ngoại xâm. Có nhiều cuộc nổi dậy để chống lại ách thống trị của nhà Ðường, trong đó có Mai Thúc Loan, huyện Thiên Lộc, Hoan Châu (nay thuộc Thạch Hà, Hà Tĩnh).

    Quê hương của Mai Thúc Loan nổi tiếng với quả vải, người dân phải thu hoạch rất nhiều rồi chọn lọc ra loại tuyệt hảo để cống phẩm cho quan chức hưởng thụ và mang về dâng cho triều đình. Nạn cống triều với quả vải, còn gọi là lệ chi được gọi là “cống lệ chi” làm cho dân tình điêu linh, khốn khổ.

    Sống trong cảnh lầm than đó, dòng họ Mai đã cam chịu từ đời nầy sang đời khác trong mảnh đất được gọi là gò họ Mai. Thế rồi, người đàn bà bất hạnh với cảnh đói rách phải đi làm thuê quần quật để lo cho miếng cơm manh áo, mang lấy bào thai, đẻ ra đứa con đen thui, đặt họ mẹ tên là Thúc Loan ở làng Ngọc Trừng.

    Theo sách Thiên Nam Ngữ Lục thì người đàn bà nghèo khó nầy đến xem nấu muối, bị một làn khói muối ngũ sắc bao lấy mình rồi mang thai. Tuy đen đủi, xấu xí nhưng Mai Thúc Loan thông minh, lanh lợi, có sức khỏe lạ thường và vô cùng gan dạ. Là người con chí hiếu, Mai Thúc Loan phụ giúp cho thân mẫu làm lụng, vào rừng kiếm củi. Thế rồi, cuộc đời bất hạnh lại ập đến cho cuộc đời cậu bé khi thân mẫu bị cọp vồ chết để cam phận trong cảnh đời mồ côi.

    Mai Thúc Loan sớm sống cuộc đời tự lập, đi làm thuê cho gia đình làm lò đúc đồng, được thời gian rồi không chịu cảnh bị ức hiếp của bọn quan lại, hào phú nên theo phường săn bắn cho thỏa nguyện với cuộc sống. Nhờ có sức khỏe và nhanh nhẹn nên Mai Thúc Loan trở thành tay đô vật và giỏi cung tên, được dân địa phương bầu làm thủ lĩnh. Người thợ săn Mai Thúc Loan có mồi thù truyền kiếp với thù dữ nên bất chấp hiểm nguy, nghe nơi nào có bóng dáng thú dữ lai vãng liền tìm đến để diệt trừ. Tính gan dạ, can cường đó đã tạo niềm tin với mọi người nên khi có giặc Chà Và và Côn Lôn cướp bóc, dân làng tôn Mai Thúc Loan lãnh nhiệm vai trò “Ðầu Phu” để chống trả với giặc cướp.

    Rồi mùa vải lại đến, quan quân nhà Ðường bắt dân chúng phải thu hoạch và cống nạp, Mai Thúc Loan lãnh trách nhiệm cầm đầu nhóm dân phu, băng rừng lội suối để mang cống phẩm về châu, huyện.

    Hận thù trước ách thống trị đó, Mai Thúc Loan liền hô hào dân chúng nổi dậy, năm Nhâm Tuất (722), năm Khai Nguyên thứ mười đời Ðường Huyền Tông ở Trung Hoa, cuộc phất cờ khởi nghĩa của Mai Thúc Loan được thành công khi chiếm được Hoan Châu, lập căn cứ cho công cuộc nổi dậy chống Bắc phương. Mai Thúc Loan chọn căn cứ Hùng Sơn, Ðại Sơn đề xây hào,đắp lũy và xây thành Vạn An, tự xưng là Hoàng đế và được mệnh danh là Mai Hắc Ðế.

    Ðường đi cống vải từ đây dứt
    Dân nước đời đời hưởng phúc chung”.

