• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

NHỮNG NGÀY DÀI TRÊN QUÊ HƯƠNG ( Dấu Binh Lửa - Phan Nhật Nam )

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • NHỮNG NGÀY DÀI TRÊN QUÊ HƯƠNG ( Dấu Binh Lửa - Phan Nhật Nam )



    NHỮNG NGÀY DÀI TRÊN QUÊ HƯƠNG

    Tàu rời cửa Thuận An lúc năm giờ sáng, váng vất cơn say chiều hôm qua. Mặc anh thường vụ đại đội lùa lính lên tàu, tôi leo vào khoang sau buồng máy dựa lưng ba-lô nhắm mắt ngủ thiếp. Tiếng máy tàu, cảnh vật hai bên bờ, ánh nắng đầu tiên của ngày dịu dàng lời ru, cùng bềnh bồng hơi rượu và sông nước...

    Tôi ngủ yên như vào cuộc rong chơi. Nắng dọi vào mắt làm tỉnh ngủ, tôi ngồi hẳn dậy, đốt điếu thuốc đầu tiên của ngày, nhìn bọt sóng sau mạn tàu, người hững hờ như đang rơi trong khoảng trống lúc dù chưa bung. Cảnh vật hai bên bờ thật đẹp, lật bản đồ, tàu đang đi vào địa phận đầm Thủy Tú, bên trái Túy Vân Sơn, bên phải Hương Thủy, Phú Thứ...

    Những ngày hè thuở nhỏ tôi cũng thường rong chơi theo những dòng sông đẹp đẽ như thế này. Sông Cu-Đê chảy ra biển ở Nam Ô dưới chân đèo Hải Vân, tôi theo con sông vào đến nội địa đất Quảng Nam, lòng sông cát trắng, nước trong vắt, hai bờ núi in hình dưới lòng sông những ô cẩm thạch. Mái chèo khua bọt nắng lung linh trên mặt nước. Tôi không biết đường đến chùa Hương thơ mộng như thế nào, nhưng con sông Cu -Đê đầy ánh nắng của sớm mai tuổi nhỏ kia vẫn chảy hoài trong tôi như một mơ mộng không dứt đoạn. Sáng nay tôi cũng đang đi vào cảnh đẹp của quê hương. Nhưng lòng hờ hững cơn say...

    Tàu đến địa điểm đổ bộ, khu trục đến “raser” một phát, thôn xóm đang bình yên bỗng chốc biến thành biển lửa... Bốn chiếc FOM dàn hàng ngang chạy nhanh vào bờ. Xuống... Xuống, xuống thật nhanh, đem cái súng cối lên trước... Chậm như rùa.

    Hiến "chó xù", trung đội trưởng súng cối kê ngay tôi một phát:

    - Vừa thôi ông ơi, Nhảy dù chứ đâu phải Thủy quân lục chiến mà ông bảo đổ bộ nhanh bằng mồm ông được...

    - Kệ mẹ ông, chậm thì chết cả lũ bây giờ.

    Phóng mình xuống nước, ngập tới cổ... Tôi chửi thề tùm lum. Chưa gì sáng mai đã phải tắm sớm!

    Đằng xa hai đại đội tác chiến đã lập một đầu cầu, tôi tà tà lội vào bờ. Đại đội đã lên đủ. Thấy tôi lên sau chót, thằng Phen, xạ thủ súng cối nói dỗi:

    - Trung úy bảo tụi em chạy theo trung úy mà bây giờ mới đến !!!

    - Đi theo đại đội trước... - Tôi cáu kỉnh.

    Quân vào làng, làng thật nghèo, hoang vu, cát xám, gai xương rồng, luống bắp cằn cỗi. Sao cái đất của quê hương tôi tội nghiệp và thảm hại đến như vậy. Ông già, đàn bà bế con cái, cháu, chắt ra đứng hai bên đường đợi chúng tôi đi qua. Họ chứng tỏ sự chân thành bằng cách có mặt, vài ngôi nhà vừa cháy vì trận oanh tạc vừa qua, người chủ nhà không thèm chữa vì biết rằng có chữa cũng vô ích... Ngọn lửa hừng hực tung hoành tự do lan theo những đụn rơm, lũy tre.

    Lũy tre già xao xác vặn mình đau
    Đàn súc vật lao đầu kêu tuyệt vọng...

    ... Ôi quê hương đắm chìm trong khói súng.
    Có bao giờ được thấy bóng thân yêu!!!

    Từ thuở nhỏ, không hiểu tại sao tôi đã thích bài thơ “Cháy Quê Hương” của một tác giả vô danh, những câu thơ bình dị nhưng thiết tha như lời van xin...

    Lửa nghi ngút đốt ngang trời bão loạn
    Mây điên cuồng phủ kín bóng quê hương
    Những cụ già tóc bạc khóc đau thương
    Những thiếu phụ lo lo âu tràn mắt lệ...

    Sáng hôm nay, tôi cũng đang đi đốt quê hương. Sáng hôm nay tôi cũng đang là tên lính viễn chinh trên phần đất mà tổ tiên đã bằng một nỗ lực phi thường gây dựng nên từ bờ cát, đồng ruộng phèn chua. Quê hương đẹp đẽ huyền thoại như chuyện đời xưa... Này đây chiếc đầm xanh ngắt mờ mờ sương khói.. Ôi! Tôi đi đốt quê hương tiền nhân, tôi đi cắt mạch máu tổ tiên, tôi tàn hại cuồng khoái trên thân thể đã tan hoang vì bom đạn của một giải đất nghèo tên gọi là Thừa Thiên!!

    Này ông già có nhà cháy, sao “ôn” không khóc?... Khóc làm chi nữa “en” ơi, nhà cháy ba lần, con đi lính gãy chân nằm ngoài Mang Cá, giặc Tây lúc xưa “đút” nhà hai lần, giặc ni “đút” ba lần... Còn chi mà khóc nữa “en” ơi! Ông ở đây với ai? Với hai thằng cháu này, cháu kêu tôi bằng ông nội...

    Ông nội ơi, lúc xưa tôi cũng có một bà nội, bà nội thật già tóc bạc trắng, mỗi buổi chiều để dành cái bánh đa để thằng cháu sau khi ngủ dậy có cái ăn. Bà nội thương cháu, ấp ủ cháu lớn lên với đời, che chở cho cháu vì “hắn thiếu cha”. Tôi được nuôi lớn bằng tình thương, đâu biết được sau này lại về quê hương như một kẻ xa lạ, đắm mình trong cuồng nộ điên mê.

    - Trung úy cho phép tôi tới đằng cái nhà kia một lát.

    Người lính Địa phương quân của chi khu Phú Thứ thuộc thành phần tăng phái theo chúng tôi để nhận diện du kích hoặc người tình nghi trong vùng nói nhỏ, tiếng than vãn...

    - Anh đi láng cháng coi chừng đạp phải mìn “chân tay biệt ly” thì đời tàn...

    - Không sao đâu trung úy, tui người vùng này mà, nhà anh tui chỗ đó.

    Người lính đi một lúc trở lại với hai đứa bé, một đứa khoảng sáu tuổi, đứa kia hơn ba.

    - Con ai đây?

    - Dạ cháu kêu bằng chú, cha tụi hắn chắc đi theo Mặt Trận, mạ hắn trốn đâu không thấy.

    - Bây giờ anh đem nó theo?

    - Dạ...

    Người lính yên lặng xốc thằng nhỏ trên vai xuống, móc túi lấy mấy chiếc kẹo nhà binh đưa cho hai đứa bé. Thằng lớn cầm lấy chiếc kẹo, tần ngần. - Chú cho cháu ăn cơm, đói lắm. - Người lính móc từ ba-lô nắm cơm gói bằng giấy báo, hai đứa bé ăn trong nháy mắt, thằng lớn cầm mảnh giấy trên hai tay lè lưỡi liếm sạch từng hạt cơm còn sót lại. Tội nghiệp quá mấy em ơi! Tôi đưa tay vuốt đầu thằng nhỏ, tóc nó cứng như một thứ rễ cây. Khốn khổ cho mấy em biết mấy, ba tuổi đã phải trốn trong căn hầm tối tăm, ẩm thấp, nhịn đói, nhịn khát đã hai ngày, ba tuổi chưa biết cởi chiếc quần để đi tiểu, nước tiểu đọng vàng ố mảng quần...
    Em có khóc không hỡi em, hai đứa bé tang thương vùng Phú Thứ... Nhưng chắc các em cũng đủ biết thân phận khốn nạn của đứa trẻ Việt Nam trong thời loạn lạc nên đã nuốt xuống tiếng nấc...
    Tương lai nào cho các em, đứa sáu tuổi đã biết ôm em vào lòng, mắt nhìn lên miệng hầm đen chờ đợi một trái phá, một tràng súng chấm dứt đời chưa kịp được ngày trong sáng...
    Ôi các em! Người tôi căng như trên đống than hồng, nhỏ từng giọt máu xót xa!! Đau thương biết mấy hả trời...

    Đạn nổ. Đạn súng tay, súng cối từ bên cánh trái nổ vang, Tiểu đoàn 7 đang đụng địch. Việt cộng túng thế chạy về phía tiểu đoàn tôi, đạn 12 ly 7 từ Tiểu đoàn 7 bắn về tuy đi cao nhưng vẫn tạo thành cảm giác e ngại. Thằng nhỏ ba tuổi bíu chặt lấy lưng chú, thằng bé lớn nhào xuống bờ ruộng, lấy hai tay bịt chặt tai, mắt nhắm nghiền. Tôi nghĩ đến một tuổi nhỏ của “Guerre des boutons”, tuổi nhỏ của Sài Gòn đường Nguyễn Huệ, tuổi nhỏ mồm ngậm kem và xem ti vi. Các em ơi, các em có bao giờ biết có một tuổi nhỏ “thần thoại” nào như vậy không? Quân rút theo đường bộ ngã chi khu Phú Thứ ra quốc lộ 1, gần phi trường Phú Bài, trời trở mưa, người lính cột thằng cháu nhỏ trên lưng bằng sợi dây mang đạn, tay nắm khẩu Garant, tay dẫn thằng cháu lớn. Dấu chân trần của đứa bé in trên cát ướt, thấy thảm thương như giọt máu hồng từ quả tim non.

    Xe đưa đoàn quân về lại Quảng Điền, sáu giờ chiều, tiểu đoàn vượt sông Bồ đóng quân tại làng Bát Vọng đối diện với quận lỵ. Tôi ngã xuống chiếc võng cột giữa hai cây cột đổ, kiệt lực như người bịnh nặng. Hành quân đã hai tháng mười hai ngày.

    Trăng soi xuống giòng sông lăn tăn gợn sóng nhỏ, không có được chút mơ mộng, lòng đẫm ướt u uất hư hại như ánh trăng nhờn nhợt lạnh soi xuống ngôi nhà thờ đổ nát bên kia sông. Bây giờ đang tiết thu sao trời đầy giá rét, tôi chìm sâu xuống trong vùng tê cóng. Súng nổ từ phía đại đội 93, nghe qua máy truyền tin được rõ toán phục kích bắn chết hai Việt cộng, tịch thu hai súng, một tên bị thương chạy vào xóm nhà dân... Bắn trái sáng, lục soát xóm nhà, thằng bị thương chắc hẳn trốn đâu trong đó... Lệnh từ tiểu đoàn. Cả một xóm làng bị dựng dậy trong đêm khuya, ánh lửa nhấp nháy từ những chiếc đèn con, ánh sáng từ hỏa châu soi xuống nhợt nhạt.

    - Trung úy, cho em qua bên đại đội 93. - Hạ sĩ Em, thư ký hành quân của đại đội tôi nói nhỏ.

    - Qua bên ấy làm gì?

    - Xóm đó có nhà em, mạ em ở trong đó.

    - Thật không?

    - Em gật đầu. Dưới bóng trăng mắt nó long lanh như khóc. Khi đại đội 93 lục soát xong Em trở lại với một bà già gánh đôi quang gánh.

    - Mạ em đây. - Em giới thiệu bà già với tôi.

    Người đàn bà ngồi bệt xuống đất kéo vạt áo lên lau nước mắt, Em ngồi xuống bên cạnh người mẹ, nắm lấy bàn tay gầy guộc nhăn nheo. Hai mẹ con người lính ngồi im lặng dưới ánh trăng bàng bạc, thỉnh thoảng có tiếng nấc nhẹ...

    - Mạ, theo con vào Sài Gòn nghe?

    - Không, tao ở đây còn coi đất, coi cát, buôn bán kiếm ăn qua ngày được rồi...

    Yên lặng chĩu xuống, dưới sông tiếng sóng nhỏ, con nước chảy thì thầm. Hai mẹ con Em ngồi im lặng suốt cùng đêm.

    Để lại đại đội 93 tại vị trí đóng quân, tiểu đoàn kéo ra lại quận lÿ Quảng Điền, ngoài tên hiệu hành chánh này, quận còn có một tên thật độc đáo - Sịa - vô nghĩa nhưng hóm hỉnh và mộc mạc. Dân tộc tính, nếu có thì chính những chữ vô nghĩa này. Tôi là kẻ sinh quán từ miền Trung, nhưng một thứ miền Trung vong ân, phế bỏ quê hương từ thuở lâu lắm. Lẽ tất nhiên, trong tận cùng ao ước, tôi chẳng bao giờ nghĩ đến lúc phải trở về trên mảnh đất nghèo hèn này, nhưng chiến dịch đã dun dủi tôi trở về. Và tôi đã trở lại để thấy rõ sức mạnh tiềm tàng nhưng vĩ đại của tổ tiên, một giòng họ “Phan” nghèo khó theo chúa Nguyễn vào Nam, khởi đi từ những thôn xóm tận cùng miền Nghệ An, Hà Tĩnh...

    Chúng tôi đã xa nhà từ lúc trời còn tiết hạ, đến bây giờ nỗi chịu đựng đã lên đến tột đỉnh, mệt mỏi rã rời cộng thêm giá rét miền Trung, người mềm đi như bóng cò trắng đứng trơ vơ trên đồng vắng. Nhưng độc hại nhất là cảnh khổ phải chứng kiến; những khổ cực lì lợm nặng nề đè lên người dân, khiến họ còm cõi lặng lờ như ngọn đèn sắp tắt.
    Chiến tranh đã phá nát khắp cả quê hương miền Nam, nhưng vườn cây Kiến Hòa, ruộng ở Long An dẫu tan hoang, rừng dừa Bình Định dù có bị đạn bom tàn phá vẫn giữ được sức màu mỡ tiềm tàng từ mạch đất tươi tốt, trong thân cây dừa căng cứng nhựa...

    Nhưng ở đây, miền đất hẹp từ Quảng Trị vào Thừa Thiên, chiến tranh đồng nghĩa với phá vỡ tận gốc rễ. Nhìn một căn nhà ở vùng An Phú Đông bị sụp đổ, ta có ý nghĩ gia chủ sẽ cất một chiếc nhà mới ngay sau khi dứt tiếng súng do thiên nhiên tràn đầy sung mãn, miền Nam luôn luôn cháy sáng hy vọng cho người...

    Nhưng ở đây qua La Vân, Niêm Phò, những làng nhỏ bên sông Bồ nhìn ra phá Tam Giang, những ngôi nhà sụp đổ là dấu hiệu tàn tạ của toàn thế hệ, dòng sống. Những nếp nhà thật xưa, trang nghiêm, kín đáo ba gian hai chái, thấp xuống như tan cùng bóng mát của cây đào trồng đằng trước, nền gạch mát rượi, lòng nhà tối tăm, hơi lạnh từ hàng cột, bờ tường rêu phủ xanh xao bốc lên...
    Trước nhà có non bộ, sau non bộ là bình phong, hàng rào gạch trên có gắn miểng chai ngũ sắc, cổng với mái ngói, hàng câu đối nét chữ trang trọng. Suốt trên dãy quê hương này ông cha chúng tôi dựng nên những nếp nhà như vậy, để đánh dấu kiêu hãnh thầm kín muốn tồn tại trong một thế giới khô cằn nghèo khổ. Cách tồn tại lặng lẽ nhưng đài các hệt câu hò tình tứ bay bổng lên nền trời từ một khoang đò lững thững.

    Tôi biết rõ niềm kiêu hãnh trong lòng tổ tiên, những người nông phu đã rời bỏ quê hương đi về Nam. Họ đến đây sau khi đã đi hết đoạn đường dài cát bụi của hai xứ Quảng Bình, Quảng Trị. Họ đến đây và bị chận lối bởi Hải Vân Sơn nên dừng lại, dừng lại để xây dựng một quê hương mới, một kinh đô, để biến mình thành lớp dân kinh kỳ, người kẻ chợ. Những tổ tiên đó đã chứng tỏ sức mạnh sáng tạo trên nơi chốn nghèo hèn bằng một lối sống đầy nghi lễ và kiểu cách.

    Nhưng trái bom đã rơi xuống trên mộ phần tổ tiên, đã phá vỡ hàng rào quan liêu đài các của những ngôi từ đường, những phủ, những dinh, đã cuốn trôi hết thảy dấu vết của những người muốn giữ gìn sau một đời dài phấn đấu.

    Tôi đi qua quê hương này để thấy rõ niềm ao ước của người xưa bị cắt đứt, viên gạch tảng vôi của những cổ mộ vùng Mậu Tài, Đồng Xuyên nổ tung dưới bom đạn trông xót xa như da thịt của người xưa.
    Tôi, một kẻ nhỏ trở về để nhận lãnh hân hạnh thảm hại— Chứng kiến phút giây sụp đổ của tiền nhân. Nhưng cũng trong những lúc này, những lúc nát vỡ nát toàn diện quê cha, tôi cũng được nhìn tận mặt sức phản kháng im lặng nhưng quyết liệt đối với định mệnh của một lớp người dù trong cuối đáy khổ cực, vẫn tin tưởng sắc son đến từng bụi cây, khóm cỏ…

    Một ngày dẫn quân đi dọc bờ sông, đến làng Lương Cổ, làng vắng nhưng sao quãng đường này sạch sẽ in dấu chổi vừa quét. Có tiếng động, một cụ già tóc bạc phơ, áo quần rách vá chằng chịt, từ một bụi rậm đi ra... Bà cụ làm gì vậy? - Thứ giọng trung pha bắc lẫn nam của tôi không làm bà cụ hiểu được, phải gọi thằng Thiên tới, anh “lạc đà” người Huế của tôi.

    - “Mệ” làm chi rứa mệ?

    - “Mệ” quét đường con...

    - Mệ ở một chắc răng mệ?

    - Có “ôn” ở trong nhà nữa con.

    Hai vợ chồng già, già lắm, trong cảnh làng hoang vắng đổ vỡ, vẫn cố gắng quét sạch đoạn đường làng trước mặt nhà, cỏ dại lá tre được un về hai mép đường khéo léo và gọn ghẽ. Con đường đất vàng tươi phủ lớp bụi phơn phớt lượn vòng vèo theo bờ sông dài đến trăm thước, thế nhưng, bà cụ trên bẩy mươi tuổi, yếu đuối, lưng còng, do thói quen muốn chỗ ở luôn luôn được sạch, đã cố gắng quét dọn tươm tất. Tôi đi vào căn nhà phía trái con đường, ông lão chồng bà cụ đang lom khom trên mảnh vườn nhỏ, hoa thược dược nở từng đóa thật lớn, đỏ tươi chen lẫn với những chậu cúc vàng...

    - Mấy cậu bắn răng sập cái nhà của tui lại rồi!

    Lời trách cứ nhẹ nhàng làm lòng tôi trùng xuống. Một quả đạn 105 ly đã rơi trong khu vườn làm sụp một mái nhà...

    - Bị bắn lâu chưa ông?

    - Đại bác trong quận bắn ra tối hôm qua đó cháu...

    Viên đạn phá sập tường nhà tối hôm qua, nhưng sáng hôm nay những viên gạch vỡ đã được xếp gọn ghẽ ở góc tường.

    - Bữa nào yên, ông đi Huế mua xi-măng về xây lại đi ông già. -
    Người lính đề nghị với một vẻ cười cợt...

    - Cha, tui xây mấy lần rồi đó. Cứ làm xong là bị bắn sập. Nhưng lạy ôn bà, vợ chồng tôi khôn có chi cả là mờn rồi!

    Ông lão dung dị nói về tai ương phải gắng chịu. Tôi không biết trong thân thể già nua đó, sức mạnh nào đã giúp ông qua được đời sống lửa đạn để hằng ngày tỉa lại nụ cúc vàng rực rỡ...

    - Sao ông không về Huế mà ở?

    - Tui già rồi, ba bốn trận giặc trước còn sống được thì lúc này có chi đi nữa tui cũng phải ở lại để coi nhà cửa đất cát.- Ôi, nhà cửa đất cát...

    Người già đã đã xây dựng từ một tuổi thanh xuân nay chúng tôi đi phá vỡ. Tình yêu đất đó, họa chăng chỉ có người Trung Hoa mới có thể so sánh được. Phải chăng đó cũng là sức mạnh nền tảng của Dân Tộc Việt Nam.

    Đóng quân ở Quảng Điền, lính vui vẻ vì thấy người, được uống cà phê, nước đá. Riêng tôi đã quá đủ, đủ quá nên chỉ xin một thế giới thật vắng vẻ, thế giới yên lặng không bị đánh thức bởi tiếng nổ. Hãy cho tôi dòng sông không pha máu người, không in bóng giáo đường bị cháy... Hãy cho tôi ngủ bình yên bên con sông mùa xuân tuổi nhỏ... Sông Cẩm Lệ, chảy từ Phong Lệ qua Miếu Bông ra sông Hàn, chỗ gần núi Non Nước, Đà Nẵng. Nơi đó, giòng sông mênh mông đầy cát nhỏ, tôi nằm dưới giàng lưới cá, nước dưới lưng lạnh ngắt và thân thể ở trên hong nắng, một thứ nắng thật mới của ngày mồng hai Tết.

    Cho tôi nằm lại trên dòng sông thơ ấu đó để quên những đầm Thủy Tú, sông Bồ, phá Tam Giang, xin cho tôi quên dấu chân đứa bé sáu tuổi in trên nền cát, chạy luống cuống trong hấp tấp sợ hãi vì tiếng súng, xin cho quên người mẹ bị đánh thức trong nửa đêm để gặp lại đứa con sau bốn năm xa cách, nay mặc áo rằn ri của lính Nhảy dù. Đứa con thơ dại năm xưa nay cằn cỗi như một thứ tù binh khốn nạn với những vết nhăn gian lao, người mẹ do không nhìn ra nên đã ngồi xuống chắp tay van lạy xin tha tội!!! Ôi cái tội khốn khổ vì đã làm người dân trong thời lửa đạn.

    Cho tôi quên Quảng Điền, buổi sáng bảy giờ, người đàn ông vác vợ trên lưng, tay bế đứa con gái hai tháng, đứa lớn bốn tuổi lẽo đẽo theo sau... Người đàn ông tiến vào văn phòng quận vì tối qua vợ bị lạc đạn gãy chân. Đứa con nhỏ hai tháng được bố đặt sát vào ngực mẹ, cố tìm trên hai đầu vú thâm tím một giọt sữa trong khi người mẹ thiếp mê vì cơn đau, một ống chân bị đạn bắn vỡ vẫn cố đưa bàn tay trong hành động vô thức, ép chiếc đầu con vào núm vú héo hắt!!!

    Thôi đủ quá rồi. Đóng quân ở đâu cũng chỉ có thế thôi... Hãy cho về ngủ quên trên thôn xóm bình yên không nghe tiếng súng, dân quê đừng chắp tay van lạy mỗi lần chúng tôi xét hỏi, người đàn ông xin đừng van vỉ than khóc khi thấy vợ mê đi trong cơn đau đớn, đứa bé chợt rú lên vì sữa mẹ cạn nguồn... Máu của mẹ đã chảy rồi đâu còn có sữa cho con. Quê hương của tôi ơi... Quảng Điền, Phong Điền, Phú Thứ, Hương Thủy, Đồng Xuyên, Mỹ Xá... Thôi đã quá đủ. Tôi đâu ngờ có một quê hương tang tóc như thế này hở trời!! Muốn kết cỏ ngậm vành, muốn cắn răng vào đất, muốn nhỏ máu xuống dòng sông. Đau xót lắm, tôi đang chứng kiến quê hương tàn phá bằng tuổi trẻ của tôi. Quá đủ rồi những ngày Huế - Thừa Thiên.

    Tháng 10-1967. Quảng Điền, Thừa Thiên.


    Trích từ Dấu Binh Lửa (1969) Tác phẩm đầu tay của Phan Nhật Nam :
    luongsonbac.com - This website is for sale! - luongsonbac Resources and Information.
    Đã chỉnh sửa bởi Visaolaithe; 10-08-2011, 08:33 AM.
    Similar Threads
  • #2

    Nếu anh bạn thích nhà văn quân đội Phan Nhật Nam thì nên đọc những bút ký chiến tranh của ông: Dựa Lưng Nỗi Chết, Dọc Đường số 1, Mùa Hè Đỏ Lửa, Tù Binh Và Hòa Bình vv...

    Comment

    • #3

      ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi hvpavchst View Post
      Nếu anh bạn thích nhà văn quân đội Phan Nhật Nam thì nên đọc những bút ký chiến tranh của ông: Dựa Lưng Nỗi Chết, Dọc Đường số 1, Mùa Hè Đỏ Lửa, Tù Binh Và Hòa Bình vv...




      và :


      Phan Nhật Nam


      Năm em tôi lên ba

      Ðã chịu đời xa bố

      Mẹ tất tả thân mòn

      Nuôi con bao vất vả

      Ðời thiếu nữ lớn lên

      Ðắng cay thêm tủi hổ

      Áo vá bạc vai gầy

      Tuổi thơ sôi cuồng nộ.



      Mẹ mất năm mười-ba

      Thảm thiết sao kể xiết

      Cố nuôi em từng ngày

      Khốn khó dài biền biệt.

      Bạn học những tỵ hiềm

      Thầy, cô nặng trì siết

      Em vây chặt buồn phiền

      Tuổi học trò thua thiệt


      ......


      Tôi đi làm lính chiến

      Trôi nổi chốn trận tiền

      Em một mình côi cút

      Ðâu được ngày đoàn viên.

      Mong em sau lớn lên

      Tình duyên nên mãn nguyện

      Cầu em đời bình yên

      Quên xóa ngày uất nghẹn.



      Nào đâu buổi sụp vỡ

      Cảnh nước mất tan nhà

      Lâm thân sơ, thất sở

      Vây quanh khốn mù sa.

      Long Thành, chồng tập trung

      Anh ngục tù lấm nhục

      Trên quê hương lưu đầy

      Rừng rực lửa địa ngục.

      Bốn con thơ khốn cùng

      Sức người căng vượt sống

      Tư trang bán sạch dần

      Cây rừng khô lá rụng.


      ......


      Tôi đi lên miền Bắc

      Thân kiệt cùng thậm ngặt

      Nhớ thương em dãi dầu

      Nơi quê nhà bằn bặt

      Rừng núi trời vào thu

      Tù leo đồi đốn nứa

      Bên đường đèo nghỉ đỡ

      Nghe chuyện buồn thương tâm

      “..Người chồng đi tập trung

      Vợ ở nhà chết thảm

      Bốn con nhỏ khốn cùng

      Quay quắt bên thây cứng!!!”

      Những tưởng nghe nhầm tai

      Giật mình gào hỏi lại

      Ôi xiết bao kinh hãi

      Ðúng tên chồng em gái?!



      Chuyện những Ðồi Hoa Sim

      Nay một lần lập lại

      Không chết người ngục tù

      Một mình em oan trái!

      Tôi bật khóc trên đồi

      Nhìn khoảng không vần vũ

      Có còn không.. Ðất, trời !!!

      Mây mang mang kéo lũ

      Rừng chập chùng lá đổ

      Sương dầy vây khói xanh

      Thật hay không đấy hở?!

      Tạo Hóa nghiệt cùng đành!

      Cháu tôi ai nuôi đây?

      Bé nhất chưa biết nói

      Chịu sao nổi đọa đày

      Giữa trùng vây khổ đói


      ......


      Năm năm ngày giỗ em

      Cấm phòng ngồi gục mặt

      Nhói đau trũng ngực nặng

      Em chết thật sao Khanh ?


      -18-3-1983

      Ngục tối Trại Lam Sơn, Thanh Hóa.

      Không biết ngày chết,

      Nhớ ngày em tôi đã có trong đời


      ******************************




      Em tôi

      (Viết dựa theo cuộc đời và bài thơ "Bé" trong tập thơ "Đêm tận thất thanh " của Phan Nhật Nam)

      Lặng Lẽ


      Năm em lên ba, bố tôi bỏ lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ lên đường tập kết.

      Tôi hơn em sáu tuổi. Chín tuổi con nhà nghèo khôn lắm, tôi đủ khôn để thấy khuôn mặt mẹ buồn hiu hắt, những tiếng thở dài và những giọt nước mắt âm thầm của mẹ trong đêm. Chín tuổi, tôi đã biết mình là người nam độc nhất trong gia đình, đã biết ẩm bồng đút cơm cho em và vỗ về em mỗi khi em khóc. Chín tuổi, tôi đã biết tắm rửa, thay áo thay quần cho em, cõng em đi chơi và dỗ cho em ngủ. Mỗi ngày, trời sập tối mẹ mới gánh hàng về, ba mẹ con ngồi ăn cơm bên ngọn đèn dầu , tôi và em hỏi han, an ủi mẹ. Mẹ kể cho chúng tôi nghe chuyện chợ búa như đang nói chuyện với người lớn, tôi ngồi nghe, nhìn đôi vai gầy của mẹ, nhìn mái tóc và đôi bàn tay khô của mẹ, mà thấy thương mẹ vô cùng.

      Tôi phải bỏ học ở nhà hai năm để trông chừng em. Mẹ có một sạp bán rau cải ở chợ Cồn. Gọi là sạp chứ thực ra chỉ là một ô đất nhỏ, sáng mẹ ra đi thật sớm, lúc trời còn mờ sương, buổi trưa mẹ về nhà lo cho chúng tôi ăn, nằm nghỉ ít phút rồi trở dậy sửa soạn cho chuyến chợ chiều. Một tuần bảy ngày, mẹ đi đi về về trong nỗi cô đơn.

      Năm em vừa tròn năm tuổi thì mẹ cho em vào mẫu giáo, tôi cũng trở lại trường, đám bạn cũ của tôi nay đã hơn tôi hai lớp, ngồi xung quanh tôi bây giờ là những khuôn mặt lạ, kém tôi hai, ba tuổi. Tôi là học trò lớn nhất và học khá nên được làm trưởng lớp. Gần cuối năm học lớp nhì, tôi nói với mẹ lên xin thầy Hiệu trưởng cho tôi được thi nhảy tiểu học. Thầy bằng lòng. Tôi cắm cúi học luyện thi và kết qủa là tôi đã đỗ được bằng tiểu học năm đó.

      Vào lớp đệ thất trường Trần quốc Tuấn, tôi tiếp tục học ngày, học đêm, năm đệ ngũ tôi thi nhảy một lần nữa lấy bằng Trung học. Ðến niên học đệ tam thì tôi đã bắt kịp đám bạn cũ, tôi hân hoan nhập bầy chung với đám bạn ngày xưa. Ðây là giai đoạn mà tôi cần tiền để mua sách học và may thêm quần áo, thời tiểu học và trung học đệ nhất cấp thì mặc sao cũng được, nhưng bây giờ đã lên đệ nhị cấp rồi, đã bắt đầu biết đỏ mặt khi nhìn những đứa con gái trường nữ, thỉnh thoảng đã biết theo bạn tập uống cafe, phì phà điếu thuốc. Tiền mẹ cho không đủ, tôi bắt đầu công việc kèm trẻ tư gia để kiếm thêm tiền. Học trò của tôi là mấy cô cậu đệ thất đệ lục, nghĩa là cũng chỉ bé thua tôi vài tuổi .

      Ba mẹ con tôi vẫn ngày ngày đi về căn nhà nhỏ, căn nhà vẫn không thay đổi một chút nào từ ngày bố bỏ mấy mẹ con để ra đi.

      Hết năm đệ tam, tôi nộp đơn thi Tú Tài phần nhất. Tôi đậu bình thứ. Một lần nữa, mọi người ngạc nhiên, nhưng tôi biết sức học của mình, tôi biết mẹ buôn bán tảo tần, tôi thấy những năm tháng gần đây mẹ trở bệnh hoài, mỗi sáng mẹ lục đục dậy thật sớm nấu cơm để dành cho anh em tôi, rồi lặng lẽ mang đôi quang gánh lên vai, những tối ngồi trâm ngâm bên ánh đèn dầu nhìn anh em tôi học bài và những đêm khuya mẹ trở mình húng hắng họ Tôi thương mẹ và em đến ứa nước mắt, và càng thương mẹ thương em, tôi càng học như điên, như cuồng. Tôi ước gì Bộ Giáo dục cho tôi thi hai bằng tú tài cùng một lúc. Nhìn mái tóc mẹ đã lớm chớm sợi bạc, nhìn lưng mẹ mỗi ngày mỗi như còng xuống, nhìn hai vai gầy của mẹ mà lòng quặn đau, và cứ thế, tôi vùi đầu vào sách vở...


      Em đã bắt đầu tuổi lớn, đã bắt đầu tuổi mộng mơ con gái, đã bắt đầu bước vào "tuổi ngọc", nhưng tội nghiệp, biết nhà mình nghèo, biết mẹ mình buôn thúng bán bưng, biết anh mình vẫn chiều chiều đi kèm trẻ kiếm thêm tiền và cặm cụi học đốt giai đoạn cho chóng thành tài. Biết thế nên em ít khi nào xin mẹ, xin anh tiền may áo mới, hai chiếc áo dài trắng đủ cho em thay đổi. Em lớn lên thiếu tình của bố, nên tôi "quyền huynh thế phụ". Nhiều lúc nhìn mẹ , nhìn em, tôi vẫn không hiểu tại sao bố lại đành đoạn dứt áo ra đi.

      Tôi thi đỗ Tú Tài toàn phần năm 18 tuổi, và ra Huế học Ðại học Văn khoa. Mẹ ở một mình với em ở Ðà nẳng. Mỗi cuối tuần, tôi theo xe đò về thăm mẹ và em, đến sáng thứ hai trở lại trường. Ở Huế, tôi tiếp tục công việc kèm trẻ tư gia. Với số tiền nhỏ nhoi kiếm được, tôi phụ mẹ một ít nuôi em.

      Qua sinh nhật thứ 13 của em mấy tháng, một chiều mẹ bỏ buổi chợ, về nhà than nhức đầu, tưởng là cảm nhẹ, mẹ sai em cạo gió và nấu cho mẹ bát cháo hành. Khuya đó mẹ lên cơn sốt, lảm nhảm nói mê, sáng hôm sau em nghỉ học chở mẹ vào nhà thương và nhờ người nhắn tin ra cho tôi ở Huế.

      Lật đật trở vào Ðà nẳng bằng chuyến xe đò chót. Trời tối đã lâu, không kịp ăn uống, từ bến xe tôi đi thẳng đến bệnh viện. Trong căn phòng nhỏ, dưới ánh đèn vàng mờ đục, mẹ nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, còn em đang ngồi ngủ gà ngủ gật cạnh giường. Ðứng yên lặng nhìn mẹ xanh xao bất động, và khuôn mặt thơ dại của em, trong giấc ngủ hai khóe mắt vẫn còn long lanh giọt lệ, tôi nghe lòng mình quặn thắt .

      Ðánh thức em dậy, em ngơ ngác dụi mắt vài giây. Nhận ra tôi, em nhào tới ôm chầm và òa lên khóc, em cho hay là từ lúc đưa mẹ vào đây, mẹ chỉ tỉnh lại một vài phút vào khoảng giữa trưa, sau đó mẹ hôn mê trở lại. Tôi an ủi em, rồi cùng em ra văn phòng bệnh viện. Cô y tá trực cho hay mẹ bị đứt một tỉnh mạch ở đầu. Tôi bàng hoàng như bị ai nện một nhát búa vào ngực. Cô y tá bùi ngùi nhìn em, đôi mắt xót xa ...

      Tối đó, anh em tôi cùng ở lại với mẹ, em mệt mỏi, nên chỉ một thoáng là đã ngủ say. Trong giấc ngủ mệt nhọc, thỉnh thoảng em ú ớ mẹ ơi, mẹ ơi rồi nức lên mấy tiếng. Tôi nghe như dao cắt trong lòng. Suốt đêm không ngủ, tôi cứ ngồi nhìn mẹ nằm im lìm và bên chân mẹ em ngủ chập chờn. Tôi tự nhủ thầm với mình đừng khóc, đừng khóc ... nhưng sao nước mắt vẫn cứ trào ra, một tay ve vuốt bàn tay xanh xao của mẹ, một tay nắm lấy bàn tay nhỏ bé của em, tôi để mặc cho hai dòng nước mắt chảy nhạt nhòa trên má.

      Mẹ thở hơi cuối cùng lúc năm giờ sáng, mẹ không tỉnh lại để trăn trối với hai con một lời gì. Mẹ đi trong yên lặng. Tôi nắm bàn tay mẹ và thấy tay mẹ lạnh dần. Tôi đánh thức em dậy. Hai anh em hôn lên trán mẹ giã từ. Em vuốt mắt mẹ. Mắt mẹ nhắm hờ. Em ôm chặt hai tay mẹ, ủ vào lòng mình miệng kêu lên nho nhỏ: mẹ ơi, mẹ ơi... Em khóc lặng lẽ, áp mình vào ngực mẹ nước mắt em tuôn ràn rụa làm ướt đẫm cả vạt áo mẹ bạc màu . Những tiếng kêu nghẹn ngào của em như những viên đạn bắn thẳng vào tim, tôi ngồi bất động nhìn mẹ, nhìn em, lòng đau như muối xát. Tội nghiệp mẹ tôi, tội nghiệp em tôi. Em mới mười ba tuổi ...

      Chôn mẹ xong, tôi bỏ học. Còn lòng dạ nào mà học nữa. Nhưng em thì phải trở lại trường.

      Bán đi căn nhà nhỏ xiêu vẹo và gom tóm tất cả vốn liếng của mẹ để lại, tôi đưa hết số tiền cho mẹ của Minh, một người bạn thân tôi. Minh có Hân, cô em gái cùng tuổi , cùng lớp với em. Tôi gửi em đến đó ở và đi học với Hân, cũng may, bố mẹ Minh coi anh em tôi như con. Tôi dặn dò em đủ điều . Số tiền tôi gởi cho mẹ Minh đủ để trả tiền ăn ở của em trong hai ba năm. Tôi còn đưa thêm cho em một ít để em mua sách vở, may áo quần, tiêu vặt. Tôi ôm em và hứa với lòng, hứa với vong hồn mẹ là sẽ lo lắng, sẽ bảo bọc em cho đến trọn đời . Tôi vào trường Võ bị Ðà Lạt năm 20 tuổi, lương sinh viên sĩ quan ít ỏi, tôi tiết kiệm không dám xài nhiều, để dành gởi về cho em mỗi tháng. Tôi dặn em viết thư mỗi tuần kể cho tôi nghe chuyện học hành. Tôi bắt em hứa là không bao giờ dấu tôi một điều gì dù nhỏ bé. Em ngoan ngoãn vâng lời. Mỗi năm tôi được về phép một lần, hai anh em quấn quýt không rời. Tôi đưa em đi thăm mẹ. Chúng tôi lặng yên cầm tay nhau quỳ bên mộ mẹ, nước mắt lưng tròng.



      Em lớn lên và ngày càng giống mẹ. Cũng khuôn mặt và cái nhìn nhẫn nhục, cũng đôi mắt xa xăm buồn hiu hắt. Bình thường em rất ít nói, có lẽ không cha, mồ côi mẹ quá sớm và anh lại ở xa đã làm em rụt rè. Cũng may, bên cạnh em vẫn còn có Hân. Lễ mãn khóa của tôi, em và Hân cùng lên tham dự, lúc này, em đã thi đổ vào trường Sư phạm Qui Nhơn, hai năm nữa em sẽ trở thành cô giáo, tôi hãnh diện giới thiệu em và Hân với các bạn mình. Nhìn dáng em thẹn thùng e ấp, tôi thấy lòng mình rạt rào thương em. Tôi thầm gọi mẹ, mẹ ơi, hai con của mẹ đã trưởng thành và đã nên người .

      Ra trường, tôi chọn binh chủng nhảy dù, có lẽ cũng chỉ vì tôi thích màu mũ đỏ. Em vào học và ở nội trú trong trường sư phạm. Tôi thấy mình yên tâm hơn. Mỗi tháng, tôi vẫn gửi về cho em một nửa tiền lương lính của mình để trả tiền phòng, tiền ăn. Tôi biết con gái cần nhiều thứ hơn con trai, như áo quần, son phấn... Em vẫn viết thư cho tôi mỗi tuần như em đã làm trong mấy năm qua. Em kể chuyện học hành, chuyện bạn bè, em lo sợ là tôi đi tác chiến nhỡ có ngày bố con gặp nhau ở chiến trường, làm sao nhận ra nhau, em không nói thêm, nhưng tôi cũng hiểu, tên đạn vô tình, nếu nhỡ....

      Hai năm em học Sư Phạm trôi qua thật nhanh. Em bây giờ đã là một cô giáo trẻ. Em được đổi về dạy tại một trường tiểu học gần thị xã Phan Rang. Em thuê nhà chung với hai cô giáo khác. Mỗi ngày ba cô giáo ngồi xe lam đi đến lớp, chiều về cả ba cùng quây quần nấu nướng . Em viết thư cho tôi và khoe có quen với Tuấn, một Sĩ quan Hải quân đồn trú ở Phan rang. Em khen Tuấn hiền lành, ít nói. Em kể thêm là Tuấn chỉ còn có mỗi một mẹ già. Chiến tranh ngày thêm khốc liệt, đơn vị tôi hành quân liên miên, có khi cả năm chúng tôi mới được về hậu cứ một lần. Tôi bị thương hai lần trong cùng một năm. Tôi dấu em, không cho em biết sợ em lo lắng. Trong những tuần lễ nằm bệnh viện và ở hậu cứ dưỡng thương, tôi bắt đầu viết bài đăng trên các báo và tạp chí. Tôi kể lại những trận đụng độ kinh hoàng giữa đơn vị tôi và giặc Cộng, tôi kể lại những "kỳ tích" của bạn tôi, của Mễ, của Lô ....

      Sau một lần bị thương nhẹ ở tay, tôi lấy mấy ngày phép ra Phan Rang thăm em. Em mừng rỡ ôm lấy anh, nhưng khi thấy cánh tay băng bột em xót xa bật khóc. Tôi an ủi em là biết đâu sau chuyến bị thương này tôi sẽ được về làm việc hậu cứ. Ngày hôm sau, nghe tin, Tuấn đến thăm . Thoạt nhìn, tôi đã có cảm tình với Tuấn, đúng như em nói, Tuấn trông rất hiền lành. Trong suốt tuần lễ ở Phan rang, em vẫn phải đi dạy, nhưng may là có Tuấn, mỗi ngày Tuấn tới chở tôi đi ăn sáng , trưa Tuấn và tôi lang thang ra chợ bạ gì ăn đó đợi giờ ba cô giáo đi dạy học về. Buổi tối, em đi ngủ sớm, Tuấn ngồi lại nói chuyện với tôi cho tới khuya. Bên ly cafe, tôi kể cho Tuấn nghe chuyện của mình. Những hình ảnh yêu dấu, xót xa như một cuộn phim cũ quay chầm chậm. Tôi rưng rưng kể lại ngày mẹ mất. Tuấn lấy tay chùi mắt, trong đêm tối, tôi thấy mắt Tuấn long lanh ...



      Bảy ngày phép cũng trôi nhanh. Tôi trở về Saigòn, lòng cảm thấy vui và nhẹ nhàng vì đã có dịp gặp Tuấn. Tôi tin Tuấn sẽ không làm khổ em. Ba tuần sau, tôi nhận được thư Tuấn, trong thư Tuấn kể về gia đình (mặc dù tôi đã nghe em kể trong các lá thư). Tuấn muốn tiến tới với em. Tuấn xin phép được đưa mẹ Tuấn đến gặp tôi. Tuấn hứa là sẽ săn sóc và thương yêu em. Ðọc thư Tuấn tôi ứa nước mắt vì mừng. Mừng cho em may mắn không gặp những trắc trở trên đường tình ái, mừng cho em gặp được một người chồng hiền hậu. Tôi viết thư cho em và Tuấn, bảo hai em lo thế nào cho tiện, chỉ cố làm sao cho giản đơn vì cả hai đứa cùng nghèo . Bốn tháng sau, Tuấn và em làm đám cưới, nhà gái ngoài tôi còn có thêm mấy thằng bạn trong đơn vị, ông hiệu trưởng, thầy cô giáo và rất đông học trò. Nhà trai ngoài mẹ Tuấn, mấy gia đình anh chị họ còn thêm một số bạn bè Hải quân cùng đơn vị. Nhìn em xúng xính trong bộ đồ cưới , tươi cười đứng bên cạnh Tuấn, tôi gọi thầm mẹ ơi, mẹ ơi, về đây dự đám cưới của em. Tôi theo đơn vị lội thêm hai năm nữa ở vùng giới tuyến, thì "tai nạn" xảy ra. Trong một lúc nóng giận vì thấy ông xếp của mình sao ngu và bẩn quá, tôi không giữ được lời và đã xúc phạm đến ông, kết quả là tôi bị đưa ra hội đồng kỷ luật và tống ra khỏi binh chủng nhảy dù.

      Sau một thời gian ba chìm bảy nổi, tôi đổi về cục Tâm lý Chiến, thời gian này tôi đã khá nổi tiếng , những bút ký chiến trường về Tết Mậu Thân, Bình Long. An Lộc ... đã làm vinh danh binh chủng cũ của tôi. Tôi được giải thưởng văn học với bút ký "Mùa hè đỏ lửa". Tiền thưởng và tiền bán sách tôi gửi hết cho em. Tuấn và em dùng tiền này mua được một căn nhà nhỏ ở ngoại ô Phan rang, gần trường em dạy.

      Mới ngày nào đó còn thẹn thùng nấp bên vai Tuấn mà bây giờ em đã mấy con. Mỗi dịp rảnh rỗi tôi lại ra Phan Rang ở chơi với em, với cháu. Tôi ôm cháu, hôn vào hai má phúng phính, hít vào phổi mùi thơm của trẻ thơ mà thấy lòng mình dịu lại, những cay đắng, cực nhọc của đời theo tiếng cười lanh lảnh giòn tan của cháu mà bay xa, bay xa. Tôi nhìn hai vợ chồng em, nhìn bầy cháu nhỏ lẫm chẫm quây quần bên chân mẹ mà lòng vừa vui mừng vừa hãnh diện. Tôi ao ước mẹ tôi nhìn thấy được cảnh này.


      Biến cố tháng 4/75 tới như một định mệnh oan nghiệt, cả Tuấn và tôi đều phải ra trình diện cải tạo. Em ở lại một mình với một bầy con nhỏ, đứa lớn nhất chưa đầy sáu tuổi và đứa nhỏ nhất còn nằm trong bụng me.. Trong trại, tôi cứ đứt ruột nghĩ về em và bầy cháu nhỏ. Mẹ của Tuấn đã quá già, làm sao lo phụ với em đây. Rồi em còn phải lo lắng về số phận chồng, số phận anh. Tôi quay quắt như như ngồi trên đống lửa, tôi nghĩ đến lời hứa với vong hồn mẹ hôm nào mà lòng đau như xé, con đã thất hứa với mẹ, mẹ ơi, con đang ở đây tù tội thì làm sao lo được cho em ...


      Năm 76 tôi bị đưa ra Bắc. Tôi mất liên lạc với em và Tuấn từ tháng 5/75. Làm sao em biết tôi ở đâu mà thư từ thăm gửi. Không biết em có biết Tuấn ở đâu không, trại tù mọc lên như nấm từ Nam ra Bắc. Hồi còn ở trong Nam, từ Trảng lớn, qua Suối máu , đâu đâu tôi cũng cố dò hỏi tin Tuấn nhưng vô hiệu. Tù nhân đông quá ...

      Trại cải tạo Sơn La, sau đợt cho viết thư về gia đình đầu tiên, ba tháng sau tôi nhận được thư em.Thư em đến tay tôi vào giữa năm 77. Hơn 2 năm 1 tháng tôi mới nhìn lại nét chữ của em. Run run bóc thư, mắt tôi cay nồng, nhạt nhòa. Em cho hay là Tuấn đang cải tạo ở Long Thành, Tuấn có thư về và cho biết vẫn bình an, mẹ Tuấn dạo này yếu lắm vì cụ đã quá già, em vẫn đi dạy, hai cháu nhỏ ở nhà với bà nội, hai cháu lớn theo mẹ vào trường, em cho hay đứa con gái út em đặt tên Tâm, Trần thị Minh Tâm, cháu sinh ngày 12 tháng 9 năm 75, gần 4 tháng sau ngày bố cháu và bác cháu vào tù.

      Gần cuối thư, em báo tin là bố còn sống và hồi đầu năm 76 có tìm đến gặp em, làm sao bố tìm ra địa chỉ thì em không biết, nhưng hôm ấy bố đến, bố tự giới thiệu tên mình. Em ngỡ ngàng, ngày bố ra đi em mới tròn ba tuổi, hơn hai mươi năm sau gặp lại làm sao em nhận được , bố xoa đầu đám cháu ngoại đang trố mắt nhìn người đàn ông lạ, bố hỏi về anh, về Tuấn, khi em hỏi lại bố là làm sao để biết anh và Tuấn đang bị giam giữ ở trại cải tạo nào, bố lắc đầu không nói gì. Bố cho hay là bố đang có gia đình ở Bắc, ngoài ấy bố có thêm hai trai và hai gái. Ðứa trai lớn nhất thua em bốn tuổi.

      Bố mang vào cho em hai mươi ký gạo và một chục cam. Bố ở chơi một ngày rồi bố trở về Hà nội. Lúc bố về em có tặng bố cái radio-cassette của anh cho ngày nào. Bố thích lắm, bố hứa sẽ đến thăm anh trong trại tù. Từ hồi trở ra Bắc dến giờ bố chưa liên lạc lại với em, và em cũng không có địa chỉ của bố ở ngoài ấy. Tôi đọc thư lòng thấy phân vân, tôi cũng như em, không hình dung ra nổi bố tôi hình dáng mặt mũi ra sao, hai mươi mấy năm, tôi tưởng bố tôi đã chết.


      Tháng 12 năm 77, tại trại cải tạo Sơn La, bố đến thăm tôi .

      Ðứng trong văn phòng viên sĩ quan trưởng trại một người đàn ông trung niên, tóc muối tiêu và gương mặt xương. Bộ áo quần dân sự khá thẳng thớm, và sự lễ phép của tên đại úy trưởng trại tiết lộ về địa vị không nhỏ của người này. Thấy tôi vào, viên trưởng trại quay qua nói nhỏ một câu gì đó rồi bước ra ngoài. Tôi im lặng đứng nhìn người đàn ông xa la.ï

      Bố đến bắt tay tôi, tự xưng tên mình, bố gọi tôi bằng anh, bố kể là đã gặp em ở Phan Rang, bố hỏi tôi học tập thế nào, bố không hề nhắc đến mẹ, có lẽ ông đã biết về cái chết của me.. Bố nói là có đọc văn tôi. Tôi ngồi yên nghe bố nói, sau cùng , bố đứng dậy, móc trong xách ra một gói nhỏ bảo đó là đường và thuốc lá, trao cho tôi, khuyên tôi cố gắng học tập tốt để sớm được khoan hồng. Tôi nhìn vào mắt bố, lòng thấy dửng dưng. Tôi bắt tay bố rồi về lại lán mình. Ðó, cuộc hội ngộ của bố con tôi sau hơn hai mươi năm là thế đấy. Chắc cuộc tái ngộ giữa bố với em cũng tẻ nhạt như thế. Có cái gì đó ngăn cách, có cái gì đó phân chia, có cái gì đó tôi không hiểu và không diễn tả được. Bây giờ tôi hiểu vì sao cái tin quan trọng đến thế mà em lại chỉ đề cập một cách ngắn ngủi ở cuối thư.

      Lần đó là lần đầu và cũng là lần duy nhất tôi gặp bố trong suốt 13 năm lang thang trong các trại tù biệt giam miền Bắc.


      Tháng 12/78, chuyển trại lên Yên Bái, tôi nhận thêm được hai lá thư của em, trong bức thư gần nhất, em viết vào tháng 8/78. Em cho hay tình trạng rất khó khăn, phụ cấp đi dạy không đủ nuôi một mẹ già và bốn con thơ, em đã bán lần mòn hết những đồ trang sức và luôn cả những đồ vật trong nhà. Em vẫn chưa đi thăm nuôi Tuấn được một lần nào. Không thể để bốn cháu nhỏ ở nhà cho bà nội vì cụ bây giờ đã quá yếu, mỗi buổi ăn, Uyên, cháu lớn phải đút cho bà. Ngoài ra, mỗi tối, từ lúc chạng vạng em và Hoàng, hai mẹ con phải ra đầu ngờ, ngồi bán bắp nướng đến khuya để kiếm thêm tiền đong gạo. Em than là dạo này mất ngủ, sức khỏe yếu lắm, em sợ nhỡ có mệnh hệ nào ...

      Tôi thẫn thờ cả buổi vì bức thư em, ngày xưa tôi chỉ lo cho có mỗi mình em, còn bây giờ em phải lo cho bốn đứa con thơ và một mẹ già, kể luôn người chồng và ông anh đang tù tội là bảy, bảy cây thập giá đời đang đè nặng lên đôi vai gầy guộc, nhỏ bé của em. Tôi viết thư về an ủi , khuyên em cố gắng, tôi vỗ về em là có thể Tuấn sẽ được tha về sớm với em, với cháu, vì Tuấn đi hải quân và lon còn thấp, không có tội với cách mạng nhiều. Rồi tôi viết thêm cho em hai ba lá thư nữa mà vẫn không thấy hồi âm. Lòng tôi cồn cào, nóng như lửa đốt, những ngày dài tù tội, tôi không nghĩ đến cái đói, cái khổ của mình mà chỉ nghĩ đến em và mấy cháu, không biết giờ này, em và bốn cháu thơ dại đang có gì ăn ?


      Tháng 6/79, một sáng trên đường lên rừng đốn nứa, tôi nghe loáng thoáng câu chuyện giữa các bạn tù. Họ nghe từ các bà vợ đi thăm nuôi kể lại, rằng ở Phan Rang có một chị có chồng đang đi cải tạo, chị chết đi, để lại bốn con thơ, đứa bé nhất mới lên ba, còn đứa lớn nhất chưa đầy chín tuổi. Tội nghiệp, họ hàng nội ngoại không có một ai. Tôi bỗng dưng thấy lạnh toát cả sống lưng, lại gần hỏi thêm thì người bạn tù cho hay là nghe nói chị ấy làm nghề cô giáo, có chồng sĩ quan hải quân đang đi tù cải tạo ở đâu đó trong Nam. Người chồng, trung úy hải quân trước cũng đóng ở Phan Rang. Trần Nguyên Tuấn, hải quân trung úy Trần nguyên Tuấn . Tôi thấy đất trời đảo lộn, tôi thấy mặt trời nổ tung trong óc, tôi hụt hơi, miệng há hốc đứng như trời trồng giữa núi rừng Yên Bái, bên cạnh tôi tiếng người nói lao xao. Tôi không nghe gì hết, tai tôi lùng bùng, mắt tôi mờ đi, tôi đang nhìn thấy xác em nằm co quắp trên manh chiếu, bốn đứa cháu của tôi, cháu Minh Tâm chưa đầy ba tuổi đang lấy tay lay lay xác mẹ, cháu lớn Thu Uyên chưa đủ chín tuổi đang ôm chân mẹ khóc lóc ủ ê, hai đứa kia, Hoàng và Châu ngơ ngác đứng nhìn. Trời tháng 6 mùa hè Yên bái mà sao tôi thấy thân mình lạnh buốt. Tôi tê dại, tôi hóa đá, tôi không còn cảm xúc, tôi muốn hét lên cho tan vỡ cả vũ trụ này. Trong lung linh màu nắng vàng buổi trưa Yên Bái, tôi thấy bóng em nhập nhòa, chập chờn. Em của tôi, đứa em côi cút của tôi .... Mũi súng AK thúc vào cạnh sườn, người vệ binh chắc cũng ngạc nhiên không hiểu sao bỗng dưng tôi đứng như trời trồng giữa lô.. Anh quắc mắt nhìn tôi dò hỏi, tôi không nói gì, im lặng nhập vào dòng tù. Nước mắt chảy dài trên hai má hóp, tôi bước đi như kẻ mộng du ...


      Lặng Lẽ
      Đã chỉnh sửa bởi Visaolaithe; 11-08-2011, 04:29 AM.

      Comment

      Working...
      X
      Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom