Anh Hai về khi má lụm cụm bắt con vịt làm thịt cúng bảy tuần chị Ba tôi.
Chiếc xe ôm chở anh và cái thùng cactong đựng hành lý đậu lại trước khoảng sân đã chìm dưới cơn mưa mùa. Thùng nặng chịch, chỉ vài ba bộ đồ lạt màu, sờn bâu, còn lại là sách. Tôi hỏi, “sao anh không quăng mớ sách này lúc xuống sông cho rồi?” Anh Hai cười buồn, “để giành cho Út Lượng”, rồi cúi người chun qua cái cửa thấp tè vào nhà.
Chiếc xe ôm chở anh và cái thùng cactong đựng hành lý đậu lại trước khoảng sân đã chìm dưới cơn mưa mùa. Thùng nặng chịch, chỉ vài ba bộ đồ lạt màu, sờn bâu, còn lại là sách. Tôi hỏi, “sao anh không quăng mớ sách này lúc xuống sông cho rồi?” Anh Hai cười buồn, “để giành cho Út Lượng”, rồi cúi người chun qua cái cửa thấp tè vào nhà.
Má tôi ôm anh Hai khóc. Má đã khóc bốn mươi chín ngày rồi. Khóc và tạnh. Tạnh và khóc. Má khóc khi đi qua sàn lãn, qua cái sào phơi, qua ngạch cửa, qua cây dâu đang ra trái. Mấy nhánh mai bằng lấm lem bụi trên bàn. Cái rèm thêu những bông mai rơi giữa hai con chim đang bay vút lên. Chị Ba tôi nói chị tên May, nên thêu bông mai để mốt chị đi rồi, cả nhà nhìn đỡ nhớ.
Chị nói câu đó hai hôm trước khi ra nhà Hưng Phát Lộc ở mướn. Chị ít học, nên không biệt được giữa may và mai. Lúc xuống tàu, chị vẫy tay, ngón út còn quấn cục vải bó chỗ đứt khi đi cắt lúa bên kinh Mù U. Anh Hai bắt đầu học kỳ mới rồi, và tôi nữa, có trăm thứ phải cần tới tiền. Chị Ba là bông mai rơi xuống, và những thằng con trai anh em chị như những con chim bay vút lên.
Nhà Hưng Phát Lộc có một vựa cá lớn. Mờ trời, nhà chủ sai chị Ba xuống vựa xay nước đá ướp cá, tôm. Tôi nhớ chị Ba, tôi đi học sớm để ghé qua, nhưng lội bộ từ nhà ra tới bến phà đã nửa tiếng, thêm nửa tiếng để đi vòng qua cây cầu đến dãy chợ Tiều. Nên có bữa gặp, bữa không. Bảy giờ kém tôi phải vào trường còn chị Ba lên biệt thự cách bến cá một con đường, cắm đầu cắm cổ lau chùi sau trước, giặt giũ quần áo, nấu cơm, phục vụ cho chín người. Những trưa tan học, tôi đứng ở ngoài rào kêu chị Ba ra để coi vết đứt trên tay đã lành chưa. Được vài lần thì nhà chủ tỏ ra không thích, họ sợ chị Ba lén lấy cắp đồ của họ dúi cho tôi. Người trong nhà đó, cũng giống như những người buôn bán ở khu chợ Tiều, gặp khách chào mời đon đả nhưng mắt thì lạnh ngắt, như thể mắt là của một khuôn mặt tạnh ráo khác.
Tôi thấy ấm ức lắm, về nhà tôi quăng cặp cái rầm, nói “Má kêu chị Ba đi ở chỗ khác, nhà đó con ưa không vô”. Má tôi cười, nhà giàu thì ai cũng vậy. Ngó thấy tôi vẫn chù ụ, má nói “Anh Hai mầy ra trường bữa trước bữa sau má kêu con May về liền. Sung sướng gì thân ở mướn…”.
Một bữa chị Ba tôi bị máy xay nước đá cưa đứt cánh tay. Lúc má con tôi vừa chạy vừa khóc tới nơi thì máu chị Ba vẫn còn chảy cợn theo những viên nước đá đang tan. Ông chủ Hưng Phát Lộc khẩy móng tay, phân trần :
- Ngày nào tui cũng dặn nó làm kỹ lưỡng, nhưng con nhỏ đâu có nghe.
Tôi không nhìn ông ta lâu được, vì khuôn mặt xương xẩu đựng đôi mắt to, lồi ra với cái mũi ửng đỏ bỗng khắc vào tôi, cháy xèo xèo trên da thịt. Buổi chiều chị Ba tỉnh dậy, rồi lại lịm đi khi biết từ nay chị chỉ còn nửa vòng tay lỏng. Họ giữ chị Ba lại, nói là sẽ nhận làm con nuôi, vẫn trả lương vì một nửa thị xã biết cô bé bị đứt cánh tay còn ba tháng nữa mới mười tám tuổi. Chị Ba tôi vẫn còn là trẻ con. Và trẻ con nói với trẻ con khi em cương quyết đòi dẫn chị về, “phải ráng vì anh Hai”.
Má tôi về nhà, cắm cúi thổi lửa, bỗng dưng lấy cây củi tự đánh như điên dại vào cánh tay trái của mình, “sao ông trời không lấy cánh tay này của tôi mà con nhỏ… nỡ nào…”. Tôi ngồi im ở góc nhà, nhìn cái chỗ cháy có hình người trên ngực mình.
Tôi ghét những chiếc xe honda ôm đậu lại bóp còi ánh ỏi trước nhà từ cái bữa họ nhắn chị Ba nằm bệnh viện. Tôi tự hỏi, việc một đứa bé gái bị cắt mất cánh tay không làm họ chua xót, thương tiếc để bước xuống xe, vào nhà và an ủi má tôi mấy lời. Tại sao họ cứ ngồi bấm còi để gọi chúng tôi ra, và nghe những mất mát trong tiếng động cơ vẫn còn nổ. Tại sao họ không bước đến với chúng tôi, chỉ một chút thôi, rồi đi ?
Những câu hỏi đó làm chữ trong trang vở của tôi nhảy múa, mất rất lâu để thuộc chúng. Tôi thường nằm học bài trên một nhánh khế chua bên hè. Một sáng chủ nhật, đang ngồi nhìn khế rụng xuống mái nhà lá nát, thì có tiếng xe ghé nhà, không bóp còi, “thím Năm ơi, con May chết rồi”. Má tôi lụp chụp choàng cái khăn lên đầu mà nó cứ rớt lên rớt xuống, tay má đã rời từng đốt, không vịn nổi cái chéo khăn, như má đang chết từng phần một. Ra khỏi khoảng sân thì chiếc xe khác trờ tới, còi tru lên một tràng dài, “Hưng Phát Lộc nhắn bà già ra nói chuyện, hình như nhỏ May ăn cắp gì đó, họ kêu ra lãnh nó về”. Chiếc xe này bị xẹp bánh dọc đường nên nhắn một cái tin thừa.
Tôi không khóc. Tôi đông mình cứng đến nỗi có những khối cơ trên mặt không thể chuyển động, không có cảm giác. Tôi đón chị Ba về từ trụ sở của phường, họ giam chị tôi ở đó một đêm vì nghi là ăn cắp chiếc nhẫn cưới của cô A Muối, con gái lớn nhà chủ. Họ nói định trả chị về hôm qua, nhưng thứ bảy, anh trưởng công an phường mắc đi đám giỗ bên vợ. Chị Ba treo cổ bằng mấy sợi dây nhặt nhạnh trong phòng tạm giam. Lưỡi chị Ba trả lại cuộc đời, chị không chấp nhận sự vô dụng của nó, nói thành lời mà chẳng có người nghe.
Má tôi chết giấc. Cái đám tang lèo tèo, vì nhà nghèo mà chị Ba lại chết trẻ. Tôi ra sau vườn đốn cây bình bát lớn, tôi ngồi đẻo cánh tay cho chị, với những ngón tay khép chặt. Tôi dùng cái mũi dao khắc những cái nếp nhăn nơi khuỷu tay, vẽ những vết hằn trên từng chỗ nối của các đốt. Tôi gò cái chỗ đứt làm đầu ngón út của chị Ba hơi khum lại, dấu vết của những ngày cắt lúa. Tôi muốn chị Ba có một vòng tay tròn khi về trong những giấc chiêm bao, để ôm tôi chặt đến nghẹt thở. Và chị sẽ không mặc cảm, ngại ngần khi đứng trước những hồn ma khác.
Nắn nót cái thân bình bát còn ứa nhựa đó suốt cả đêm, và khi đặt vào bên chị, tôi phát hiện ra việc làm của mình là vô ích, máu không thể chảy trên cánh tay bằng gỗ ấy. Những đường gân xanh gồ lên. Cái chỗ da mát lạnh ở cùi chỏ mà hồi nhỏ tôi thích rờ nắn. Tôi kiệt sức vì thất vọng.
Lúc đó, ở thành phố, anh Hai tôi đang thi hoàn tất học phần, với hy vọng mãnh liệt, một kỳ thi suôn sẻ sẽ sớm giúp em gái bớt gánh nặng, về nhà lấy chồng, sinh con. Má không cho anh Hai tôi hay, vì anh có về thì không thể cải sửa lại hơi thở đã tắt.
Nhưng sáng nay thì anh Hai tôi về, ai mà ngăn cản được. Anh dỗ má tôi, cúi người thổi lửa nồi cháo đậu xanh, anh không khóc. Anh Hai đã quá lớn để khóc ? Hay một cái chết dù là người thân thích, nhưng không được chứng kiến tận mắt thì cũng không khác cái chết của nhân vật tiểu thuyết ?
Nên anh Hai hơi lạ khi thấy tôi cứ lầm lì ngồi mài dao miết, tôi gom bao nhiêu dao búa trong nhà ra, chất trước mặt, và ngồi mài vào những buổi chiều, khi nắng bắt đầu tàn trên mộ chị Ba. Anh Hai nhìn chằm chằm đứa em út, nói “lúc nầy tóc dài dữ rồi nghen, cắt đi, nhìn thấy mặt già quá”. Tôi lấy tay mơn man trên lưỡi dao đã sáng loáng để dò độ bén, rồi cắt một chòm tóc để trên tay thổi rơi xuống đất, tôi cười, “em mà có cạo đầu thì mặt em cũng vậy thôi.”
Anh Hai quờ tay ra sau tìm mảng vách để tựa vào. Anh vĩnh viễn không về được nhà, chị Ba, tôi cũng vậy. Chúng tôi đứng trên cùng mảnh vườn hương hỏa của ông bà, đã bị cắt bán nhiều phần hồi ba tôi đau yếu, má tôi đang ngồi kia, ai cũng nhìn thấy, nhưng đây không phải nhà. Anh Hai ngơ ngác, không gì còn ở chỗ cũ.
Tôi cũng không bao giờ về đúng cái nơi có tuổi mười bảy của mình, ngượng ngập với cái giọng vỡ, với những nốt mụn trứng cá trên trán, vo giấy vụn ném vào cô bạn cùng lớp rồi thụp xuống giấu nụ cười, coi cái cảnh hôn nhau trên tivi, mơ mộng tới mức phải nhảy xuống ao để dập tắt cơn rạo rực. Da thịt tôi đã cháy hết rồi, bởi những khuôn mặt người. Tôi vẫn trốn học để đứng trước nhà Hưng Phát Lộc, nhìn người vào ra. Tôi nghe mùi cháy khét đau đớn trên người mỗi khi cánh cửa hé mở. Ai đó tung tăng. Ai đó thanh thoát. Ai đó bình thản. Ai đó ung dung. Ai đó phởn phơ. Trên người tôi có chín vết cháy sâu, in hằn từng nét mặt. Những vết nhẹ hơn, phảng phất vẻ ngạc nhiên của anh công an phường, “ai mà ngờ cô bé làm chuyện dại vậy, phải biết tôi cho về. Giữ lại làm chi, tụi tui cũng canh giữ cực lắm, đâu có ham”, phảng phất cái nhìn chua xót của người bán thuốc lá bên đường, “chắc là tình bậu muốn thôi nên bậu gieo tiếng dữ…”. Nhưng dù sâu hay cạn, đó vẫn là vết cháy dúm dó.
Sau ngày chị Ba tôi chết, vài người xúi, “đi kiện cái nhà bạc ác đó. Một mạng người chớ ít ỏi gì”. Má tôi hiền như củ khoai, lăn hết trớn thì đậu đó, cứ lấy khăn chậm nước mắt ngơ ngác. Tôi muốn những người trong nhà Hưng Phát Lộc phải tắt nụ cười. Nhưng một thằng con trai học lớp mười một không biết bắt đầu từ đâu. Anh Hai tôi vẫn còn trong kỳ thi. Với những vết cháy mọng nước, tôi hỏi thăm ông già viết đơn mướn ở đầu cầu, ông già lắc đầu, “không ăn thua gì đâu, cháu ơi”. Tôi không tin. Một bữa đi ngang qua nhà hàng gần bến cá, tôi nhìn thấy một bàn tiệc. Tất cả những khuôn mặt cháy trên tôi, cả những vết sâu và cạn, đều có mặt ở đó, cười nói vui vẻ.
Tôi về nhà xách dao ra mài. Má tôi đi đằng xóm về, nói bằng cái giọng khàn và yếu ớt, “dao mài hôm đưa con May ra vườn, tới nay có xài gì đâu mà mài hả con ?”. Tôi im lặng. Tôi muốn dứt những vết cháy trên người tôi ra, bằng những con dao này. Nhưng tôi không thể nói ra điều đó. Má hiền như khoai.
Chỉ khi anh Hai tôi về, anh đọc được một cái gì đang cuộn lên trong tôi. Anh hoảng hốt khi nhìn thấy nó mà không thể nào dập tắt được. Tôi im lặng, công lý là một điều xa vời với đứa trẻ dở dang chương trình lớp mười một, sắp bị đuổi ra khỏi trường vì bỏ học liên tục. Tôi muốn tự mình làm nên công lý.
Tôi cặp kè với thằng Hào ở xóm Mả Lạng, một xóm liều cách trường chừng ngàn thước về hướng mặt trời lên. Vì Hào đã từng vác dao rượt thầy giám thị chạy cong đuôi trước sân trường. Tôi hỏi, “lúc đó thấy sao ?”. Thằng Hào chu miệng nhả ra mấy cái vòng khói tròn tròn, “thấy đã lắm”. Tôi hỏi lấn tới, “đã làm sao ?”. Thằng Hào ngó tôi cười quái dị, “như mắc đái mà được đi đái”. Tôi có chút coi thường nó, bởi cái cảm giác rốt cuộc cũng tầm thường vậy. Tôi muốn hơn vậy nữa.
Tôi lại mài dao khi chiều phai, khi cỏ cuối ngày mọc len qua những khe nứt trên mộ chị Ba. Tôi đặc biệt thích cây mác vót. Dao bén ngót, tôi hay đưa nó ngang tầm mắt và dùng một mảnh lá chuối vuốt ngang cái lưỡi lấp lánh, lá đứt làm đôi. Tôi cảm thấy như mình đang say. Anh Hai tôi đứng ở cửa sau, chết sững khi cài nút áo, anh ra chợ tìm việc làm.
Và anh Hai xin vào làm khuân vác cho vựa cá Hưng Phát Lộc. Anh lại xay nước đá ở cái máy đã nghiến phứt cánh tay của chị Ba. Má tôi không hay, chúng tôi để má bên ngoài những toan tính. Bà hết nước mắt rồi. Tôi vẫn thường bắt gặp ánh mắt anh Hai đứng vựa cá, nhìn quanh, lo âu, giận dữ. Anh Hai tìm tôi, vì biết tôi lảng vảng ở đó, hoặc vựa cá, hoặc biệt thự. Tôi đang rình rập ở đó lắng nghe những mụn nước vỡ ra rát bỏng và xuất hiện những ổ mủ.
Tối về, chúng tôi ngủ chung một giường, và cái mùng thì chấp chới mấy lổ vá của chị Ba tôi. Chị vá khéo, tôi thường nhìn mấy chỗ vá và tưởng tượng bàn tay chị lướt cây kim như múa. Nhưng bây giờ tôi chỉ muốn nhắm mắt khi đặt lưng lên giường. Nhắm mắt, để anh Hai tôi chẳng đọc được, không đoán được tôi. Có lần, nửa đêm, anh gác chân qua ôm tôi, dụi mặt vô mớ tóc dày đã dài phủ gáy, anh nói, Út Lượng hồi trước đâu rồi ta ? Trong cơn ngái ngủ tôi làu bàu, “Chết ngắc rồi. Một lượt với chị Ba. Tụi nó phải khổ như má mình, còn hơn má mình nữa, tui thề”. Anh bỏ tôi ra.
Bằng cách nào đó, anh Hai tôi bắt đầu đưa đón mấy đứa con của Hưng Phát Lộc tới trường. Anh biết tôi đang ngồi trong những cái quán café gần, nên ngang qua, anh đau đáu nhìn. Tôi biết chuyện đó sẽ làm anh mòn mỏi, không phải tôi. Không phải người đang bị cháy khét từng mảng thịt. Anh bảo vệ cho tôi được bao lâu ? Năm hay mười năm ?
Cái giường chúng tôi ngủ chung giờ như một chiến trường, một cơn bão. Nhiều khi tôi bỏ ra ngoài, anh Hai hốt hoảng chụp tay tôi lại, “đi đâu vậy ?”. Tôi cười, nói, “Nửa đêm rồi. Nhà đó không ai ra đường vào nửa đêm đâu. Tui biết lịch đi đứng của tụi nó mà”. Tôi thấy được sự mệt mỏi khi anh gỡ những ngón tay mình ra khỏi đứa em nhỏ.
Tôi thì không. Con đường, dãy hàng quán mà tôi ngày ngày lảng vảng, chờ đợi, nung nấu căm hận đã trải qua nhiều sắc áo, sắp Trung thu. Những ngày này năm ngoái tôi còn cùng bạn bè làm lồng đèn cho lớp để đi thi. Chúng tôi định làm một quả cầu tượng trưng cho trái đất, ai đó đòi làm ngôi sao, cuối cùng cô chủ nhiệm đề nghị làm con bồ câu trắng, cho hòa bình. Đó là con bồ câu mập úc núc, mà ai cũng nói gà. Tôi nhớ lại chuyện đó nhưng không có cảm xúc nào, khi nhìn vào khoảng sân tíu tít người, họ treo mấy ngọn đèn lồng trong nền nhạc Tiều dìu dặt. Họ quá đông. Tôi sẽ cầm cái mác vót và chỉ chọn một. Anh Hai tôi ở đó và tôi có đủ mạnh không để ngoáy sâu, như mấy bộ phim xã hội đen mà tôi coi những quán cà phê khu Mả Lạng ?
Tôi không mài dao nữa. Anh Hai không vì vậy mà bớt lo âu, tôi đã chính thức bỏ học, và lang thang ngoài đường suốt. Tôi đi đòi nợ mướn với thằng Hào kiếm tiền. Và kiếm thêm sự tàn nhẫn cần thiết. Tôi ra vào khu Mả Lạng, không còn ngạc nhiên vì thấy đôi khi cái xóm đầy tệ nạn này bỗng dưng sạch sẽ và văn minh lạ thường, họ biết trước sẽ có cuộc truy quét lớn. Tôi càng tin vào công lý mà tôi nắm trong tay hơn, tôi chứng kiến một đứa trẻ xóm Mả Lạng bị ức hiếp, ngay lập tức món nợ được đòi. Nhưng những lần nhìn thằng Hào bật quẹt đốt giấy bạc, hít ngọn khói bốc lên từ nhúm bột trắng, tôi không giấu được cái cảm giác muốn khóc. Tôi ở đây, với đứa bạn giang hồ hư hỏng này tới bao giờ ? Hào cũng ngao ngán khi tôi không sao nhập cuộc được. Khi người ta trút hết tâm lực vào việc gì đó, mọi cảm giác, mọi ham muốn khác chết ngắc, đóng băng.
Tôi nhặt được khẩu súng. Bởi khẩu súng biết tôi sẽ về con đường tắt ấy, tối ấy, nó nằm chờ tôi, ánh lên dưới trăng lu. Tôi cầm nó lên, âm khí buốt cả tay. Thằng Hào như không hay biết gì, nó lộn túi, dốc hết tiền tôi, và rất bâng quơ, nó nói về những viên đạn bay đi.
- Đừng sợ, mầy là trẻ con.
Tôi không sợ, rõ ràng là vậy, không có ý nghĩ nào nói rằng tôi đang sợ, nhưng thằng Hào đọc được cái gì đó hèn yếu lướt qua trong đầu. Có lẽ, lúc đó anh Hai lướt qua tôi, cười rất hiền. Mỗi lần má tôi cắt cổ gà, kêu anh vịn tiếp, anh thường quay mặt đi.
Nhưng rồi tôi lại nhìn thấy chị Ba, đóng vào tâm trí tôi với cánh tay rời, cứng khoèo.
Tôi giắt súng ra đi vào một tối trăng sáng nhất. Vào đêm này, những ngôi nhà dãy chợ Tiều rực sáng, họ bày một mâm cỗ thật lớn trước sân và cổng thì mở toang, mọi người xúm xít cúng bái. Anh Hai đợi tôi ở gần bến phà, chỗ khu bệnh viện xây dang dở. Tôi cố làm ra vẻ ngạc nhiên, “trời, Tết của con nít, anh cũng đi chơi hả ?”. Anh Hai không nói, kéo tôi vào cái hành lang bệnh viện còn trơ gạch trần, vài mảng tường đã phủ rêu, người anh buốt ra cái hơi lạnh của mồ hôi.
Tôi dặn, anh coi chừng má nghen. Má hiền thiệt, hiền quá chừng. Giữ bàn tay tôi trong tay, giọng anh Hai đau như từng lời là máu rỉ ra, “Út Lượng, đừng đi”. Làm tôi nhớ lại hồi nhỏ giành cơm cháy chan mỡ, anh chặn tôi lại, chị Ba thì đứng đằng sau núp ló nhai chóp chép. Anh Hai giang tay, chân xoạc ra, de de như gà mẹ chuẩn bị đá chó bảo vệ cho con. Nhưng tôi luôn có cách lòn qua nách anh, hay chui tọt qua háng anh, và giật miếng cơm cháy béo giòn trong tiếng khóc rấm rứt của chị Ba.
Tiếng khóc của mười năm về trước trong gian bếp chật vọng về. Tôi cười khẽ, quay người lại. Nhưng anh Hai vẫn nắm chặt tôi bằng cái tay rắn đanh, chai sần vì ngày ngày khiêng những cần xé cá. Tôi rút súng ra. Anh cũng vậy. Và nụ cười tôi tắt lịm.
Trăng không chiếu vào trong khoảng hành lang hoang phế. Và thẳm hơn cả màu đen của đêm là họng súng của anh Hai khi hướng vào tôi. Họng súng như đã nung trong lửa, nó thọc vào tôi rất sâu, cháy từ bên trong ngun ngút. Anh đứng ở phía đối mặt tôi, người gây cái vết cháy mới nhất, đau nhất là người đêm qua đã ngáy to làm tôi trằn trọc, phải giật tóc anh ta mấy lần, cho bớt ngủ mê.
Nước mắt tôi trào ra. Cơn đau làm tôi chỉ muốn kêu thét lên bằng chính cây súng trên tay mình.
…Có lần, thằng nhỏ làm đi mua cây súng đồ chơi của Trung Quốc, hỏi mua cho con hay cho em nhỏ, nó cười buồn, con tính chỉa cây súng giả này vào một người để dạy nó cách bỏ súng xuống. Người bán đồ chơi cầm tiền tấp tểnh đi vào, nói, hòa bình bao nhiêu lâu rồi, mà nghe chuyện súng đạn, vẫn còn thấy ớn quá.
Hồi đó, ông cũng cầm súng để dạy bên kia cách bỏ súng, ai dè mới nâng súng lên, chưa kéo cò, bên kia sợ chết nả đạn. Ông đi cà nhắc luôn.
Nguyễn Ngọc Tư