
Hình chụp tại Paris năm 1863, hiện lưu trữ ở Viện Bảo Tàng Nhân Chủng Paris

Phan Thanh Giản (1796 -1867 )
Phan Thanh Giản tự Tịnh Bá hay Đạm Như, hiệu Lương Khê, biệt hiệu Mai Xuyên sinh năm 1796 tại làng Tân Thạnh, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh nay là làng Bảo Thạnh quận Ba Tri tỉnh Kiến Hòa.
Thân phụ ông là Phan Thanh Ngạn hiệu Mai Dã, năm lên bảy, mẹ ông mất, cha ông cưới bà Trần Thị Dưỡng, bà là một bậc hiền mẫu nên lo cho ông học với nhà sư Nguyễn Văn Noa ở làng Phú Ngãi. Cha ông vì tính cương trực nên bị quan trên hãm hại, bị giam trong ngục ba năm rồi sau lại bị khép tội và kết án thêm một năm tù. Lúc ấy ông được hai mươi tuổi, trong khi cha bị tù, ông lên Vĩnh Long lo việc phụng dưỡng cho cha, thấy ông hiếu thảo nên Hiệp Trấn Lương cảm thương, khi cha ông mãn tù, cha ông trở về quê nhà còn ông thì được Hiệp Trấn Lương khuyên ở lại Vĩnh Long cấp cho sách vở đi học.
Năm Ất Đậu 1825, thi Hương tại trường Gia Định, ông đỗ Cử nhân. Năm Bính Tuất 1826, tại kinh đô Huế dự thi Hội ông đỗ Tiến sĩ, ông là vị tiến sĩ đầu tiên của miền Nam, khi đi thi Hội ông đã làm tập Du kinh.
Sau khi thi đỗ, ông lập gia đình với bà Nguyễn Thị Mỹ người làng Mỹ Lộc, huyện Phước Lộc, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay là Cần Giuộc).
Tháng 8 năm ấy ông được triệu ra Huế làm Hàn Lâm viện biên tu. Thi văn ông còn để lại bài thơ “Ký nội”, có lẽ ông sáng tác trong lúc này :
Từ thuở vương se mối chỉ hồng,
Tình này ghi tạc có non song.
Đường mây cười kẻ ham dong ruổi,
Trướng liễu thương ai chịu lạnh lùng.
Ơn nước nợ trai đành nỗi bận,
Cha già, nhà khó cậy nhau cùng.
Mấy lời dặn nhủ khi lâm biệt,
Rằng nhớ, rằng quên lòng hỡi lòng?
Năm 1827, bà Nguyễn Thị Mỹ hạ sinh một gái, nhưng không thọ mà sau đó bà cũng qua đời. Năm sau khi lãnh chức Tham hiệp tỉnh Quảng Bình, ông cưới con gái của Án sát trí sĩ Trần Công Án là bà Trần Thị Hoạch ở làng Đơn Duệ, huyện Minh Linh, tỉnh Quảng Trị. Sau khi cưới xong, ông nhờ vợ vào Nam nuôi dưỡng cha già.
Dưới triều Minh Mạng
Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), Phan Thanh Giản được cử làm Hiệp Trấn Quảng Nam, trong tỉnh có giặc do tên Cao Gồng cầm đầu, chúng quấy phá nên Phan Thanh Giản cầm quân đi dẹp, nhưng thua trận nên vua cách hết chức tước và bắt làm lính tiền quân, tuân lệnh vua, mỗi khi ra trận ông lại đi đầu chẳng quảng sinh tử. Khi dẹp giặc yên, ông được cử đi công cán ở Singapour.
Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), ông được cử làm Phó sứ (đi sứ nhà Thanh), khi đi ngang qua ải Đồng Quan ông có thơ vịnh :
Buổi sứ trình đêm mưa ngày tuyết,
Bạn cố tri mảnh nguyệt quan san.
Rạng ngày đến cửa Đồng Quan,
Tiếng xưa thập khứ nhứt hoàn là đây.
Trong thời gian đi sứ, ông có sáng tác một số thi văn làm thành tập Kim đài thi tập. Tháng 3 năm Minh Mạng thứ 15 (1834), sứ bộ trở về vua thăng chức Đại lý Tự khanh (chánh tam phẩm), kiêm Hình bộ sự vụ, sung Cơ mật viện đại thần.
Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), sau khi Trường Minh Giảng lập công chúa Ang-Mey (con vua Nặc Ông Chân vừa mới mất) lên làm quận chúa và đổi tên Chân Lạp là trấn Tây Thành, vua sai Phan Thanh Giản đi kinh lược, lúc đi ông có gửi thư cho Phan Thanh Ngạn lên Vĩnh Long chờ lúc ông làm xong nhiệm vụ, trên đường về kinh có dịp thăm cha, chớ ông không nghĩ đến việc về quê thăm cha và vợ sợ bê trễ quốc sự, chứng tỏ ông là người trung hiếu vẹn toàn. Sau khi về kinh, ông lại lãnh chức Quảng Nam Bố chánh và quyền lãnh chức Tuần phủ.
Tháng giêng năm Minh Mạng thứ 17 (1836), vua thấy trong nước yên ổn nên muốn viếng thăm tỉnh Quảng Nam, Phan Thanh Giản dâng sớ tâu “Được nghe trong mùa hạ, nhà vua sẽ tuần hạnh Quảng Nam, hạt dân thảy đều mừng rỡ, nhưng năm này trời hạn, dân đói, lại thêm tháng tư, tháng năm là lúc làm mùa, xin nhà vua tạm đình việc ấy....” Vua không được hài lòng về việc này, bèn sai Ngự Sử Võ Duy Tân đi kinh lược. Võ Duy Tân về tâu lại là nhân dân mong vua ngự đến mà trong tỉnh thì việc chánh trị trễ nãi, còn quan lại thì làm điều nhũng tệ, vua Minh Mạng tin lời nên giáng Phan Thanh Giản làm Lục phẩm thuộc viên cũng tại Quảng Nam, công việc của ông lúc ấy là quét dọn bàn ghế ở công đường. Giữ việc giấy tờ để các quan sai phái, vài tháng sau Phan Thanh Giản lại được cất nhắc lên chức Nội các thừa chỉ, sau lại thăng Hộ bộ lang trung, giữ chức Biện lý trong Bộ hộ rồi làm Lễ bộ lang trung.
Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), vì người trong Quang Lộc tự làm không đúng lễ nên ông bị giáng hai cấp. Sau ông lại thăng Hộ bộ lang trung và được phái làm Thừa thiên đường Phó chủ khảo, cùng năm này ông được thăng Hộ bộ Hữu thị lang, sung Cơ mật viện đại thần, rồi phụng chỉ làm bộ Minh Mạng chánh yếu.
Năm Minh Mạng thứ 19 (1838), có sớ thuộc về Hộ bộ, sau khi vua phê xong, nhằm ngày ông thị sự mà không đóng ấn vào tờ châu phê ấy, nên vua giáng ông xuống làm Lang trung biện lý bộ vụ, sai vào vùng “Chiên đàn nguyên” (chổ Cao Gồng làm loạn khi trước) thuộc tỉnh Quảng Nam trông coi việc khai mỏ vàng, sau ra Thái Nguyên trông coi việc khai mỏ bạc.
Năm Minh Mạng thứ 20 (1839), vua đòi Phan Thanh Giản về làm thông chánh Phó sứ (Thuộc ty thông chánh sứ, chuyên coi về việc các tỉnh có biểu chương hoặc công văn chuyển về kinh thì Ty này chuyển lại cho các bộ. Trước thuộc bộ binh trông coi, từ năm 1834 mới đặt thành một Ty)
Năm Minh Mạng thứ 21 (1840), khi làm Thừa Thiên trường phó chủ khảo, có sĩ tử Mai Trước Tòng làm bài phú trùng vận mà ông không kiểm soát kỹ, nên bị vua giáng một cấp.
Dưới triều Thiệu Trị
Dưới triều Thiệu Trị (1841-1847), năm đầu ông được thăng Binh bộ hữu tham tri sung cơ mật viện, được cử làm Hà Nội trường chánh chủ khảo.
Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), Phan Thanh Ngạn tạ thế, vua có ban vàng bạc cho ông về Tống táng, sau khi mãn hạn ông phải trở về kinh, có lẽ lúc từ giã Phan Thanh Nhơn bịnh rịn nên ông có làm bài thơ tứ tuyệt :
Thương vua mến chúa phải ra đi,
Bịnh rịn làm chi thói nữ nhi.
Muôn dặm trường an mau trở lại,
Vào chầu bệ ngọc hở (?) lòng suy.
Năm Thiệu Tri thứ 4 (1844), ông được thăng Tả phó Đô ngự sử, năm 1846 thự Hình bộ Thượng thư, sau đổi làm Thự lễ Bộ thượng thư. Năm Thiệu trị thứ 7 (1847), là năm Đại kế (xét công cán các quan trong triều) vua Thiệu Trị có ra chỉ dụ ban khen Phan Thanh Giản là có công khó nhọc lo lắng việc biên thùy giữ gìn nơi kinh nội đâu đó đều xong. Nên sau đó ông được thăng Hình bộ Thượng thư. Suốt triều vua Thiệu Trị ông đều luôn luôn được sung Cơ mật viện.
Dưới triều Tự Đức
Đến Tự Đức nguyên niên (1848), Phan Thanh Giản được bổ qua Lại bộ Thượng thư sung Cơ mật việc đại thần, được bổ làm Hội thí trường chủ khảo và lãnh chức Kinh diên giảng quan để đọc sách, cắt nghĩa cho vua nghe.
Năm 1850, Phan Thanh Giản lãnh chức Tả Kỳ kinh lược đại sứ lãnh Bình phủ Tổng đốc và kiêm cả Thuận khánh đạo.
Năm 1851, Phan thanh Giản được bổ làm Nam kỳ kinh lược phó sứ, đến năm 1853, ông được triệu về kinh thăng Hiệp biện đại học sĩ (Tòng nhất phẩm) lãnh Binh bộ Thượng thư và lãnh làm bộ Khâm định việt sử thông giám cương mục.
Năm 1862, ông được cử làm Nghị hòa chánh sứ toàn quyền đại thần để thương nghị với Pháp ở Gia Định, rồi ông phải ký hòa ước Nhâm Tuất với Đề đốc Bonard (Pháp) và Đại tá Palanca (Y-pha-nho). Sau khi ký hòa ước ông và Phó sứ Lâm Duy Hiệp bị triều đình quở trách và xuống án cách lưu, Phan Thanh Giản làm Tổng đốc Vĩnh Long, còn Lâm Duy Tiếp làm Tuần phủ Khánh Thuận.
Năm 1863, ông được cử làm Như Tây chánh sứ, Phó sứ Phạm Phú Thứ, Bồi sứ Nguy Khắc Đản, cùng với 60 tùy viên ( 1 ) đi với các quan Pháp và Y-pha-nho, trong phái đoàn Pháp còn có Trương Vĩnh Ký và Tôn Thọ Tường. Nhiệm vụ của Phái bộ Việt Nam là sang Pháp yết kiến Pháp hoàng để xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông, Phái bộ được Pháp hoàng là Napoléon đệ tam tiếp kiến, nhưng việc thương lượng Pháp hoàng còn hẹn sẽ bàn lại sau. Phái bộ cũng được Nữ hoàng Tây Ban Nha Isabelle tiếp kiến.
Trong thời gian đi sứ ông có sáng tác hai bài thơ Nôm “Đi sứ sang Pháp” như sau :
I
Chín từng lồng lộng giữa trời thinh,
Phụng chỉ ra đi buổi sứ trình.
Lo nỗi nước kia cơn phiến biến,
Thương bề dân nọ cuộc giao chinh.
Ngàn trùng biển cả sang Tây địa,
Muôn dặm đàng xa thẳng đế kinh.
Mấy bước sang qua cùng Pháp quốc,
Rước đưa mừng rỡ việc hòa ninh.
II
Chút nghĩa vương mang phải gắng đi,
Tang bồng đành rõ chí nam nhi.
Thuyền ngo phơi phới giăng hòn bạc,
Khói đá phăng phăng lướt tích ti.
La Hán giăng tay hào khách đến,
Nước lũ non sông ngóng lúc về.
Tên cỏ cung dâu là chí trẻ,
Danh mà chi đó lợi mà chi?
Tôn Thọ Tường có họa vận :
Múa gươm quăng chén cất mà đi,
Bịn rịn đâu màng thói nữ nhi.
Mấy khói một màu thuyền thoát thoát,
Biển trời muôn dặm núi ti ti.
Phương xa xe ngựa ngừa khi đến,
Nước lũ non sông ngóng lúc về.
Tên cỏ cung dâu là chí trẻ,
Danh mà chi đó lợi mà chi.
Thời gian đi sứ ông có sáng tácSứ trình nhật ký. Đi sứ về năm 1864, sau khi tâu bày mọi lẽ, ông có trình vua Tự Đức biết sự văn minh của Tây phương, trong đó có câu:
Bá ban xảo kể tề thiên địa,
Duy hữu tử sanh tạo hóa quyền.
Nghĩa là :
Trăm bề tinh xảo bằng trời đất,
chỉ có việc sống chết là quyền của tạo hóa mà thôi.
Theo đó ông xin vua thật tình giao hảo với người Pháp, giao thiệp với các nước và buôn bán với họ, cho người đi du học sửa đổi việc nước như Pháp để cho quốc gia trở nên hùng mạnh, nhưng vua không y tấu, triều đình cũng không chịu tin lời ông để sửa đổi nên ông có làm bài “Tự thán” :
Từ ngày đi sứ đến Tây kinh,
Thấy việc Âu Châu phải giựt mình.
Kêu tỉnh đồng bang mau kịp bước,
Hết lời năn nỉ chẳng ai tin.
Năm này, ông được cử làm Hộ bộ Thượng thư, rồi được cử làm Chánh sứ toàn quyền đại thần, để nghị hòa với toàn quyền Auberet vừa ở Pháp sang, nhưng cuộc thương nghị không mang lại kết quả.
Năm 1865, có sớ của Tổng đốc Vĩnh Long Trương Văn Uyển về tình hình ba tỉnh miền Tây, ông được cử làm Kinh lược sứ vào trấn nhậm tại tỉnh Vĩnh Long. Đến Vĩnh Long, ông ra cáo thị hiểu dụ dân chúng lo làm ăn, học tập và ông lo dời mộ Võ Trường Toản về quê ông.
Năm Tự Đức thứ 20 (1867), nửa đêm 19 tháng 5, Đô đốc De Lagrandière đem binh thuyền từ Định Tường đến Vĩnh Long, đưa tối hậu thơ cho Phan Thanh Giản bảo phải nhường ba tỉnh miền Tây, Tổng đốc Trương Văn Uyển cùng các quan võ xin chống cự, còn ông cho biết, ông có trách nhiệm giữ thành, khi giặc đến phải liều thân đến thác để giữ thành thì rạng danh, nhưng đem sức đọ nhau thì không bằng họ, rồi cũng thua mà còn làm cho dân chịu nạn đao binh. Nên ông chọn con đường thương thuyết.
Ông cùng với Án sát Võ Đoãn Thanh, xuống tàu L’Ondine thương thuyết với Lagrandière. De Lagrandière buộc ông phải nhường ba tỉnh miền Tây cho Pháp và phải giao tỉnh Vĩnh Long nội trong 2 tiếng đồng hồ. Trước tình hình đó, Phan Thanh Giản bằng lòng và yêu cầu đừng nhiễu hại dân lành, rồi ông trở vào thành viết văn thư gửi cho Tổng đốc An Hà Nguyễn Hữu Cơ để giao thành An Giang và Hà Tiên cho Pháp.
Thế là tỉnh Vĩnh Long mất vào sáng ngày 20/6/1867 (20 tháng 5 Đinh Mão). Còn An Giang mất đêm 21 rạng 22 và Hà Tiên mất sáng sớm ngày 24. các quan lại hai tỉnh sau bị quân Pháp bắt xuống tàu chở về Vĩnh Long. Rồi sau đó quan lại ba tỉnh miền Tây được Pháp đưa ra Bình Thuận giao trả lại cho triều đình Huế.
Sau khi thất thủ, ông xin với Lagrandière cho lấy lại tiền lương cùng binh khí trả lại cho triều đình Huế và ông làm một tờ sớ, kèm theo triều phục, ấn triện với 23 đạo sắc phong gửi về triều đình. Rồi ông tuyệt thực, trong thời gian này, ông có dặn các người con, sau khi ông chết thì đem linh cửu về an táng tại làng Bảo Thạnh, còn tấm triệu thì ghi “Đại nam hải nhai lão thơ sanh tánh Phan chi cữu” ( 2 )
Dặn ba người con là Phan Hương, Phan Liêm và Phan Tôn gìn giữ mấy bộ sách của ông để lại, lo học hành làm ăn, đừng nhận quan tước của người Pháp, phải hòa thuận, thương mến quê hương và họ hàng thân tộc. Trong thời gian này ông có làm bài “Việc nước không thành”
Trời thời đất lợi lại người hòa,
Há dễ ngồi co phải nói ra.
Lâm trả ơn vua đền nợ nước,
Đành cam gánh nặng ruổi đường xa.
Lên ghềnh xuống thác thương con trẻ,
Vượt biển trèo non quản phận già.
Cũng tưởng một lời an bốn cõi,
Nào hay ba tỉnh lại chầu ba.
Sau khi tuyệt thực 17 ngày mà không chết, ông liền hòa một chén thuốc độc hướng về Bắc lạy vọng 5 lạy, rồi ngồi xếp bằng uống cạn chén thuốc độc, để rồi từ giã cõi đời giữa đêm mồng 5 tháng 7 năm Bính Mão (4/8/1867) thọ 62 tuổi.
Khi đem linh cửu Phan Thanh Giản về làng Bảo Thạnh thì thân bằng cố hữu cũng như dân chúng lục tỉnh đều có đến đưa và chịu tang. Các quan trong ba tỉnh miền Tây đã bị Pháp bắt chở ra Huế, chỉ trừ có Phạm Viết Chánh bị bệnh nên còn ở lại, mọi người thương tiếc một vị lão thần trung hiếu lưỡng toàn. Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ ái quốc của chúng ta khi ấy đang sống tại chợ Ba Tri, có làm một bài thơ :”Điếu Phan Thanh Giản”:
Non nước tan tành hệ bởi đâu?
Dàu dàu mây trắng cõi Ngao châu : ( 4 )
Ba triều công cán vài hàng sớ,
Sáu tỉnh cang thường một gánh thâu.
Trạm Bắc ngày trông tin nhạn vắng,
Thành Nam đêm quạnh tiếng quyên sầu.
Minh tinh chín chữ ( 5 ) lòng son tạc,
Trời đất từ đây mịt gió thu.
Phạm Viết Chánh, Án sát tỉnh An giang có đôi liễn điếu :
Sổ hàng di biểu lưu thiên địa,
Nhất phiến đan tâm phó sử thư.
Nghĩa :
Đôi hàng biểu để lòa trời đất,
Một tấm lòng son tạc sử xanh.
Và sợ người đời sau không hiểu cho nỗi lòng của Phan Thanh Giản nên Phạm Viết Chánh lại có cảm tác một bài thơ để làm sáng tỏ cuộc đời và hành động cuối cùng của bậc công thần trong giai đoạn đen tối của lịch sử :
ĐIẾU PHAN THANH GIẢN
Phan công tiết nghĩa sánh cao dày,
Thương bấy vì đâu khiến chẳng may.
Hết dạ giúp vua trời đất biết,
Nát lòng vì nước quỉ thần hay.
Tuyệt lương một tháng rau xanh mặt,
Bị cách ba phen lửa đỏ mày.
Chỉn sợ sử thần biên chẳng ráo,
Tấm lòng ấm ức phải thày lay.
Triều đình Huế sau khi hay tin mất ba tỉnh miền Tây, vẫn chưa thức thời đem ông ra đình nghị, cho rằng việc mất sáu tỉnh miền Nam là do lỗi của ông, nên tước hết chức tước và đục bỏ tên ông nơi bia Tiến sĩ.
Cho đến Đồng Khánh nguyên niên (1986), đem ra nghị án và khôi phục nguyên chức cho ông là Hiệp biện đại học sĩ, lãnh Binh bộ Thượng Thư, Nam kỳ kinh lược Chánh sứ toàn quyền đại thần và cho chạm lại tên ông trên bia Tiến sĩ như cũ.
Nhưng người đời vẫn nghĩ đến sứ mệnh khó khăn và tấm gương cao cả của ông, nên có bài “Nhớ Phan Thanh Giản” sau đây :
Học rộng tài cao chẳng gặp thời,
Cho nên đành chịu bó tay thôi.
Gọi hồn non nước công đã uổng,
Thấy cảnh tang thương ứa lệ rơi.
Liều thuốc tiêu hồn rồi một kiếp,
Tấm lòng ái quốc giải muôn đời.
Lương Khê thi tập còn lưu đó,
Đọc đến ai không cảm nhớ người.
Vô danh.
Và các bài vịnh sau đây :
Tiến sĩ Nam kỳ xướng trước công.
Khôi tinh tỏ rạng khắp non sông.
Ba trào phò chúa không nguôi dạ,
Một cõi chăn dân chẳng mõi lòng.
Gặp lúc trời Nam cơn thế biến,
Tách miền biển Việt nghị hòa xong.
Lòng người đã muốn trời không vậy,
Thà thác mình đây đặng chữ trung.
*
Vận nước trong khi cuộc đổi đời,
Ra vai gánh vác một phương trời.
Thương vua phải chịu lòng đau đớn,
Vì nước cam đành lụy nhỏ rơi.
Nghĩa nặng chẳng từ cơn yếu đuối,
Thân già bao quản chốn đua bơi,
Vài lời dâng sớ liều mình thác,
Tiếng để về sau tiếc mấy đời
*.
Nằng nằng giữ vẹn tấm lòng ngay,
Nặng nhẹ không từ khổ nhọc thay.
Vì nước thương dân trời đất biết,
Thảo cha ngay chúa quỉ thần hay.
Tây kinh phụng sứ cơn già yếu,
Nam trấn cầm cờ lúc trở gay.
Biết trước chẳng cho dân chịu thác,
Một mình chịu trọn nghĩa tôi đây.
Vô danh.
Văn nghiệp Phan Thanh Giản gồm có :
-Du kinh (1826)
-Toái cầm thảo (1829)
-Kim đài thi tập (1832)
-Minh Mạng chánh yếu (1837)
-Việt sử thông giám
Và một ít thơ Nôm như :
-Ký nội.
-Gần sáng.
-Đi sứ sang Pháp.
-Việc nước không thành.
Sau đây là bài biểu của Nguyễn Thông, (bài này ghi ở sau bài biểu của Võ Trường Toản), ghi về cuộc đời và đức độ của Phan Thanh Giản
“Từ Lương Khê Phan tiên sinh tới cụ Sùng Đức Võ phu tử khoảng thời gian không mấy xa.
Sở học của Phan tiên sinh lấy chữ “Thành” làm chủ đích, trước hết lấy việc trị tính tình làm phương thiết thật.
Thời gian gần đây, tuy các nhà nho chưa xem xét tới sở học ấy, nhưng lời giảng luận xưa kia, câu biên chép còn xót lại của cụ Sùng Đức vẫn còn tiêm nhiễm trịu trịu trong lòng. Sở học của Sùng Đức thật là thiết thật, thâm uyên, rất hợp với tư tưởng thánh hiền xưa vậy.
Lương Khê tiên sinh soạn bài biểu đề mộ cụ Sùng Đức ba tháng trước ngày tuẩn tiết. Đương hồi thiên hạ gian nan loạn lạc, tiên sinh lo việc tôn sùng đức nghiệp cụ Võ phu tử. Nhờ bài biểu ấy mà đạo cụ Võ được suy tôn thêm và ý nghĩa của thánh kinh càng thêm sáng tỏ.
Người cầu học trong đời, một khi thể nhận lời của Lương Khê tiên sinh sẽ chăm lo việc chí tình để đi đến chỗ sáng suốt, tinh thành kín đáo của đạo học. Chừng ấy, người không còn lầm tục học, dị đoan dời đổi lòng người, trái lại, được nhiều điều bổ ích cho tâm thần người lắm.
Ở đời việc thắng bại, lợi hại, con người đều có mạng, chớ cái mạch đạo vẫn trường tồn với vũ trụ.
Kìa người xưa có người đương thời vẫn khuất thân mà đạo của họ vẫn lưu hành hậu thế, giữa triều đình thì thấp thỏi, không danh vị, không được trọng vọng, thế mà tự chốn nhà hành cửa lá danh tiết được trọng vì như hàng “thi chúc” (thần thi, thần chúc), lâu đời càng sánh tỏ lời khen.
Nay tiên sinh đã ra người thiên cổ mà bậc đồng đạo hoặc đi xa, hoặc quá vãng, nên tôi kính cẩn biên lại đây để duy trì việc người trước, hầu sau chư quân tử có chỗ tra cứu được.”
Tự Đức năm Nhâm thìn (1868), trước thanh minh hai ngày, kẻ hậu học kính biên.
Nguyễn Thông

Mộ Phan Thanh Giản hiện ở tại làng Bảo thạnh, quận Ba tri tỉnh Kiến hòa.Theo ông Nguyễn Huy Oanh ghi trong : Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam.
Ở trước có bức bình phong đấp nổi sen le, hai bên có hai câu đối:
Giang sơn chung tú khí,
Âu Á mộ oai linh.
Mặt trong (mặt sau) đắp tùng lộc với hai câu đối :
Tiết nghĩa lưu thiên địa,
Tinh thần quán Đẩu Ngưu.
Kế đó có mộ bia lớn khắc :
Nam kì hải nhai lão thơ sanh Phan công chi mộ.
Kế đó là tấm bia nhỏ ghi :
Đại Nam Hiệp biện Đại học sĩ toàn quyền đại thần Phan công chi mộ
Cuối cùng sau nấm mộ hình quy bối trên vách có hai chữ 追 思 (truy tư)và hai bên có đôi liễn :
Xuân lộ thu sương cảm,
Sơn hoa dã thảo bi.

Cho đến nay, ai ở vào hoàn cảnh Phan Thanh Giản mới thấy rằng khó xử, người có trách nhiệm giữ thành, thành bị nguy khốn phải xả thân mà lo chống giữ, nhưng khi lượng sức mình, ông đã tỏ ra một bực tài trí và hết dạ thương dân, bởi vì sự chống trả chỉ làm cho dân chúng bị nạn đạo binh rồi vẫn nước mất nhà tan, nên ông chọn con đường thương thuyết, thế rồi Pháp đã thực hiện đúng cái mộng xâm lăng của mình.
Từ kinh nghiệm đó, người Pháp đã đi dần đến cuộc đô hộ cả Việt Nam. Ông giải quyết việc cứu sinh mạng nhân dân miền Nam chỉ là sự giải quyết nhất thời, bởi vì suốt 92 năm kể từ sau Hòa ước Nhâm Tuất (1862), dân miền Nam cũng như dân tộc Việt Nam đã theo Cần vương, các phong trào kháng chiến, bao nhiêu cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực, Thiên Hộ Dương, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học… với hàng nghìn chiến sĩ vô danh, đã phơi thây ở chiến địa hay bị tù đày gian lao khổ sở, ở những ngục tù từ trong cho đến ngoài nước, họ đã hy sinh thân mạng để dành lại độc lập cho nước Việt Nam, mà khi để mất độc lập Phan Thanh Giản chuộc tội mình bằng cả sinh mạng của ông.
Ông đã chọn, một cái chết quả cảm theo trọng trách của ông như là một vị tướng, thành mất thì tướng phải mất theo thành, ông đã làm tròn trách nhiệm của mình nên đã dùng chén thuốc độc quyên sinh sau 17 ngày tuyệt thực và sau 45 ngày thành mất. Đương thời nhà thơ ái quốc Nguyễn Đình Chiểu đã soi thấu tấm lòng một bậc trung thần nên đã khóc cho ông :
Trạm Bắc ngày trông tin nhạn vắng,
Thành Nam đêm quạnh tiếng quyên sầu.