• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Bánh trôi - bánh chay

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Bánh trôi - bánh chay


    BÁNH TRÔI - BÁNH CHAY



    Từ xa xưa, bánh trôi, bánh chay là món đầu vị của người Việt Nam đón Tết Hàn thực. Song ngày nay, ở Hà Nội và các thành phố lớn, bánh trôi, bánh chay được liệt vào hạng quà quanh năm, ăn vào lúc hơi ngót dạ, ăn cho mát, cho ngọt, cho thơm, nhất là lúc đắng miệng. Nhìn những niêu bánh trôi trắng muốt xếp bên nhau trên chiếc đĩa Bát Tràng con con thoang thoảng mùi hương hoa bưởi, đã gợi thèm lắm rồi.
    Làm bánh trôi chẳng tốn bao nhiêu nguyên liệu, mà cách làm lại đơn giản. Bánh trôi làm hoàn toàn bằng bột gạo nếp có trộn một chút gạo tẻ cho đỡ dính. Ðường phên, thứ đường mía nguyên chất đóng bánh mỏng chỉ bằng bao diêm; muốn ngọt mát thì chọn miếng mầu nâu nhạt, muốn ngọt sắc thì lấy mầu sẫm. Bánh trôi nặn xong thả vào nồi nước sôi sục. Những viên bánh trắng chìm xuống đáy nồi, lát sau nổi lên lượn lờ như đàn cá trắng đuổi nhau, ấy là lúc bánh chín. Vớt bánh xếp vào đĩa nhỏ, rưới lên trên ít nước nguội có pha hương hoa bưởi cho mặt bánh khỏi se (khi ăn gạn bỏ nước đi). Thú nhất là lúc cắn vỡ nhân đường, vị ngọt bỗng lan tỏa, thấm vào cái dẻo của vỏ bánh nhàn nhạt ban đầu, người ăn bỗng có cảm giác bâng quơ, ngọt thơm, dẻo mềm, mát lạnh lẫn lộn trong miệng, trên răng, trên lưỡi. Theo Từ điển Văn hóa cổ truyền Việt Nam, ở Hội Ðền Hùng người ta làm một mâm bánh trôi 100 chiếc, cúng xong chia đôi, đặt 50 chiếc trên bè lá sen thả xuống sông, 50 chiếc đặt trên núi, nhắc lại sự tích Một bọc trăm trứng.
    Bánh chay cũng làm như bánh trôi, nhưng có thêm đỗ xanh, vừng và bột đao. Bánh chay nặn to gấp ba bốn lần bánh trôi, không vo tròn mà nén dẹt trũng giữa. Ðặt nhân đậu vào giữa nắm lại vo tròn rồi thả vào nồi nước sôi. Bánh chín vớt ra thả vào nước nguội xong bày vào bát, ấn dẹt, rắc vừng lên trên. Mỗi bát thường bày chẵn bốn miếng, không bày lẻ hoặc nhiều hơn, như đã thành lệ. Hòa đường kính vào bột đao và nước đun sôi cho sánh, để nguội cho thêm nước hoa bưởi vào rồi giội lên ngập đĩa bánh, ăn mát như ăn xôi vò chè đường vậy.
    Bánh trôi, bánh chay, mỗi loại có một vị ngon ngọt khác biệt.
    Bánh trôi, bánh chay còn có nhiều kiểu chế biến khác. Bánh trôi "nóng" có thêm đỗ xanh, dừa sợi, gừng củ, thay vì đường phên lại là đường cát. Nước đường nấu với gừng lát giội lên bánh dẻo ngon, ngọt lịm, thơm mùi gừng tươi. Họ hàng với bánh chay đường là bánh chay "nhân thịt", có thăn lợn, nấm hương thái nhỏ nêm nước mắm xào cho săn lại rồi trộn với mứt bí làm nhân. Bánh cũng nặn tròn luộc chín, rắc vừng như bánh chay thường và cũng giội nước đường và nước hoa bưởi, ăn nguội. Không thích nước hoa bưởi thì cho dầu thơm vani nhưng lại đánh mất đi cái hương dân tộc quen thuộc từ bao đời.


    Sưu tầm
    Đã chỉnh sửa bởi Hương Bình; 05-04-2011, 11:29 AM.
    Similar Threads
  • #2


    Ở miền tây gọi là Bánh sôi nước, mấy viên nhỏ gọi là ĩ
    (có rắc thêm muối mè mới ngon)
    Móm này Mây thich lắm!

    Comment

    • #3

      Em cũng miền Tây nè, viên nhỏ nhỏ ở quê em gọi là lủm chủm. hehe

      Comment

      • #4

        Bạn biết gì về Tết Hàn Thực (3-3 Âm lịch)?

        Bạn biết gì về Tết Hàn Thực (3-3 Âm lịch)?

        Có xuất xứ từ Trung Quốc, Tết Hàn thực - vào ngày mùng 3/3 âm lịch hàng năm, đã trở thành một ngày Tết không thể thiếu trong năm của người Việt Nam theo phong tục cổ truyền.

        Vào ngày này, người Việt thường làm bánh trôi, bánh chay, nấu xôi chè lễ Phật và cúng gia tiên.



        Nguồn gốc Tết Hàn Thực

        Vào khoảng năm 654 trước Công Nguyên thuộc thời Xuân Thu, nước Tấn - một nước chư hầu của nhà Chu - có loạn. Vua nhà Tấn, lúc đó là Công tử Trùng Nhĩ, phải chạy lánh nạn. Cùng đi theo Trùng Nhĩ có một số bày tôi, trong đó có Giới Tử Thôi. Mấy chúa tôi long đong chạy khắp nước này qua nước khác, đầu tiên sang nước Địch, rồi trốn qua nước Vệ, đến nước Tề, lại sang nước Sở, suốt 19 năm trời lận đận, nhiều lúc vô cùng khổ sở.

        Một ngày kia, nửa đường bị thiếu lương thực, đói quá, không kiếm đâu ra thức ăn, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng Vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cảm kích vô cùng.

        Giới Tử Thôi theo phò Trùng Nhĩ suốt 19 năm trời, cùng nhau nếm trải bao nhiêu gian truân nguy hiểm. Về sau, Trùng Nhĩ giành lại được ngôi báu trở về làm Vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công trong lúc loạn lạc, nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi không oán giận gì, vì tự xét mình cũng không có công lao lớn, nếu có đi theo giúp đỡ nhà vua âu đó cũng chỉ là bổn phận của kẻ bày tôi. Vì vậy Tử Thôi về nhà đưa mẹ vào núi Miên Sơn ở ẩn. Vua về sau nhớ ra, cho người đi tìm.

        Giới Tử Thôi không chịu rời Miên Sơn ra lĩnh thưởng. Vua hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân lệnh, rốt cục cả hai mẹ con đều chết cháy. Hôm ấy đúng ngày 5/3 âm lịch.

        Vua thương xót, lập miếu thờ Tử Thôi trên núi và đổi tên núi đó là Giới Sơn, hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày (từ mùng 3-5/3 âm lịch) và chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng nhớ, do đó gọi là Hàn thực. Tục này được lưu truyền mãi về sau. Sau này, người Trung Quốc làm Tết Hàn thực vào ngày mùng 3/3 để tưởng nhớ vị tôi trung Giới Tử Thôi.



        Chị em cùng làm bánh

        Tết Hàn Thực ở Việt Nam

        Từ thời Lý, Tết Hàn thực đã được Việt hóa. Người Việt Nam ăn tết Hàn thực với mục đích chủ yếu là để lễ Phật và cúng gia tiên. Tết Hàn thực ở Việt Nam không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn được thực hiện.

        Người Việt tượng trưng cho Tết Hàn thực bằng bánh trôi, bánh chay với ý nghĩa đó là những thức ăn nguội (hàn thực) và gọi tết này là “Tết bánh trôi-bánh chay." Hiện nay, Tết này vẫn được duy trì ở miền Bắc, nhất là các tỉnh xung quanh Hà Nội.



        Bánh trôi nước


        Bánh trôi, bánh chay

        Bánh trôi và bánh chay thường được cho rằng có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng cũng nhiều sự tích cho rằng, bánh trôi, bánh chay có từ thời Hùng Vương. Tục làm bánh trôi, bánh chay để nhắc lại sự tích ”bọc trăm trứng” của bà Âu Cơ.

        Bánh trôi làm bằng bột nếp nhào nặn với nước, có nhân bằng đường phên. Gạo làm bánh trôi, bánh chay phải kén được nếp cái hoa vàng. Cứ chín phần nếp cho một phần tẻ hoặc non hai phần tẻ. Đường làm nhân bánh trôi ngon nhất là đường phên Dương Liễu, Cát Quê, những miếng đường vuông thành, sắc cạnh, đỏ thắm, rắn đanh và giòn, hương thơm mát.

        Bánh nặn xong, được thả vào nồi nước sôi. Bánh chìm xuống rồi nổi lên, “ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh” thì vớt ra và ngâm trong nước lã đun sôi để nguội cho săn trở lại rồi lại vớt ra bày vào đĩa. Đĩa bánh trôi được rắc thêm mấy hạt vừng trắng rang thơm.

        Nhắc đến bánh trôi, không ai là không nhớ bài thơ nổi tiếng của Bà chúa Thơ nôm Hồ Xuân Hương, bài thơ ví thân phận người phụ nữ ngày xưa với chiếc bánh trôi:
        Thân em vừa trắng lại vừa tròn
        Bảy nổi ba chìm với nước non
        Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
        Mà em vẫn giữ tấm lòng son
        Theo kinh nghiệm của những người nội trợ, cái "bảy nổi ba chìm" mà nhà thơ đã miêu tả trong bài thơ trên, là trạng thái của những chiếc bánh nổi lập lờ khi vừa chín tới, chứ không đợi đến khi bánh nổi lâu có thể bị nát. Và cái "tấm lòng son" nói trong bài, chính là hạt đường phên màu đỏ nâu trong nhân bánh phải còn nguyên vẹn, không bị vỡ và chảy nước, ví với người con gái dù có long đong ba chìm bảy nổi, vẫn giữ tấm lòng thành thực trong tình yêu.



        Bánh chay
        Bánh chay cũng làm bằng bột nếp nhào nặn với nước và cũng có nhân, nhưng nhân bằng đậu xanh nấu chín. Đỗ để làm nhân bánh cũng phải là giống đỗ tiêu, hạt nhỏ, thơm; được hấp chín tới, giã mịn, trộn với đường kính trắng. Bánh chay được đựng trong bát, chan thêm một chút chè đường quấy với bột đao hay bột sắn dây ướp hoa bưởi.

        Hai thứ bánh tuy cùng làm bằng bột gạo nếp, nhưng mỗi thứ có hương vị đặc biệt riêng./.

        Sắm lễ và văn khấn
        Sắm lễ:

        Mâm lễ cúng ngày Tết Hàn Thực gồm: Hương, hoa, trầu cau và 5 (hoặc 3 bát) bánh trôi, 5 (3 bát) bánh chay dâng lên bàn thờ.

        Văn khấn Tết Hàn Thực: Tết Hàn Thực ngày 3 tháng 3 khi cúng Tổ Tiên thì phải khấn thần ngoại trước, thần nội sau.

        Văn khấn tết Hàn Thực

        Nam mô a di Đà Phật!

        Nam mô a di Đà Phật!

        Nam mô a di Đà Phật!

        - Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

        - Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

        - Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.

        - Con kính lạy Cao Tằng Tổ khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá, Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại.

        Tín chủ (chúng) con là:...........

        Ngụ tại:………………………

        Hôm nay là ngày……………………….. gặp tiết Hàn Thực, tín chủ chúng con cảm nghĩ thâm ân trời đất, chư vị Tôn thần, nhớ đức cù lao Tiên tổ, thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, đốt nén tâm hương, dâng lên trước án. Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.

        Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ..................... cúi xin thương xót con cháu giáng về linh chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.

        Tín chủ con lại kính mời các vị vong linh các vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ trong nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, phù hộ cho toàn gia chúng con luôn luôn mạnh khoẻ, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hoà thuận, trên bảo dưới nghe.

        Nam mô a di Đà Phật!

        Nam mô a di Đà Phật!

        Nam mô a di Đà Phật!
        Hãy hướng về phía mặt trời mọc bóng tối sẽ khuất sau lưng anh.

        Comment

        • #5

          món này hồi bé thích ăn lắm...
          Nhắc lại mới nhớ, hình như cũng mười mấy năm rồi chưa ăn lại bánh trôi :-(
          Ta nắm tay nhau, hai chiếc mặt nạ
          Cũng chỉ là một nửa cuộc đời
          Không tiếng khóc, không nụ cười
          Tay lần giở những lớp đời, mãi lạ!

          Comment

          Working...
          X
          Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom