• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Thơ Nguyễn Trãi

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Thơ Nguyễn Trãi



    Thân Thế Và Sự Nghiệp

    Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai chánh quán làng Nhị Khê, phủ Thường Phúc, tỉnh Hà Đông (nay là Thường Tín, Hà Đông), ra đời năm 1380 tại thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay) nơi tư dinh của ông ngoại là Trần Nguyên Đán, cuối đời nhà Trần. Thân phụ là Nguyễn Ứng Long, thân mẫu là Trần Thị Thái, con gái thứ ba của hoàng thân Trần Nguyên Đán.

    Nguyễn Ứng Long (về sau là Nguyễn Phi Kkhanh, bút hiệu Nhị Khê) là một nho sinh xuất sắc, được quan tư đồ Trần Nguyên Đán mời về dạy học tại tư dinh, do đó về sau kết hôn với con gái của ông. Nguyễn Ứng Long đỗ bảng nhãn nhưng không được làm quan chỉ vì ông là con nhà bách tánh mà dám lấy con nhà tôn thất. Vì vậy ông phải trở về dạy học tại quê hương Nhị Khê, địa danh mà ông mượn làm bút hiệu. Con trai đầu lòng là Nguyễn Trãi vẫn sống với mẹ trong gia đình qua Tư đồ tại hoàng cung.

    Vào năm 1385, Trần Nguyên Đán tự thấy mình bất lực và thối chí trước cảnh nhà Trần sa đọa vô phương cứu vãn nên xin cáo hưu, về dưỡng lão tại động Thanh Hư, núi Côn Sơn, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Nguyễn Trãi mới lên 5, cùng mẹ theo ông ngoại về Côn Sơn. Một thời gian sau mẹ qua đời và cậu bé vẫn sống với ông ngoại. Đến năm 1390, Trần Nguyên Đán mất, và từ đấy Nguyễn Trãi về Nhị Khê để được cha tiếp tục nuôi dạy.

    Thuở bé Nguyễn Trãi đã nổi tiếng học giỏi, không những thông suốt Tứ Thư, Ngũ Kinh, mà còn am tường các sách Bách gia Chư tử, và xa hơn nữa, tinh thạo cả sách binh thư chiến lược.

    Do đó, lúc mới 21 tuổi Nguyễn Trãi đã đổ thái học sinh (tiến sĩ) vào khoa thi đầu tiên do Hồ Quý Ly mở, cùng năm nhà Hồ lên ngôi, 1400. Ông được bổ làm Ngự sử đài Chánh chưởng tại triều đình, trong khi thân phụ ông, đổi tên là Nguyễn Phi Khanh, được bổ làm Đại lý Tự khanh Thị lang tòa Trung thư, Hàn lâm viện Học sĩ kiêm lĩnh Tư nghiệp Quốc Tử Giám.

    Năm Đinh Hợi (1407), nhà Hồ bị quân Minh xâm lăng tiêu diệt, và trong số triều thần bị bắt theo vua đưa sang Kim Lăng (Có tài liệu ghi Yên Kinh), Trung Quốc, có cả Nguyễn Phi Khanh. Nguyễn Trãi và em ruột là Phi Hùng định theo cha sang Trung Quốc, nhưng đến ải Nam Quan, Nguyễn Phi Khanh khuyên con trai trưởng nên trở về để trả thù cho quốc gia và gia đình. Trên đường về, Nguyễn Trãi bị quân Minh bắt đưa về thành Đông Quan (Thăng Long - Hà Nội ngày nay), suýt bị tướng Trương Phụ giết vì từ chối hợp tác. May nhờ có Hoàng Phúc can thiệp nên ông được tha, nhưng phải ở lại thành Đông Quan dưới sự kiểm soát của địch quân.

    Khắp nơi một phong trào mãnh liệt gồm 40 nhóm nổi lên chống quân Minh, những kẻ đã viện cớ khôi phục giúp nhà Trần để xâm lăng Việt Nam (nước Đại Ngu dưới thời nhà Hồ). Quan trọng nhất là hai cuộc khởi nghĩa, một do Trần Ngỗi (Giản Định Đế, 1407 - 1409) và một do Trần Quý Khoáng (Trùng Quang Đế, 1409 - 1415), hai nhà quý phái yêu nước họ Trần, nhưng cùng thất bại. Nguyễn Trãi không liên hệ gì với hai cuộc kháng chiến này, dù là con cháu ngoại nhà họ Trần. Trong thời gian này có lẽ ông đã có những thăm dò vận động riêng - dù đang bị giam lỏng ở Đông Quan - như một số thi phẩm của ông đã gián tiếp đề cập qua những từ ngữ "phiêu bạt giang hồ".

    Sau 10 năm ở Đông Quan, Nguyễn Trãi thoát thân hẳn và tìm vào núi Lam Sơn (Thanh Hóa) yết kiến Bình Định Vương Lê Lợi, bấy giờ là thủ lãnh quân kháng chiến Lam Sơn. Ông xuất trình cuốn Bình Ngô Sách, và được Lê Lợi hoan nghênh kết nạp. Từ đó ông mang hết tài năng ra giúp Lê Lợi cứu nước. Ông bày mưu lược, thảo từ mệnh dụ tướng sĩ nhà Minh dưới sự thống lãnh của tướng Vương Thông ra đầu hàng, đồng thời thảo chiếu dụ những người tài đức khắp nơi ra giúp nước.

    Đây là 10 năm kháng chiến thành công anh dũng với phần đóng góp lớn lao của Nguyễn Trãi. Ông giúp Lê Lợi điều lĩnh cuộc kháng chiến qua ba giai đoạn (du kích, nam tiến vào Nghệ An, bành trướng ra Bắc bao vây Đông Quan), dùng chính sách vừa đánh vừa đàm, liên hoàn hòa hợp. Nhờ vậy, với sự ủng hộ triệt để của nhân dân, tiết kiệm được nhiều sinh mạng, vì đa số đồn trấn quân Minh đầu hàng, ngay cả đến bộ tham mưu của Vương Thông ở Đông Quan cũng phải hạ vũ khí. Thậm chí 100 nghìn quân sống sót sau cuộc chiến còn được cấp phương tiện lương thực dùng đường bộ lẫn đường thủy rút về Trung Quốc (12 tháng 10 Đinh Mùi - 29.12.1427).

    Trong thời gian chống Minh, Nguyễn Trãi lãnh chức Hàn Lâm Thừa chỉ Học sĩ, đến năm 1427 được thăng Nhập nội Hành khiển và Lại bộ Thượng thư. Và sau khi lên ngôi hoàng đế năm Mậu Thân (1428) với vương hiệu Lê Thái Tổ, nhà vua phong Nguyễn Trãi tước Quan phục Hầu. Từ đấy cũng như trước ông hết lòng giúp Lê Thái Tổ xây dựng lại xứ sở. Công việc đại định pháp chế lúc nhà vua mới xây dựng cơ nghiệp đều do ông soạn thảo. Ông được tặng tộc tính Lê Trãi.

    Thế nhưng có vài biến cố xẩy đến, làm tổn thương lòng hăng hái phục vụ của Nguyễn Trãi. Năm 1429, tướng Trần Nguyên Hãn, người anh em họ ngoại từng cùng ông gia nhập kháng chiến Lam Sơn ngày trước, bị nhà vua bắt phải tự vẫn vì bị cho là có ý làm phản. Dịp này Nguyễn Trãi cũng bị Lê Thái Tổ, con người đa nghi, bắt giam, sau đó được trả tự do, nhưng bị đặt vào tình trạng thất sủng nửa chừng với những quyền hạn nhiệm vụ không minh bạch. Năm 1430 nhà vua lại hạ lệnh giết một viên quan khác là Phạm Văn Xảo và tịch thu tài sản - sử liệu không thấy nói lý do.

    Sau 6 năm trị vì, Lê Thái Tổ mất năm 1433 (tháng 8 Quý Sửu) vào tuổi 49. Trước khi mất, nhà vua có hồi tâm nên hình như có căn dặn thái tử sắp nối nghiệp ông - vua Lê Thái Tông - phải phục hồi danh vị cho Nguyễn Trãi, vị đại thần đã có công lớn từ buổi đầu. Lê Thái Tông chỉ là một thiếu vương 11 tuổi nên mọi quyền bính trong triều đều ở trong tay quan Phụ chính Lê Sát. Lê Sát là người ít học nhưng vì có công đầu lại thuộc giòng tôn thất nên được ngôi cao. Cậy quyền bính, Lê Sát làm những việc trái phép và sẵn sàng triệt hạ những ai không có ý phục tùng.

    Vì bản tính cương nghị, ghét luồn cúi và luôn luôn theo chính đạo, trọng nhân nghĩa. Nguyễn Trãi liệu bề khó bề tiếp tục thi hành chính sách, lại sợ không khỏi gặp những điều có hại đến bản thân, nên ông xin từ chức, lui về ở ẩn tại núi Côn Sơn là nơi trước kia Trần Nguyên Đán ngoại tổ của ông đã dưỡng già.

    Về Côn Sơn, dù vui cùng núi non cây cỏ nhưng Nguyễn Trãi vẫn không quên nghĩa vua tôi. Vì vậy, khi Lê Thái Tông trưởng thành, giết kẻ chuyên quyền Lê Sát và xuống chiếu vời ông trở lại tham chính, thì Nguyễn Trãi, đã 60 tuổi, vui lòng nhận ngay. Tiếc thay, một thời gian sau ông thấy Lê Thái Tông hay say đắm tửu sắc, làm nhiều điều sai trái khó bề can gián, triều thần lại gồm lắm kẻ chỉ ham danh lợi, ít ai nghĩ đến nước đến dân. Đồng thời lại xảy ra vụ nhà vua ra lệnh thích chữ vào mặt và phát vãng một viên chức trong triều là Nguyễn Liệu về tội trực ngôn nhân dịp tham gia soạn thảo văn bản thiết lập lễ nhạc.

    Thế cho nên một lần nữa, Nguyễn Trãi sinh lòng chán ngán, lại xin lui về chốn cũ dung thân (1438). Nhưng sang năm 1439 nhà vua lại vời ông trở lại triều chính, lần này đặc biệt để ông lưu dinh tại Côn Sơn và chịu trách nhiệm về hành chánh lẫn quân sự hai miền Đông, Bắc.

    Nguyễn Trãi có một tiểu thiếp là Nguyễn Thị Lộ, trẻ đẹp lại có tài văn thơ nên được vua Thái Tông cho đòi vào cung giữ chức Lễ nghi Nữ học sĩ, kiêm lãnh trách nhiệm về hàng cung nữ.

    Mùa thu năm Nhâm Tuất (1442), Lê Thái Tông đi tuần thú ngự lãm tập trận tại hạt Chí Linh, đoàn tùy tùng có Thị Lộ theo hầu. Lúc về nghỉ qua đêm tại Lệ Chi viên, huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc, nhà vua thọ bệnh bất ngờ và qua đời.

    Hoành Hậu là bà Nguyễn Thị Anh, vốn sẵn thù ghét Thị Lộ và Nguyễn Trãi vì đã tìm kế cứu mạng cho mẹ con bà Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao, cung phi của Thái Tông, và là mẹ của vua Lê Thánh Tông sau này. Thế cho nên nhân cái chết đột ngột của nhà vua, bà bèn vu cho Thị Lộ và Nguyễn Trãi âm mưu giết vua. Thái tử Bang Cơ con bà mới lên hai tuổi được nối ngôi, bà được làm Hoàng hậu phụ chính. Ở ngôi vị này, lại được bọn triều thần buông câu nước đục vốn ganh ghét một người trung chính như Nguyễn Trãi, sẵn sàng phụ họa, nên việc lên án Thị Lộ và Nguyễn Trãi quá dễ dàng. Vì thế, Thị Lộ cùng Nguyễn Trãi và hơn 300 người trong họ hàng bị tru di.

    Nguyễn Trãi mất vào ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất, tức 19 tháng 9 năm 1442, hưởng thọ 63 tuổi.

    Mãi đến 23 năm sau, vua Lê Thánh Tông thấu rõ nỗi oan của Nguyễn Trãi và công nhận ông là một nhân vật cao quý từng có công lớn trong việc xây dựng nhà Lê. Vua bèn xuống chiếu giải oan cho ông (1464), truy tặng ông chức Vĩnh lộc Đại phu, tước Tế Văn hầu (Có tài liệu ghi tước Tế Văn hầu do vua Lê Tương Dực truy tặng năm 1512), cấp cho họ Nguyễn của ông 100 mẫu ruộng để tế tự. Đồng thời Lê Thánh Tông cho tìm con cháu còn sống sót để cất nhắc và hạ chỉ cho sưu tầm di cảo thơ văn của ông, những tài liệu thường bị loại bỏ phá hủy khi tác giả bị tru di dưới thời phong kiến.

    Nguyễn Trãi còn có một tiểu thiếp là Phạm Thị Mẫn và con trai nhỏ là Anh Võ do bà này sinh hạ, may mắn trốn thoát được lúc đại gia đình lâm nạn. Khi khôn lớn, Anh Võ trình diện nên được thụ hàm Tri huyện, sau thăng đến chức Tham Chính. Anh Võ có hai con trai là Tổ Giám và Tổ Kiên. Tổ Giám đỗ tiến sĩ, phụng mệnh đi sứ sang Trung Quốc, dọc đường trở về nước rủi ro bị đắm thuyền, chết đuối tại hồ Động Đình.

    Văn thi phẩm

    Nguyễn Trãi không chỉ là một chính trị gia sáng suốt, một nhà quân sự cao trí, một nhà ngoại giao xuất chúng. Phải nói rằng trước tiên ông là một nhà văn học uyên bác đã góp công lớn làm rạng rỡ nền văn hóa nước nhà.
    Sáng tác phẩm của ông rất phong phú nhưng bị thất lạc khá nhiều, nhất là qua bao nhiêu biến cố lịch sử, những thay đổi triều đại liên tiếp.


    Khoảng 400 năm sau khi Nguyễn Trãi mất, mãi cho đến thế kỷ 19, vào triều nhà Nguyễn, các danh sĩ đời Minh Mạng, Tự Đức là Cấn Đình Dương Bá Cung, Phương Đình Nguyễn Định, Dương Đình Ngô Thế Vinh mới ra công sưu tập, bình duyệt, khảo chính, lập thành một bộ sách tựa đề là ỨC TRAI DI TẬP lưu lại cho đến ngày nay như sau, được khắc in vào năm Mậu Thìn 1868:

    1- Quân Trung Từ Mệnh Tập


    2- Dư Địa Chí

    3- Ức Trai Thi Tập

    4- Văn Tập, đáng kể là:
    - Bình Ngô Đại Cáo
    - Phú Núi Chí Linh
    - Văn Bia Vĩnh Lăng (Bia lăng vua Lê Thái Tổ)
    - Chiếu, Biểu viết dưới triều Lê
    - Băng Hồ Di Sử Lục (về Trần Nguyên Đán)
    Lam Sơn Thực Lục


    5- Quốc Âm Thi Tập (thơ chữ Nôm)

    6- Phi Khanh Truyện

    7-Nguyễn Phi Khanh Thi Văn Tập.


    Còn lại những tác phẩm sau đây đến nay vẫn chưa tìm được:

    1- Bình Ngô Sách
    2- Ngọc Dương Di Cảo
    3- Giáo Từ Đại Lễ
    4- Thạch Khánh Đồ
    5- Luật Thư (6 bộ)

    Về trường hợp Lam Sơn Thực Lục ghi trong Văn Tập, văn phẩm này được cho là của Nguyễn Trãi, nhưng vì giá trị nội dung lẫn văn phong tương đối tầm thường nên đã gây nhiều tranh cãi với nghi vấn chẳng lẽ toàn bộ hay một phần là do một cây bút cỡ lớn như Nguyễn Trãi tiên sinh sáng tác?

    Cũng trong tình trạng nghi vấn là bài thơ chữ Nôm Tự Thán (thể lục bát) và bài Hỏi Ả Bán Chiếu (thất ngôn tứ tuyệt), không được ghi trong tài liệu dù khá phổ thông và vốn được xem như là của Nguyễn Trãi.

    Và đặc biệt là Gia Huấn Ca, tập lục bát trường thiên, vốn được truyền tụng là thuộc trước tác của ông, vẫn không có tên trong bộ sưu tầm Ức Trai Di Tập do Dương Bá Cung, người cùng làng với tác giả thực hiện vào thế kỷ 19.


    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
    Similar Threads
  • #2

    CÔN SƠN CA - NGUYỄN TRÃI



    (caycoveblogspot.com)


    崑山歌

    崑山有泉
    其聲冷冷然
    吾以為琴弦
    崑山有石
    雨洗苔鋪碧
    吾以為簞席
    岩中有松
    萬里翠童童
    吾於是乎偃息其中
    林中有竹
    千畝印寒綠
    吾於是乎吟嘯其側
    問君何不歸去來
    半生塵土長膠梏
    萬鐘九鼎何必然
    飲水飯蔬隨分足
    君不見董卓黃金盈一塢
    元載胡椒八百斛
    又不見伯夷與叔齊
    首陽餓死不食粟
    賢愚兩者不相侔
    亦各自求其所欲
    人生百歲內
    畢竟同草木
    歡悲憂樂迭往來
    一榮一謝還相續
    丘山華屋亦偶然
    死後誰榮更誰辱
    人間箬有巢由徒
    勸渠聽我山中曲


    Côn sơn ca

    Côn Sơn hữu tuyền,
    Kỳ thanh lãnh lãnh nhiên,
    Ngô dĩ vi cầm huyền.
    Côn Sơn hữu thạch,
    Vũ tẩy đài phô bích,
    Ngô dĩ vi đạm tịch.
    Nham trung hữu tùng,
    Vạn lí thuý đồng đồng
    Ngô ư thị hồ yển tức kì trung.
    Lâm trung hữu trúc,
    Thiên mẫu ấn hàn lục,
    Ngô ư thị hồ ngâm tiếu kì trắc.
    Vấn quân hà bất quy khứ lai
    Bán sinh trần thổ trường giao cốc?
    Vạn chung cửu đỉnh hà tất nhiên,
    Ẩm thuỷ phạn sơ tuỳ phận túc.
    Quân bất kiến: Đổng Trác hoàng kim doanh nhất ổ,
    Nguyên Tái hồ tiêu bát bách hộc.
    Hựu bất kiến: Bá Di dữ Thúc Tề,
    Thú Dương ngạ tự bất thực túc ?
    Hiền ngu lưỡng giả bất tương mâu,
    Diệc các tự cầu kì sở dục.
    Nhân sinh bách tuế nội,
    Tất cánh đồng thảo mộc.
    Hoan bi ưu lạc điệt vãng lai,
    Nhất vinh nhất tạ hoàn tương tục.
    Khâu sơn hoa ốc diệc ngẫu nhiên,
    Tử hậu thuỳ vinh cánh thuỳ nhục.
    Nhân gian nhược hữu Sào Do đồ,
    Khuyến cừ thính ngã sơn trung khúc.



    Phong cảnh Côn Sơn, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, Việt Nam.(caycoveblogspot.com)


    Bài ca Côn Sơn

    Bản dịch của học giả Đào Duy Anh

    Côn Sơn có khe,
    Tiếng nước chảy rì rầm.
    Ta lấy làm đàn cầm.
    Côn Sơn có đá,
    Mưa xối rêu xanh đậm,
    Ta lấy làm chiếu thảm.
    Trên núi có thông,
    Muôn dặm rờn rơn biếc một vùng,
    Ta tha hồ ngơi nghỉ ở trong.
    Trong rừng có trúc,
    Nghìn mẫu in biếc lục,
    Ta tha hồ ca ngâm bên gốc.
    Ngươi sao còn chửa về đi!
    Nửa đời bụi bặm hoài lăn lóc,
    Muôn chung, chín đỉnh có làm gì?
    Nước lã, cơm rau miễn tri túc,
    Ngươi chẳng thấy Ðổng Trác ngọc vàng chất đầy nhà?
    Nguyên Tải hồ tiêu tám trăm hộc?
    Lại chẳng thấy Bá Di với Thúc Tề?
    Thú Dương chết đói không ăn thóc?
    Hiền ngu dù chẳng giống nhau đâu,
    Cũng đều muốn thoả lòng sở dục.
    Người đời trong trăm năm,
    Rốt cuộc như thảo mộc.
    Vui buồn lo sướng đổi thay nhau,
    Một tươi một héo vẫn tương tục.
    Cồn hoang lầu đẹp cũng ngẫu nhiên,
    Chết rồi ai vinh với ai nhục?
    Nhân gian nếu còn bọn Sào Do,
    Khuyên hãy nghe ta ca một khúc.


    Côn Sơn: Một ngọn núi ở xã Chí Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương (Bắc Việt), trên núi có động Thanh Hư, dưới có cầu Thấu Ngọc, đều là thắng cảnh (theo sách Quảng Dư Chí). Đời Trần, Trúc Lâm thiền sư dựng am ở đây, và trạng nguyên Lý Đạo Tái (tức sư Huyền Quang) sau khi từ chức trở về nhập thiền và trụ trì chùa Ân Tứ ở núi này. Triều Trần, quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, ông ngoại của Nguyễn Trãi, thường ngâm thơ uống rượu ở núi Côn Sơn sau khi từ chức vì can gián Hồ Quý Ly chuyên quyền mà không được. Tác giả từng thừa hưởng cơ ngơi của ngoại tổ.

    Bài ca này Nguyễn Trãi làm khi về nghỉ ở Côn Sơn, cạnh chùa Hun, nhân dịp sưu tập, sắp xếp tập thơ Băng hồ Ngọc hác tập của Trần Nguyên Ðán, ông ngoại mình.

    Nguồn :Thivien.net
    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 18-09-2011, 08:23 AM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

    Comment

    • #3



      Ức Trai tâm thượng quang Khuê tỏa - Lê Thánh Tôn

      LÒNG ỨC TRAI SÁNG NHƯ SAO KHUÊ
      Tôi khám phá ra bí mật của đại dương khi suy niệm về một giọt sương mai.

      Comment

      • #4

        Mộ Xuân Tức Sự Nguyễn Trãi

        Tôi khám phá ra bí mật của đại dương khi suy niệm về một giọt sương mai.

        Comment

        • #5

          Tiên Du tự Nguyễn Trãi

          Tôi khám phá ra bí mật của đại dương khi suy niệm về một giọt sương mai.

          Comment

          • #6

            Trại đầu xuân độ Nguyễn Trãi



            寨 頭 春 渡 - 阮 廌

            渡 頭 春 草 綠 如 煙,
            春 雨 添 來 水 拍 天 。
            野 徑 荒 涼 行 客 少,
            孤 舟 鎮 日擱 沙 眠 。

            Trại đầu xuân độ - Nguyễn Trãi

            Ðộ đầu xuân thảo lục như yên,
            Xuân vũ thiêm lai thủy phách thiên.
            Dã kính hoang lương hành khách thiểu,
            Cô chu trấn nhật các sa miên.

            Bến xuân ở đầu trại

            Cỏ xuân xanh lẫn khói trời
            Thêm mưa bụi xuống thêm vời vợi xa
            Đường quê ngõ vắng khách qua
            Con thuyền gát bãi hoàng sa ngủ vùi ...

            Badmonk - Tâm Nhiên


            Nguyễn Trãi (1380 - 1442 ) hiệu là Ức Trai, quê ở Chi Ngại (Chí Linh, Hải Dương) sau dời về Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây). Cha là Nguyễn Phi Khanh, một học trò nghèo, học giỏi, đỗ thái học sinh (tiến sĩ). Mẹ là Trần Thị Thái, con Trần Nguyên Đán, một qúy tộc đời Trần.

            Lên sáu tuổi, mất mẹ, lên mười tuổi, ông ngoại qua đời, ông về ở Nhị Khê, nơi cha dạy học. Năm hai mươi tuổi, năm 1400, ông đỗ thái học sinh và hai cha con cùng ra làm quan với nhà Hồ. Năm 1407, giặc Minh cướp nước ta Nguyễn Phi Khanh bị chúng đưa sang Trung Quốc. Nguyễn Trãi và một người em đi theo chăm sóc. Nghe lời cha khuyên , ông trở về, nhưng bị quân Minh bắt giữ. Sau đó, ông tìm theo Lê Lợi. Suốt mười năm chiến đấu, ông đã góp công lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Đầu năm 1428, quét sạch quân thù, ông hăm hở bắt tay vào xây dựng lại nước nhà thì bỗng dưng bị nghi oan và bắt giam. Sau đó ông được tha, nhưng không còn được tin cậy như trước. Ông buồn, xin về Côn Sơn. Đó là vào những năm 1438 - 1440. Năm 1440, Lê Thái Tông mời ông trở lại làm việc và giao cho nhiều công việc quan trọng. Ông đang hăng hái giúp vua thì xảy ra vụ nhà vua chết đột ngột ở Trại Vải (Lệ Chi Viên, Bắc Ninh). Vốn chứa thù từ lâu đối với Nguyễn Trãi, bọn gian tà ở triều đình vu cho ông âm mưu giết vua, khép vào tội phải giết cả ba họ năm 1442.

            Nỗi oan tày trời ấy, hơn hai mươi năm sau, 1464, Lê Thánh Tông mới giải tỏa, rồi cho sưu tầm lại thơ văn ông và tìm người con trai sống sót cho làm quan.
            Đã chỉnh sửa bởi M Mít Đặc; 18-09-2011, 05:46 PM.
            Tôi khám phá ra bí mật của đại dương khi suy niệm về một giọt sương mai.

            Comment

            • #7

              Quy Côn Sơn chu trung tác Nguyễn Trãi



              歸崑山舟中作 - 阮廌

              十年飄轉嘆蓬萍
              歸思搖搖日似旌
              幾托夢魂尋故里
              空將血淚洗先塋
              兵餘斤斧嗟難禁
              客裡江山只此情
              鬱鬱寸懷無奈處
              船窗推枕到天明

              Quy Côn Sơn chu trung tác - Nguyễn Trãi

              Thập niên phiêu chuyển thán bồng bình
              Qui tứ dao dao nhật tự tinh
              Kỉ thác mộng hồn tầm cố lí
              Không tương huyết lệ tẩy tiên oanh
              Binh dư cân phủ ta nan cấm
              Khách lí giang sơn chỉ thử tình
              Uất uất thốn hoài vô nại xứ
              Thuyền song thôi chẩm đáo thiên minh

              Trong thuyền về Côn Sơn cảm tác

              Mười năm theo vận cơ đồ
              Muốn về lòng tựa phất phơ ngọn cờ
              Nhớ quê tìm lại trong mơ
              Luống đem máu lệ rửa mồ tổ tiên
              Đao binh lửa hận triền miên
              Non sông đất khách mà riêng nỗi sầu
              Tất lòng biết tỏ về đâu
              Gối đêm trăn trở trong thuyền sáng đêm

              Badmonk - Tâm Nhiên
              Tôi khám phá ra bí mật của đại dương khi suy niệm về một giọt sương mai.

              Comment

              • #8

                Thính vũ Nguyễn Trãi



                聽雨 - 阮廌

                寂寞幽齋裏,
                終宵聽雨聲。
                蕭騷驚客枕,
                點滴數殘更。
                隔竹敲窗密,
                和鐘入夢清。
                吟餘渾不寐,
                斷續到天明。

                Thính vũ - Nguyễn Trãi

                Tịch mịch u trai lý,
                Chung tiêu thính vũ thanh.
                Tiêu hao kinh khách chẩm!
                Điểm trích sổ tàn canh.
                Cách trúc xao song mật,
                Hoà chung nhập mộng thanh.
                Ngâm dư hồn bất mị,
                Đoạn tục đáo thiên minh.

                NGHE MƯA

                Đêm thơm phòng vắng lạnh quanh vườn
                Nghe mưa sầu ý rụng muôn phương
                Mưa xuống hoa khuya trôi phấn mỏng
                Ngổn ngang tâm sự gió cùng sương
                Trúc vườn xào xạc khua song cửa
                Nửa hồi chuông mộng nữa ba sinh
                Ngâm xong giấc ngủ sao chẳng đến
                Chập chờn chấp nối tận bình minh

                Badmonk - Tâm Nhiên
                Tôi khám phá ra bí mật của đại dương khi suy niệm về một giọt sương mai.

                Comment

                • #9

                  Mộng sơn trung Nguyễn Trãi



                  蒙山中 - 阮廌

                  清虛洞裡竹千竿
                  飛瀑霏霏落鏡寒
                  昨夜月明天似水
                  夢騎黃鶴上仙壇

                  Mộng sơn trung - Nguyễn Trãi

                  Thanh hư động lý trúc thiên can ;
                  Phi bộc phi phi lạc kính hàn.
                  Tạc dạ nguyệt minh thiên tự thủy,
                  Mộng kỵ hoàng hạc thượng tiên đàn

                  Giấc mộng trong núi

                  Thanh Hư nghìn trúc bao quanh
                  Thác tuôn bụi nước lạnh căm khói lồng
                  Đêm qua mây bạc trăng trong
                  Ta mơ cưởi hạc thong dong tiên đàn

                  Badmonk - Tâm Nhiên


                  Thanh hư: cái động, thung lũng trong núi Côn Sơn ở xã Chi Ngại huyện Chí Linh, do Trần Nguyên Đán kinh dinh, có bia khắc ba chữ :Thanh hư động theo bút tích của Nguyễn Trãi, hiện nay hãy còn
                  清虛洞 Thanh Hư động: nằm ở núi vùng Côn Sơn nơi ông ngoại Nguyễn Trãi là Thượng tướng Trần Nguyên Đán về dưỡng lão
                  Tôi khám phá ra bí mật của đại dương khi suy niệm về một giọt sương mai.

                  Comment

                  • #10

                    Đề Yên Tử sơn Hoa Yên tự Nguyễn Trãi



                    題安子山花烟寺 - 阮 廌

                    安山山上最高峰
                    纔五更初日正紅
                    宇宙眼窮滄海外
                    笑談人在碧雲中
                    擁門玉槊森千畝
                    掛石珠流落半空
                    仁廟當年遺跡在
                    白毫光裏睹重瞳

                    Đề Yên Tử sơn Hoa Yên tự - Nguyễn Trãi

                    Yên sơn sơn thượng tối cao phong,
                    Tài ngũ canh sơ nhật chính hồng.
                    Vũ trụ nhãn cùng thương hải ngoại;
                    Tiếu đàm nhân tại bích vân trung.
                    Ủng môn ngọc sáo sâm thiên mẫu;
                    Quải thạch châu lưu lạc bán không.
                    Nhân miếu đương niên di tích tại;
                    Bạch hào quang lý đổ trùng đồng

                    Đề Chùa Hoa Yên Trên Núi Yên Tử

                    Trên đỉnh Yên Tử chòm cao nhất,
                    Vừa mới canh năm rực ánh hồng.
                    Mắt trời vũ trụ soi biển tận,
                    Tiếng nói cười trong lẫn mây bồng.
                    Cửa sài trúc dựng tuôn giáo ngọc,
                    Nhũ đá giăng tua rủ lưng chừng.
                    Di tích Nhân Tông còn dấu chứng,
                    Nơi ánh mắt người rạng quang minh .

                    Badmonk - Tâm Nhiên


                    Yên Tử Sơn: núi Yên Tử tại Đông Triều, tỉnh Quảng Yên (Bắc Việt) còn mang tên là Tượng Đầu Sơn (núi Đầu Voi). Tương truyền Yên Kỳ Sanh người Trung Quốc tu luyện tại núi này nên gọi là núi Yên Tử. Trên ngọn cao nhất có chùa Hoa Yên là nơi vua Trần Nhân Tông (1257 - 1308) lên tu đạo Phật sau khi nhường ngôi cho con (1293). Ngài trở thành Trúc Lâm Đệ Nhất Tổ và tịch ở đây, miếu thờ còn ghi dấu tích với tháp và tượng đá
                    Tôi khám phá ra bí mật của đại dương khi suy niệm về một giọt sương mai.

                    Comment

                    • #11

                      Đề Trình Xử Sĩ vân oa đồ Nguyễn Trãi



                      題程處士雲窩圖 - 阮廌

                      佳客相逢日抱琴
                      故山歸去興何深
                      香浮瓦鼎風生樹
                      月照苔磯竹滿林
                      洗盡塵襟花外茗
                      喚回午夢枕邊禽
                      日長隱几忘言處
                      人與白雲誰有心

                      Đề Trình Xử Sĩ vân oa đồ - Nguyễn Trãi

                      Giai khách tương phùng nhật bão cầm ,
                      Cố sơn qui khứ hứng hà thâm.
                      Hương phù ngõa đỉnh phong sinh thụ ,
                      Nguyệt chiếu đài ky trúc mãn lâm.
                      Tẩy tận trần khâm hoa ngoại mính ,
                      Hoán hồi ngọ mộng chẩm biên cầm.
                      Nhật trường ẩn kỷ vong ngôn xứ ,
                      Nhân dữ bạch vân thùy hữu tâm

                      VIẾT Ở AM MÂY TRÌNH XỬ SỈ

                      Bạn đến ôm đàn sau đồi vắng,
                      Núi củ ta về nghiêng nẻo mây .
                      Gió lẫn tàn hương sau tán lá,
                      Trăng xuống ghềnh rêu trúc phủ dày .
                      Duyên ẩn trà thơm hoa bên dậu
                      Tỉnh mộng chim kêu giấc ngủ ngày .
                      Ngày dài tựa ghế cười không nói ,
                      Ta có lòng hay mây trắng bay ...

                      Badmonk - Tâm Nhiên

                      Nguyễn Trãi (1380 - 1442 ) hiệu là Ức Trai, quê ở Chi Ngại (Chí Linh, Hải Dương) sau dời về Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây). Cha là Nguyễn Phi Khanh, một học trò nghèo, học giỏi, đỗ thái học sinh (tiến sĩ). Mẹ là Trần Thị Thái, con Trần Nguyên Đán, một qúy tộc đời Trần.

                      Lên sáu tuổi, mất mẹ, lên mười tuổi, ông ngoại qua đời, ông về ở Nhị Khê, nơi cha dạy học. Năm hai mươi tuổi, năm 1400, ông đỗ thái học sinh và hai cha con cùng ra làm quan với nhà Hồ. Năm 1407, giặc Minh cướp nước ta Nguyễn Phi Khanh bị chúng đưa sang Trung Quốc. Nguyễn Trãi và một người em đi theo chăm sóc. Nghe lời cha khuyên , ông trở về, nhưng bị quân Minh bắt giữ. Sau đó, ông tìm theo Lê Lợi. Suốt mười năm chiến đấu, ông đã góp công lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Đầu năm 1428, quét sạch quân thù, ông hăm hở bắt tay vào xây dựng lại nước nhà thì bỗng dưng bị nghi oan và bắt giam. Sau đó ông được tha, nhưng không còn được tin cậy như trước. Ông buồn, xin về Côn Sơn. Đó là vào những năm 1438 - 1440. Năm 1440, Lê Thái Tông mời ông trở lại làm việc và giao cho nhiều công việc quan trọng. Ông đang hăng hái giúp vua thì xảy ra vụ nhà vua chết đột ngột ở Trại Vải (Lệ Chi Viên, Bắc Ninh). Vốn chứa thù từ lâu đối với Nguyễn Trãi, bọn gian tà ở triều đình vu cho ông âm mưu giết vua, khép vào tội phải giết cả ba họ năm 1442.

                      Nỗi oan tày trời ấy, hơn hai mươi năm sau, 1464, Lê Thánh Tông mới giải tỏa, rồi cho sưu tầm lại thơ văn ông và tìm người con trai sống sót cho làm quan - Theo Wikipedia
                      Đã chỉnh sửa bởi M Mít Đặc; 18-09-2011, 06:04 PM.
                      Tôi khám phá ra bí mật của đại dương khi suy niệm về một giọt sương mai.

                      Comment

                      • #12

                        GIANG HÀNH Nguyễn Trãi



                        江 行 - 阮 廌

                        西 津 初 艤 棹,
                        風 景 便 江 湖。
                        雨 過 山 容 瘦,
                        天 長 鴈 影 孤。
                        滄 浪 何 處 是?
                        漁 釣 好 為 徒。
                        回 首 東 華 地,
                        塵 埃 覺 已 無。

                        GIANG HÀNH - Nguyễn Trãi

                        Tây tân sơ nghĩ trạo,
                        Phong cảnh tiện giang hồ.
                        Vũ quá sơn dung sấu,
                        Thiên trường nhạn ảnh cô.
                        Thương lang hà xứ thị,
                        Ngư điếu hảo vi đồ.
                        Hồi thủ Đông Hoa địa,
                        Trần ai giác dĩ vô.

                        ĐI THUYỀN TRÊN SÔNG

                        Bến tây thuyền vội ghé vào,
                        Nơi đây lãng đãng tiêu dao giang hà .
                        Sau mưa xanh bóng núi xa,
                        Cô đơn cánh nhạn lẫn tà huy bay .
                        Thương Lang sông khuất bãi này ?
                        Cùng chài chuốc chén vui say quan hà .
                        Ngoảnh trông cảnh chốn Đông Hoa,
                        Thấy lòng rũ sạch thoát xa bụi trần .

                        Badmonk - Tâm Nhiên

                        Đông Hoa: nơi có cửa Đông Hoa của hoàng cung, lối dành cho quan chức vào chầu vua. Đây chỉ nơi chốn kinh thành đô hội .
                        Đã chỉnh sửa bởi M Mít Đặc; 26-10-2011, 01:44 AM.
                        Tôi khám phá ra bí mật của đại dương khi suy niệm về một giọt sương mai.

                        Comment

                        Working...
                        X
                        Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom