• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

‘Đơn Dương đã chết trong oan nghiệt’

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • ‘Đơn Dương đã chết trong oan nghiệt’

    ‘Đơn Dương đã chết trong oan nghiệt’
    Với đạo diễn Đào Bá Sơn, Đơn Dương ra đi để lại khoảng trống cho điện ảnh Việt; nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín không bao giờ hổ thẹn khi đã đưa Dương đến với nghệ thuật; Diễm My xem Đơn Dương là người đàn ông ga-lăng nhất; riêng đạo diễn Việt Linh, ‘Đơn Dương đã chết trong oan nghiệt’.

    “Đơn Dương ga lăng, cá tính mạnh và rất Nam Bộ”
    Là người anh rể, đạo diễn Lê Cung Bắc cho biết diễn viên Đơn Dương bị một cơn tai biến nhẹ và sau khi tiến hành phẫu thuật, anh đã tỉnh lại. Bác sĩ khẳng định anh đã rất may mắn khi vượt qua được cơn tai biến và ca phẫu thuật. Tuy nhiên sau đó vài giờ Đơn Dương đã rơi vào trạng thái hôn mê sâu vì tràn máu não. Đến sáng 7.12, diễn viên Đơn Dương đã phải thở oxy và mọi sự nỗ lực cứu chữa đều vô hiệu, tim nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh đã ngừng đập.
    Tin Đơn Dương qua đời bên Mỹ sáng 7.12 khi chỉ mới 55 tuổi đã khiến nhiều người trong giới và công chúng mến mộ cảm thấy bàng hoàng và nuối tiếc không ngừng. Giọng nghẹn ngào, đạo diễn Đào Bá Sơn chia sẻ với Xzone: “Đó là một sự ra đi quá đột ngột, xúc động và để lại trong tôi nhiều điều đáng tiếc. Tôi vẫn không tin tại sao Dương có thể mất trong khi đang ở tuổi 55 với sức khỏe rất tốt”.


    Diễn viên Đơn Dương và đạo diễn Đào Bá Sơn


    Diễn viên Đơn Dương tên đầy đủ là Bùi Đơn Dương, sinh ngày 27.8.1957 tại Đà Lạt. Anh đến với điện ảnh lần đầu tiên vào năm 1982 với vai diễn trong bộ phim Pho tượng. Ngay sau đó anh xuất hiện trong vô số những bộ phim tạo được tiếng vang khác như: Đời cát, Rồng Xanh, Mê Thảo – Thời vang bóng, Ngõ đàn bà, Lời thề, Người đẹp Tây Đô, Canh bạc, Phía sau cuộc chiến… Ngoài ra anh cũng từng xuất hiện trong một số bộ phim hợp tác với nước ngoài như: Ba mùa (Three Seasons - 1999), We were soldiers (Chúng tôi từng là lính), Người cha (The Anniversary – 2003) trong tổng số 38 phim đã tham gia.
    Với số vốn phim điện ảnh ấn tượng, Đơn Dương đã để lại trong lòng bạn bè, đồng nghiệp một cái nhìn đẹp, tốt và đáng ngưỡng mộ về người nghệ sĩ có tâm, có tài với nghề. “Chúng tôi đã làm việc chung với nhau rất nhiều phim. Riêng ngoài đời, tôi và Dương là hai anh em chơi rất thân cùng với Nguyễn Chánh Tín. Phải công nhận Dương là người có cá tính khá mạnh và trực tính. Khi làm việc thì Dương luôn hết mình. Đó là hình ảnh về một người nghệ sĩ biết yêu nghề từ chính sự tự học hành, tự mày mò, tìm tòi, sáng tạo của mình mà không qua trường lớp đào tạo chính quy về điện ảnh”, đạo diễn Đào Bá Sơn nhớ về diễn viên Đơn Dương.
    Khác với đạo diễn Đào Bá Sơn với giọng đượm buồn, khá nghẹn ngào khi kể về Đơn Dương, nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín lại có lúc điềm tĩnh, có lúc cười hạnh phúc và đầy tự hào khi nhắc về đàn em quá thân thiết với mình trong cuộc sống, đồng thời cũng chính là người học trò đặc biệt của mình. “Đơn Dương là đàn em của tôi. Hai anh em chơi rất thân với nhau. Tuy tôi là người miền Nam, Dương người miền Bắc nhưng tính cách rất thuận. Lí do là bởi tuy Dương người Bắc nhưng có tính cách rất Nam Bộ. Người miền Bắc thường ăn nói rất khéo léo nhưng Dương thì rất rất sỗ sàng, không có chút gì gọi là đặc trưng của người miền Bắc. Tôi thích tính cách vui vẻ, thẳng thắn nhưng ham vui của Dương. Bật mí luôn rằng Dương chính là một trong những người bạn nhậu hằng ngày với tôi. Khi còn ở Việt Nam, tôi mở nhà hàng tại quận 10, còn nhà hàng của Dương ở quận 3 nên chẳng đụng chạm gì nhau. Tôi mở trước nhưng lại truyền hết kinh nghiệm cho Dương. Quan trọng nhất, chúng tôi thường chạy qua chạy lại để ngồi nhậu với nhau và kéo khách qua lại để làm ăn phát đạt”.
    Nghệ sĩ Chánh Tín còn cho biết, bộ ba Tín – Dương – Sơn còn là những người bạn thân thiết để trút bầu tâm sự chuyện đời, chuyện nghề. “Tôi, Đào Bá Sơn và Đơn Dương có chung một sở thích đá banh nên thường xuyên tụ tập để tạo ra các đội bóng đấu với nhau. Đội nào thua thì cứ việc trả tiền bia rượu. Điều thú vị nhất là hễ Đơn Dương cùng chung đội thì tôi mới đá thắng, nếu tách sang đội khác thì tôi cứ thua hoài”, nghệ sĩ Chánh Tín kể.

    Đơn Dương và nữ diễn viên Diễm My


    Về phía mình, diễn viên Diễm My cho biết chị có dịp đóng với Đơn Dương trong phim Phía sau cuộc chiến tại Đà Nẵng vào năm 1990 và ấn tượng lớn nhất với chị khi nhắc đến người nghệ sĩ tài hoa, bạc mệnh này chính là sự ga lăng rất đáng yêu ở anh. “Anh Đơn Dương vui tính và hài hước lắm. Anh luôn thích giỡn đùa, hòa đồng chứ không quá khó tính hay ít nói, tỏ ra im lặng để khiến người khác cảm thấy không thoải mái khi tiếp xúc. Đơn Dương, Quang Đại và Trực Đoan là bộ ba tài tử những năm 90 mà tôi đã có dịp làm việc. Ai cũng hài hước, vui tính và hồn nhiên. Đặc biệt với Đơn Dương, tôi thích cách anh ga lăng với phụ nữ. Thường người đàn ông tỏ ra ga lăng với phụ nữ khi họ thích, muốn tán tỉnh hay cưa người phụ nữ đó, nhưng với Đơn Dương thì khác, anh luôn công bằng với tất cả chị em. Anh lúc nào cũng ưu ái, nhường nhịn phụ nữ. Đơn Dương rất ga lăng với tôi nhưng không phải vì anh thích tôi mà vì anh muốn tôn trọng, quý mến phụ nữ. Tôi nhớ mãi về tính cách đáng ngưỡng mộ này của anh”.
    “Không hổ thẹn khi đưa Dương đến với nghề”
    Nhắc đến Đơn Dương người ta nhớ nhiều nhất đến anh với vai diễn trong Mê Thảo – Thời vang bóng của đạo diễn Việt Linh. Chia sẻ về bộ phim này, anh đã từng tâm sự: “Mê Thảo - Thời vang bóng có thể là phim cuối cùng của tôi. Tôi rất tiếc không còn dịp để được hóa thân vào nhân vật, được thăng hoa cảm xúc với những vai diễn. Tôi không bao giờ quên thời gian làm phim, với biết bao tâm huyết, công sức của cả tập thể”. Để nhập vai Tam (sau này là thầy Quản) một cách nhập thần nhất, Đơn Dương đã phải học đánh đàn nguyệt, đàn đáy suốt cả tháng trời. Câu chuyện tình yêu tha thiết, sâu lắng trong phim giữa nhân vật của Đơn Dương với Tơ (Thúy Nga đóng) từng gây nhiều xúc động cho người xem. Sự ăn ý trong diễn xuất cũng như quá nhập tâm vào vai diễn nhất là phân đoạn anh gục xuống cây đàn oan nghiệt bên những ngón tay nhỏ máu đầy tính nhân văn cao đẹp. Việc bộ phim xuất sắc nhận giải Bông hồng vàng - tại Liên hoan phim Bergamo, Ý năm 2003 là thành quả xứng đáng trước nỗ lực cống hiến của anh.

    Đơn Dương trong phim Mê Thảo - Thời vang bóng và đạo diễn của phim Việt Linh cùng nữ diễn viên Thúy Nga
    Khi được Xzone thông tin về cái chết của Đơn Dương, người bạn diễn một thời của Đơn Dương - diễn viên Thúy Nga - đã không khỏi bất ngờ và xúc động khi liên tục hỏi lại câu: “Có thật anh Dương đã chết không?”. Nói về bạn diễn bạc mệnh, nữ diễn viên Thúy Ngabộc bạch: “Qua lần làm việc trong phim Mê Thảo – Thời vang bóng, tôi rất thích cách làm việc của anh Dương. Anh chính là nguồn động viên để tôi có đam mê với nghề. Tôi ngưỡng mộ vì anh đã đứng rất vững trong nghề. Mọi thứ anh ấy đều hơn nên tôi cảm thấy vững vàng khi được diễn cùng. Anh diễn rất chân thực, diễn cứ như mang cả cuộc sống ngoài đời vào nhân vật”.
    Với tài năng nghệ thuật, Đơn Dương đã để lại cho đời tổng cộng 38 bộ phim khác nhau, một con số đáng mơ ước của lớp diễn viên cùng thời và là “số vốn” đáng trân trọng của làng điện ảnh nước nhà. “Dương có khát vọng rất lớn để làm tốt nhân vật mình đảm nhận. Dương đã sống với nghề bằng đam mê và không quản ngại khó khăn. Với tôi, việc Dương không đóng phim sẽ để lại một khoảng trống cho nền điện ảnh Việt Nam. Lí do bởi những nhân vật Dương đóng luôn tạo được dấu ấn riêng mà khó ai làm được. Có thể nền điện ảnh Việt còn nhiều gương mặt tài năng khác để thế vai Dương đóng, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ không tìm ra một cá tính như Đơn Dương trên màn ảnh”, đạo diễn Đào Bá Sơn khẳng định.
    Nhớ về Đơn Dương, nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín cho biết chính anh là người đã trực tiếp đưa Đơn Dương đến với nghệ thuật thứ 7. “Trực tiếp dẫn Dương vào điện ảnh vì tôi quá thích sự ngây thơ trong tính cách và niềm đam mê điện ảnh của cậu ấy. Do chơi thân với anh rể cậu ấy là đạo diễn Lê Cung Bắc nên tôi đã giới thiệu cả hai vợ chồng cậu ấy cho các đạo diễn, hãng phim, thế là cậu từng bước thành công và nổi tiếng luôn. Nói thật, dù thế gian có thay đổi thế nào chăng nữa, tôi vẫn không bao giờ cảm thấy hổ thẹn vì đã trực tiếp đưa người em Đơn Dương vào nghề”, nghệ sĩ Chánh Tín chia sẻ thêm.

    Đơn Dương trong phim Canh bạc và nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín
    “Anh có lỗi nhỏ nhưng đã chết trong oan nghiệt
    Bỏ qua những cống hiến và dấu ấn trên màn ảnh, khi nhắc về Đơn Dương, nhiều ý kiến cho rằng anh là người “lắm tài nhiều tật” bởi những chuyện thị phi, scandal liên quan anh khá nhiều. Cụ thể, khi tham gia vào 2 bộ phim Rồng xanh We were soldiers (Chúng tôi từng là lính) với vô số những chi tiết không trung thực về cuộc cách mạng của Việt Nam, anh đã bị lên án gay gắt. Đứng trước dư luận và pháp luật xã hội không ủng hộ, anh đã quyết định sang Mỹ định cư với gia đình. Chia sẻ về nỗi khổ không mong muốn này của Đơn Dương, nghệ sĩ Chánh Tín cho biết: “Khi Dương quyết định sang Mỹ định cư, tôi đã khuyên răn rất nhiều vì tiếc. Tôi bảo 'Cậu chỉ có thể làm nghề và nổi tiếng ở Việt Nam thôi. Chỉ có điện ảnh Việt mới cho cậu cơ hội làm nghề', nhưng vì Đơn Dương còn có gia đình nên cậu phải ra đi. Dương từng nói với tôi rằng 'Em sẽ trở về Việt Nam vào một ngày nào đó sớm nhất để tái ngộ khán giả mến mộ', nhưng giờ thì niềm mong mỏi nhỏ nhoi đó đã không bao giờ được thực hiện”.

    Đơn Dương trong phim Đời cát (bên trái) và phim Chúng tôi là lính - bộ phim mang lại thị phi cho cuộc đời anh (bên phải)
    Đó là chuyện nghề, riêng về chuyện đời, Đơn Dương cũng từng dính phải nhiều thị phi đình đám khiến công chúng phải quan tâm. Theo báo chí, anh đã từng gian dối trong chuyện li hôn, kết hôn, làm giấy tờ giả để đưa vợ con sang Mỹ sinh sống và nhận được 10.000 đô la. Ngoài việc li dị với vợ tại Việt Nam, khi chuyển qua California sinh sống anh đã li dị vợ lần hai với nhiều sai lầm, vấp ngã. Tiếp đến, năm 2007 Đơn Dương lại dính vào vụ kiện tụng ảnh nude, băng sex cũng ầm ĩ không kém. Phải kéo dài nhiều năm sau đó, trải qua hai lần kiện tụng cuối cùng Đơn Dương được trắng án và trở lại với cuộc sống bình yên.

    Về cái gọi là “lắm tài nhiều tật” của Đơn Dương, chia sẻ với Xzone, nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín thẳng thắn nhìn nhận “Cái đó có phần đúng vì tuy tính Dương rất dễ thương nhưng lại rất nóng nảy, bộc trực và quan trọng là cậu ấy không biết khôn khéo. Bởi thế anh mới vướng nhiều chuyện thị phi chẳng hay ho gì trong cuộc đời”. Hỏi anh đã chia sẻ thế nào về những “thói hư, tật xấu” của Đơn Dương, nghệ sĩ Chánh Tín tâm sự: “Dẫu biết Dương có nhiều thị phi nhưng khi đã là anh em, tôi lúc nào cũng chịu được, thậm chí còn thân luôn với cái xấu của cậu ấy. Tóm lại, vì Dương là em út thì tôi biết phải làm sao bây giờ?”.
    Đạo diễn Việt Linh - người từng làm việc với Đơn Dương cho hay, bà đang có ý định viết câu chuyện dài về cuộc đời Đơn Dương. Nói về sự ra đi đột ngột của ngôi sao một thời, đạo diễn Việt Linh chỉ gói gọn: "Anh ấy đã chết trong oan nghiệt".
    Hà Nhuận Nam


    Similar Threads
  • #2

    Đơn Dương đã rời VN thế nào?

    Đơn Dương đã rời VN thế nào?

    Hollywood lên tiếng ủng hộ vì nghe tin Đơn Dương gặp khó khăn tại Việt Nam
    Hồi đầu thế kỷ, nhân dịp 25 năm chiến tranh Việt Nam chấm dứt, Hollywood sản xuất nhiều cuốn phim về đề tài này. Ngoài phim về chiến tranh, còn có phim về nước Việt Nam, và một số phim về người Việt Nam tại Mỹ.
    Một diễn viên Việt Nam xuất hiện trong cả hai phim đó, là Đơn Dương. Trong We Were Soldiers, đơn vị 365 quân Mỹ bị một sư đoàn Bắc Việt bao vây và cả hai bên đều chiến đấu dũng cảm.
    Cuốn phim chuyển qua chuyển lại giữa cái nhìn của bên Mỹ và cái nhìn của bên Bắc Việt Nam. Mel Gibson đóng vai trung tá chỉ huy phía Mỹ. Đơn Dương đóng vai Trung tá (sau này là tướng) Nguyễn Hữu An, người chỉ huy bên quân đội Bắc Việt.
    Trong Green Dragon, Đơn Dương đóng vai một ông bố đưa gia đình đi di tản sau 30 tháng 4. Họ tới được trại tỵ nạn trong Camp Pendleton.
    Patrick Swayze đóng vai viên sĩ quan phụ trách người tỵ nạn, còn Forest Whitaker đóng vai một anh lính đầu bếp, anh dùng tranh vẽ của mình để làm quen với một em bé tỵ nạn và qua em bé học thêm về văn hóa Việt Nam.
    Trong phim, có một đoạn Đơn Dương cầm ghi ta hát bài "Sài Gòn niềm nhớ không tên" của nhà văn Nguyễn Đình Toàn: "Sài Gòn ơi, ta nhớ người như người đã mất tên, như dòng sông nước quẩn quanh buồn."
    'Kẻ phản động'
    Niềm vui với hai cuốn phim Hollywood chưa trọn, khi Đơn Dương về tới Việt Nam thì bị hạch sách quấy nhiễu.
    Báo chí thời đó chạy nhiều bài viết tố cáo Đơn Dương bằng những lời lẽ rất nặng - loại lời lẽ mà có thể khiến Đơn Dương bị tù, bị kết án tử hình - những chữ như "phản động," "phản bội," "bán nước." Cả các con Đơn Dương cũng bị đấu tố, và quán ăn Đơn Dương mở chung với gia đình bị đập phá.
    Phim "," chỉ vì có Đơn Dương đóng trong đó, cũng gặp khó khăn khi muốn được chiếu ở các đại hội điện ảnh, liên hoan phim ở ngoại quốc.
    Những điều này khiến Hollywood để ý. Giới đạo diễn, diễn viên, các nhà báo chuyên đề Hollywood, xưa nay vốn ít quan tâm đến chính trị ở nơi xa xôi, hoặc có cảm tình với nước Việt Nam sau chiến tranh, bỗng nhìn thấy một sự thật khác ở đất nước đó.
    Một thỉnh nguyện thư, mang những chữ ký nổi tiếng của giới điện ảnh Mỹ, được chuyền tay nhau kêu gọi Việt Nam ngưng áp bức gia đình Đơn Dương.
    Đồng thời, họ liên lạc với các chính trị gia Mỹ, yêu cầu chính phủ Mỹ can thiệp.
    Trong số tài liệu Wikileaks lộ ra, tên tuổi Đơn Dương (họ Bùi) xuất hiện nhiều lần. Một trong những lần sớm nhất là công điện đề ngày 1 tháng 10, 2002, mang tựa đề "Cuộc họp với Trợ lý Bộ trưởng Hùng."
    Mục đích của cuộc họp giữa ông Nguyễn Đức Hùng (sau này là đại sứ ở Singapore và ở Canada) là chuẩn bị cho hội nghị APEC, nơi Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ gặp Tổng thống George W. Bush. Tuy nhiên, ông Hùng đã phải nghe Đại sứ Ray Burghardt nêu vấn đề Đơn Dương.
    Ông Burghardt nói "báo chí quốc tế cũng như rất nhiều thư từ các nhân vật điện ảnh Hollywood" cho rằng Đơn Dương bị tịch thu hộ chiếu và bị dọa sẽ còn bị phạt nặng hơn nữa. Rồi ông yêu cầu ông Hùng hỏi bên văn hóa sự thật là thế nào.
    Cũng khoảng cùng lúc đó, bên Mỹ chuẩn bị sắp xếp để Đơn Dương có thể đi định cư được nếu muốn. Một công điện 2 ngày sau, đề ngày 3 tháng 10, là công điện của tòa đại sứ tại Hà Nội xin Bộ Ngoại giao phê chuẩn hồ sơ tỵ nạn cho diễn viên Bùi Đơn Dương, vợ, và hai con.
    Công điện này cho biết trước đây bà Suzie Bùi, chị của Đơn Dương và là mẹ của hai đạo diễn Timothy Linh Bùi (Green Dragon) và Tony Bùi (Ba Mùa), đã có làm giấy bảo lãnh rồi nhưng sau này không tiếp tục nữa nên hồ sơ đã đóng.
    Công điện của Mỹ
    Mô tả tình hình của Đơn Dương, tòa đại sứ viết:
    "Bùi bị đối diện với cả một phong trào lớn tiếng chống lại cá nhân ông, hầu hết vì vai đóng trong phim 'We Were Soldiers' của Mỹ nhưng cũng vì các vai trước đây trong hai phim quốc tế 'Three Seasons' và 'Green Dragon.'
    Ông bị tố cáo không chính thức vào tội 'phản bội tổ quốc,' một lời tố cáo đáng quan ngại tại Việt Nam, nơi mà hiến pháp bắt buộc mọi công dân 'bảo vệ sự thống nhất đất nước.'"
    Bản công điện viết tiếp:
    "Hộ chiếu của Bùi đã bị tịch thu, ông dường như đã bị cấm ra nước ngoài đóng phim vào tháng 11, và có những nỗ lục để cấm ông diễn - nghề kiếm sống duy nhất của ông - trong ít nhất 5 năm nữa."
    Không chỉ dùng pháp luật áp chế, Đơn Dương còn bị sách nhiễu như trong một cuộc đấu tố:
    "Ông bị quấy nhiễu mỗi tối với điện thoại của an ninh gọi tới, bị theo dõi mỗi khi ra khỏi nhà, và cho biết bạn bè và hàng xóm lo sợ tránh né. Ông bị công an thẩm vấn hôm 2 tháng 10 và tỏ vẻ lo sợ là sắp bị bắt giam, mặc dù lý do để bắt thì không ai nói rõ cho ông trừ những điều đã nói ở trên. Ông đã bị gọi là 'kẻ phản bội' trong báo chí của nhà nước và của đảng Cộng sản."
    Được xuất ngoại

    Đơn Dương trong vai trung tá Nguyễn Hữu An của Quân đội Nhân dân Việt Nam
    Nửa năm sau, Đơn Dương được xuất ngoại với vợ con. Cùng đi với gia đình ra Tân Sơn Nhất là nhân viên tòa tổng lãnh sự, và họ về kể lại trong công điện ngày 10 tháng 4, 2003, với tựa đề nặng nề: "Sách nhiễu tới phút chót."
    Đó là sau khi Đơn Dương đã bị sách nhiễu, các con ông cũng bị làm khó dễ trong trường, và côn đồ tới phá nhà hàng của gia đình ông, bản công điện viết. Ông bị gọi lên công an phường, ông khất, rồi cuối cùng ra đi mà không lên gặp công an.
    Khác với nhiều lần trước, lần này hải quan không cho nhân viên tòa tổng lãnh sự vào trong để tiễn người. Khi được hỏi tại sao thì mỗi người trả lời mỗi khác. Có người bảo nhân viên lãnh sự "chỉ được tiễn công dân nước họ."
    Có người bảo "khu vực hải quan không cho phép nhân viên lãnh sự vào" - trong khi thật ra thì "mới thứ Sáu tuần trước thì không có luật đó." Rồi khu vực công an cửa khẩu cũng được cho là không cho phép vào, và "một lần nữa, mới thứ Sáu tuần trước thì không như thế."
    Một người quay phim, tự xưng là của Truyền hình Việt Nam, theo quay phim gia đình Đơn Dương rời nước, đi qua luôn chặng kiểm soát.
    Đến chỗ khai hải quan, nhân viên tòa tổng lãnh sự bị chặn lại. Lý do này nọ được đưa ra. Nhân viên tổng lãnh sự quán bảo, mới thứ Sáu tuần trước chúng tôi không bị chặn, thì hải quan chỉ nhún vai lắc đầu bảo, luật trên thay đổi rồi.
    Hai người cấp trên tới, nhưng thay vì giải quyết cho lãnh sự vào trong, một trong hai người bắt đầu khám xét hành lý gia đình Đơn Dương "một cách chậm chạp và ôi trời ơi kỹ càng làm sao," công điện viết. Một nhân viên lãnh sự Úc cũng tới và cũng không được cho vào trong.
    Tuy không được vào, nhưng nhân viên lãnh sự cũng đứng nhìn và thấy gia đình bị đưa vào một phòng nhỏ, nơi có ít nhất 8 viên hải quan bu vào lục soát hành lý gồm 6 va li và 3 thùng. Họ lục từng món hàng. "Họ chụp nhiều tấm ảnh của đồ đạc, quần lót bị giơ lên soi ánh đèn."
    Sau một giờ lục soát, hải quan cho phép gia đình gói đồ lại, lại chạy qua X-ray, rồi đẩy đi. Đơn Dương được đưa qua một quày khác, rồi bị bắt phải ký một xấp giấy tờ - "phải hứa hẹn cái gì thì chúng tôi không biết," công điện viết.
    Hãng EVA đã phải giữ máy bay lại trong 15 phút để chờ gia đình Đơn Dương.
    "Qua cửa kính, nhân viên lãnh sự quan sát thấy gia đình đi qua được hành lang xuất phát, đi thẳng tới cầu qua máy bay. Người 'quay phim' tiếp tục quay cho tới phút chót, trong khi một đám đông nhân viên an ninh đứng đầy phòng đợi của người đi."
    Chuyến bay cất cánh lúc 3:15, với gia đình Đơn Dương trên đó, bay qua California với bà Suzie Bùi, chị ông.
    Ông đã, như công điện viết, bị chính quyền "xua đuổi ra khỏi quê hương mình."
    Vũ Quý Hạo Nhiên.
    Xem thêm:

    Sinh năm 1957 tại Đà Lạt, Đơn Dương là một trong các diễn viên nổi tiếng ngay sau 1975. Ông đã tham gia nhiều bộ phim sản xuất trong nước như Mê thảo - Thời vang bóng (đạo diễn Việt Linh - 2002), Canh bạc (đạo diễn Lưu Trọng Ninh – 1991), Đời cát (Nguyễn Thanh Vân – 2000), Giữa dòng (Mỹ Hà – 1995), Người đẹp Tây đô (Lê Cung Bắc – 1996). Trên hình là một cảnh trong phim Mê Thảo (2002)
    Sự nghiệp của Đơn Dương qua ảnh


    Phim Mê Thảo - Thời Vang Bóng
    Đạo diễn : Việt Linh.
    Diễn viên : Đơn Dương, Dũng Nhi, Minh Trang.
    Kịch bản: Phạm Thùy Nhân, Nguyễn Tuân
    Nội dung phim:
    Vô tình giết chết một tên công tử, Tam phải bỏ trốn và được Nguyễn, ông chủ ấp Mê Thảo cưu mang vì khâm phục tài chơi đàn của Tam. Tam đành chia tay Tơ, người tri âm tri kỷ của mình. Nguyễn trở về ấp Mê Thảo, chuẩn bị cho ngày cưới thì một tai nạn ập đến cướp mất vợ anh. Từ đó, Nguyễn căm hận tất cả những gì thuộc về thế giới văn mình và sống trong đau khổ dằn vặt của quá khứ. Cô Cam, người ở trong nhà Nguyễn lặng lẽ yêu ông chủ và chịu nhiều đau khổ. Tam đi tìm Tơ để mong tiếng hát của cô cứu mạng Nguyễn. Nhưng Tơ chỉ hát khi ai đàn cầy đàn có ma của chồng cô, mà theo lời nguyền ai đàn cũng sẽ chết...
    Đã chỉnh sửa bởi Mayvienxu; 11-12-2011, 07:26 PM.

    Comment

    Working...
    X
    Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom