• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Ba ngàn thế giới thơm - Phan Nhật Chiêu

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Ba ngàn thế giới thơm - Phan Nhật Chiêu



    Ba nghìn thế giới thơm
    Nhật Chiêu

    Hoa mơ một chút nhụy
    Ba ngàn thế giới thơm
    ( Nhất điểm mai hoa nhụy
    Tam thiên thế giới hương)



    Đó là một thiền ngôn xưa mà ta có thể đọc trong thấy trong Thiền lâm cú tập (Zenrinkushu)

    Nếu ba nghìn thế giới không có một chút nhụy hoa nào thì nó sẽ ra sao ?

    Có gì nhẹ như một chút nhuỵ hoa mơ? Có gì huy hoàng như phấn hoa bay trong gió, truyền tin sự sống và ướp hương ba nghìn thế giới? Và cõi ta bà trở thành xứ sở của hoa mơ.

    Lang thang trong cõi Ta bà, Basho cảm nhận mùi hương hoa mơ như một hơi thở sáng thế:

    Mùi hoa mơ ơi
    con đường núi mọc
    bỗng nhiên mặt trời
    (Ume ga ka ni
    Notto hi no deru
    Yamaji kana)
    Basho

    Hương hoa mơ đã xui mặt trời mọc, hay mặt trời giục giã cánh hoa mơ kia mở phơi hương sắc? Mặt trời cũng chỉ là một cánh hoa khác, bông hoa của hư không.

    Thiền đã đi vào thơ như thế, Thiền đã nở rộ thành Thơ khi trái tim người biết hát.
    Thiền và thơ tương nhập như Quan Âm đi vào trong cỏ nội hoa ngàn:

    Thiện tai Quan Thế âm
    Toàn thân nhập hoang thảo
    Thiền lâm cú tập
    ( Diệu kỳ thay Quan Thế Âm
    Toàn thân thể nhập muôn vàn cỏ cây)

    Chính vì thế mà nhà thơ nữ Sono-jo muốn ôm hết vào lòng cỏ lá mùa xuân:

    Bước lang thang
    Đưa tay mà hái
    cỏ mùa Xuân hoang
    Sono-jo
    (Te wo nobete
    Ori - yuku haru no
    Kusaki kana)

    Nhưng cỏ thì có chi đáng kể? Chính bản chất " vô dụng" của cỏ đã làm cho cõi Ta bà ngát một màu xanh:

    Cỏ vô dụng
    vẫn mê mải lan tràn
    và mặt trời cũng tràn lan
    Issa
    (Muda gusa ya
    Nanji mo nobiru
    Hi mo nobiru)

    Cỏ vô dụng. Thền, nghệ thuật và thơ ca cũng thế, tất cả là vô dụng. Vô dụng tất nhiên nằm ngoài cái vòng " kim cô" của lợi nhuận. trong tình yêu của Quan Âm và trong thiên nhiên, không có gì hữu dụng hay vô dụng.
    Cỏ vô dụng đến nỗi nó chỉ có thể" dẫn đưa đời sống đi lên" chứ không có khả năng nào khác, như Whitman từng nói:

    Mầm cỏ non bé nhất cho thấy thực ra không có chết chóc gì
    Và nếu có đi nữa, nó cũng dẫn đưa đời sống đi lên chứ không đợi ở chỗ tận cùng mà chặn ngưng cuộc sống ...

    Nhưng hoa mơ kia vào cỏ hoang kia từ đâu mà có mặt? Để mà hương thơm. Để mà mặt trời mọc. Để mà dẫn đưa đời sống. để mà Quan âm? Hỏi thửa chúa Xuân xem:

    Dục vấn hoa lai xứ
    Đông quân diệc bất tri
    Thiền lâm cú tập
    (Muốn hỏi hoa nơi đến
    Chúa Xuân nào biết đâu)

    Mọi câu hỏi siêu hình đều vô nghĩa. Đời sống để sống, không phải để hỏi. Rằng hoa đến từ đâu hay hương đến từ đâu:

    Từ cây hoa nào
    Mà ta không biết
    một làn hương trao
    Basho
    (Nan no ki no
    Hana towa shirazu
    Nioi kana)

    Basho biết rằng mình không biết. Thì cũng chẳng " tệ" hơn Socrates. Họ là nòi " bất tri"

    Bất tri hà xứ tự
    Phong tống giảm thanh lai
    Thiền lâm cú tập
    ( Tự chùa nào không biết
    Tiếng chuông theo gió về)

    Hương hoa và tiếng chuông đưa dẫn tâm hồn ta đi lên, đến gần một bờ cõi khác, như thể đó là bờ bên kia.

    Hoa đào như áng mây xa
    Cchuông từ Ueno đến?
    Hay từ Asakura?Basho
    (Hana no kuno
    Kane wa ueno ka
    Asakura ka)

    Nơi nào là bờ bên kia? Ueno hay asakura? hay bờ bên kia chính là ờ bên này? Hoa đào ở đây và tiếng chuông đang ngân bây giờ. Mà dư hương và dư âm thì đã phảng phất và vang vọng tự nghìn xưa.

    Như cây tùng cổ và tiếng chim huyền bí:

    Cổ tùng đàm bát nhã
    U điểu lộng chân như.
    Thiền lâm cú tập
    ( Cây tùng cổ xưa ca bát nhã
    Cánh chim huyền bí múa chân như)

    Cây tùng ấy, cánh chim ấy là Bồ tát trong đời. Hoặc là Bồ tát hoá thân vào tùng, vào chim. bản thân thiên nhiên là Đại Bồ tát. Cũng như nhật nguyệt là Như Lai: Mặt trời Phật, mặt trăng Phật
    Có cây thông già trong thơ Issa:

    Chưa thành Phật Đà
    Thông già một cội
    Mơ gần mơ xa
    Issa
    (Hotoke to mo
    Narade uka uka
    Oi no matsu)
    Cây thông già đứng mơ trong một thế giới mơ dưới một bầu trời mơ. đó là mơ trong mơ, mộng trung chi mộng
    Mơ là gì và thực là gì? Thế giới này là gi? Ta nhớ bài tứ thế chi ca của nữ thi sĩ Sonojo ( môn đồ của Basho)

    Bầu trời rạng đông
    Hay trăng thu ngời sáng
    biết đâu là thực
    Hay giấc mơ mòng
    Nam mô A Di Đà Phật !
    Sonojo
    (Aki no tsuki
    Haru no akebono
    Mishi sora wa
    Yume kara tsutsu ka
    Namuamidabutsu)
    Cuộc đời là thực cũng được, là mơ cũng được. Có cái gì khác nhau đâu. Nam mô với thực, nam mô với mộng, nam mô với cuộc đời - đấy là tiếng hát của Sonojo. Như trong lá thư nàng gửi cho thiền sư Unko:

    "Chớ cầu tìm chân như, chớ cầu tìm hư vọng. đấy chính là căn nguyên của Đại đạo ... Liều thì xanh rờn, hoa thì đỏ thắm, tự nhiên nhi nhiên, thơ haiku và đoản ca cần sáng tác . . . Ngày tháng tôi trôi qua trong lời niệm Phật, trong sáng tác haiku và đoản ca. Lên cõi cực lạc cũng tốt, mà sa xuống địa ngục cũng chẳng hề chi "

    Đối với một tâm hồn như Sonojo, mơ và thực không còn ý nghĩa. tâm hồn ấy bay trên đường khinh thanh, nhẹ nhàng như phấn hoa, nhẹ nhàng như hương thơm. Nàng là " huyền điều", cánh chim huyền bí của thơ ca. Chân như là trò chơi của nàng ( lộng chân như) và hư vọng cũng thế. là môn đồ của của basho, nàng cùng thầy làm cho thơ ca lan rộng cõi u huyền .

    Thiền đi vào trong thơ như nhật nguyệt và càn khôn đi vào trong tay áo:

    Tụ trung nhật nguyệt tàng
    Chưởng nội ác càn khôn
    Thiền lâm cú tập
    ( Nhật nguyệt chui vào tay áo
    Càn khôn nắm tận tay)

    Vì thế nên Hokushi mới tự do di chuyển vầng trăng như thể đó là một món đồ chơi:

    Treo trăng lên cành thông
    rồi tôi lấy trăng xuống
    mà ngắm trăng tuyệt trần.
    Hokushi
    (Tsuki wo matsu ni
    Kaketari hazushite mo
    Mitari)

    Thiền là tự do chơi đùa với vũ trụ. Thiền giải thể mọi ràng buộc, mọi quy luật. và thơ ca cũng thế. Nên Thiền và thơ cùng hân thưởng tự do chung:

    Ngồi trên thuyền trôi
    Và vầng trăng khuyết
    tựa vào lòng tôi
    Taigi
    (Mikazuki ya
    Hiza ni kage sasu
    Fune no naka)
    Nhật nguyệt ( và cả càn khôn) nằm trong tay áo ta, trên đầu gối ta, trong hạt cải mòng, trên đầu lông xíu.. . Bao giờ mà chẳng thế.
    Chứ nhật nguyệt nằm đâu? và càn khôn nữa?
    Thiền đã tạo dựng cho thơ ca một vô môn quan. Thiên tài thơ ca sẽ bước qua cửa ấy và càn khôn độc bộ
    Con người trong thơ thiền là vô ngã- vì vậy có thể nắm giữ nhật nguyệt, bước qua càn khôn, đi về trong thời gian vô tận. Ngã là cái tôi hữu hạn, là cái chết
    Vô ngã là bất kỳ điều gì được hiện thành, được sống. Tự do.
    Nói như nhà thơ Thiền hiện đại Takahashi Shinkichi trong bài thơ tự do:

    Không ở nhà
    Bảo họ tôi đi vắng
    Bảo họ không có ai ở đây
    Năm trăm triệu năm sau tôi về

    Trong tác phẩn khác Shinkichi nói rõ hơn:
    Không có ai là đang sống. Con người chúng ta là được sống. Như một âm thanh, như một áng mây.
    ...
    Con người chúng ta cũng giống như âm thanh đó. Không có gì như là ngã. Chỉ có vô ngã là hiện hữu
    Vì thế trong thế giới của Shinkichi, vỏ sò nằm trong cát là một cầu vồng:

    Một vỏ sò nằm ngủ
    Chỉ một chút đong đưa
    Khi sóng chiều đấn hát
    Mặc trùng dương gần rú
    Vẫn lặng yên mơ màng

    Một ngày nào đó
    Biển hoá nương dâu
    Bãi bờ thành đáy nước
    Vỏ sò không sá kể
    Ngày mai một buổi nào
    Và dẫu nằm trong cát
    Chẳng ghen gì mây cao

    Vỏ sò đã quên hết
    Nhục thân xưa của mình
    Và những năm về trước
    Đã đi cùng hư không
    Mơ màng không xao xuyến
    Lãng đãng không muộn phiền
    Dâng mình cho nhịp điệu
    Của bước dài Vô biên

    Và một ngày nào đó
    Vỏ sò ai nhặt lên
    Sau một cuộc hoá thân
    Hốt nhiên thành cúc áo
    Nó sẽ không sầu não
    Không một lần bận tâm

    A, vỏ sò!
    Cầu vồng nằm trong cát
    Chỉ một chút đong đưa
    Khi sóng chiều đến hát ...

    Bài thơ mang một chút dư vang của một bài haiku xưa

    Cơn giông
    Ô kìa vỏ ốc
    Trống không
    Yajin
    (Kogarashi to
    Narinu katatsumuri no
    Utsusegal)

    Chính vì trống không cho nên vỏ sò mới chứa trong nó niềm tịch liêu vô tận và nhịp điệu vô biên.
    Vỏ ốc ấy cũng giống như thơ thiền, trống không mà đầy đủ ba nghìn thế giới
    Và ba nghìn thế giới ấy có thể bừng dậy hương thơm vì một chút nhụy hoa mơ

    (Nguyệt san Giác Ngộ - số 91)
    Đã chỉnh sửa bởi Visaolaithe; 17-07-2011, 10:09 PM.
    Similar Threads
  • #2

    Nam Mô Hoa Đào - Nhật Chiêu

    Nam Mô Hoa Đào

    Nhật Chiêu

    --o0o--
    - Trước cành đào hoa
    Rộ đời hương sắc
    Nam Mô hoa đào!
    Bashô

    Nam Mô là dâng hiến thân tâm mình cho Đức Phật. Trước hoa đào, Bashô niệm Phật (Hana nimo nenbutsu) và như thế, Bashô đang niệm hoa đào. "Muôn triệu đóa hoa chính là hoa Phật Tổ", Thiền Sư Dôgen nói: "là vang rền tiếng gọi: Chư Phật hiện thân giữa đời" (1)

    Hoa đào, hoa mơ, hoa ưu đàm… muôn triệu loài hoa. Do nhân duyên mà hoa đào được nói tới. Trong họ nhà hồng, chỉ có anh đào (Sakura) là vươn thành cây lớn, hoa phủ cành như mây và chỉ hiện thân trong vài ngày, sau đó tung tán mình trong gió dưới một bầu trời Xuân, không luyến tiếc. Đó là cái đẹp vô ngã. Và Bashô cúi mình đảnh lễ. Anh hoa phát tiết, mùa Xuân xuống đời (Sakura đọc theo âm Hán Việt là Anh)

    Và cũng như Bashô, Issa đến bên hoa đào với một thân tâm hoàn toàn thuần khiết:

    - Nước nóng tắm rồi
    Vừa xong lạy Phật
    Hoa đào ta ơi!
    Issa

    Nước nóng, Phật, hoa đào, Issa đang sống với Niết Bàn. Tắm đi, niệm Phật đi, ngắm hoa đào đi. Issa đang sống với mùa Xuân. Và đọc Issa, ta muốn sống với Issa.

    Có một nhà thơ Haiku khác, Onitsura khi nhìn vào hoa đào núi (yamazakura) đã nghe ra một tiếng hát kỳ diệu: Bài ca của đá cuội.

    - Hoa đào núi
    Đá cuội hát ca
    Dưới lòng con suối.
    Onitsura

    Bạn sẽ hỏi: Suối hát hay cuội hát. Tất nhiên là cả hai ca hát. Và cả hoa đào nữa, nó đang ca hát. Cả ngọn núi, và cả con suối kia. Trong Sơn Thủy kin (Sansui-kyô) của Dôgen, ta thấy núi đi, núi trôi chảy, đó là vì núi đang ca hát. Vì sơn thủy là Pháp, sơn thủy cũng là Kinh. Sơn Thủy Kinh. Vì hoa đào là Pháp, hoa đào cũng là Kinh. Kinh Hoa Đào.

    Và ta tiếp tục đọc Kinh Hoa:

    - Gió và mưa
    Giữa những cơn cuồng dại
    Những cánh hoa đầu mùa.
    Chora

    Hoa đào nở ra mùa Xuân. Gió và mưa không ngăn được điều đó. Hoa mong manh đến thế, vô thường đến thế nhưng chẳng gì mãnh liệt hơn hoa. Giữa gió và mưa, hoa là tình yêu. Hoa là thiên sứ của tình yêu, của bờ bên kia. Như lời Tagore: "Ở giữa thế gian như thành vàng Ravana, chúng ta luôn luôn sống lưu đày khi cõi trần giăng bã vinh hoa và muốn chiếm hữu chúng ta. Hoa lại đến với chúng ta, hoa mang tin từ bờ bên kia. Hoa thì thầm vào tai chúng ta: Em đến đây, người bảo em đến. Em là sứ giả của cái đẹp, của người mà tâm hồn chan chứa tình yêu…"(2)

    Hoa xuống đời, lẫn vào cuộc sống, lẫn vào tiếng chuông chùa.

    - Một đám mây hoa
    Chuông chùa Ueno vọng
    Hay chùa Asakusa?
    Bashô

    Nhà thơ không phân biệt được tiếng chuông từ đâu vọng tới. Và cần gì phân biệt? Hoa đào không nở từng đóa đơn độc mà nở thành quần thể muôn nghìn đóa, vì vậy được gọi là "mây hoa" (Hana no kumo: hoa vân). Hoa không tự phân biệt mà hòa lẫn vào nhau. Hoa vì tiếng chuông mà đến hay chuông vì hoa mà ngân? Hoa chẳng phải là "một công án sống" sao? Chẳng hạn:

    - Hoa đào nở
    Chim thì hai cánh
    Ngựa có bốn chân.
    Onitsura

    Cái như tính của sự vật (Hoa đào tính, chính, ngựa tính…) có thể làm ta ngạc nhiên, có thể không. Onitsura đơn giản ghi lại cái như như đó.

    Trong cõi chân không diệu hữu, sao mai vẫn cứ là sao mai, hoa đào là hoa đào và mây là mây: Kìa ngôi sao mai

    - Tách khỏi hoa đào
    Giữa trận mây bay.
    Kikaku

    Sao mai trên trời thì tách mình khỏi hoa đào nhưng áo rơm người trần thế thì lại muốn giữ hoa trên mình. Giữa cơn gió loạn, hoa đào tung tán khắp nơi, khi rơi xuống chiếc áo rơm mà người phu chèo chống chiếc bè đang mặc, hoa đã dính mắc đầy áo, như trong bài thơ sau: Trên bè giông bão

    - Áo rơm người chèo chống
    Hóa áo hoa đào.
    Buson

    Khi hoa đào nở (sau 51 tuần vắng bóng trong năm) thì khắp nơi vây phủ mây hoa. Thế giới trong vài ngày biến thành thế giới của hoa đào.

    - Bước vào hoa đào
    Người người lũ lượt
    Bước ra hoa đào.
    Chora

    Đào nguyên có giữa lòng đời. Chúng ta "bước vào" nó và chúng ta "bước ra" nó. Thiền Sư Ikkyu (Nhất Hưu) có viết một bài đạo ca như sau: "Từ dục tình của đời, tôi trở về cõi vô dục, một thoáng nghĩ ngơi, mưa có rơi thì rơi, và gió lên mặc gió!" Hoa đào đến thế gian, đến cõi Ta bà này như để cứu rỗi nó. Cái đẹp cứu rỗi thế gian, Issa dường như nói vậy, cũng như Dostoievsky từng nói?

    - Hoa đào ban đêm
    Như từ trời xuống
    Những người con gái tiên.
    Issa

    Hoa đào với Issa, Buson, Bashô và với hầu hết nhà thơ Nhật thường chứa đựng trong nó một vẻ huyền ảo, linh thiêng:

    - Đỉnh Yoshino
    Nuốt mây trên trời cao
    Và thở ra hoa đào!
    Buson

    - Chuông chiều tắt dần
    Hương hoa đào ấy
    Vẫn còn rung ngân.
    Bashô

    Issa dù được mệnh danh là "nhà thơ của đời thường" nhưng dường như với ông, đời thường chính là tôn giáo. Cho nên:

    - Quan Âm Phật Bà
    Nơi nào có mặt
    Anh đào ra hoa.
    Issa

    Như vậy, có thể nói nơi nào có hoa, nơi đó có Phật. Tính chất hoa đào, hay hoa nói chung và tình yêu là một.

    Nhật Chiêu

    (1) Moon in a Dewdrop, Zen Master Dôgen, Element Books, 1988, trang 115. (2) Sadhana, Tagore. Theo bản Việt dịch của NXB An Tiêm: Thực hiện toàn mãn.
    Đã chỉnh sửa bởi Visaolaithe; 22-07-2011, 03:39 AM.

    Comment

    • #3

      Chơi cùng hư không - Nhật Chiêu

      Chơi cùng hư không


      Nhật Chiêu

      --o0o--


      Vượt qua
      những tầng mây trắng
      vân tước hát ca”
      Kyoroku

      Vượt qua những tầng mây của mình, những con chim ấy đã bay đến tận cùng tiếng hát, tận cùng Thơ Ca. Dẫu vậy, đã là Thơ Ca thì làm sao có thể tận cùng? Không, đó cũng chỉ là một cuộc quy hồi. Trở về với tiếng hát đầu tiên. Trở về với sớm mai của mọi sớm mai. Để chơi cùng Hư Không, cùng sớm mai, cùng mùa Xuân của mọi mùa Xuân…

      Trên cánh đồng
      chim vân tước hát
      chơi cùng hư không

      Haranaka ya
      mono nimo tsukazu
      naku hibari
      Basho

      Ca hát say sưa trên cánh đồng, đấy là chim vân tước (hibari) đang chơi, như mọi con chim se sẻ khác. Chơi với chim là một khát vọng sống. Khác với chim, com người thường quên chơi.

      Chơi chỉ là để chơi, không mục đích.

      Với những trò chơi hiện đại, ta đã vô tình đánh mất mình, đắm chìm trong vô số dục vọng và buồn chán. Chỉ có trẻ thơ và chim chóc là biết chơi, có tinh thần chơi của hư không.

      Con chim sẻ nhỏ
      mang niềm du hí
      trong cánh mà bay

      Suzumego ya
      hane aritake no
      ureshi – gao
      Sekiu

      Con chim sẻ nhỏ và cuộc chơi du hí tam muội. Từng lông cánh của chim như lộng gió niềm vui. Chim như nói cùng hư không: “Cầu xin Người để cho dòng tinh lực vũ trụ không sao ngăn lại được của Người rập rờn lưu chuyển như cơn gió Nam lồng lộng vi vút thổi vào Xuân.” (Tagore)
      Và như thế con chim sẻ nhỏ của Sekiu tham gia vào cuộc chơi tràn đầy niềm vui của mùa Xuân, của vũ trụ.

      Vũ trụ là trò chơi của một đứa trẻ, theo Heraclite, nó đẩy các quân cờ: “Thời gian là một đứa trẻ đang chơi cờ, nó chơi cờ với một quyền lực vương giả.” Quyền lực của một đứa trẻ hay một chú sẻ non, là niềm vui được chơi.

      Trên nương trà
      một bầy se sẻ
      trốn tìm trong hoa

      Cha no hana ni
      kakurenbo suru
      suzume kana
      Issa

      Với bầy sẻ của Issa, nương trà là sân chơi. Nhưng sân chơi thực của muôn loài bao giờ cũng là hư không. Trốn tìm trong hoa là trốn tìm trong tướng hoa của hư không. Tướng hoa đó có khi là cành trúc, có khi là cây mơ:

      Sẻ mẹ dặn dò:
      bay về cành trúc đấy
      và bay đến cành mơ

      Take ni iza
      ume ni iza to ya
      oya – suzume
      Issa

      Tướng hoa đó là những hoa đào, mận, mơ, liễu… là hằng hà sa số hoa trong cuộc chơi bất tuyệt của hư không, như Thiền sư Dogen của Nhật Bản (thế kỷ mười ba) đã diễn tả:

      Đây là tướng hoa của tất cả mọi sự. Mọi sự rốt ráo không thể dò, là những hoa và quả giữa hư không… Cần xem chúng như là bình đẳng với những đào, mận, mơ, liễu.”

      Hay hư không chính là cánh mũi của Đại Phật (Daibutsu), là hơi thở của Đại Phật:

      Chim én bay ra
      từ trong cánh mũi
      Đại Phật Nara

      Daibutsu no
      hana kara detaru
      tsubame kana
      Issa

      Và cho dù Đại Phật ở đây là một pho tượng, một hình tướng, vẫn có hơi thở của hư không.

      Với một diệu tài vượt xa muôn vật, những con chim biết giấu mình giữa hư không, như những bông hoa giấu mình trong hương:

      Ôi sơn ca
      giấu mình đâu đó
      trời xanh bao la

      Kuma mo naki
      sora ni kakururu
      hibari kana
      Rikuto

      Diệu tài của chim là có mặt bằng tiếng hát. Nói như nhà thơ Tennyson trong In Memoriam, toàn thể chim sơn ca đã biến thành “một khúc ca vô hình”. Nhà thơ Ampu cũng thấy:

      Sơn ca trên mây
      chỉ còn tiếng hát
      vô hình chim bay

      Koe bakari
      ochite naki
      hibari kana
      Ampu

      Chỉ còn tiếng hát. Nhưng không chỉ có tiếng hát. Vận mệnh của chim là bay. Là đối mặt với gió, với vô biên :

      Đối mặt không ngừng
      ôi chim vân tước
      với gió mùa Xuân

      Harukaze ni
      chikara kuraburu
      hibari kana
      Yasui

      Đường bay của chim vân tước tạc vào gió, tạc vào mùa Xuân cái vô hình, vô tích của chim. Và tiếng hát của nó tạc sâu vào cái vô định hình của mây :

      Vân tước hát ca
      từ từ mây trắng
      rợn đầy âm ba

      kumo ni nami
      tatete saezuru
      hibari kana
      Seien

      Chim và mây. Cả hai đều là bạn của hư không. Dường như không phải chim đang hát mà là mây đang hát. Dường như không phải mây đang tan trong âm ba mà là chim vân tước đang tan.

      Mây là niềm im lặng đang ngân nga và chim là tiếng hát đang trở thành vô thanh. Đó là mây và chim đang chơi đùa cùng hư không.

      Và chim vân tước ơi, có nhớ cánh hạc vàng nghìn xưa đã để lại những vầng mây trắng buồn tênh, trong tiếng thơ huyền bí của Thôi Hiệu ?

      Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
      Thử địa không dư Hoàng hạc lâu
      Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
      Bạch vân thiên tải không du du...

      Cái tiếng thơ mà Phạm Đại Sĩ gọi là “nguyên khí của thái không hốt nhiên nhập vào ngòi bút.” Ta quá yêu cái thái không ấy nên muốn hát cùng Thôi Hiệu theo ngôn từ của mình :

      Chở tiên đi, cánh hạc vàng
      Bỏ hư không lại, còn Hoàng hạc lâu
      Hạc vàng mất hút thiên thu
      Để nghìn năm trắng mây từ từ trôi...

      Nhưng hạc vàng là gì ? Đó lại là sáng tạo của hư không. Có vân tước và én, có dạ oanh và nhạn, có đỗ quyên và tích linh... Thì sao không có hạc vàng ? Đã có Hoàng hạc lâu thì hẳn có Phượng hoàng đài. Đấy là trò chơi của hư không, trò chơi của tâm tưởng :

      Tôi yêu đầy trái tim
      những đôi cánh của chim
      chở mùa ánh sáng !

      Tori no ha ni
      misomuru haru no
      hikari kana
      Chora

      Cánh chim hoặc là chở thần tiên (tích nhân) hoặc là trở ánh sáng (hikari), nó luôn luôn chở một điều gì đó từ điểm nhìn của chúng ta.
      Chim là của bầu trời. Vậy mà một cánh chim bay đi, ta lại có cảm giác mất mát. Hoàng hạc bay đi, và rồi những cánh nhạn bay đi, hay một con hoàng yến bay đi.

      Bay đi, bay đi... Chỉ còn lại nỗi cô đơn là ta :

      Đêm qua nhạn bay đi
      hôm nay bay đi, bay đi
      đêm nay không còn chi

      Kinô ini
      kyô ini kari no
      naki yo kana
      Buson

      Dễ dàng liên tưởng cánh chim và thời gian. Đêm qua và hôm nay đủ cho cây thay lá, tóc bạc màu, nhan sắc tàn phai, là “từ tôi phút trước sang tôi phút này”, là từng thế hệ đi qua.

      Chim yến thoát rồi
      một ngày Xuân đẹp
      đến giờ tàn thôi

      Kanariya wa
      nigete haru no hi
      kure ni keri
      Shiki

      Ngày Xuân nào cũng tàn, chẳng phải vì cái yến vàng đã ra đi. Nhưng thiền sư Dogen vẫn bảo : “Xuân làm hoa nở, hoa làm nở Xuân”, Xuân nở rồi tàn, chim đến rồi đi, được và mất... Có thể Shiki nhìn vào nỗi cô đơn của mình với một nụ cười vào cuối một ngày Xuân.

      Trên mái nhà của Jôsô mỗi sớm mai có một con vân tước đến hót. Cùng là một con chim, hay là những con vân tước khác nhau, nhà thơ tự hỏi :

      Chim sẻ trên mái nhà
      sớm mai này đến hót
      có là chim hôm qua ?

      Asagoto ni
      onaji hibari ka
      yane no sora
      Jôsô

      Chim sẻ thì hát ca, chơi đùa, không cần biết mình là một hay hai. Bầu trời trên mái nhà là một hay hai ? Những sớm mai là một hay hai ?

      Sớm mai là gì? Nhà thơ Tagore nhìn thấy sớm mai như một trò chơi tử sinh:

      Chúng ta thấy trò chơi tử sinh khắp nơi, sự chuyển hóa từ cựu sang tân này. Ban ngày đến với chúng ta mỗi sáng sớm, hoàn toàn trinh bạch, lồ lộ tươi thắm như một đóa hoa khoe sắc hương. Nhưng chúng ta biết rằng nó già cũ, nó là tự kỷ Thời gian vậy… Thế giới chúng ta mang sự tươi trẻ bất tử trong sâu thẳm của lòng. Sự già lão và bệnh tử làm lướt trên gương mặt nó những bóng mờ hiu hắt và thoáng qua đi không để lại một ngấn tích nào… Cái già này, cái ngày rất xa xưa này của trái đất chúng ta hồi sinh lại mỗi sớm mai. Nó trở lại, luôn luôn với tiếng gọi cùng âm điệu.”

      Con chim sẻ trên mái nhà Jôsô dường như hát theo âm điệu sớm mai mà Tagore đã hình dung. Sớm mai này và muôn vạn sơn mai trước đó, con chim sẻ này và muôn vạn se sẻ hôm qua, chính là đời sống lúc nào cũng xưa cũ và thanh tân, mất mát và đủ đầy.
      Cho nên những sớm mai sẽ bay đi đâu, những cánh chim sẽ bay đi đâu?

      Đàn nhạn đi rồi
      cánh đồng trước cửa
      dường như xa xôi

      Kari yukite
      kadota no tôku
      omowaruru
      Buson

      Mã Tổ cùng Bách Trượng dạo chơi, nhìn thấy bầy nhạn bay trên không.
      Mã Tổ hỏi: Cái gì thế?
      Bách Trượng thưa: Đàn nhạn.
      Mã Tổ: Bay đi đâu?
      Bách Trượng: Bay mất rồi.
      Mã Tổ bèn nắm mũi Bách Trượng mà vặn mạnh, đau quá phải la lên. Mã Tổ quát: Bay mất thật sao?
      Và Bách Trượng đại ngộ tức thì.

      Trong hư không đàn nhạn vẫn bay, chẳng mất đi đâu. Từ thời Mã Tổ, hơn ngàn năm rồi, đàn nhạn vẫn còn bay. Nếu như không gian không nhốt kín ai và thời gian chẳng che mắt ai…

      Cánh đồng vẫn ở nguyên trước cửa Buson, trước cửa nhà ai đó. Và chim vẫn bay và lúa vẫn xanh. “Dường như” thế giới vẫn như thế và dường như nó xa xôi và biến đổi. Đôi mắt họa sĩ của Buson cảm nhận được những sắc màu vô sắc ấy.

      Còn Onitsura thì dường như hồn nhiên hơn Buson khi nhìn ngắm cánh đồng của mình:

      Vân tước bay lên
      vân tước bay xuống
      lúa xanh, xanh rờn

      Aomugi ya
      hibari ga agaru
      are sagaru
      Onitsura

      Chim sẻ đang bay và lúa đang xanh. Còn chim sẻ không chờ mổ thóc và lúa cũng không xanh cho Onitsura làm thơ. Nhưng mà chim sẻ bay, lúa xanh và Onitsura làm thơ cho nhân của hư không và duyên của hư không đấy thôi.
      Có vẻ đồng chung cảm hứng với Onitsura, nhà thơ Rankô nhìn thấy:

      Hai bên mạn thuyền
      sang phải rồi trái
      vân tước hát miên man

      Kawabune ya
      hibari nakitatsu
      migi hidari
      Rankô

      Tại sao “sang phải rồi trái” (migi hidari) ? Chẳng ai biết. Chỉ thể thôi. Chim vân tước đang chơi trên dòng sông. Con sông chỉ trôi, chỉ trôi mà thôi. Và ai đó đang đi thuyền. Phải và trái là ngôn từ của con người, không phải của chim. Rankô đang “cưu trú” trong ngôn từ, đang đi con thuyền ngôn từ. Còn chim vân tước thì không, chỉ có hư không.

      Phải và trái là luật. Chim vân tước cũng có luật của nó. Suốt ngày nó hát. Nhưng thời gian của ngày không đủ cho niềm đam mê ca hát. Và luật biến thành tự do :

      Dẫu ngày dài ra
      mà vân tước hát
      vẫn còn hát ca

      Nagaki hi wo
      saezuri taranu
      hibari kana
      Basho

      Không chỉ hát trong ngày nắng đẹp. Tiếng hát của vân tước dường như không còn lệ thuộc vào không gian và thời gian:

      Ban mai
      chim vân tước hát
      giữa cơn mưa dài

      Ariake ya
      ame no naka yori
      naku hibari
      Issa

      Hát và bay, đó là tự do của chim, đó là tâm hồn của chim. Như con hải âu của Richard Bach. Con hải âu đó nói rằng: “Xin hiểu cho rằng một con hải âu là một tư tưởng vô hạn của tự do, một hình bóng của Đại Hải Âu, và toàn thân thể bạn, từ đầu cánh này đến đầu cánh kia chẳng là gì khác ngoài tư tưởng của bạn.”

      Đúng như hình ảnh mà Shiki thể hiện về chim vân tước:

      Chim vân tước bay
      thở ra sương gió
      dẫm lướt tầng mây

      Kumo wo fumi
      kasumi wo suuya
      age – hibari
      Shiki

      Đúng như hình ảnh mà Trang Tử thể hiện về bậc chí nhân:

      Người như thế thì theo hơi mây, cỡi mặt trời mặt trăng mà rong chơi ngoài bốn biển, chết sống còn không làm họ điên đảo, phương chi là mối lợi hại?”
      “Nhược nhiên giả, thừa vân khí, ky nhật nguyệt, nhi du hồ tứ hải chi ngoại, tử sinh vô biến ư kỷ, nhi huống lợi hại chi đoan hồ?”

      Đó là kẻ biết rằng mình là tự do, mình là cuộc chơi. Chơi cùng hư không, chơi cùng Niết bàn.

      Mà Niết bàn là gì?

      Niết bàn không phải là một nơi chốn, mà cũng không phải một thời điểm. Niết bàn là trạng thái toàn bích tuyệt vời”
      “Heaven is not a place, and it is not a time. Heaven is being perfect” – Richard Bach.

      Có phải là trạng thái này:

      Vượt qua
      những tầng mây trắng
      vân tước hát ca

      Shirakumo no
      ue ni koe aru
      hibari kana
      Kyoroku

      Vượt qua những tầng mây của mình, những con chim ấy đã bay đến tận cùng tiếng hát, tận cùng Thơ Ca.

      Dẫu vậy, đã là Thơ Ca thì làm sao có thể tận cùng?

      Không, đó cũng chỉ là một cuộc quy hồi. Trở về với tiếng hát đầu tiên. Trở về với sớm mai của mọi sớm mai. Để chơi cùng Hư Không, cùng sớm mai, cùng mùa Xuân của mọi mùa Xuân.


      Nhật Chiêu
      Đã chỉnh sửa bởi Visaolaithe; 09-08-2011, 04:14 AM.

      Comment

      Working...
      X
      Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom