Lời trần tình của 'cô Tây ế' về việc bị đàn ông Việt chê
“Có thể người ta không nhớ được tên cô, cũng như nhớ chính xác tên cuốn sách mà cô đã viết, nhưng những ngày này, chỉ cần nói đến cụm từ “cô Tây ế ở Hà Nội”, nhiều người đều à lên: “Có phải cái cô người Úc không?”.
Họ chỉ nhớ rằng có một cô Tây nổi đình nổi đám vì “dám” chê đàn ông Việt và than phiền rằng chẳng tìm được người đàn ông Việt nào để yêu và được yêu.
Bìa cuốn sách của Carolyn
Thế nhưng sự thực câu chuyện như thế nào khi chính “cô Tây ế” nói rằng mình không hề chê đàn ông Việt. Phóng viên đã liên lạc với “cô Tây ế” để biết rõ thực hư sau cuốn sách khiến nhiều người đàn ông Việt khô ng thể ngồi yên của cô"
“Cú sốc văn hóa” của gái Tây giữa lòng Hà Nội
Năm 2002, Carolyn Shine, một cô giáo dạy piano người Úc với cuộc sống bận rộn tại căn hộ của mình ở Sydney. Một tuần Carolyn dạy 25 học viên tại nhà và tuần này cứ nối tiếp tuần kia như vậy, Carolyn cảm thấy mình quá bận rộn và cuộc sống quá đơn điệu. Hơn nữa, việc dạy 25 học viên tại một căn hộ nhỏ khiến Carolyn cảm thấy quá chật chội. Cô quyết định làm “một cuộc đột phá” cho cuộc sống của chính mình.
Cô muốn chuyển tới sống tại vùng ngoại thành để thay đổi cuộc sống. Nhưng có một thực tế rằng nếu cô chuyển tới vùng ngoại thành thì có nghĩa rằng tất cả mọi thứ đều phải bắt đầu lại từ đầu. Và Carolyn nghĩ, tại sao không “đột phá” hẳn, cô nghĩ tới việc đến một đất nước khác.
Tham khảo thông tin trên các phương tiện, Carolyn đã nghĩ tới Bali và Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có nhiều điều cuốn hút nhưng duyên số với Việt Nam đã đến với cô khi một người bạn nói đến Hà Nội, Carolyn tìm vị trí trên bản đồ, không suy nghĩ nhiều, cô quyết định và mua một chiếc vé máy bay khứ hồi để mở chiều về.
Phải nói rằng tâm trạng và những suy nghĩ của Carolyn khi khởi hành chuyến đi tới Hà Nội đã ít nhiều ảnh hưởng tới “cú sốc” mà cô gái trẻ ấy trong quãng thời gian lưu lại tại nơi đây. Không chỉ muốn làm mới cuộc sống tại một đất nước có nền văn hóa khác, đến tận bây giờ cô không phủ nhận rằng lúc ấy mình đã chờ đợi hơn thế rất nhiều. Cô đã hi vọng vào một câu chuyện tình lãng mạn có thể xảy ra tại Hà Nội, mặc dù lúc ấy đối với cô, không cứ phải là một người đàn ông Châu Á hay Châu Âu, chỉ là một sự lãng mạn trong một thành phố hiền hòa, điều ấy thật tuyệt vời biết bao.
Carolyn tới Hà Nội và làm công việc dạy tiếng Anh cho người Việt Nam. Đây cũng chính là công việc giúp cô nhanh chóng hiểu được thêm nhiều về văn hóa Việt Nam. Nhưng qua những buổi trò chuyện với các học viên, Carolyn đi đến hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Khi cô hỏi những học sinh nam của mình rằng: “Trong số các bạn nếu được sinh ra 1 lần nữa, có ai muốn được làm phụ nữ không?”, sự im lặng bao trùm lên cả lớp học. Một học viên nam nói với cô: “Chẳng có người đàn ông nào lại muốn như vậy cả!”. Số khác thì cúi đầu không có câu trả lời.
Nhưng khi Carolyn hỏi ngược lại trong số các học viên nữ có ai từng ước mình là đàn ông hay không, thì phân nửa số học viên nữ giơ tay. Nhưng mặc dù vậy, hầu như ai cũng hài lòng về cuộc sống của mình hiện tại. Bổn phận của người phụ nữ là cung phụng và chăm sóc chồng, nấu ăn chăm sóc con cái và tất cả học viên của Carolyn rất hài lòng về điều đó.
“Tại sao đàn ông Việt, đặc biệt là trai Hà Nội, lại không muốn, hoặc không thể làm rung động con tim phụ nữ phương Tây?” cô tự hỏi và trong 18 tháng sống tại Hà Nội, Carolyn đã tìm thấy câu trả lời cho mình. Tuy có một thực tế là phụ nữ châu Á hấp dẫn hơn với đàn ông phương Tây hơn là đàn ông châu Á với phụ nữ phương Tây nhưng đối với Carolyn, đàn ông Việt Nam còn có nhiều điều khác khiến cô phải bỏ cuộc ý định tìm ý trung nhân của mình.
Nho giáo với truyền thống gia đình là một điều đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người đàn ông Việt. Hầu hết những người đàn ông Việt mà cô đã tiếp xúc đều tỏ ra muốn lấy vợ có điểm tương đồng về văn hóa, chứ không quan tâm tới việc lấy “một cô Tây” về làm vợ. Hơn nữa, một “cô Tây già” thì càng không! Carolyn nhận thấy người đàn ông Việt Nam khó lòng chấp nhận một cô dâu hơn tuổi của mình
Cũng theo Nho giáo thì phụ nữ muốn lấy chồng thì phải là trinh nữ, một điều kiện nghe khó lọt tai đối với một phụ nữ phương Tây, mặc dù người đàn ông lại không cần phải “giữ gìn” cho tới ngày lên xe hoa. Nhất là khi người phụ nữ bước qua tuổi 30, họ hoàn toàn bị gọi là “hàng tồn” và chẳng ai thích lấy một cô gái đã bước qua tuổi 30 cả.
Có một lần Carolyn được “ăn dưa bở” khi một thanh niên phục vụ tại quán nước mà cô hay lui tới tỏ ra rất quan tâm tới cô. Anh chàng chỉ trẻ hơn Carolyn một vài tuổi và luôn tỏ ra thân thiện với cô. Một ngày Carolyn rất bất ngờ khi chàng thanh niên ấy hẹn cô ra nói chuyện. Cô đã nghĩ hay là anh chàng có tình ý gì với mình và hồi hộp chờ đến buổi gặp gỡ.
Nhưng ngay từ đầu câu chuyện, chàng trai trẻ nói với cô rằng: “Tôi và bạn bè vẫn thường nhắc đến chị đấy. Mọi người cứ bảo chắc hẳn chị trông rất hấp dẫn khi 12 hay 15 tuổi.” Carolyn quá chán nản, và cô xách va-li trở về Sydney sau 18 tháng hi vọng có thể tìm được một người đàn ông phù hợp tại Việt Nam.
Thực hư về chuyện bị đàn ông Việt chê và chê đàn ông Việt
Carolyn hạnh phúc với cuộc sống hiện tại
Gần 10 năm sau, một cuốn sách ra đời có tên là “Single white woman in Hanoi” (tạm dịch: Người phụ nữ da trắng độc thân ở Hà Nội). Cuốn sách được xuất bản tại Úc và được giới thiệu trên CNN khiến cho dù chưa xuất hiện tại Việt Nam, cuốn sách đã được nhiều người Việt Nam đã biết đến. Bên cạnh những sự thích thú về câu chuyện “cô Tây ế” ở Hà Nội, nhiều đàn ông Việt tỏ ra bức xúc khi “bị gái Tây chê”.
Trên các diễn đàn, người ta thi nhau phân tích cho “cô Tây ế” hiểu rằng tại sao cô lại bị chê và tại sao cô lại không thấy đàn ông Việt Nam hấp dẫn. Thậm chí, có nhiều người còn thuyết phục cô trở lại Việt Nam và làm bạn với họ. Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với Carolyn khi cô vừa trở về Sydney sau một chuyến du lịch ngắn ngày cùng bạn bè.
- Xin chào Carolyn, chị có thể cho độc giả biết một chút về cuộc sống của mình hiện nay được không?
- Tất nhiên rồi. Từ ngày trở về Sydney, tôi trở lại với công việc như một nhạc công và đi dạy piano. Suốt mấy năm đầu sau khi trở về Úc, tôi đã dành thời gian để viết sách. Trong khoảng thời gian đó, tôi đã trở lại chơi Việt Nam một vài lần. Chủ yếu để thăm một số bạn bè của mình, người Việt cũng có, “người Tây” cũng có, và nhớ lại quãng thời gian mình đã sinh sống tại đây.
Riêng trong năm nay, sức khỏe của tôi không được tốt nên tôi tạm nghỉ việc dạy đàn để nghỉ ngơi, chữa trị bệnh và viết sách. Tôi thường xuyên gặp gỡ bạn bè, chăm sóc chú mèo và thích chụp ảnh cây cối trong khu vườn của mình.
- Cuốn sách và những ý kiến của chị rất được mọi người quan tâm ở Việt Nam. Chị có nghĩ rằng những điều chị nêu trong cuốn sách làm đàn ông Việt Nam có chút “nóng mặt” không?
- Tôi nghĩ rằng có thể cuốn sách về những kinh nghiệm của cá nhân mình trải qua chạm đến được một xu hướng đang diễn ra tại Việt Nam chăng? Việt Nam phát triển rất nhanh và giờ đây sự hội nhập của phương Tây đang phát triển mạnh mẽ. Có thể giờ nhiều người muốn biết hình ảnh của mình trong mắt người phương Tây như thế nào.
- Chị có nhận được nhiều phản hồi của người Việt Nam, đặc biệt là đàn ông Việt không sau khi nhiều người ở Việt Nam biết đến chị?
- Tôi không có một khái niệm nào rằng mình đã được biết đến nhiều ở Việt Nam bởi cuốn sách của tôi còn chưa được dịch và đến tận tay với bạn đọc ở Việt Nam. Có chăng là nhờ bài báo của CNN đã được dịch bởi BBC đến được với những người quan tâm.
Nhưng thật vui vì sau khi đọc bài giới thiệu về cuốn sách của tôi của CNN, có rất nhiều phản hồi tích cực từ những người Việt Nam là nam giới. Rất nhiều người trong số họ đồng tình với những gì tôi đã cảm nhận. Họ nói rằng đúng là họ có những ý nghĩ như vậy nhưng hiện giờ những suy nghĩ của họ cũng đã và đang thay đổi tích cực hơn.
- Cuốn sách của chị viết về bất đồng văn hóa và những khó khăn của một người phụ nữ nước ngoài khi sinh sống tại Hà Nội, nhưng hầu như mọi người đều nghĩ rằng chị phàn nàn vì “bị ế”. Trên các diễn đàn nhiều người còn muốn lý giải tại sao đàn ông Việt Nam không mấy mặn mà với phụ nữ phương Tây. Chị nghĩ sao về điều này?
- Thật là một sự hiểu lầm hoàn toàn khi nghĩ rằng tôi phàn nàn về đàn ông Việt Nam. Tôi chưa bao giờ làm vậy. Với 18 tháng ở Việt Nam, tôi tìm hiểu về văn hóa cũng như trò chuyện với rất nhiều phụ nữ Việt Nam. Cuốn sách của tôi giống như một quyển hồi ký ghi lại chặng đường tìm hiểu sự khác biệt văn hóa của bản thân mình.
Tôi có nhắc đến những người đàn ông Việt bởi quả thật tôi rất thích người đàn ông Việt Nam nhưng những khác biệt quá nhiều về văn hóa khiến tôi sớm nhận ra rằng mình không thể có được một mối quan hệ như mong muốn với một người đàn ông Việt.
Có người hỏi về vấn đề xuất bản cuốn sách của tôi bằng tiếng Việt, nhưng nếu có cơ hội như vậy, tôi mong muốn có một người dịch thật khách quan và hiểu được cơ bản về những khác biệt văn hóa tôi muốn nói đến. Bởi khi xuất bản cuốn sách tại Úc, nhiều người cho rằng không nhiều người Việt Nam có thể hiểu được hết về tại sao những người nước ngoài như chúng tôi lại suy nghĩ như vậy.
- Chị nghĩ thế nào nếu bây giờ có một người đàn ông Việt Nam nói với chị rằng: “Carolyn, hãy lấy tôi đi, tôi không quan tâm tới việc em bao nhiêu tuổi và trông em thế nào”?
- Xin lỗi cho tôi được phép không trả lời câu hỏi này. Hiện giờ tôi đã có người ở bên cạnh mình, và không có ý định đi tìm một người bạn trai Việt Nam. Tôi đã từ bỏ ý nghĩ đó gần 10 năm trước khi tìm ra được nguyên nhân về khác biệt văn hóa và cảm thấy mình không thể vượt qua nó.
- Vậy chị có ý định quay trở lại Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội không?
- Tôi rất nhớ Hà Nội. Khoảng thời gian tôi ở Hà Nội rất dễ chịu với nhiều kỷ niệm đẹp cùng những người sống quanh tôi lúc ấy. Đặc biệt, tôi rất thích nghe giọng và tiếng Việt của người Hà Nội. Tôi mong sẽ quay trở lại Hà Nội sớm vào năm tới.
- Cảm ơn Carolyn. Chúc chị nhiều sức khỏe và đạt được nhiều thành công mới!
Theo Phunutoday