• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Nhạc Trịnh và những điều chưa tỏ

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Nhạc Trịnh và những điều chưa tỏ

    Nhạc Trịnh và những điều chưa tỏ

    Trịnh Công Sơn là một trong những nhạc sĩ được yêu chuộng nhất của Việt Nam
    Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất cách đây 10 năm và đã để lại cho đời hơn 600 ca khúc cùng những nghi vấn, tranh luận về con người chính trị của ông.
    Trưa ngày 30.4.1975 Trịnh Công Sơn lên tiếng trên đài Sài Gòn: “Hôm nay là cái ngày mơ ước của tất cả chúng ta, đó là ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn tất cả đất nước Việt Nam này. Cũng như những điều mơ ước của các bạn bấy lâu là độc lập, tự do và thống nhất thì hôm nay chúng ta đã đạt được tất cả những kết quả đó… Chính phủ Cách mạng Lâm thời sẽ đến đây với thái độ hoà giải tốt đẹp. Các bạn không có lí do gì sợ hãi để phải ra đi cả…”
    Sau đó ông cất tiếng hát “Nối vòng tay lớn”, một ca khúc do chính ông sáng tác và rất phổ biến ở miền Nam.
    Phát biểu của ông và chính sách của chính quyền mới đối với ông - và trí thức miền Nam – đã như một dấu đinh đóng chặt vào đời người nhạc sĩ nổi tiếng nhất của Việt Nam. Vì Trịnh Công Sơn được thế giới biết đến không phải là những bài tình ca, nhưng qua những ca khúc ông viết về ảnh hưởng của chiến tranh, về mơ ước hoà bình, về thân phận quê hương.
    Lùi lại quá khứ 30 năm trước lúc ông qua đời, là thời khắc của những năm đầu thập niên 1970 ở Sài Gòn, lúc ông mới ngoài 30 tuổi, thì đó là thời kì nhạc Trịnh bắt đầu lên cao điểm, cùng với độ nóng của cuộc chiến đang diễn ra tại Việt Nam.
    Những năm của thập niên 1960 người ta thường được nghe những bản tình ca của Trịnh như “Diễm xưa”, “Thương một người”, “Hạ trắng”, “Cát bụi Tình xa” hay “Tuổi đá buồn” qua làn sóng đài phát thanh Sài Gòn. Còn những ca khúc viết về quê hương, về thân phận người Việt chỉ thành phần sinh viên mới có dịp biết đến từ sân trường đại học ở Huế, ở Sài Gòn, ở quán Văn hay trên đường phố trong những cuộc biểu tình, đó là những “Ngụ ngôn mùa đông”, “Xin cho tôi”, “Chưa mất niềm tin”, “Đừng mong ai đừng nghi ngại” hay “Ta đi dựng cờ”.
    Ghế đá công viên dời ra đường phố
    người già co ro chiều thiu thiu ngủ
    người già co ro buồn nghe tiếng nổ
    em bé loã lồ khóc tuổi thơ đi…
    Là những ca từ của bài “Người già em bé” thường được sinh viên ngân nga trong những buổi tụ họp đàn ca bên nhau, là lời hát tôi được nghe thày Trần Văn Thuận cất tiếng trong giờ học văn ở cấp hai. Hay những ca từ của “Huế Sài Gòn Hà Nội” mà học sinh, sinh viên thường hát cho nhau nghe chứ chẳng được phát trên đài:
    Huế Sài Gòn Hà Nội trong ta đau trái tim Việt Nam
    Đạn bom ơi lòng tham ơn khí giới nào diệt nổi dân ta…
    Năm 1970, khi những băng nhạc “Hát cho quê hương Việt Nam” qua giọng hát Khánh Ly ra đời thì nhạc của họ Trịnh viết về quê hương, về cuộc chiến thực sự đi vào lòng dân từ thôn quê cho đến thị thành. Những lời ca trong băng nhạc đầu tiên này đã cho tôi nhiều hứng khởi và kiên nhẫn tự học ghi-ta để có thể đàn và hát lên mơ ước của mình.

    Đã có vài chục sách viết về tác phẩm và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
    25 ca khúc của Trịnh Công Sơn được nhà văn Nguyễn Đình Toàn viết lời giới thiệu, đọc bên cạnh từng nốt ghi-ta như những nhịp thở: “Từng bàn tay thô lấp kín môi cười. Từng cuộc dây gai xé nát da người. Đạn về đêm đêm đốt cháy tương lai…”
    Giọng của Nguyễn Đình Toàn đã thu hút biết bao thính giả của những giờ nhạc chủ đề trên sóng đài phát thanh Sài Gòn về đêm, nay ông giới thiệu băng nhạc Trịnh đầu tiên cũng bằng một giọng chầm chậm và buồn: “Đáng nhẽ tất cả những bài hát có trong cuốn băng này đều phải là những bản tình ca. Nhưng những lời ái ân đã biến mất. Trái tim của kẻ tình nhân vẫn đập, nhưng đập theo một nhịp loạn cuồng của những hồi trống trận, không phải cái nhịp bàng hoàng của những phút tỏ tình…”
    “Nữ hoàng chân đất” mà cuộc đời đã gắn liền với dòng nhạc Trịnh được giới thiệu: “… là một giọng để hát những bản tình ca. Nhưng chính những bài hát đó đã biến nàng thành người goá phụ của cuộc chiến tranh này và Khánh Ly hát là cách để tang cho những người đã chết…”
    Cuốn băng như một câu chuyện về thân phận quê hương mà Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đã kể cho mọi người nghe. Mở đầu bằng “Chờ ngày nhìn quê hương sáng chói” là niềm mong ước hoà bình. Bên cạnh những ngóng chờ đó là đau thương của chiến tranh: “Hát trên những xác người”, “Người con gái Việt Nam da vàng”, là đổ nát do bởi đạn bom: “Đại bác ru đêm”, là thân phận quê hương với “Gia tài của Mẹ”, với “Đi tìm quê hương”:
    Người nô lệ da vàng ngủ quên
    ngủ quên trong căn nhà nhỏ
    đèn thắp thì mờ
    ngủ quên, quên đã bao năm
    ngủ quên không thấy quê hương
    bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích vô hình trói buộc dân ta
    bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích vô hình trói buộc tự do…

    Có dư luận cho rằng những ca khúc trên bị cấm. Đây là một vấn đề cần có những nghiên cứu để tìm ra ngọn nguồn. Vì nếu bị cấm thì sao Ca khúc Da vàng trong các tập nhạc “Kinh Việt Nam”, “Thần thoại quê hương”, “Ta phải thấy mặt trời” được in với giấy phép của bộ thông tin Việt Nam Cộng hoà, được bày bán trong các tiệm sách thời đó. Chính quyền miền Nam có thực sự cấm hay không? Và nếu có thì đã áp dụng biện pháp cấm như thế nào đối với nhạc Trịnh? Bị cấm nhưng lại có đến bảy băng “Hát cho quê hương Việt Nam” ra đời từ 1970 đến 1974.
    Nghe lại, người viết nhận ra một điều là sau cuốn băng đầu tiên với tất cả 25 ca khúc đều về quê hương chiến tranh, thân phận con người, từ cuốn số 2 trở đi mỗi băng là xen kẽ giữa dòng nhạc quê hương và tình ca. Giữa “Hãy đi cùng tôi” và “Ru ta ngậm ngùi”. Vừa hết “Hạ trắng” lại được nghe “Ta đi dựng cờ”.
    Vừa đau đớn với những mất mát:
    Tôi mất trong chiến tranh này
    bao nhiêu bao nhiêu người tình
    người tình của tôi lớn lên trên khắp ba miền
    một ngày đạn bom giết em
    người tình Việt Nam lớn lên chưa gặp một lần

    thì lại nhớ về một bóng hình nào đó:
    Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về
    gọi hồn liễu rũ lê thêgọi bờ cát trắng đêm khuya

    Tại sao lại có những sắp xếp như thế? Để buộc những ai chỉ yêu thích tình ca nhạc Trịnh phải nghe tiếng bom nổ, tiếng thở dài của quê hương? Giới chức thông tin của chính quyền Sài Gòn, giám đốc trung tâm Sơn Ca đã sản xuất băng nhạc Trịnh, Khánh Ly hay những bạn thân của nhạc sĩ, có ai có lí giải gì về sự kiện này?
    Những năm đầu của thập niên 1970 là lúc nhạc Trịnh đi sâu vào lòng người. Năm 1971 Trịnh Công Sơn còn tham gia đóng vai chính trong phim “Đất khổ” là câu chuyện về Tết Mậu Thân, về chính cuộc đời của ông qua chàng thanh niên tên Quân, một người trốn lính, có bạn theo cách mạng, có em phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng hoà. Cuốn phim là bi kịch của một gia đình Việt Nam, là những nỗi đau của dân Việt, là ước mơ về hoà bình, về xây dựng đất nước. Nhưng phim đã không được phổ biến ở Việt Nam vào thời điểm đó.

    Ca khúc “Nối vòng tay lớn” trong tập nhạc Kinh Việt Nam
    Những sự kiện liên quan đến việc nhạc Trịnh có bị cấm không, hay tại sao phim đã không được chiếu cần được lí giải để soi sáng vào con người của Trịnh Công Sơn vốn thường giữ kín quan điểm chính trị.
    Phát biểu trên đài Sài Gòn trưa ngày 30.04 có lẽ đó là lần đầu tiên và là lần duy nhất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn công khai bày tỏ lập trường của mình. Nhưng sau ngày đó, nhạc về quê hương của ông bị cấm hát, cấm lưu hành ở Việt Nam. Cho đến hôm nay nhiều bài hát và phim “Đất khổ” cũng vẫn còn bị cấm trên mảnh đất mà khi còn sống ông đã rất yêu thương.
    Ba mươi sáu năm trước, giọng hát Trịnh Công Sơn vang vang trên đài Sài Gòn để mừng đón một kỉ nguyên mới của Việt Nam:
    Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay
    ta đi từ đồng hoang vu vượt hết núi đồi
    vượt thác cheo leo tay ta vượt đèo
    từ quê nghèo lên phố lớn
    nắm tay nối liền
    biển xanh sông gấm nối liền một vòng Việt Nam
    biển xanh sông gấm nối liền một vòng Việt Nam
    Tiếc là cái vòng tròn Việt Nam nối liền Huế-SàiGòn-HàNội đã không được như ước mơ của nhiều người Việt Nam. Và của chính ông. Vì thế mà thái độ chính trị của Trịnh Công Sơn vẫn còn là điều tranh cãi và cần được tìm hiểu.
    Những sự kiện liên quan đến việc nhạc Trịnh có bị cấm không, hay tại sao phim đã không được chiếu cần được lí giải để soi sáng vào con người của Trịnh Công Sơn vốn thường giữ kín quan điểm chính trị.


    Bùi Văn Phú
    Tác giả hiện dạy học và là một nhà báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco, California

    Đã chỉnh sửa bởi Mayvienxu; 01-04-2011, 03:41 AM.
    Similar Threads
  • #2

    TRỊNH CÔNG SƠN - KHÁNH LY HÁT CHO QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM 1, 2, 3, 4, 5
    The five tapes "Trịnh Công Sơn - Khánh Ly Hát Cho Quê Hương Việt Nam" contains the most well known songs of Trịnh Công Sơn. All the songs in the first tape are about the Viet Nam war. Some people considered these songs anti-war and not appropriate at that time. Nevertheless these songs made Trịnh Công Sơn the household name in Việt Nam and established his position in the history of Vietnamese music.



    CHỜ NHÌN QUÊ HƯƠNG SÁNG CHÓI

    Nơi đây tôi chờ
    Nơi kia anh chờ
    Trong căn nhà nhỏ
    Mẹ cũng ngồi chờ
    Anh lính ngồi chờ
    Trên đồi hoang vu
    Người tù ngồi chờ
    Bóng tối mịt mù
    Chờ đã bao năm
    Chờ đã bao năm
    Chờ đã bao năm

    Chờ mai này ta dậy trong tiếng hò reo
    Chờ cho lòng căm thù đến lúc chìm sâu
    Chờ hoà bình đến
    Chờ tiếng bom im
    Chờ bước đi trên những con đường không chông mìn
    Chờ đường giao thông chấp nối chuyến xe qua ba miền

    Chờ tin mừng sông chờ núi cũng chờ mong
    Chờ trên vừng trán mẹ thắp lên bình minh
    Chờ khô nước mắt
    Chờ đá reo ca
    Chờ áo cơm nuôi cho những trẻ con không nhà
    Chờ ngày Việt Nam thống nhất cho những tình thương vỡ bờ

    Chờ tiếng kèn đưa về đây những đàn con
    Chờ tim người không còn nuôi những hờn căm
    Chờ đêm không cấm
    Chờ sáng thênh thang
    Chờ lúa thơm lên dưới những bàn tay dân mình
    Chờ lòng yêu thương đất nước quyết đi xây thanh bình

    Chờ trống dồn tin mừng khắp phố làng ta
    Chờ nghe từ đất dậy tiếng ca tự do
    Chờ cây thay lá
    Chờ kết bông hoa
    Chờ thấy ta đi trong phố phường không xa lạ
    Chờ nhìn quê hương sáng chói mắt mẹ ngày nay chưa mờ.


    Đã chỉnh sửa bởi Mayvienxu; 01-04-2011, 08:22 PM.

    Comment

    • #3

      Cho một người nằm xuống
      (Viết kính viếng hương hồn Cố nhạc sỹ TRỊNH CÔNG SƠN nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của Ông 01/04/2001_ 01/04/2011 )


      Bến sông một sớm tiễn đưa người
      Cát bụi êm đềm giã cuộc chơi
      Biển nhớ quay cuồng con sóng gọi
      Tình xa nuối tiếc mảnh trăng vời
      Mưa hồng thuở ấy đường quen bủa
      Hạ trắng nơi này cỏ lạ vơi
      Chiếc lá thu phai chừng quá vội
      Vườn xưa lặng lẽ gót quên rời

      Cỏ xót xa đưa tiễn một người
      Bay đi thầm lặng lánh trò chơi
      Hoa vàng mấy độ nào muôn thuở
      Giọt lệ thiên thu chẳng nửa vời
      Nắng thủy tinh về quay quắt nhớ
      Mưa mùa hạ đến não nề vơi
      Ai ngoài cánh cửa sầu hiu hắt
      Những giọt mưa khuya lạnh rã rời

      Cát bụi buồn thương tiễn biệt người
      Rừng xưa đã khép lối rong chơi
      Tình yêu tìm thấy… làn mưa tạt
      Yêu dấu tan theo… giọt nắng vời
      Biển sáng xót xa con sóng quẫy
      Đêm Hồng não nuột giấc mơ vơi
      Đường xa vạn dặm thiên thu đón
      Như cánh vạc bay lặng lẽ rời

      Có một ngày như thế hỡi người
      Bên đời hiu quạnh phút dừng chơi
      Hành ca bản nhạc tình ngây ngất
      Ở trọ lời thơ ý tuyệt vời
      Giọt nước cành sen kia vội mất
      Gia tài của mẹ đó liền vơi
      Em đi bỏ lại con đường
      Hãy sống giùm tôi chẳng được rời

      Một Cõi Đi Về ai đón đưa
      Ru Đời Đi Nhé giấc say sưa
      Người Về Bỗng Nhớ,
      Tình Xa khuất
      Như Cánh Vạc Bay
      ẩn lúc mưa
      Nắng Thủy Tinh khoe muôn vạn sắc
      Mưa Hồng lặng lẽ ghé song thưa
      Vườn Xưa vắng bóng người yêu dấu
      Một Đóa Hồng Phai dưới nắng trưa..!

      ST

      Chọn ngày mồng một tháng tư
      Nhẹ như chiếc lá tạ từ thế nhân.
      Dòng thơ tiếng nhạc trong ngần
      "Ướt mi " Dào dạt trào dâng cõi lòng .

      "Ru em từng ngón xuân nồng"
      Hòa chung "Cát bụi ,Mưa hồng" mắt cay.
      Diệu huyền "Như cánh Vạc bay "
      Phương trời "Biển nhớ " Dâng đầy yêu thương.

      Dẫu rằng "Đóa hoa vô thường "
      "Tình xa "
      Ghi khắc nẻo đường anh qua.
      Dòng đời dẫu có " Phôi Pha "
      "Ru tình "
      Một thuở đậm đà Sơn Khê.

      Anh ơi !"Một cõi đi về"
      Hồn anh thanh thoát bến mê bể tình .
      Còn vương chút "Nắng thủy tinh "
      "Nối vòng tay lớn " chân tình nhớ anh .

      Giờ nằm dưới nấm mộ xanh
      Chắc tình nhạc sĩ an lành giấc thu .
      Dòng nhạc anh mãi vi vu
      "Ru đời đi nhé " nghìn thu mãi còn .

      Tiếc thay cuộc sống mỏng dòn
      Anh về chín suối .. Người còn luyến thương .
      Đồng tâm cùng thắp nén hương
      Nhớ người nhạc sĩ nặng vương gánh đời .

      Comment

      • #4

        Trịnh Công Sơn: Ngợi ca và Khỏa lấp.

        Lời người viết:Nhân kỷ niệm ngày giỗ lẫn thứ 10 của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, 1 tháng 4, người viết đã nhận được nhiều bài gởi từ bạn bè, thân hữu về Trịnh Công Sơn từ ca ngợi đến chỉ trích thậm tệ về chỗ đứng của Trịnh Công Sơn trong giai đoạn lịch sự hiện đại Việt Nam trước và sau con số 1975, cũng như ý nghĩa của việc nhà nước Việt Nam dự định đặt tên một con đường ở góc phố nào đó mang tên "Trịnh Công Sơn." Duyệt sơ qua các bài gởi đó, người viết nhận thấy sự nhận định của tác giả Tuấn Khanh về Trịnh Công Sơn tương đối "nói giùm" cho chính Trịnh Công Sơn, một người đi giữa hai lằn đạn cũng chỉ vì bản chất tột cùng mẫn cảm mà bạn bè thân thiết của ông đã nhận xét, hơn là sự "ầm ĩ" của tung hô hay đạp đổ một cái tên "đã dính liền với lịch sử của dân tộc." Người viết xin đăng lại nguyên văn bài của Tuấn Khanh ở báo mạng Tienve.org để rộng đường dư luận.
        TX


        Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Ngợi ca và khoả lấp - Tuấn Khanh - TienVe.org

        Ào ạt như những cơn sóng thần và động đất, người Việt Nam cũng vừa tiếp nhận một khối lượng khổng lồ đến ngộp thở về sự sùng kính và ngợi ca nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhân ngày giỗ lần thứ 10 của ông, 1 tháng 4.


        Mọi thứ về người nhạc sĩ hiền lành và thơ mộng này đang trở thành một kho vàng cho những khai thác mang lại sự kiện và lợi nhuận, nhân danh lòng thương mến hay đức phục vụ công chúng, bất chấp bản tính khi còn sinh thời của ông là một người thích tế nhị và kín đáo. Và chắc chỉ không riêng năm nay, mà nhiều năm nữa, những chi tiết, những điều riêng tư của ông sẽ còn được phơi bày đến tận cùng.


        Người ta nhìn thấy nó như một điều không cưỡng lại được, dài hơi và thu hút, từ những con người tự xưng mình là rành rẽ cho đến nghiên cứu, từ những tờ báo có tiếng chuẩn mực cho đến những bản tin tầm phào. Dĩ nhiên, có thể không loại trừ với sự thoả hiệp của ai đó trong số những người thân của ông Trịnh Công Sơn. Cuộc đào bới đó, chưa thấy có chặng dừng, dù tiếng dao kéo và búa chày đã cùn mòn và hỗn mang.
        Nhưng ngay cả trong cái vẻ của sự diễn đạt lần hồi cạn kiệt đó, trải qua nhiều năm tháng, những người yêu và biết về một Trịnh Công Sơn có thật, vẫn không hiểu sao người ta đang cố bỏ quên những phần rất quan trọng về cuộc đời người nhạc sĩ này.


        Người ta không nói rõ đến giá trị lớn nhất của Trịnh Công Sơn, rực rỡ và xứng đáng nhất vẫn là tập Ca khúc Da Vàng, nói về cuộc chiến 30 năm như là một cuộc nội chiến anh em, không có kẻ chiến thắng mà chỉ có thân phận con người trĩu đau. Chính vì điều này, với chế độ Việt Nam Cộng Hòa, ông gặp nhiều khó khăn, và sau năm 1975, ông cũng phải đi học tập cải tạo – không rõ trong bao lâu. Người ta cũng không nói về chuyện ước ao đến khi nhắm mắt của Trịnh Công Sơn về việc xin được tái bản bộ Ca Khúc Da Vàng nhưng thất bại, từ thời của ông bộ trưởng Văn hóa Trần Hoàn kéo dài đến bộ trưởng Nguyễn Khoa Điềm. Lời hứa sẽ xem xét và duyệt chính thức cho phép vẫn treo lơ lửng ở đó. Quan điểm hát về nỗi đau của một dân tộc mà không chọn lựa mình đứng về một phía nào đã là viên sỏi khó chịu trong chiếc giày tư tưởng của nhiều quan chức Việt Nam cho đến hôm nay. Người ta không nói về Trịnh Công Sơn với những sự mòn mỏi và thậm chí vô nghĩa qua nhiều bài hát để ca ngợi thủy điện Trị An, ca ngợi Saigon 20 năm sau ngày thống nhất... v.v. Một giai đoạn mà nhiều bài bình luận đã tạm gọi đó phần đời “sáng tác để tồn tại” của người nhạc sĩ lừng danh này. Dường ai như mọi người cố tình né tránh việc nhìn thấy rõ rằng những năm tháng sáng tác thiếu sự tự do tuyệt đối và tính trung dung thế sự của ông, đã khiến hiện tại lúc ông còn sống thiếu sự rực sáng hơn những gì trong quá sứ son trẻ của đời ông, thậm chí vào lúc cuộc sống mong manh giữa lằn đạn.


        Những cuộc lắp ghép tên tuổi của Trịnh Công Sơn với Bob Dylan, rồi có thể đến Joan Baez... sẽ chẳng có giá trị gì nếu phần lịch sử Ca Khúc Da Vàng – vốn gắn liền với một giai đoạn lịch sử của dân tộc – không được nói rõ, làm rõ và nhìn nhận minh bạch với tư duy tử tế nhất. Phần quá khứ gằn liền với quê hương đầy bom đạn và thân phận của một kẻ sĩ chọn lựa cuộc đời là lẽ sống tự do, trung dung, nếu không được nói đến, ai sẽ hiểu cho ông rằng ông mãi mãi là kẻ cô đơn của bất kỳ hệ thống chính trị nào, dù là trong hay ngoài nước của người Việt. Chắc chắn, nỗi cô đơn đó đáng kính trọng và chia sẻ hơn là những câu chuyện tình được phanh phui mỗi ngày trên báo chí.


        Cuộc đời của Trịnh Công Sơn toả sáng khi hát về bi kịch của một dân tộc, và nếu trân trọng một giá trị, có lẽ cần nên trả lại và nói đủ về ông một cách hoàn chỉnh. Hơn là cứ mãi nhảy múa và ngợi ca giả dối chung quanh sự thật. Nếu Trịnh Công Sơn chỉ đơn giản là một người viết tình ca thâm thuý, những cơn sóng thần ngợi ca như hiện nay lại là một điều lố lăng.

        Không ai có thể phủ nhận Trịnh Công Sơn là một người tài năng. Nhưng chỉ có tài năng mà thôi, thì đặt tên một con đường cho riêng Trịnh Công Sơn sẽ bất thường, nếu như không có những con đường Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Trầm Tử Thiêng, Nguyễn Đức Quang hay Phạm Duy. Và đột nhiên, thiếu sự thật, người ta dễ nhìn thấy những ầm ĩ chung quanh đời Trịnh Công Sơn khiến ông được yêu mến, chỉ là son phấn. Và thậm chí kéo theo một lớp người luôn tung hô và nghe nhạc như là một phong trào muốn chứng tỏ mình là sành điệu và trí thức. Vào mỗi dịp tưởng nhớ về ông, người ta nhìn thấy đúng là có những tấm lòng, nhưng cũng có vô số những tiếng leng keng rao bán sự rỗng tuếch của mình như kiểu tung hê nhạc Trịnh là thiền ca, triết ca… khoả lấp đi những gì thật sự đẹp nhất của cuộc đời Trịnh Công Sơn.


        Nghệ sĩ Việt Nam, có vô số những cuộc đời như vậy, gắn liền với chìm nổi của dân tộc, và nếu chỉ nói được một phần, hoặc ồn ào khoả lấp, là giả dối và phi nhân.
        Hãy hướng về phía mặt trời mọc bóng tối sẽ khuất sau lưng anh.

        Comment

        Working...
        X
        Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom