• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Những quả chà là

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Những quả chà là


    TAYEB SALIH (SUDAN) - THU HÀ dịch
    Lúc đó hẳn tôi còn rất bé. Trong khi tôi không còn nhớ chính xác là tôi bao nhiêu tuổi thì tôi lại nhớ được là khi mọi người nhìn thấy tôi đi cùng ông nội, họ thường vỗ nhẹ vào đầu tôi và bẹo má tôi - điều mà họ không hề làm với ông tôi. Điều kỳ lạ là tôi không bao giờ đi ra ngoài với bố mà chỉ với ông. Ông thường dẫn tôi đi cùng mỗi khi đi chơi đâu đó, trừ những buổi sáng tôi phải đi đến nhà thờ để học kinh Koran. Nhà thờ, dòng sông và cánh đồng - đó là những hình ảnh đáng nhớ trong thời thơ ấu của chúng tôi. Trong khi hầu hết bọn trẻ con bằng tuổi tôi cằn nhằn vì phải đến nhà thờ học kinh Koran thì tôi lại thích. Tôi học thuộc lòng rất nhanh các bài kinh và cha xứ thường bảo tôi đứng lên để đọc Chương Từ Bi mỗi khi nhà có khách tới thăm, và bao giờ họ cũng vỗ nhẹ vào đầu tôi, bẹo má tôi giống như những người khác thường làm khi họ nhìn thấy tôi đi cùng ông nội.

    Vâng, tôi rất yêu nhà thờ, và tôi cũng yêu cả dòng sông. Ngay sau khi kết thúc việc đọc kinh Koran vào buổi sáng, tôi thường quẳng cái bảng gỗ xuống sàn và lao như một mũi tên đến bên mẹ, nuốt vội nuốt vàng bữa sáng và chạy một mạch ra sông, lao mình xuống nước. Khi đã mệt mỏi vì bơi lội, tôi thường ngồi trên bờ nhìn chằm chằm xuống dải nước cuốn về phía đông, hoặc trốn trong cánh rừng keo rậm rạp. Tôi thích thả cho trí tưởng tượng của mình bay bổng và hình dung ra một bộ tộc người khổng lồ sống trong khu rừng đó, những người cao gầy với bộ râu trắng như cước và cái mũi nhọn giống hệt ông nội. Thường thì trước khi trả lời các câu hỏi của tôi, ông hay dùng ngón tay trỏ chà mạnh vào chóp mũi, còn bộ râu của ông thì dày, mềm mại và trắng như bông - sau này trong suốt cả cuộc đời, tôi không thấy một cái gì đẹp và tinh khiết hơn thế. Ông tôi cũng rất cao, vì tôi không thấy ai trong vùng khi chào hỏi ông mà không phải ngước nhìn lên, hoặc ông vào nhà ai đó mà không phải cúi người xuống. Tôi yêu ông và tưởng tượng khi lớn lên, mình cũng cao lớn và mảnh dẻ như thế, bước những bước dài vững chãi trên mặt đất.


    Tôi cũng tin rằng mình là đứa cháu mà ông yêu quý nhất; không nghi ngờ gì cả, bởi vì các anh em họ của tôi rất ngốc nghếch, còn tôi - theo lời nhận xét của mọi người - lại là một đứa trẻ thông minh. Tôi biết khi nào ông muốn tôi cười nói, khi nào thì phải im lặng; tôi cũng nhớ giờ cầu nguyện của ông để đem đến cho ông tấm thảm quỳ chân và đổ dầy bình nước tắm cho ông mà không cần để ông phải sai bảo. Khi rỗi rãi, ông thường thích nghe tôi đọc một đoạn kinh Coran với giọng điệu du dương. Lúc đó, nhìn vào mặt ông, tôi biết ông rất xúc động.


    Một hôm tôi hỏi ông về người hàng xóm Masut của chúng tôi. Tôi nói với ông:

    - Cháu cảm thấy ông không thích ông Masut thì phải?
    Ông xoa mạnh chóp mũi rồi trả lời:
    - Lão ta là một người đàn ông lười biếng.
    - Thế nào là một người đàn ông lười biếng ạ? - Tôi hỏi lại.
    Ông cúi đầu xuống một lát, sau đó nhìn ra phía dải đất rộng bên ngoài và nói:
    - Cháu có trông thấy dải đất chạy dài đến bờ sông Nin kia không? Một trăm feddan đấy. (1 feddan tương đương với 0,4 ha). Cả những cây chà là kia nữa. Tất cả đã từng là của Masut, nhưng bây giờ hai phần ba số đó đã thuộc về ông.
    Tôi ngạc nhiên thực sự, bởi vì tôi vẫn thường nghĩ rằng đất đai đã thuộc về ông tôi từ ngày khai thiên lập địa cơ.
    - Ngày xưa, khi mới đặt chân tới ngôi làng này, ông chỉ có hai bàn tay trắng, còn Masut thì lại là ông chủ của tất cả những thứ đó. Bây giờ địa vị đã thay đổi, và ong nghĩ rằng ông sẽ mua nốt phần còn lại trước khi thánh Ala gọi ông về với Ngài.
    Không hiểu sao tự nhiên tôi cảm thấy sợ những lời ông tôi vừa nói và thương hại cho người hàng xóm Masut của chúng tôi. Bất giác, tôi ao ước rằng ông tôi sẽ không làm điều mà ông vừa nói! Tôi hình dung ra giọng hát du dương và tiếng cười khỏe khoắn như tiếng nước chảy róc rách của ông Masut. Ông tôi chẳng bao giờ cười cả.

    Tôi hỏi ông tại sao ông Masut lại bán đất đai của ông ta đi.

    - Vì đàn bà, cháu ạ - và cái cách ong tôi thốt ra hai tiếng "đàn bà" khiến tôi cảm thấy họ là cái gì đó thật đáng ghê tởm. - Lão ta cưới nhiều vợ quá, và mỗi lần cưới vợ là lão ta lại bán một ít đất cho ông.
    Tôi nghĩ tới ba bà vợ của ông Masut (theo luật của đạo Muslim thì mỗi người đàn ông không được lấy quá bốn bà vợ), tới dung mạo tiều tụy cùng con lừa què và cái yên cũ nát của ông ta, tới cái áo choàng với hai ống tay rách bươm mà ông ta thường mặc. Những ý nghĩ đó còn đang lộn xộn trong đầu tôi thì tôi chợt thấy ông lão tiến lại gần. Tôi và ông nội đưa mắt nhìn nhau.
    - Hôm nay chúng tôi sẽ thu hoạch chà là đấy. - ông Masut lên tiếng - Hai ông cháu nhà ông có muốn ra vườn xem không?
    Mặc dù nghe có vẻ vồn vã, nhưng tôi lại cảm thấy rằng ông Masut không thực sự muốn chúng tôi đi cùng. Tuy nhiên, ông tôi đã dợm bước đứng dậy và tôi nhìn thấy mắt ông sáng rực lên trong chốc lát. Ông kéo tay tôi và chúng tôi cùng đi về phía thửa vườn chà là đang thu hoạch của ông Masut.
    Ai đó mang lại cho ông tôi một cái ghế đẩu bọc da bò trong khi tôi vẫn đứng. Có rất đông người ở đó nhưng tất cả tôi đều quen mặt. Tự nhiên, tôi thấy mình cứ mải miết nhìn ông Masut không chớp mắt. Ông lão đứng tách rời hẳn khỏi đám đông cứ như thể chuyện xảy ra ở đây chẳng liên quan gì đến mình, mặc dù trên thực tế những cây chà là đang được thu hoạch kia chính là của ông.
    Thi thoảng, ông lão lại chú ý đến tiếng động do một túm quả từ trên cây rơi xuống. Ông hét lên với cậu bé đang ngồi vắt vẻo trên ngọn cây, cậu ta đang dùng một cái liềm dài và sắc ngoặc vào cuống những chùm quả chà là.
    - Cẩn thận, không thì mày làm cây đau đấy!
    Chẳng ai buồn để ý tới những lời ông lão nói cả và cậu bé ngồi trên cây vẫn tiếp tục công việc của mình. Còn tôi thì bắt đầu nghĩ về câu nói của ông Masut. Đối với ông, dường như cái cây cũng là một vật thể có cảm xúc, cũng có một trái tim đang đập. Tôi nhớ có một lần ông Masut đã nhắc nhở tôi khi trông thấy tôi đùa nghịch với một nhành cây non.
    - Cái cây, cậu bé ạ, cũng giống như con người. Nó cũng biết vui vẻ và đau đớn.
    Nghe thấy vậy, tự nhiên trong thâm tâm tôi cảm thấy xấu hổ với chính bản thân mình.
    Khi tôi nhìn lên thửa vườn trải rộng trước mắt, tôi thấy các bạn của tôi đang xúm xít lại như một đàn kiến xung quanh một gốc cây chà là, nhặt nhạnh quả rơi và ăn ngấu nghiến. Quả chà là đã được chất thành từng đống lớn.
    Một vài người đang cân chà là trong một cái thùng lớn và đổ vào các bao tải. Tôi đếm được khoảng ba mươi cái bao tải như vậy. Đột nhiên, đám đông hét toáng lên, bỏ chạy tán loạn, chỉ còn lại ông lái buôn Hussein, ông Mousa là chủ thửa vườn bên cạnh nhà chúng tôi và hai người đàn ông khác mà tôi chưa gặp bao giờ.
    Tôi nghe thấy một tiếng huýt sáo nho nhỏ và trông thấy ông nội tôi đang bị ngất. Rồi tôi lại để ý thấy rằng ông Masut vẫn không hề thay đổi thái độ bàng quang của mình. Ông lão chỉ nhẩn nha đưa một nhành cây non lên miệng, nhai trệu trạo cứ như một người đã quá no và không biết làm gì với một miệng đầy thức ăn.
    Rồi ông tôi mở mắt ra, nhổm dậy bước tới phía các bao tải đựng quả chà là. Theo sau là ông Hussein, ông Mousa và hai người lạ mặt. Tôi liếc nhìn về phía ông Masut và trông thấy ông lão đang chậm chạp tiến lại gần chúng tôi với thái độ của một người muốn rút lui nhưng bước chân lại cứ đi về phía trước. Đám người kia đi vòng quanh các bao tải chà là và bắt đầu kiểm tra. Ông nội đưa cho tôi một nắm quả để tôi nhấm nháp. Tôi trông thấy ông Masut vốc lên tay từng vốc quả lớn, đưa lên mũi ngửi rồi lại thả chúng trở về trong bao.
    Rồi tôi trông thấy mọi người chia các bao tải ra. Ông Hussein lấy mười bao; hai người lạ mặt lấy mỗi người năm bao. Ông Mousa lấy năm bao, ông tôi cũng lấy năm bao. Tôi nhìn sang phía ông Masut và trông thấy cặp mắt của ông lão cứ đảo qua đảo lại như hai con chuột bị lạc lối về.
    - Ông vẫn còn nợ tôi năm mươi bao nữa nhé - ông tôi nói với ông Masut - Chúng ta sẽ bàn đến chuyện này sau.
    Ông Hussein gọi người giúp việc của ông ta mang lừa lại, hai người lạ mặt thì mang lạc đà tới, và các bao tải quả được chất lên lưng chúng. Một trong những con lừa đột nhiên be lên làm cho các con lạc đà sùi bọt mép và cũng kêu la inh ỏi. Tự dưng, tôi tiến lại gần ông Masut, giơ tay về phía ông lão như thể muốn chạm tay vào vạt áo sờn rách của ông. Tôi nghe thấy từ cổ họng của ông phát ra một tiếng kêu khe khẽ như tiếng của một con cò non sắp bị đem đi giết thịt. Tôi bỗng thấy nhói đau trong ngực.

    Tôi bỏ chạy ra xa. Nghe thấy tiếng ông nội gọi, tôi hơi lưỡng lự nhưng rồi vẫn chạy tiếp. Trong chốc lát, tôi cảm thấy ghét ông nội ghê gớm. Tôi chạy thật nhanh ra bờ sông gần khúc quanh bên rừng cây keo. Rồi trong vô thức, tôi thò ngón tay vào cổ họng móc ra những quả chà là mà tôi đã ăn khi nãy.
    Hãy hướng về phía mặt trời mọc bóng tối sẽ khuất sau lưng anh.
    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom