
Nẻo đường sâu thẳm lên miền Oku
nhật ký hành trình Matsuo Basho
Lời nói đầu bản tiếng Anh The Narrow Road to Oku
Donald Keene
Donald Keene
Matsuo Basho sinh năm 1644 tại thị trấn Ueno tỉnh Iga. Gia đình ông thuộc tầng lớp võ sĩ samurai, đẳng cấp thấp trong giới quí tộc nên một số người trong gia đình ông đã chọn nghề làm ruộng để kiếm sống. Dòng dõi samurai cũng tạo điều kiện cho Basho tụ họp với đám con cái của các nhà quí tộc trong vùng, thành viên của dòng họ Todo sống trong một lâu đài. Có thể, nhờ một số dịp thể hiện tài năng mà Basho có quan hệ với họ. Basho kết thân với Todo Yoshitada (Sengin) cậu bé lớn hơn Basho hai tuổi, cùng tiếp nhận sự huấn luyện văn thơ từ ông thầy Kitamura Kigin nổi tiếng về thi ca và phê bình nghệ thuật.
Bài haiku sớm nhất của Basho sáng tác năm 1662 khi ông 18 tuổi. Bút danh đầu tiên của ông là Sobo. Như phần lớn văn nghệ sĩ kể cả triết gia thời đó, Basho được biết qua nhiều bút danh khác nhau trong suốt cuộc đời. Bút danh nổi tiếng nhất là “Basho”là một thứ cây trong vườn nhà ông: năm 1861 khi đến thành phố Edo, . Cây basho là một loại thuộc giống chuối không có trái (#) nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt đối với nhà thơ: những phiến lá xanh rộng lớn của nó rất dễ bị gió xé rách tươm, một biểu tượng rõ nét đối với cảm xúc của thi nhân.
Basho đầu tiên đến sống ở Edo (sau này là Tokyo) năm 1672. Không rõ vì sao ông chọn thành phố này. Có lẽ ông cảm thấy hình thành phong cách ở một thành phố như thế tốt hơn ở Kyoto hoặc Osaka- nơi có những cuộc đua tranh lớn lao của những nhà thơ chuyên nghiệp - khiến Basho mất mấy năm đi tìm trường phái thơ haiku của riêng ông. Việc khẳng định trường phái thơ cần thiết không chỉ vì nhu cầu giữ gìn phong cách nghệ thuật thi ca mà còn vì ông là một thầy giáo, ông sẽ dựa vào sự giúp đỡ của các học trò về tài chính và những trợ giúp khác. Ngay phần mở đầu tập văn “Oku no Hosomichi”, ông nhắc đến việc chuyển đến ngôi làng của Sugiyama Sampu, một thương gia giàu có, đã tái xác nhận làm một người bảo trợ hào phóng cho Basho khi ông cần tiền bạc. Năm 1680 Basho xuất bản một tuyển tập thơ của mình viết cho trẻ em học sinh, một dấu hiệu chứng tỏ phong cách sáng tác của ông đã xác lập chắc chắn.
Năm 1684 Basho khởi hành chuyến đi, cơ hội cho tập văn đầu tiên trong bộ 5 tập. Tập văn này đóng một cột mốc trong nghề nghiệp của ông. Mục đích bề ngoài của chuyến đi là bày tỏ kính trọng đối với mẹ, bà chết ở Ueno năm trước, nhưng (vì ông không ngờ trước) sự trải nghiệm trong chuyến đi sẽ khơi nguồn cảm hứng cho ông . Những chuyến đi thăm nhiều thành phố thị trấn khác nhau đã làm cho trường phái thơ haiku của ông trở nên quen thuộc hơn với nhiều người, và lôi kéo các nhà thơ haiku trước đó đã hội nhập với những trường phái khác.
Trong 5 tập nhật ký hành trình miêu tả những chuyến đi, tập cuối cùng là “Oku no Hosomichi” viết năm 1689 không chỉ là tập văn chương hay nhất của ông mà còn được coi là tập văn mẫu mực của nền văn học cổ điển Nhật. Mỗi người Nhật đã từng học trung học đều ít nhất đã đọc những đoạn trích từ tác phẩm này.
Hầu hết các tác phẩm văn chương Nhật đều rất khó chuyển ngữ, ngay cả với những người đã có khả năng nắm vững ngôn ngữ đó. Xin dẫn ra hai ví dụ thường xuyên buộc người dịch phải bền bỉ chịu đựng: tiếng Nhật thiếu sự phân biệt “số ít” và “số nhiều”, lẫn lộn giữa “xác định” và “không xác định”, dịch giả phải quyết định xem thực ra tác giả có ý gì. Nếu tác giả còn sống, hoạ may ông ta có thể giúp được, nhưng cũng chưa chắc. Có lần tôi đang dịch câu Midori iro no sutokkingu của tác giả Abe Kobo, tôi hỏi ông ta câu văn này là “một hay nhiều cái bít tất màu xanh”?, ông ta chỉ mỉm cười và bảo rằng đó là việc của người dịch, không phải của ông.
Vấn đề dịch “Oku no Hosomichi” từ tiếng Nhật cổ ra tiếng Nhật hiện đại hầu như cũng khó khăn như việc dịch nó sang các ngôn ngữ châu Âu.
Nhưng hãy quay lại câu hỏi ban đầu: dịch cái tựa đề như thế nào ?
Trước đây tôi đã từng đặt tên tác phẩm là “The Narrow Road of Oku” một cách an toàn nhưng bản dịch vẫn chưa rõ ràng. Basho tất nhiên có ý nói về con đường nhưng không chỉ con đường (nghĩa hẹp) vốn rất khó hình dung trong tác phẩm. “The Narrow Road into Oku” nghe có vẻ khá hơn, ngụ ý nhằm vào nơi đến của Basho là Oku- một cái tên chung chỉ phần tận cùng miền Bắc của đảo Honshu. “Oku” lại có nghĩa là “bên trong, bên trong bí ẩn” và ý nghĩ này cũng rất phù hợp, và cả hai nghĩa, về địa lý thì chỉ ra rằng cuộc lữ hành của Basho sẽ đưa ông đến phần đất sâu bí ẩn bên trong của đất nước, về tu từ thì gợi ra rằng hành trình của ông chẳng phải chỉ đi sâu vào bên trong thế giới (vật chất khách quan–ND) mà có thể hiểu là đi vào “thế giới nghệ thuật thơ haiku”. Chúng tôi chẳng bao giờ biết rằng cái nào thuộc về những ý tứ Basho đã nghĩ; có lẽ ông nhằm vào tất cả. Sự khó khăn khi dịch cái tựa đề là một ví dụ điển hình.
Vạch ra những khó khăn này, tuy nhiên có thể gây mất phương hướng… Bất chấp những khó khăn đó, Oku no Hosomichi chẳng những được các học giả (những người thích thú những kiến thức thi ca bí hiểm) yêu thích mà còn cả những người đọc rất bình thường. Sự khó khăn khi đọc nếu thiếu người bình giải, tối thiểu là trong lần đọc đầu tiên, nhưng nó cũng tạo cho tác phẩm sự huyền diệu của ẩn dụ thi ca.
Việc dịch những bài thơ haiku rải rác khắp trong tác phẩm còn khó hơn dịch những câu văn xuôi. Bởi vì bài thơ haiku rất ngắn, chỉ có 17 âm tiết kể tất cả các từ, và cần có sự tin cậy cao vào những gợi ý. Trong những cuốn nhật ký hành trình của Basho, lời văn xuôi nhiều khi giúp chỉ rõ nghĩa của bài thơ haiku, tuy nhiên cũng có sự đa nghĩa. Bài thơ đầu tiên của “Con đường hẹp đi Oku” là đặc biệt khó dịch:
Kusa no to mo
Sumikawaru yo zo
Hina no ie
. Một bản dịch sát nghĩa có thể là thế này “Một lứa tuổi trong đó người chủ căn nhà tranh cỏ thay đổi- một ngôi nhà búp bê”.
Không ai có thể đoán ra ý nghĩa từ bản dịch như thế. Bài thơ nguyên tác hầu như rất khó hiểu, nhưng một khi ý nghĩa được giải thích, dù mang tính văn xuôi thế nào, người ta vẫn khâm phục cái ngôn ngữ tiết kiệm của Basho. Như chúng ta biết qua văn xuôi Basho, ông sắp sửa dời khỏi nơi trú ngụ bình thường (lều cỏ) nơi ông đã sống qua một thời gian. Người chủ mới, khác với Basho, ông ta có một gia đình và tính chất của căn nhà sẽ thay đổi với người chủ mới: Ngày 3 tháng Ba ngôi nhà được trang trí với một hàng búp bê tặng cho con gái nhân ngày “Hội con gái”..
Chẳng phải tất cả thơ haiku đều khó hiểu, nhưng có bài thật khó mà đưa ra một lời dịch thay thế thích đáng. Mặt khác, bài haiku nằm trong tập văn “Oku no Hosomichi ” thuộc về những bài thơ hay nhất của Basho. Phần lớn những bài thơ đó, không thể nảy sinh trong đầu Basho chính xác nguyên dạng như chúng xuất hiện trong một tác phẩm hoàn chỉnh. Văn bản “Oku no Hosomichi ” mà chúng tôi có trong tay không phải do chính Basho viết xong 5 năm sau kể từ khi ông quay trở về từ Oku, và chúng tôi biết có nhiều dị bản, đặc biệt đối với những bài thơ haiku (trong tập nhật ký). Ông đã xem lại tác phẩm nhiều lần một cách chắc chắn trước khi nó đạt tới như văn bản hiện nay.
Sự mến mộ lớn lao tập văn này tuỳ thuộc rất nhiều vào sự ưa thích những bài thơ haiku trong đó, nhưng lời văn xuôi cũng được ca ngợi không ít. Phần mở đầu và các phần tả những chuyến thăm của Bahso đến Matsushima và Kisakata là những đoạn hay đặc biệt nổi tiếng với người đọc, còn nhiều đoạn khác hầu như đều đẹp đẽ. Những đoạn văn khác ở mức độ khiêm tốn hơn. Basho khi quan sát truyền thống thơ renga (liên ca) bao gồm những đoạn mà chất thơ rõ ràng kém hơn thơ cũ hoặc mới, dường như để tránh làm kiệt quệ văn bản với một loạt đoạn văn ngắn như những viên ngọc không thể đập vỡ.
Đã nhiều thế kỉ trôi qua, môt trong những nguyên nhân khiến người Nhật đi du lịch là đi để ngắm những bức thư pháp viết thơ và những nơi đã được nhắc tới trong thơ ca và nguyên nhân này chắc cũng là lí do rõ ràng khiến Basho làm những chuyến lữ hành dài . Basho ghi chép miêu tả về những nơi ông đến thăm, không chỉ những nơi đáng nhớ vì có truyền thuyết hoặc bài thơ cổ liên quan đến chúng, điều này đến lượt nó lại lôi cuốn được vô số người Nhật (kể cả người nước khác) đi du ngoạn và ngắm chúng bằng chính mắt mình.
Google Map Hành trình của Basho (Click vào bản đồ cho phiên bản Live)

Bản đồ các tuyến đường Matsuo Basho và đồng hành của mình là Sora đã qua trong Nẻo đường sâu thẳm lên miền Oku năm 1689
Link


Mặc dù Basho ghi chép rất ít về Sora người bạn đồng hành trong gần suốt chuyến đi, ông cũng không nhắc đến tên thực hoặc nghề nghiệp của mình hoặc lí do nào đã khiến ông đi lang thang, đã gây cảm hứng cho ông làm cuộc lữ hành dài lâu mà thỉnh thoảng phải chịu đựng nỗi đau đớn trên đường. Tuy vậy ông vẫn gián tiếp kể cho chúng ta khá nhiều về bản thân, và rõ ràng bức chân dung tự hoạ của Basho cũng xuất hiện trong “Oku no Hosomichi” có thể là lí do hấp dẫn nhất cho sự hâm mộ tác phẩm này.
Tất nhiên Bahso nhạy cảm với vẻ đẹp của thiên nhiên nhưng ông còn miêu tả rất nồng nhiệt những con người ông gặp trên đường đi, và cả những con người đã quá vãng, không ít hơn con người hiện tại, những người quá cố vẫn luôn luôn “sống” với ông. Những ấn tượng của ông dù được miêu tả trong thơ hay văn xuôi đều có khả năng vượt thời gian.
Mặc dù nhiều phong cảnh trong số các bức tranh phong cảnh được Bahso miêu tả thật huyền diệu đã bị biến dạng trong những năm gần đây thì vẻ đẹp của chúng vẫn sống trong tập văn “Oku no Hosomichi” và sẽ tiếp tục khuấy động các thế hệ tương lai với ham muốn đi cùng Basho trên cuộc lữ hành của ông vào cõi sâu thẳm của thế giới thơ.
Donald Keene
Biên dịch: Phùng Hoài Ngọc
*************************
Xem thêm :
NARROW ROAD TO THE DEEP NORTH (OKU NO HOSOMICHI) :
Tokugawa Japan: Bashō Narrow Road to The Deep North - Asia for Educators - Video
Comment