
Họa sĩ Trần lưu Hậu và nghệ sĩ nhân dân Trà Giang

Một bức tranh của HS Trần lưu Hậu

9pm xổ số cho vui , qd không trúng....số


Một chiều với hoạ sĩ Trần Lưu Hậu
Chủ Nhật, 3.4.2011 | 06:35 (GMT + 7)
Ngôi nhà cao sừng sững, bề thế như một building, bề mặt rộng thênh thang. Cửa kín tường cao, quét vôi trắng, thiết kế hiện đại, trông bề ngoài lạnh lùng, kín đáo, không chào mời.
Ngược với vẻ ngoài lạnh lùng của ngôi nhà, vừa bước vào bên trong, các sóng điện nồng nhiệt ào tới. Màu sắc rực rỡ, đường nét cuồn cuộn, năng lượng mạnh mẽ trùm lên, thăng hoa không gian và thời khắc ấy.
Thế giới của Trần Lưu Hậu mở ra.
Mãnh liệt, chao đảo, những đường bút mạnh như vũ bão, những gam màu đỏ, trắng, xanh nước biển nguyên chất đan chen tự nhiên như được trào thẳng ra từ những phút xuất thần. Các bức tranh khổ to, cuồn cuộn các nét sổ, đường phẩy, ngang, dọc như tình cờ, sự “tình cờ” mà chỉ các bậc thầy mới làm được.
Tôi ngước lên ngỡ ngàng nhìn ông, ước lượng sức lực, lại nhìn ngày tháng ký trên các bức tranh.
Ông hiểu, mủm mỉm cười: “Ừ, phải khoẻ mới vẽ được. Đến giờ bác vẫn vẽ thế đấy”. “Những nét thế này phải vẽ nhanh và dồn dập lắm. Chắc lúc vẽ bác như nhập đồng”. “Lúc nào vẽ bác cũng ở trạng thái xuất thần”.
Tôi nhìn ông, gương mặt sáng, nước da trong, hiền hậu. Áo dạ mỏng màu ghi, khăn quàng len mỏng màu đen điểm trắng, mũ lưỡi trai màu be, quần len màu ghi đậm. Giọng nói từ tốn, nhẹ nhàng. Đôi mắt nhỏ, khiêm nhường nhìn lên qua cặp kính. Trông ông hiền thế này mà xem tranh lại thấy một tâm hồn mãnh liệt, nhức nhối, sục sôi.
Ngắm thật lâu từng bức tranh, tôi nói: “Bác vẽ gần trừu tượng vì vẫn giữ vài nét của hiện thực”. Ông nhỏ nhẹ: “Bác vẫn muốn giữ chút ít hiện thực để làm đường dây nối mình với người xem”.
Tranh của ông thấp thoáng những đường cong của núi, mái nhà, hình lá, thân cây, chỉ một vài nét mơ hồ níu giữ hiện thực. Ông vẫn gắn với đời sống, mảnh đất mà nghệ thuật của ông cắm rễ.
“Hoàn toàn trừu tượng như Kandinsky thì khó, ông ta phải viết bao nhiêu sách lý luận để đỡ cho nghệ thuật của mình. Nhưng cũng chẳng nên để lý luận chỉ đạo mình”.
Một chủ đề, một đối tượng ẩn nấp đâu đó như cái mỏ neo vô hình, mong manh níu giữ hiện thực. Chính vì thế ông vẫn đặt tên tranh: “Công viên”, “Sa Pa”, “Cây Hà Nội”, “Cọ”, “Làng cổ”… Không định thế mà chỉ làm đúng như mình cảm, đúng với mình, thế này hay thế kia, đâu phải muốn mà được. Cái chập chờn, bay bổng, hoà tan mà không hoà tan ấy làm nên phong cách riêng của ông. Đôi khi cái mỏ neo mong manh chìm vào tổng thể, như trong loạt tranh Cây, vẫn hồn nhiên và không định trước. Sự hồn nhiên và không chịu trách nhiệm về sự thành hình và cái đẹp của tác phẩm làm tôi nhớ đến phúng dụ “Cây” của Klee. “Người nghệ sĩ ở vào vị trí khá khiêm nhường. Anh ta không làm gì cả, chỉ là thân cây, anh ta đón nhận những gì ở sâu dưới đất và chuyển lên cao. Anh ta không nhận trách nhiệm về cái đẹp của các tán cây, cái đẹp được chuyển qua anh ta”.
Loạt tranh mang chủ đề Cây, các đường sổ đỏ quyết liệt đè lên các đường sổ đen, các phẩy ghi sẫm lướt trên phẩy ghi nhạt… Người quen với tranh trừu tượng sẽ thấy đó là những bức tranh không chủ đề, đối tượng mà là tổng hợp hài hoà của những nét sổ dài đan xen. Tưởng rối tung nhưng rành rẽ, càng nhìn càng tách bạch, các tầng, lớp màu, đường nét. Chúng hiện ra cạnh nhau, chồng lên nhau trong một âm hưởng hoà tấu bí ẩn. Một nét màu lé ra, một nét sổ dọc, một nét chấm cũng khó dịch chuyển hay thêm bớt.
“Mình sống vì nghệ thuật thì nghệ thuật cứu mình”, tôi không nhớ rõ lời ông nói vì ông nói nhẹ như hơi thở mà tim tôi đập rộn ràng quá.
Ông càng lúc càng hào hứng, dừng lại rất lâu trước bức tranh tôi trầm trồ. Bức tranh dài đến 3 mét, hai thân cây lớn màu xanh lá cây đậm nổi bật, các vệt sổ dọc ngang bạo liệt, các vệt đỏ, da cam lấp ló… Màu sắc, đường nét xô đẩy, đan chen hài hoà. Càng ngắm càng không dứt ra được. “Màu sắc tươi sáng, mạnh mẽ quá”, tôi tự nhủ, “phải là bậc thầy mới có thể sổ những nét lớn, dứt khoát như thế, phải là bậc thầy thì bố cục tranh mới hài hoà như thế. Cả bức tranh lớn với hàng trăm nét dọc ngang mà vẫn uyển chuyển, nhịp nhàng, càng nhìn càng thấy như bức tranh đang chuyển động, mở ra mãi các tầng sâu của nó”.
Thấy tôi ngắm lâu, ông thủ thỉ: “Cái làm nên chiều sâu của bức tranh là cái hồn người vẽ cộng với kiến thức về hội hoạ, cộng với tự rèn luyện qua công việc. Chính công việc dạy mình. Lý thuyết phải nhuần nhuyễn để trở thành của mình. Kiến thức không đủ mà làm việc không cũng không đủ, cần cả hai”. “Lúc nào bác cũng cố gắng mới. Gọi là mới so với mình, còn cách tân gì thì họ cũng đã làm hết từ đầu thế kỷ trước. Động đâu cũng đã có người làm rồi, nên cái khó là phải tìm ra con đường riêng cho mình. Nghệ thuật mênh mang lắm, khó lắm…”, ông cười nhỏ nhẹ, điềm đạm.
Không muốn lặp lại, mỗi lần vẽ là phải mới. Ông bảo muốn vẽ tranh biểu hiện. Thôi thì cứ phải xếp mình vào một dòng nào đó vì người sáng tác sau thời kì nở bung sáng tạo đầu thế kỉ 20 quay đâu cũng chạm. Chẳng có gì là chưa từng làm, chưa từng khám phá, thử nghiệm, từ ấn tượng, lập thể, biểu hiện, trừu tượng, Action painting… Hội hoạ giá vẽ đi từ cuộc phiêu lưu này sang cuộc phiêu lưu khác để rồi sự bế tắc thoát ra những con đường mới như pop art, ảnh nghệ thuật, sắp đặt, video art… Nhưng nghệ thuật vẫn mãi vươn những cành mới bởi mỗi nghệ sĩ đích thực đều tìm được con đường riêng của mình để đến với cái đẹp.
Ông để toan trắng trên tường, vẽ không có phác thảo, thậm chí cả màu cũng không dùng bảng pha màu mà vẩy thẳng lên mặt toan. “Bác chủ yếu dùng nguyên màu, không pha”. Các bức nu của bác đẹp mạnh mẽ, mang đậm phong cách Trần Lưu Hậu. Các nhát bút mạnh, các mảng màu dữ dội vuột ra, hiển lộ bản năng thẳm sâu, những ngóc ngách riêng tư thân phận của người đàn bà. Có một số bức, họ như đang bốc cháy bởi ngọn lửa nội tại, họ đang tự thiêu. Người xem choáng váng bởi sức biểu hiện quá mạnh, quá trực tiếp. Đập vào mắt người xem là những khoảnh khắc đàn bà rực cháy, trần trụi đến phơi cả ruột gan. Các bức nu này không chớp lấy nét đẹp yêu kiều của phái nữ mà khoảnh khắc phát lộ bản năng, những phút giây đàn bà tột đỉnh đàn bà.
Trong các bức nu đó, có bức cô gái ngồi, cúi đầu, các mảng đen dọc thân, bụng và đùi, những vệt màu đỏ loang lổ bên dưới. Cô ta cúi xuống, nhìn sâu vào những góc kín đen tối của thân phận mình. Cô ta cúi xuống máu huyết chảy ra từ cơ thể mình. Cô ta trần trụi đàn bà. Bức tranh đẹp đến lặng người.
Xưởng vẽ của ông chứa rất nhiều tranh dựng vào nhau như một cái kho. Giá vẽ đứng sừng sững giữa gian phòng rộng thênh thang như chờ đợi. Xem chân dung tự hoạ, thấy được Trần Lưu Hậu ở những khoảnh khắc thật nhất, Trần Lưu Hậu dưới cái nhìn thấu suốt bản thân, một Trần Lưu Hậu che mình dưới cặp kính trắng như chiếc mặt nạ nhưng không che được bóng tối nội tâm đen đặc, một Trần Lưu Hậu xệch xoạc cười, một Trần Lưu Hậu như chiếc đầu lâu tự xoá, một người quan sát khắc nghiệt, một lão già mệt mỏi, một con người khắc khổ suy tư… Có một bức tôi phải thốt lên: “Ôi, bức này bác chỉ thiếu nước cắt tai như Van Gogh”. Ông rủ rỉ: “Đời bác cũng có nhiều chuyện khổ, khổ nhiều, khổ lâu lắm…”.
Ông lặng đi, đượm buồn.
Mỗi bức tranh là một thể nghiệm, một cuộc thử sức, một lần chạm vào giới hạn của mình, phá tung nó. Các thử nghiệm khác nhau, cách thể hiện khác nhau, đường nét tự tìm thấy liên kết, màu sắc và nét bút đều là những kẻ sai bảo của tình cảm. Màu sắc mạnh, những nét bút tài tình phất qua nhưng không thể khác để tạo nên một bức tranh đẹp, để lột tả đến tận cùng cái thần, tâm trạng, nội tâm. Những vệt bút dài, những phẩy màu được chọn đều toát lên tầm cỡ bậc thầy. Bằng một tập hợp nét sổ, nét phẩy và màu sắc, tâm hồn lãng mạn, đa cảm, rối bời đến thẳng với người xem bằng con đường trực tiếp nhất. Sáng tác của ông phong phú, trẻ trung, nét bút rất khỏe, tranh tràn trề năng lượng đến nỗi thi thoảng tôi phải quay sang ngắm ông. Một bức tranh lớn, làm sao phủ kín được một diện tích rộng như vậy, nếu không có hồn, chưa nói đến kiến thức không đủ, ý tưởng không có, tay nghề không cao…
“Ông là người nghệ sĩ tài năng có sức làm việc phi thường”. - Tôi tự nhủ, lòng rạo rực xúc động trong thế giới của ông.
Vũ Hoàng Hoa
Comment