Phan Nhật Nam, văn chương và những hệ lụy thời thế
Tôi muốn nói về tác giả Phan Nhật Nam từ tác phẩm đến đời sống của ông suốt trong cả cuộc chiến và sau cuộc chiến ở vị trí của một độc giả qua những cảm nhận của cá nhân mình. Có thể đó là những nhận xét có nhiều chất chủ quan và nhiều khi đầy cảm tính.
Theo tôi, ở cương vị một người lính, Phan Nhật Nam phát biểu rất trung thực cái tâm cảm của một thế hệ thanh niên phải bắt buộc đi vào chiến tranh. Những tác phẩm của ông mang chất lửa của một người tốt nghiệp khóa sĩ quan hiện dịch của trường Võ Bị Đà Lạt chọn võ nghiệp làm mục đích cho cuộc sống mình. Từ khi ra trường, viết lên những dòng chữ nói lên hoài bão của mình, dù cả những lúc binh nghiệp bị gập ghềnh trắc trở, ông vẫn là người lính trẻ thật nhiều mơ mộng và lãng mạn, tham dự cuộc chiến như một việc phải làm của một thanh niên như mọi người trong thế hệ của ông…
Lý do à! Thật giản dị. Tôi muốn nói về một người lính và viết văn có lửa. Những tác phẩm của ông là kết tinh của xương máu tủy da của một người lính đã trải qua những thống khổ của cuộc chiến. Văn chương của ông không phải là một thứ cưỡi ngựa xem hoa mà là cuộc đời thực , của cảm xúc thực.
Viết về bè bạn , ông và họ chia sẻ niềm vui nỗi buồn của những người chung mang một thời thế, một cảnh ngộ của những nhiễu nhương , những oan khuất.
Viết về chính mình, ông không muốn là người phác họa một chân dung mà còn có tham vọng đi kiếm tìm ở đó những kinh nghiệm sống, những bài học của một người tuổi trẻ lớn lên trong chiến tranh nhưng tấm lòng lúc nào cũng ngây thơ tin tưởng vào những tốt đẹp nhân bản.
Phan Nhật Nam là tên tuổi sau này của Phan Ngọc Khuê, thay đổi tên vì lý do cha ông không được vào Đảng Cộng Sản vì lý do thuộc giai cấp tiểu tư sản, sinh năm 1943 ở Quảng Trị. Là một người lính, tốt nghiệp khóa 18 Võ Bị Đà Lạt và đơn vị đầu tiên là binh chủng dù. Là một nhà văn, mang chiến tranh Việt Nam vào văn chươngvới tác phẩm đầu tay Dấu Binh Lửa và các tác phẩm tiếp theo Dọc Đường Số Một , Ải Trần Gian , Dựa Lưng Nỗi Chết , Mùa Hè Đỏ Lửa ,Tù Binh và Hòa Bình.
Sau 1975, ông bị tù cải tạo 14 năm trong đó có 7 năm 8 tháng bị kiên giam. Năm 1993, qua Mỹ định cư và xuất bản Những Chuyện Cần Được Kể lại, Đường Trường Xa Xăm, Đêm Tận Thất Thanh, Mùa Đông Giữ Lửa. Tác phẩm Những Chuyện Cần Được Kể Lại được in với ấn bản Anh ngữ The Stories Must Be Told. Tác phẩm Mùa Hè Đỏ Lửa được giải thưởng văn học toàn quốc năm 1973.
Đó là một bút ký chiến tranh ghi lại một thời kỳ chúng ta gắng quên nhưng lại phải nhớ. Những địa danh như đồi Charlie, như An Lộc, như Quảng Trị, như sông Thạch Hãn, là những bãi chiến trường khốc liệt, nơi thử sức của những cường quốc qua võ khí, bom đạn viện trợ cho cả hai bên và ở chiến địa đó, không biết bao nhiêu là thanh niên Việt Nam ở hai bên bị gục ngã.
Nhà thơ Đỗ Quý Toàn đã đọc một bài viết về Mùa Hè Đỏ Lửa trên Chương Trình Văn Học Nghệ Thuật của đài truyền hình Việt Nam với tâm cảm bừng bừng đầy lửa. Tôi nhớ lúc đã nghe bài viết ấy buổi tối khi vừa về thăm nhà từ đơn vị. Tôi vừa bước chân vào nhà, nghe chương trình chưa vội cơm nước gì cả mà cảm xúc đã làm tôi tự nhiên như thấy đã no ngang rồi và không thấy đói nữa.
Về sau gặp lại nhà thơ Đỗ Quý Toàn thì ông cho biết là lúc ấy Phan Nhật Nam đang nằm trong Tổng Y Viện Cộng Hòa thấy thật lạ lùng khi được khen ngợi hết lời từ một cây bút chưa hề quen biết. Có lẽ, đó là những đồng cảm cùng phát sinh từ những tâm hồn đồng điệu. Cũng như nhà báo Chu Tử đã hết lời ca tụng tập bút ký chiến tranh này và đề nghị lập một giải thưởng xứng đáng để trao tặng cho tác phẩm này.
Không những thế, những người cầm bút đối nghịch phía bên kia như Tô Hoài và Nguyễn Tuân đã phải có nhận định rằng quả thực Phan Nhật Nam đã viết những tác phẩm bằng máu của chính mình nhưng lại là loại máu bị nhiễm độc (dù rằng chê bai nhưng vẫn không dấu được sự thán phục).
Nhà thơ Đỗ Quý Toàn cũng có bài thơ cảm khái về Mùa Hè Đỏ Lửa có những câu như:
“Ngày mưa đọc lại Phan Nhật Nam
trời bỗng sầm đen tóe sấm sét
mặt đất ào ào trận pháo tuôn
trong thành phố tử thần co quắp
viên đạn cuối cùng đã bắn đi
người chết giữa trời cơn đồng cháy
hồn anh thảng thốt bay lên không
suốt dọc Trường Sơn đất rung rẩy
mặt trời chưa thấy đêm dài ôi
từng khối lớn mênh mang đặc cứng
qua khe nhìn lại đồi C2
nhớ lại anh em ta nằm xuống…”
Nhà thơ đã làm thơ về một tác phẩm văn xuôi của một nhà thơ. Phan Nhật Nam cũng là một nhà thơ, không những mê thơ mà còn coi thi ca có vị trí trang trọng nhất trong văn chương.Giống như câu thơ Phùng Quán “vịn vào thơ mà đứng dậy” trong 7 năm 8 tháng bị biệt giam, ông đã làm thơ như một cung cách vận động thân thể để chống lại cái khung cảnh tối tăm cô độc của xà lim kiên giam. Ông dùng cán của một chiếc muỗng bằng inoxidable vạch những câu thơ trên tường. Và sau này ông đã nói đùa rằng mình đã có lúc khắc thơ lên đá…
Cứ tưởng tượng một thời gian dài 7 năm 8 tháng mà nằm bó rọ trong một căn phòng bịt kín thì cái cảm giác ấy sẽ kinh khiếp đến bực nào. Có lúc dường như ông quên cả tuổi tên và thời gian cũng chỉ là những ký ức mờ ảo không rõ rệt.ông đã làm thơ như vắt máu mình để viết ra:
Bước đằng trước ba bước
Bước đằng sau ba bước
Ngang dọc hai mươi mốt gang
Căn phòng chìm ảm đạm
Ta là ai họ Phan?
Người Nam giam đất Bắc
Đôi lúc chợt bàng hoàng
Phải chăng năm thứ tám?
Phan Nhật Nam làm thơ để kể về đời mình. Những câu thơ uất nghẹn. Nhửng cuộc đời mà bi thảm cứ mãi kéo dài. Ông làm thơ kể chuyện về người em ruột, trong cái đau đớn của người bị vây bủa bởi bi thàm thống khổ:
Tôi đi làm lính chiến
Trôi nổi chốn trận tiền
Em một thân côi cút
Đâu được ngày đoàn viên
Mong phần sau lớn lên
Tình duyên nên mãn nguyện
cầu em đời bình yên
quên khuất thời uất nghẹn
nào đâu buổi sụp vỡ
cảnh nước mất tan nhà
làm thân sơ thất sở
vây quanh khổn mù sa
Long Thành , chồng tập trung
Anh ngục tù lấm nhục
Trên quê hương lưu đày
Rừng rực lửa địa ngục
Bốn con thơ khốn cùng
Sức người căng vượt sống
Tư trang bán sạch dần
Cây rừng khô lá rụng
Tôi đi lên miền Bắc
Nghiệt phần riêng thậm ngặt
Nhớ thương em dãi dầu
Nơi quê nhà bằn bặt
Rừng núi trời vào thu
Tù vượt đồi đốn nứa
Bên đường đèo nghỉ đỗ
Nghe chuyện buồn thương tâm
Chồng cải tạo tập trung
Vợ ở nhà chết thảm
Bốn con nhỏ khốn cùng
Quay quắt bên thây cứng
Những tưởng nghe nhầm tai
Giật mình gào hỏi lại
Ôi xiết bao kinh hãi
Đúng tên chồng em gái
Chuyện Những đồi hoa sim
Nay một lần hiện thực
Không chết người ngục tù
Một mình Em oan trái
Tôi bật khóc trên đồi
Nhìn khoảng không vần vũ
Có còn không ? Đất –Trời
Mây mang mang kéo lũ..”
Bài thơ này ông làm năm 1983 khi còn đang bị nằm trong xà lim tối. Những tiếng kêu thất thanh: Có còn không? Đất? Trời?… Tiếng của mòn mỏi, của nặng nề hiện tại, của đau buồn qúa khứ và của nhọc nhằn tương lai!!! Thơ của niềm đau nào mênh mang nhất, của đớn đau nào tột cùng…
Con đường binh nghiệp của ông cũng khá gập ghềnh. Cùng khóa Võ Bị với ông có nhiều người đã lên đến cấp đại tá, trung tá. Thế mà, năm 1975 ông chỉ mới có cấp bậc đại úy nhiệm chức nghĩa là chỉ trên cấp bực trung úy thực thụ một chút xíu. Dù rằng ông ở trong binh chủng nhảy dù và bị thương nhiều lần. Nhưng không phải vì thế mà ông không yêu quân đội. Ông viết về binh chủng nhảy dù của mình, về những cấp chỉ huy mà ông gọi là “ngoại khổ” hay về những bằng hữu của mình, những người bạn sống chết của ông với cả tấm lòng trân trọng.
Ông kể những “tai nạn” của đời binh nghiệp mình như một cách thế để hồi tưởng và nhớ lại chứ không có một chút nào căm hận cả. Ông viết về thân phận người lính, những người mà ông cho rằng có thể chất và tâm hồn cứng cỏi như sắt, như một cách vinh danh những thiệt thòi và mất mát của họ. Và, chẳng bao giờ ông than van về cách đời đối xử không công bằng với mình,,
Nhà văn Nguyễn Bá Trạc, tác giả Ngọn Cỏ Bồng, là một bạn thân của ông đã viết như thế chứ không phải tôi. Sở dĩ tôi tin vào điều đó là vì anh Trạc là bạn của ông từ thuở ấu thơ ở Đà Nẵng cho đến bây giờ nên rất hiểu hoàn cảnh của ông. Xuất thân từ con nhà nghèo, cha đi tập kết và bà mẹ nuôi dưỡng hai anh em ông trong hoàn cảnh gieo neo. Rồi bà mẹ mất sớm và hai anh em đùm bọc với nhau để sống cho đến khi vào lính, gia nhập binh chủng nhảy dù bị thương bảy lần nhưng binh nghiệp lênh đênh. Sau năm 1975 thì bị 14 năm tù đày nghiệt ngã rồi qua xứ người thì lại bị hiểu lầm và có người kết án là có tư tưởng chao đảo muốn hòa giải hòa hợp dân tộc, thậm chí là Cộng sản nằm vùng nữa. Nhưng rồi thời gian qua đi, để thấy những luận điểm buộc tội ấy có vẻ mơ hồ không căn cứ. Trước sau, Phan Nhật Nam vẫn là một người lính và nhiều công việc ông làm đã chứng minh điều ấy.
Nếu có một nhận xét khách quan, thì chúng ta sẽ nghĩ ngợi như thế nào để có sự công bằng hơn trong nhận xét về một mẫu nhân vật như Phan Nhật Nam?
Có rất nhiều chuyện kể về ông. Tôi có người anh rể cùng bị tù với Phan Nhật Nam và anh tôi đã khen ngợi hết lời về sức chịu đựng cũng như tư cách của ông trong tù. Một người nữa cũng ở chung trại với Phan Nhật Nam là anh Nguyễn Thế Đỉnh, một tiểu đoàn trưởng Biệt Động Quân nổi tiếng cũng nói với tôi rằng khi Phan Nhật Nam ỡ chung trại tù với anh tư cách rất đàng hoàng. Anh Đĩnh kể lại chuyện cha của anh Phan Nhật Nam là một cán bộ tập kết vào thăm thì anh cũng tỏ ra rất rõ ràng trong sự phân định chính kiến của mình…
Cũng như, chuyện giữa anh Phan Nhật Nam và nhà thơ Phan Duy Nhân tức sinh viên Phan Chánh Dinh, hai người là bạn chí thân với nhau. Khi Phan Duy Nhân lãnh đạo nhóm biểu tình ở Đà Nẵng thì Phan Nhật Nam làm đại đội trưởng nhảy dù có nhiệm vụ giải tán đám biểu tình.Tiêu lệnh là phải bắt sống hoặc bắn chết Phan Duy Nhân nhưng khi Phan Nhật Nam biết thì một người lính đã nổ súng và Phan Duy Nhân bị thương ở chân và bị bắt đầy đi Côn Đảo. Sau năm 1975, Phan Duy Nhân trở thành phó trưởng ban tôn giáo trung ương và đi tìm những người thù cũ để trả hận. Một người bạn cả hai người là sử gia Trần Gia Phụng đã hỏi sẽ cư xử ra sao với Phan Nhật Nam thì Phan Chánh Dinh trả lời là giết, giết không thể có sự khoan hồng nào.Dù khi ấy Phan Nhật Nam đã vào tù cải tạo.
Trước năm 1975, Phan Nhật Nam đã viết trong bút ký của mình về người bạn thân Phan Chánh Dinh, người hay đọc bài thơ của Thủy Thủ, đăng ở trang đầu của báo Chỉ Đạo…
Có lẽ giới tuyến phân cách hai bên đến nỗi hai người bạn thân thiết trở thành hai người thù địch ghìm súng bắn nhau, một tệ hại của cuộc chiến nồi da xáo thịt…
Dĩ nhiên, là nhà văn không thể là một người tả một cách chân thưc một trăm phần trăm. Phải có sự thêm bớt để sự kiện được nhìn ngắm toàn diện hơn cũng như có bề sâu hơn. Ở Phan Nhật Nam ông có phong cách của một người lính luôn luôn giữ trong tâm hồn mình ngọn lửa của sự hiến tặng hết mình cho cuộc sống. Từ bút ký đầu tiên Dấu Binh Lửa đến các tác phẩm sau kể cả Mùa Hè Đỏ Lửa , những ngọn lửa hồng được nhen lên để soi rọi từng góc cạnh của chiến tranh. Và , từ những chứng tích ấy , những tâm tư, những nỗi niềm được giãi bày để người thế hệ sau có thể hiểu biết được phần nào con người Việt nam trong chiến tranh và trong khi đã ngưng tiếng súng nhưng cuộc chiến vẫn còn tiếp tục…
Ở chủ quan tôi, một người đã là lính và có nhiều tâm tư có phần trùng hợp với tác giả Mùa Hè Đỏ Lửa thì ý nghĩ của tôi rất đơn giản. Viết về chiến tranh có lẽ không ai hơn được Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh cùa Erich Maria Remarque với chân dung người lính muôn thuở, có thể tương tự với nhau dù ở bên này và bên kia chiến tuyến.
Nhưng với Phan Nhật Nam, của Mùa Hè Đỏ Lửa thì chân dung ấy lại đặc biệt của người lính Việt nam Cộng Hòa mà ông gọi là “ người lính nhiệm mầu”. Và một điều khá lạ là chân dung ấy lại sinh động và đẫm chất nhân bản không thua người lính của Remarque. Thành ra, tôi đọc và bị lôi cuốn theo những người lính như Anh Năm Nguyễn Đình Bảo tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 11 Nhảy Dù, như Sông Lô Lọ Rượu tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 7 Nhảy Dù, như Robert Lửa Nguyễn Xuân Phúc lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến, như Beo Gấm Lê Quang Lưỡng tư lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù..
Những người lính ngoại hạng, những người lính thép nhưng lại rất người, rất nhân bản. Giống như thống tướng Mac Arthur đã nói những người lính không bao giờ chết, họ chỉ mờ dần đi… Nhưng với tôi, họ vẫn sáng rực từ một niềm kính phục vì những hy sinh cho tổ quốc.
Nguyễn Mạnh Trinh
******************
..................................
Thời gian mấy năm 72 -73, một số anh em bọn tôi ở tạp chí Văn nghệ quân đội có lúc xôn xao hẳn lên khi đọc một cuốn của Phan Nhật Nam, không phải cuốn nhiều người hay nói tới mang tên Mùa hè đỏ lửa, diễn tả không khí chiến trường rất ác liệt, mà là cuốn trước đó, cuốn Dấu binh lửa.
Theo tôi, Dấu binh lửa gây ấn tượng mạnh, vì nó cho thấy sự tan vỡ tâm hồn, tan vỡ đời sống tinh thần của một lớp người thanh niên khi vào đời là vào với chiến tranh. Từ chỗ là một người đầy nhiệt huyết, muốn biết, muốn hiểu, muốn đóng góp, muốn làm cái gì cho xứ sở, nhân vật xưng tôi ở đây biến thành người không còn là mình nữa, chai lỳ, bất nhẫn, chỉ muốn đập phá. Phan Nhật Nam trong Dấu binh lửa là thế.
Tôi nhớ là những nhà văn như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, khi đọc cuốn này đều thấy nể, ngay cách diễn tả, cách viết rất trực tiếp và khả năng sử dụng tiếng Việt trong Dấu binh lửa cũng đáng ghi nhận. Khoảng 1990 -91 xuất hiện Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, đọc Nỗi buồn chiến tranh tôi lại nhớ đến Dấu binh lửa. Nhà tôi lúc đó gần nhà Bảo Ninh, tôi có đưa cho anh xem. Khi trả Bảo Ninh có nói với tôi -- không biết bây giờ anh có nhớ không, nhưng tôi vẫn nhớ. Rằng nếu tôi đọc cuốn này trước thì có lẽ tôi sẽ viết khác đi.
Tôi nhớ là những nhà văn như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, khi đọc cuốn này đều thấy nể, ngay cách diễn tả, cách viết rất trực tiếp và khả năng sử dụng tiếng Việt trong Dấu binh lửa cũng đáng ghi nhận. Khoảng 1990 -91 xuất hiện Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, đọc Nỗi buồn chiến tranh tôi lại nhớ đến Dấu binh lửa. Nhà tôi lúc đó gần nhà Bảo Ninh, tôi có đưa cho anh xem. Khi trả Bảo Ninh có nói với tôi -- không biết bây giờ anh có nhớ không, nhưng tôi vẫn nhớ. Rằng nếu tôi đọc cuốn này trước thì có lẽ tôi sẽ viết khác đi.
Có cảm tưởng rằng đây là một trong những cuốn sách viết về chiến tranh mà bọn tôi không thể quên nổi và ở chỗ đó, nó cho thấy sự cần thiết tức cũng là những đóng góp của Văn học miền Nam, với vai trò ghi nhận được trạng thái nhân thế của con người một thời, tất cả những đau đớn, vật vã của con người trong một hoàn cảnh phi nhân văn và chính từ đó chúng ta có thể giải thích tất cả những biến động trong đời sống từ sau 75 đến nay.
......................................
*Bản lấy từ Tạp Chí Hợp Lưu số 103 tháng 1&2 năm 2009. Tựa đề đặt lại theo đề nghị của Vương Trí Nhàn.
[SIZE=4][url="http://thbl6869.blogspot.com/2011/07/van-hoc-mien-nam-1954-75-theo-cach-nhin.html"]Bad Request