Tử thí trên đảo Ganryu Shima
Miyamoto Musashi đứng bất động, một dòng máu nhỏ từ tiền đình chảy dần xuống sống mũi. Vạt Hakama phất phơ trong nắng sớm. Thanh mộc kiếm hơi nghiêng về phía mặt đất. Tập trung cao độ, chàng lắng nghe không chỉ kẻ đại cừu Sasaki Kojiro mà tất cả vạn vật chung quanh: thân tâm hợp nhất.
Sau lưng chàng, chếch về phía tay trái, kẻ đại cừu lảo đảo mấy bước. Chàng nghe tiếng mũi kiếm cắm phập xuống cát, tiếng thân người ngã xuống. Chung quanh lặng lẽ. Chàng nghe hơi nhức nơi trán, nhịp tim vẫn đập đều. Một ý nghĩ thoáng qua “Xong rồi!”.
Mới khoảnh khắc trước đây, khi bắt đầu ba bước “nhập thân” (irimi) như thường lệ, tay kiếm thủ bên hông theo thế waki gamae, tất cả năng lực trong người chàng khí-kiếm-thể chỉ tập trung vào một việc: tung ra đòn “thác đổ” - “men” (trực trảm) đúng lúc, đúng nơi. Dù sấm chớp, dông bão, dù động đất, sóng thần, dù đại trường kiếm của kẻ địch có dài đến mấy, và chiêu “én vẩy đuôi” của y hiểm độc đến cỡ nào, Musashi vẫn tin chắc là mình sẽ rửa được mối đại thù của gia tộc - chưa ai thoát khỏi đường kiếm dũng mãnh của chàng và Sasaki Kojiro, tay kiếm khách lừng lẫy cũng thế thôi.
Đúng khi chàng vận khí bình sinh hất ngược mái chèo (mà chàng vừa mới đẽo cho ra hình dáng kiếm lúc ngồi trên thuyền đến nơi tỉ thí) thì cũng là lúc Kojiro tung độc chiêu “én vẩy đuôi”, kiếm quang xoáy trên đầu chàng. Mũi kiếm cắt đứt khăn đầu của chàng. Chàng đã thoát chết trong gang tấc. Vì cây mộc kiếm trong tay mình nặng hơn bình thường, Musashi đã chuyển bộ chậm hơn một sát na, điều đó đã cứu sống chàng. Nhưng hai cánh tay hộ pháp của chàng đã không chậm, và chiêu “thác đổ - trực trảm” đã không tha mạng cho Sasaki. Một thoáng chấn động toàn thân. Và Miyamoto Musashi hiểu là mình đã thanh toán xong mối đại thù vốn nung nấu lòng chàng từ bao nhiêu năm qua.
“Sống, chết chỉ là một khoảnh khắc mong manh” - chàng nghĩ, mắt đăm đăm nhìn vào thanh mộc kiếm. Tâm trí chàng mang mang, cảm giác trống vắng, hụt hẫng xâm chiếm lòng chàng. Một hình ảnh hiện ra trước mắt Musashi. Không phải gương mặt khả ái của Otsu, người yêu thùy mị, trìu mến mà chàng đã tạ từ ra đi theo tiếng gọi của kiếm cung, mà đường nét nhân hậu, an nhiên tự tại của đại sư Trạch An, vị thầy đáng kính của chàng, kẻ đã giúp chàng tu luyện để trở thành một tay kiếm lừng danh. Đôi mắt trầm tư như nhìn chàng và nhắc nhở:
Thần đạo và kiếm đạo vốn dĩ chỉ là một. Vì cả hai cùng dẫn đưa con người đến một mục đích là diệt ngã.
Musashi vất thanh mộc kiếm. Chàng nhìn lòng bàn tay và hẹn với lòng mình là từ nay sẽ không bao giờ cầm một thanh kiếm giết người (satsu jin ken: sát nhân kiếm) trong tay. Năm đó vừa bước sang tuổi ba mươi và đã trải qua 60 trận tỉ thí mà chưa một lần bị thảm bại. Trong tác phẩm kinh điển của mình Ngũ Đại Thư (Go Rin No Sho) được viết trong một hang động, nơi Musashi Miyamoto ẩn cư sau cả một đời giang hồ ngang dọc trên khắp đất nước Phù Tang, ông đã tóm lược tinh hoa kiếm pháp của mình như sau:
“Đạo của binh pháp là cái đạo của Trời Đất. Một khi người đã thấu triệt được cái lý của vũ trụ, bắt được cái nhịp của cuộc diện, người có thể an nhiên đối diện với đối thủ và triệt hạ y” (Ngũ Đại Thư - Sách về “Thổ”).
Làng kiếm đạo Nhật bản ghi nhận 1 điểm son lịch sử với kiếm sĩ huyền thoại Miyamoto Musashi. Sinh năm 1854, thụ giáo kiếm thuật với thân phụ từ khi còn thơ ấu, năm 13 tuổi Musashi đã sớm đạt được vinh quang khi đánh bại 1 đấu thủ lớn hơn cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề trong 1 cuộc tranh tài trước mặt nhiều cao thủ. Từ đó về sau, trải hơn 60 trận thư hùng trên khắp nước Nhật, chưa 1 tay kiếm nào thủ hoà nổi trước lưỡi kiếm của Musashi. Năm 29 tuổi , sau trận đấu để đời với kiếm thủ thượng thừa Sasaki Kojiro mà chiến thắng vẫn thuộc về ông, Musashi rời bỏ chốn võ lâm lui về ẩn cư. Ông dốc toàn tâm toàn lực suy nghiệm để khám phá chân lý. Hơn 20 năm sau, ở tuổI 50, con người bất khả chiến bại ấy đã giác ngộ. Vào tuổi lục tuần, Musashi viết tác phẩm Gorin-no-Sho (Ngũ luân thư).
Comment