
ĐẠO CA 1 - Pháp Thân
Ðầu thập niên 70, có sự gặp gỡ giữa tôi và nhà thơ Phạm Thiên Thư -- tức thiền sư Tuệ Không -- khiến cho nhạc của tôi bây giờ thiên hẳn về nhạc tâm linh mà trước đây tôi chỉ đem thoáng vào tâm ca hay vào những đoản khúc như LỮ HÀNH, XUÂN HÀNH v.v... Cách đây ít lâu, Phạm Thiên Thư đã cho tôi những lời thơ đẹp để soạn thành những ca khúc thoát tục như ÐƯA EM TÌM ÐỘNG HOA VÀNG, GỌI EM LÀ ÐÓA HOA SẦU, EM LỄ CHÙA NÀY... và bây giờ thì anh cho tôi những lời thơ đạo để tôi soạn thành MƯỜI BÀI ÐẠO CA.
Trong những bài báo viết về ÐẠO CA, tôi chọn bài của Georges Etienne Gauthier để giới thiệu vói các bạn. Bài này khởi đăng trên báo BÁCH KHOA (Saigon) từ số 332 tháng 11, 1970, rồi đăng tiếp trong các số 334, 335, 337, 339, 340, 342, 345, 346, 347, 350, 354, 355, 363, 367, 372 và chấm dứt với số 375, tháng 7-1972. Bản chuyển ngữ do nhà văn Võ Phiến, dưới bút hiệu Thu Thủy dịch.
Phạm Duy
Ðạo Ca: Tiến Về Ánh Sáng
Georges Etienne Gauthier
Trên mảnh đất Ðông Dương và còn trên nhiều miền khác trên thế giới, chân lý hàng ngày thường hiện bày dường như là chân lý của súng đạn và chiến cụ, chân lý của xương máu và hận thù. Toàn những thứ chân lý lọc lừa, những chân lý mà là những ngụy trá. Nhưng tôi muốn nhớ rằng tôi là một con người và tâm hồn tôi cần đến một chân lý rộng lớn hơn, êm đềm và dịu ngọt hơn, mà cũng vĩnh cửu hơn. Ði tìm chân lý, đó là hành trình mà Phạm Thiên Thư và Phạm Duy đề nghị với tôi khi bắt đầu mười bài thơ và khúc điệu này.
Nhưng cuộc đi tìm chân lý không ngắn ngủi, không dễ dàng gì. Bởi vì MƯỜI BÀI ÐẠO CA này giống như thể một thứ trường ca, với hướng đi rõ rệt, với sự luân chuyển của những màu sắc rất riêng biệt của thơ và nhạc nhưng cuối cùng tạo thành một bích họa mang tính cách gần như có một không hai. Nào! chúng ta đừng nên kéo dài mãi phần vào đề này, mà hãy lên đường đi tìm chân lý. Và để nhất quyết làm cuộc hành trình đi đến tận cùng của chính chúng ta, trước tiên hãy rũ một chút bóng râm xuống tâm hồn mình...
Xưa em là kiếp chim, chết mục trên đường nhỏ
Anh làm cội băng mai, để tang em, chờ mấy thuở
Xưa em làm kiếp lá, rụng xuống lòng suối thu
Anh làm mưa tháng bẩy, đôi hàng lệ ướt tương tư
Xưa em làm kiếp hoa, chết rũ trong nội cỏ
Anh làm giọt sương sa, sầu thương em, lệ anh nhỏ
Xưa em làm kiếp gió hay có làm kiếp mây
Anh làm chim chích choè, trên đầu gậy, anh hát ca
A ha, ta tuy hai mà một ! A ha, ta tuy một mà hai !
A ha, ta tuy hai mà một ! A ha, ta tuy một mà hai !
Anh làm cội băng mai, để tang em, chờ mấy thuở
Xưa em làm kiếp lá, rụng xuống lòng suối thu
Anh làm mưa tháng bẩy, đôi hàng lệ ướt tương tư
Xưa em làm kiếp hoa, chết rũ trong nội cỏ
Anh làm giọt sương sa, sầu thương em, lệ anh nhỏ
Xưa em làm kiếp gió hay có làm kiếp mây
Anh làm chim chích choè, trên đầu gậy, anh hát ca
A ha, ta tuy hai mà một ! A ha, ta tuy một mà hai !
A ha, ta tuy hai mà một ! A ha, ta tuy một mà hai !
... Bởi vì chính cái cổng vào Ðạo Ca Một ấy đang chìm trong một hoà điệu mờ ảo, dị thường và như là mê hoặc -- lối hoà điệu chuyển hành rất thích hợp với mục đích thăng hoa cuộc sống, ca ngợi tình yêu huyền hoặc giữa những con người -- nhưng giai điệu của Phạm Duy này, len lỏi khó khăn qua giọng Sol trưởng lững lờ để nghỉ lại ở một hợp âm Mi giảm, chỉ có thể đạt hết được ý nghĩa trong hoà điệu có tính cách ấn tượng và nhuốm màu nhạc vô thể đó mà thôi. Thực ra, có thể nói rằng giai điệu này phát sinh chính từ hoà điệu vậy.
Mình với ta tuy hai mà một. Ta với mình tuy một mà hai... những câu thơ ấy của Tản Ðà bỗng nhiên xuất hiện vào giữa nhạc phẩm. Vũ trụ chỉ là một; chúng ta không phải tìm chân lý vì chân lý chính là chúng ta. Và trong một đoạn rất tương phản, nhạc Phạm Duy sẽ nhấn mạnh sự xác thực của nhất nguyên tính ấy. Do đó, giọng Sol trưởng vừa rồi càng lững lờ và bấp bênh bao nhiêu thì giọng Mi giảm lúc này càng chắc chắn và quả quyết bấy nhiêu, trong sự diễn tả niềm hạnh phúc trĩu nặng mà nghệ sĩ đang cảm thấy. Tôi yêu nét hân hoan trong vinh quang của giọng Mi giảm, nó hoàn toàn điển hình cho nhạc Phạm Duy.
Xưa em làm kiếp ao, ưu tư mùa cuối Hạ
Anh làm chim bói cá, đậu soi mấy mùa trăng
Xưa em là chữ biếc, nằm giữa lòng cuốn kinh
Anh là thiền sư buồn, ngồi tụng dưới ánh trăng
Xưa ta hẹn với nhau, tìm nhau giữa vô thường
Anh hoá thân làm mực, thấm vào cuốn kinh thơm
Mai sau chờ nhau nhé, đầu thai vào kiếp hoa
Chốn mây mờ phiêu bạt, chờ đợi... chim hót ca.
A ha, ta tuy hai mà một ! A ha, ta tuy một mà hai !
A ha, ta tuy hai mà một ! A ha, ta tuy một mà hai !
Anh làm chim bói cá, đậu soi mấy mùa trăng
Xưa em là chữ biếc, nằm giữa lòng cuốn kinh
Anh là thiền sư buồn, ngồi tụng dưới ánh trăng
Xưa ta hẹn với nhau, tìm nhau giữa vô thường
Anh hoá thân làm mực, thấm vào cuốn kinh thơm
Mai sau chờ nhau nhé, đầu thai vào kiếp hoa
Chốn mây mờ phiêu bạt, chờ đợi... chim hót ca.
A ha, ta tuy hai mà một ! A ha, ta tuy một mà hai !
A ha, ta tuy hai mà một ! A ha, ta tuy một mà hai !

Comment