Minh họa của Thanh Huyền
Hồi bát nhã lỗi nhịp
Hoàng Công Danh
Từ chùa đi thẳng theo hướng về dưới phố sẽ gặp một đường xe lửa. Mỗi ngày có đến hơn hai chục lượt tàu chạy qua về. Tiếng bánh cọ vào đường ray, tiếng còi hú náo lên tận đến chùa, nhất là về buổi tối.
Hồi mới vào chùa, liên tục nửa tháng điệu Sanh không được ngủ tròn giấc. Mỗi đêm thể nào cũng bị đánh thức hai ba lần khi có tàu chạy qua. Sư thầy nói phải tập cho quen đi, chứ còn ở đây là còn phải sống chung với những âm thanh náo động đó. Rồi thầy chỉ cho điệu Sanh một cách để dễ ngủ: Hãy tưởng tượng. Tiếng bánh ray nhịp xịch, xịch, xình xịch… giống như nhịp trống Bát Nhã. Còi tàu là một tiếng chuông ngân. Đêm đó Sanh làm theo cách thầy chỉ và quả thực đã ngủ được suôn giấc đến sáng. Thầy nói chùa cũng là cuộc đời ngoài kia mà thôi, mọi thứ đều có sự giống nhau. Lời nói ấy phần nào an ủi điệu Sanh những ngày đầu cạo tóc làm chú tiểu.
Nhưng rồi cũng chính âm thanh ấy đã cuốn hút Sanh. Vài hôm sau điệu xin thầy cho đi coi tàu. Thầy đồng ý, cho phép điệu Sanh đi chơi vào lúc chiều, và chỉ cho đi coi một lần tàu chạy qua thôi. Sanh mừng rỡ, chạy vù ra cổng, cứ như sợ thầy đổi ý bắt ở nhà học luật. Thầy lắc đầu cười nhẹ, có thêm một đệ tử trẻ con cũng vui.
Sanh được tự do, đi men theo lối mòn hướng về phía trạm gác chắn. Chỗ này giao nhau giữa đường sắt với đường bộ đông người qua lại nên phải có một trạm canh. Tiếng tàu xịch xịch đầu xa, hai nhân viên chắn gác đẩy hai barie (hàng rào sắt) ra chắn đường bộ, nhường quyền ưu tiên cho tàu hỏa sắp tới. Một chú khác cầm cán cờ nhỏ, tay nắm kẹp lá cờ vào không cho nó bay. Đấy là hiệu lệnh an toàn cho phép tàu “thông qua”.
Điệu Sanh đứng sau cái barie, hồi hộp đợi chờ, chẳng khác nào đang mong ngóng một người thân ngồi đâu đó trong những khoang kia. Bây chừ thì Sanh còn chờ ai nữa chứ. Đã xuất gia đầu Phật nghĩa là đi tìm đạo, xa rời máu mủ ruột rà; cái đền đáp lại là chánh pháp giáo độ chứ không phải những vòng tay ôm rối rít. Mà hình như điệu Sanh cũng chưa hiểu được điều ấy, lúc này chỉ đơn giản là thói hiếu kỳ con trẻ và thỏa mãn ước mơ được nhìn rõ đoàn tàu lướt qua.
Đoàn tàu vun vút lao đi. Thoáng chốc đã mất hút khỏi tầm mắt. Mải ngắm theo tàu, sanh lần từng bước về phía ray sắt và chạm phải chú gác chắn lúc nào chẳng hay. Người gác chắn quay lại, nhìn chú tiểu rồi cười khiến cho Sanh hết sợ. Thấy chú tiểu ngồ ngộ, người gác chắn dắt vào trong trạm canh. Sau phút ban đầu lạ lẫm, điệu Sanh đã nhanh chóng làm quen chú chỉ bằng một nụ cười hồn nhiên. Sanh hỏi chú làm gì. À, ban ngày chú cầm cờ chăn vịt. Ban đêm thì xách cái đèn kia bán trứng vịt lộn. Nói đến đấy người gác chắn trỏ tay về cây đèn hộp móc bên tường. Cả hai cùng cười to. Làm nghề của chú cần phải vui vẻ như thế mới được, chứ không là dễ ngủ gật lắm. Sanh biết chú nói đùa, trên đường về điệu cứ tủm tỉm cười.
Cứ như chưa muốn về lại chùa nên Sanh tìm con đường vòng vèo chứ không đi theo lối mòn ấy nữa. Chỗ đường Sanh qua có một hồ nước nhỏ, bên cạnh là cây bồ đề cổ thụ. Dưới tán bồ đề, bốn người đàn ông đang ngồi uống rượu quanh một chiếc bàn con. Cuộc rượu xem chừng đã đến hồi vãn, nhưng tiếng chạm cốc vẫn kêu to. Mặt ai nấy đã ngà ngà, mắt díu cả lại nên chẳng để ý thấy điệu Sanh đi qua. Họ lại cụng, lại nói chuyện.
*
Buổi tối, như thường lệ là giờ học của điệu Sanh. Thầy hỏi điệu Sanh hồi chiều đi chơi có vui không mà về muộn thế. Sanh hớn hở kể chuyện “chăn vịt” và “bán trứng vịt lộn” của chú gác chắn. Sư thầy lặng đi, nghĩ bụng, vậy là điệu Sanh đã bắt đầu bị tập nhiễm những thú vui bậy bạ ở ngoài kia rồi. Đã thế từ nay không cho điệu ấy đi một mình nữa, những câu nói vô tình ở ngoài đời đôi khi lại là cái cớ để kéo người tu hành bỏ pháp. Thôi coi như lần đầu. Thầy lại tự dặn mình là bữa khác điệu Sanh muốn đi đâu đều phải có sư phụ đi cùng.
- Mở vở ra con. Ta bắt đầu học thôi. Tiếp theo phần lịch sử đức Phật, đoạn ngài tham thiền.
Sau khi uống bát sữa cúng dường của nàng Tu Xà Đề, Tất Đạt Đa xuống tắm gội ở sông Ni Liên Thuyền. Rồi Người vào xếp bằng ngồi dưới gốc cây bồ đề. Phát nguyện nếu không chứng đạo sẽ không rời khỏi cây bồ đề này.
Nghe đến đấy tự dưng Sanh muốn cười, điệu mím chặt môi nhưng không được, bật cười ngay lúc thầy vừa dứt lời. Thầy nghiêm mặt, đặt cuốn sách xuống, hỏi sao cười? Sanh đáp tại hồi chiều, lúc đi về, con còn thấy một đám người ngồi uống rượu. Cũng dưới gốc bồ đề thầy ạ. Và họ cũng nói: “Không say không về!”.
Thế là không ổn rồi, lại thêm một thói xấu thâm nhiễm vào trí óc trẻ thơ, trí hành của chú tiểu. Nhưng chính sư thầy lúc này cũng khựng lại. Nghe điệu Sanh nói đến rượu, bao nhiều chuyện thời niên thiếu của thầy lại hiện ra mồn một.
Trước khi vào chùa, sư thầy hồi đó là một chàng thanh niên ở làng, cũng có rượu chè thù tạc với bạn bè. Mà còn uống nhiều nữa. Sau một biến cố năm hai mươi tuổi, thầy mới vào chùa và tu hành cho đến giờ. Mấy chục năm qua thầy không hề đụng đến một giọt rượu nào, thậm chí một ý nghĩ về rượu cũng không lảng vảng trong đầu thầy. Là tại chẳng có ai nhắc. Con người ta thường thế, yên lành không sao, đến lúc chạm phải quá khứ nào đấy là tất tần tật chạy ra. Sư thầy đã tu tập chừng ấy thời gian rồi, nhưng vẫn là người, còn hoài niệm vấn vương, còn nhớ nhung lưu luyến. Dĩ nhiên không ai cấm người ta nhớ thương, không ai cấm việc lục lọi lại ký ức. Nhưng, những chuyến du hành hoài niệm rất dễ níu kéo người tu hành đi ngược về phía đời thường. Mà đạo giải thoát thì không khuyến khích điều ấy. Đi tu là khó lắm chớ không phải dễ. Đâu phải cứ cạo đầu khoác áo cà sa là thành tu sĩ được.
Cõi đạo nằm xen giữa cõi đời, nghĩa là lối đạo luôn song hành với đường đời thế tục, vụng về chút xíu thời những cám dỗ sẽ xen vào ngay. Vượt qua được những chướng ngại ấy sẽ đạt đến quả Lậu tận minh và chứng đạo giác ngộ. Thấy đơn giản nhưng không phải ai cũng đạt tới được. Sư thầy không có nhiều tham vọng trên đường đạo như thế, chỉ muốn làm người và vượt lên trên con người một chút thôi. Thế mà mấy chục năm rồi, thầy vẫn như cảm thấy mình còn quá nhiều sự vướng víu trần tục. Có khi đi suốt cuộc đời với áo cà sa mà chẳng tìm thấy đạo, thì có phí công không? Lẽ nào huề cả làng!
Đêm đó điệu Sanh nằm bên thầy, mãi vẫn không ngủ được vì mấy chuyện vui vui hồi chiều. Sư thầy cũng xem chừng khó ngủ, dớ dẩn thế, toàn chuyện ký ức đẩu đâu. Sanh nghiêng qua hỏi: “Thầy cũng chưa ngủ à?” Sư thầy thở hắt ra một hơi thay cho gật đầu đáp lời. Chuyến tàu một giờ sáng chạy qua, nghe rõ mồn một tiếng xình xịch.
Điệu Sanh nói nhỏ:
- Tàu qua thầy ơi. Nhẩm theo hồi Bát Nhã cho dễ ngủ.
Đấy là cách mới hôm bữa sư thầy bày cho điệu Sanh. Nhẩm theo hồi Bát Nhã. Bây giờ Sanh quay lại nhắc. Chuông trống là để thức tỉnh con người ta chớ đâu phải để ru ngủ. Phải chăng có một hồi Bát Nhã đã bị lỗi nhịp?
Hai thầy trò đi vào giấc ngủ nhanh chóng ngay khi hồi tàu lắng dần và dứt xa.
HCD