• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Hà Nội về đêm : Khi không gian riêng tư mở ra đường phố

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Hà Nội về đêm : Khi không gian riêng tư mở ra đường phố

    Hà Nội về đêm : Khi không gian riêng tư mở ra đường phố


    Nói đến Hà Nội, mọi người đều nghĩ ngay đến Hồ Gươm, Tháp Rùa, Chùa Một Cột…, các hình ảnh hầu như lúc nào cũng xuất hiện trong những tập sách ảnh về thủ đô của Việt Nam. Thế nhưng, lẽ dĩ nhiên Hà Nội không chỉ có thế, và mới đây, André Lützen, một nhiếp ảnh gia người Đức đã cung cấp cho mọi người một khía cạnh mới lạ, ít thấy về thủ đô Việt Nam, đặc biệt là về đêm, qua tập ảnh mang tựa đề tiếng Anh Public Private Hanoi (“Hà Nội riêng tư nhưng công khai”).




    Bìa tập ảnh về Hà Nội của André Lützen DR


    Tập ảnh dày 112 trang vừa được nhà xuất bản Đức Kehrer (Heidelberg) cho ra mắt độc giả vào hạ tuần tháng 12/2010, giới thiệu hơn 70 bức ảnh màu trong loạt ảnh về Hà Nội của André Lützen, kèm theo một bài khảo luận về cuộc sống tại Hà Nội của Nora Luttmer, một nhà báo Đức từng nghiên cứu về Việt Nam. Quyển sách được viết bằng hai ngôn ngữ Anh và Đức.

    Lược qua các hình ảnh được nhà nhiếp ảnh Đức ghi lại, điểm đầu tiên thu hút độc giả là các bức ảnh cho thấy cảnh Hà Nội về đêm, nhưng không phải là tại các khu thị tứ đông người thường thấy, mà là trong các ngõ hẻm hay dãy phố bình dị, lúc thì vắng vẻ, khi thì ồn ào náo nhiệt.

    Qua ống kính của André Lützen, diện mạo các khu phố cổ Hà Nội, các địa điểm như Phúc Tân, Phúc Xá, hay Thanh Xuân, Văn Chương vân vân, đều thay đổi hoàn toàn dưới ánh đèn nhân tạo, mang một vẻ thi vị khác thường, không khác gì tranh vẽ.





    Một loạt ảnh thứ hai cũng thu hút người xem không kém, đặc biệt là độc giả phương Tây, đó là không gian riêng tư của người Hà Nội, lại được phô bày công khai dưới mắt mọi người, một cách rất tự nhiên, qua những sinh hoạt rất bình bình thường vào buổi tối như nghỉ ngơi, xem truyền hình, chơi đùa với trẻ con…

    Điểm độc đáo mà nhiếp ảnh gia Lützen đã thực hiện được, là đã đi vào tận bên trong các căn hộ của người Hà Nội để thu vào ống kính những hình ảnh thân mật rất thực, tại một đô thị mà như nhận xét của chính tác giả, ranh giới phân cách không gian riêng tư của từng gia đình, từng cá thể, với xã hội bên ngoài, với đường phố, như không hề tồn tại.

    Diện mạo thành phố thay đổi hoàn toàn dưới ánh đèn ban đêm

    Trả lời RFI qua điện thư, nhiếp ảnh gia Lützen cho biết anh đã thực hiện các bức ảnh về Hà Nội trong những điều kiện nào :

    Tôi chụp ảnh Hà Nội nhân một chuyến ghé thăm một vài năm trước đây. Khi lang thang trong thành phố vào ban đêm, tôi đã nhận thấy rằng cuộc sống riêng tư bên trong các căn nhà như lại được phô bày công khai ra trước mắt mọi người. Các cánh cửa hầu như đều rộng mở ra ngoài đường, vì vậy tôi có thể thấy cảnh các gia đình ăn uống ra sao, xem TV hoặc chơi đùa với con cái của họ như thế nào.
    Sở dĩ tôi quyết định chụp ảnh Hà Nội vào ban đêm, đó là do vấn đề ánh sáng và không khí. Ánh đèn vào ban đêm thay đổi hoàn toàn diện mạo thành phố. Buổi tối, sắc thái khác nhau của đèn đường, ánh nê-ông khác nhau trong các cửa hiệu hay phòng khách tạo ra cho bức ảnh một không khí đặc biệt mà ta không hề thấy lúc ban ngày.

    Đối với Lützen, cuộc sống sinh động của thủ đô Việt Nam chính là hấp lực thu hút sự chú ý của anh, nhất là sự « liền mạch » giữa hai không gian riêng và chung tại nơi này.

    Hà Nội thu hút tôi ở chỗ : đó là một thành phố đầy sức sống, sinh động như nhịp đập của trái tim, với các dạng thức khác nhau của cuộc sống và truyền thống văn hóa, hiện diện mọi nơi trên đường phố.
    Các khu phố cổ với bề dày lịch sử cũng như các khu nhà mới hơn ở Phúc Tân gần bên sông chẳng hạn, là những ví dụ rõ nhất về sự liền mạch giữa hai không gian cá nhân và công cộng tại Hà Nội. Người dân ở Hà Nội không có không gian rộng rãi để sống. Gia đình thì đông người, căn hộ thì chật hẹp, hệ quả là sự riêng tư không có. Người Hà Nội đã phải sáng tạo và tìm mọi cách để có thể làm việc, thậm chí để có thể có được một cuộc sống tươm tất.
    Theo tôi, Hà Nội sẽ thay đổi nhanh chóng để trở thành một đô thị hiện đại, một thủ đô với nhà cao tầng, đường phố rộng rãi và các trung tâm mua sắm. Tôi tin rằng hầu hết những gì tôi đã ghi lại bằng hình ảnh trong quyển sách này sẽ không còn được thấy trong những năm sắp tới đây.

    Theo Lützen, để thực hiện loạt ảnh này, anh không gặp khó khăn gì nhiều, cho dù có những bức chụp cảnh rất riêng tư. Lý do là vì người Hà Nội rất hiếu khách.

    Đôi khi không có vấn đề gì để chụp ảnh bên trong nhà và đôi khi khá khó khăn để rời khỏi nhà, bởi vì người Việt Nam rất hiếu khách. Tôi đã được nhiều người mời đến nhà chơi, ăn uống hoặc trò chuyện, và không muốn xúc phạm chủ nhà khi bỏ đi quá sớm.
    Thông thường tôi làm việc với một người phiên dịch, và người này hỏi giùm tôi xem có thể chụp hình hay không. Các bức ảnh tôi chụp hoàn toàn không phải là chụp lén. Tất cả các nhân vật trong ảnh đều biết rõ là họ được chụp ảnh.



    Khu phố Văn Chương ( Hà nội ) - André Lützen


    Lützen đặc biệt tâm đắc với một tấm ảnh mà anh chụp được ở khu Văn Chương, nơi đường xe lửa đi vào thành phố. Anh giải thích :

    Nếu phải chọn một bức ảnh tiêu biểu cho những gì tôi muốn nói, tôi sẽ chọn tấm ảnh cuối cùng trong cuốn sách. Theo tôi, đường rầy xe lửa đi xuyên qua các tòa nhà hai bên đã tượng trưng được cho vấn đề quản lý không gian tại Hà Nội. Khi nhìn bức ảnh này, tôi luôn luôn tự hỏi là các tòa nhà có trước, hay đường tầu có trước ?

    Những bức ảnh Hà Nội về đêm trong tập Public Private Hanoi có lẽ không xa lạ gì với người Hà Nội, vì đã được Viện Văn Hóa Đức Goethe Institute ở thủ đô Việt Nam triển lãm vào hạ tuần tháng 12/2010. Đối với Lützen, anh đã cố gắng thiết kế sự kiện đó một cách khác lạ, sao cho thể hiện được đầy đủ nhất những gì anh cảm nhận về Hà Nội.

    Cuộc triển lãm tại Hà Nội chính ra là một cuộc chiếu ảnh, với màn hình mỗi lần cho thấy ba bức ảnh cạnh nhau. Vì vậy, khán giả có thể xem những bức ảnh theo từng chuỗi liên tục, cứ mỗi 14 giây là hình ảnh thay đổi. Đôi khi chỉ có một bức thay đổi, hoặc cả ba cùng một lúc. Tổng cộng có 90 bức ảnh được chiếu lên.
    Chủ ý của tôi khi chọn cách triển lãm như vậy là để kết nối các bức ảnh lại với nhau và lồng các bức ảnh này vào một toàn cảnh rộng lớn hơn. Thay vì cô lập và cắt khúc thực tế bằng hình thức triển lãm truyền thống, nghĩa là dùng khung ảnh treo trên tường, hình thức mới đó cho phép ta thể hiện được nhịp điệu của sự chuyển động, thể hiện được dòng chảy sinh động của thực tế.

    Nhiếp ảnh gia André Lützen, sinh năm 1963 tại Hamburg, theo theo hoc ngành Truyền thông Nghe nhìn tại Học viện mỹ thuật Hamburg và nhiếp ảnh tại Trung tâm Quốc tế về Nhiếp ảnh New York. Hiện anh tham gia giảng dạy nhiếp ảnh ở Kiel và Essen.

    Quyển sách này là một tài liệu về một Hà Nội sắp biến mất”

    Cùng góp phần vào quyển sách ảnh về Hà Nội có nhà báo Nora Luttmer, sinh năm 1973, cư ngụ tại Hamburg. Cô từng nghiên cứu về lịch sử, chính trị và văn hóa Đông Nam Á ở trường đại học Đức Passau, cũng như ở Hà Nội và Paris, sau đó theo học ngành báo chí tại Mainz. Là người nói tiếng Việt thông thạo, kể từ giữa thập niên 1990, cô thường xuyên về Hà Nội, nghiên cứu sâu về Kiến trúc chùa chiền Việt Nam.

    Là người viết phần dẫn nhập cho tập ảnh của Lützen, chị Nora Luttmer đã đồng ý trả lời một số câu hỏi của RFI bằng tiếng Việt. Trước hết, khi so sánh Hà Nội với những thành phố khác mà chị đã có dịp viếng thăm, Nora ghi nhận :

    Hà Nội là một thủ đô Châu Á chưa bị phá để xây dựng một thành phố bằng bê tông và thép như ví dụ Singapore. Hà Nội rất đặc biệt với kiến trúc cũ, nhiều chùa, đền, phố xá, quán ăn ở ngoài đường và nhiều cây. Hà Nội là một thành phố rất xanh, rất đẹp. Đời sống hơi lung tung nhưng cùng lúc duyên dáng và vui vẻ.




    Chợ Đồng Xuân ( Hà nội ) lúc về khuya - André Lützen


    Em thấy tại Hà Nội, đường ranh giới không rõ ràng giữa cuộc sống riêng và sinh hoạt nơi công cộng. Chỗ em ở tại Hà Nội, đặc biệt là khu Hà Nội cổ, đông dân. Người ta dùng các vỉa hè, lòng đường và trong nhà để làm nơi sinh hoạt và mưu sinh, đời sống ở ngoài đường rất là nhiều.
    Trái với ví dụ như ở Đức, người ta luôn ở trong nhà chứ không phải ở ngoài đường, tại Hà Nội, em thấy rất nhiều người sống ở ngoài đường. Ngoài đường phố (ở Hà Nội), đời sống sinh động, vui vẻ nhiều hơn ở Châu Âu.

    Trong quyển sách Public Private Hanoi, Nora rất chú ý đến hai bức ảnh chụp cảnh gần chợ Đồng Xuân và dưới cầu Vĩnh Tuy

    Có hai bức ảnh em nhận xét rất đặc biệt cho Hà Nội hiện nay. Trang 41 có bức ảnh chụp gần chợ Đồng Xuân ban đêm. Đêm không có xe máy, không có người buôn bán, Hà Nội yên tĩnh và như 15 năm trước, người sống tại gần đấy vẫn ở ngoài đường, ngồi nói chuyện, ăn uống.

    Một bức ảnh nữa, ở trang 84, chụp cầu Vĩnh Tuy, một cây cầu mới và hiện đại, nhưng ở phía dưới, người ta vẫn ngồi uống bia hơi, hút thuốc lá như không có gì thay đổi.



    Dưới chân cầu Vĩnh Tuy - André Lützen


    Quyển sách này như là một loại tài liệu về một Hà Nội sắp biến mất, chậm chậm nhưng mà liên tục, và Hà Nội sẽ rất khác bây giờ.
    Em hơi sợ là Hà Nội cũ sẽ bị phá đi vì bây giờ có rất nhiều nhà mới. Rất nhiều nhà cũ bị phá để xây dựng các tòa nhà lớn. Theo người Hà Nội, có lẽ hiện đại thì tốt hơn, nhưng riêng em thì thỉnh thoảng cũng hơi buồn vì thành phố cũ bị phá đi.


    Nguồn :Chú Tư Ngố
    Nơi đọc báo không cần phải trèo tường
    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 11-03-2011, 06:09 PM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
    Similar Threads
  • #2

    Andre Lutzen: Lợi thế của người ngoài cuộc?

    Andre Lutzen: Lợi thế của người ngoài cuộc?

    Camera Lucida

    Trong khi phần nhiều các nhiếp ảnh gia Việt Nam đi về miền núi, hải đảo xa xôi để tìm cảm hứng sáng tác thì lại đang có không ít nhiếp ảnh gia nước ngoài tới Việt Nam để chụp đời sống của những người dân bình thường tại các thành phố lớn. Andre Lutzen là một trong những người như vậy. Với khoảng bốn tuần làm việc liên tục, ông đã hoàn thành bộ ảnh Public private Hanoi trong khuôn khổ dự án Hà Nội – một thành phố trong nghệ thuật do Viện Goethe tổ chức. Bộ ảnh được chụp ở ba khu vực chính: làng Phúc Xá ven đê sông Hồng, khu tập thể cũ Văn Chương, và khu phố cổ Hà Nội; trưng bày ở phòng hội thảo Viện Goethe từ ngày 16. 12 – 30. 12. 2010.

    Khác với các triển lãm ảnh truyền thống khi ảnh được in ra giấy, đóng khung treo tường, các tác phẩm được định dạng vuông, khổ lớn với ba màn hình chiếu trên tường chạy slideshow cùng một lúc. Cách trình bày khá đặc biệt này giúp cho người xem có thể theo dõi được nhiều ảnh hơn, với thứ tự và điểm nhấn được định hướng bởi tác giả. Một đặc điểm nữa là các ảnh được phóng khá to, và thời gian tạm dừng đủ lâu (trước khi chuyển sang ảnh tiếp theo), khiến cho người xem có thể quan sát kỹ hơn những bức ảnh vốn luôn có rất nhiều chi tiết.



    Lạc đề một chút. Trong buổi chuyện phiếm với bạn bè, chúng tôi có nói, nếu bây giờ được tài trợ để hoặc là trở lại châu Âu chụp ảnh hoặc là chụp ở những nước như Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc thì chúng tôi sẽ chọn option thứ hai. Đơn giản là một nơi tuy cổ kính, giàu truyền thống như châu Âu lại “nuột nà”, lại trật tự quá – rất ít chất liệu để sáng tạo, đặc biệt là trong nhiếp ảnh báo chí / đời thường. Trong khi ở những nước đang phát triển, sự vận động là không ngừng nghỉ, ở tốc độ và qui mô lớn nhất. Bên trong mỗi nước đó, thì các thành phố lớn đóng vai trò là các “melting pot”, với thật nhiều người liên tục đổ về, tìm kiếm cơ hội hay xoay xở vật lộn với cuộc sống, có thật nhiều thứ đang diễn ra, xảy ra từng ngày từng giờ. Do vậy chất liệu gần như là vô tận, không lo thiếu, chỉ lo chúng ta không biết có đủ trình độ, cảm hứng và công hiến để có được những tác phẩm, những dự án ảnh để đời không?


    Người nước ngoài chụp Việt Nam, phần nhiều dễ rơi vào tình trạng giống như người Việt Nam đi ra nước ngoài chụp, nhìn cái gì cũng lạ cũng thích và cũng chụp. Do đó ảnh dễ dãi, đôi khi tầm thường. Nhưng với Andre Lutzen trong dự án này tôi không thấy điều đó xảy ra. Ông đã đi từ những nơi công cộng (public) như đầu ngõ, khoảnh sân, cho đến những chốn riêng tư (private) nhất như bữa cơm gia đình, như một góc giường, góc bếp, v.v. Dù ở đâu, tôi luôn thấy trong những bức ảnh đó một Hà Nội bề bộn, với thật nhiều chi tiết, nhiều mảng màu trộn vào nhau, tưởng chừng như hỗn loạn, nhưng nếu nhìn đủ lâu, đủ kỹ thì lại thấy những bức tranh đó thật là lôi cuốn, giàu sức sống và tình cảm. Mỗi lần xem lại là một lần phát hiện thêm một chi tiết mới, một cảm xúc mới.


    Dưới đây là một số tác phẩm của Andre Lutzen được chụp lại (góc chụp từ dưới lên, lại qua máy chiếu nên chất lượng ảnh không tốt, và bị méo, mong quí vị thông cảm ) cùng với lời nhận xét của tôi.



    Quán bi-a. Một bức ảnh có màu sắc và bố cục hoàn hảo. Đầu của nhân vật chính bị khuất đi (có lẽ là do chụp từ cửa vào), nhưng lại khiến cho người xem để ý hơn tới bức poster ở giữa, tới màu sắc và những chi tiết toát lên sự mạnh mẽ của bức ảnh.




    Người đàn bà và con mèo – một cặp khá quen thuộc nếu chúng ta đã từng xem nhiều tranh / ảnh kinh điển thế giới. Nhưng ở đây không có chất sang trọng, cao quí hay vẻ đẹp thuần khiết, mà là một cái gì đó đời hơn, bề bộn hơn, nhưng theo tôi, cũng đẹp không kém.




    Một góc dưới gầm cầu mà bình thường ít ai để ý, nhưng dưới ánh nắng và góc nhìn của tác giả lại có đường nét, hình khối, màu sắc đẹp tới siêu thực.




    Không phải phòng họp quốc hội mà là một cửa hàng quần áo (?)




    Quán đêm với những bóng người đan xen cùng với những vệt mờ của chuyển động.



    Những nụ cười không thể nào tươi hơn, chỉ có ở những quán bia hơi Việt Nam!



    Bức ảnh thiếu nét (focus), nhưng lại thừa cảm xúc. Hai gương mặt, một đàn ông một đàn bà ở hai góc ảnh. Họ đang làm gì, nghĩ gì, có liên hệ gì với nhau? Một bức ảnh mà gợi cho người xem nhiều câu hỏi, nhiều suy nghĩ (có thể không rõ ràng, chắc chắn), theo tôi, bức ảnh đó sẽ là bức tuyệt vời nhất.





    Một góc phố bề bộn. Nền trời xanh thẫm lúc chập choạng tối, mặt tường vàng và một bóng người đỏ rực ở giữa.




    Một bà lão mà tuổi tác và vất vả in lên mặt, xoay xở trong góc nhà chật hẹp. Trên tường treo một bức ảnh, của bà hay của ai khác? Liệu có nhiều nếp nhăn như bà không?




    Những bàn chân trong một góc nhà bừa bộn và chật chội. Quạt con cóc, bình coca đựng nước, và những gì nữa?




    Vợ nấu cơm, chồng ngồi, đang uống rượu hay đang xem TV?




    Chen chúc mua hàng. Bạn nhìn chiếc dây chuyền, áo hở ngực hay là những ánh mắt?


    Trên đây là một số bức hình của Andre Lutzen trưng bày ở Viện Goethe. Một bộ ảnh tôi nghĩ là thành công, và xứng đáng. Một câu hỏi đặt ra là liệu người Việt Nam chúng ta có thể chụp được hay hơn như vậy không? Người nước ngoài có lợi thế là sự lạ mắt, là cảm hứng. Chúng ta có lợi thế là người trong cuộc, là những người đáng ra phải hiểu mình hơn. Nhưng liệu chúng ta có thể tự tìm ra vẻ đẹp từ những thứ quen thuộc, bề bộn tưởng như tầm thường đó? Hy vọng là có Hãy thử chờ xem!

    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 12-03-2011, 09:20 AM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

    Comment

    Working...
    X
    Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom