Thân Thế Và Sự Nghiệp
Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai chánh quán làng Nhị Khê, phủ Thường Phúc, tỉnh Hà Đông (nay là Thường Tín, Hà Đông), ra đời năm 1380 tại thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay) nơi tư dinh của ông ngoại là Trần Nguyên Đán, cuối đời nhà Trần. Thân phụ là Nguyễn Ứng Long, thân mẫu là Trần Thị Thái, con gái thứ ba của hoàng thân Trần Nguyên Đán.
Nguyễn Ứng Long (về sau là Nguyễn Phi Kkhanh, bút hiệu Nhị Khê) là một nho sinh xuất sắc, được quan tư đồ Trần Nguyên Đán mời về dạy học tại tư dinh, do đó về sau kết hôn với con gái của ông. Nguyễn Ứng Long đỗ bảng nhãn nhưng không được làm quan chỉ vì ông là con nhà bách tánh mà dám lấy con nhà tôn thất. Vì vậy ông phải trở về dạy học tại quê hương Nhị Khê, địa danh mà ông mượn làm bút hiệu. Con trai đầu lòng là Nguyễn Trãi vẫn sống với mẹ trong gia đình qua Tư đồ tại hoàng cung.
Vào năm 1385, Trần Nguyên Đán tự thấy mình bất lực và thối chí trước cảnh nhà Trần sa đọa vô phương cứu vãn nên xin cáo hưu, về dưỡng lão tại động Thanh Hư, núi Côn Sơn, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Nguyễn Trãi mới lên 5, cùng mẹ theo ông ngoại về Côn Sơn. Một thời gian sau mẹ qua đời và cậu bé vẫn sống với ông ngoại. Đến năm 1390, Trần Nguyên Đán mất, và từ đấy Nguyễn Trãi về Nhị Khê để được cha tiếp tục nuôi dạy.
Thuở bé Nguyễn Trãi đã nổi tiếng học giỏi, không những thông suốt Tứ Thư, Ngũ Kinh, mà còn am tường các sách Bách gia Chư tử, và xa hơn nữa, tinh thạo cả sách binh thư chiến lược.
Do đó, lúc mới 21 tuổi Nguyễn Trãi đã đổ thái học sinh (tiến sĩ) vào khoa thi đầu tiên do Hồ Quý Ly mở, cùng năm nhà Hồ lên ngôi, 1400. Ông được bổ làm Ngự sử đài Chánh chưởng tại triều đình, trong khi thân phụ ông, đổi tên là Nguyễn Phi Khanh, được bổ làm Đại lý Tự khanh Thị lang tòa Trung thư, Hàn lâm viện Học sĩ kiêm lĩnh Tư nghiệp Quốc Tử Giám.
Năm Đinh Hợi (1407), nhà Hồ bị quân Minh xâm lăng tiêu diệt, và trong số triều thần bị bắt theo vua đưa sang Kim Lăng (Có tài liệu ghi Yên Kinh), Trung Quốc, có cả Nguyễn Phi Khanh. Nguyễn Trãi và em ruột là Phi Hùng định theo cha sang Trung Quốc, nhưng đến ải Nam Quan, Nguyễn Phi Khanh khuyên con trai trưởng nên trở về để trả thù cho quốc gia và gia đình. Trên đường về, Nguyễn Trãi bị quân Minh bắt đưa về thành Đông Quan (Thăng Long - Hà Nội ngày nay), suýt bị tướng Trương Phụ giết vì từ chối hợp tác. May nhờ có Hoàng Phúc can thiệp nên ông được tha, nhưng phải ở lại thành Đông Quan dưới sự kiểm soát của địch quân.
Khắp nơi một phong trào mãnh liệt gồm 40 nhóm nổi lên chống quân Minh, những kẻ đã viện cớ khôi phục giúp nhà Trần để xâm lăng Việt Nam (nước Đại Ngu dưới thời nhà Hồ). Quan trọng nhất là hai cuộc khởi nghĩa, một do Trần Ngỗi (Giản Định Đế, 1407 - 1409) và một do Trần Quý Khoáng (Trùng Quang Đế, 1409 - 1415), hai nhà quý phái yêu nước họ Trần, nhưng cùng thất bại. Nguyễn Trãi không liên hệ gì với hai cuộc kháng chiến này, dù là con cháu ngoại nhà họ Trần. Trong thời gian này có lẽ ông đã có những thăm dò vận động riêng - dù đang bị giam lỏng ở Đông Quan - như một số thi phẩm của ông đã gián tiếp đề cập qua những từ ngữ "phiêu bạt giang hồ".
Sau 10 năm ở Đông Quan, Nguyễn Trãi thoát thân hẳn và tìm vào núi Lam Sơn (Thanh Hóa) yết kiến Bình Định Vương Lê Lợi, bấy giờ là thủ lãnh quân kháng chiến Lam Sơn. Ông xuất trình cuốn Bình Ngô Sách, và được Lê Lợi hoan nghênh kết nạp. Từ đó ông mang hết tài năng ra giúp Lê Lợi cứu nước. Ông bày mưu lược, thảo từ mệnh dụ tướng sĩ nhà Minh dưới sự thống lãnh của tướng Vương Thông ra đầu hàng, đồng thời thảo chiếu dụ những người tài đức khắp nơi ra giúp nước.
Đây là 10 năm kháng chiến thành công anh dũng với phần đóng góp lớn lao của Nguyễn Trãi. Ông giúp Lê Lợi điều lĩnh cuộc kháng chiến qua ba giai đoạn (du kích, nam tiến vào Nghệ An, bành trướng ra Bắc bao vây Đông Quan), dùng chính sách vừa đánh vừa đàm, liên hoàn hòa hợp. Nhờ vậy, với sự ủng hộ triệt để của nhân dân, tiết kiệm được nhiều sinh mạng, vì đa số đồn trấn quân Minh đầu hàng, ngay cả đến bộ tham mưu của Vương Thông ở Đông Quan cũng phải hạ vũ khí. Thậm chí 100 nghìn quân sống sót sau cuộc chiến còn được cấp phương tiện lương thực dùng đường bộ lẫn đường thủy rút về Trung Quốc (12 tháng 10 Đinh Mùi - 29.12.1427).
Trong thời gian chống Minh, Nguyễn Trãi lãnh chức Hàn Lâm Thừa chỉ Học sĩ, đến năm 1427 được thăng Nhập nội Hành khiển và Lại bộ Thượng thư. Và sau khi lên ngôi hoàng đế năm Mậu Thân (1428) với vương hiệu Lê Thái Tổ, nhà vua phong Nguyễn Trãi tước Quan phục Hầu. Từ đấy cũng như trước ông hết lòng giúp Lê Thái Tổ xây dựng lại xứ sở. Công việc đại định pháp chế lúc nhà vua mới xây dựng cơ nghiệp đều do ông soạn thảo. Ông được tặng tộc tính Lê Trãi.
Thế nhưng có vài biến cố xẩy đến, làm tổn thương lòng hăng hái phục vụ của Nguyễn Trãi. Năm 1429, tướng Trần Nguyên Hãn, người anh em họ ngoại từng cùng ông gia nhập kháng chiến Lam Sơn ngày trước, bị nhà vua bắt phải tự vẫn vì bị cho là có ý làm phản. Dịp này Nguyễn Trãi cũng bị Lê Thái Tổ, con người đa nghi, bắt giam, sau đó được trả tự do, nhưng bị đặt vào tình trạng thất sủng nửa chừng với những quyền hạn nhiệm vụ không minh bạch. Năm 1430 nhà vua lại hạ lệnh giết một viên quan khác là Phạm Văn Xảo và tịch thu tài sản - sử liệu không thấy nói lý do.
Sau 6 năm trị vì, Lê Thái Tổ mất năm 1433 (tháng 8 Quý Sửu) vào tuổi 49. Trước khi mất, nhà vua có hồi tâm nên hình như có căn dặn thái tử sắp nối nghiệp ông - vua Lê Thái Tông - phải phục hồi danh vị cho Nguyễn Trãi, vị đại thần đã có công lớn từ buổi đầu. Lê Thái Tông chỉ là một thiếu vương 11 tuổi nên mọi quyền bính trong triều đều ở trong tay quan Phụ chính Lê Sát. Lê Sát là người ít học nhưng vì có công đầu lại thuộc giòng tôn thất nên được ngôi cao. Cậy quyền bính, Lê Sát làm những việc trái phép và sẵn sàng triệt hạ những ai không có ý phục tùng.
Vì bản tính cương nghị, ghét luồn cúi và luôn luôn theo chính đạo, trọng nhân nghĩa. Nguyễn Trãi liệu bề khó bề tiếp tục thi hành chính sách, lại sợ không khỏi gặp những điều có hại đến bản thân, nên ông xin từ chức, lui về ở ẩn tại núi Côn Sơn là nơi trước kia Trần Nguyên Đán ngoại tổ của ông đã dưỡng già.
Về Côn Sơn, dù vui cùng núi non cây cỏ nhưng Nguyễn Trãi vẫn không quên nghĩa vua tôi. Vì vậy, khi Lê Thái Tông trưởng thành, giết kẻ chuyên quyền Lê Sát và xuống chiếu vời ông trở lại tham chính, thì Nguyễn Trãi, đã 60 tuổi, vui lòng nhận ngay. Tiếc thay, một thời gian sau ông thấy Lê Thái Tông hay say đắm tửu sắc, làm nhiều điều sai trái khó bề can gián, triều thần lại gồm lắm kẻ chỉ ham danh lợi, ít ai nghĩ đến nước đến dân. Đồng thời lại xảy ra vụ nhà vua ra lệnh thích chữ vào mặt và phát vãng một viên chức trong triều là Nguyễn Liệu về tội trực ngôn nhân dịp tham gia soạn thảo văn bản thiết lập lễ nhạc.
Thế cho nên một lần nữa, Nguyễn Trãi sinh lòng chán ngán, lại xin lui về chốn cũ dung thân (1438). Nhưng sang năm 1439 nhà vua lại vời ông trở lại triều chính, lần này đặc biệt để ông lưu dinh tại Côn Sơn và chịu trách nhiệm về hành chánh lẫn quân sự hai miền Đông, Bắc.
Nguyễn Trãi có một tiểu thiếp là Nguyễn Thị Lộ, trẻ đẹp lại có tài văn thơ nên được vua Thái Tông cho đòi vào cung giữ chức Lễ nghi Nữ học sĩ, kiêm lãnh trách nhiệm về hàng cung nữ.
Mùa thu năm Nhâm Tuất (1442), Lê Thái Tông đi tuần thú ngự lãm tập trận tại hạt Chí Linh, đoàn tùy tùng có Thị Lộ theo hầu. Lúc về nghỉ qua đêm tại Lệ Chi viên, huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc, nhà vua thọ bệnh bất ngờ và qua đời.
Hoành Hậu là bà Nguyễn Thị Anh, vốn sẵn thù ghét Thị Lộ và Nguyễn Trãi vì đã tìm kế cứu mạng cho mẹ con bà Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao, cung phi của Thái Tông, và là mẹ của vua Lê Thánh Tông sau này. Thế cho nên nhân cái chết đột ngột của nhà vua, bà bèn vu cho Thị Lộ và Nguyễn Trãi âm mưu giết vua. Thái tử Bang Cơ con bà mới lên hai tuổi được nối ngôi, bà được làm Hoàng hậu phụ chính. Ở ngôi vị này, lại được bọn triều thần buông câu nước đục vốn ganh ghét một người trung chính như Nguyễn Trãi, sẵn sàng phụ họa, nên việc lên án Thị Lộ và Nguyễn Trãi quá dễ dàng. Vì thế, Thị Lộ cùng Nguyễn Trãi và hơn 300 người trong họ hàng bị tru di.
Nguyễn Trãi mất vào ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất, tức 19 tháng 9 năm 1442, hưởng thọ 63 tuổi.
Mãi đến 23 năm sau, vua Lê Thánh Tông thấu rõ nỗi oan của Nguyễn Trãi và công nhận ông là một nhân vật cao quý từng có công lớn trong việc xây dựng nhà Lê. Vua bèn xuống chiếu giải oan cho ông (1464), truy tặng ông chức Vĩnh lộc Đại phu, tước Tế Văn hầu (Có tài liệu ghi tước Tế Văn hầu do vua Lê Tương Dực truy tặng năm 1512), cấp cho họ Nguyễn của ông 100 mẫu ruộng để tế tự. Đồng thời Lê Thánh Tông cho tìm con cháu còn sống sót để cất nhắc và hạ chỉ cho sưu tầm di cảo thơ văn của ông, những tài liệu thường bị loại bỏ phá hủy khi tác giả bị tru di dưới thời phong kiến.
Nguyễn Trãi còn có một tiểu thiếp là Phạm Thị Mẫn và con trai nhỏ là Anh Võ do bà này sinh hạ, may mắn trốn thoát được lúc đại gia đình lâm nạn. Khi khôn lớn, Anh Võ trình diện nên được thụ hàm Tri huyện, sau thăng đến chức Tham Chính. Anh Võ có hai con trai là Tổ Giám và Tổ Kiên. Tổ Giám đỗ tiến sĩ, phụng mệnh đi sứ sang Trung Quốc, dọc đường trở về nước rủi ro bị đắm thuyền, chết đuối tại hồ Động Đình.
Văn thi phẩm
Nguyễn Trãi không chỉ là một chính trị gia sáng suốt, một nhà quân sự cao trí, một nhà ngoại giao xuất chúng. Phải nói rằng trước tiên ông là một nhà văn học uyên bác đã góp công lớn làm rạng rỡ nền văn hóa nước nhà.
Sáng tác phẩm của ông rất phong phú nhưng bị thất lạc khá nhiều, nhất là qua bao nhiêu biến cố lịch sử, những thay đổi triều đại liên tiếp.
Khoảng 400 năm sau khi Nguyễn Trãi mất, mãi cho đến thế kỷ 19, vào triều nhà Nguyễn, các danh sĩ đời Minh Mạng, Tự Đức là Cấn Đình Dương Bá Cung, Phương Đình Nguyễn Định, Dương Đình Ngô Thế Vinh mới ra công sưu tập, bình duyệt, khảo chính, lập thành một bộ sách tựa đề là ỨC TRAI DI TẬP lưu lại cho đến ngày nay như sau, được khắc in vào năm Mậu Thìn 1868:
1- Quân Trung Từ Mệnh Tập
2- Dư Địa Chí
3- Ức Trai Thi Tập
4- Văn Tập, đáng kể là:
- Bình Ngô Đại Cáo
- Phú Núi Chí Linh
- Văn Bia Vĩnh Lăng (Bia lăng vua Lê Thái Tổ)
- Chiếu, Biểu viết dưới triều Lê
- Băng Hồ Di Sử Lục (về Trần Nguyên Đán)
Lam Sơn Thực Lục
5- Quốc Âm Thi Tập (thơ chữ Nôm)
6- Phi Khanh Truyện
7-Nguyễn Phi Khanh Thi Văn Tập.
Còn lại những tác phẩm sau đây đến nay vẫn chưa tìm được:
1- Bình Ngô Sách
2- Ngọc Dương Di Cảo
3- Giáo Từ Đại Lễ
4- Thạch Khánh Đồ
5- Luật Thư (6 bộ)
Về trường hợp Lam Sơn Thực Lục ghi trong Văn Tập, văn phẩm này được cho là của Nguyễn Trãi, nhưng vì giá trị nội dung lẫn văn phong tương đối tầm thường nên đã gây nhiều tranh cãi với nghi vấn chẳng lẽ toàn bộ hay một phần là do một cây bút cỡ lớn như Nguyễn Trãi tiên sinh sáng tác?
Cũng trong tình trạng nghi vấn là bài thơ chữ Nôm Tự Thán (thể lục bát) và bài Hỏi Ả Bán Chiếu (thất ngôn tứ tuyệt), không được ghi trong tài liệu dù khá phổ thông và vốn được xem như là của Nguyễn Trãi.
Và đặc biệt là Gia Huấn Ca, tập lục bát trường thiên, vốn được truyền tụng là thuộc trước tác của ông, vẫn không có tên trong bộ sưu tầm Ức Trai Di Tập do Dương Bá Cung, người cùng làng với tác giả thực hiện vào thế kỷ 19.
Comment