    Cuộc khởi binh của Mai Thúc Loan được tiến hành chớp nhoáng nhờ sự hưởng ứng của dân làng, nghĩa binh từ vùng nầy lan rộng sang làng khác, có được đạo quân đông đảo , tuy chưa được huấn luyện thuần thục nhưng cũng áp đảo được quân giặc.

    Ðể tạo uy thế mạnh mẽ, Mai Hắc Ðế cho sứ giả vượt đèo Ngang vào Nam, qua Vụ Ôn sang Tàu, liên kết với Chân Lạp và Lâm Ấp để chống cự với quan quân nhà Ðường; và được sự hỗ trợ của hai nước láng giềng nầy. Mai Hắc Ðế chiếm được phủ thành Tổng Bình (Hà Nội), quan Ðô Hộ Quang Sở Khách hoảng sợ phải tháo chạy về nước xin cầu viện binh.

    Nhà Ðường phái quan Nội Thị là Dương Tư Húc cùng Quang Sở Khách đem đại quân trở lại xung trận với Mai Hắc Ðế. Trước vũ lực hùng mạnh cuả quân Bắc phương, Mai Hắc Ðế khó chống cự nổi nên rút vào vùng núi Hùng Sơn, còn gọi là Rú Ðụn, bên bờ sông Lam, cầm cự được thời gian ngắn, lâm bệnh nặng rồi mất.

    Ngày nay ở núi Vệ Sơn, Nghệ Tĩnh còn có vết tích di tích thành cũ của Mai Hắc Ðế và còn đền thờ ở Nam Ðàn, Nghệ Tĩnh.


    Đền thờ Vua Mai tại Thị Trấn Nam Đàn.
    Tuy cuộc nổi dậy để khôi phục lại giang sơn đất nước chỉ trong thời gian rất ngắn nhưng đã nói lên ý chí quật cường của con người bất khuất trước ách thống trị của bạo lực.

    Người dân nhớ ơn Mai Hắc Ðế , lập đền, ghi lại áng thơ:

    “Hùng cứ Hoan Châu đất một vùng
    Vạn An thành lũy khói hương xông
    Bốn phương Mai Ðế lừng uy đức
    Trăm trận Lý Ðường phục võ công...”.

    Trong Ðại Nam Quốc Sử Diễn Ca đã ghi lại hình ảnh của Mai Hắc Ðế:

    “Quan Ðường lắm kẻ tham tài, Bình dân hàm oán, trong ngoài họp mưu. Mai Thúc Loan ở Hoan Châu Quân ba mươi vạn ruổi vào ải xa. Hiệu cờ Hắc Ðế mở ra, Cũng toan quét dẹp sơn hà một phương. Ðường sai Tư Húc tiếp sang, Hợp cùng Sở Khách, hai đàng giáp công, Vận đời còn chửa hanh thông, Nước non để giận anh hùng nghìn thu Lam thủy trăng in tăm ngạc lặn Hùng Sơn gió lặng khói lang không...””.

    Mai Hắc Ðế mất đi, An Nam chìm đắm lại trong thời kỳ Bắc thuộc.

    Và, trong thời gian sau đó, triều chính nhà Ðường rơi vào tình trạng bất an bởi Ðường Huyền Tông say mê Dương Quý Phi, An Lộc Sơn làm chức Tiết Ðộ Sứ kiêm cả khu vực Bình Lư, Phạm Dương và Hà Ðông (nay là Sơn Tây) để rồi làm cuộc tạo phản năm 755, Ðường Huyền Tông phải bỏ ngôi vua, lánh nạn ở đất Ba Thục.

    Mai Thúc Loan khởi nghĩa với địa lợi, nhân hòa nhưng chưa gặp thiên thời, nếu đúng vào giai đoạn tranh quyền ở Trung Hoa thì công cuộc quang phục quê hương sẽ được lâu dài.

    Gần bảy mươi năm sau, mới có ngọn cờ khởi nghĩa được tiếp nối với hình ảnh Phùng Hưng.

    Vương Trùng Dương
    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 11-03-2011, 02:38 AM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

    Comment

    Working...
    X
    Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom