Công đức nhớ hai bà!
Bước vào tháng 02 (al) năm Tân Mão lại nhớ tháng 02 năm Quý Mão cách đây gần hai ngàn năm, vào năm 43 CN, vì ngày 06 tháng 02 năm đó, dân tộc ta chịu một cái tang chung: Hai bà Trưng sau khi trả thù nhà đã đền nợ nước tại Hát Giang:
Một bụng em cùng chị
Hai vai nước với nhà
Thành Mê khi đế bá
Sông Cấm lúc phong ba
Ngựa sắt mờ non Vệ
Cờ lau mở động Hoa
Ngàn năm bia đá tạc
Công đức nhớ hai bà
Có truyền thuyết cho rằng đôi nữ kiệt điểm tô sơn hà sau khi thất trận trước sói lang phương Bắc, đã tự trầm ở Cấm Khê vào ngày 03 tháng 02 âm lịch và ngày nay đền thờ Hai Bà ở Đồng Nhân Hà Nội còn lấây ngày này để mở hội tưởng nhớ công ơn phất lá cờ độc lập đầu tiên cho nòi Việt của Trưng nữ vương:
Cờ báo phục Hai Bà khởi nghĩa
Đuổi quân thù xưng đế một phương
Long Biên sấm dậy sa trường
Ba thu xã tắc miếu đường uy nghi
Xót nòi giống quản chi bồ liễu
Dòng Cấm khê còn réo tinh anh
Một phen sông núi tranh giành
Má hồng ghi dấu sử xanh đời đời.
(Vũ Hoàng Chương)
Nguồn cảm hứng từ chiến công oai hùng và gương hy sinh của hai bậc anh thư trong mấy ngàn năm qua không ngừng phát lộ ra văn chương, Thiên Nam ngữ lục, Đại Nam quốc sử diễn ca, Hát gian trường lệ (H. Minh Tuyền), Trưng nữ vương (Ngân giang), Hương phấn Mê linh (Đinh hùng) và nhiều tác phẩm thuộc loại vịnh sử khác của Nho gia. Không mấy người quên đoạn sử ca mà Lê Ngô Cát thuật lại sự nghiệp giải phóng dân tộc của Trưng nữ vương:
Bà Trưng quê ở Châu phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân
Ngàn Tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định dẹp yên Biên thành
Đô kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.
Tuy nhiên, bình luận về công nghiệp và cảm hứng đề thơ vịnh sự nghiệp của hai bậc anh thư này thì khó kiếm bài nào có lý luận sâu sắc và cảm xúc dạt dào bằng bài Bình luận và vịnh Nhị Trưng đăng trên tạp chí Tri Tân số 38, 1942 của Dương Bá Trạc.
Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, quê ở Hưng Yên, là một nhà Nho thành đạt sớm (17 tuổi đậu cử nhân), sớm thoát ly con đường danh lợi và dấn thân vào cuộc Đông Du, mưu đồ canh tân xứ sở (ông là một sáng lập viên của Đông kinh nghĩa thục) và giải phóng dân tộc. Ông từng bị thực dân Pháp giam giữ ở Hỏa Lò (Hà Nội) và đày ra Côn Đảo, rồi an trí ở Long Xuyên trong hàng chục năm mới được trở về Hà Nội.
Khi Nhật vào Đông Dương hất chân Pháp thì Trần Trọng Kim và Dương Bá Trạc được Nhật quân đưa sang Singapore hy vọng thuyết phục hai trí thức danh tiếng này cộng tác với họ. Chỉ ít lâu sau, ông qua đời ở nơi tha hương (Chiêu Nam) bên cạnh chỉ có một người bạn thân là Trần Trọng Kim.
Dương Bá Trạc không những là một chí sĩ mà còn là một trong những nhà văn tiền phong của văn học chữ quốc ngữ (từng viết cho Nam Phong Tạp Chí của Phạm Quỳnh). Ông cũng là thi sĩ và viết nghị luận và sử học.
Nếu Đinh Hùng trong bài Hương phấn Mê linh đã khắc họa bằng những nét đẹp nhất và hào hùng nhất chân dung hai vị anh thư:
Đầu voi hiện bóng cờ Nương Tử,
Vẳng tiếng canh truyền lệnh tiến binh.
Phấp phới tinh kỳ, loang ánh kiếm
Sông dài, biển rộng quẫy đuôi kình.
Thù nhà nợ nước nguyền chung gánh,
Rừng núi Châu Phong chứng mối tình
Trang sử oai hùng thêu nếp gấm,
Môi son hòa điệu hát đăng trình,
Lĩnh Nam một cõi hai vầng nguyệt,
Hai lưỡi gươm vàng dựng Đế Kinh.
Gợn nét mày chau, cơn gió hú,
Rung lên địa chấn, xóa mây thành.
Trỏ làn thư kiếm an thiên hạ,
Áo chiến mây choàng vóc liễu xinh
Tay ngọc vờn cao, giông bão nổi,
Sáu nhăm thành quách hết điêu linh.
Ai hay quốc vận còn hưng phế,
Chớp mắt ba thu mộng thái bình!
Biển dấy cuồng lưu, cao núi hận,
Cẩm Khê ngọc nát, đá tan tành.
Có nghe! Tiếng gọi hồn sông Hát,
Sóng cuộn Đồng Nhân tạc bóng hình.
Vằng vặc ngàn sao gương nữ kiệt,
Hai mươi thế kỷ bỗng nghiêng mình.
Thì Dương Bá Trạc đã Bình luận và vịnh Nhị Trưng bằng những lời sắt thép và chính xác như sau:
Ta đọc sử nước Pháp, thấy chép chuyện bà Jeanne d'Arc mà ta kính phục, ta kính mến. Kính phục về cái chiến công vĩ đại, chống được quân Anh, thu phục được giang sơn thành quách do tay một người con gái thân bồ vóc liễu làm nên; kính mến vì cái nhiệt thành ái quốc, cái nghị lực hy sinh, đến chết không đổi. Người Pháp đến nay vẫn còn ai tư sùng bái, mỗi năm mỗi làm lễ kỷ niệm bà, thật là xứng đáng.
Ta có ngờ đâu rằng, khi đọc lại quốc sử Nam mình, ta cũng được thấy trong con Hồng cháu Lạc, mà lại ở trong chốn khăn yếm buồng the cũng có hai bà lập nên được sự nghiệp cứu quốc oanh liệt hiển hách. Tuy thân thế cũng cùng chung một kết cục như bà Jeanne d'Arc, cũng vì tình thế trứng chọi với đá, sau lại bị quân cường địch đánh thua, đem thân tuẫn nước; nhưng cái lòng thành vị dân vị quốc không có lời ngon giọng ngọt nào cám dỗ nổi, không có tước lộc tiền của nào lay chuyển nổi, không có búa rìu sấm sét nào dọa nạt nổi, đã vì nước mà sinh thì nhất định vì nước mà tử cũng cùng một can đảm, cùng một tiết tháo với bà nữ kiệt Pháp kia.
Hai bà ấy là ai? Tức là người đã đuổi quan Tàu Tô Định, đã tung hoành trong bốn năm trời ở một cõi Lĩnh Nam hơn sáu mươi thành, đã dựng nên nghiệp đế ở thủ đô thanh danh văn vật, có triều đình, có chế độ, có quan văn võ tướng, có chính hình lễ nhạc trên dải đất My Linh, đã giải thoát giống nòi ta được một hồi ra khỏi lồng cũi cường quyền, lạc nghiệp an cư trong chỗ đệm êm chiếu ấm, là hai chị em nhà họ Trưng, bà Trắc và bà Nhị đấy.
Hai chị em bạn gái chân yếu tay mềm, gan dạ đến bậc nào! Phách lực đến bậc nào! Mà dám phấn nhiên khởi nghĩa kỳ, chỉ chắc cậy vào một tấm danh thanh tát bể dời non để chống chọi với hàng bao vạn mãnh tướng hùng binh, của lũ thiên triều kiêu ngạo!
Ta lại thử tưởng tượng cái công chuyện dã tràng xe cát: một bên thì đường đường đại quốc, sức mạnh, của giàu; một bên thì một dúm cô quân, hiệu lệnh chỉ huy tự hai người gái yếu; cứ lấy thế lực mà nói có khác gì châu chấu đá voi? Không biết tài lược cao cường đến thế nào, trí mưu thần diệu đến thế nào, về sự điều binh khiển tướng, dùng người trao chức, sắp đặt khôn khéo đến thế nào, mà yếu địch được mạnh, ít địch được nhiều, tạo thành được cái sự nghiệp dẹp loạn trừ tàn, đến quân Hán phải chịu thua, nền tự chủ trời Nam gây dựng nổi!
Ta lại thử tưởng tượng gặp cái lúc quân thua, thành vỡ, tính mệnh như một sợi tơ mành, nhiều người bình nhật tự phụ là anh hùng, hào kiệt, chí sĩ, nhân nhân cũng thường thấy nổi lên một trận tranh đấu kịch liệt ở trong lòng, một đằng là thân gia, một đằng là danh dự, mà có khi thân gia lại đắc thắng, danh dự vẫn phải lùi, để đến nỗi thành cái xú kịch Ích Tắc hàng Mông Cổ, Nguyên Trừng thờ Minh. Hai bà can đảm tiết tháo đến bực nào! Mà khảng khái bỏ mình trọn nghĩa, coi chết như về, mượn giòng nước Hát Giang, rửa nhục ngoảnh mặt với cái giàu sang vô vị, xem tựa đất bùn được thế ư?
Ta có thể đem chuyện hai bà góp vào lịch sử anh thư trong thế giới mà không thẹn chút nào; sánh với bà nữ kiệt Pháp kia còn bội phần vinh diệu vậy.
I
Nước nhà gặp cơn bĩ,
Trách nhiệm gái, trai chung,
Em ơi, đứng cùng chị!
Thù riêng mà nghĩa công.
Tham tàn căm tướng Hán,
Tai mắt tủi con Hồng;
Quản chi phận bồ liễu,
Kề vai gánh núi sông.
Lĩnh Nam bảy mươi quận,
Mặc sức ta vẫy vùng,
My Linh dựng nghiệp đế,
Nhi nữ cũng anh hùng!
II
Cấp nạn em cùng chị,
Anh hùng gái giống cha.
Quyết lo đền nợ nước,
Chẳng những vị thù nhà,
Voi Triệu đưa đường tiến,
Cờ Đinh mở lối ra.
Cõi Nam nền độc lập,
Muôn thuở tiếng hai bà!
Lòng ái quốc của chí sĩ họ Dương cảm thông được với tình yêu nước, yêu nhà sắt son của Hai bà Trưng nên thiên vịnh sử của ông chữ nào cũng là tình, nét nào cũng là lệ, giòng nào cũng là tôn sùng và ai điếu, kích thích tinh thần yêu giang sơn của nòi giống Lạc Hồng chẳng khác Hà Thành chính khí ca của Nguyễn Văn Giai ca tụng cái chết của Hoàng Diệu hoặc bài văn tế Trương công Định của thi gia Nguyễn Đình Chiểu.
Vị Nhân
Comment