Siêu độ cho mình
Nhà thầy Năm Song ở xẻo Cóc Kèn.
Xẻo Cóc Kèn thuộc xóm Sài Gòn - Xóm Sài Gòn ở đây không phải là Hòn Ngọc Viễn Ðông hoa lệ có đông dân, mà nó chỉ là một xóm nhỏ, ẩn mình bên bờ kinh xáng Xà Mân. Nhưng vì nó có quá nhiều cái xẻo dọc ngang, nếu người lạ bơi xuồng một mình vô xóm Sài Gòn thì chắc chắn sẽ bị lạc - mà tỉ như có lạc thì cũng không sao, bởi bơi hoài thế nào cũng vòng lại chỗ cũ. Vì có nhiều cái xẻo như vậy, nên người ta hễ thấy cái xẻo nào có cây gì nhiều thì cứ đè ra mà đặt tên theo cây đó. Chẳng hạn như xẻo Ô Rô, xẻo Mái Dầm, xẻo Cóc Kèn.
Ðồn rằng, hồi còn trẻ Năm Song là một tay quậy phá xám hồn. Có lần nhà thầy gả chị gái, người ta dọn sẵn ba cái bàn với 24 cái ghế (hồi đó đám cưới mỗi bàn chỉ có tám người, chứ không như bây giờ mỗi bàn có tới mười người) để đãi đàng trai qua rước dâu. Không biết ai chỉ mà Năm Song hái trái cóc kèn chà lên tất cả các mặt ghế. Ðàng trai ngồi xuống, miễn ngồi yên thì thôi, mà hễ lúc lắc một cái là "xì hơi" cái "tủng" - mà người ta chứ đâu phải cái tượng, nhất là đàng trai đã ngồi tum húm dưới ghe cả mấy tiếng đồng hồ, khi lên bờ cần phải co duỗi, vặn vẹo cho bớt mỏi chân, đau lưng - nên tất cả từ ông già, bà lão cho tới các cô mắt xanh, các chàng tóc tém bảy ba dù có cố ém cỡ nào đi nữa thì cũng phải làm cái "tủng". Vì nhiều cái "tủng" cộng hưởng nên làm rung rinh cái rạp.
Cũng đồn rằng, mười sáu tháng ba năm ấy ngoài đình thần - thờ vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực - có gánh hát bội về hát cúng đình, tuồng Lưu Kim Ðính Giải Giá Thọ Châu, người ta ngồi xếp lớp trước sân đình để coi, Năm Song chỉ việc lấy bọc ghim tây đã thủ sẵn trong mình ra, ghim vạt áo người này vào vạt áo người kia, vạt áo người kia vào vạt áo người nọ. Khi vãn tuồng người ta kéo nhau ra về thì người này dính người kia, người kia dính người nọ kêu la ỏm tỏi, rủa xả vang trời. Còn Năm Song thì ôm bụng cười muốn... gãy mười cái răng.
Lại cũng đồn rằng, có gánh hát bù tèo về xóm Sài Gòn bông rạp, bán vé lấy tiền, khi vãn hát, Năm Song đứng ở cửa rạp, chắp hai tay sau đít, các cô các bà ở đằng sau lấn tới, cứ vậy mà ịnh... lên, Năm Song cũng cứ vậy mà nắm tay lại là bắt... dính liền. Các cô, các bà la bể trời, còn Năm Song thì cười bể đất.
Những chuyện về Năm Song có thiệt bao nhiêu phần trăm thì không ai biết, nhưng có điều người ta biết - có người còn dám cam đoan - Năm Song uống rượu như uống nước lã, ngàn ly không say, cỡ chừng nhân vật cổ quái trong truyện chưởng của Kim Dung, uống rượu bằng miệng mà vận nội công ép rượu bắn ra ở các đầu ngón tay. Duy nhất có một lần anh ta say.
Lần đó, Năm Song đi đám cưới của một người giàu nhất xóm Sài Gòn, đãi tiệc tới ba ngày ba đêm. Năm Song cũng uống đủ cả ba ngày ba đêm. Và, khi về tới nhà thì anh cũng ngủ liền tù tì ba ngày ba đêm, kêu réo cỡ nào cũng không thức, làm ba má, chị em của anh sợ hết hồn, hết vía. Họ phải đi rước một y sĩ ở trạm xá xã về coi bệnh cho anh.
Khám xong, người y sĩ nói:
- Không có làm sao đâu.
Má Năm Song bảo:
- Nhưng nó đã ngủ gần hai ngày rồi.
Người y sĩ nói chắc:
- Tại uống rượu nhiều quá, nên xỉn mà ngủ vùi thôi.
Má Năm Song vẫn chưa yên tâm.
- Sao tui lo quá.
Người y sĩ cho biết:
- Mạch, huyết áp tất cả đều bình thường.
Khi thức dậy thì ở Năm Song xảy ra ba chuyện lạ - mà dân xẻo Cóc Kèn cho là lạ nhất thế gian. Chuyện thứ nhất, là Năm Song dứt rượu một cái rẹt như đứt sợi dây đờn. Chuyện thứ hai, là Năm Song cạo cái đầu trọc bon. Chuyện thứ ba, là Năm Song đi thỉnh kinh về học để làm thầy tụng. Chuyện thứ nhất thì gia đình Năm Song hoàn toàn hưởng ứng. Chuyện thứ hai thì họ cảm thấy không hài lòng, nhưng cũng chỉ rầy rà qua loa chút đỉnh. Còn chuyện thứ ba thì họ phản đối dữ dội. Cũng phải thôi, vì ba má của Năm Song chỉ có anh là con trai duy nhất.
Bà già hỏi:
- Bộ mầy muốn cho cái dòng họ Lương nhà mày không còn ai nhang khói, giỗ quải gì sao, hả Song?
Năm Song nói:
- Má sao còn phong kiến quá hà. Con trai hay con gái, cháu nội hay cháu ngoại gì mà không như nhau chứ, ai thờ cúng ông bà tổ tiên lại không được? Vả lại, thầy tụng đi cưới vợ thì có ai ngăn cấm đâu.
Ông già nạt:
- Mầy bị điên rồi chắc? Mấy tay thầy tụng là người ta đã có vợ, có con rồi mới đi tụng niệm. Còn mầy, thanh niên trai tráng mà đi tụng niệm thì có ma trơi, quỉ sứ, cô hồn các đảng nó lấy chớ con gái nào dám lấy. Tao nói vậy có đúng không?
Bà già tiếp:
- Tía con nói phải đó, Song. Mà má cũng hổng biết sao, con ngủ một giấc ba ngày, rồi khi thức dậy lại làm cái chuyện gì đâu không hà. Hay là con bị đi thiếp, rồi bị ma quỉ nó xúi giục.
Năm Song ngậm cà na. Mà cũng chính vì cái ngậm cà na của Năm Song nên mãi mãi chúng ta không được biết trong giấc ngủ dài đó đã xảy ra chuyện gì với anh, làm cho anh hoàn toàn biến thành một con người khác.
Song, cũng có nhiều người đoán già, đoán non rằng, Năm Song là kiếp sau của một ông thầy tụng danh tiếng lẫn đức hạnh cao thâm ở xóm Sài Gòn này hồi mấy chục năm trước. Hay là, cái số của Năm Song đã được định sẵn phải làm thầy tụng để siêu độ cho người, nên thánh thần mới chỉ nghề trong giấc ngủ. Hoặc giả, Năm Song tự tạo ra điều huyễn hoặc để thổi phồng mình. Hư hư, thực thực không biết tin ai?
Năm Song thở dài:
- Thôi, tía má đừng nói nữa, ý con đã quyết rồi.
Biết không thể lay chuyển được Năm Song, ba má anh chỉ còn biết ngậm ngùi, phó thác con trai mình cho số mệnh.
Về phía Năm Song, kinh kệ đã học thuộc làu làu cả năm trời mà không có đám nào tới rước. Không phải là không có người chết, chỉ tại người ta không tin rằng Năm Song có thể tụng được, vì anh còn trẻ quá, mới có hai mươi hai tuổi thôi. Rồi một ngày kia có mấy cái đám ma trùng nhau, mấy ông thầy tụng ở xóm Sài Gòn bị người ta thỉnh đi hết trơn. Có một đám, con cháu đã ra tới ngoài chợ huyện rước mà cũng không có, đối đế quá họ bàn nhau rước đại Năm Song về tụng. Ðồ nghề của Năm Song cũng đầy đủ không thua kém bất cứ một ông thầy tụng chuyên nghiệp nào, cũng cái rương bằng cây to đùng, cũng cái áo cà sa mầu vàng đậm, cũng tượng Phật Tổ Như Lai, lư hương, chuông và dùi chuông, mõ và dùi mõ, đẫu và dùi đẫu... chỉ khác những ông thầy tụng khác một chút là Năm Song không có mang theo cuốn kinh nào.
Khi đến tang gia, Năm Song cũng thực hiện nghi thức ban đầu là kiểm tra xác chết, tụng nhập mạch để tẩy rửa thân xác bằng phép, tẩy mộc khi khâm liệm, thỉnh tổ, phát tang, rồi cúng vong. Những người lớn tuổi có chút hiểu biết về nghi thức ma chay, hay đã từng nhìn thấy những ông thầy tụng hành lễ trong đám tang nào đó thì trầm trồ lẫn ngạc nhiên.
Một người nói:
- Nó học hồi nào mà rành dữ vậy ta.
Một người khác:
- Hồi nào tới giờ tui đâu nghe ai nói nó biết.
Một người khác nữa:
- Làm có bài bản dễ sợ.
Mặc, ai nói gì thì nói, ai bàn ra tán vào thì bàn thì tán, Năm Song vẫn lẳng lặng tiến hành công việc của một thầy tụng.
Rồi đến phần tụng niệm, khi Năm Song cất tiếng niệm hồi kinh Di Ðà đầu tiên - mà không hề có quyển kinh giở ra trên bàn tụng - thì cả đám tang đang nhốn nháo, bỗng dưng im bặt, chỉ còn nghe tiếng tụng lúc trầm, lúc bổng vừa êm ái vừa buồn thê lương, lại nhẹ nhàng như tiếng vọng của người quá cố đang thì thầm bên tai. Rồi tiếp đến, Năm Song tụng hồi kinh Sám hối, kinh Vu lan (Vu lan bồn - Mục Kiền Liên tìm mẹ và Vu lan báo hiếu - công ơn sinh thành) thì những tiếng sụt sịt nổi lên, những giọt nước mắt lăn dài xuống má, không chỉ người thân của người quá cố, mà cả những người hàng xóm đến dự đám tang. Vì tiếng tụng của Năm Song không còn là của Năm Song nữa, nó quyến rũ như ma quái nhưng lại rất thần tiên...
Rồi đến bốn giờ sáng, Năm Song tụng thêm hồi kinh Lăng Nghiêm - sau này có đám Năm Song tụng hồi kinh Thập Chú - đầy đặn 45 phút, không hơn không kém, những người mệt mỏi thiếp đi cũng phải ngồi bật dậy để lắng nghe tiếng tụng kỳ quặc gần mà như xa, xa mà như gần của Năm Song. Rồi, khi chuẩn bị an táng người quá cố, Năm Song cũng tiến hành nghi thức khai triện, cúng vong, dẫn vong thành thạo... Và cũng từ đó người ta không gọi Năm Song bằng nó nữa, mà gọi anh bằng thầy đầy tôn kính.
Tang chủ hỏi:
- Thầy ăn bao nhiêu, xin nói để con đưa?
Thầy không đáp, mà với tay lấy tờ giấy bạc, trong cái dĩa đặt tiền tổ, đưa lại cho chủ nhà. Rồi nói:
- Ta đang siêu độ cho ta.
Từ đó, thầy nổi danh xa gần. Lẽ thường trong điện ảnh, âm nhạc lẫn nhan sắc... khi nổi tiếng thì người ta không được nghỉ ngơi, vì phải tiếp quá nhiều báo đài và phải chạy quá nhiều sô từ ta sang tây. Và rồi, cũng nhanh chóng trở nên giàu có ở nhà lầu, đi xe hơi, xài dế đời mới nhất, số đẹp nhất... và cũng đỏng đảnh nhất. Còn với Năm Song? Khi đã nổi tiếng thì thầy cũng không được nghỉ ngơi, vì phải đi tụng hết đám này tới đám khác từ đám ma, cho tới làm tuần, xả tang và cũng càng lúc càng nghèo đi, vì không lấy một đồng xu, cắc bạc nào của bất kỳ ai, dù cho tang chủ giàu hay nghèo. Thầy không có nhà lầu mà vẫn ở trong căn nhà lụp xụp trên bờ xẻo Cóc Kèn với cha mẹ. Ngoài những khi đi tụng niệm thầy vẫn lội ruộng cấy lúa, gặt hái, cuốc đất trồng khoai, để kiếm miếng ăn no cái bụng mà đi siêu độ cho người.
Rồi một ngày kia, sau gần 30 năm đi siêu độ cho người, thầy ngã bệnh. Người nhà của thầy đưa thầy lên bệnh viện, bác sĩ truyền dịch, cơ thể của thầy không tiếp nhận. Thầy bảo người nhà đưa về và giúp thầy tắm rửa sạch sẽ, rồi đỡ thầy lên giường nằm. Và, dặn dò rằng:
- Khi tôi chết, hãy thủy táng tôi dưới xẻo Cóc Kèn này, cái chỗ dành tôi nằm xin nhường cho người khác. Và tuyệt đối không được rước thầy về siêu độ cho tôi. Vì cả đời tôi, tôi không làm chuyện gì ác với ai, tôi chỉ làm cho người sống cười và đưa người chết về miền cực lạc, thì tất nhiên khi chết tôi sẽ được siêu thoát.
Nói xong thầy hóa.
Ðó là ngày rằm tháng bảy âm lịch năm 2005.
Nhưng thật đáng tiếc, những người thân của thầy đã không thực hiện theo hai di nguyện của thầy. Vì một lẽ rất đơn giản, ở cái xẻo Cóc Kèn này xưa nay chưa hề có hai tiền lệ đó bao giờ. Thầy Năm Song vẫn được chôn ở nhị tì của xẻo Cóc Kèn và ông thầy cúng vẫn lấy tiền công siêu độ. Ðồn rằng, vì không được thực hiện theo di nguyện, nên vong hồn thầy tức tối không chịu đi, nhiều đêm nghe thầy la hét ngoài mộ. Bạn có tin không?
Chứ còn tôi tuyệt nhiên không tin điều đó.
Trần Hồng Long