Bài viết của tôi nói về ông anh trưởng này.
Năm 1953, thời kỳ Tổng thống ngô Đình Diệm chấp chính, anh trưởng tôi là lính Bảo an. Dạo ấy tôi còn quá bé, những kỉ niệm về ông anh này tôi ít lưu giữ được. Tôi nhớ mơ hồ, anh tôi hay làm phiền cha tôi. Đi lính Bảo an nhưng ông hay bỏ việc, nếu quy rõ trách nhiệm thì gọi là phạm tội đào ngủ. Nhưng may mắn một điều là anh tôi lại là lính của ông đại úy Biên, người hàng xóm của gia đình tôi. Đại úy Biên mời cha tôi lên đơn vị và báo cho cha tôi biết. Mỗi lần như thế, cha tôi lại hứa với đại úy Biên là sẽ thế này, thế nọ để đại úy Biên yên tâm. Thế là anh tôi vẫn đi làm lại bình thường …
Anh tôi thuộc dạng cá biệt, ham chơi bời lêu lỏng, thường tập họp bạn bè đàn hát, trai gái. Nói chung là bản tính nghệ sĩ (theo nghĩa xấu). Do đó tính nào tật nấy, anh tôi đã làm cha tôi mất uy tín với đại úy Biên.
Cho đến một hôm, tôi nghe tiếng xì xào giữa cha tôi với một người phụ nữ lạ mặt. Tôi chẳng biết chuyện gì, nhưng mang máng hiểu rằng, anh tôi đã bỏ đi, lần này, không về nữa.
Sau này lớn lên, hiểu chuyện, tôi biết rằng, anh tôi đã nghe lời ai đó xúi giục, bỏ ngủ, tập kết ra Bắc.
Biến cố 1975, cả nước thống nhất. Một ngày tôi về Huế, gặp lại anh tôi. Tính ra gần 20 năm, tôi gặp lại ông anh đầu. Anh em gặp nhau tuy vui, nhưng vì những rào cản ý thức hệ, hoàn cảnh khó khăn của từng người đã làm chúng tôi chua chát.
Lúc trở vào Huế, ông có dẫn theo hai đứa con trai, hơn nhau khoảng 3 tuổi, tôi được biết nó còn có hai cô em gái. Hai đứa trai lúc đó một đứa đã học lớp 8, một đứa học lớp 5. Ông anh không dẫn bà vợ vào thăm. Ông hiện đang ở Nghệ An, tại nông trường Tây Hiếu. Khi vào ông có mang theo một ít cà phê làm quà.
Bà chị dâu tại Huế, người ở vậy chờ chồng lúc ấy đi chợ mua cua về để đãi chồng. Con cua bò ngang ra ngoài. Thằng con trai đầu chạy theo ví bắt và hỏi bà chị dâu:
- Con ni con chi rứa bà?
Tôi sững người không ngờ đứa cháu học lớp 8, lại chưa bao giờ thấy con cua. Mà nếu không thấy thì đi học phải biết qua sách Giáo khoa. Ôi! Thế này là thế nào?
Cũng trong năm đó, ông anh đầu tôi vào Đà Nẵng thăm hai anh em tôi. Ông anh thứ hai của tôi vui lắm, mua quà cho ông rất nhiều. Và mới đây, lần gặp thứ ba, tháng 6 năm 2010, hai vợ chồng ông cùng hai vợ chồng đứa con gái đi xe hơi riêng mới tậu vào du lịch Đà Nẵng, Hội An đã ghé thăm tôi.
Mãi cho đến bây giờ, thú thật tôi vẫn không mảy may có ý định ra Nghệ An thăm hai vợ chồng, gia đình ông lấy một lần. Đây là một điều đáng kinh ngạc nếu người ngoài cuộc nghe, biết.
Đôi lần, tôi tự xét mình và thầm trách sao tệ thế. Nhưng có lẽ do nhiều nguyên do, đã ảnh hưởng tình cảm, thái độ của tôi chăng?
Tôi kể chuyện này có thể các bạn kinh ngạc, Đã 36 năm nay, kể từ biến cố 1975, chưa bao giờ, chưa một lần, bản thân ông hay một trong các thành viên gia đình ông có mặt một lần vào Huế để tham dự những dịp kỵ, giỗ, chạp mã, hay đám tang người thân, họ hàng trong gia đình họ Nguyễn mà ông là con trai trưởng.
- Năm 1978, cha tôi qua đời, ông vẫn bặt vô âm tin.
- Năm 1984, người anh kế ông qua đời, ông vẫn im lìm như không hay biêt.
Tôi tự nhủ phải chăng ông dưới lổ nẻ chui lên?.
Có lúc tôi nghĩ, có thể ông bận việc, hay đau ốm nhưng cũng vô lý vì trong suốt thời gian 36 năm không lý nào ông không một lần rỗi rãnh, trong lúc bản thân ông về hưu đã lâu.
Mặt khác, không phải là ông không vào Huế đâu. Bình thường, những lúc không có việc kỵ giỗ, chạp mã, thỉnh thoảng anh tôi ở Huế kể là ông vẫn vào Huế, thăm bà vợ đầu, thăm con gái, thăm ông anh bên ngoại của tôi. Như vậy thì vì lý do nào?
Tôi tự đặt câu hỏi và rồi tôi tự tìm cho mình câu trả lời: Ông sợ phải đóng góp tiền!!!
Nhưng mà nếu như thế thì ông anh đầu của tôi quá nông cạn và thiếu tìm hiểu.Kể từ 36 năm nay, gia đình tôi có bao giờ nói đến chuyện ông phải đóng góp tiền bạc để lo việc cho Ông Bà, Tiên tổ.
Trong khi đó, một điều buồn cười, việc xây lăng, dựng bia cho cha, mẹ chúng tôi, tên của ông được khắc lên đầu tiên. Vậy mà tôi không biết ông có bao giờ lên trên nghĩa trang làng Hiền Lương để thăm lấy mộ cha mẹ mình lấy một lần, nhìn bia dựng và tự hỏi thì ra mình là ông anh đầu, gia đình cũng thuộc vào loại khá giả, thế mà lại chẳng bao giờ có một chút trách nhiệm nào với các em trong gia đình; trong khi các em luôn luôn thực hiện nghĩa vụ đối với người đã khuất.
Tuy nhiên, những việc sau đây, tôi kể các bạn nghe mới thấy kinh hãi:
Như tôi đã nói, ông anh tôi có hai trai, hai gái. Hai người con trai đầu, học hành chẳng được, và lớn lên học nghề đi làm thợ sắt, thợ xây dựng nhà cửa. Tụi chúng nó đã lập gia đình, và đứa nào cũng có một con và trai. Tôi chỉ biết lờ mờ gia đình ông anh ở Nghệ An như thế.
Thế rồi vào năm 2004, tôi được tin ngoài Huế báo là đứa con trai đầu của ông anh ở Nghệ An bị xe tông chết. Chi tiết hơn một chút, là nó đang đứng trước sân nhà, một chiếc xe tải đâm sầm vào, chết tươi. Anh em chúng tôi trong này góp tiền, cử anh tôi ở Huế đại diện mang ra, chia buồn, phúng điếu.
3 năm sau, năm 2007, tôi lại nhận được tin qua điện thoại ông anh ngoài Huế báo đứa con trai còn lại đi làm về, trên đường bị xe tông, bị thương nặng. Ít hôm sau nó đã qua đời. Anh chị em chúng tôi lại góp tiền, cử anh kế tôi đại diện mang ra chia buồn.
1 năm sau, chúng tôi lại nhận được tin, đưa cháu nội trai của ông anh, con của đứa con trai đầu đi tắm sông bị chết đuối chết!
Như vậy tổng kết, ông anh trưởng của tôi, hiện giờ chỉ còn một đứa cháu nội trai, đích tôn độc nhất. Nếu không cẩn thận sẽ bị tuyệt chủng bên nhánh nhà của ông!
Khi đọc đến đây, không hiểu các bạn có suy nghĩ gì? Vấn đề số mệnh, vấn đề duy linh? Các bạn có đặt ra không? Tôi vẫn thắc mắc, tự hỏi: Không lẽ nào bi kịch lại cứ dồn dập đến với gia đình ông anh tôi ở Nghệ An như thế? Phải chăng có một sự quở trách, phê phán của kẻ khuất mặt: Ông, Bà, Tổ tiên?
Và tôi, tôi vẫn nhớ mãi câu chuyện “cá gỗ”, nói đến sự đói khổ khủng khiếp của xứ Nghệ An, nơi được mệnh danh là “chó ăn đá, gà ăn muối”.
Phải chăng mấy mươi năm tập kết ở Nghệ An, quá cực khổ đã tạo nên mẫu người vô cảm, ích kỷ ở ông anh?
Và tôi vẫn nghĩ thời gian những năm tháng đầu tiên ở nông trường Tây Hiếu chắc hẳn ông đã mõi mệt, khổ sở nhiều.
Tôi còn nhớ năm 1975, khi làm bản khai lý lịch mang ra Ủy ban quân quản kí xác nhận để tôi bổ sung hồ sơ, ông cán bộ nhìn bản khai của tôi, ông hỏi: “Ông này (ám chỉ ông anh trưởng) trước là thành phần thuộc lính ngụy phải không?”. Tôi hỏi lại:
- Sao ông biết?
- Nông trường Tây Hiếu là nơi tập trung của những thành phần lính ngụy tập kết!
À thì ra là thế!!!
Comment