Ngày xưa, khi bước chân vào thiền viện, các thiền sinh được trao cho một quyển sách để học thuộc lòng, đó là quyển Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu, (Essential Monastic Daily Rule). Đó là một quyển sách mỏng gồm những bài thiền kệ (gatha) làm căn bản cho sự thực tập thiền quán trong đời sống hằng ngày. Các thiền sinh phải học thuộc, và trước khi làm một việc gì, họ phải tập dừng lại và đọc thầm các bài thiền kệ ấy.
Ví dụ như khi lấy nước, ta phải đọc thầm bài kệ này, Nhược kiến lưu thủy, đương nguyện chúng sanh, đắc thiện ý dục, tẩy trừ hoặc cấu. Thấy dòng nước chảy, tôi nguyện mọi người, được ý muốn tốt, rửa sạch phiền não.
Và khi rửa tay, Dĩ thủy quán chưởng, đương nguyện chúng sanh, đắc thanh tịnh thủ, thọ trì Phật pháp. Lấy nước rửa tay, tôi nguyện cho mọi người, được bàn tay thanh tịnh, để tiếp nhận chân lý.
Khi tiếp xúc với bệnh tật, Kiến tật bịnh nhân, đương nguyện chúng sanh, tri thân không tịch, ly quai tránh pháp. Thấy cơn bịnh tật, tôi nguyện cho mọi người, biết thân vốn không, dứt mọi tranh cãi.
Khi đứng trước một dòng sông, Nhược kiến đại hà, đương nguyện chúng sanh, đắc dự pháp lưu, nhập Phật trí hải. Thấy dòng sông lớn, tôi nguyện cho tất cả, được theo dòng Pháp, vào biển trí tuệ.
Và mỗi trước khi bước chân đi đâu, ta đọc thầm bài kệ, Nhược cử ư túc, đương nguyện chúng sanh, xuất sanh tử hải, cụ chúng thiện pháp. Mỗi bước chân đi, tôi nguyện cho tất cả, bước qua biển sanh tử, gặp được điều an vui.
Những bài thiền kệ ấy giúp ta trước khi làm một việc gì, mình cũng có cơ hội thực tập dừng lại, và thắp sáng tâm ý của ta trong mọi cử chỉ, hành động. Và ngoài ra, những bài thiền kệ ấy còn giúp ta mang những ý tưởng đẹp, vào mỗi lời ta nói, mỗi việc mình làm, mỗi điều ta thấy. Bài kệ về tiếp xúc với bệnh tật hay và sâu sắc quá phải không bạn? Nguyện cho mọi người, dứt mọi tranh cãi… Thấy được những khổ đau của nhau, chúng ta buông bỏ hết những giận hờn, chỉ có thể cảm thấy gần gũi và biết thương nhau hơn.
Nhưng bạn biết không trong đời sống bận rộn hằng ngày, chúng ta không dễ gì mà có thể dừng lại trước mỗi việc mình làm như cuộc sống trong thiền viện. Chọn một hành động thôi, cũng đủ để cho mình thực tập rồi phải không bạn?
Tôi thấy, vì trong cuộc sống hằng ngày chúng ta bận rộn và bôn bả khắp nơi, nên những bước chân của mình là những điều kiện rất tốt để ta thực tập.Vì vậy mà tôi chọn những bước chân để làm cơ hội cho mình có dịp dừng lại và tạo niềm an vui. Tôi cũng có một bài kệ riêng, thích hợp với tôi hơn, để thực tập trong khi đi. Tôi biết nhiều bạn cũng là thi sĩ, bạn hãy thử làm riêng cho mình một bài thiền kệ đi. Sự thực tập này tuy đơn giản nhưng rất mầu nhiệm. Chỉ cần trước khi đi đâu, ta biết dừng lại, dùng hơi thở và bài thiền kệ, để có những bước chân ý thức và an ổn là đủ thành công rồi.
Có một câu chuyện như vầy, "Có một người bộ hành đi một mình trên con đường xa. Đến xế chiều, anh gặp một ông lão đang ngồi dưới một gốc cây bên vệ đường. Anh ghé sang hỏi, 'Thưa bác, bác có biết là còn bao lâu nữa thì đến phố không?' Ông lão nhìn anh rồi đáp, 'Điều đó thì thật sự tôi không biết được. Tôi phải nhìn xem anh đi chậm nhanh như thế nào thì tôi mới nói được!"
Tôi nghĩ chúng ta cũng như người bộ hành ấy. Trong cuộc sống, chúng ta có những khó khăn, muộn phiền, lo âu, giận hờn, ganh tỵ... không biết đến khi nào ta mới có thể thay đổi và chuyển hóa được đây? Nếu có hỏi một vị thiền sư nào đó, tôi nghĩ có lẽ vị ấy sẽ trả lời rằng, "Bạn hãy bước đi đi! Nhìn những bước chân của bạn, rồi tôi sẽ nói cho bạn biết."
Bây giờ là vào cuối năm, chắc chúng ta ai cũng có nhiều bận rộn trong những ngày tháng sắp hết. Mong rằng chúng ta bao giờ cũng ý thức được bước chân của mình trên mọi lối đi. Thực tập bước chân, với thiền kệ và hơi thở, chắc chắn ta sẽ cảm nhận được những hạnh phúc đang có mặt, và sự có mặt ấy sẽ ảnh hưởng đến người chung quanh. Trong năm mới, tôi xin chắp tay búp sen cầu chúc cho anh chị thực tập thành công, dừng lại được trong mỗi bước chân, vượt qua mọi muộn phiền và gặp nhiều điều lành, trên mọi lối đi.
Nguyễn Duy Nhiên
Comment