Nguyễn Ngọc Tư
A Ma Hwuang, một thợ săn hàng đầu của thung lũng Bớt Cơn, vào năm chín mươi hai tuổi, bỗng dưng buồn hết phương, buồn như ly rượu đầy hong có ai cùng dzô. Lão từng vang danh trên chốn giang hồ về tài săn bắn, được mệnh danh là “ông vua của các loại bẫy”, bất kể là voi hay kiến cũng không thoát khỏi tay lão. Nhưng đám con với sáu bà vợ (mà lão đã bẫy được bằng dụng cụ ai - cũng biết - là - gì - đấy) sinh ra, không đứa nào kế tục sự nghiệp lẫy lừng của cha chúng. Não nùng lắm thay.
Thấy A Ma Hwuang thở ngắn thở dài, rầu rĩ râu ria ra rậm rạp, bỏ ăn bỏ ngủ, nước mắt cứ ứa ra từng cơn từng cơn gây ngập lụt cục bộ, mấy bà vợ mắt xanh mỏ đỏ của lão quýnh quáng gọi đám con về, trước là an ủi sau là cho ông già nhớ mặt mà viết di chúc chia gia tài không bị sót. Ta nói, bữa đó xe cộ dập dìu náo động như lễ mừng công. Nghe nỗi lòng ông già tía, A Ca Nhứt cười văng nước miếng, bảo trời ơi tưởng chuyện gì, ở thành phố con vẫn nối nghiệp tía đó thôi. Thiệt, con mua đất rẻ bèo ở xứ khỉ ho cò gáy rồi đồn nhảm là chỗ đó sắp quy hoạch thành khu du lịch, người ta ào tới mua đất con hét giá trên trời. Hốt bạc mấy hồi, giờ con lên hàng đại gia rồi, tiếng tăm đâu có thua tía ?!
Đó, truyền nhân đó, đâu có ở đâu xa xôi. Cả nhà hỉ hả vỗ tay mừng mắt ai nấy sáng trưng. Như A Ca Ngũ đi mần việc cho nhà nước đã từng nhận biết bao nhiêu bằng khen giấy khen, chỉ vì sáng kiến một việc vô cùng đơn giản, hôm nay nhổ bảng cấm ở đường này, mấy hôm sau đem cặm lại, ai lớ ngớ chạy vô bị bắt phạt, ngân sách địa phương tăng lên trông thấy. Chuyện nhỏ, nhưng phải có phẩm chất của con nhà thợ săn mới nghĩ ra được.
A Ma Hwuang nghe như cởi tấm lòng, không ngờ cái máu đặt bẫy của mình truyền đến đời con cháu vẫn mãnh liệt quá chừng. Như A Ca Tam, chỉ là anh công chức ít tiếng tăm, công việc lại buồn tẻ, suốt ngày buộc phải chúi mũi dòm ngó mấy cái đại nhạc hội váy xòe váy cụp, mà gien di truyền siêu bẫy vẫn chảy rậm rật. Anh nhận ra việc mấy cô nàng lộ hàng là góp phần kiến thiết đất nước, mà anh thì yêu nước vô cùng. Mấy cô đó cũng yêu nước theo cách của mấy cổ, nhiệt tình lộ, vì có khi lẹt đẹt hoài mà hong nổi tiếng, nhưng chỉ cần phơi da mười lăm giây là báo chí đăng tên rần rần. A Ca Tam thì thầm với mấy cha thiết kế, nói hãy ngắn hơn nữa lỏng hơn nữa tuột nhiều hơn nữa, mấy em cần thế sao mấy chú không giúp. Kết quả ngoài sự mong đợi, có tháng cơ quan của A Ca Tam ra biên lai phạt chừng chục vụ hở hang lộ hàng, đem lại nguồn thu ngoài kế hoạch hết sức quý.
Tía nói không có truyền nhân là đâu có phải, A Ca Tứ giờ mới cất giọng phân trần, tía coi cả thằng Út nhà mình, thằng A Ca Út lêu lổng không nghề ngỗng, không chịu học hành, giờ vá xe ngoài quốc lộ cũng ăn nên làm ra nhờ mỗi tối rải vài trăm gam đinh xuống đường. Nó vá xe mà có đại lý luôn đó, cứ năm trăm thước lại đặt một đại lý, ghê hong ? Tía nói coi, bẫy thế mới là bẫy chứ, phải loại thợ săn ác liệt lắm mới làm được chớ. Đấy là con chưa kể chuyện con…
A Ca Tứ nói tới đó thì thấy A Ma Hwuang ngoẹo đầu sang bên trút hơi thở cuối cùng, vẻ mặt vô cùng thanh thản. Cả gia đình siêu bẫy khóc òa lên trong mất mát, gọi ba ơi tía ơi…(… cất di chúc ở chỗ nao rồi ?) nhưng không hề tuyệt vọng, huyền thoại về vua của các loại bẫy sẽ được tiếp nối mãi, mãi...
(Tư Bờ Lau)