• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Cõi Thi Ca Dzạ Lữ Kiều

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Cõi Thi Ca Dzạ Lữ Kiều



    Cõi thi ca Dzạ Lữ Kiều

    Tâm Nhiên



    Làng tôi ở cạnh sông Bồ
    Lũy tre cong tự bao giờ võng đưa
    Xôn xao vỡ hạt nắng trưa
    Lắt lay hồn mẹ ngàn xưa ngọt ngào

    Chào đời bên dòng sông quê xanh biếc mộng, Dzạ Lữ Kiều lớn lên từ đó. Từ một thuở nào bão loạn, dưới gầm trời binh lửa chiến chinh. Lửa tham sân si của con người đã vô tình đốt cháy rụi hết mọi giá trị của cuộc sống. Đẩy xô con người đến chỗ lưu linh lạc địa, xuống biển lên rừng để tìm kế mưu sinh:

    Cha mẹ địu con lên rừng kiếm sống
    Xin được yên thân làm kiếp phu tiều
    Củ chụp củ nầng rau rừng trún mớm
    Huế ở trong hồn vẫn nói lời yêu

    Tình yêu quê cha đất tổ tuy mơ hồ trừu tượng nhưng đã thấm sâu vào tâm hồn người thi sĩ từ độ nào không biết nữa, để nay trở thành một thứ tình cảm thiêng liêng. Khiến cho nhà thơ, trên những bước đường tha phương lữ thứ, luôn ngậm ngùi, tưởng tiếc, hoài niệm về dòng sông quê nhà với nỗi lòng quá đỗi thiết tha:

    Trong nỗi nhớ mỗi chiều tha thiết Huế
    Vẫn chưa tin dòng nước đã vô tình
    Sông còn chảy êm đềm ngày tháng đợi
    Huế đi về lối của những con tim

    Tìm gặp cố quận, cố hương, cố xứ ở ngay trong trái tim mình, phải chăng đó là một cách gặp gỡ, một cuộc trùng phùng ly kỳ hy hữu của những đứa con xa quê lưu lạc giữa Ta-bà? Phải rồi, chỉ còn cách đó thì may ra, những cánh chim trời viễn xứ mới yên tâm bay bổng khắp mười phương, vì quê hương bây giờ là cõi lòng vô vi như sông nước xanh rì:

    Bến Lòng dội sóng từ khi
    Nằm nghe phố cổ thầm thì gọi tên

    Ngồi lại, lắng nghe, kể từ ngày hoát nhiên ngộ ra được lẽ chân lý dị thường đó, chàng thi sĩ vốn nặng tình thôn nghĩa xóm, chốn cũ quê xưa, không còn thấy ray rứt, trằn trọc nỗi niềm hoài cố hương nữa. Vì bây giờ, ở bất cứ đâu trên mặt đất hoang vu này thì chàng cũng cảm nhận ra vẻ đẹp muôn đời của hồn quê lai láng rồi

    Tôi gặp Huế trên cao nguyên Daklak
    Nón bài thơ che nắng ban trưa
    Dòng Hương xanh lặn vào đáy mắt
    Một giọng trầm buông tiếng: Dạ thưa!

    Làm gợi nhớ tới Bùi Giáng:

    Dạ thưa phố Huế bây giờ
    Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương

    Sông Hương núi Ngự của Dzạ Lữ Kiều cũng đi về theo thể điệu lai rai:

    Xin còn chút mộng trần ai
    Cho tôi nghiêng xuống bờ vai tự tình

    Vâng, ừ thì cứ tự do, cứ tha hồ mà tình tự với cuộc đời, cuộc đạo, cuộc lữ, cuộc chơi, cuộc tình, cuộc mộng… trên phong thái phiêu bồng, không hề bận tâm gì nữa giữa cuộc phù thế bể dâu:

    Rồi đi đâu – Rồi về đâu
    Gối khuya trăng lạnh nhịp cầu chênh vênh

    Trên nhịp cầu nhân gian đó, trong đêm dài sinh tử đây, mầu nhiệm thay, một ánh trăng rằm vừa lung linh xuất hiện giữa trời khuya sương ngất tạnh, để cho người lữ khách phong trần chợt thấy ra một cõi đi về, sau bao dặm dài gió bụi thổi mù hoang:

    Tôi gã cùng tử lang thang
    Bước trên ruộng phước em đang gieo trồng
    Tự dưng chạm phải nỗi lòng
    Mình còn mắc nợ trong vòng tay im

    Ân tình, ân nghĩa trót lỡ vay nhau từ vô lượng kiếp đã thành cái nghiệp rồi phải không, hỡi người em thi ca quá mộng bồng bềnh, trên sóng mắt khơi vơi:

    Đời ta hạt bụi vô thường
    Nghiệp duyên còn mất vui buồn bám rơi

    Vui buồn, còn mất, có không cũng là chuyện thường tình mà suốt bình sinh người thi sĩ đã lịch nghiệm, nên lãnh hội được bao não phiền đều rơi rụng dưới gót chân đời tận tuyệt:

    Bao năm nghiệp lực truân chuyên
    Lặng rơi từng giọt muộn phiền đẩu đâu

    Thấu thị lẽ nhân sinh như Lý Bạch: “Xử thế nhược đại mộng. Hồ vi lao kỳ sinh”, nhà thơ chân đất của chúng ta cũng nhẹ nhõm cảm hoài:

    Tháng năm vọng khúc tình phai
    Đời là giấc mộng trôi hoài qua tim

    Thế là cõi thi ca Dzạ Lữ Kiều đã phiêu hốt suốt muôn chiều hiu hắt lênh đênh qua biết bao nỗi sầu xa xứ đã bắt đầu hiển lộ cố hương, cố lý qua khuôn mặt của nàng Thơ huyền ảo trầm lặng:

    Nắng về trọ giữa trời cao
    Tôi về trọ giữa ngọt ngào tim em

    Lòng thi nhân xúc động, bồi hồi trong giao cảm âm thầm:

    Và em một đoá hoa Tâm
    Cho tôi lãnh hội pháp âm đi về


    Nguồn Tập San Pháp Luân 73
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
    Similar Threads
  • #2




    THƠ DZẠ LỮ KIỀU
    Đàm Lan

    Một giọng thơ Huế hồn hậu và chân chất. Những câu thơ của một người xa quê luôn ưu tư những nỗi niềm. Dzạ Lữ Kiều. Hình như anh bén duyên với "Giọt" Tập thơ trước mang tên Giọt Huế mưa, tập thơ này mang tên Giọt mắt đắng, và tập thơ anh dự định sẽ in mang tên Giọt tình rơi. Có lẽ luôn ấp ủ hình tượng những giọt mưa của xứ sở miền Trung dãi dầu, nên thành nỗi ám ảnh trong anh. Đàm Lan xin giới thiệu hai bài trong tập thơ anh mới ra mắt mọi người. Và chân thành gửi một lời chúc vui đến tác giả.


    CƠM HẾN


    Xa quê
    thèm mãi dư huơng
    Đợi ! Tô cơm hến bên đường
    ngày xưa
    Ớt cay xé lưỡi còn ưa
    Rau từng sợi
    cơm nguội vừa chín nguyên
    Bàn tay em thả hương riêng
    Trong ánh mắt
    nụ cười duyên chào mời
    Tôi thầm nghe nhịp tim rơi
    Từ trong bếp lửa
    hồng đôi môi nghèo
    Bây giờ xa Huế
    cách đèo
    Sông Hương núi Ngự
    mòn theo nhịp đời
    Tháng năm còn lại trong tôi
    Tô cơm hến
    ủ chín thời sinh viên




    HÀ NỘI TRONG TÔI

    Em gái Hà Nội
    mến miền đất badzan
    đến Tây nguyên chiều rợp nắng tơ vàng
    trong gió cuốn bụi mù rơi lãng đãng
    áo lụa Hà đông hay bụi đường rắc bám
    làm mất màu óng mượt tằm tơ ?
    tóc em chảy giữa trời thơ !

    Tôi thầm mơ
    suối tóc thề của Huế
    là người xa quê
    muôn đời vẫn thế
    những ẩn tình từng sợi tóc làn môi
    bước chân chim...ngơ ngác một khung trời
    em thắp nắng
    dỗ hồn tôi ngọt lịm !

    Làm quen em
    một nụ cười vừa chín
    trong nắng-thật dày
    của tuổi cài trâm
    mắt mùa thu...xao sóng đêm rằm
    như mang cả Hồ Gươm vào Tây nguyên lộng gió

    đứng bên em...
    tôi thấy mình lạnh quá
    Và...con mưa không hẹn-bắc cầu
    dưới hiên người
    em bẽn lẽn cúi đầu
    từng hạt nước rụt rè hôn lên má

    Dìm mắt tôi...
    từng hạt tình xối xả
    hắt vào tim
    một tiếng sét
    bất ngờ...

    Dzạ Lữ Kiều


    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 27-09-2011, 08:30 AM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

    Comment

    • #3



      Dzạ Lữ Kiều - Hồn Thơ Xứ Huế
      Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 27-09-2011, 08:53 AM.
      ----------------------------

      Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

      Comment

      • #4

        Cõi thi ca Dzạ Lũ Kiều

        CẢM NHẬN
        “ GIỌT HUẾ MƯA” Của DZẠ LỮ KIỀU

        Dzạ Lữ Kiều là bút danh của anh Trần Xuân thái, một người Huế tha phương cầu thực.
        Đối với với Dzạ Lữ Kiều có một điều mà bạn bè xung quanh anh dễ nhận ra là trái tim của anh luôn mẫn cảm với thơ và cũng có thể nói mà không sợ quá lời là cuộc đời anh luôn gắn bó với thơ .
        Thật vậy, từ trước năm 1975, thời mà anh còn rất trẻ, bạn đọc ở miền Nam đã bắt gặp thơ anh trên các Tạp chí : Văn, Thời Nay, Chọn Lọc, Thứ Tư Tuần San… hoặc trên các tờ báo hằng ngày như : Chánh Đạo, Tia Sáng … Sau năm 1975, trong không khí của thời kỳ đổi mới, bạn đọc nhiều nơi đã
        gặp thơ anh trên các Tạp chí và các báo nhiều địa phương cũng như Trung ương.
        Mặc dầu như thế, mãi đến khi tác phẩm “Giọt Huế Mưa” do Hội Nhà Văn xuất bản vào giữa năm 2007 thì chân dung thơ của Dzạ Lữ Kiều mới rỏ nét giữa tâm thức của bạn đọc. Đó là một khuôn mặt thơ chân chất, dung dị, chất chứa những tình cảm thiết tha về một vùng đất, tuy khốn khó nhưng đầy ắp tình yêu thương. Một mảnh đất có cái tên là Văn-Xá năm giữa lòng Huế xưa. Là quê hương của Bà Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu ( Mẹ của Vua Minh Mạng, triều Nguyễn) mà anh là giòng tộc., với bao kỷ niệm của ngày thơ ấu, dẫu đã trải qua nhiều biến thiên lịch sử, vẫn còn in dấu bước chân anh giữa con đường đất rợp bóng tre làng hay trên bến đò ngang dạt dào sóng nước, với tiếng cười, nói của buổi tan trường.
        Đó cũng là nỗi lòng của một người Huế xa quê luôn đau đáu về chốn cũ, nơi sinh và lớn lên. Ta hãy nghe anh tâm sự:
        Tôi còn nặng nợ trần ai
        Chắt chiu tháng rộng năm dài tha phương
        Giữa cái tháng rộng năm dài tha phương ấy, anh lại thấy một cuộc tình lỡ cứ đeo đẳng anh suốt cuộc hành trình, bởi từ khi anh ra đi cho đến khi anh trở về lại, anh đâu có quên nó:
        Xa nhau chẳng kịp chia tay
        Bỏ quên chốn cũ nhạt phai cuộc tình
        Bây chừ, về lại một mình
        Tôi tìm tôi, với bóng hình của tôi
        (Chốn cũ)
        Nhiều lúc anh ngồi một mình, lòng chợt nhớ về làng xưa, mảnh đất chôn nhau cắt rốn, nơi có người cha dãi nắng dầm sương, có người mẹ già gánh hết nỗi thăng trầm của cuộc sống trên đôi vai gầy lặn lội giữa ruộng đồng sông nước, một vùng quê khắc nghiệt, chưa hết gió Lào thổi qua lại chịu gió Bấc của mùa Đông thổi lại:
        Ngồi buồn chợt nhớ làng xưa
        Bờ tre ru gió như vừa về thăm
        Một đời mẹ gánh thăng trầm
        Chăn trâu, cắt cỏ tím bầm bờ vai!
        (Nhớ làng)
        Với những hình ảnh gợi nhớ, vừa thân thương, vừa ẩn giấu một chút xót xa, ray rứt trước cái đói, cái nghèo của vùng đất luôn phải đối mặt với bão lũ
        hạn hán, mất mùa cho nên khoai sắn đã trở nên gần gũi với cuộc sống của con người ở đây:
        Gió Lào, gió bấc mịt mùng
        Bếp nghèo vẫn lửa bập bùng chiều hôm

        Nồi niêu rưng rức hạt thơm
        Trăng lên lọt thỏm đống rơm ngủ ngồi
        Mùa về… rơm trải đường dài
        Thơm cùng khoai sắn nướng ngoài bờ đê
        ( Nhớ làng)
        Nỗi nhớ là vô hình, nhưng anh đã hình tượng hóa nỗi nhớ bằng những hình ảnh rất cụ thể.Anh nhớ về làng của anh tức là anh đã nhớ về bến đò, mái trường, những lễ hội, về miếng ăn, thức uống làm cho người đọc cảm thấy rất cụ thể, gần gũi, dường như có thể nắm bắt được, sờ vào được nỗi nhớ ấy. Đó là nét hiện thực trong thơ Dzạ Lũ Kiều.
        Anh đã đi rất nhiều nơi, điều đó dễ gây nên ấn tượng đời anh là một cuộc lữ hành. Nhưng dù đi đâu, về đâu; dù anh miêu tả và gửi gắm tâm sự ở nơi chốn nào thì anh vẫn không quên nỗi nhớ về quê nhà.
        Và, từ nỗi nhớ ấy, anh đã lắc lay nỗi nhớ Huế, nơi có Hoàng Thành cổ kính, có dòng Hương trong xanh, có núi Ngự trầm tư, có mối tình Quốc Học và Đồng khánh… Anh viết:
        Gởi người thăm Huế của tôi
        Dòng Hương nghiêng phía bồi hồi xanh trong
        Trường Tiền mấy nhịp cầu cong
        Vẹn nguyên nét Huế giữa lòng người đi
        ( Nét Huế)
        Sở dĩ anh viết được sâu lắng như thế vì có một cái gì đó của riêng anh, như hạt cát, hạt phù sa, lớp trầm tích dưới đáy sông Bồ bao năm qua còn đọng lại ở đó để rồi trên bước đường phiêu lãng của mình anh vẫn tin tưởng rằng :
        Tôi biết trăm năm Huế vẫn chờ
        Tóc thề nghiêng nắng nón bài thơ
        Áo ai lộng gió theo chân bước
        Níu cả hồn tôi trắng đến giờ
        (Khúc xa Huế)
        Huế là xứ của mưa dầm. Ai đã từng sống ở Huế, đã từng đi giữa mùa mưa Huế, mới cảm nhận hết cái ướt át, cái thấm đẫm u buồn bởi vì mưa cứ liên miên, mưa cú lê thê, trong nắng có mưa, trong mưa có nắng rồi cứ như thể rây rây từ ngày này qua ngày khác, khiến bao lần làm ướt đẫm những cuộc hẹn hò! Nguyễn Bính, một người đất Bắc, cũng là nơi của mưa phùn gió bấc, vậy mà khi gặp phải mưa Huế cũng đã kêu lên : “Giời mưa ở Huế sao buồn thế / Cứ kéo dài ra đến mấy ngày /Thềm cũ nôn nao đàn kiến đói /Giời mờ ngao ngán một loài mây”. Mà đâu chỉ có Nguyễn Bính, Phùng Quán sau hơn ba mươi năm xa cách, khi trở lại quê nhà cũng đã viết về mưa Huế : “Lần đầu tiên được nếm mùi mưa Huế / Họ liếm những cặp môi ướt đẫm / Và kêu lên / Ôi cái mưa khùng điên / Mưa không biết gì tới chừng mực…/
        Những giọt mưa Huế ấy cũng đã thấm vào thơ Dzạ Lữ Kiều hay nói đúng ra là đã thấm vào cuộc tình của tác giả, khiến cho cả cõi lòng khôn nguôi, chẳng bao giờ có một chút tạnh ráo :
        Đêm dài
        Huế
        Chợt đổ mưa
        Hạt buồn
        Rơi
        Rụng !
        Bến xưa
        Nghiêng thầm
        Cõng tình
        Ướt
        Mái tóc râm
        Xin em
        Ngã nón
        Che
        Dùm giọt trong!
        Trong bài “ Ngày về “ ta lại thấy rất rõ điều này. Từ giọt mưa ngoài trời đã trở thành giọt mưa … trong lòng, là giọt mưa của những cuộc tình dang dở, nuối tiếc và anh như loài trai mang vết thương đơị ngày thành ngọc hay như loài ong hút nhụy của loài hoa đắng làm nên mật ngọt. Ngọc ấy, mật ấy chính là “Giọt Huế Mưa” đang hiện hữu giữa lòng bạn bè và người đọc.
        Tôi rất cảm kích và muốn chia sẻ nỗi niềm sau khi đọc những đoạn thơ này của anh :
        Mưa phùn gió bấc
        Tái tê
        Ngày xuân con én
        Vụng về đường bay
        Em còn …Áo tím
        Thơ ngây
        Chờ tôi năm tháng
        Hao gầy
        Tuổi xuân
        (Ngày về)
        Hay là :
        Tôi về ngõ cũ nhà em
        Thấy con bướm trắng rơi nghiêng bên rào
        Giọng buồn mắc võng ca dao
        Mùi hương bưởi thoảng ngọt ngào đưa tôi
        Từ ngày trầu lạc mất vôi
        Cau hong nỗi nhớ lặng phơi cuộc tình!
        (Ngày xưa ấy)
        Những cuộc tình tan vỡ này, đâu có phải chỉ là tình yêu nam nữ. Chắc có lẽ còn ẫn chứa bên trong bao nhiêu chuyện khác của một đời người?
        Cõi lòng anh là cõi lòng đau đáu về quê nhà nên trong thơ anh luôn thấp thoáng con sông Bồ, những câu thơ nói về con sông ấy như được rút ra từ máu thịt:
        Đêm nằm nghe sóng lao xao
        Bậu về quê bậu biết bao ân tình
        Đò xuôi chở nặngbóng mình
        Đưa em tới ngã ba Sình rồi thôi
        Cửa sông lớp lớp sóng dồi
        Người đi mang cả lỡ bồi nhớ thương…
        Hoặc, một lần anh trở về, gặp lại dòng sông, anh thốt lên:
        Vẫn còn nguyên một dòng sông
        Bèo qua mùa lũ bềnh bồng dạt trôi
        Cô thôn nữ nhoẻn miệng cười
        Nhìn trong đáy mắt đầy vơi nỗi niềm…
        Như trên đây đã nói, anh là người tha phương. Anh đến Đăc Lắc và ở lại đây. Anh đã gắn bó với mảnh đất này. Bài “ Huế giữa Cao Nguyên” đã được Nhạc Sĩ Hằng Vang phổ nhạc, anh viết với tâm tình tha thiết của mình:
        Tôi gặp Huế trên Cao nguyên Đăc Lắc
        Nón bài thơ che nắng ban trưa
        Dòng Hương xanh lặn vào đáy mắt
        Một giọng trầm buông tiếng : Dạ thưa!
        Và cuối cùng anh kết:
        Tôi gặp em, Công Chúa Huyền Trân
        Đi khai phá Hoàng Triều cương thổ
        Áo dài bay dập dìu qua phố
        Cao Nguyên chừ, có Huế rộn ràng Xuân .
        Trải qua hằng ngàn năm, Văn học Việt Nam về hình thức chịu ảnh hưởng của thơ Đường và văn biền ngãu của văn học Trung quốc. Mãi cho đến thập niên ba mưoi, bốn mươi của thế kỷ 20, trong làn gió của văn học phương Tây, chúng ta đã có một nền thơ mới với những tên tuổi nổi bật như : Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử…Mở ra một thế giới thơ tự do cả hình thức lẫn nội dung bằng những rung cảm chân thành và sâu lắng .
        Từ lúc ấy đên nay đã hơn bảy mươi năm, thơ không ngừng phát triển
        gần đây một số nhà thơ lại muốn tìm cách để canh tân thơ. Có người làm thơ văn xuôi, có người nén thơ thành những giọt cường toan, có người diễn đạt thơ bằng thứ ngôn ngữ quá xa lạ. Riêng tôi, tôi vẫn muốn thơ phải chuyên chở được tâm tình và khát vọng của con người bằng chính ngôn ngữ của dân tộc. Và, điều đó tôi đã tìm thấy trong thơ của Dzạ Lữ Kiều .
        Con đường thơ là con đường có đích, nhưng lại là con đường bất tận và có nhiều ngã rẽ . Nhà thơ đi trên đó mang khát vọng khám phá như cố vượt qua bóng tối để lần ra ánh sáng. Như vậy hành trình thơ không phải là một hành trình dễ dàng, nhận thức như thế để chúng ta cảm thông vói tác giả vì viết một bài thơ đã khó huông gì viết cả tập thơ.
        &
        Tôi không có ý định viết phê bình văn học mà chỉ có một vài cảm nhận trước tác phẩm. Có người nói chỉ có lòng yêu thương mới dễ dàng tiếp cận với thi ca. Tôi muốn mời mọi người với sự tự do của mình đi sâu vào tác phẩm trong quá trình khám phá vẽ đẹp của “ Giọt Huế Mưa”
        Heidegger nói rằng : Ngôn ngữ không chỉ là công cụ giao tiếp mà nó còn có khả năng tạo lập đời sống. Nếu đã là như thế thì đối với nhà thơ là người say mê sáng tạo ngôn ngữ, tìm cách thăng hoa ngôn ngữ, thì sứ mệnh của họ cao cả biết dường nào!

        Buôn Ma Thuột, tháng 12- 2007
        Nhà văn TIẾN THẢO

        Comment

        • #5

          Cõi thi ca Dzạ Lũ Kiều

          “GIỌT MẮT ĐẮNG” DAY DỨT NỖI NHỚ

          ( Đọc tập thơ “ Giọt mắt đắng” của Dzạ lữ Kiều)

          Cầm tập thơ mới nhất của Dzạ Lữ Kiều do Nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành giữa năm 2009, điều dễ gây thắc mắc cho người đọc là cái tên của tập thơ : “ Giọt Mắt Đắng”, vì thường người ta chỉ nói mồ hôi mặn, nước mắt mặn, còn đây là nước mắt đắng .
          Dzạ Lữ Kiều sinh ra và lớn lên ở Huế nhưng đến tuổi trưởng thành lại làm một người đi xa, bởi vậy thơ anh là cả nỗi nhớ, là sự đau đáu về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình .
          Trong 72 bài thơ của toàn tập dường như bài nào cũng mang riêng một nỗi nhớ - nhớ quê, nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ người tình lỡ …Ngay cả những đề tài về dạy dỗ, đạo đức tả thực như : Khai tâm, Khai trí,Phiến đá… thì cũng đều mượn sự việc để nói về những nỗi nhớ như đã được khắc sâu vào tâm khảm từ ngày thơ ấu.
          Cuộc hành trình của anh trước sau cũng chỉ là một cuộc lãng du của chàng nghệ sĩ và trên quãng đường thăm thẳm mà anh đã đi qua còn để lại
          biết bao dấu ấn trước thời gian.
          Anh đã mang theo mình hình ảnh của bầu trời xứ Huế, của con sông Hương dịu dàng tha thiết và con sông Bồ của làng anh . Tất cả như đều lưu dấu giữ tâm hồn anh, chẳng bao giờ phai nhạt, nên một chiếc lá chao nghiêng, một sợi gió heo may cũng làm anh giật mình, lay động:
          Tôi về thăm lại Huế xưa
          Mùi hương cổ tích thoảng mùa rêu xanh
          Trầm tư lặng bóng Hoàng thành
          Giật mình chiếc lá trên cành…
          Chao nghiêng…!
          (Cố Đô)
          Hay trong bài “Làng quê’:
          Xa quê bao mùa mai nở
          Chạnh lòng nhớ sợi heo may…
          Tình mẹ là thứ tình thấm đẫm trong thơ của anh. Điều đó thật dễ hiểu nhưng noí được như anh đã nói thì không dễ chút nào vì anh đã nói bằng cả tâm hồn, cả ruột gan mình trước sự hy sinh không chút so tính của mẹ và trước sự khô khốc, vô cảm của thời gian:
          Ngọt ngào dòng sữa mẹ trao
          Từ ngày, tháng rộng thấm vào tuổi thơ
          Mẹ giờ đôi vú da trơ
          Còng lưng đếm bước bên bờ tử sinh…
          (Lòng mẹ)
          Và, lặn trong nỗi nhớ còn biết bao điều của một thời hoa niên . Một sớm nào trên bến sông, một chiều nào trên sân ga, ngậm ngùi người đưa tiễn người, và rôì tất cả cứ trôi dần qua như thuyền trên sông, như nắng hiên ga, một chút gì còn lại thật mong manh như giọt sương trên lá, như sợi tơ trời của ngày Thu, không quên, không dứt…Cứ rượt đuổi giữa mộng tưởng:
          Chiều đi qua sợi nắng vướng tóc thề…
          ( Hát với dòng sông)
          Dzạ Lữ Kiều là người khát khao sáng tạo. Cũng chẳng quá lời khi nói rằng cuộc đời anh đã gắn chặt với thơ và cho tới bây giờ bút lực của anh vẫn còn mạnh mẽ. Anh như người nông phu cần mẫn giữa cánh đồng chữ, như dòng sông Hương, sông Bồ quê anh lặng lẽ chuyển hạt phù sa cho cánh đồng làm nên mùa vàng .
          Thơ đến với mọi người và mọi người đến với thơ đều là những bước chân lãng du đi tìm lại chiếc bóng của mình . Khoảng lặng lẽ của thơ chính là sự đồng cảm . Và, nếu có người không chịu dừng lại ở sự đồng cảm mà đòi hỏi phân tích, đào bới tìm kiếm cái mới, cái lạ thì tôi có thể nói với họ thơ của Dzạ Lữ Kiều đã phơi bày hết gan, ruột, chẳng còn giấu diếm một điều gì, ví như dưới mái hiên nhà cổ tất cả các chậu hoa được trưng bày để chúng ta ngắm và hiển nhiên mỗi loài hoa ít nhiều cũng ẩn chứa mùi hương trong đó.

          Tháng 9 năm 2009
          Nhà văn TIẾN THẢO

          Nguồn :
          Báo Đăk LăK cuối tuần số 31(3601) ngày 25-9-2009

          Comment

          • #6

            Cõi thi ca Dzạ Lũ Kiều

            “ GIỌT MẮT ĐĂNG”

            NHỮNG GIỌT ĐỜI VÀ THƠ

            (Đọc “Giọt Mắt Đắng” Thơ Dzạ Lữ Kiều, NXB Văn Nghệ)

            Như thường lệ, cứ vài ba năm Dzạ Lữ Kiều lại về thăm quê ở Hương Văn (Hương Trà) và trình làng tập thơ mới của anh.
            “Giọt mắt Đắng” – Thơ NXB Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh – 2009 do Công ty dịch vụ Tuổi Ngọc thực hiện, được nhà thơ mang theo hành lý về tặng bà con và thân hữu. Từ miền đất đỏ bazan Cao nguyên nắng gió, tác phẩm “Giọt Mắt Đắng” xuất hiện trên đất Thần Kinh hiền hòa, thơ mộng là sự cần mẫn chắt chiu gồm 72 bài thơ và 07 nhạc phẩm phổ thơ anh, trang trải với những gam màu quê hương qua năm tháng của đời người bằng những bước lưu dân.
            Lần giở từng trang, ta sẽ bắt gặp những kỷ niệm. Từng “Ánh Mắt” của “Cha Yêu”, “Người Mẹ”, “Ga Tiễn” của “Cố Đô”, với “Cơm Hến”, “Bến Trăng”… bàng bạc trong thơ anh một nỗi niềm đau đáu thương quê vì cuộc sông phải giang hồ. Ta hãy nghe anh thả Tứ Tuyệt - một thể thơ thời “Thượng” dễ làm nhưng khó chuyển tải bởi 4 câu thơ thôi mà vẫn ý không thừa, không thiếu. Vồn sỏ trường về Lục Bát, Ngũ ngôn, Tứ tuyệt, nhiều tuyển tập trong và ngoài nước đã xử dụng thơ anh như một ước lệ, bắt người đọc dừng lại rồi cố tìm cho được cái mình tâm đắc, đồng cảm.
            Trong bài “Nhớ”, Dzạ Lữ Kiều nói về mẹ anh, hình ảnh thật đơn giản nhưng đầy thuyết phục: “Chợ đời mẹ dắt con đi / Ngày mưa tháng nắng nhiều khi hẫng lòng / Mẹ giờ khuất bóng chợ đông / Nghe sóng trong lòng dội ngược tim con!” tưởng không có gì, chỉ là chuyện kể về người mẹ thân yêu, song đến khi mẹ khuất bóng nhà thơ mới cảm tác hay như thế. Hoặc ngày trở về lê bước đăng trình, gặp lúc Huế mưa giữa mùa Thu “Mưa Ngâu”
            chẳng cần ai phiên dịch, mưa cũng nói hộ anh rồi : “Lạc chân giữa Huế chiều mưa / Cây oằn nghiêng lá gốc trơ nỗi buồn / Câu thơ nhặt vội bên đường / Vẫn còn lưu dấu mùi hương tay cầm”.
            Nhiều lần gặp anh ở Huế, thấy anh tất bật ở hai quê, nội,ngoại, vừa đi thăm bạn bè, vừa tặng thơ vừa hương khói gia tiên, kỵ chạp – Thoáng nhìn làn da sạm nắng, cái áo kiểu “Nhà báo” nhiều túi và lúc nào cũng mang trên vai túi xách lỉnh kỉnh. Người chưa hiểu sâu, bảo anh là người khô khan, làm kinh tế làm sao có thơ cho được. Nhưng lầm, không phải thế, trái lại nhìn vào mắt anh, ta sẽ thấy bản diện một nhà thơ lãng mạng. Mấy mươi năm dầu là kẻ tha phương cầu thực, thơ anh vẫn đều đặn ra đời. Ngòai tài thơ, anh còn là nghệ nhân của đá. Những viên đá tưởng vô tri, anh đã thổi hồn và đặt tên để đá biết vui, buồn, khóc, cười như người vậy. Nụ cười anh bao giờ cũng dung dị, tươi thắm đã kết tinh thành giọt mật thơ. Bởi thế, những nhan đề tập thơ xưa – nay anh hay dùng từ “Giọt” nhỏ xuống tái tim thơ một đời trong tình yêu, quê hương và thân phận.

            NGÀN THƯƠNG
            (Hội Nhà Văn Thừa Thiên - Huế)

            NGUỒN :

            * Báo Thừa Thiên - Huế, Số 4592, ra ngày Thứ Sáu 04-9-2009

            Comment

            • #7

              Cõi thi ca Dzạ Lũ Kiều

              NGHĨ Ở CỐC MỘT CÂY *

              Tác giả DZẠ LỮ KIỀU

              Câu thơ ngủ bên thềm đá
              Ý rơi róc rách khe triền
              Giọt nắng gánh hai đầu chái
              Cõng chiều rớt xuống mái hiên .,

              ĐÔI ĐIỀU VỀ BÀI THƠ :

              Dzạ Lữ Kiều đã vẽ bằng thơ một bức tranh thủy mạc thật đẹp : Cái buổi chiều ở Cốc Một Cây, có câu thơ ngủ quên trên đá, có giọt nắng đã gánh hai đầu chái rồi mà còn ráng thêm cõng cả một buổi chiều thì không rớt xuống mái hiên mới là lạ. Câu thơ ngủ mà không ngủ, hay chí ít cũng chỉ là ngủ lơ mơ, không thế thì làm sao ý thơ lại rơi róc rách, câu thơ tự lúc nào đã và đang làm chức năng của một dòng sông cung cấp năng lượng “Ý” để nói với người, nói với đời qua cách nói của thơ nhiều cung bậc ngữ nghĩa, chúng ta không biết cụ thể hình hài vóc dáng của câu thơ đang nằm ngủ bên thềm đá vì nhà thơ không nói, nhưng như thế có khi lại lô rích hơn, như thế lại cho chúng ta một không gian mở để mà thỏa thích tưởng tượng rằng : Thềm đá đã chọn sẵn cho thơ một nơi để ngủ hay trên đường lãng du thơ gặp thềm đá như một người bạn tri âm, tri kỷ, có phải vì mệt quá mà thơ ngủ thiếp đi không, không phải vậy! Tôi thấy câu thơ của Dzạ Lữ Kiều đang lim dim thư giãn bên một người bạn chí ít cũng là rất tin cậy, nếu không làm sao câu thỏ mỏng manh nhường kia dám trao thân gởi phận, mỏng manh mà không nhỏ nhoi, mỏng manh mà ẩn chứa bên trong nguồn ngữ nghĩa dường như vô tận, chỉ với bốn từ “Ý rơi róc rách” – mà cái ông Dzạ Lữ Kiều này cũng thiệt là …Đã nhìn thấy câu thơ ngủ bên thềm đá lại còn nhìn thấy cả ý thơ róc rách – như tiếng reo vui – nhà thơ đã bổ nghĩa để ta thấy vóc dáng câu thơ ngủ bên thềm đá .
              Thơ đã thế, cảnh còn hơn thế “Giọt nắng gánh hai đầu chái / Cõng chiều rớt xuống mái hiên”, cái giọt nắng mỏng manh mà dám gánh cả hai đầu chái của cốc, đã thế lại còn cõng cả một buổi chiều, người thì nhỏ mà việc làm không nhỏ, nên chiều mới rớt xuống mái hiên, cái cú rớt của cả giọt nắng và buổi chiều ở “Cốc Một Cây” là một cái rớt không gây ra sự đau đớn cho ai cả, nó (Giọt nắng và chiều) chỉ điểm thêm cho bức tranh được vẽ bằng bốn câu “Tứ tuyệt” thêm tuyệt .

              ĐÔI NÉT CHÂN DUNG NHÌN QUA BÀI THƠ

              Nghe Dzạ Lữ Kiều nói “Cốc Môt Cây” là nơi tu hành của một nhà Sư, đã là nơi cửa Phật thì chắc chắn là đã có không ít người đến chốn này, nhưng đến để rồi nhìn thấy: Câu thơ ngủ bên thềm đá / Ý rơi róc rách khe triền / Giọt nắng gánh hai đầu chái /Cõng chiều rớt xuống mái hiên. Thì chắc chắn chỉ có một Dzạ Lữ Kiều . Thoạt nghe ông bảo “Nghĩ ở cốc một cây” thấy thậm vô lý, người ta chỉ vẽ tranh thôi chứ, mà quả thật ông đã vẽ một bức tranh bằng thơ đấy thôi, nhưng đọc xong bức tranh ấy và bình tâm suy ngẫm thì thấy ông nói có lý, quả là ông đã nghĩ ở cốc một cây, nói chính xác hơn ông đã nhìn bằng tâm tưởng, nhìn theo cách của nhà thơ, chính bằng cách nhìn này mà Dzạ Lữ Kiều đã nhìn ra cái điều mà người khác không nhìn ra được, theo cách nhìn thông thường thì làm gì ở cái cốc một cây đó đó có câu thơ đang ngủ, có ý rơi róc rách bên triền … cao lắm thì ở đó có tượng Phật, có bát nhang thờ Phật và có một nhà Sư với pháp danh La Đà, cũng như mọi người đã nhìn thấy. Sau đó, với cách nhìn của một nhà thơ có tâm, có Phật ở trong lòng nhà thơ đã nhìn, nghĩ, và, tôi chắc rằng ông muốn nhờ thơ nói hộ lời gửi gắm: Ở đâu cũng có cái đẹp, cái tốt, rằng hãy cố gắng nhìn thấy cái đẹp dù mảnh mai như giọt nắng để học và làm theo .
              Một con người như thế mà lại vẽ chân dung mình chỉ như thế này :
              “Ấy là tôi vẽ lại tôi / Tóc chia mấy nhánh rẽ ngôi quê mùa / Tuổi thơ lạc mất lời ru / Nửa đời hư thực ngôn từ vụng gieo / Câu thơ trôi giữa bọt bèo / Bốn mùa góp nhặt lụn theo tháng ngày / Bạn bè lưu lạc tỉnh say / Đem thơ đọc sợ buồn lây đến người /Thôi thì… tôi dỗ dành tôi /Mai sau cát bụi góp lời nhớ quên”. Tôi chỉ mong làm được một bài thơ “Trôi giữa bọt bèo” như tác giả bài thơ “Nghĩ Ở Cốc Một Cây”.

              PleiKu đêm không ngủ
              Ngày 9 tháng 6 năm Mậu Tý
              Nguyễn Hữu Triều


              * Cốc Một Cây ở Huyền Không Sơn Thượng, thuộc Tỉnh Thừa Thiên - Huế

              Comment

              • #8

                Coi thi ca Dzạ Lũ Kiều

                DZẠ LỮ KIỀU…..VÀ “NHỮNG CỌNG RƠM VÀNG”
                ___________________________________

                • HOÀNG XUÂN PHƯƠNG

                Có phải chăng Adam và Eva, yêu nhau để tạo nên cuộc sống, để có đớn đau và hạnh phúc – miên viễn.

                Có phải chăng tôi gặp em tình cờ, ở một nơi chốn nào đó. Rồi một thoáng thương nhau, rồi ngàn trùng xa cách, để ta quắt quay mãi trong thơ.

                Tôi gặp anh Dzạ Lữ Kiều, cũng trong thực tại tình cờ như thế. Khi tôi bước chân đầu tiên lang thang trên phố Tây nguyên vào một chiều mưa, bên quán nhỏ cùng vài bạn thơ của anh như Hoàng Sơn, Đàm Lan …

                Thơ anh, đã đưa tôi vào đêm trắng lang thang ở phố núi này – Giọt rượu ngọt ngào – ướt đẫm mưa hắt hiu – đi lên và chạy xuống lại trở về Ngã Sáu.

                - Ta còn một khoảng trời riêng
                Cho em ẩn náu ngọt miền tuổi thơ
                (Bài Khoảng trời riêng)

                - Cắm sào …Em! Vội neo thuyền
                Cắm tình, Em! Để tình riêng trôi hoài
                Trách thầm con tạo lá lay
                Trôi chi duyên nợ cho gầy dáng thơ
                (Bài Trôi)
                Hay là :
                Thương mấy nhịp cầu năm xưa lạc bước
                Tôi nằm nghe con nước vụt trở mình!

                • Nếu bạn yêu thơ, chưa nhận diện chân dung Dzạ Lữ Kiều, hay một lần đọc thơ anh. Thỉnh thoảng được đăng ở báo chí, đặc san …Các bạn sẽ cảm nhận thơ anh Dzạ Lữ Kiều, độ chừng Hai mươi hay Ba mươi tuổi có phải? Hay là một cậu thanh niên đang đến giảng đường. Vâng! Thơ anh đã gọi trái tim anh trẻ lại. Thơ anh, đã đưa anh quay gót trở về ngày xưa, những kỷ niệm trong xanh quá khứ. Thơ anh, đã chuyên chở anh trở về con sông Bồ, sông Hương tuổi thơ …trên chiếc cầu Trường Tiền của xứ Huế mơ mộng, nơi cội nguồn sinh ra và trưởng thành, chắp cánh cho thơ anh bay bay, tận trời cuối đất …Cho đến hôm nay và mai sau .

                Cám ơn thơ Dzạ Lữ Kiều, cho ta thoáng giây hạnh phúc ở phố núi.
                Cám ơn … “Những cọng rơm vàng” đã đưa ta vào thơ, nhưng đêm chờ sáng.
                Mai ta xa phố núi – Tạm biệt Buôn Mê – Tạm biệt anh Dzạ Lữ Kiều…
                Ta lại hành phương nam – mang theo thơ anh … “Những cọng rơm vàng"
                Những bài thơ của anh mùa bội thu, trộn lẫn những hạt lúa vàng và những hạt buồn hiu hắt.
                Thơ Dzạ Lữ Kiều, đã chảy vào trái tim tôi ngọt lịm, như thưở rung động đầu đời …

                Ban Mê Thuột, ngày 10 tháng 7 năm 1997
                HOÀNG XUÂN PHƯƠNG


                Ghi chú : Tập thơ “Những cọng rơm vàng” đã bị CA Daklak tịch thu nên tác giả không còn lưu lại.

                Comment

                • #9

                  Viết ngắn

                  Viết ngắn : MẤY LỜI SAU NHỮNG “ TIẾNG CHUÔNG”

                  TIẾNG CHUÔNG
                  Nhà tôi nằm ở giữa
                  giao thoa hai tiếng chuông
                  Thánh đường và ngôi chùa cổ

                  Sáng chiều … hòa theo nhịp thở
                  nắng mưa … vọng tiếng kinh cầu
                  niềm vui, an lạc bắt đầu
                  từ những lời khấn nguyện
                  cùng việc làm thánh thiện
                  để nối kết những mảnh vỡ cuộc đời
                  trong thế giới vô thường, đầy ắp chông gai, bất trắc !

                  Chuông chùa … chậm rãi, thanh thoát
                  như lời Phật Tổ hướng con đường
                  dùng trí tuệ và tình thương
                  xóa tan niềm thù hận
                  người con Phật cần soi gương để đạo, đời chung cuộc sống
                  an lạc khắp nơi …

                  Chuông giáo đường … giục giã liên hồi
                  thúc đẩy con Chiên về nước Chúa
                  dùng bác ái, tình thương để sửa chửa lỗi lầm
                  mang lại niềm thánh thiện trong tâm
                  ba ngôi vinh danh Chúa …

                  Tôi … con người trôi trong dòng sông trần thế
                  bến đỗ nào cũng đầy ắp tình thương
                  nhưng con người thực hành lời dạy
                  trí tuệ tầm thường
                  đã đánh mất những gì cao đẹp nhất

                  Chỉ còn tiếng chuông …
                  mãi vĩnh hằng trong tâm thức.
                  Dzạ Lữ Kiều

                  Xin có mấy lời “đồng cảm”, gởi đến nhà thơ Dzạ Lữ Kiều, sau khi đọc bài thơ “Tiếng chuông” của anh đăng ở NS “Vô Ưu” số 42 “Chào mừng 1000 năm Thăng Long Hà Nội.”
                  Vâng, một sự trùng hợp ngẫu nhiên “ Mà, nhà tôi nằm ở giữa / giao thoa hai tiếng chuông / Thánh đường và ngôi chùa cổ …” Mỗi sáng, mỗi chiều và cả những đêm rằm, Mồng một, hay tuần lễ Thánh … Âm thanh vang vọng từng hồi chuông lọt đến tai tôi, trở thành một “ liều thuốc thần” không kém phần hiệu nghiệm! Để tôi vững tin đón chào một ngày mới; Để tôi cảm nhận được ban mai, với những tiếng chuông ngân nga hòa điệu cùng tiếng chim, tràn ngập khu vườn nhà tôi …
                  Và, những nỗi buồn cơm áo, những đỏ đen và xanh trắng … cũng tan biến nhanh, hòa cùng tiếng chuông, hòa theo nhịp thở. Và, mình cảm thấy bình tâm : Bình tâm, để đối diện với khổ đau, thất bại … Để sẵn sàng lên đường, với tha thiết quý trọng những gì cầm nắm được trên tay. Kẻo lúc nào đấy, lòng ta sẽ hối, thì đã muộn rồi. Nhìn ra, chỉ còn những đám mây trắng như tấm vải đẹp mê hòn, mà không bao giờ ta có thể đem may thành áo mặc, cho những giấc mơ tươi đẹp thưở nào …
                  Đức Phật khuyên chúng ta trong cõi nhân gian đông đúc này, hiểu rõ bản chất của sự sống là vô thường. Thành danh, không thành danh … tất cả đều huyền ảo. Kìa, những “Thi tài” kiệt xuất muôn xưa, nào có còn gì, ngoài nỗi lòng không tắt, muốn nhóm lại trong người sau ngọn lửa của yêu thương. Nhưng khó khăn thay, là giữ cho được ngọn lửa của chính lòng mình mỗi ngày không lạnh.
                  Và, “Tiếng chuông” của Dzạ Lữ Kiều, lại vang lên! Giữa cuộc đời “đầy ắp chông gai và bất trắc”… “Tiếng chuông chùa …chậm rãi, thanh thoát ; Tiếng chuông nhà thờ … giục giã liên hồi…”

                  May thay, tôi sống ở một miền quê trong lành, giữa hai “tiếng chuông”! Để sau những bươn chải mệt nhoài, , lại nghe tiếng chuông ru hồn mình trở về trú ngụ. Có lẽ nhờ vậy, mà tôi có thể vượt qua nhiều nghịch cảnh. Vững niềm tin, yêu để sống. Mỗi khi vấp ngã, tôi lại nhờ tiếng chuông, vịn tiếng chuông … mà đứng dậy !

                  Tôi, không đủ trình độ để viết bài phê bình thơ, chỉ có mấy lời “đồng cảm” mà thôi! Xin cảm ơn nhà thơ Dzạ Lữ Kiều, đã cho tôi “Tiếng chuông”. Để tôi làm nơi đỡ dựa . Cho hồn tôi trụ với tháng ngày, dâng hết ngọt ngào cay đắng, thành lời thơ, ru hát với những trăm năm.
                  Vâng, “ Chỉ còn tiếng chuông … mãi vĩnh hằng trong tâm thức” .
                  NGUYỄN SÔNG BỒ (Ngô Cang, Thừa Thiên Huế)

                  Comment

                  • #10

                    Cõi thi ca Dzạ Lữ Kiều

                    DZẠ LỮ KIỀU

                    Dzạ Lữ Kiều – Nghe giọt rơi
                    “Giọt Huế Mưa” khéo – Rót lời ngũ âm
                    “Giọt Mắt Đắng” – Tận đáy lòng
                    “Giọt Sương Khuya” rụng – Xới mầm chồi xanh
                    Lăn tăn phiến lá nghiêng cành
                    Hôn tia nắng sớm – Long lanh mắt cười
                    Tự trong sâu thẳm đôi mươi
                    Ra đi bỏ Huế - Đời mời cuộc vui
                    Xa cô gái Huế “mía lùi”
                    Ân tình “thưa – dạ” ngậm ngùi nhớ quê
                    Xe đời bánh trớn bến mê
                    Cọng xanh chớm bạc – quay về! dễ đâu?

                    Trích “ NGUYÊN THANH TÌNH SỬ -Chương 2” của Phạm Văn Sau.
                    Dzạ Lữ Kiều

                    Comment

                    • #11

                      Cỏi Thi Ca Dzạ Lữ Kiều

                      Có một đêm thơ …
                      Tản mạn
                      Tối 24/11/2012, tại xã Hòa Phú -TP.Buôn Ma Thuột - Dak Lak, nhân dịp mừng thọ 70 của mình, nhà thơ Dzạ Lữ Kiều đã tổ chức ra mắt tập thơ thứ 3 của anh, tập thơ Giọt sương khuya. Bạn bè, thi hữu về dự đã tham gia đóng góp một chương trình thơ nhạc trong chính tập thơ của nhà thơ, những bản nhạc được phổ từ những bài thơ của Dzạ Lữ Kiều làm cho đêm thơ nhạc ấm tình bạn bè văn chương, văn nghệ. Những chén rượu làng Chuồn, vừa cay, vừa nồng, vừa pha tí vị ngọt bùi mang từ quê hương của nhà thơ khiến cái se lạnh của đêm đầu đông trở nên ấm hơn…
                      Dzạ Lữ Kiều có những bút danh khác là Dzạ Trầm Thảo, Hương Văn, tên thật là Trần Xuân Thái ( hay còn gọi là Trần Kim Tín vì trước đây anh có làm nghề kim hoàn và lấy hiệu Kim Tín ) sinh năm Quý Mùi tại Văn Xá, Hương Văn, Hương Trà, Thừa Thiên Huế.
                      Dzạ Lữ Kiều đã làm thơ, viết văn đăng báo từ thời rất trẻ trên các tạp chí, báo chí của miền Nam.
                      Trước năm 1975 đã có nhiều bài thơ đăng trên các tạp chí, báo như Văn, Thời Nay, Chọn Lọc, Thứ Tư Tuần San, Thẩm Mỹ, Chánh Đạo…
                      Sau năm 1975 đã có nhiều bài thơ đăng trên các báo Trung ương và tỉnh Dak Lak hiện nơi anh đang sinh sống.
                      Về xuất bản thơ, Dzạ Lữ Kiều đã có nhiều bài thơ in chung với các tác giả khác : Những bài thơ hay lạ Việt Nam xưa và nay, Tác giả thơ Việt Nam đương đại, Thơ hay ba miền, 700 thơ Huế, 1000 nhà thơ Huế, Gói mây trong áo, Lời ngắn tình dài.
                      Về thơ in riêng, Dzạ Lữ Kiều đã xuất bản ba tập thơ : Giọt Huế mưa, Giọt mắt đắng và Giọt sương khuya. Tới đây nhà thơ cho biết sẽ cho ra mắt tập thơ Giọt tình rơi.
                      Với một hồn thơ xứ Huế và sức sáng tạo mạnh mẽ trong thi ca, Dzạ Lữ Kiều đã có nhiều đóng góp trong nền văn học nước nhà nói chung và thi ca Việt Nam nói riêng.
                      Ở tuổi bảy mươi, trái tim của nhà thơ vẫn mãi còn “loạn nhịp” với từng bóng hình của những nàng thơ thoáng qua và từng ngày vẫn mãi tìm vần để gieo từng giọt …tình …rơi .
                      Biết và thân thiết với anh từ hai mươi năm trước, lúc đó tôi được điều về làm hiệu trưởng của cái trường này. Anh có những người con lần lượt học tại trường nên tham gia công tác của Hội Phụ huynh. Những năm ấy chúng tôi vẫn còn “ đói cơm, lạt muối ” nên tìm niềm vui trong thú văn chương, lập thành một hội thơ. Nơi chúng tôi có một dòng suối, lúc ấy trong xanh và còn thi vị lắm nên nhóm chúng tôi đặt tên cho hội là Suối Hương. Ngày ấy còn xa lạ với máy tính nên thơ chúng tôi làm ra, anh Mỹ , anh Định (nay đã rời xa cõi tạm) nắn nót viết trên tờ giấy photocopy khổ A4, tôi vẽ hình minh họa, ký họa… rồi đem photo nhân bản gửi tặng cho bạn bè . Cứ ngày rằm trăng tròn, nhóm chúng tôi bảy tám anh em có thơ, mời thêm mấy bạn thân quen vừa nhâm nhi rượu trắng, vừa đọc thơ của nhau nghe …thế thôi. Vậy mà mấy “ông chính quyền ” nghe mật báo thế nào rồi “tưởng tượng” ra là nhóm chúng tôi là “ hội kín, hội hở ” gì đấy đã mời lần lượt chúng tôi với những lời “bóng gió” khiến sau đó chúng tôi phải tự…giải tán!
                      Thời gian sau đó, với niềm đam mê thơ, anh Dzạ Lữ Kiều vẫn tiếp tục sáng tác, đăng báo. Rồi anh tham gia Câu lạc bộ thơ Đam San, tham gia với nhiều nhóm bạn thơ ở các tỉnh thành khác để …trải một hồn thơ. Anh có rủ tôi tham gia nhưng với “họa văn chương” vừa còn “sờ sờ” ra đó vừa bận công việc trường nên tôi đành chối từ.
                      Cuộc đời vẫn trôi, dòng thơ trong anh vẫn chảy. Tích cóp chừng ấy năm trời anh đã ra mắt được ba tập thơ.
                      Thơ của Dzạ Lữ Kiều rất nặng tình với Huế. Đó là cái hồn thơ rất riêng của anh, là dòng Hương Giang, là con đường Lê Lợi, là bến đò Thừa Phủ, là những nàng Tôn nữ Kim Long rất tím Huế của anh.
                      Thơ của anh nặng với hoài cổ, nặng tình quê hương và những ấp ủ của một thời trai trẻ của nửa thế kỷ trước. Những gì của riêng Huế , Dzạ Lữ Kiều đều tìm cách mang vào thơ của anh. Những cơm hến, bánh bèo Huế, rượu làng Chuồn, những giọt mưa Huế, những đêm hội làng Văn, bến Hạ Lang, những giọng hờn, giọng trầm, những sợi tóc rất Huế đã được anh nâng niu như những kỷ vật và muốn để lại cho đời mãi mãi…
                      Thời gian vẫn vô tư lạnh lùng trôi. Đến nay anh ở vào cái tuổi mà người xưa gọi là “…cổ lai hy”. Dzạ Lữ Kiều càng có cảm nhận về về quê hương hết sức bình dị, hết sức thân thương và hoài nhớ sâu sắc những mối tình xưa. Nhưng trái tim và hồn thơ của thi nhân thì không bao giờ có tuổi! Tình yêu trong anh vẫn mãi trẻ trung và đáng yêu như cách nay …nửa thế kỷ.
                      Giữa khuya, nhấp chén rượu Chuồn
                      Nửa mê, nửa tỉnh, nửa buồn, nửa vui
                      Chút tình lạc bước về xuôi
                      Tàn thu nghe thoáng ngậm ngùi cõi xa
                      Vài dòng tản mạn như nhớ và mừng anh ở cái tuổi …bảy mươi
                      Hoài Nguyễn – 25/11/2012

                      Comment

                      • #12

                        Giọt Mắt Đắng- Như chiếc lá bồ đề rơi nghiêng- Nhất Vương


                        Giọt Mắt Đắng- Như chiếc lá bồ đề rơi nghiêng- Nhất Vương
                        (Cảm nhận sau khi đọc Giọt Mắt đắng của Dzạ Lữ Kiều)
                        Ngay cái tựa tập thơ : Giọt mắt Đắng cũng đã thơ lắm rồi tuy không được ngọt. Chữ "đắng" mới nghe người ta dễ liên tưởng ngay tới những câu thơ chua chát, bất mãn đời như một số người đã làm.
                        Mở đầu với bài thơ Ánh Mắt: "Mòn trăng rớt nửa cung chiều. Mòn đêm rớt nửa thương yêu một thời. Con tim yếu đuối từ hồi. Mắt em viên đạn xuyên đời lãng du".
                        Vâng! một sự thú nhận hay nói vui là tự thú trước bình minh (tên một bộ phim ) về sự yếu đuối của bản thân, cụ thể là con tim.Một sự tự thú thật hiếm thấy ở lớp trẻ chứ chưa nói tới cái tuổi quý mùi, tác giả lại thú nhận yếu đuối vì nhan sắc hay sát hơn là đôi mắt "mắt em viên đạn xuyên đời lãng du". Yếu đuối vì đàn bà ở một thời điểm bị quy chụp là uỷ mị, không có tính chiến đấu. Nhưng trong thời nay cần lắm sự chân thật và dzạ Lữ Kiều đã đã rất thành thật. Tôi vui vì sự thành thật rất thơ của ông.
                        thử nhìn ở một góc khác: "mắt em là một dòng sông. thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em" (thơ Lưu Trọng Lư), nếu xem đoạn thơ này như một định nghĩa về đôi mắt thì "mắt em viên đạn xuyên đời lãng du" lại là một định nghĩa mới, ở đây đường bay của đôi mắt đi trực diện, đã làm chao đảo đời một lãng tử lại thú vị hơn rất nhiều...
                        Tập Giọt Mắt Đắng của nhà thơ Dzạ lữ Kiều cũng như phần đông viết về quê hương, về ông bà cha mẹ, về tình yêu...nhưng có một điều căn bản xuyên suốt tập thơ như ông nói:"Tôi sinh ra ở một quê hương nhiều thiên tai và nghèo khó,nhưng đầy ắp văn hoá phật giáo-đó là cố đô Huế. Càng về sau tôi càng tâm đắc cái lý vô thường của Phật Đà nên tôi khá an nhiên tự tại. dù cuộc sống có quá nhiều bủa vây. Thơ tôi, xin tạm gọi là thơ. Chỉ là chút cảm niệm về con người và cuộc đời qua chất liệu Phật giáo".Và chính vì vậy mà tư tưởng Phật giáo bao trùm thơ ông rất nhân bản
                        "Đời người còn mất. Đất trời bao la. Phút giây hiện tại. Huyền Không và ta". (Bên hồ toàn không) hay: "Bình yên cuộc sống như tờ. Thoát vòng danh lợi ngắm bờ cõi riêng.Không hờn giận chẳng ưu phiền.Mặc ai nói ngả nói nghiêng phận mình".( Cha yêu)
                        Trong cuộc sống xô bồ hôm nay, con có thể chửi cha, vợ có thể cầm dao đuổi chồng, người ta kèn cựa từng chai mắm lọ tương, lớn hơn thì mét đất, cái nhà...Nếu ai cũng thấm được tư tưởng Phật giáo từ bi hỉ xả như thơ của Dzạ Lữ Kiều thì hạnh phúc cho trái đất này biết bao..."Cuộc sống đói no vất vả một đời. Quần vải áo nâu chẳng bao giờ là lượt. thẳng lòng như ruột ngựa sống thảnh thơi" (Ân tình quê ngoại). Không đơn giản để ai cũng có thể định vị mình trong ba chữ" sống thảnh thơi" nghĩa là an nhiên tự tại. Chỉ có sự giác ngộ cao độ may ra mới tìm đến hai chữ thanh thản là vậy:"đời như ngọn gió thoảng bay. Ngang mày cất tiếng khà say mất còn..." (Giọt rượu cuối năm).
                        vẫn nghe hai chữ đạo và đời song hành, hay câu cửa miệng: sống tốt đời đẹp đạo. thử quay về với chữ đời. Ở cái tuổi sáu mươi bảy, đã kinh qua biết bao biến động của cuộc đời, những được mất : " Tôi tha hương mộng ước nhiều. Vẫn không quên được quê nghèo tắm trăng" (Bến trăng), thế đấy, những hoài niệm về quê hương luôn canh cánh trong những giấc mơ của nhà thơ. Chắc chắn vẫn còn đó những mơ ước hoài bão của một thời chưa làm đươc nên đâu đó vẫn còn những giằng xé, những cơn bão lòng dù thoáng qua: "Cát vuốt mặt lặng thầm.Nghe hồn đau xát muối. Bão trong tâm sóng dội. Hồn rêu tảo nghiêng trôi".Chữ nghiêng rất nhẹ, tôi hình dung như chiếc lá bàng nơi cửa Phật nghiêng rơi trở về với cõi đời thường nhật, để rồi sau đó nhường chỗ cho những hình ảnh của quê hương "Huế mùa sen nở ngập ngừng. tôi về tìm lại dấu hằn ngày xưa. Núi Bân phế tích hồn vua.Ngự bình thông đứng xác xơ cõi người. Thoáng nghe gió động ru ời! (Dấu xưa).
                        Phải rồi, ai không có quê hương kia chứ! ." Quê hương là chùm khế ngọt. Cho con trèo hái mỗi ngày...Quê hương nếu ai không nhớ. sẽ không lớn nổi thành người" (bài hát quê hương). Dzạ Lữ Kiều cũng day dứt nhớ như vậy đấy" xa quê thèm mãi dư hương. Đợi tô cơm hến bên đường ngày xưa. Ớt cay xé lưỡi còn ưa. Rau từng sợi, cơm nguội vừa chín nguyên" (Cơm Hến).Cơm hến món ăn dân dã của người xứ Huế, ai đã ăn một lần thì không thể nào quên, cả cái mùi vị đặc trưng của mắm ruốc cũng thành mùi vị đằm thắm của quê hương " lãng du quay gót trở về. Thèm ơi mắm ruốc hương quê thủa nào" (hương quê).hay "Cuối năm nhấp giọt rượu chuồn. Nghe ân tình Huế ngọt thơm đất làng" (giọt rượu cuối năm).
                        Bên cạnh nỗi nhớ hoang hoải về quê hương thì mảng thơ dành cho ông bà cha mẹ cũng nóng hổi không kém "Tôi thương ngoại quê mùa chân chất. Cuộc sống đói no vất vả một đời" (Ân tình quê ngoại). "Nước biển bao la không đong đầy tình mẹ. Gian khổ cuộc đời không phủ kín công cha" (ca dao).Thấm đẫm triết lý nhà Phật,nhà thơ dzạ Lữ Kiều ý thức hơn ai hết về sự hiếu thảo với các đấng sinh thành "Đói no lòng vẫn trọn tình. Báo ơn dưỡng dục sinh thành bấy lâu" (Cha yêu). Vẫn nghe ai đó nói thơ viết về mẹ quá nhiều, nhưng viết về cha lại quá ít. thơ Dzạ Lữ Kiều viết về cha khá nhiều, có những câu sâu sắc, với những vần tri âm rất sâu nặng, cảm thương và chia sẻ với những hy sinh thầm lặng, tất cả vì con thật hiếm gặp và mang tính giáo dục cao " Muối lòng nhuộm trắng áo thưa, để con yêu được se sua với đời. Gót chân phèn ủ máu tuơi. Cho con gót đỏ một thời mộng mơ" (Cha yêu). Hay với bài: Lạy mẹ! những vần thơ ai đọc rồi cũng không khỏi bùi ngùi " Con về giọt nước mắt đầy. Không níu lại được tháng ngày mẹ mong.Ráng chiều đã đỏ cuối sông. Con bơi mãi đến tận cùng nỗi đau". Với những cảm xúc thật sự lắng đọng, điểm rơi là nỗi đau vô cùng vô tận...Thơ Dzạ Lữ Kiều có thể nói đã xây được chiếc cầu nối tình cha, nghiã mẹ với con cái và ngược lại rất nhân bản. Thơ viết về ông bà cha mẹ đã hay, mảng thơ viết về tính yêu của nhà thơ Dzạ Lữ Kiều làm tôi vô cùng ngạc nhiên, đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Hồn thơ thoát tục, say sưa, đằm thắm ( khác hẳn với thơ tình yêu thường thấy là vồ vập, cuồng nhiệt, nóng bỏng) với những cảm xúc rất đẹp: "Những ẩn tình từng sợi tóc làn môi, bước chân chim ngơ ngác một khung trời. Em thắp nắng dỗ hồn tôi ngọt lịm,Làm quen em một nụ cười vừa chín. Trong nắng thật đầy của tuổi cài trâm. Mắt mùa thu sao sóng một đêm rằm" (Hà Nội trong tôi). Với bài thơ Chiếc răng khểnh, thú thật! tôi đã từng đọc những câu thơ rất hay " Nắng soi gương để em cười, chiếc răng khểnh cứ đua đòi làm duyên" (thơ ST), hay với bài hát chiếc răng khểnh rất nổi tiếng " Này cô bé có chiếc răng khểnh, sao cửa một cái chắc để làm duyên, vội vàng chi để lòng ai ngơ ngẩn. bỏ lại trong tôi sao nhớ quá nụ cười". Trên những chất liệu thơ người ta đã viết nhiều và rất thành công như vậy, nếu không chắc tay, không có những cảm xúc mới mẻ,thì không thể có những cảm nhận và viết được những vần thơ hay và có thể trụ được trong lòng người đọc như Chiếc răng khểnh của Dzạ Lữ Kiều: "Chiếc răng khểnh duyên dáng ơi! Em khoe ru giọt nắng trời ngủ say. Đường em qua lạc mắt gầy. Cỏ hoa vọng khúc trao ngày trần gian. Chiếc răng khểnh so le hàng. đứng ngoài hướng dẫn hai hàng quân nghiêm". Đúng là triết lý nhà Phật đã phần nào giảm nhiệt trong những bài thơ tình của ông, nhưng cũng đem lại một cái nhìn khá mới mẻ về cái đẹp nhẹ nhàng mà không kém phần tinh tế và lôi cuốn.
                        Hơn nữa với những vần thơ lục bát truyền thống khó ai nghĩ ở tuổi ông lại sản sinh ra những câu thơ rất hay, đẹp đến lạ lùng "Môi em rót mật dịu dàng,Tim tôi mắc cạn giữa hàng mi cong" (Đi giữa mùa xuân) hay "guốc mòn gõ nhịp chân reo, vàng rơi chiếc lá cuối chiều tóc bay" (Còn đó nhịp cầu).
                        Cả tập thơ Giọt Mắt Đắng của nhà thơ Dzạ Lữ Kiều chứa chan tình yêu cuộc sống, tình yêu quê hương xứ sở...Phần lớn được làm với thể thơ lục bát. Ngoài việc làm mới câu chữ, ông cũng chú trọng làm mới bằng cách xuống dòng, phân nhịp khá lạ mắt.
                        Bên cạnh những thành công như đã nói vẫn còn đó những hạt sạn nhỏ đáng tiếc ví dụ: Với tất cả 72 bài thơ trong tập thì tác giả đã dùng tới 22 chữ "nghiêng". Với tỉ lệ 22/72 mật dộ dày đặc như vậy, khiến thơ trở nên nặng nề. Có những bài lặp lại dễ dãi như bài Khói chiều và bài Cơm chiều..."Nhớ sao làn khói lam chiều. Mẹ gầy thân hạc tay khều lửa rơm.Con giờ phố thị trắng cơm" (Khói chiều) và "Ẩn trong làn khói lam chiều. Lom khom dáng mẹ tay khều lửa rơm."
                        thật đáng tiếc. Hy vọng trong những tập tới tác giả sẽ khắc phục và người đọc sẽ có những sản phẩm trọn vẹn hơn...
                        Viết tới đây tôi nhận được tin nhà thơ Dzạ Lữ Kiều vừa được giải nhì cuộc thi thơ Hai Ku. Do hội liên hiệp Việt- Nhật tổ chức, tôi lại có dịp ngả mũ kính phục ông. Bất giác tôi lại nhớ câu ông nói: Thơ tôi, xin tạm gọi là thơ chỉ là chút cảm niệm về con người, về
                        cuộc đời qua chất liệu Phật giáo...
                        Vâng ! thật là dung dị hết sức, nghĩ đến một số nhà thơ chỉ mới được một vài giải thưởng, đã hợm hĩnh tự cho mình như đang sống trên mây, thì với nhà thơ Dzạ Lữ Kiều sự giản dị của ông dáng ngưỡng mộ lắm thay!
                        Chiều nay ngang qua ngang qua chùa Khải Đoan, trong cái gió dìu dịu của mùa xuân mới hiện hữu trên phố núi Buôn Ma Thuột này. Những chiếc lá bồ đề vẫn đang nhẹ nhàng "nghiêng" rơi! Tôi bất giác hình dung ông già có dáng người nhỏ thó, hơn năm mươi năm rong chơi trong thi ca, làm hơn ngàn bài thơ với đủ các thể loại. Mỗi bài thơ như những chiếc lá bồ đề không rơi theo phương thẳng đứng, mà rơi "nghiêng" như cuộc đời của ông vẫn còn thao thiết với cuộc sống tươi đẹp này biết chừng nào"
                        "Tôi hỏi gió. Gió khoe điều rất thực, Chẳng lưu gì cho khoảng trống riêng mình. Dù giữa cánh đồng hay trên sa mạc. Thảng - một chiều cuộn lốc mênh mông" (Điều rất thực).
                        BMT ngày 12/ 1/2010
                        Nhất Vương

                        Comment

                        Working...
                        X
                        Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom